9 tháng 6, 2008
VỀ SỰ BIẾN ĐỔI CỦA KHUÔN MẪU GIA ĐÌNH VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
VỀ SỰ BIẾN ĐỔI CỦA KHUÔN MẪU GIA ĐÌNH VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
TRỊNH HÒA BÌNH
Gia đình là phạm trù xuất hiện rất sớm trong lịch sử loài người; là một thiết chế xã hội quan trọng, liên quan đến hoạt động của toàn xã hội và mỗi cá nhân. Theo quan điểm hệ thống, mỗi thiết chế ấy biến đổi sẽ dẫn đến cả hệ thống biến đổi và ngược lại, những thiết chế xung quanh gia đình trong hệ thống xã hội nói chung (như kinh tế, pháp luật, văn hóa…) biến đổi cũng khiến cho gia đình biến đổi theo. Gia đình Việt Nam không nằm ngoài quy luật này. Vậy khuôn mẫu gia đình Việt Nam hiện nay đã có những biến đổi gì trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập? Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28.6), Tạp chí xin giới thiệu một số phân tích, lý giải về vấn đề này.
Biến đổi gia đình Việt Nam từ sau đổi mới và những kiến giải khoa học
Trên bình diện quản lý xã hội, qua sự thay đổi trong các nội dung điều, khoản của Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2000 so với nội dung trước khi sửa đổi có thể thấy được những biến đổi trong thiết chế xã hội đặc biệt này trước và sau đổi mới. Căn cứ vào Luật Hôn nhân và gia đình mới, người ta nhận thấy đã có những biến đổi sau: Thứ nhất, quan niệm về gia đình, vấn đề sở hữu, các mối quan hệ trong gia đình có nhiều biến đổi. Thứ hai, gia đình biến đổi theo hướng có nhiều yếu tố cá nhân hơn. Thứ ba, các vấn đề trong gia đình ngày càng đa dạng và trở nên phức tạp1. Đây là một thực tế không thể phủ nhận được trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi trên các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội…
Từ cách tiếp cận xã hội học, xét về bản chất, gia đình có 4 chức năng cơ bản (sinh sản, giáo dục, kinh tế và tâm lý - tình cảm). Cả 4 chức năng này đã và đang xuất hiện những yếu tố mới. Điều này đã được nhiều nghiên cứu chuyên sâu về gia đình chỉ ra. Tuy nhiên, song hành cùng sự biến đổi về kinh tế, xã hội ở nước ta, chức năng nào biến đổi nhiều nhất, tạo được dấu ấn rõ nét cho khuôn mẫu mới của gia đình trong xã hội hiện đại vẫn đang là vấn đề có nhiều bàn cãi. Một số nhà nghiên cứu cho rằng: “Nếu có gì gọi là mới trong gia đình Việt Nam hiện đại thì có lẽ là sự tăng cường yếu tố dân chủ trong cái tổ chức rất đáng yêu, cần phải yêu này. Xã hội mới tạo điều kiện cho mỗi người có giá trị tự thân. Thêm một nhân tố nữa để bảo đảm sự bình đẳng trong các tương quan và chức năng của mỗi thành viên trong gia đình. Không có áp bức, thống trị ở đây - xét về mặt khái quát”2.
Nhiều học giả khác lại cho rằng, vấn đề giáo dục gia đình đang có xu hướng thay đổi trong xã hội hiện đại bởi những vấn đề mà giới trẻ hiện nay đang gặp phải như các tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng, sự tôn kính đối với ông bà cha mẹ có xu hướng giảm sút… hay sự chuyển giao, phó mặc chức năng này của gia đình cho các thiết chế xã hội khác như trường học, dịch vụ xã hội (dịch vụ chăm sóc trẻ, giúp việc tại nhà)… Sự biến đổi về quy mô, kiểu loại gia đình, những biến đổi trong đời sống hôn nhân, tâm lý - tình cảm và sự lựa chọn trong kết hôn cũng được quan tâm đáng kể trong những nghiên cứu về gia đình trong thời gian qua.
Rõ ràng, rất nhiều khía cạnh khác nhau của gia đình đều đang có những biến đổi trong điều kiện xã hội biến đổi, điều đó đã tạo nên sự biến đổi khuôn mẫu gia đình nói chung. Vì thế, việc xác định rõ ràng, chuẩn xác đặc trưng của gia đình Việt Nam hiện nay là một vấn đề không dễ dàng.
Về xu hướng biến đổi khuôn mẫu gia đình Việt Nam hiện nay
Với khái niệm “Tam giác gia đình”3 của tác giả Hồ Ngọc Đại: “Gia đình là một khái niệm mới được hình thành từ ba thành phần, gồm những “đại lượng khác tên” là bố, mẹ và con cái hình thành nên một tam giác gia đình” đặt trong bối cảnh gắn với tam giác đời sống xã hội mà ba đỉnh là cá nhân - gia đình - xã hội thì đây là một mối liên hệ khó có thể bóc tách được. Điều này cho thấy sự biến đổi của gia đình luôn gắn với sự biến đổi của các cá nhân và xã hội. Hiển nhiên, gia đình là hệ quả của mối tương tác giữa các cá nhân và xã hội đang sống. Gia đình với chức năng của nó sẽ cố gắng điều hoà các mối quan hệ này phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Dưới đây xin đề cập hai chiều tác động (cá nhân và xã hội) đến gia đình dẫn đến việc biến đổi khuôn mẫu gia đình Việt Nam hiện đại.
Tác động cá nhân đến gia đình
Mặc dù chưa có khái niệm chuẩn và thống nhất về gia đình nhưng dường như có sự đồng thuận rộng rãi ở một điểm: Gia đình là tập hợp các cá nhân có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng… trong đó nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa các thành viên (hay cá nhân). Có thể quy giản quan hệ này thành 3 mối quan hệ chủ yếu: Vợ - chồng, cha mẹ - con cái, anh chị - em (con cái với nhau). 3 mối quan hệ cơ bản này có ảnh hưởng lớn đến thiết chế gia đình. ở từng thời điểm lịch sử khác nhau thì các mối quan hệ này có những đặc trưng khác nhau. Ví dụ, trong xã hội truyền thống thì quan hệ vợ - chồng, cha - con, anh - em theo một tôn ti, trật tự chặt chẽ nhưng cho đến nay, sức nặng của tôn ti, trật tự đó không còn bao nhiêu nữa mà thay vào đó là sự bình đẳng hơn theo kiểu “trên kính dưới nhường”. Mỗi cá nhân trong gia đình đều xác lập một vị thế và không gian riêng cần các thành viên khác tôn trọng. Điều này có nghĩa là tự do cá nhân được đề cao. Vả chăng, trong bối cảnh xã hội hiện đại, sự ra đời của các phương tiện truyền thông mới (điện thoại di động, Internet…) càng làm cho xu hướng cá nhân hoá mạnh mẽ hơn… Phải chăng, những thực tiễn đó đã dẫn đến các mối quan hệ trong gia đình lỏng lẻo hơn, và đó cũng là nguyên nhân của sự rạn nứt trong gia đình ngày nay như nhiều nhà nghiên cứu đã đặt câu hỏi? Khó có thể khẳng định đó là mối quan hệ nhân - quả nhưng rõ ràng, khi mỗi cá nhân theo đuổi những lợi ích riêng của mình như học vấn, địa vị, kinh tế… thì các mối quan hệ trong gia đình bị “nhạt” đi. Và cái tôn ti, trật tự kia hầu như không còn sức mạnh để níu kéo các thành viên trong gia đình lại với nhau. Mô phỏng trong tam giác gia đình của Hồ Ngọc Đại thì diện tích của tam giác sẽ lớn hơn, do vậy các cạnh (thể hiện mối quan hệ) đó sẽ bị kéo dài ra. Theo quy luật của cơ học thì sức đàn hồi, hay “độ cứng” của vật thể tỷ lệ nghịch với chiều dài của vật thể đó. Vận dụng mô hình toán học và cơ học này vào trong quan hệ gia đình có thể thấy rằng các mối quan hệ đó “dễ” bị đứt gãy hơn so với khi các quan hệ đó còn “khép kín”. Sự lỏng lẻo trong quan hệ giữa các thành viên trong gia đình sẽ dẫn đến những hệ quả tích cực và tiêu cực nhất định
Về mặt tích cực, tính cơ động, hướng ngoại trong các thành viên trong gia đình càng lớn thì thiết chế đó càng phát triển trên bình diện kinh tế, giáo dục, vị thế xã hội… do các cá nhân đầu tư nhiều thời gian, tâm huyết hơn để giành các lợi ích đó cho riêng mình. Điều này ảnh hưởng rất tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung. Không chỉ vậy, nó còn là một chỉ báo cho bình quyền của các thành viên, đặc biệt là phụ nữ trong gia đình được giải phóng trong quá trình dân chủ hoá xã hội trở nên mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục hơn, các thành viên có điều kiện phát huy hết năng lực của cá nhân mà không bị ràng buộc theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” hoặc “trên bảo dưới nghe”…
Tuy nhiên, những hệ lụy tiêu cực của mối quan hệ lỏng lẻo này là cái giá phải trả. Đó là sự rạn nứt trong gia đình, là nguồn gốc của những biểu hiện tiêu cực trong xã hội như tệ nạn xã hội, văn hoá ứng xử xuống cấp, đạo đức bị coi nhẹ hay tình trạng ly hôn, ly thân, sống độc thân gia tăng… mà xã hội đang cố gắng có những giải pháp kiềm chế.
Tác động xã hội đến gia đình
Sự biến đổi kinh tế, xã hội của nhân loại dẫn đến sự thay thế lẫn nhau của các hình thái gia đình. Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới đã và đang gặt hái nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, nhưng mặt trái của kinh tế thị trường cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự biến đổi khuôn mẫu của gia đình. Đây là một quy luật tất yếu, khôn cưỡng. Đánh giá một cách công bằng, những đổi thay về kinh tế, xã hội, tăng cường giao lưu văn hoá đã mang lại cho gia đình những luồng sinh khí mới như nâng cao thu nhập, mức sống, mức hưởng thụ, trình độ tiêu dùng, đời sống vật chất và tinh thần, thông tin của các thành viên. Chưa bao giờ trong lịch sử có những biến chuyển lớn đến như vậy diễn ra trong khung cảnh của gia đình. Những tiến bộ trong quan niệm về bình đẳng, bình quyền, loại bỏ những tập tục, chuẩn mực lạc hậu trong xã hội cũ cũng đã tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là nữ giới được phát triển và nâng cao vị thế xã hội.
Tuy nhiên, mặt trái của những biến đổi xã hội và giao lưu văn hoá, thông tin cũng ảnh hưởng rất lớn đến khuôn mẫu gia đình Việt Nam hiện nay, dẫn tới những hệ lụy nhất định. Ví dụ như, sự cám dỗ của vật chất hay sức ép của vấn đề nghèo đói, thu nhập, vị thế xã hội đã khiến cho gia đình biến đổi một số đặc trưng về chức năng và quy mô. ở không ít gia đình, do quá chú trọng vào việc kiếm tiền, tăng thu nhập, giành vị thế xã hội…, mà cha mẹ giảm đi sự quan tâm tới con cái, giữa các thành viên ít giao tiếp với nhau hơn. Có nhà nghiên cứu cho rằng, thậm chí trong một bộ phận gia đình, sự tồn tại của các thành viên bên cạnh nhau giống như sự gá lắp rời rạc, thưa vắng dần sự quan tâm, lo lắng, chăm chút cho nhau và các thành viên trong gia đình thì dường như “gặp nhau lần nào cũng vội”4. Khi đó, hầu như trường học và các thiết chế xã hội khác đã phải “làm thay” nhiều chức năng của gia đình. Có thể thấy sự biến đổi rất rõ ở các gia đình trong thời gian qua khi mà quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ. Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá với tốc độ nhanh chóng, quy mô lớn đã, đang và sẽ làm cho quá trình mất đất nông nghiệp diễn ra ngày càng nhiều, tốc độ đô thị hoá ngày càng nhanh khiến cho nhiều gia đình nông thôn trở thành gia đình thành thị “cưỡng bức” trong điều kiện mất đất song chuyển đổi nghề nghiệp chậm, thiếu việc làm, gây ra tình trạng bất ổn định trong gia đình. Bên cạnh đó, tệ nạn xã hội như ma tuý, mại dâm, bệnh tật… lại có nguy cơ phát triển, làm tha hoá một bộ phận dân cư, nhất là giới trẻ. Những yếu tố ngoại cảnh này đã ảnh hưởng không nhỏ tới gia đình, làm thay đổi cả quy mô, cơ cấu, quan hệ và chất lượng gia đình5. Quan niệm về hôn nhân, gia đình hiện nay cũng đang dần dần thay đổi do hoàn cảnh xã hội tác động. Những hiện tượng như quan hệ tình dục trước hôn nhân, đồng tính luyến ái, sống thử, kết hôn muộn, sống độc thân, ly thân, ly hôn không ngừng tăng lên và có tính đột biến6. Đây là những biểu hiện vốn chưa xuất hiện trong gia đình Việt Nam truyền thống mà nó chính là sản phẩm của xã hội phương Tây du nhập vào nước ta trong quá trình mở cửa, hội nhập. Văn hoá phương Tây tràn vào một cách ồ ạt phần nào vượt qua sự kiểm soát của gia đình, nhà trường và xã hội, ảnh hưởng đến tính bền vững của gia đình và làm cho cấu trúc của gia đình dễ “vỡ” hơn. Với sự nâng cao tính cơ động kinh tế, xã hội thì gia đình tỏ ra là một thiết chế xã hội nhạy cảm và năng động đối với những thay đổi của môi trường kinh tế, xã hội. Điều đó dẫn đến những biến đổi về lượng cũng như về chất của gia đình theo bối cảnh xã hội.
Tựu chung lại, có thể khái quát một số xu hướng biến đổi đặc trưng khuôn mẫu từ gia đình truyền thống đến gia đình hiện đại như sau:
Thứ nhất, quy mô, kích cỡ gia đình Việt Nam đang dần dần “thu hẹp lại”, gia đình hạt nhân đang trở nên phổ biến, dần thay thế gia đình mở rộng nhiều thế hệ sống trong một mái nhà. Xu hướng này biểu hiện rõ nét hơn khi tốc độ đô thị hoá ngày càng gia tăng.
Thứ hai, chức năng giáo dục thế hệ trẻ và truyền thụ văn hoá đang ít nhiều bị xem nhẹ. Gia đình đang có xu hướng “giao phó” chức năng này cho thiết chế trường học và hệ thống các dịch vụ xã hội khác.
Thứ ba, chức năng kinh tế gia đình đang có xu hướng chuyển phần “sản xuất” sang “tiêu dùng”. Vẫn tồn tại với tư cách là một đơn vị kinh tế, song các thành viên trong gia đình lại theo đuổi các mục đích khác nhau, theo đó là các hoạt động kinh tế khác nhau, mỗi thành viên có một “tài khoản” riêng mà không cùng sản xuất và chung một “nguồn ngân sách” như trong gia đình truyền thống.
Thứ tư, các mối quan hệ trong gia đình trở nên lỏng lẻo, sợi dây liên kết các thành viên đang bị “nới rộng ra” theo hướng tự chủ, phát triển độc lập và cá nhân hoá. Khuynh hướng này có thể làm suy yếu tính cộng đồng, cộng cảm trong phạm vi gia đình.
Thứ năm, vai trò điều hoà đời sống tâm lý - tình cảm trong gia đình hiện nay cũng đang bị “xói mòn”. Người già và trẻ em đang phải đối mặt với sự cô đơn, sự thiếu quan tâm và chăm sóc từ các thành viên khác trong gia đình. Họ đang dần bị “đẩy” ra các nhà dưỡng lão, nhà trẻ, trung tâm chăm sóc sức khoẻ và các dịch vụ xã hội khác.
Thứ sáu, cấu trúc gia đình dễ biến động, thiếu tính bền vững hơn do sự thay đổi trong quan niệm về hôn nhân, hạnh phúc, trách nhiệm với gia đình của các thành viên cũng như trong các chuẩn mực giá trị, quy phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Qua phân tích, có thể đi đến kết luận rằng, gia đình Việt Nam đã và đang biến đổi dưới sự tác động của những biến đổi về kinh tế, xã hội và giao lưu văn hoá toàn cầu. Sự biến đổi đó không tách rời hoàn toàn với những đặc trưng của gia đình truyền thống mà là sự điều chỉnh, thích nghi với những hoàn cảnh và điều kiện xã hội mới. Thực tế, gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức và phải lựa chọn cho mình một khuôn mẫu phù hợp, trong đó có sự cân bằng giữa việc bảo lưu những yếu tố truyền thống bền vững với những thay đổi không ngừng của xã hội hiện đại. Với khả năng thích ứng cao trên nền tảng văn hoá truyền thống, gia đình Việt Nam vẫn hoàn toàn có khả năng gìn giữ được những nét bản sắc đặc trưng của nó ngay trong điều kiện phát triển của thế giới hiện đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1 Xem Phát triển Xã hội ở Việt Nam. Một tổng quan xã hội học năm 2000. Trịnh Duy Luân chủ biên. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002.
2 Bài viết: Một tổ hợp đẹp, xinh xắn, cân đối và mạnh mẽ. Những nghiên cứu Xã hội học về gia đình Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, 1996.
3 Hồ Ngọc Đại. Tam giác gia đình. Tạp chí Xã hội học. Số 3.1990, trang 4.
4 Trịnh Hoà Bình. Chương trình thời sự Chào buổi sáng (VTV1). Nhân ngày Gia đình Việt Nam (28.6.2006).
5 Chính sách và giải pháp nhằm phát triển gia đình ở Hà Nội (Báo cáo tổng hợp). Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em và Trung tâm Xã hội học - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện tháng 3.2005.
6 Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 2.4.2007.
Bài 2:
GIA ĐÌNH VIỆT NAM - BIẾN ĐỔI VÀ TRIỂN VỌNG
Nguyễn Linh Khiếu
Những biến đổi của gia đình Việt Nam thời gian qua đang tạo ra những băn khoăn, lo lắng cho không ít người về sự tác động của toàn cầu hóa đối với gia đình và văn hóa gia đình. Tuy nhiên, các nghiên cứu về gia đình cho thấy, mặc dù có những vấn đề cần đặc biệt quan tâm và sớm có giải pháp điều chỉnh, nhưng những biến đổi của gia đình Việt Nam hiện nay vẫn trong khung cảnh tôn vinh và làm mới những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, tiếp nhận một cách chủ động những giá trị văn hóa của gia đình hiện đại.
Vào những năm đầu đổi mới, “mở cửa”, với sự tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường và sự du nhập ồ ạt lối sống, phương thức sinh hoạt của xã hội phương Tây vào nước ta, trên các phương tiện thông tin đại chúng và diễn đàn khoa học, không ít người đã lên tiếng báo động về nguy cơ “khủng hoảng” của gia đình Việt Nam. Sự lo ngại ở thời điểm ấy không phải không có cơ sở. Tuy nhiên, cho đến nay, sau 20 năm đổi mới, gia đình Việt Nam không những không bị khủng hoảng mà ngày càng được củng cố và phát triển. Đó là một thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo.
Vào thời điểm hiện nay, con người Việt Nam vẫn coi hôn nhân là sự kiện trọng đại, thiêng liêng và gia đình là phương thức sinh sống quan trọng nhất của hầu như tất cả mọi người. Gia đình là một thiết chế xã hội. Nó là sản phẩm của lịch sử. Vì thế, gia đình bị quy định bởi điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và tôn giáo… của một xã hội nhất định. Qua gia đình, chân dung của xã hội hiện ra một cách sinh động và toàn diện cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, tư tưởng, tôn giáo, lối sống, phong tục, tập quán và tín ngưỡng… Gia đình là một nhóm xã hội đặc biệt được hình thành một cách tự nhiên bởi quan hệ hôn nhân và huyết thống, mọi thành viên cùng chung sống và có chung ngân sách.
Mặc dù chịu tác động nhiều chiều của cơ chế thị trường và toàn cầu hóa, nhưng hiện tại, gia đình Việt Nam vẫn là một giá trị bền vững và có sức sống mạnh mẽ. Nó vẫn là nền tảng, là tế bào của xã hội. Với tư cách là đơn vị kinh tế, đơn vị tiêu dùng của xã hội, một mặt, gia đình trực tiếp tham gia thúc đẩy sự phát triển của các quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông của đời sống kinh tế; mặt khác, là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, nương tựa của mỗi con người trong suốt cuộc đời. Gia đình cũng là nơi lưu giữ, truyền thụ, chuyển giao và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Gia đình Việt Nam đang trong bước chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại trên nhiều phương diện và xu hướng khác nhau, cả tích cực và tiêu cực. Đó là sự biến đổi mang tính toàn diện cả về cơ cấu, các quan hệ, các chức năng và vai trò của người phụ nữ trong gia đình.
Sự biến đổi của gia đình Việt Nam hiện nay, trước hết, được thể hiện trong biến đổi cơ cấu gia đình. Loại hình gia đình rất phong phú, nhưng gia đình hạt nhân - loại hình gia đình tiên tiến, phù hợp với xã hội hiện đại - mang tính phổ biến. Quy mô của gia đình rất đa dạng, nhưng số gia đình hai thế hệ chiếm tỷ lệ cao nhất với số người trong gia đình trung bình là trên/dưới 4 người. Trong các mối quan hệ gia đình, quan hệ hôn nhân về cơ bản do tình yêu của đôi nam - nữ quyết định. Hôn nhân được sự đồng ý của cha mẹ, sự công nhận của pháp luật và được tổ chức cưới theo nghi thức đời sống mới. Tuổi kết hôn của cả nam và nữ đều có xu hướng tăng cao và sau khi kết hôn, đôi vợ chồng thường có nơi ở riêng và số con của mỗi cặp vợ chồng đa số chỉ là trên/dưới 2 con. Mặc dù trong gia đình người đàn ông vẫn thường được đề cao và cha mẹ vẫn có nhiều quyền uy với con cái nhưng nhìn chung, các mối quan hệ trong gia đình hiện nay đã mang tính chất tự do, dân chủ và bình đẳng.
Gia đình Việt Nam hiện nay, về cơ bản, vẫn là mô hình gia đình truyền thống đa chức năng. Các chức năng cơ bản của gia đình như: chức năng kinh tế; chức năng tái sản xuất con người và sức lao động; chức năng giáo dục - xã hội hóa; chức năng tâm - sinh lý, tình cảm… được phục hồi, có điều kiện thực hiện tốt hơn và có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đối với từng thành viên gia đình mà còn tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Chức năng của gia đình được đề cao cũng có nghĩa gia đình đang có vai trò và vị thế quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Bình đẳng giới trong gia đình là một nét mới trong biến đổi của gia đình Việt Nam và đã thu hút sự quan tâm, đồng tình thực hiện của cả xã hội. Đó là người phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng trong sản xuất, tái sản xuất, tiếp cận các nguồn lực phát triển, các quyết định, các sinh hoạt cộng đồng và thụ hưởng các lợi ích, phúc lợi gia đình; đồng thời, các thành viên gia đình và các dịch vụ xã hội cũng từng bước chia sẻ gánh nặng công việc nội trợ gia đình đối với người phụ nữ, góp phần thiết thực tạo điều kiện và cơ hội giúp phụ nữ phát huy mọi tiềm năng của mình trong hội nhập và phát triển.
Trong bối cảnh đổi mới và toàn cầu hóa hiện nay, gia đình Việt Nam đã biến đổi một cách toàn diện và ngày càng trở thành một thực thể hoàn thiện - năng động phù hợp với những điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều biến động. Sự biến đổi ấy chính là một quá trình liên tục bảo tồn, truyền thụ, phát huy những giá trị của gia đình truyền thống; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc và cải biến những giá trị tiên tiến, những tinh hóa của gia đình hiện đại. Có thể nói, gia đình Việt Nam hiện nay chính là sản phẩm của sự hiện đại hóa các giá trị cao quý của gia đình Việt Nam truyền thống và truyền thống hóa những giá trị, tinh hoa gia đình của các xã hội hiện đại.
Những giá trị truyền thống quý báu của gia đình Việt Nam truyền thống vẫn được bảo tồn và phát huy như: tình yêu lứa đôi trong sáng; lòng chung thủy, tình nghĩa vợ chồng; trách nhiệm và sự hy sinh vô tận của cha mẹ với con cái; con cái hiếu thảo với cha mẹ; con cháu kính trọng, biết ơn và quan tâm tới ông bà, tổ tiên; tình yêu thương, chăm lo và đùm bọc anh em, họ hàng; đề cao lợi ích chung của gia đình; tự hào truyền thống gia đình, dòng họ. Đồng thời, gia đình Việt Nam cũng tiếp thu nhiều tinh hoa, giá trị tiên tiến của gia đình hiện đại như: tôn trọng tự do cá nhân; tôn trọng quan niệm và sự lựa chọn của mỗi người; tôn trọng lợi ích cá nhân; dân chủ trong mọi quan hệ; bình đẳng nam nữ; bình đẳng trong nghĩa vụ và trách nhiệm; bình đẳng trong thừa kế; không phân biệt đối xử đẳng cấp, thứ bậc giữa con trai và con gái, giữa anh và em... Đó chính là cùng với những đặc trưng của gia đình truyền thống được phát huy, gia đình Việt Nam hiện nay đang được củng cố và xây dựng theo xu hướng hiện đại hóa: dân chủ, bình đẳng, tự do và tiến bộ.
Tuy nhiên, cùng với những cơ hội và những điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển tiến bộ, gia đình Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa nhiều biến động và bất trắc: đó là tình trạng ly hôn có xu hướng tăng cao; sống chung không kết hôn; tình trạng trẻ em nghiện hút; tệ nạn mại dâm; tình dục đồng giới; trẻ em lang thang; buôn bán phụ nữ qua biên giới; bạo lực trong gia đình; bất bình đẳng giới; ngoại tình; xu hướng đề cao tiền bạc trong quan hệ giữa người và người... đang tấn công vào gia đình từ nhiều phương diện khác nhau.
Trong bối cảnh đó, để gia đình Việt Nam ngày càng giữ gìn và phát huy được những giá trị cao quý vốn có của mình, chủ động, tích cực tiếp thu được những tinh hoa, giá trị của gia đình các xã hội hiện đại; đồng thời, ngăn chặn một cách có hiệu quả sự tấn công của tệ nạn xã hội, những nguy cơ dẫn đến tan rã gia đình... Cần tập trung vào một số vấn đề sau: có hệ giải pháp thiết thực để thực hiện tốt nhất Chiến lược củng cố và xây dựng gia đình; có hệ chính sách hữu hiệu hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình; phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí; có chính sách tích cực tạo điều kiện để đoàn tụ gia đình, gắn bó các thành viên gia đình; đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo; tăng cường thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm chỉnh hệ thống chính sách xã hội đối với các gia đình chính sách; tiếp tục mở rộng tuyên truyền, phổ biến kiến thức về giới góp phần thiết thực tạo lập sự bình đẳng giới trong gia đình và xã hội.
Thực hiện tốt những vấn đề trên, chúng ta sẽ tạo ra những điều kiện tốt nhất để gia đình Việt Nam ngày càng được củng cố và phát triển theo xu hướng ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Gia đình Việt Nam hiện nay và trong tương lai vẫn sẽ thực sự là tế bào của xã hội, là một thiết chế cơ bản của xã hội, là tổ ấm, nơi nương tựa quan trọng nhất của mỗi người. Gia đình Việt Nam là một nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đối với xã hội Việt Nam, gia đình bao giờ cũng gắn liền với xã hội, vì lẽ đó không thể có một xã hội phát triển nếu các gia đình bị suy sụp, khủng hoảng. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "...nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt". Xã hội ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ và toàn diện, đó là cơ sở để khẳng định gia đình Việt Nam cũng đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
(Nguồn: Tapchicongsan)
Bài 3:Gia đình thời @
Gia đình thời @
Thủy Hương
Tạp chí Ngày nay
Cuộc sống đang ngày một phát triển - phát triển một cách toàn diện như nhiều người đã từng nhận xét. Nhịp sống hối hả, vội vàng dường như đang là "mốt" của những người hiện đại. Lối sống tây hóa cũng đang dần du nhập nước ta. Nhiều người "bù đầu" với công việc, quen với những dịch vụ "phục vụ tận nơi" nên nếp sống gia đình truyền thống đang ngày bị mai một...
Những bữa cơm thân mật giữa các thành viên trong gia đình hiếm khi đông đủ. Thói quen chỉ biết đến công việc chuyên môn đang ngấm sâu vào giới trí thức trẻ hiện nay. Rồi sự xuất hiện của những dịch vụ phục vụ tận nơi khiến con người ta trở nên ì ạch.
Dịch vụ “nhanh” thời hiện đại
Chỉ vài năm trước đây, một gia đình có ô sin cơm nước, dọn dẹp cũng đã được liệt vào hạng "sang". Ngày đó, thuê ô sin cũng là mốt của nhiều gia đình giàu có. Tôi có cô bạn đồng nghiệp, nhà cô ở tỉnh lẻ, may mắn lấy được chồng ở Hà Nội lại thuộc tầng lớp "thượng lưu” nên cô không phải lo lắng nhiều cho kinh tế gia đình. Cô không dùng biện pháp kế hoạch mà quyết định sinh con luôn. Sau khi đi siêu âm biết con trai, mẹ chồng cô liền thuê cho cô riêng một ô sin để phục vụ. Ai cũng bảo cô sướng nhưng cô lại chép miệng: "sống với người lạ phức tạp lắm, cứ phải để ý từng tý một. Bây giờ các dịch vụ phục vụ tận nơi đầy rẫy ra đấy, mình cần gì chỉ a lô một tiếng". Qủa thật đối với một gia đình công chức, đi làm từ sáng tới tối mới về thì việc thuê ô sin là bất tiện. Còn con cái ư? Chúng nó đi học suốt ngày, hôm nào được nghỉ thì cừ việc nhấc điện thoại bấm 1080 mà nghe nhạc hoặc trò chuyện với các chuyên gia tâm lý. Vì thế những dịch vụ “nhanh" được nhiều người ưu ái hơn. Chuyện cơm hộp phục vụ tận nhà giờ đây đã là chuyện xưa như trái đất. Các dịch vụ dần tiến tới những mặt hàng gần gũi hơn với con người, từ những thứ qùa vặt đến những thứ cần thiết cho một gia đình hiện đại. Tôi có ông anh họ làm trong ngành ngoại giao. Có thể nói anh rất giỏi chuyên môn và được thăng chức đều đều nhưng mọi việc trong nhà anh không bao giờ biết đến, hay nói đúng hơn là "không biết làm". Từ những thứ "vặt vãnh" trong gia đình như. Vòi nước, ổ điện bị hỏng hay máy tính có chút trục trặc... anh đều gọi thợ đến sửa. Có khi tiền trả công thợ đi lại còn nhiều hơn tiền sửa máy, thay đồ. Con cái có những bài thực hành kỹ thuật nhờ anh thì anh cho con tiền đi mua đồ người ta làm sẵn.
Truyền thống gia đình mai một
Mọi chuyện đều mang tính hai mặt. Sự xuất hiện của những dịch vụ nhanh giúp giới trí thức trẻ chuyên tâm vào công việc chuyên môn hơn. Thế nhưng "cái mất" lại quá lớn. Nhiều ông bố, bà mẹ chỉ biết đến công việc, không quan tâm đến con cái, phó mặc chúng cho ô sin hoặc thay sự quan tâm tới chúng bằng cách cho những món tiền lớn đã làm con hư hỏng. Nhiều gia đình, bố mẹ, con cái sống chung trong một nhà nhưng cả tuần bố không gặp mặt con là chuyện thường. Bữa cơm sum họp gia đình cũng ít khi đầy đủ. Bố mẹ cứ lao vào công việc, kiếm tiền còn con cái tha hồ chơi bời, đập phá bởi tiền ông bà ấy làm ra chẳng để cho mình thì cho ai (lời một quý tử). Với những gia đình, có ông bà ở cùng, trông nom con cái cho thì đỡ hơn nhưng với những gia đình hai thế hệ thì nhiều khi con cái họ đi đâu, làm gì chỉ có "trời mới biết". Gia đình Dì tôi là một ví dụ. Chồng Dì đi công tác nước ngoài còn Dì lại mải mê buôn bán kiếm tiền nên con trai duy nhất chẳng chịu học hành, bỏ đi chơi với đám bạn xấu. Sau một thời gian, nó dẫn một cô bé mới 16 tuổi về tuyên bố sẽ lấy làm vợ. Gia đình Dì không ai đồng ý nhưng nó một mực "nếu mẹ không cho nó ở đây thì con sẽ đi cùng nó". Dì tôi đành chép miệng thôi thì trời chẳng chịu đất thì đất phải chịu trời?. Dì tôi đành bỏ tiền mở quán Intemet để giữ chân con.
Hiện đại hoá gia đình là một xu thế tất yếu trong thời kỳ hiện đại. Thế nhưng hiện đại, phát triển làm sao để không xa rời những giá trị truyền thống. Gia đình là nơi gắn kết các thành viên, là hạt nhân của xã hội, bởi thế sự biến đổi của gia đình dù thế nào cũng phải hướng tới mục tiêu bền vững và phát triển.
Theo Tạp chí Ngày nay
Bài : 4 Cuộc sống gia đình không quan trọng nữa?
1.Gia đình là gì? Gia đình là một nhóm xã hội được gắn bó với nhau bởi quan hệ hôn nhân và huyết thống. Các thành viên trong gia đình có quan hệ tình cảm mật thiết với nhau bởi trách nhiệm và quyền lợi, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Hiến pháp Việt Nam ghi rõ : “Gia đình là tế bào của xã hội. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình...” (trích Điều 64, Hiến pháp 1992) - điều đó cho thấy Nhà nước VN rất coi trọng gia đình.
Gia đình có vai trò gì đối với xã hội ? Đối với xã hội, gia đình là tế bào, là một trong các tổ chức cơ sở để thực hiện các chủ trương chính sách và pháp luật của Nhà nước về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hoá, dân số, môi trường...
Gia đình có vai trò gì đối với mỗi thành viên ? Gia đình là 'cái nôi' thân yêu nuôi dưỡng, giáo dục và nâng đỡ mình suốt đời, là môi trường để hình thành và phát triển nhân cách trong cả cuộc đời, là nơi để thế hệ trẻ rèn luyện lối sống có tình nghĩa, có đạo lý để thực hành trong cuộc đời, là nơi để thế hệ già có thể di dưỡng tinh thần, đem kinh nghiệm sống truyền lại cho con cháu. Vì thế, dù đối với xã hội hay đối với từng cá nhân, gia đình đều có vai trò rất to lớn, cần phải chăm lo xây dựng gia đình ấm no, hoà thuận, tiến bộ, hạnh phúc.
Quy mô của gia đình hiện nay ở Việt Nam ? Đang tồn tại 2 kiểu: Gia đình truyền thống: gồm có 3 thế hệ trở lên (con cái,cha mẹ, ông bà, ông bà cố,...) và gia đình cơ bản: gồm có 2 thế hệ (bố mẹ, con cái). Điều kiện kinh tế xã hội càng phát triển, hầu như quy mô gia đình càng gọn nhẹ. Tuy nhiên, để biết “Cuộc sống gia đình trong thế giới hiện đại không quan trọng như trước đây” hay không, cần phải biết gia đình có những chức năng gì ?
Gia đình có những chức năng gì ?
5.1. Chức năng sinh sản: Cung cấp cho xã hội các thế hệ con người để duy trì nòi giống làm cho xã hội tồn tại, phát triển. Theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác thì "con người ta thay đổi hàng ngày cuộc sống của mình, bắt đầu sản xuất ra những con người khác, tức là tự tái sản xuất, đó là quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, đó là gia đình".
5.2. Chức năng kinh tế: Gia đình là đơn vị kinh tế tạo ra sản phẩm để đáp ứng nhu cầu vật chất tinh thần cho các thành viên trong gia đình và cho xã hội. Kinh tế gia đình phát triển có tác dụng thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
5.3. Chức năng giáo dục: Giáo dục gia đình có tác động sâu sắc đến việc hình thành nhân cách con người. Giáo dục gia đình là cơ sở đầu tiên để con người phát triển một cách toàn diện, trở thành người công dân tốt, có ích cho gia đình và cho xã hội. Đây là chức năng quan trọng nhất của gia đình.
5.4. Chức năng tâm lý, tình cảm: Gia đình là tổ ấm của mỗi con người, là sợi dây tình cảm gắn bó giữa các thành viên trong gia đình thông qua các mối quan hệ: ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái. Gia đình là nơi an ủi, động viên tốt nhất về mặt tinh thần.
5.5. Chức năng bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ: Gia đình là nơi chăm lo, bảo vệ sức khoẻ, đảm bảo nhu cầu ăn uống, dinh dưỡng hang ngày cho mọi thành viên. Gia đình còn là nơi hướng dẫn mọi người biết cách tự chăm sóc sức khoẻ, phòng bệnh, tạo cho con người niềm vui, tinh thần thoải mái, tăng cường sức khoẻ.
6. Gia đình cần có những chuẩn mực g ì ?
6.1. No ấm: Biểu hiện sự phát triển kinh tế của gia đình nhằm đáp ứng các nhu cầu về vật chất và tinh thần của các thành viên.
6.2. Bình đẳng: Biểu hiện các thành viên trong gia đình (dù gia đình thuộc quy mô nào) tôn trọng lẫn nhau và được hưởng mọi quyền lợi về học tập, lao động, nghỉ ngơi, giải trí, chăm sóc sức khoẻ. Đặc biệt quan tâm đến phụ nữ, trẻ em gái, người cao tuổi.
6.3. Tiến bộ: Biểu hiện các thành viên trong gia đình luôn có ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên về mọi mặt để có kiến thức, trình độ, năng lực; có đạo đức, lối sống lành mạnh phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc và xu thế phát triển của thời đại.
6.4. Hạnh phúc: Biểu hiện các thành viên trong gia đình gắn bó, thương yêu, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, tạo ra môi trường trong sạch, ngăn chặn tệ nạn xã hội./.
7. Tình hình hiện nay ra sao - Thực trạng buồn – Cuộc sống gia đình trong thế giới hiện đại không quan trọng như trước đây - Vấn đề gia đình của châu Á và Việt Nam:
Người ta từng cho rằng, cấu trúc gia đình ở nhiều nước châu Á bền vững hơn các nước châu Âu, vì nó có cội rễ vững chắc hơn. Khổng giáo - nền tảng ý thức hệ văn hoá Đông Á có vai trò quan trọng cho sự ổn định của gia đình châu Á. Tư duy căn bản của Khổng giáo là các chế định nghiêm ngặt trong các mối liên hệ giữa vua tôi, chồng vợ, cha con và anh em. Vậy mà, ngày nay tại các nước châu Á đang xảy ra tình trạng lặp lại những bước đi đã từng làm khủng hoảng đến sự phát triển bền vững của các gia đình phương Tây.
7.1. Thực tiễn của lịch sử phát triển xã hội và gia đình cho thấy: Các giá trị truyền thống của gia đình dù có mạnh đến đâu cũng vẫn có thể bị thay đổi bởi những biến động của xã hội và dưới áp lực của sự tăng trưởng mạnh về kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh của xu thế toàn cầu hoá ngày nay.
7.2. Phát triển kinh tế đòi hỏi công nghiệp hoá và đô thị hoá. Sức hút của hai yếu tố này là lực hấp dẫn lôi cuốn lớp trẻ dễ dàng rời bỏ nông thôn để tràn về thành thị vì sự mưu sinh cho bản thân và gia đình, trong đó phải kể đến ngày càng có nhiều phụ nữ sẵn sàng đi làm kiếm tiền, thay vì ở nhà trông nom gia đình và sống lệ thuộc vào chồng.
7.3. Lối sống của xã hội công nghiệp ở đô thị dễ khiến giới trẻ tiếp nhận tất cả những mặt tích cực và tiêu cực trong các mối quan hệ gia đình.
7.4. Bên những thành quả do kinh tế thị trường mang lại, nhiều khó khăn bất trắc đang tồn tại, gây ra sự bất ổn cho gia đình và xã hội. Lối sống thực dụng ích kỷ, đề cao cuộc sống hưởng thụ, cổ xuý cho tư tưởng tự do phát triển cá nhân… đang là nguy cơ làm mai một, xói mòn nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình.
7.5. Xã hội càng văn minh, càng xa hoa thì người ta càng vất vả. Khi người dân tỉnh nhỏ chỉ mong quần áo lành lặn và ăn bữa cơm no thì chỉ cần làm ra mỗi tháng 2-3 triệu là có thể chi tiêu vừa đủ - ở đó chưa có những siêu thị, nhà hàng, công viên vui chơi để tiêu tiền như ở thành phố lớn. Những người Việt sống ở nước ngoài cho biết họ hưởng mức sống cao hơn ở Việt Nam nhưng cuộc sống của họ vất vả hơn người ở trong nước rất nhiều và thiếu thời gian quan tâm đến các thành viên trong gia đình.
7.6. Đời sống gia đình hiện nay đang xảy ra nhiều mâu thuẫn với mức độ ngày càng phức tạp và diễn biến dưới nhiều hình thức. Tình trạng ly thân, ly hôn, bạo lực gia đình, đang có chiều hướng gia tăng. Các kiểu sống gia đình không bình thường so với lối sống truyền thống đang nảy sinh và trở thành vấn đề xã hội nan giải. Như sống chung khhông kết hôn, không muốn sinh con, lối sống thử, sống độc thân hoặc kết hôn đồng tính mà hậu quả của nó đã để lại nhiều tiêu cực đối với việc ổn định thiết chế gia đình.
7.7. Trong xã hội hiện đại, vị thế của người phụ nữ đi theo hai hướng. Một là tự do tham gia lao động, đóng góp ngày càng nhiều vào nguồn thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội. Hai là, không có thời gian dành cho các thành viên trong gia đình; không thấy vi ệc chăm sóc gia đình - làm cho ngôi nhà thành tổ ấm - là thiên chức của người phụ nữ.
7.8. Một nghịch lý đang tồn tại là việc nội trợ, nuôi dưỡng con cái, chăm sóc các thành viên trong gia đình của phụ nữ bị coi là không có giá trị kinh tế. Ngoài ra, phụ nữ còn là nạn nhân của sự phân biệt đối xử, phải gánh chịu những lạm dụng về thể xác, tinh thần từ phía người đàn ông.
7.9. Những biến động về các mặt kinh tế - xã hội cùng với lối sống công nghiệp khiến các thành viên trong gia đình ngày càng có ít thời gian bên nhau. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến các mối quan hệ trong gia đình đang có xu hướng lỏng lẻo hơn. Vai trò làm cha mẹ trong cuộc sống hiện đại cũng đang có biển hiện bị suy giảm ở nhiều gia đình vì những lo toan thái quá trong làm kinh tế mà ít chú ý đến việc giáo dục nhân cách đối với con cái.
7.10. Không ít thanh niên (người chủ gia đình tương lai) đang thiếu kiến thức về gia đình, hôn nhân, sức khoẻ sinh ản, sức khoẻ tình dục, đạo đức gia đình, văn hoá tâm linh,...và họ coi cuộc sống gia đình là không quan trọng.
7.11. Với mỗi người “cuộc sống gia đình hiện nay không còn quan trọng” nữa, với thu nhập cao và ổn định, với lương hưu và bảo hiểm xã hội chắc chắn, người ta nghĩ rằng quan hệ gia đình chỉ là trò thư giãn hoặc hành vi văn hoá nhằm trang điểm cho của mình.
7.12. Nhiều người cao tuổi hiện đang sống trong tâm trạng là “người thừa” trước con cháu, bởi vì tuổi trẻ có xu hướng muốn sống độc lập và các dịch vụ giúp việc gia đình đang thay thế phần việc trước đây thường do người cao tuổi đảm nhận. Tình trạng này dẫn đến mâu thuẫn giữa các thế hệ khá gay gắt và sẽ còn tiếp tục phát triển.
8. Thách thức, nguy cơ:
Những hiện tượng nói trên đang gây ra những thách thức lớn đối với gia đình. Vì vậy, cùng với việc tiếp thu những giá trị nhân văn mới trong xu thế hội nhập quốc tế, cần làm gì để giữ được bản sắc văn hoá dân tộc và những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam ?.
(Nguồn:Edunet)
Bài 5:Quy mô gia đình ở Việt Nam đang thu nhỏ
Trình độ kinh tế xã hội phát triển, sự giao thoa hội nhập với nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới, cùng với nhịp độ của công cuộc hiện đại hoá, công nghịêp hoá đất nước ngày càng nhanh chóng đã và đang tác động đến quy mô và nếp sống của gia đình Việt Nam.
Những mô hình gia đình nhiều thế hệ theo kiểu “tứ đại đồng đường”, có khi tới hơn chục người cùng chung sống trong một ngôi nhà đang dần được thay thế bằng mô hình gia đình ít người, thường chỉ có hai thế hệ cha mẹ-con cái hay có thể đến thế hệ thứ ba, rất hiếm thấy gia đình có 4-5 thế hệ cùng chung sống, mặc dù tuổi thọ trung bình ngay nay cao hơn trước rất nhiều.
Theo số liệu của các cuộc điều tra dân số qua các năm cho thấy, qui mô gia đình Việt Nam đã giảm từ mức trung bình 5,22% người/hộ năm 1979 xuống còn 4,61 người/hộ năm 1999 và đến thời điểm này còn có thể ít hơn nữa, tuy chưa có công bố kết quả điều tra mới.
Quy mô hộ gia đình ở các vùng miền cũng khác nhau, do ảnh hưởng của trình độ dân trí, đặc điểm về kinh tế xã hội, phong tục tập quán và đặc trưng văn hoá.
Tại khu vực đồng bằng sông Hồng, quy mô hộ gia đình trung bình là 4,1 người, thấp nhất trong cả nước.
Vùng Tây Bắc có qui mô hộ gia đình trung bình cao nhất, trên 5 người/hộ, trong đó có một số dân tộc ở miền núi phía Bắc có quy mô hộ gia đình lớn hơn rất nhiều so với quy mô hộ trung bình của cả nước.
Theo phân tích của một số nhà xã hội học, sự thu nhỏ quy mô gia đình nói trên đang tạo thêm nhiều điều kiện thúc đẩy sự bình đẳng giới, đời sống riêng tư của con người được coi trọng hơn, giảm bớt những mâu thuẫn và xung đột phát sinh từ việc chung sống trong gia đình nhiều thế hệ.
Việc sinh ít con đã trở nên phổ biến trong các gia đình, cả ở nông thôn và thành thị. Điều này giúp phụ nữ có nhiều cơ hội tham gia vào công việc xã hội, sống bình đẳng hơn với nam giới, có điều kiện học hỏi nâng cao trình độ, trẻ em được chăm sóc tốt hơn.
Tuy vậy, quy mô gia đình thu nhỏ cũng gây nhiều khó khăn trong việc chăm sóc người cao tuổi và phát triển nhân cách trẻ em. Trong những gia đình quy mô nhỏ ở Hà Nội được điều tra, có tới hơn 30% số người sống ở nội thành cho biết họ không có thời gian hoặc rất ít thời gian để chăm sóc giáo dục con cái.
Sự thu nhỏ quy mô gia đình theo hướng con cái khi có gia đình riêng sống tách rời cha mẹ đã khiến người già có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh cô đơn và khó khăn về kinh tế, nhất là ở nông thôn-nơi bảo hiểm xã hội đối với người già chưa phổ biến.
Ngoài ra, sự phát triển của xã hội theo hướng “mở” cũng đặt gia đình Việt Nam trước những nguy cơ bị xâm hại bởi các tệ nạn xã hội như ma tuý, mại dâm, trẻ lang thang...
Những tác động này đang đặt ra nhiều thách thức về việc tổ chức cuộc sống cho người cao tuổi, các dịch vụ cho gia đình và chăm sóc trẻ em, sự cần thiết phải củng cố sự bền vững của gia đình.
Lường trước những vấn đề xã hội như vậy, các ngành, các cấp và các tổ chức xã hội ở Việt Nam đã và đang có nhiều hình thức hoạt động để nâng cao ý thức của công dân về vai trò, tầm quan trọng của gia đình, ý thức về việc xây dựng gia đình văn minh, bền vững.
Ngày “Gia đình Việt Nam” được chính thức ra đời từ năm 2001 với nhiều chủ đề, hình thức hoạt động phong phú, là một trong những giải pháp như vậy. Theo đó, ngày 28/6 hàng năm, các ngành, các địa phương tổ chức các hoạt động cụ thể để tuyên truyền giáo dục về phòng chống tệ nạn xã hội từ gia đình, vai trò của người cha, chăm sóc giáo dục trẻ em....
Như thường lệ, Ngày Gia đình Việt Nam năm nay, cùng với những chương trình như Ngày hội gia đình, Vì tình yêu trong mỗi gia đình thu hút sự tham gia của hàng ngàn gia đình, trên các phương tiện thông tin đại chúng hai chữ “gia đình” được nhắc đến nhiều hơn như để thêm một dịp tôn vinh giá trị của gia đình trong cuộc sống đang ngày càng phát triển hiện nay.
Theo TTXVN
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét