29 tháng 2, 2008

CÔNG TÁC XÃ HỘI


. ĐỊNH NGHĨA CÔNG TÁC XÃ HỘI
1. Định nghĩa và lịch sử hình thành công tác xã hội ở Việt Nam
1.1. Định nghĩa
Liên đoàn Công tác xã hội quốc tế định nghĩa: Nghề công tác xã hội thúc đẩy xã hội thay đổi, khuyến khích giải quyết những vấn đề trong mối quan hệ giữa người với người, thúc đẩy sự trao quyền và giải phóng con người, nhằm mục đích đảm bảo hạnh phúc cho mọi người. Sử dụng lý thuyết hành vi cư xử của con người và những hệ thống xã hội, công tác xã hội can thiệp vào những thời điểm khi con người tương tác với môi trường sống của mình. Các nguyên tắc về quyền con người và công bằng xã hội là những nguyên tắc căn bản trong công tác xã hội...Theo định nghĩa trên cho thấy, công tác xã hội là một nghề thúc đẩy xã hội thay đổi, bằng cách giải quyết những vấn đề trong mối quan hệ giữa người với người, thúc đẩy sự trao quyền (nói một cách đầy đủ, công tác xã hội vừa thúc đẩy nhà nước, cộng đồng quốc tế trao quyền bằng cách ghi nhận quyền con người, quyền công dân bằng pháp luật quốc tế và quốc gia; việc thúc đẩy cũng phải được tiến hành với con người để thực hiện quyền con người và công dân) và giải phóng con người. Mục đích của công tác xã hội là bảo đảm hạnh phúc cho mọi người. Người làm công tác xã hội sử dụng lý thuyết hành vi cư xử của con người và những hệ thống xã hội để can thiệp vào những thời điểm khi con người tương tác với môi trường sống của mình. Nguyên tắc căn bản trong công tác xã hội là các nguyên tắc về quyền con người và công bằng xã hội.Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào thời gian và không gian văn hoá, mỗi quốc gia có những cách thức định nghĩa khác nhau. Thời gian có tính chất không ngừng vận động, theo đó văn hoá cũng thay đổi và điều chỉnh. Các vấn đề xã hội tồn tại một cách khách quan và làm thay đổi trọng tâm của công tác xã hội trong mỗi thời kỳ. Chính vì thế, định nghĩa mang tính quốc tế cũng không ngừng thay đổi theo thời gian. Việt Nam đang xây dựng và phát triển định nghĩa về công tác xã hội. Định nghĩa này rất có thể sẽ phát triển và thay đổi hơn nữa. Đến một lúc nào đó, trọng tâm công tác xã hội sẽ thay đổi, triết lý mới sẽ phản ánh những thay đổi về giá trị, thái độ và niềm tin được chuyển hoá thành những thay đổi về mặt chính sách.
1.2. Lược sử hình thành công tác xã hội ở Việt Nam
Theo các công trình nghiên cứu về lịch sử công tác xã hội, ở Việt Nam từ trước năm 1945, khi các tổ chức tôn giáo còn nắm nhiều quyền lực, công tác xã hội được thực hiện dưới hình thức các mô hình từ thiện. Đây là mô hình thường thấy ở các nước phương Tây. Thời kỳ 1945-1954, công tác xã hội chuyên nghiệp bắt đầu được đưa vào, một mặt tạo ra một ban phúc lợi thuộc chính phủ và mặt khác thành lập Trường Công tác xã hội CARITAS (1947) do Hội Chữ thập đỏ Pháp tổ chức và sau đó trao lại cho tổ chức Daughters of Charity. CARITAS hoạt động đến tận năm 1975 và theo sát mô hình của người Pháp. Tuy nhiên, mô hình công tác xã hội của người Pháp bị chỉ trích bởi thiếu tính bền vững, thực hiện mang tính gia trưởng, người hưởng lợi không được trao quyền.Thời kỳ 1954-1975, tổ chức USAID đã thực hiện sứ mệnh của mình tại miền Nam Việt Nam. Hoạt động chính của công tác xã hội lúc này là cứu trợ cho khoảng 1 triệu người di cư từ miền Bắc vào miền Nam. Các hoạt động phúc lợi lấy trẻ em làm trung tâm thông qua kênh các tổ chức tôn giáo phi chính phủ trong nước và quốc tế. Tư duy mạng lưới trong công tác xã hội cũng đã hình thành tại Việt Nam từ rất sớm. Nhiều mạng lưới trong nước được thiết lập bởi các nhóm công tác xã hội. Điển hình là Hiệp hội Công tác xã hội Việt Nam được thành lập năm 1970; trên phạm vi quốc tế, có Liên đoàn Nhân viên Công tác Xã hội Quốc tế.Sau năm 1975, công tác xã hội ở Việt Nam chuyển sang một trang mới. Kể từ năm 1986, công việc của nhân viên công tác xã hội và phát triển cộng đồng đã chính thức được công nhận. Chiến dịch tổ chức những khoá tập huấn dành cho cán bộ các cơ quan thuộc Chính phủ chuyên giải quyết những vấn đề xã hội cũng được phát động. Năm 1990, Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em, sau đó là các chính sách phúc lợi xã hội dành cho trẻ em: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và Chương trình hành động quốc gia ra đời ngay sau đó. Ngày nay, công tác xã hội ở Việt Nam phát triển một cách mạnh mẽ với 395 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã đăng ký hoạt động chính thức và hàng trăm tổ chức thuộc chính phủ và phi chính phủ trong nước có mục tiêu chính hay liên quan đến công tác xã hội.
II. MỤC TIÊU CỦA VIỆC ĐÀO TẠO NHÂN VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI
Sau khi tốt nghiệp, cử nhân Công tác xã hội có trình độ đại học sẽ làm việc ở đâu, cơ quan nào và làm công việc gì? Đây là câu hỏi chung, khá phổ biến đối với nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh, các thí sinh dự thi vào đại học và có ý định lực chọn theo học ngành Công tác xã hội.
1. Mục tiêu đào tạo cử nhân Công tác xã hội
Vì là một ngành đào tạo mới, nên một câu hỏi chung khá phổ biến đối với xã hội và nhiều người khi lựa chọn ngành học Công tác xã hội là: Khi được đào tạo có một trình độ nhất định thì người làm Công tác xã hội sẽ làm việc ở đâu? cơ quan nào? làm lĩnh vực gì?Mục tiêu chung:Đào tạo đội ngũ cán sự công tác xã hội có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có ý thức phục vụ nhân dân, có sức khỏe và tinh thần say mê yêu nghề, nắm vững kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ tác nghiệp về Công tác xã hội; có khả năng phát hiện, giải quyết những vấn đề xã hội trong mối quan hệ xã hội và nâng cao năng lực con người, cải thiện chất lượng cuộc sống bền vững.Mục tiêu cụ thể:Sau khi tốt nghiệp, cử nhân Công tác xã hội có trình độ đại học có thể công tác ở các cơ quan, tổ chức và các lĩnh vực sau:
- Cung ứng dịch vụ và làm Công tác xã hội chuyên nghiệp tại các cơ sở, trung tâm và tổ chức xã hội:
+ Hội bảo trợ xã hội của mọi thành phần kinh tế từ Trung ương đến địa phương;
+ Trung tâm nuôi dưỡng chăm sóc người có công, người già cô đơn, người khuyết tật, trẻ em mồ côi;
+ Trung tâm giáo dưỡng và phục hồi nhân phẩm, cai nghiện ma tuý, trại cải tạo;
+ Tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể quần chúng (Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Hội chữ thập đỏ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân tập thể...), cơ quan Lao động Thương binh và Xã hội, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, cộng đồng ở thành thị và nông thôn...
- Làm công tác xã hội chuyên nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau như: sức khỏe, giáo dục, pháp luật, kinh tế, văn hoá - xã hội, hôn nhân và gia đình, tôn giáo tín ngưỡng, môi trường, dân số, truyền thông...
- Làm việc trực tiếp tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo có liên quan đến Công tác xã hội: Trường đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo nhân viên công tác xã hội; Trung tâm nghiên cứu công tác xã hội theo nhóm đối tượng tác nghiệp khác nhau.của nó, nhằm vào vô số các tương tác phức hợp giữa con người và các môi trường của họ. Sứ mạng của nó là tạo năng lực giúp người dân phát triển tối đa tiềm năng, làm phong phú đời sống của họ, và ngăn ngừa các trục trặc. CTXH chuyên nghiệp tập trung vào quá trình giải quyết các vấn đề và sự thay đổi. Do đó, nhân viên CTXH (hay được gọi là nhân viên xã hội –NVXH) là những tác nhân đổi mới trong xã hội, trong đời sống của các cá nhân, gia đình, cộng đồng mà họ phục vụ. CTXH là một hệ thống liên kết các giá trị, lý thuyết và thực hành.
2. Công tác xã hội là gi?
Công tác xã hội là hoạt động chuyên nghiệp được thực hiện dựa trên nền tảng khoa học chuyên ngành nhằm hỗ trợ đối tượng có vấn đề xã hội (cá nhân, nhóm, cộng động) giải quyết vấn đề gặp phải, cải thiện hoàn cảnh, vươn lên hòa nhập xã hội theo hướng tích cực, bền vững. Công tác xã hội vừa là một khoa học xã hội ứng dụng vừa là một nghề nghiệp chuyên môn được hình thành từ cuối thế kỷ XIX, cho đến nay đã phát triển rộng khắp trở thành ngành khoa học và nghề chuyên môn phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Công tác xã hội có vị trí và vai trò quan trong trong xã hội hiện đại.Công tác xã hội có cơ sở lý luận, nội dung, phương pháp tác nghiệp không ngừng được hoàn thiện cả về phương diện lý thuyết và thực tiễn. Mục tiêu của Công tác xã hội là giúp cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng có “vấn đề xã hội”, bị yếu thế, không đảm bảo được một hay một số chức năng xã hội có thể nhận thức, giải quyết “vấn đề” của mình và vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng góp phần ổn định, thúc đẩy xã hội phát triển.Công tác xã hội có đối tượng đa dạng và phạm vi tác động rộng lớn, liên quan đến mọi tầng lớp dân cư, mọi tổ chức, ngành nghề trong xã hội. Trong đó có một số lĩnh vực cần sự quan tâm đặc biệt của công tác xã hội hiện nay như công tác xã hội gia đình và trẻ em; phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo; phòng ngừa tội phạm và giải quyết các tệ nạn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể nhân dân; đoàn kết dân tộc, tôn giáo; công tác xã hội trong học đường; công tác xã hội với người khuyết tật, người lang thang, trẻ em mồ côi, người già cô đơn, người có vấn đề về sức khoẻ tâm thần, người có HIV/AIDS...
3. Nhu cầu về Công tác xã hội ở Việt Nam
Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, cơ sở xã hội và những tiền đề cho sự ra đời của Công tác xã hội ở Việt Nam đã sớm hình thành được bắt nguồn từ truyền thống nhân đạo, tương thân, tương ái đã thấm đượm trong đời sống dân gian, trở thành nét đẹp trong tâm hồn người Việt Nam. Công tác xã hội chuyên nghiệp sớm được du nhập vào Việt Nam ngay từ những năm 1940 nhưng còn hạn chế về quy mô, tính chất hoạt động và bị gián đoạn do điều kiện lịch sử, đến những năm 1990 mới được phục hồi và hiện nay đang được chú trọng phát triển.Trong những năm qua, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã thu được nhiều thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu là cơ bản, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, đặc biệt là những di chứng, hậu quả của chiến tranh để lại, những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, những rủi ro trong cuộc sống, đất nước ta đã, đang tồn tại và nảy sinh những vấn đề xã hội như: sự nghèo đói của một bộ phận không nhỏ dân cư; sự gia tăng của tệ nạn xã hội; tình trạng trẻ em mồ côi, trẻ em đường phố, trẻ em bị xâm hại; những người bị ảnh hưởng bởi nhiễm chất độc màu da cam; tình hình lây nhiễm HIV/AIDS... Việc thực hiện các chính sách xã hội trong hệ thống an sinh xã hội cũng có những bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội.Những vấn đề xã hội trên đòi hỏi phải có một hệ thống đội ngũ những người làm công tác xã hội chuyên nghiệp, được đào tạo cơ bản về lý thuyết, kỹ năng, kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp nhằm hõ trợ, giải quyết một cách hiệu quả và bền vững. Trên thực tế ở nước ta, đội ngũ này vừa rất thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Hầu hết những người đang làm công tác xã hội trong các cơ sở xã hội ở các cấp, các ngành chưa được đào tạo đúng chuyên môn, chưa phù hợp với yêu cầu tác nghiệp mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, lòng nhiệt tình nên không tránh khỏi những hạn chế bất cập. Vì vậy, vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài là phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội có trình độ đại học, có năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức, đồng thời nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mới đáp ứng được những yêu cầu đặt ra đối với công tác xã hội ở nước ta hiện nay (Theo đánh giá của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian từ nay đến năm 2010 nước ta cần phải đào tạo được khoảng 45.000 nhân viên Công tác xã hội chuyên nghiệp).
4. Giá trị của Công tác xã hội chuyên nghiệp.
CTXH xuất phát các lý tưởng nhân văn và dân chủ, các giá trị của nó dựa trên cơ sở tôn trọng sự bình đẳng, phẩm giá, và sự xứng đáng của mọi dân tộc. Từ những ngày khởi đầu của nó cách đây một thế kỷ, CTXH thực hành nhằm vào việc đáp ứng nhu cầu và phát triển tiềm năng của con người. Nhân quyền và công bằng xã hội là động lực và sự biện giải cho hoạt động CTXH. Trong sự liên đới với những người bị thiệt thòi, nghề CTXH cố gắng giảm thiểu sự nghèo khó và giải phóng những người bị tổn thương hay bị áp bức để thúc đẩy sự hòa nhập xã hội (đúng như định hướng giải phóng con người của Chủ nghĩa xã hội). Các giá trị của CTXH được thể hiện trong các quy điều đạo đức nghề nghiệp quốc gia và quốc tế.
5. Lý thuyết của Công tác xã hội chuyên nghiệp.
Phương pháp luận CTXH dựa trên một hệ thống kiến thức đã được chứng minh rút ra từ các cuộc nghiên cứu và lượng giá thực hành, bao gồm cả kiến thức địa phương và bản xứ trong bối cảnh đặc thù của chúng. Nó thừa nhận tính phức tạp trong mối tương tác giữa con người và môi trường của họ và khả năng của người dân vừa chịu sự tác động vừa thay đổi các ảnh hưởng đa dạng, bao gồm cả nhân tố sinh-tâm lý-xã hội-văn hóa. Nghề CTXH vận dụng các lý thuyết về phát triển con người và hành vi và về các hệ thống xã hội để phân tích các tình huống phức tạp và tạo thuận lợi cho sự thay đổi ở cấp cá nhân, tổ chức, xã hội và văn hóa.
6. Thực hành công tác xã hội chuyên nghiệp.
CTXH nhằm vào các rào cản, các bất bình đẳng và bất công xã hội. Nó đáp ứng các khủng hoảng và các tình trạng khẩn cấp cũng như các vấn đề hằng ngày của cá nhân và xã hội. CTXH sử dụng những kỹ năng, kỹ thuật và hoạt động đa dạng phù hợp với trọng tâm tổng thể của nó đối với con người và môi trường của họ. Các mô hình can thiệp của CTXH bao gồm những tiến trình tâm lý xã hội nhằm vào con người ở cơ sở đến việc tham gia vào chính sách, hoạch định và phát triển xã hội. Các phương thức can thiệp này gồm tham vấn, CTXH lân sàng, công tác xã hội nhóm, công tác sư phạm xã hội, điều trị và trị liệu gia đình cũng như nỗ lực giúp người dân có được các dịch vụ và nguồn lực trong cộng đồng. Các cách can thiệp cũng bao gồm quản trị cơ quan xã hội, tổ chức cộng đồng và tham gia vào các hành động xã hội – chính trị để tác động đến chính sách xã hội và phát triển kinh tế.Trọng tâm tổng thể của CTXH mang tính phổ quát, nhưng các ưu tiên trong thực hành CTXH sẽ thay đổi tùy theo quốc gia và tùy lúc, tùy thuộc vào các điều kiện văn hóa, lịch sử, xã hội và kinh tế.
III. CƠ SỞ TRIẾT HỌC CỦA CÔNG TÁC XÃ HỘI
1. Các quan điểm cơ bản trong Công tác xã hội.Quan điểm nghề nghiệp của ngành CTXH là những quan điểm về con người, về mục đích cho sự an sinh của họ và những biện pháp đi đến mục đích đó. Có 6 quan điểm cơ bản của CTXH :
- Cá nhân là mối quan tâm hàng đầu của xã hội.- Giữa cá nhân và xã hội có mối quan hệ phụ thuộc.
- Mỗi bên đều có trách nhiệm với nhau.
- Con người có những nhu cầu cơ bản giống nhau, nhưng mỗi người là độc nhất không giống người khác.
- Mỗi người cần được phát huy hết tiềm năng của mình và cần được thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội thông qua việc tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội.
- Xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện để khắc phục những trở ngại đối với sự phát huy của cá nhân, những trở ngại ấy chính là sự mất cân bằng trong quan hệ giữa cá nhân và xã hội.
2. Các nguyên tắc hành động trong CTXH :
Các nguyên tắc hành động giúp định hướng các hoạt động của nhân viên xã hội trong quá trình giúp đỡ đối tượng. Có 7 nguyên tắc :
- Chấp nhận thân chủ
- Thân chủ tham gia giải quyết vấn đề
- Tôn trọng quyền tự quyết của thân chủ
- Cá biệt hóa
- Kín đáo
- Nhân viên xã hội luôn ý thức về mình
- Xây dựng mối quan hệ chuyên nghiệp giữa nhân viên xã hội và thân chủ.
3. Các quy điều đạo đức trong ngành CTXH :
Mục đích của các quy điều đạo đức trong ngành CTXH là quy định các trách nhiệm và hành vi cần có ở nhân viên xã hội với thân chủ của mình, với đồng nghiệp và với xã hội :
- Vai trò và trách nhiệm của nhân viên xã hội:
• Phẩm chất, năng lực và trách nhiệm phù hợp với công việc
.• Luôn có ý thức rèn luyện khả năng và nâng cao trình độ chuyên môn
• Rèn luyện trên 3 mặt : kiến thức, thái độ và kỹ năng
• Liêm chính
• Luôn học tập để đổi mới chính mình.
- Trách nhiệm đối với thân chủ :
• Thân chủ là mối quan tâm hàng đầu.
• Cố gắng hết sức để phát huy tối đa khả năng tự quyết của thân chủ
• Đảm bảo sự riêng tư của thân chủ
- Trách nhiệm đối với đồng nghiệp :
• Tôn trọng, bình đẳng
• Trách nhiệm liên đới với các thân chủ của đồng nghiệp.
- Trách nhiệm đối với xã hội :
• Nhân viên xã hội làm việc vì lợi ích xã hội, thể hiện sự hòa hợp giữa các cấp độ giá trị : giá trị của xã hội, giá trị của nghề nghiệp, giá trị của cơ quan làm việc, giá trị của thân chủ và giá trị của chính mình.
4. Một số nguyên tắc trong giải quyết vấn đề xã hội :
- CTXH luôn quan tâm giúp thân chủ (cá nhân, nhóm, cộng đồng) giải quyết vấn đề mt cách bền vững, chú trọng đến tăng năng lực cho thân chủ để họ có thể tự giải quyết vấn đề của chính họ.
- CTXH luôn coi trọng sự phối hợp các nguồn lực của các tài nguyên xã hội, các tổ chức kinh tế, chính trị và xã hội khác nhau. Nhân viên xã hội là trung tâm phối hợp các nguồn lực của xã hội để trợ giúp các thân chủ dễ bị tổn thương.
- Nhân viên xã hội cần có kiến thức tổng hợp của các ngành khoa học công cu khác như Xã hội học, tâm lý học, y học, quản trị học, kinh tế học..
5. Một số nguyên tắc trong mối quan hệ giúp đỡ :
- Giúp đỡ là một dịch vụ chứ không phải là quyền uy.
- Mọi sự giúp đỡ đều có thời hạn
- Mọi sự giúp đỡ phải dựa trên nhu cầu của người được giúp.
- Mọi sự giúp đỡ nên dựa vào cộng đồng.
- Mọi sự giúp đỡ đều đều phải được kế họach hóa.
- Sự giúp đỡ nên tập trung tăng cường năng lực cho thân chủ nhằm đáp ứng được các nhu cầu của họ.
6. Các chức năng công tác xã hội:
Công tác xã hội có bốn chức năng cơ bản:
- Trị liệu: Sửa chữa, điều chỉnh, giải quyết các vấn đề cụ thể đã xảy ra hay đang nảy sinh.
- Phục hồi: Đưa người được giúp đỡ trở về với cuộc sống bình thường, hội nhập với cộng đồng.
- Phòng ngừa: Thực hiện các hoạt động nhằm ngăn ngừa các hậu quả tiêu cực có thể có hoặc giảm nhẹ tác hại của chúng.
- Biến đổi (phát triển): Thay cho việc giải quyết vấn đề công tác xã hội, thực hiện các chương trình và hoạt động nhằm biến đổi và phát triển môi trường và nâng cao chất lượng của nguồn lực con người.Thực tiễn lịch sử cho thấy rằng từ buổi đầu của công tác xã hội, người ta đã có thể quan sát thấy sự tác động ở mức độ khác nhau của các chức năng đã nêu. Thứ tự nêu trên phản ánh logic phát triển của công tác xã hội. Với thời gian, các chức năng sau ngày càng được nhấn mạnh, trong khi các chức năng trước không hề mất đi tầm quan trọng của mình. Sự phát triển các thế hệ NGO (tổ chức phi chính phủ) đã phản ánh logic phát triển các chức năng kể trên của công tác xã hội.
7. Các phương pháp công tác xã hội:
Có thể kể đến bốn nhóm sau đây:
a. Công tác xã hội với cá nhân, gia đình và cộng đồng:
Nhóm này thể hiện sự khác biệt về đối tượng tác động dẫn đến sự khác biệt về phương pháp và kỹ năng.Mục tiêu của công tác xã hội là hỗ trợ con người giải quyết các vấn đề của mình. Do đó, trước hết nó phải coi tác động đến cá nhân, giúp cho cá nhân ấy hiểu rõ về mình, nhìn nhận lại những người xung quanh gần gũi, có khả năng vận dụng các nguồn lực xã hội với cá nhân. Đối tượng tác động là bản thân người cần giúp đỡ, công cụ tác động là mối quan hệ giữa cán bộ công tác xã hội với đối tượng.Trong công tác xã hội nhóm, đối tượng tác động là toàn bộ nhóm, thông qua tương tác nhóm mà làm thay đổi suy nghĩ và hành động của từng thành viên cũng như cả nhóm. Gia đình có thể được xem như một nhóm, song do tính chất đặc thù của nó, nên đôi khi người ta xếp riêng thành một phương pháp của công tác xã hội.Cá nhân không chỉ tập hợp trong các nhóm (đặc biệt trong nhóm nhỏ, đối tượng chính yếu của công tác xã hội nhóm), mà còn được tập hợp trong các cộng đồng, ở đó bao hàm các tổ chức và thiết chế khác nhau vận hành và theo đuổi những mục tiêu chung cũng như riêng biệt trên một địa bàn dân cư nhất định. Cộng đồng là môi trường xã hội trực tiếp hàng ngày của cá nhân và nhóm, do đó theo logic phát triển, công tác xã hội phải hướng tới một phương pháp tác động riêng biệt liên quan đến cấp độ cộng đồng…
b. Phỏng vấn, thảo luận, tư vấn:
Nhóm phương pháp này thể hiện các kỹ thuật liên quan đến các động tác qua lại giữa người làm công tác xã hội và đối tượng nhằm tìm hiểu đối tượng, cũng như làm cho đối tượng tự hiểu mình, phát hiện và nhận diện vấn đề, phát triển các ý tưởng, tìm kiếm các khả năng và con đường giải quyết vấn đề, làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của đối tượng hay những người có liên quan.
c. Vận dụng các nguồn lực cho công tác xã hội:
Các vấn đề của con người gặp phải mà công tác xã hội có nguyện vọng giúp đỡ họ giải quyết, thực ra bao giờ cũng đầy khó khăn, thường là vượt khỏi khả năng của đối tượng cũng như của cả người làm công tác xã hội. Do đó điều quan trọng là người cán bộ công tác xã hội phải có phương pháp để phát hiện và vận dụng các nguồn lực trong xã hội nhằm cùng đối tượng giải quyết vấn đề.Các nguồn lực trong công tác xã hội là một khái niệm rất rộng và cần được hiểu một cách cụ thể trong bối cảnh văn hóa xã hội của mỗi nước và mỗi địa phương. Nó có thể là tài chính, là các tổ chức và thiết chế, là các chế độ chính sách xã hội, các chương trình phát triển, các phong tục tập quán.
d. Thiết kế và thực hiện một công tác xã hội:
Một công tác xã hội nào đó là một chuỗi các hoạt động nối tiếp nhau theo một trình tự nhất định để đạt một mục tiêu đề ra. Nó cần được thể hiện dưới dạng một kế hoạch, dự án hay chương trình. Do đó mỗi người làm công tác xã hội dù làm việc ở cấp độ nào cần nắm được phương pháp thiết kế và thực hiện một kế hoạch, dự án hay chương trình công tác xã hội.Mỗi kế hoạch (dự án, chương trình) công tác xã hội thường phải bao gồm các bước sau đây:
- Phát hiện và nhận diện vấn đề (nhu cầu).
- Phát triển các ý tưởng và mục tiêu công tác.
- Xây dựng kế hoạch, phương pháp và kỹ thuật cần sử dụng.
- Thực hiện (quản lý) công việc (bao gồm cả điều chỉnh).
- Lượng giá và tổng kết
IV. MỘT SỐ KỸ NĂNG CƠ BẢN CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC XÃ HỘI
Để công tác xã hội trở thành một nghề, người làm công tác xã hội cần phải có những kiến thức, kỹ năng và thái độ nhất định. Bài viết này bước đầu giới thiệu một số kỹ năng cơ bản mà người làm công tác xã hội cần có.
2.1. Kỹ năng quan sát
2.1.1. Mục đích
Quan sát là nhu cầu của con người để sống, làm việc và hiểu nhiều hơn về con người cũng như thế giới. Nghiều nghiên cứu kết luận rằng, có đến 2/3 thông tin mà con người nhận được là thông qua đôi mắt. Người làm công tác xã hội cần có kỹ năng quan sát con người và những giao tiếp không lời của đối tượng mà mình làm việc với. Có rất nhiều sự trao đổi thông tin, giao tiếp trong các cử chỉ không lời không nằm trong ý thức của người tham gia giao tiếp. Khi làm việc với đối tượng, người làm công tác xã hội cần quan sát để biết được đối tượng phản ứng thế nào với hoạt động mà mình cung cấp và quan hệ giữa họ như thế nào. Dựa vào những thông tin này, chúng ta có thể quyết định khi nào cần phải thay đổi, can thiệp điều gì trong hoạt động để đối tượng được thúc đẩy một cách tốt nhất.
2.1.2. Khách thểKhi làm việc với đối tượng, người làm công tác xã hội cần quan sát mức độ hứng thú của đối tượng và nhóm đối tượng; khả năng của họ; mức độ tham gia của đối tượng vào các hoạt động; mối quan hệ tình cảm, tinh thần hỗ trợ và hợp tác giữa các đối tượng với nhau; mối quan hệ, sự tin tưởng giữa đối tượng với người làm công tác xã hội; cá tính của đối tượng; và môi trường mà họ đang sống.
- Mức độ hứng thú của đối tượng. Khi đối tượng hứng thú với hoạt động, họ thường có các biểu hiện sau: Ngồi hướng ra phía trước, mắt nhìn chăm chú, gật gù khi người khác trình bày; tham gia đầy đủ và tích cực vào các hoạt động; thường xuyên đóng góp ý kiến và công sức của mình vào công việc chung. Ngược lại, khi đối tượng kém hứng thú, họ thường biểu hiện: Ngồi tựa lưng vào ghế, mắt nhìn lơ đãng khi người khác trình bày; ngồi nhấp nha nhấp nhổm, vặn lưng, thay đổi thế ngồi liên tục; ngồi ngả hết ra sau ghế, mắt nhìn đồng hồ; làm việc riêng; không tham gia vào các hoạt động hoặc tham gia chiếu lệ…
- Khả năng nhận thức, mức độ hiểu hoạt động. Khi đối tượng có nhận thức tốt, hiểu rõ các hoạt động mà người làm công tác xã hội triển khai, họ thường có các ý kiến phát biểu xây dựng hoạt động rất hiệu quả, rõ ràng; áp dụng/thực hiện tốt các hoạt động trong thực tế; sự rạng rỡ, phấn khởi thể hiện trên nét mặt. Khi đối tượng không hiểu về các hoạt động, họ thường không có ý kiến; không tham gia vào quá trình thực hiện; làm theo người khác thay vì tự mình làm và làm không tập trung, kém hiệu quả.
- Mức độ tham gia của mỗi đối tượng vào hoạt động. Việc quan sát này rất quan trọng để biết được ai là người ít tham gia, không được tham gia và tham gia tích cực vào hoạt động chung. Từ đó, có sự điều chỉnh phù hợp nhằm đạt được sự cân bằng trong tham gia và tạo quyền cho đối tượng yếu thế hơn. Biểu hiện của mức độ tham gia cao: đối tượng thường xuyên tham gia các hoạt động, nêu ý kiến, đặt vấn đề, giữ vai trò tích cực trong các hoạt động. Biểu hiện của mức độ tham gia thấp: đối tượng không tham gia hoặc ít tham gia các hoạt động; luôn đồng ý làm theo ý kiến của người khác kể cả khi hoàn toàn không hợp lý; thích làm việc một mình, không thích làm việc trong nhóm.
- Mối quan hệ tình cảm, tinh thần hỗ trợ, hợp tác giữa các đối tượng. Khi mối quan hệ này tốt, có thể thấy các biểu hiện sau: đối tượng thường xuyên liên lạc, trao đổi, chia sẻ thông tin, giúp nhau thực hiện tốt hoạt động.
- Mối quan hệ, sự tin tưởng của đối tượng với người làm công tác xã hội. Mối quan hệ này biểu hiện qua các dấu hiệu: mức độ sẵn sàng thực hiện các hoạt động, mạnh dạn đưa ra các đề xuất và phản hồi.
- Cá tính của đối tượng. Cần quan sát đối tượng thuộc nhóm nào trong số sau đây: thích được công nhận/khen, thích thể hiện mình trước đám đông; rụt rè, e ngại trước đám đông; thích làm chỉ huy; thích quan sát người khác trước khi tự làm...
- Môi trường của đối tượng. Tình trạng hôn nhân/hoàn cảnh gia đình, nơi ở, vị trí xã hội, học vấn, nghề nghiệp, các mối quan hệ...
2.1.3. Lưu ý
- Khi quan sát, nên chú ý cách biểu hiện/hành vi và phân loại biểu hiện/hành vi của đối tượng để hiểu đúng ý nghĩa của những hành vi đó. Đồng thời, phân tích ý nghĩa, nguyên nhân của từng hành vi để lựa chọn cách ứng xử và thời điểm can thiệp phù hợp.
- Người làm công tác xã hội không nên làm những việc sau đây khi quan sát: vội vàng suy diễn những gì vừa nhìn thấy, áp đặt suy diễn của mình; can thiệp khi chưa đủ thông tin, chưa rõ nguyên nhân của hành vi, hiện tượng.
2.2. Kỹ năng lắng nghe
2.2.1. Mục đích
Lắng nghe tốt là khả năng ngừng suy nghĩ và làm việc của mình để hoàn toàn tập trung vào những gì mà ai đó đang nói. Chúng ta đều biết rằng việc mọi người không lắng nghe sẽ làm nảy sinh khó khăn trong mối quan hệ của họ. Và chúng ta đều biết rằng khi gặp một người lắng nghe tốt, chúng ta thích thú khi ở bên họ. Khi lắng nghe, người làm công tác xã hội không nghe các câu, từ để hiểu nghĩa, nắm rõ thông tin mà phải nghe được cảm xúc, động cơ, mong muốn của đối tượng để đáp ứng một cách tốt nhất. Người làm công tác xã hội thành công phải biết lắng nghe toàn bộ con người của đối tượng chứ không chỉ lắng nghe lời nói của họ.
2.2.2. Khách thể
Việc lắng nghe thể hiện ở 3 mức độ: nghe thông tin, ý kiến; nghe cảm xúc, tình cảm; và nghe động cơ.
- Lắng nghe thông tin, ý kiến. Đây là mức độ lắng nghe thông thường nhất mà tất cả mọi người đều thực hiện. Lắng nghe thông tin, ý kiến là nghe những lời (câu, từ) người khác nói để lấy thông tin và biết được ý kiến của người nói. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể lắng nghe tốt ở mức độ này. Thông thường, khi nghe người khác nói, chúng ta không chỉ tập trung vào những gì họ nói mà não của chúng ta đã có thể bắt đầu phân tích những điều nghe được bằng ngôn ngữ suy nghĩ của chính mình. Có những lúc người nói chưa kết thúc, chúng ta đã vội vàng suy đoán hoặc nghĩ những điều mình muốn nói để đáp lời. Trong những trường hợp như vậy, thông tin tiếp nhận có thể không đầy đủ và có thể dẫn đến quyết định không phù hợp.
- Lắng nghe cảm xúc, tình cảm. Đây là mức độ lắng nghe sâu hơn vào đời sống nội tâm của người nói. Tình cảm của người nói có thể là tức giận, bối rối, căng thẳng, ngượng ngùng, chán nản, vui vẻ, tự hào, cảm phục, bất mãn… Để lắng nghe được tình cảm của người nói, chúng ta thường lắng nghe âm lượng và cường độ giọng nói, biểu hiện nét mặt, điệu bộ…, sự im lặng hơn là lắng nghe từ ngữ nói ra. Vì vậy, việc quan sát rất cần giúp chúng ta nghe tình cảm của người đó. Cảm xúc đôi khi có nhiều ý nghĩa hơn những gì được nói ra.
- Lắng nghe động cơ. Là mức độ khó nhất của nghệ thuật lắng nghe. Nhiều khi chính người nói cũng chưa nhận thức rõ ràng về động cơ của mình. Lắng nghe tốt sẽ người làm công tác xã hội khám phá ra lý do khiến một người nói những điều đó, làm những việc đó. Động cơ của người nói là ý thức tiềm ẩn sau những lời nói và hành vi của họ. Đó thường là những điều chưa được nói ra và có thể không bảo giờ đưởng thẳng thắn nói ra.
.2.3. Lưu ý
Người lắng nghe cần giữ yên lặng, thể hiện rằng mình muốn nghe đối tượng nói, đồng cảm, tôn trọng, tránh sự phân tán, giữ bình tĩnh, đặt câu hỏi và để những khoảng lặng. Người lắng nghe không nên có những hành vi sau đây: lơ đãng với người nói; cắt ngang lời người nói hoặc giục người nói kết thúc nhanh câu chuyện; luôn liếc nhìn đồng hồ; đưa ra lời khuyên khi người nói không yêu cầu; đưa ra nhận xét, cãi lại, tranh luận với người nói trước khi nghe hết câu chuyện; quy kết, áp đặt những ý kiến của cá nhân mình vào những gì nghe được; nói chen vào khi người nói đang tìm cách diễn đạt; nghe đại khái, bỏ qua các chi tiết cụ thể, chỉ nhớ các ý chính.Để lắng nghe tốt cảm xúc, động cơ của đối tượng, người làm công tác xã hội nên: nói đúng lúc, tạo sự chú ý của người nghe khi nói; nói ngắn gọn, dùng từ ngữ dể hiểu, phù hợp với địa phương; giao lưu bằng mắt, biểu lộ tình cảm khi nói; đặt câu hỏi để thu hút sự chú ý; kết hợp với những phương tiện sẵn có để thể hiện nội dung cần nói; chọn những nội dung người nghe thực sự quan tâm; không nói quá nhiều nội dung một lúc; tạo một bầu không khí thoải mái, dễ chịu, cởi mở, môi trường học tập thoải mái; kiểm tra lại những điều đã nghe được để điều chỉnh (nếu cần).
2.3. Kỹ năng phản hồi
2.3.1. Mục đích
Là con người, chúng ta thường dựa vào phản hồi của người khác để biết lời lẽ và hành động của ta đã được họ đón nhận như thế nào. Chúng ta nhận hàng trăm phản hồi mỗi ngày: sự giận dữ, những nụ cười, sự im lặng, sự chia sẻ, hỗ trợ và cả những lời lẽ động viên, chỉ trích trực tiếp. Cùng lúc đó, chúng ta cũng đưa hàng trăm phản hồi mỗi ngày, và những phản hồi ấy tác động đến chất lượng các mối quan hệ của chúng ta, những mối quan hệ trong gia đình, trong cộng đồng và ở nơi làm việc.
2.3.2. Phản hồi tích cực
Một người làm công tác xã hội sử dụng phương pháp có sự tham gia là một người có kỹ năng cho và nhận phản hồi một cách chân thực. Họ nhanh chóng nhận ra những điều cần ca ngợi ở người khác. Họ có khả năng phân tích nhu cầu cần phát triển của của đối tượng theo cách hỗ trợ và khuyến khích. Đồng thời, họ rất cởi mở và quan tâm đến những phản hồi của đối tượng về phong cách, thái độ của họ cũng như tính hữu ích của hoạt động mà họ thực hiện. Người làm công tác xã hội cần biết rằng nếu sử dụng đúng thì phản hồi là một công cụ rất hiệu quả để giúp đối tượng và chính bản thân họ làm việc tốt hơn. Không có phản hồi thì hoạt động sẽ trở thành một chiều, chủ quan. Chính vì vậy, người làm công tác xã hội phải thường xuyên trao đổi khả năng cho và nhận phản hồi hiệu quả-những phản hồi khuyến khích sự phát triển và hoàn thiện.Người cho phản hồi có thể lựa chọn các cách phản hồi sau đây: cho phản hồi trực tiếp trong nhóm, cho phản hồi trực tiếp đến mỗi cá nhân, và cho phản hồi bằng cách gửi thư.
2.3.3. Lưu ý
- Những việc nên làm và không nên làm khi cho phản hồi
+ Người cho phản hồi nên chắc chắn về những gì mình định nói; bắt đầu bằng những điểm tích cực (con người ai cũng muốn khen ngợi, khuyến khích), tránh sử dụng từ nhưng vì khi sử dụng từ nhưng thì dường như tất cả những lời lẽ tốt đẹp, thực lòng trước đó có thể mất hết giá trị; đưa ra thông tin cụ thể, rõ ràng; mô tả hành động, sự kiện; bày tỏ sự cảm thông bằng lời nói hoặc cử chỉ; cố gắng gợi ý những thay đổi mà người nhận có thể sử dụng được với số lượng vừa phải; bắt đầu bằng từ tôi hoặc theo tôi không phải chúng tôi hay mọi người (ý kiến phản hồi là ý kiến riêng của người cho phản hồi); và đưa thông tin phản hồi ngay khi vào thời điểm sớm nhất.
+ Không nên cho phản hồi theo kiểu nhằm vào người được phản hồi; đùa cợt; cường điệu quá mức sự thật; phán xét, đánh giá; nói cho bõ tức; đưa ra thông tin mờ hồ, chung chung; phản hồi về việc không thay đổi được; nêu quá nhiều ý kiến; nhân tiện phản hồi những việc xảy ra đã quá lâu; để quá thời điểm cần thiết mới phản hồi (sự thay đổi không còn ý nghĩa nữa).
- Những việc nên làm và không nên làm khi nhận phản hồi
+ Khi nhận phản hồi, chúng ta nên lắng nghe, làm rõ ý kiến phản hồi (nếu cần), có thái độ trân trọng ý kiến phản hồi, lấy ý kiến phản hồi về lĩnh vực cụ thể và chấp nhận ý kiến của người phản hồi.
+ Ý kiến phản hồi là một món quà tặng. Hãy chấp nhận và tỏ lòng trân trọng nó bằng cách cảm ơn người tặng quà và sử dụng món quà đó một cách hữu ích. Chính vì thế, người nhận phản hồi không nên phủ định, phán xét lời phản hồi, càng không nên bực tức, tỏ ý không thừa nhận lời phản hồi cũng như giải thích (thậm chí tranh luận) với người cho phản hồi.
2.4. Kỹ năng làm việc theo nhóm
2.4.1. Mục đích
Kỹ năng làm việc theo nhóm là kỹ năng tương tác giữa các thành viên trong một nhóm nhằm thúc đẩy hiệu quả công việc và phát triển tất cả tiềm năng của các thành viên. Kinh nghiệm dân gian đúc kết rằng: Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Sức mạnh cá nhân không thể sánh bằng sức mạnh tập thể. Trong công tác xã hội cũng thế, hiệu quả công tác của một cá nhân không thể so sánh với hiệu quả của một tập thể. Đơn giản vì không ai là hoàn hảo cả. Làm việc theo nhóm sẽ phát huy những mặt mạnh của từng cá nhân và bổ sung cho nhau. Hơn nữa, không ai có thể tự mình đảm đương hết mọi công việc. Vì vậy, kỹ năng làm việc theo nhóm là một yêu cầu cơ bản đối với người làm công tác xã hội theo phương pháp có sự tham gia.
2.4.2. Làm việc theo nhóm
- Phân loại nhóm. Tuỳ theo mục đích, đối tượng mà người ta phân thành các nhóm khác nhau. Trong công tác xã hội, bên cạnh việc lập nhóm làm việc dựa trên mục đích, đối tượng còn phải chú ý đến kích cỡ của nhóm. Người ta thường phân nhóm theo hai dạng kích cỡ là nhóm lớn và nhóm nhỏ. Số lượng người trong nhóm nhỏ thường thường dưới mười hai, tuy nhiên, giao động từ sáu đến tám người là tốt nhất.
- Các nguyên tắc làm việc theo nhóm
+ Làm việc theo nhóm cần sự chia sẻ thông tin, nguồn lực và thống nhất về phương thức thực hiện. Tuy nhiên, từng nhóm hoặc từng cá nhân làm việc sẽ hiệu quả chỉ khi họ luôn sẵn sàng chia sẻ và tôn trọng các thành viên khác trong nhóm. Nhấn mạnh rằng, làm việc theo nhóm phải dựa trên tính tôn trọng và sự khích lệ lẫn nhau.
+ Sự sáng tạo thường mang tính mơ hồ. Trong làm việc nhóm, các ý tưởng là vô cùng quan trọng cho sự thành công hơn là tính cá nhân của thành viên. Sức mạnh của nhóm là khả năng thực hiện và phát triển các ý tưởng mà từng thành viên mang lại. Mâu thuẫn có thể là sự mở rộng của của sự sáng tạo. Để giải quyết mâu thuẫn, mọi người luôn phải tôn trọng ý kiến của nhau. Nói cách khác, làm việc theo nhóm thường mang tính hợp tác hơn là cạnh tranh.
- Sự tham gia và vai trò của người thúc đẩy.
+ Trong làm việc theo nhóm, sự tham gia của thành viên trong nhóm quyết định mức độ thành công của nhóm. Mỗi thành viên có thể có vai trò, nhiệm vụ khác nhau trong nhóm nhưng quyền tham gia và ý kiến của họ thì được tôn trọng như nhau. Có ba mức độ của sự tham gia, đó là tham gia cho có, tham gia vào một số khâu trong hoạt động của nhóm và tham gia đầy đủ vào tiến trình của nhóm. Việc tham gia đầy đủ của một thành viên trong nhóm thể hiện ở tất cả các khâu, giai đoạn của tiến trình, từ việc thành lập nhóm, xác định và đánh giá nhu cầu, lập kế hoạch, triển khai hoạt động nhóm và giám sát, đánh giá cũng như báo cáo. Chỉ khi nào có sự tham gia một cách đầy đủ thì ý kiến, ý tưởng, sự đóng góp của thành viên nhóm mới có sự tập trung và toàn diện.
+ Để có được sự tham gia đầy đủ của thành viên nhóm phải kể đến vai trò thúc đẩy trong nhóm. Nhóm thường có cơ cấu gồm ít nhất là một nhóm trưởng, thư ký và các thành viên. Cơ cấu này mang tính linh hoạt, vị trí lãnh đạo và vai trò của mỗi thành viên có thể hoán đổi cho nhau cũng tạo nên sự tham gia trong cơ cấu nhóm. Vai trò thúc đẩy trước hết là từ người nhóm trưởng. Nhóm trưởng phải đảm bảo rằng mỗi quyết định của nhóm đều xuất phát từ sự tham gia của toàn thể thành viên nhóm. Người thúc đẩy phải quan sát mức độ tham gia của các thành viên để động viên người ít tham gia hơn và kiểm soát sự tham gia quá mức của thành viên trong nhóm. Để làm được điều đó, người thúc đẩy cần có đầy đủ những kỹ năng làm việc có sự tham gia cũng như kỹ năng quản lý, điều hoà xung đột, mâu thuẫn trong nhóm. Việc thúc đẩy sẽ trở nên dễ dàng hơn và tạo sự tham gia cao hơn khi mỗi thành viên trong nhóm trở thành người đóng vai trò thúc đẩy. Khi nhóm đạt đến mức độ này thì sự chia sẻ trong nhóm rất cao, khả năng đạt được mục tiêu rất lớn.
2.5. Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ không lời
2.5.1. Mục đích
Ngôn ngữ không lời là một yếu tố không thể thiếu trong giao tiếp hàng ngày. Người ta không chỉ chuyển thông tin qua nội dung lời nói, mà còn qua cả âm điệu, âm lượng giọng nói, cũng như những biểu hiện trên nét mặt và điệu bộ của cơ thể. Đôi khi ngôn ngữ không lời còn đáng tin cậy hơn là những nội dung thể hiện qua lời nói.Việc sử dụng thành thạo ngôn ngữ không lời sẽ góp phần giúp người làm công tác xã hội tiếp cận đối tượng thành công. Những cử chỉ, biểu hiện nét mặt phù hợp sẽ khuyến khích đối tượng chia sẻ thông tin. Một giọng nói tự tin với âm điệu phù hợp sẽ gây sự dễ chịu cho người tiếp xúc. Đối tượng sẽ tin tưởng hơn vào năng lực của người làm công tác xã hội khi họ sử dụng ngôn ngữ không lời trong tiếp xúc. Albert Meharabian cho rằng, trong khi lời nói chỉ giúp chiếm được 7% lòng tin của người nghe, thì giọng nói có thể chiếm được 38% và cử chỉ điệu bộ sẽ giúp người nói chiếm được 55% lòng tin này.
2.5.2. Giao tiếp bằng ngôn ngữ không lời
Khi giao tiếp không lời với đối tượng, người làm công tác xã hội chú trọng vào ánh mắt, giọng nói, nét mặt, đôi bàn tay, tư thế đứng, ngồi, di chuyển và cả trang phục.
- Giao tiếp bằng mắt. Sử dụng thành thạo kỹ năng quan sát và hãy nhìn vào đối tượng khi tiếp xúc.
- Về giọng nói. Nói rõ ràng, đủ âm tiết với tốc độ vừa phải, sử dụng âm lượng trung bình. Nếu thuyết trình hay phải trả lời những câu hỏi dài, hãy dừng lại sau một số ý. Cần có sự thay đổi ngữ điệu, nhấn mạnh ở những điểm chính và tránh gây buồn ngủ cũng như cần dừng lại một chút sau những điểm quan trọng để đối tượng có thời gian hiểu được ý mình vừa trình bày.
- Nét mặt. Người giao tiếp nên tạo nét mặt thay đổi thích hợp với từng lời nói, cử chỉ và từng loại đối tượng khác nhau. Hãy mỉm cười, đặc biệt khi bắt đầu cuộc chuyện trò và cố gắng giữ nét mặt vừa phải, tập trung trong những tình huống khó. Tránh những nét mặt cau có, lạnh lùng, đăm chiêu gây khó chịu.
- Đôi bàn tay. Mở rộng hai bàn tay và các ngón tay khi bắt đầu nói để tỏ ra tự tin và tôn trọng người nghe. Để ngửa lòng bàn tay và khép các ngón tay khi làm các động tác minh hoạ. Thả lỏng hai vai và hai tay để tạo ra các động tác lịch thiệp và tự tin. Tránh lặp đi lặp lại nhiều lần một động tác. Không nên chỉ tay kiểu ra lệnh hoặc chỉ trích. Luôn kiểm soát được các động tác tay, tránh những việc thừa như xoay bút, búng ngón tay, hay xóc chìa khoá… Không cho tay vào túi quần khi đứng trước tập thể, nhóm đối tượng. Tránh vuốt tóc, gãi đầu, vuốt mặt, lau kính, sửa lại quần áo, trừ khi thật cần thiết.
- Tư thế đứng, ngồi, di chuyển
+ Đứng thẳng lưng, đầu ngẩng vừa phải để có tầm mắt bao quát lớn. Hai tay ở phía trước, không chắp tay sau lưng. Chân đứng thẳng với độ mở nhiều nhất bằng vai.
+ Ngồi phải hướng về phía trước, không tựa lưng vào ghế khi giao tiếp (xem các biểu hiện của sự hứng thú ở kỹ năng quan sát).
+ Nếu phải trình bày một vấn đề trước nhóm, hoặc một tập thể, không nên đứng sau bàn hoặc một vật cản nào đó, hãy thể hiện sự cởi mở của người trình bày. Không đứng yên một chỗ nhưng cũng không nên rảo bước khắp phòng. Việc di chuyển nên có mục đích nhất định, ví dụ để lôi kéo sự chú ý của một người hay một nhóm, hoặc để khuyến khích một ai đó tham gia vào nội dung trình bày.
- Trang phục của người làm công tác xã hội. Quần áo chỉnh tề, màu sắc hài hoà, đơn giản không làm phân tán sự chú ý của đối tượng; phù hợp đối tượng và phong tục tập quá của địa phương. Cần lưu ý về trang phục khi làm người làm công tác xã hội tiếp xúc với các đối tượng thiệt thòi đặc biệt như người có HIV, người tàn tật... là không nên mặc đồng phục. Vì đồng phục sẽ dẫn đến sự phản cảm. Ví dụ: Khi tiếp xúc với người có HIV, người làm công tác xã hội mặc đồng phục của tổ chức mình, khi nhìn vào là biết đây là những người làm về HIV, thì liệu người có HIV có sẵn sàng để tiếp xúc. Mặt khác, việc một người có đồng phục như thế đến gặp đối tượng thì những người bên ngoài nhìn vào sẽ có cái nhìn định kiến rằng người được tiếp xúc có thể là người có HIV. Điều này vô hình chung khiến cho quyền giữ bí mật về tình trạng sức khỏe đã bị xâm phạm.
2.6. Kỹ năng phỏng vấn (vấn đàm)
2.6.1. Mục đích
Chúng ta sử dụng rất nhiều câu hỏi trong cuộc sống hàng ngày. Phỏng vấn là để tìm hiểu thế giới xung quanh, điều này thì các bậc cha mẹ của một em bé hai tuổi biết rất rõ. Phỏng vấn rất cần trong việc trao đổi thông tin và tất cả chúng ta đều có kỹ năng phỏng vấn ở mức độ nào đó. Mục đích phỏng vấn là hướng dẫn đối tượng phân tích một vấn đề; giúp/gợi mở để đối tượng nhìn thấy thêm các hướng phân tích; hướng dẫn họ rút ra kết luận, liên hệ hoạt động với thực tiễn cuộc sống; thách thức các quan điểm, kiến thức hiện tại; khuyến khích đối tượng tìm hiểu, tham gia vào hoạt động; thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm của họ, nhớ lại những hoạt động đã tham gia và họ hiểu gì về chúng; thu hút sự chú ý và tạo sự vận động, năng động suy nghĩ của đối tượng...
2.6.2. Phân loại và đặc điểm
- Phỏng vấn được thực hiện bởi những câu nghi vấn/câu hỏi. Câu hỏi được phân thành hai loại chính là câu hỏi mở và câu hỏi đóng. Các câu hỏi mở thường đòi hỏi tính kích thích, thử thách và thường được bắt đầu bằng các từ để hỏi như: Cái gì? Tại sao? Khi nào? Như thế nào? Ở đâu? Do đâu? Ở mức độ nào? Câu hỏi đóng thường giới hạn
-chỉ yêu cầu trả lời có hoặc không hoặc trả lời rất ngắn. So với câu hỏi mở, các câu hỏi đóng cho câu trả lời nhanh nhưng không cung cấp nhiều thông tin như câu hỏi mở. Câu hỏi đóng được sử dụng khi người trả lời cần đưa ra quyết định của mình. Câu hỏi mở được sử dụng khi cần trao đổi thông tin giữa những người trả lời.Về cấp độ, câu hỏi được chia thành ba cấp độ gồm: câu hỏi gợi nhớ/nhớ lại; câu hỏi phân tích, đánh giá; và câu hỏi ứng dụng.
- Đặc điểm của câu hỏi tốt. Câu hỏi tốt là câu hỏi ngắn gọn, ý hỏi rõ ràng, mỗi câu chỉ có một ý hỏi, dùng từ ngữ phù hợp. Khi chuẩn bị câu hỏi, tránh những câu hỏi dài với nhiều lời giải thích. Không nên đưa ra nhiều ý hỏi cùng một lúc khiến người được hỏi không biết bắt đầu trả lời từ đâu. Từ ngữ được dùng để hỏi phải thực sự phù hợp với vốn từ, trình độ, kinh nghiệm của người nghe và chủ đề được đề cập đến.
2.6.3. Những việc nên làm để phỏng vấn hiệu quả
- Khi chuẩn bị câu hỏi, nên sử dụng ngôn ngữ đơn giản, viết câu hỏi ra giấy và tự hỏi mình trước để sửa câu hỏi (nếu cần).
- Sắp xếp câu hỏi nên bắt đầu bằng những câu hỏi đóng, dễ trả lời. Sau đó mới tiếp tục bằng những câu hỏi mở, câu hỏi rộng hơn. Để phù hợp với tâm lý và tiến trình tư duy của đối tượng, người phỏng vấn thường hỏi những câu hỏi gợi nhớ trước, tiếp đến là câu hỏi phân tích, xử lý và cuối cùng là câu hỏi ứng dụng.
2.6.4. Lưu ý khi phỏng vấn
Sau khi đặt câu hỏi, điều quan trọng nhất cần làm là lắng nghe câu trả lời của đối tượng và có hành vi đáp trả phù hợp. Khi đối tượng không trả lời câu hỏi, trước hết nên bình tỉnh, không căng thẳng. Sau đó, có thể đặt câu hỏi dưới dạng khác hoặc bằng những từ, ngữ khác; dùng phương tiện hỗ trợ phỏng vấn để làm rõ câu hỏi rồi hỏi lại; làm rõ khái niệm hoặc hỏi người khác (nếu phỏng vấn nhóm). Nếu đối tượng từ chối trả lời câu hỏi thì cần phải tôn trọng điều đó. Hãy sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ, đặc biệt là nét mặt để khích lệ và đáp lại những câu trả lời của đối tượng.
2.7. Kỹ năng phát hiện và chống kỳ thị
2.7.1. Khái niệm về kỳ thị
Tìm hiểu về kỳ thị có ý nghĩa rất quan trọng đối với người làm công tác xã hội, nhất là khi làm việc với các đối tượng thiệt thòi. Kỳ thị là gán nhãn cho một người, coi họ thấp kém hơn bởi một thuộc tính nào đó mà họ có.
2.7.2. Nhận diện kỳ thị
- Kỳ thị có ba loại: Tự kỳ thị là việc tự căm ghét, xấu hổ, phê phán bản thân mình. Người tự kỳ thị cảm thấy đang bị người khác xét đoán vì thế họ cô lập bản thân. Những người thiệt thòi, nhất là người bị khuyết tật hay người có HIV thường tự tách mình ra khỏi gia đình và cộng đồng. Kỳ thị cảm nhận thể hiện nhận thức, cảm giác của người kỳ thị đối với người thiệt thòi, đối tượng. Ở mức độ cao hơn, kỳ thị hoặc phân biệt đối xử thể hiện qua thái độ, hành động của người kỳ thị.
- Kỳ thị được xem là một tiến trình. Ban đầu là việc chỉ ra hay gán nhãn cho sự khác biệt của đối tượng với bản thân người làm công tác xã hội. Tiếp đến, coi những khác biệt đó là xuất phát từ những hành vi tiêu cực hoặc sẽ có những hành vi tiêu cực. Điều này sẽ dẫn đến sự phân biệt giữa người làm công tác xã hội với đối tượng mà họ làm việc với. Cuối cùng là sự mất dần vị thế và rơi vào sự phân biệt, đối xử. Kết quả của tiến trình kỳ thị là chúng ta không có được sự tôn trọng cần thiết và xa lánh đối tượng
.- Các dạng thức của sự kỳ thị. Kỳ thị có thể biểu hiện thông qua các hành vi (của người kỳ thị hoặc người bị kỳ thị). Đó là việc đặc biệt hiệu, chỉ trỏ, trêu chọc, gán nhãn, trách cứ, xấu hổ, phê phán, nói xấu sau lưng, đồn đại, bàn tán, thờ ơ, cô lập; loại trừ khỏi các hoạt động của gia đình và cộng đồng, không ăn chung, không đụng chạm, không tôn trọng. Người kỳ thị sẽ tránh xa, che dấu, làm ngơ, chê trách, khinh bỉ dè chừng đối với người bị kỳ thị. Riêng đối với người tự kỳ thị, họ thường tự lên án mình. Đối với kỳ thị theo nhóm sẽ dẫn đến cả gia đình và bạn bè cũng bị ảnh hưởng bởi sự kỳ thị. Sự kỳ thị cũng có thể xuất phát từ vẻ bề ngoài, diện mạo của đối tượng.
- Nguyên nhân dẫn đến kỳ thị chủ yếu xuất phát từ quan niệm đạo đức và các chuẩn mực xã hội; sự sợ hãi; giới và nghèo đói; kiến thức về đối tượng và vấn đề mà họ đang gặp phải. Thiếu kiến thức dẫn tới sự lo sợ đối tượng sẽ mang tai ươn đến cho mình. Gán tình trạng của đối tượng với những tệ nạn; xem đối tượng là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nghèo đói có thể đưa con người đến sự kỳ thị, nhiều phụ nữ vì nghèo đói buộc phải bán dâm. Người nghèo không được nuôi dưỡng tốt, bị kỳ thị bởi vẻ ngoài; không thể che giấu tình trạng khiếm khuyết của họ.
2.7.3. Chống kỳ thị
Theo nguyên tắc về quyền con người, mọi người đều có quyền được đối xử công bằng, không phân biệt màu da, giới tính, trình độ hiểu biết, dân tộc, tình trạng sức khoẻ… Khi làm việc với đối tượng thiệt thòi, sự kỳ thị là trở lực đẩy người làm công tác xã hội ra khỏi mục tiêu cần đạt được. Chính vì vậy, người làm công tác xã hội cần có kỹ năng chống kỳ thị.Chống kỳ thị trước phải có kiến thức đầy đủ về đối tượng và vấn đề mà họ gặp phải. Sự thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến kỳ thị. Tuy nhiên, hiểu biết thực tế chỉ là một nửa của vấn đề. Ví dụ về kỳ thị đối với HIV/AIDS: Mọi người có thể hiểu biết các thông điệp cơ bản về HIV/AIDS, nhưng thường lại không tin vào các thông điệp đó. Hiểu biết của mọi người về HIV và AIDS thường là những kiến thức rỗng-chỉ là những thông tin mà họ tiếp nhận nhưng không nắm được rõ ràng. Họ biết đến chúng như các khẩu hiện hay nguyên tắc thông thường như: Bạn không mắc AIDS qua bắt tay nhưng họ không thực sự hiểu về điều đó. Ross Kidd và Sue Clay (2005) cho rằng, Kiến thức sáo rỗng không thể khiến mọi người bớt lo sợ bị lây nhiễm qua các tiếp xúc thông thường. Con người không muốn đánh cược cuộc sống của mình vào một phần kiến thức sáo rỗng không được kiểm chứng, khiến họ khó lòng tin được. Để hiểu biết đầy đủ, mọi người cần được so sánh, kiểm tra và đặt câu hỏi về thông tin mà họ được nghe bằng chính trải nghiệm của bản thân.

27 tháng 2, 2008

Công tác xã hội với trẻ em bị ngược đãi và bị lạm dụng


1. TRẺ EM BỊ NGƯỢC ĐÃI VÀ THIẾU CHĂM SÓC:
Ở Mỹ, trong sự ngược đãi có sự ngược đãi về thể chất, không được chăm sóc đầy đủ, không có được những dịch vụ y tế chăm sóc, không được khuyến khích và giúp đỡ để học, bị bóc lột để làm những công việc nặng nhọc hoặc nhiều giờ, tiếp xúc với những tình huống xã hội xấu: những vấn đề chúng ta thường nói là những vấn đề trẻ em không được quan tâm, bị bỏ bê, ngoài ra còn có những trẻ em bị ngược đãi, bị lạm dụng tình dục.
Vấn đề trẻ em không được chăm sóc đầy đủ, nội dung chính là do thiếu nguồn tài nguyên, hoặc là lỗi của cha mẹ hay người chăm sóc có khả năng nhưng không hoàn thành trách nhiệm để cho đứa trẻ có được sự chăm sóc tối thiểu, người chăm sóc không thực hiện được cho trẻ hưởng thụ được nguồn tài nguyên như y tế, dinh dưỡng, nhà ở, sự hướng dẫn, tình thương, và sự quan tâm. Đó là tình trạng trẻ hoàn toàn không có người chăm sóc hay không được chăm sóc đầy đủ. Đó không phải là hành động cố tình tạo nên sự thiệt hại cho trẻ và đó là việc thiếu hành động cần thiết cho trẻ.
Trẻ thiếu nguồn để sống sót, bao gồm cả việc thiếu sự theo dõi và hướng dẫn, thí dụ như khuyến khích trẻ đi học mỗi ngày và sự ủng hộ về mặt tình cảm đó là những vấn đề do ảnh hưởng nạn nghèo đói, cái nghèo làm cho cha mẹ thiếu khả năng cung cấp. Trẻ không được chăm sóc là trẻ tự kiếm sống lang thang, không ai kiểm soát, một số trường hợp khác trẻ không được ai giám sát, ta thấy trẻ không được ăn mặc sạch sẽ, dơ bẩn trông mất vệ sinh, những yêu cầu về sức khỏe, về nha khoa, về dinh dưỡng không được đáp ứng và từ đó dẫn đến những hậu quả về thể chất nếu trẻ không được chăm sóc ở mức độ nghiêm trọng.
Một trong những hậu quả của sự thiếu chăm sóc là trẻ không có khả năng lớn hơn. Trẻ lớn không nổi khi còn trong nôi. Nó ảnh hưởng đến khả năng phát triển tâm lý, vận động và một ảnh hưởng khác lên trẻ em là trẻ bé hoài không phát triển đầy đủ về mặt tâm lý xã hội, và điều này có thể ảnh hưởng trẻ từ 18 tháng đến 16 tuổi. Và người ta nghĩ rằng trẻ bị bỏ rơi về tình cảm tạo ra cho trẻ lớn chậm (được gọi những chú lùn tâm lý xã hội, khi trẻ nhỏ hơn sự phát triển của trẻ bình thường, thấp nhất là 5%) có những trẻ bị bỏ bê nên bộ xương không tăng trưởng, sự trưởng thành về xương, qui trình lớn lên và cứng cáp của xương chậm. Ngoài ra, trẻ có hành vi phản xã hội như hành vi hoạt động một cách thoái hóa, chúng có thể có những khó khăn trong khi nói chuyện, trong giao tiếp. Đó là những dấu hiệu của những trường hợp nghiêm trọng. Có những đặc điểm biểu hiện của cha mẹ bỏ bê con cái là cha mẹ bị sống cô đơn, cô lập. Vì sống cô độc nên cha mẹ có khó khăn trong việc tiến hành công việc hàng ngày một mình không ai giúp đỡ, đặc biệt thứ hai là họ còn giận dữ tức tối là lúc nhỏ họ không được chăm sóc đầy đủ. Vì vậy cha mẹ rất khó khăn để nhìn thấy những nhu cầu của con cái. Những cha mẹ này thường sống một tâm trạng rất trầm cảm, không đáp ứng được những nhu cầu của con cái.
Bạo hành trẻ em:
Bạo hành trẻ em là đánh đập đến nỗi trẻ bị thương tích. Cái lý do mà cha mẹ đánh là quan trọng bởi vì có sự phân chia mơ hồ giữa kỷ luật con cái và đánh đập con cái, giữa cố tình làm hại đứa nhỏ và lỡ đập con cái. Nếu cha mẹ lỡ tay thì không kéo dài, còn cố tình thì sự đánh đập kéo dài.
Hậu quả là những vết bầm trên cơ thể, những lằn xước lên da trẻ, và đôi khi cả dấu răng cắn và xương bị nứt, những vết thương trên đầu và những nội thương bên trong của ngũ tạng đứa trẻ. Ở Mỹ có những trường hợp những đứa trẻ mới sanh hay khóc làm cha mẹ bực bội, cha mẹ có thể lắc đứa trẻ quá mạnh thì đứa trẻ có thể bị tổn thương cổ, não bộ lúc lắc, có thể bị tổn thương về não và đứa trẻ có thể chết. Hiện có một cas, cha là bác sĩ, bị đưa ra toà (người mẹ sau khi sinh con đứa trẻ mới sanh khóc hoài). Hiện giờ người ta chưa xác định được ai là thủ phạm gây ra cái chết cho con, cha hay mẹ. Cas này bị lôi ra ánh sáng vì có sự nghi ngờ gắn liền khi cặp vợ chồng nầy đã yêu cầu cố giữ nó sống bằng hệ thống nhân tạo; đến khi đứa bé chết, người ta mổ xác đứa bé để xét nghiệm thì thấy não bị vỡ vụn.
Với tư cách là nhà công tác xã hội để quyết định đứa trẻ có bị bạo hành hay không chúng ta nên nghĩ đến những câu hỏi sau đây:
Điều thứ nhất:
- Có phải là đứa trẻ ở lứa tuổi đó bị đánh đập quá thường xuyên đối với lứa tuổi đó hay không?
- Có phải là đứa trẻ không chỉ bị một vết thương mà thôi, mà cùng một lúc có nhiều loại vết thương
- Có phải là loại thương tích đứa nhỏ bị là một mẫu mà thường được lập đi lập lại hay không? (thí dụ như vết phỏng)
- Vết thương mà đứa trẻ bị, có thể cha mẹ cắt nghĩa một cách không hợp lý không?
- Hãy lắng nghe kỹ cách cha mẹ cắt nghĩa (lối giải thích của cha mẹ có hợp lýkhông?)
Điều thứ hai là quan sát đến hành vi của đứa trẻ, đây là những hành vi mang tính cực đoan.
- Đứa trẻ có hành vi quá sức tuân thủ ý kiến cha mẹ: thí dụ đứa trẻ lúc nào cũng ngồi yên lặng một chỗ, đứa trẻ tránh mọi sự đụng chạm xung đột với cha mẹ, tránh không làm cha mẹ giận, lúc nào cũng quan sát canh chừng cha mẹ.
- Đứa nhỏ có tính hay gây hấn, rất đòi hỏi, sống động và đứa trẻ làm bất cứ điều gì để cha mẹ quan tâm đến nó.
- Hành vi đứa trẻ bị thay đổi vai trò, nó có những hành vi như cha mẹ lo lắng cho con cái.
- Trẻ có những hành vi rất là phụ thuộc cha mẹ để cha mẹ không có phản ứng gì cả.
Những đứa trẻ thuộc 4 dạng vừa rồi, sự phát triển năng lực của nó chậm vì năng lực của nó đã dồn vào sự đối phó với cha mẹ. (Ví dụ như ngôn ngữ của nó không được phát triển tốt).
Những đứa trẻ bị bạo hành có cách ứng đối với người lạ bằng một trong hai cách:
- Có thể đối với mọi người nó rất thân thiện hoặc hay gây hấn, nó dễ dàng làm quen với mọi người.
- Nó ngồi yên lặng thinh không tiếp xúc với ai, nó nghi ngờ mọi người.
Dấu hiệu về vấn đề ăn uống bị rối loạn.
Ta có thể thấy hành vi ăn uống của trẻ rất bình thường. Thí dụ đứa trẻ ngồi ăn uống rất lịch sự, rất hợp lý chỉ vì nó sợ bị đòn.
Cách chơi của trẻ có thể cho thấy nó bị bạo hành. Nó có thể diễn tả tình cảm của nó xuyên qua các trò chơi, nó có thể ngồi yên một chổ, tránh giao tiếp vơi trẻ khác, hoặc là chơi nhưng có tính gây hấn như để diễn tả những bực tức mà nó mang đến từ nhà. Một dấu hiệu đó là nó không thể kiểm soát được sự tiểu tiện của nó (tiểu trong quần hay đái dầm vào đêm) hoặc nó không thể kềm chế được những sự bực tức, nằm vạ, làm mình làm mẩy, làm trận làm thượng và có thể có những hành động rất bất thường.
Đặc điểm của những cha mẹ hay đánh đập con cái:
Những người này thường có những nhu cầu quan trọng là được chăm sóc vì họ chưa được chăm sóc. Họ tự đánh giá mình rất thấp, họ khiến cho người khác ruồng bỏ họ, khinh thường họ, vì họ không biết làm sao để kiếm được sự hỗ trợ và họ thấy họ không xứng đáng nhận được sự hỗ trợ khác.
Tình trạng của họ là tình trạng của cha mẹ mong muốn sự hỗ trợ của người khác. Trong khó khăn đó, họ không thể đáp ứng nhu cầu của con cái. Thường những cha mẹ này lúc bé, chính họ bị bạo hành hay bỏ rơi, họ sống cô độc, họ tự đánh giá họ thấp, họ không có được sự hỗ trợ nên sự căng thẳng này càng ngày càng cao và đổ trút sự căng thẳng lên đầu trẻ con. Và có khi cha mẹ bạo hành khó khăn nghiêm khắc với con cái, đứa nhỏ bị kiểm soát ngặt nghèo và khó khăn, đó là một phần cha mẹ tự muốn kiểm soát mình thông qua đứa nhỏ. Trong trường hợp những cha mẹ như vậy, những đứa trẻ bị tàn tật thì nếu đứa trẻ này có nguy cơ bị bạo hành nhiều hơn vì cha mẹ phải lo âu trong sự đáp ứng của trẻ này nhiều hơn. Thêm vào đó cha mẹ thường bị bạo hành lúc nhỏ cho nên họ cũng không biết cách để đáp ứng nhu cầu của trẻ như thế nào. Nếu họ không được chăm sóc lúc nhỏ thì bây giờ họ cũng không biết cách chăm sóc đứa nhỏ. Trong môi trường sống cũng có những ảnh hưởng đến những cha mẹ bạo hành trẻ con. Và trong mối liên hệ vợ chồng cũng có ảnh hưởng đến trẻ con, thường là mối quan hệ tay ba, mối liên hệ hai vợ chồng không tốt đẹp, họ dùng đứa con coi như vật tế thần để giải quyết vấn đề của họ. Trong trường hợp sự căng thẳng đến mức độ tột đỉnh và có những biến cố rất nghiêm trọng (nghèo đói triền miên, cha mẹ đơn thân, mất việc...) Trong trường hợp căng thẳng như vậy cha mẹ cảm thấy căng thẳng và bạo hành con cái. Có khi cha mẹ bạo hành con cái vì họ chưa được học kỹ năng cần thiết tối thiểu để làm cha mẹ, không biết thức ăn dinh dưỡng cần thiết và chăm sóc y tế như thế nào cả. Có nhiều cha mẹ cứ nghĩ cho ăn cho ngủ là đủ mà không quan tâm đến nhu cầu tâm lý tình cảm của trẻ. Có nhiều cha mẹ không được sự chỉ dẫn là nên nói chuyện với trẻ chứ không nên đánh trẻ.
Và những cha mẹ không có khả năng nhìn mình tách biệt ra khỏi đứa con, hoặc ngược lại. Họ thường đổ lỗi cho con. Và những cha mẹ này thiếu khả năng lý giải vấn đề cái nào được, cái nào không được. Họ khó quyết định, họ không biết chọn hướng nào để thay đổi. Và có những cha mẹ không thể nào kiểm soát được họ, họ rất nóng vội, không chờ đợi được và đánh con ngay tức thì. Nếu cha mẹ nghiện rượu hay nghiện thuốc và sự nghiện ngập của những người này làm họ bị thu hút hết sự quan tâm đến con cái, gây nên nạn bạo hành con cái.
Trong trường hợp những cas bạo hành đối với con cái nhân viên xã hội phải làm gì?
- Tìm cách thu thập thông tin càng nhiều càng tốt
- Thẩm định hoàn cảnh này
- Có chương trình mục tiêu để làm việc, tìm ra cách trị liệu để coi trị liệu này có hiệu quả không? Nếu không có hiệu quả, phải đổi cách trị liệu khác. Đôi khi chỉ cần trị liệu một thời gian ngắn, đôi khi cần một thời gian dài để giáo dục.
Những cái nhân viên xã hội cần tìm là:
- Có bằng cớ rõ ràng về nạn bạo hành con và nạn bạo hành này nguy hiểm cho trẻ, cần phải thẩm định mức độ nguy cơ của trẻ, cần phải coi đứa trẻ trong giai đoạn này có những hành vi tự hủy hoại cuộc đời nó không? Tìm rathật sự của nạn bạo hành này xảy ra lâu chưa. Cần thẩm định xem cha mẹ có ý định sửa đổi hay không, cha mẹ này có muốn ruồng bỏ con cái họ không hay họ khổ sở về bạo hành? Cha mẹ có bị khủng hoảng về mặt tình cảm tâm lý không? Cha mẹ có hợp tác tốt với bạn hay không? Cha mẹ có những vấn đề tâm lý xã hội quá nghiêm trọng không? Cha mẹ có bị cô lập và không được hỗ trợ hay không? Chính khi qui tụ được hết những yếu tố này ta có thể kết luận đứa trẻ có nguy cơ bị bạo hành hay không?
Bạn cần chỉ cho cha mẹ nhận ra những cảm giác của chính họ và những sự kiện nào xảy ra đã dẫn đến bạo hành; cần chỉ cho cha mẹ những dấu hiệu báo động trước khi bạo hành xảy ra để họ có thể học được những kỹ năng khác thay thế, để ứng phó với sự giận dữ trong lòng một cách khác đi. Chỉ cho họ biết cách phán đoán về mình. Nếu cha mẹ dốt nát, ta cũng dạy cho họ cách dạy con. Đối với những cha mẹ có khó khăn trong cách diễn tả bằng lời nói đối với con ta hướng dẫn cho họ cách nói chuyện, trao đổi với con, nên dạy họ các kỹ năng quản lý con cái sao cho thích hợp và điều duy nhất là dạy họ tổ chức một môi trường sống thích hợp hơn.
Ta có thể đem đến cho họ nguồn tài nguyên từ cấp vĩ mô, có thể đem đến cho họ một bác sĩ để chăm sóc cho đứa trẻ.
Tìm cách để cha mẹ vươn lên không bị cô lập, giúp họ nói chuyện với cha mẹ bạn bè, và dạy cha mẹ kỹ năng để kiểm tra chính mình để chống lại sự giận dữ và đồng thời dạy cho trẻ em thấy những gì xảy ra không phải lỗi tại nó để nó có thể chấp nhận được chuyện đó. Nếu sự giúp đỡ của họ không hiệu quả, bạn có thể nhớ tới sự hỗ trợ của cộng đồng, tòa án.

2. LẠM DỤNG TÌNH DỤC TRẺ EM
Định nghĩa: Lạm dụng tình dục bao gồm sự tiếp xúc (tương tác) giữa đứa trẻ và người lớn, trong đó đứa trẻ bị kích thích tình dục cho người khác, trẻ từ 18 tuổi trở xuống. Khi người lớn, lớn hơn trẻ 5 tuổi trở lên và người đó có quyền lực trên đứa nhỏ. Người lớn có quyền lực trên đứa nhỏ này, sử dụng quyền lực của họ để thoả mãn tình dục và giúp người khác thoả mãn tình dục.
Loạn luân là một hình thức đặc biệt của lạm dụng tình dục, là sự tiếp xúc, hay sự giao hợp giữa một đứa nhỏ và một thành viên trong gia đình không phải là người phối ngẫu. Lạm dụng tình dục cũng có thể là những hình ảnh khiêu dâm hay những cử chỉ mang tính tình dục, hay người lớn phô bày bộ phận sinh dục của mình, hay vuốt ve sờ mó bộ phận sinh dục, tình dục bằng miệng, giao hợp và bất cứ hình thức tiếp xúc sinh dục nào khác. Trong mối quan hệ mang tính loạn luân, không chỉ là những người có quan hệ máu mủ mà có thể là người không phải ruột thịt như cha ghẻ, dượng ghẻ, cô dì chú bác, người tình của cha mẹ. Trẻ có nguy cơ nhiều hơn đối với những người trẻ quen biết, tin cậy. Trẻ thì dễ bị lạm dụng tình dục vì chúng không có cơ sở thông tin để hiểu biết, không có chỗ nào để dựa, vì chúng nhỏ nên chúng sợ và đứa nhỏ nằm dưới sự kiểm soát của người lớn, nó muốn được làm vui lòng người lớn, nó nuốn được chăm sóc, muốn được có cảm giác an toàn. Ở Mỹ, 60% lạm dụng tình dục trẻ em xảy ra trong gia đình và phần lớn các trường hợp còn lại là do những người quen biết và những người lạm dụng tình dục trẻ em thường là những người thích làm tình với trẻ em. Trong gia đình có thể có mối quan hệ loạn luân giữa anh em, có khi đứa trẻ bị đối phó với những căng thẳng từ nhiều người, không có sự an ủi, có khi là anh truyền em nối, và thường là sự loạn luân giữa anh em nghiêm trọng hơn là trường hợp vi phạm là người lớn. Mối quan hệ loạn luân thực hiện theo các bước:
1. Bước đầu: người lớn (người vi phạm) thăm dò xem họ có thể tới gần đứa nhỏ không và đứa nhỏ đáp ứng thế nào?
2. Nếu trẻ có vẻ cởi mở, họ bước tới một bước là giao hợp. Từ từ dần tới mối quan hệ sâu sắc hơn về tình dục.
3. Và họ tìm cách làm cho đứa trẻ phải giữ bí mật, bằng cách họ hăm dọa hoặc đổ tội cho đứa trẻ hoặc nói đây là chuyện riêng của mình để dấu diếm sự việc.
Và nếu trẻ cho biết tình hình này thì sẽ có sự phát hiện. Sự phát hiện này có thể do sự tình cờ, đứa bé không nói nhưng một ai đó hay gia đình có thể phát hiện. Và sự phản ứng của sự phát hiện này có thể tạo ra sự căng thẳng cho gia đình và trẻ. Người phạm tội luôn luôn chối, đứa trẻ cảm thấy là đứa tội lỗi, bất an. Gia đình có thể giận dữ với trẻ và người vi phạm. Cảm thấy tội lỗi vì không bảo vệ được trẻ. Có nhiều gia đình lờ luôn không muốn quan tâm đến vấn đề.
Có những kết cấu trong gia đình đặt đứa trẻ trong cảnh nguy cơ. Gia đình này bị xã hội cô lập, có khi ranh giới gia đình không rõ ràng, hành vi của người cha đối với đứa trẻ không được bình thường lắm, hay là trong phòng không đóng cửa, hình như trong gia đình này không ai tôn trọng sự riêng tư của người khác, hoặc ngược lại có biểu hiện của sự bí mật, có sự dấu diếm. Có tình trạng những đứa con gái bị lạm dụng tình dục nhưng không được sự quan tâm của chính người lạm dụng tình dục. Có khi người cha lạm dụng tình dục đứa con mà người mẹ lại giận dữ với con. Người mẹ và con có khoảng cách với nhau, có mâu thuẫn giữa cha và mẹ. Người cha và con gái có sự quan hệ thân thiết dẫn đến có sự quan hệ tình dục. Vì mối quan hệ tâm lý giữa mẹ và con đã thiếu rồi cho nên khi có chuyện quan hệ tình dục, đứa con không nói với mẹ được nên người mẹ rất là giận con, cho nên không thể giúp con được.
Một nguy cơ khác là khi nào có người dượng ghẻ trong gia đình, khi mẹ bệnh hoạn vắng nhà cũng là một yếu tố nguy cơ khác.
Rượu cũng là một yếu tố khác và có nhiều khi chính kẻ lạm dụng tình dục lại có một lịch sử bị lạm dụng. Đó là một nhân tố lớn, nguy cơ lớn cho đứa trẻ bị lạm dụng tình dục.
Đây là một vài đặc điểm của người cha lạm dụng tình dục:
Ông ta thường là người nhút nhát, khiếm khuyết kỹ năng giao tế, và ông ta có thể có những khó khăn trong việc bộc lộ với vợ, thường đánh giá mình thấp hơn vợ, anh ta lại ngả về đứa con gái, với con anh ta cảm thấy an toàn. Đứa con gái này không quyền lực gì và nó có tình thương đối với cha. Đứa con gái là nơi anh ta trút vấn đề của ông ta. Người vợ thường là những trầm cảm, xuống tinh thần và thường người mẹ không muốn tự khẳng định mình để bênh con. Phần lớn bà ta phụ thuộc chồng về tình cảm và bà ta không dám đối đầu với anh ta vì sợ mất tình thương của ông ta. Thường những bà mẹ này nói không biết vì không đủ sức đối phó vấn đề. Đó là những cuộc hôn nhân có vấn đề và cả hai đều sợ rằng nếu chuyện này bị phát hiện thì cuộc hôn nhân bị tan rã. Và chuyện này được bộc lộ thì đứa nhỏ chịu một gánh nặng, đứa trẻ sống trong sự căng thẳng đôi khi đứa trẻ nghĩ mẹ nó giận nó vì nó dành chồng của bà, và họ cảm thấy xấu hổ vì điều cấm kỵ quan trọng đã bị phá vỡ.
- Người vợ cảm thấy xấu hổ vì thấy mình bị mất vai trò làm vợ, bà sợ đánh mất chồng, và sợ gia đình tan rã.
- Đứa con xấu hổ vì nó nghĩ nó là đứa con tội lỗi.
- Và có nghi vấn không biết người cha có xấu hổ không? Có một sự khó khăn nếu như người cha cố tình đẩy sự rắc rối của mình vào vô thức. Khó để cho sự xấu hổ được bộc lộ ra. Trường hợp sẽ tốt hơn nếu sự loạn luân được phát hiện mà ông ta cảm thấy xấu hổ, ăn năn thì ông ta sẽ được giải phóng về gánh nặng tâm lý và người mẹ rất xấu hổ vì không bảo vệ được con mình, họ thiếu kỹ năng chăm sóc con. Đôi khi đứa con giận mẹ vì mẹ không bảo vệ được nó.
Các dấu hiệu và đặc điểm về hành vi lạm dụng tình dục:
- Bệnh về tình dục: có những vấn đề ở cổ, ở miệng, đi tiêu khó, những sự xuất tinh, ra chất nhờn nhiều và có những vết bầm trên bộ phận sinh dục và có sự mang thai mà không cắt nghĩa được, mà đương sự không muốn trao đổi.
Những hành vi mà chúng ta phát hiện được sự lạm dụng là:
- Có một sự thay đổi nào đó ở trẻ, trẻ đó có thể tự khép kín, hay rất hung hãn hay bị trầm cảm, thay đổi ứng xử với anh em, đứa trẻ có những hành vi về tình dục không thuộc lứa tuổi của nó, hay đột ngột thấy đứa trẻ sợ người đàn ông khác rờ vào nó. Trẻ không tỏ ra sợ hãi phải ở một mình với một người nào đó hay không muốn thấy mặt một người đàn ông và có thể gợi cho chúng ta cảm thấy nó có một bí mật mà nó không muốn nói cho mình nghe, hay khi nhắc đến tên ai đó đột nhiên nó bỏ đi. Đó là những dấu hiệu có điều gì đó đã xảy ra.
Hậu quả lâu dài của lạm dụng tình dục:
Hậu quả lâu dài này sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau, nếu sự lạm dụng kéo dài, hậu quả sẽ quan trọng hơn nếu có nhiều hơn một biến cố, nếu người vi phạm là một người cha và một người được xem như cha, nếu người vi phạm sử dụng sức mạnh thì hậu quả có thể nghiêm trọng hơn khi kẻ vi phạm là một người đàn ông lớn tuổi so với người anh em. Kết cục mang tính nghiêm trọng (gia đình khủng hoảng, trẻ bị đưa đi nơi khác) hậu quả lâu dài sẽ nghiêm trọng hơn. Một vài biểu hiện của hậu quả lâu dài là mại dâm, nghiện thuốc phiện, rượu và vài dấu hiệu khủng hoảng trục trặc về tình dục, có những khó khăn về sự thân mật gần gũi với người khác phái, hay có sự nghi ngờ thiếu tin tưởng, họ tỏ ra không có tình cảm, trầm cảm đôi khi có hành vi rất hung hãn và họ có xu hướng lựa chọn người có xu hướng lạm dụng và sau đó cũng có xu hướng chọn kẻ lạm dụng tình dục cho con mình.
Vai trò của nhân viên xã hội thế nào nếu có cas lạm dụng tình dục là loạn luân thì ta phải làm gì?
Chúng ta nên nhớ rằng khi những cas này được phát hiện thường có những tình cảm rất mạnh mẽ, rất phức tạp như giận dữ, xấu hổ... Khi gia đình công nhận điều này, ta nên giúp họ biểu lộ sự quan tâm và sự hỗ trợ lẫn nhau quan tâm vấn đề, ranh giới để tổ chức nó lại, vì chính sự không rõ ràng ranh giới đã dẫn đến tình trạng này. Chúng ta nên xây dựng mối liên hệ giữa người vợ và người chồng thay vì người chồng với đứa con gái và mẹ với đứa con khác.
Các bạn giúp họ cải tiến truyền thông trong gia đình. Ví dụ như người cha không nói lên cảm nghĩ của mình, người mẹ không bộc lộ được cảm xúc của mình.
Có một sự khác biệt giữa hai trường phái:
- Một phái chỉ làm việc với trẻ bị lạm dụng (trẻ nạn nhân).
- Một phái làm việc với cả gia đình (đặc biệt là với người vi phạm).
Nếu có thể được, tốt nhất ta nên làm việc với cả gia đình, và trong đó giúp cho kẻ vi phạm được trị liệu tốt. Nhưhg điều này không phải luôn luôn là dễ dàng. Nếu ta làm việc với nạn nhân, giúp họ đừng đổ lỗi cho bản thân mình, và giúp họ nhận được, ý thức được hay bộc lộ một cảm xúc đó mà họ tự che dấu từ lâu.
Có thể sự việc xảy ra đó là cách của nó tìm ra sự thương yêu, ta có thể giúp nó thỏa mãn nhu cầu của nó bằng nhiều cách khác. Tạo nên sự tin tưởng đối với đứa trẻ bị lạm dụng đây là việc làm tốt, nhưng cần phải có thời gian. Ta nên làm những việc nhỏ để có sự thành công liền. Trẻ này thường khó tin tưởng bạn, nên bạn phải kiên nhẫn, phải luôn luôn sẵn sàng hiện diện khi nó cần.
Phòng ngừa: (bằng cách giáo dục cho các thành viên trong gia đình nhận rõ ranh giới).
Bạn phải thông tin giáo dục cho cả cha mẹ và trẻ em để họ biết trả lời không, cha mẹ phải hiểu rằng con có quyền của mình. Cha mẹ nên giúp đỡ con biết tránh môi trường nguy hiểm. Giúp cho cha mẹ có kỹ năng biết trao đổi với con để con cũng có thể bộc lộ với họ. Giúp cho gia đình đó có mối quan hệ tương tác.

Tiến sĩ Mary Ann Forgey và Tiến sĩ Carol S.Cohen

Hệ thống sinh thái trong công tác xã hội


Hệ thống sinh thái (Ecology systems).
KHÁI NIỆM VỀ HỆ THỐNG SINH THÁI:
Hệ thống sinh thái gồm hai ý tưởng: Môi trường sinh thái của cá nhân khi cá nhân đó đang cố gắng để thích nghi với môi trường xung quanh; hệ thống khi nhìn vào mối tương quan của những bộ phận khác nhau. Ta phối hợp hai chữ nầy thành hệ thống sinh thái (Ecology systems).
Cá nhân gắn chặt với gia đình, gia đình với cộng đồng, có những cá nhân rất mạnh có thể lay chuyển cả một hệ thống lớn. Hành vi con người rất phức tạp, không có một yếu tố nào duy nhất giải thích về hành vi con người. Chúng ta phải cố gắng kết hợp các lý thuyết về cá nhân, gia đình, nhóm, xã hội và lý thuyết về thế giới để hiểu về con người theo hệ thống sinh thái.
Gia đình có ranh giới, chúng ta cũng có ranh giới, bất cứ hệ thống nào cũng có ranh giới, chúng ta nghĩ đến sự tương tác trong hệ thống để hiểu con người. Để hiểu một người bạn nào đó, chúng ta phải hiểu thế giới rộng hơn, phải hiểu gia đình người đó, nhóm bạn cũng làm việc, cộng đồng mà bạn đó đang tương tác. Hệ thống sinh thái của mỗi cá nhân đều độc đáo.
Chúng ta suy nghĩ bằng hình ảnh hơn là trừu tượng, cách nhìn này sẽ mở rộng tầm nhìn của chúng ta để hiểu sự việc.
Cha mẹ bị stress dẫn đến ngược đãi con cái hay cha mẹ thất nghiệp cũng ngược đãi con cái.
- Nếu người ta có việc làm thì sẽ giảm bớt những vấn đề xã hội. Kinh tế là chỉ báo mạnh nhất đối với các vấn đề xã hội.
Trong một hệ thống, ta quan tâm đến tổng thể nhiều hơn sự cộng lại của các bộ phận. Mọi hệ thống có nhiều bộ phận, gia đình là thành phần của cộng đồng.
Có 4 thành tố đối với mọi hệ thống:
1. Hành vi.
2. Cấu trúc.
3. Văn hóa.
4. Diễn biến của hệ thống.
Chúng ta luôn luôn quan tâm đến hành vi, cấu trúc, văn hóa, diễn biến của hệ thống.
Mỗi hệ thống đều có thời gian sống và nghỉ ngơi.
1. Hành vi: có khi gọi là năng lượng mang tính tâm lý (thức ăn là năng lượng, sự nâng đỡ về tình cảm là năng lượng...), hành vi là cách sử dụng năng lượng của mình, ví dụ tôi đang trình bày.
Nếu không có nhập năng lượng mới, hệ thống sẽ chết dần, mọi hệ thống đều phải mở ra để tiếp nhận năng lượng mới.
Mọi hệ thống đều thay đổi nhưng không thay đổi quá nhanh... luôn luôn có những lực lượng bên trong một hệ thống, luôn có sự sống và năng lượng, những năng lượng này đẩy và kéo lẫn nhau.
Khi một xã hội, một gia đình gặp một áp lực quá lớn chúng tôi gọi là STRESS hay STRAW.
Thí dụ:
- Có một số vùng bị lụt, các cộng đồng bị lụt sống trong tình trạng stress, chính phủ phải biết để có chương trình yểm trợ.
- Tôi là giảng viên, nếu tôi không có mặt thì nhà trường bị stress.
Tất cả hệ thống đều có những lực lượng chống đối nhau, khi lực lượng cân đối sẽ có sự hài hòa, đó là một cách hiểu vấn đề để trị liệu.
Thế nào là một gia đình sống một cách quân bình? Ở Trung Quốc, chính phủ có chính sách giới hạn số con... có nhiều gia đình bị stress vì chính sách nầy. Sự cân đối của nền văn hoá bị tác động, bị phá hủy.
Một ý kiến khác là sự thích nghi để sống còn, phải nhập năng lượng và phải biến nó thành một thành phần của bạn. Như thế bạn có hành động tương tác trong xã hội, bạn quan tâm đến phản ứng của người khác đối với mình.
Thí dụ: Giảng viên vừa giảng vừa quan sát thái độ sinh viên để thay đổi cách giảng bài.
Khi áp dụng phương pháp giải quyết nhanh: kỹ năng cần có là phải nghe như thế nào. Tôi phải là một hệ thống mở để đón nhận những gì mà các bạn bày tỏ trong phương pháp thực hiện nhanh.
2. Cấu trúc (kết cấu): Bất cứ hệ thống nào cũng có một bộ phận hay hệ thống bộ phận như trong cơ thể con người có nhiều hệ thống... cơ cấu cũng có nghĩa là những ranh giới, nếu nghiên cứu về gia đình trước tiên phải biết về thành phần trong gia đình, những thành phần đó không bắt buộc là những gì hiện hữu mà có thể là những thành phần về tâm lý.
Thí dụ:
Làm việc với trẻ đường phố vấn đề quan tâm là gia đình khi đứa trẻ trở về và môi trường xung quanh. Làm việc với gia đình cần phải biết kết cấu của họ và mối quan hệ của gia đình đối với xã hội xung quanh.
3. Văn hóa (Culture) Bất cứ hệ thống nào cũng đều mang nét văn hóa riêng của nó. Trong hệ thống, hành vi văn hoá được thể hiện như thế nào?

- Vai trò nam là gì?

nữ là gì?

- Văn hóa gia đình rất quan trọng để định hình một cá nhân, chúng ta không thể hiểu hết văn hoá gia đình đã ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào. Trong gia đình Việt Nam, vị trí của người anh cả rất quan trọng, đó là nét văn hoá của gia đình Việt Nam.
- Trong một đất nước, những vùng khác nhau có nền văn hóa khác nhau.
Thí dụ Ở Mỹ, văn hóa miền Bắc và miền Nam khác nhau.
4. Diễn biến của hệ thống:
Bất cứ một hệ thống nào cũng thay đổi theo thời gian nhưng bất kỳ trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ được trạng thái tương đối ổn định. Không có một cơ cấu nào tồn tại như vậy mãi.
Một ý liên quan đến sự tiến hoá đó là xã hội hoá (socialization). Thí dụ trong một gia đình, không thể có tình trạng tất cả mọi thành viên muốn làm gì cũng được hay trong một cơ quan không thể có tình trạng các nhân viên muốn làm gì thì làm. Bất kỳ một hệ thống nào cũng phải có những phương tiện để kiểm tra quản lý. Một trong những phương pháp mà chúng ta thể hiện sự quản lý đó là xã hội hóa. Xã hội hóa là một tiến trình.
Thí dụ:
Trong gia đình, cha mẹ giáo dục con cái, dạy cho con cái về văn hoá gia đình.
Một ý khác mà chúng ta muốn nói đến là giao tiếp (communication). Bất cứ một hệ thống nào trong quá trình thay đổi và tiến hóa cũng có sự giao tiếp.

LÝ THUYẾT VỀ VAI TRÒ (Role theory)
Mỗi người chúng ta đều có nhiều vai trò mà chúng ta đảm nhận trong cuộc sống. Giống như những diễn viên trên sân khấu, họ phải đóng nhiều vai cùng một lúc.
Thí dụ:
Các bạn khi ở lớp học thì đóng vai trò là học viên nhưng đến khi về đến gia đình thì các bạn lại đóng một vai trò khác.
- Mong đợi về vai trò (Expectation): Đó là cách xã hội qui định, qui ước về vai trò, về điều mong đợi mà vai trò đó thực hiện. Trong cùng một môi trường văn hóa thì mọi người có cùng một số mong đợi, những điều qui ước dành cho từng vai trò.
- Thể hiện vai trò (Role performance): Đó là cách con người thể hiện vai trò của mình như thế nào.
Thí dụ:
Sinh viên có thể đánh giá giảng viên của mình bằng cách đánh giá xem giảng viên đó thực hiện vai trò của mình có đúng hay không?
- Ý thức về vai trò (Role conception) đó là suy nghĩ của tôi về những gì các bạn mong đợi ở tôi. Đôi lúc cũng gặp rắc rối: chẳng hạn như đôi khi sinh viên suy nghĩ là tôi mong đợi ở họ những điều nầy, và họ cố gắng làm điều nầy nhưng tôi lại mong đợi ở họ những điều khác.
- Sự linh động về vai trò (Fexibility) Tôi cởi mở để thay đổi vai trò của tôi.
- Sự mơ hồ về vai trò (Role ambiguity) Thí dụ một người có vấn đề vì họ mơ hồ về vai trò, về những điều mà họ đảm nhận.
- Sự mâu thuẫn về vai trò (Role conflict) Thí dụ Con tôi muốn khác, chồng tôi muốn khác nên tôi không thể hoàn thành vai trò cùng một lúc. Tôi muốn làm một người mẹ tốt, một người vợ tốt nhưng tôi không làm được nên tôi bỏ luôn.
* Khi có mâu thuẫn về vai trò thì có vài phương cách để giải quyết:
Phương cách 1: lờ đi hay trốn tránh.
Phương cách 2: dung hoà.
Phương cách 3: tránh đi không làm gì hết.
Phương cách 4: từ bỏ vai trò của mình luôn.
- Tính không liên tục của vai trò:
Thí dụ:
Ở Mỹ có vấn đề xã hội làsự gián đoạn vai trò của cha mẹ khi con cái lớn lên. Một khi đứa trẻ rời khỏi nhà vai trò của họ bị gián đoạn. Những người lớn tuổi nghỉ hưu không còn làm gì nữa, họ đau khổ vì vai trò của họ bị gián đoạn.
- Áp lực về vai trò (Role strain): Thí dụ trong một gia đình, người cha phải đi xa cùng một lúc người mẹ phải đóng cả hai vai, thí dụ người mẹ bị ốm không thể chăm sóc cho con cái.
Áp dụng việc học, chọn một vấn đề được quan tâm (vấn đề sáng nay vừa học) phân tích vấn đề đã chọn, sau đó phản hồi lại, chúng tôi muốn xem các bạn đã học vấn đề gì? Nhìn vấn đề với cặp mắt khác hơn thế nào? Giải thích vấn đề đó như thế nào? Khái niệm nào sáng nay đã có ích cho các bạn nhiều nhất?
Nhóm 1: Trường hợp trẻ em hành nghề mại dâm.
Hiện nay tệ nạn nầy đang gia tăng, dựa vào hệ thống và thông qua khái niệm đã học, chúng tôi phân tích và rút ra những vấn đề sau:
Trẻ hành nghề mại dâm có rất nhiều lý do và tữ những lý do này, chúng tôi phân tích những lý do nào là chính và cần giải quyết theo từng cấp độ.
- Cấp vi mô:
+ Đua đòi thích có tiền ăn xài.
+ Văn hoá thấp.
+ Bản thân các em bị ức chế về mặt tâm lý.
- Cấp trung mô:
+ Các em bị chính cha mẹ đưa đi bán trinh.
+ Bạn bè rủ rê.
+ Trẻ bị người lớn dụ dỗ.
+ Trẻ sống trong môi trường có tệ nạn mại dâm.
- Cấp vĩ mô:
+ Quan niệm phong kiến “Trọng nam khinh nữ”
+ Do quan niệm hiện nay “Mãi dâm với trẻ em an toàn, tránh bị AIDS”
+ Giải quyết sinh lý với trẻ em sẽ gặp may mắn trong làm ăn.
+ Luật pháp còn thiếu công bằng đối với người mua dâm, bán dâm và bọn ma cô tú bà.
- Cách giải quyết:
+ Giải quyết mại dâm tùy từng cas cụ thể.
+ Vai trò của gia đình rất quan trọng để giải quyết.
+ Phải có sự tác động vào cá nhân, gia đình, cộng đồng.
+ Để nối kết trẻ với gia đình và cộng đồng cần có nhân viên xã hội.
+ Thay đổi luật pháp.
Nhóm 2: Trường hợp trẻ bị ngược đãi về mặt tinh thần
Giải quyết cas cụ thể, một học sinh cấp 3 sống trong một gia đình khá giả ở tỉnh X. Bản thân em học giỏi. Bố rất thương con nhưng lại có thái độ cứng rắn cộc cằn, gia trưởng, cấm đoán con cái vì ông cho rằng xã hội nhiều cạm bẫy nên đã hạn chế các mối quan hệ của con với bạn bè và môi trường xung quanh. Với sự kiểm soát quá chặt chẽ của gia đình, đứa trẻ đã bỏ nhà lên thành phố Hồ Chí Minh, em vào một câu lạc bộ. Ở câu lạc bộ người ta nhật xét thấy em có tính thích chứng tỏ mình, nhân viên xã hội tiếp cận gia đình giúp gia đình nhận thấy thái độ sai trái đối với con và giúp trẻ hồi gia một cách an toàn.
Vận dụng dựa trên một số kỹ năng đã học:
- Phân tích được các cấp độ.
- Sự tương tác giữa thành viên trong hệ thống (cá nhân và gia đình).
Về cá nhân: có sự mơ hồ về vai trò đứa bé có sự giằng xé về vai trò làm con và nhu cầu cá nhân.
Về gia đình:
- Mơ hồ về vai trò; người bố không nhận thức đúng về trách nhiệm làm cha.
- Mâu thuẫn về vai trò trong gia đình.

Giải thích theo thuyết âm dương
- Sự cứng rắn của cha đưa đến
Bùng nổ
- Sự cương quyết của con
Đứa bé được nhân viên xã hội nâng cao nhận thức đã trở về tác động với gia đình.
Về xã hội: do văn hóa phương Đông, người cha luôn có sự áp đặt đứa bé.
Giải pháp:
- Nhân viên xã hội phải tạo ra năng lượng cho cá nhân trẻ, giúp cho người cha nhận rõ về vai trò, có nghĩa là phải xác định ranh giới của hệ thống cho cả cha và con. Khi tác động vào gia đình nên tác động vào người có uy tín trong gia đình.

Robert Martin Chazin và Shela Berger Chazin

WHAT IS COMMUNITY DEVELOPMENT?


What is Community Development?
Good community development is action that helps people to recognise and develop their ability and potential and organise themselves to respond to problems and needs which they share. It supports the establishment of strong communities that control and use assets to promote social justice and help improve the quality of community life. It also enables community and public agencies to work together to improve the quality of government.
SCDC promotes best practice in community development using this model:
Purpose: People want to live in healthy communities. These are communities in which they:
feel able to be who they are
have positive prospects for their future
experience respect and equal and fair treatment
Focus: To achieve this people want to be in a community that:
creates wealth and gives everyone access to its benefits,
cares for all its members, when they need it, throughout their life span
provides an environment that is safe and attractive
enables people to express and celebrate their creativity and diverse cultures
enables everyone to participate in decision that affect their lives
Methods: To support them to contribute to the creation of such a community, community development promotes:
Opportunity for people to learn and develop their own skills
Reaches out to and involves those who may be excluded or disadvantaged
Helps communities to create organisations that can tackle their needs and represent their interests
Works to promote engagement and dialogue between communities and agencies that affect their lives
SCDC contributes and subscribes to the Budapest Declaration on Community Development.

26 tháng 2, 2008

Phát triển Cộng đồng dựa vào tài sản và nguồn lực của Cộng đồng như là một chiến lược cho việc thúc đẩy người dân phát triển


Phát triển Cộng đồng dựa vào tài sản và nguồn lực của Cộng đồng như là một chiến lược cho việc thúc đẩy người dân phát triển
Từ ngày 20-26 tháng 4 năm 2006 vừa qua, Trường Đại học An Giang phối hợp với COADY (Canada) cùng với sự hỗ trợ của CEEVN (Hà Nội) đã tổ chức khoá tập huấn ngắn hạn về Phát triển cộng đồng dựa vào tài sản và nguồn lực của cộng đồng (ABCD), với thành phần tham dự gồm khoảng 25 nhân viên, cán bộ đang làm việc ở trường đại học của tỉnh An Giang, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ.
Phát triển cộng đồng (ptcđ) dựa vào tài sản và nguồn lực trong cộng đồng (abcd) khởi điểm các tài sản và sức mạnh hiện có của cộng đồng, đặc biệt sức mạnh vốn có trong các hội, nhóm cộng đồng và mạng lưới xã hội trong cộng đồng. Abcd được xem như là một trong những lựa chọn các phương pháp tiếp cận dựa vào nhu cầu để phát triển. Trong nguyên tắc và thực hành abcd gồm có 4 thành phần chính như là lý thuyết và thực hành của cuộc khảo sát được đánh giá cao; khái niệm của nguồn vốn xã hội như là một tài sản cho phát triển cộng đồng; lý thuyết của sự phát triển kinh tế trong cộng đồng và những bài học kinh nghiệm từ những mối liên kết giữa sự phát triển có sự tham gia, quyền công dân và xã hội dân sự. Hay nói cách khác, abcd có thể được hiểu như là một phương pháp tiếp cận, như là toàn bộ phương pháp cho việc vận động cộng đồng tham gia phát triển và cũng là một chiến lược cho sự phát triển dựa vào cộng đồng. Những phương pháp này gồm:- Phỏng vấn để tìm ra những câu chuyện thành công trong cộng đồng và phân tích những nguyên do về sự thành công đó. Đồng thời xác định những tài sản và nguồn lực còn tiềm ẩn và chưa được công nhận trong cộng đồng.- Phương pháp abcd cung cấp các công cụ thực hành và phương pháp mà các thành viên trong cộng đồng có thể sử dụng để xác định và nối kết các tài sản trong cộng đồng. Nó bao gồm các công cụ như vẽ bản đồ tài sản sẵn có trong cộng đồng và phân tích nền kinh tế tại địa phương; mô tả các mối liên kết tiềm năng trong tài sản và nguồn lực của cộng đồng để đánh giá một cách lạc quan về cơ hội phát triển kinh tế tại địa phương kể cả xuất khẩu hàng hóa ra bên ngoài cộng đồng và bịt kín lại các rò rĩ mà có thể dẫn đến tiêu hao nguồn tài nguyên không cần thiết trong cộng đồng. Kỹ thuật vẽ bản đồ cũng cung cấp phương tiện để đưa ra các giá trị về các kỹ năng, tài năng và năng lực trong việc phân tích kinh tế. Ngoài ra nguồn tài nguyên thiên nhiên, xã hội và văn hóa cũng được xem xét trong vấn đề phân tích kinh tế địa phương.
- Thành lập một nhóm nồng cốt và đồng đẳng trong cộng đồng. Trong yếu tố này, abcd nhấn mạnh vai trò thiết yếu của các nhóm hội chính thức và không chính thức, các mạng lưới làm việc và các gia đình cùng nhau hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng. Hay nói cách khác, tầm quan trong của mối quan hệ xã hội trong cộng đồng nhằm kết nối những các hoạt động địa phương để tạo cơ hội cho mọi người dân trong cộng đồng tự nguyện tham gia. Xây dựng mối quan hệ tài sản và nguồn lực của địa phương để giải quyết những vấn đề khó khăn và cùng nhau đem đến lợi ích chung cho cộng đồng. Nói chung, abcd xem yếu tố này là một tiềm năng rất lớn trong cộng đồng.- Tập hợp một nhóm đại diện lên kế hoạch thực hiện, tạo một lực đòn bẩy cho các hoạt động của cộng đồng, với sự bắt đầu thực hiện các hoạt động của cộng đồng mà không có sự giúp đỡ bên ngoài. Khi các hoạt động của cộng đồng phát triển mạnh và có quy mô, từ đó có thể liên kết với các tổ chức, cơ sở bên ngoài cộng đồng nhằm để kêu gọi đầu tư cho việc thực hiện các hoạt động phát triển cộng đồng.Cuối cùng ABCD là một chiến lược cho việc thúc đẩy cộng đồng phát triển bền vững. Nó khác với các hành động về việc thúc đẩy cộng đồng phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB), có nghĩa là nó trọng tâm vào việc vận động cộng đồng tự phát triển hơn là việc cải cách cơ chế, cho dù có bổ sung về yếu tố tiềm năng của cộng đồng. Đằng sau việc vận động cộng đồng tham gia trong phát triển, ABCD còn được đề cập đến mối liên kết giữa việc thúc đẩy cộng đồng hành động và môi trường vĩ mô, và thúc đẩy môi trường chính sách có ích để thực hiện các hoạt động phát triển. Đây chỉ là sơ lược về nội dung khóa học 5 ngày để chia sẻ với các bạn đồng nghiệp qua bản tin ctxh. Sau khoá học, chúng tôi gồm những thành viên tham dự khoá học đều có tâm huyết muốn áp dụng phương pháp này vào thực tế đã bàn bạc và thảo luận nên tạo một mạng lưới từ 3 nhóm (nhóm trường đại học, nhóm làm việc cơ quan nhà nước, và nhóm làm tổ chức phi chính phủ, từ bắc vào nam) nhằm để chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm cho nhau. Sắp tới chúng tôi (nhóm cựu sinh viên nhận học bổng từ quỹ ford foundation) sẽ dịch tài liệu tập huấn sang tiếng việt và có sự chọn lọc cho việc ứng dụng phù hợp với bối cảnh, xã hội và văn hóa việt nam. Đồng thời sẽ thu thập 10 trường hợp điển cứu thành công trong cộng đồng để lồng vào bài giảng. Sau khi hoàn tất nội dung chương trình tập huấn bằng tiếng việt, chúng tôi sẽ tìm những nơi, địa phương nào nhiệt tình ủng hộ và sẵn sàng cộng tác với chúng tôi trong việc ứng dụng phương pháp abcd trong giai đoạn tiền thử nghiệm.Mai Linh

The behavioural approach to social work


The behavioural approach to social work
John Pierson
Social work has long regarded behaviour modification with considerable suspicion as a form of social engineering based on an instrumental view of human nature at odds with the emphasis which the profession places on the whole person, the quality of relationships and client self-determination.
This suspicion is not unfounded. Much of the work on learning theory early in this century which provided the theoretical basis for the behavioural approach seems in retrospect a dangerous abridgement of how people learn behaviours. Early attempts at treatment were cold and detached: a paper from the 1940s entitled ‘Operant conditioning of a vegetative human organism’ captures the harsh language behaviourists routinely employed (Fuller 1949, cited by Remington 1991). The token economy programmes of the 1950s and 1960s cast psychiatric nurses as behavioural engineers; crude implementation of reward and punishment schemes often had to do more with control over a resident population than individual treatment. Further, the pronounced antagonism from some behaviourists toward homosexuality revealed a rigid attitude toward sexual identity.
But that is not the whole picture. In the last ten years a more pragmatic behavioural approach has begun to emerge, one more sensitive to user choice and partnership. Learning theory has continued to evolve; it now takes account of mind and language as important shapers of behaviour and is more frequently found integrated with systems and interactional theory.
There are four broad characteristics of the behavioural approach. First, behaviour is viewed as functional for the individual, including behaviour which is excessive, challenging or poorly adapted to the social environment. The approach therefore rejects a disease model in which behaviour is seen as a symptom of a deeper disturbance. Second, it concentrates on specific and observable behaviour of the present rather than looking for psychological roots in the past. Third, intervention is aimed at change and must provide opportunities to learn other behaviours. Undesirable behaviours are part of a continuum; they are learned and therefore can be unlearned. Fourth, the approach is held accountable through a strong commitment to evaluating the

A participatory approach to social work


A participatory approach to social work

Suzy Croft and Peter BeresfordThe modern history of social work is one of constant change and attack. The role, organizational setting and philosophy of social work have all undergone change at an accelerating pace. Over the last twenty years there has been a shift from caseworker, to community social worker and now care manager; from ‘specialism’ to ‘genericism’ and back again. Social work’s critics question whether it even has its own distinct body of knowledge. It is attacked by the political left for being a soft cop, by the political right for inducing dependency and by the tabloid press for the series of child care tragedies and scandals that punctuated the 1980s and early 1990s. Social work is currently undergoing another period of drastic change. This time it’s part of much broader changes in society and welfare, reflected in the move to a changed ‘economy of care’, the ‘purchaser-provider split’ and a ‘contract culture’. Now the rhetoric is of more ‘user-centred’ services and a key idea informing this is ‘user involvement’. There are many different reasons for this development, but most can be traced to dissatisfaction with the postwar welfare state. They include:
• the rise of the political right and election of Conservative governments opposed to government intervention and large-scale public welfare;
• wider public disquiet about the poor quality and unaccountability of welfare and other public services;
• the emergence of a wide range of organizations and movements of people who received and were dissatisfied with such welfare services;
• progressive welfare professionals seeking to work in more egalitarian ways;
• the emergence of pioneering initiatives providing different, more participatory services and offering new role models;
• increased interest in ideas of citizenship, civil rights and equal opportunities;
• the emergence of new philosophies like normalization and a social model of disability.
-49-

25 tháng 2, 2008

Công tác xã hội với trẻ em và gia đình


Khái niệm “Công tác xã hội với trẻ em và gia đình”

Công tác xã hội với trẻ em và gia đình là một phần trong các lãnh vực chuyên biệt của ngành công tác xã hội với mục tiêu đem lại sự hỗ trợ cho trẻ em trong hoàn cảnh khó khăn, giúp bảo vệ trẻ em và gia đình và góp phần vào nền an sinh cho trẻ em và gia đình.

Công việc của Công tác xã hội là huy động các nguồn lực giúp đỡ gia đình thực hiện vai trò trong khả năng giới hạn của họ. Theo Beatrice Pompy, nhân viên xã hội có trách nhiệm xác định những rối loạn của trẻ, của cha mẹ, đánh giá cho được khả năng và hạn chế của họ và qua đó, nhân viên xã hội phải làm việc bằng các giác quan, trực giác, bằng quan sát cá nhân, với sự hiểu biết và kinh nghiệm trong quá trình nghề nghiệp, về nhận thức vấn đề. Nhân viên xã hội khi can thiệp giúp đỡ trẻ em và gia đình trẻ có vấn đề thường mang theo những quá khứ thời thơ ấu xa xưa của mình , tình cảm, cảm xúc riêng tư của mình bên cạnh những kỹ năng chuyên nghiệp. Vì thế mà công tác xã hội với nói chung và công tác xã hội với trẻ em và gia đình nói riêng là một công tác vô cùng khó khăn, một công tác đòi hỏi phải luôn được đào tạo mỗi khi tiếp xúc với đối tượng.

1. Công tác xã hội với trẻ em
Công tác xã hội với trẻ em bao gồm những nội dung như sau :
- Các chức năng của công tác xã hội và các nhu cầu đặc biệt của trẻ em : trị liệu, hỗ trợ, phục hồi, bảo vệ liên quan đến trẻ em có nhu cầu đặc biệt.
- Các lãnh vực thực thi công tác xã hội với trẻ : cộng đồng, trường học, bệnh viện, các cơ sở xã hội.
- Các vai trò của nhân viên xã hội trong công tác xã hội với trẻ em
2. Công tác xã hội với gia đình
Công tác xã hội với trẻ em được thực thi trong bối cảnh gia đình, môi trường sống toàn diện của trẻ, do đó công tác xã hội với gia đình gắn bó chặt chẻ với các vấn đề của trẻ em:
- Thực hành công tác xã hội lấy gia đình làm trọng tâm : con người trong bối cảnh toàn diện ( môi trường sống ).
- Công tác xã hội trước các vấn đề của gia đình : Gia đình đơn thân, gia đình bạo lực, gia đình tội phạm, gia đình lạm dụng trẻ em..
- Các vai trò của nhân viên xã hội trong các dịch vụ gia đình.
- An sinh nhi đồng và gia đình.


1. Tìm hiểu trẻ em và gia đình của trẻ

Muốn có sự hiểu biết về tình trạng của trẻ, nhân viên xã hội cần phải vãng gia để khảo sát môi trường sống của trẻ và cha mẹ. Những vấn đề mà nhân viên xã hội cần quan tâm trong bối cảnh gia đình thông qua các mối quan hệ ví dụ như :

- Cha - mẹ : Sự không hài lòng của họ về trẻ, những bất hòa trong các quyết định, những khó khăn trong quan hệ vợ chồng..
- Cha mẹ - đứa trẻ : Cách giải quyết những khó khăn, thất vọng vì trẻ vô tích sự..
- Trẻ em – Cha mẹ : Trẻ oán giận vì bị xem lúc nào cũng là trẻ con, những than phiền vì những bất công..
- Trẻ - trẻ : Sự kình địch giữa anh chị em ruột, ganh tị nhau.

Thân chủ của nhân viên xã hội có thể là một trong những người này - một đứa trẻ từ chối đi học, cha hoặc mẹ tức giận hoặc buông xuôi hoặc tất cả các thành viên gia đình cảm thấy buồn bã. Nhân viên xã hội có thể tìm hiểu ở khu xóm, tại trường học hoặc ở các tổ chức trong cộng đồng. Ai là thân chủ là một câu hỏi khó được trả lời.
Có nhân viên xã hội thích gặp tất cả các thành viên trong gia đình khi phỏng vấn, có người thích gặp cha mẹ trước với hoặc không có sự hiện diện của trẻ. Tiến trình tìm hiểu là một tiến trình quan sát, hỏi và lắng nghe. Để khám phá “cái gì”, nhân viên xã hội cần có những kỹ năng quan sát, đặt câu hỏi và lắng nghe khi tiếp cận gia đình. Cuộc gặp gỡ này là một mối quan hệ tương tác, một tiến trình của gia đình đi tìm sự can thiệp hoặc sự hỗ trợ và nghiệp vụ chuyên môn nhằm làm rõ vấn đề.
Hilton Davis (1985) đã đưa ra ba mô hình trong một quyển sách về trẻ em với những nhu cầu đặc biệt : mô hình chuyên gia, mô hình khách hàng và mô hình ghép :

· Theo mô hình chuyên gia, nhà chuyên môn tự cho mình là trên hết do mình là chuyên gia, có trách nhiệm và phải có quyết định. Thân chủ tương đối thụ động, cần lời khuyên và thực hiện theo lời phán của chuyên gia.
· Theo mô hình khách hàng, thân chủ có quyền chọn lựa cái gì họ tin là phù hợp với các nhu cầu của họ, nhà chuyên môn chỉ vai trò tư vấn.
· Theo mô hình ghép hay còn được gọi là mô hình đối tác, nhà chuyên môn có tự xem mình là chuyên gia, nhưng có chia sẻ, trao đổi với phụ huynh và với những nhà bán hoặc không chuyên nghiệp khác để họ có thể đứng ra làm trung gian hoặc tạo thuận lợi cho trị liệu đứa trẻ hay cha mẹ đứa trẻ.

Không có mô hình nào phù hợp cho mọi vấn đề. Điều quan trọng là nhà chuyên môn phải biết sứ mệnh của mình là gì. Để giúp nhân viên xã hội khám phá vấn đề của trẻ em và gia đình chúng thì nên hướng vào các câu hỏi sau đây:

· Tôi có gặp gia đình chưa ?
· Tôi có nhìn trẻ trong bối cảnh của gia đình của nó không?
· Tôi có trao đổi hai chiều thường xuyên với gia đình không?
· Tôi có tôn trọng giá trị của gia đình không?
· Tôi có cảm nhận là gia đình có những mặt mạnh để giúp trẻ không?
· Tôi có nhận diện được các khả năng và tài nguyên của gia đình không?
· Tôi có hành động một cách trung thực nhất không?
· Tôi có cho họ nhiều lựa chọn để thực hiện điều gì đó không?
· Tôi có lắng nghe họ không?
· Tôi có nhận diện được các mục tiêu của họ không?
· Tôi có thương lượng với họ không?
· Tôi có điều chỉnh để có kết luận chung không?
· Tôi có cho rằng họ có trách nhiệm về những gì tôi làm cho con cái của họ?
· Tôi có cho rằng tôi phải cần có sự kính trọng của họ không?
· Tôi có tin tưởng là họ có thể thay đổi?
· Tôi có cố gắng nhận diện cách nhìn của họ đối với con cái của họ không?

Phần nhiều câu trả lời “có” là theo mô hình khách hàng, còn trả lời “không” là theo mô hình chuyên gai. Mô hình mà nhân viên xã hội chọn không phải chỉ do cơ quan mà nhân viên xã hội làm việc, do thân chủ đi tìm kiếm sự hỗ trợ ở cơ quan mà còn do quan điểm của bạn về con người. Cách nhân viên xã hội phân tích vấn đề và đạt ra các giải pháp phản ánh niềm tin của nhân viên xã hội về gia đình, các vấn đề của nó và mặt mạnh của nó thúc đẩy sự phát triển và thay đổi.

2. Tiếp cận vấn đề : làm việc với trẻ, thiết lập các nguyên tắc làm việc
3. Vãng gia
· Tìm hiểu môi trường sống
· Làm việc với cha mẹ
4. Phân tích vấn đề
· Điều gì đang xảy ra ?
· Tại sao nó xảy ra ?
· Điều gì sẽ xảy ra tiếp ?
5. Hỗ trợ tình cảm
6. Chuẩn bị/trao đổi với các đồng nghiệp, chuyên gia để có sự thống nhất trong phương hướng giải quyết vấn đề
7. Hiểu được ước muốn và cảm xúc của trẻ

Đối với trẻ em, trong công tác xã hội nhóm, một hình thức môi trường giúp trẻ thay đổi là chơi. Cần phân biệt chơi trong khuôn khổ và chơi không theo khuôn khổ. Chơi không theo khuôn khổ là một phương tiện truyền thông và tự bộc lộ. Nó được dùng cho các nhóm của mọi lứa tuổi, liên quan đến các nhu cầu của cá nhân và liên quan đến những người mà họ có quan hệ ở một thời điểm nhất định. Garvey (1977) nêu 5 tiêu chí để xác định trò chơi không theo khuôn khổ :

· Chơi vui, hoặc có giá trị tích cực cho người chơi
· Được thúc đẩy từ bên trong, không có mục đích bên ngoài hoặc hành động bắt buộc nào.
· Nó xuất phát một cách tự nhiên, không bị ép buộc
· Nó đòi hỏi sự tham gia tích cực bởi người chơi
· Nó có một mối quan hệ nhất định với cái “không chơi” trong thế giới thực.

Các đặc tính của việc chơi không theo khuôn khổ :

Chơi được dùng bởi người lớn để hiểu trẻ em theo 3 phương cách (Garbarino Stott, 1992) :

· Tìm hiểu mức độ phát triển và năng lực của trẻ, bao gồm phát triển nhận thức, xã hội và thể chất.
· Thu thập thông tin về cuộc sống tinh thần của trẻ - có khái niệm về trẻ cảm nhận như thế nào.
· Chơi giúp trao đổi về những trải nghiệm lo lắng

Những hoạt động bao gồm trò chơi, thi đua, kể chuyện, sắm vai, tâm kịch đều được xem là chơi theo khuôn khổ. Nhân viên xã hội sử dụng các hoạt động này để các thành viên và nhóm đạt được mục tiêu của họ, nó thường xem như là một chương trình hoạt động đã định, giúp họ “học hỏi các quy định của trò chơi”, giúp họ dịch chuyển xa hơn, tạo ra những khám phá mới, phát triển sự sáng tạo.

Thông thường, nhân viên xã hội hỗ trợ nhóm lựa chọn và sử dụng các hoạt động. Vai trò của tác viên bao gồm nhiều công việc như chọn một hoạt dộng, lên kế hoạch, khởi đầu, dạy (trường hợp nhó trẻ), hỗ trợ, điều chỉnh, điều quan trọng là tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong nhóm và các hoạt động phải là những cơ hội khen thưởng để các nhóm viên phàn ứng một cách tích cực. Trong những trường hợp khác, nhân viên xã hội cần giúp trẻ vượt qua những hoạt động mới mẻ, chưa quen thuộc, để tập dần sự thích thú trong những gì trẻ đang làm. Trong lúc vẽ tranh hoặc lúc nặn đất sét, nhân viên xã hội thường cùng tham gia, tạo cho trẻ nhiều cơ hội tự thể hiện một cách thoải mái mà không có cảm giác là mình đang bị giám sát bời nhân viên xã hội. Vai trò của nhân viên xã hội là tạo sự ham muốn tham gia hoặc thúc đẩy người khác trở nên dấn thân hơn. Tuy nhiên đôi lúc nhân viên xã hội cũng cần kiểm soát hoặc hạn chế bớt những hành vi thái quá, trường hợp có mâu thuẫn, có nghĩa là nhân viên xã hội được phép can thiệp khi trẻ có nhu cầu.

2. Các bước tìm hiểu trẻ em và gia đình

2.1. Phỏng vấn trẻ

Phỏng vấn là một phương pháp chủ yếu để có thể tiếp cận các vấn đề của cha mẹ và của trẻ. Trước khi thâm nhập vào các vấn đề riêng tư của gia đình, bạn cần phải trả lới một cách rõ ràng nhiều câu hỏi được đặt ra:
· Tôi có quyền và được sự chấp thuận của gia đình chưa để tiến hành cuộc phỏng vấn? Vấn đề khó khăn là nhân viên xã hội thường đội hai “nón” được gọi là “chăm sóc” và “kiểm soát” và những sự can thiệp, viếng thăm không dược mong đợi như vậy thường ít được chào đón nhất là trong những trường như trẻ bị lạm dụng tình dục…
· Các mục tiêu của tôi là gì ? ( Tôi muốn tìm hiểu cái gì?)
· Ai tôi cần gặp để tôi đạt được các mục tiêu của tôi ? (Tất cả các thành viên trong gia đình ? Chỉ gặp người cha thôi ? Chỉ gặp riêng đứa trẻ? với anh chị em của trẻ ?)
· Tôi nói chuyện với ai trước? Người mẹ? Cả cha mẹ ? Có sự hiện diện của trẻ hay không?
· Tôi bắt đầu như thế nào?
· Làm thế nào để tôi bảo đảm là họ an tâm về tính riêng tư của vấn đề của họ?
· Cách nào tốt nhất để gợi ra những thông tin xác thật? Thông tin nào là xác thật?
· Làm thế nào để giúp họ không nói lạc đề hoặc lẫn tránh vấn đề chính yếu?
· Làm thế nào tôi kết thúc cuộc phỏng vấn giúp họ yên tâm và không làm cho họ lo sợ ?

Nhân viên xã hội cần lưu ý là phỏng vấn trẻ em đòi hỏi kỹ năng truyền thông, sự kiên nhẫn và tôn trọng trẻ. Trẻ nhỏ tuổi thường có giới hạn trong diễn đạt suy nghĩ của mình, mối lo sợ, tâm trạng thất vọng và những mối nghi ngờ.

2.2. Tiến trình khảo sát vấn đề

Giai đoạn 1 : Bối cảnh ban đầu

Bước 1 : Duy trì mối quan hệ làm việc hiệu quả
(a) Giải thích bạn là ai và bạn mong đợi gì
(b) Thiết lập mối quan hệ thân thiện, chuyên nghiệp (ví dụ làm việc có hệ thống)

Bước 2 : Giúp thân chủ cơ hội trình bày vấn để như họ nhận thấy
(Những câu hỏi này có thể phù hợp và hỏi trực tiếp trẻ)
(a) Bắt đầu bằng một câu hỏi mở : “Hãy cho tôi biết điều làm em
bận tâm?”
(b) Tóm lược ở khoảng cách câu chuyện mà không cắt ngang
lời nói của thân chủ :” Có thể chúng ta ngưng một lát để xem tôi
có hiểu đầy đủ những gì em nói không? Tôi muốn chắc là tôi hiểu
đúng. Như tôi hiểu là em đang quan tâm đến…Cần dành thời gian cần thiết cho thân chủ tự trình bày. Một số câu hỏi bổ sung có ích cho bước này : “Điều gì tốt lành trong tình hình hiện nay mà em đang quan tâm có liên quan đến……..(trẻ nói)? ; Nó giúp cho cuộc sống gia đình như thế nào? Có ai khác thể hiện mối quan về………..? Có ai cho đó là không đáng quan tâm không?”

Bước 3: Bắt đầu xác định rõ vấn đề
(a) Hỏi về những ví dụ gần nhất minh họa cho vấn đề: “Có thể cho tôi biết chi tiết điều gì đã xảy ra để tôi có thể nhìn rõ vấn đề? Điều gì dẫn đến sự đối kháng,hoặc vấn đề? Ai nói gì với ai? Làm làm gì đối với ai? Với những hậu quả gì? Thông thường sự cố kết thúc như thế nào? Việc sử dụng sắm vai có thể giúp ích rất nhiều.
(b) Tìm hiểu khi nào, thường như thế nào, với cường độ ra sao, trong tình huống riêng biệt nào (ai, nơi chốn, hoàn cảnh) và các vấn đề xảy đến.
(c) Khám phá những chi tiết xung quanh vấn đề. “Xảy ra bao lâu?”.
(d) “ Có cố gắng khắc phục nó như thế nào ? kết quả ra sao ?”
(e) “Có ai giúp vượt qua vấn đề không? Có ai cản trở không ?
(f) “Có lẻ em có vài ý kiến như tại sao nó lại xảy ra?

Bước 4 : Tìm hiểu hướng giải quyết mong muốn
“Tôi xin đưa ra một vài câu hỏi để giúp chúng ta làm rõ về những
gì mà chúng ta sẽ cùng làm việc. Nếu cần thiết, khi các thành viên khác trong gia đình có liên quan thì chúng ta sẽ cần tham khảo ý kiến của họ.

Bước 5 : Nhận diện chân dung vấn đề
Ghi nhận những lời than phiền và hướng mong muốn giải quyết
của các thành viên trong gia đình.

Bước 6 : Phân tích cho thân chủ suy nghĩ về những diễn biến hành vi
Phân tích theo công thức : A - B - C
Công việc này sẽ giúp chúng ta hiểu một số ảnh hưởng có ý nghĩa làm bùng nổ và duy trì mối tương tác không vui trong gia đình, cung cấp cho thân chủ một số dữ liệu thu thập thông tin và sắp xếp việc nhà.
A ( sự kiện tác động trước, Antecedent event )
B ( Hành vi phản ứng do vấn đề gạy ra – Behavior)
C ( Hậu quả xảy ra sau sự kiện – Consequence)

Bước 7 : Thiết lập các ưu tiên của vấn đề

Hỏi thân chủ cho biết mối quan tâm lớn nhất của họ là gì,
Các ưu tiên cần thực hiện để thay đổi. Thứ tự công việc có thể bị ảnh hưởng bởi những quan tâm đối với vấn đề :
- Mức độ phiền muộn
- Múc độ nguy hiểm
- Sự liên can đến đời sống gia đình hoặc từng cá nhân thành viên
- Khả năng cải thiện, thay đổi, can thiệp
- Tần số xảy ra sự kiện
- Cái giá của sự thay đổi dựa trên tài nguyên (tiền bạc, thời gian..)
- Mức độ chấp nhận của hướng giải quyết mong muốn
- Kỹ năng, tài nguyên của nhân viên xã hội, cơ quan cung cấp dịch vụ giúp đỡ.

Giai đoạn II : Khảo sát bổ sung

Bước 8 : Lập biểu đồ thế hệ
Cùng với các thành viên gia đình xây dựng biểu đồ thế hệ với các
thông tin chi tiết về vai trò và vấn đề trong cuộc sống gia đình của
từng thành viên.
Trong cuộc sống gia đình, cần chú ý các vấn đề sau :
Sự gắn kết : phản ảnh mối quan hệ trao đổi tình cảm gắn bó giữa
các thành viên và tính độc lập của cá nhân.
Các ranh giới : mô tà các thành tố thuộc hệ thống gia đình và các
thành tố thuộc môi trường, được xác định bởi các quy tắc của vai trò cá nhân. Các ranh giới có thể rõ ràng (các quy tắc đễ nhận biết và chấp nhận), không rõ ràng(mâu thuẫn, lộn xộn, thiếu vững chắc hoặc thiếu vắng), hoặc khắt khe (cứng nhắc, không thích nghi).
Sự thích nghi : cho biết một gia đình có thể thay đổi các vai trò và mối quan hệ của mình để thích nghi với ảnh hưởng của sự thay đổi.
Sự hài hòa : Các tiểu hệ thống hài hòa với hệ thống gia đình và hệ thống gia đình hài hòa với môi trường. Duy trì sự hài hoà giúp đương đầu với sự thay đổi và lo lắng, để được như vậy hệ thống phải mở.
Mở : Các thành viên trong gia đình có nhiều phương tiện để trao đổi với bên ngoài
Đóng : Rất ít trao đổi với bên ngoài
Phản hồi : Tiến trình qua đó gia đình có khả năng nhận biết và quản lý được sự tiến bộ của mình và biết điều chỉnh khi cần thiết trong việc hoàn thành mục tiêu của gia đình.

Những mâu thuẫn trong gia đình thường do những yếu tố:

- Sự hỗn độn trong tổ chức gia đình : thiếu sự tổ chức làm cho việc quản lý sự thay đổi rất khó khăn
- Tổ chức cứng nhắc làm triệt tiêu sự thay đổi khi cần có sự thay đổi hoặc có những phản ứng không phù hợp khi có sự cố.
- Khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình quá lớn đưa đến sự cô lập về tình cảm và sức khỏe kém
- Sự gần gũi quá mức đưa đến việc mất đi tính cá biệt hóa
- Thiếu khả năng giải quyết mâu thuẫn và quyết định
- Thiếu khả năng liên kết giữa cha mẹ trong giải quyết vấn đè
- Sự liên minh giữa các thế hệ (nội hoặc ngoại) trong đối phó với vấn đề
- Thiếu giao tiếp giữa các thành viên
- Thiếu sự đáp ứng cho nhau về mặt cảm nhận

Bước 9 : Khảo sát các kỹ năng của thân chủ (động cơ, tài nguyên)
Các kỹ năng làm cha mẹ :

Tôi và con tôi
Tôi và những người quan trọng khác
Các kỹ năng tôi cần để quan hệ hiệu quả với con tôi
Các kỹ năng tôi cần để quan hệ hiệu quả với những người khác ( ví dụ như hôn phối, giáo viên, bạn bè..) có liên quan đến con tôi
· Làm thế nào để truyền thông rõ ràng
· Lắng nghe cẩn thận như thế nào để hiểu
· Phát triển mối quan hệ của tôi như thế nào
· Làm thế nào để giúp đỡ, chăm sóc và bảo vệ mà không quá đáng
· Răn dạy và duy trì kỷ luật như thế nào
· Làm thế nào để chứng tỏ và nhận lòng yêu thương
· Làm thế nào để quản lý và giải quyết mâu thuẫn
· Cho và nhận phản hồi như thế nào
· Làm thế nào để duy trì sự cân đối giữa các thái cực (ví như yêu thương mà không chiếm hữu)
· Làm thế nào để thương lượng thỏa hiệp
· Đặt ra những giới hạn hợp lý như thế nào

· Làm thế nào để khách quan đối với người khác
· Làm thế nào để không ích kỷ
· Làm thế nào để quyết đoán mà không lấn áp và gia trưởng
· Làm thế nào để ảnh hưởng đến những người quan trọng và các hệ thống (ví như trường học)
· Làm thế nào để làm việc qua nhóm (nhóm phụ huynh)
· Làm thế nào để bày tỏ cảm nhận của mình một cách rõ ràng và xây dựng
· Làm thế nào để truyền tự tin và sức mạnh nơi người khác
· Làm thế nào để nhìn nhận bạn của con tôi theo cách nhìn của con tôi.

Bước 10 (a): Hỏi thân chủ của bạn (cha, mẹ) về mục tiêu của họ đối với con cái ( tham vọng, kế hoạch)

Bước 10 (b) : Hỏi thân chủ của bạn (cha, mẹ) về mục tiêu cho chính họ

Giai đoạn III:Thu thập thông tin ở những tình huống nhất định, qua quan sát trực tiếp, phỏng vấn để có thể đánh giá sự thay đổi có được trước và sau khi can thiệp.

2.3. Lên kế hoạch cho sự can thiệp

GIAI ĐOẠN I : Lên Kế hoạch

Bước 1 : Xem xét những giải pháp không chính thức và/hoặc trực tiếp

Trước khi bắt đầu sự can thiệp chính thức, chúng ta cần có những cuộc tiếp cận không chính thức lẫn trực tiếp như :

- Tham khảo kết quả khám bệnh, ví dụ như lắng nghe vấn đề sa sút của trẻ được xem là không vâng lời, có nhiều khó khăn
- Thay đổi thói quen giờ ngủ của trẻ
- Tách riêng hai trẻ phá nhau trong lớp học
- Giao thêm trách nhiệm cho trẻ

Bước 2 : Liệt kê các mặt mạnh và các hành động tích cực của thân chủ

Bước 3 : Tìm hiểu những mong đợi của những người xung quanh thân chủ
Trong trường hợp họ có những phiền hà thì họ có thể đóng vai trò nào đó trong kế hoạch hỗ trợ thân chủ.

Bước 4 (a) : Bắt đầu những vấn đề có nhiều khả năng thay đổi thành công.
(b) : Chọn lãnh vực thay đổi phù hợp với cá nhân ; Sau khi thay đổi, những hành vi mới cần được khuyến khích và duy trì.

Bước 5 : Chọn cách can thiệp ( với những phương pháp riêng biệt). Một khi phương pháp đã được chọn lựa, cần giám sát sự tiến bộ của thân chủ.

Bước 6 : Giám sát sự tiến bộ của thân chủ
Chọn một phương pháp đo lường hoặc khảo sát hành vi liên quan đến vấn đề.

GIAI ĐOẠN II : Thực hiện

Bước 7 : Thực hiện sự can thiệp

Xem xét những gì xảy ra ở giai đoạn sớm để bảo đảm chương trình được theo dõi tốt và giải quyết được những gì không tiên liệu phát sinh. Cần tiếp xúc với cha mẹ trong 2-3 ngày của tuần đầu tiên.

Bước 8 : Đánh giá sự can thiệp

Từ những dữ liệu thu thập được về hành vi mục tiêu hoặc các thông tin khách quan khác, có thể điều chỉnh hoặc thay đổi sự can thiệp

Mẫu theo dõi diễn biến hành vi giữa người mẹ và trẻ

Thăm viếng số…….. Báo cáo :……………..Tên thân chủ :…………………

Hành vi của trẻ Thường xuyên thỉnh thoảng Không bao giờ

1. Chơi thoải mái
2. Cười
3. Chạy
4. Nói chuyện thoải mái
5. Đáp ứng với sự quan tâm
6. Nhờ sự giúp đỡ
7. ……
8. …..

Hành vi của người mẹ

1. Nói chuyện với trẻ
2. Nhìn trẻ
3. Cười với trẻ
4. Hôn trẻ
5. Vuốt ve trẻ
6. Giúp trẻ khi trẻ có khó khăn
7. Trả lời khi trẻ hỏi
8. Quan tâm đến trẻ
9. …….
10. ……


Bước 9 : Giai đoạn cuối hoặc chấm dứt trị liệu

Quyết định chấm dứt trị liệu tùy thuộc vào thân chủ, tùy vào các mục tiêu đã được xác định lúc đầu trị liệu. Những mục tiêu mới có thể phát sinh trong thời gian trị liệu.

GIAI ĐOẠN III : Theo dõi

Bước 10 : Thực hiện một bài tập theo dõi
Các câu hỏi sau đây có ích trong cuộc phỏng vấn bán cấu trúc :
· Khi nào chương trình chấm dứt?..
· .....có thể mô tả tình hình với X ra sao?
· Các hành vi mục tiêu là gí?
· Hành vi cũ có trở lại không? Khi nào? Ở đâu? thường xuyên không?
· ….có thể mô tả mối quan hệ với X ra sao?
· …có còn lo lắng về X nữa không?
· ….có nghĩ là chương trình tiến triển tốt/không tốt?
· Cha của X có thay đổi thái độ với X hay không?
· …..

Bước 11 : Đánh giá về sự phát triển

Bước 12 : Tạo điều kiện để có sự tham gia của trẻ và gia đình.

3. Các nguyên tắc hành động trong công tác xã hội với trẻ em và gia đình

Phần lớn các nguyên tắc áp dụng cho phương pháp công tác xã hội có hiệu quả đối với người lớn cũng áp dụng với trẻ em. Thấu cảm, nồng nhiệt, thành thật được cho là có hiệu quả trong mối quan hệ giúp đỡ trẻ em. Thấu cảm thật sự đòi hỏi nhân viên xã hội nhìn và hiểu đứa trẻ như là một cá nhân trong bối cảnh của riêng em và cố gắng tiếp cận quan điểm của trẻ. Đừng bao giờ tự cho mình đã hiểu trẻ trước chưa biết gì về trẻ.

1.1. Luôn luôn lấy trẻ làm trọng tâm :

Nhân viên xã hội luôn quan tâm đến trẻ trong mọi giai đoạn và mọi bước của công việc ( trẻ cảm thấy như thế nào và có thể bị ảnh hưởng như thế nào ). Nhân viên xã hội buộc phải tôn trọng đứa trẻ như một con người, quan tâm đến nhu cầu của đứa trẻ liên quan đến tuổi tác, dân tộc, tôn giáo, giới tính, khuyết tật…Dù hoàn cảnh nào đi nữa, nhân viên xã hội cũng cần phải tỏ ra tôn trọng và quan tâm đến gia đình ruột hoặc người nuôi hộ của đứa trẻ.

1.2. Cố gắng hiểu thế giới của trẻ :

Nhân viên xã hội đảm bảo rằng toàn bộ bối cảnh của trẻ sẽ cho mình biết cách làm việc với trẻ. Phải hiểu được ước muốn và cảm xúc từ chính đứa trẻ. Trẻ cần được hiểu và được cung cấp thông tin về những gì xảy ra đối với trẻ. Vấn đề là khám phá được cái nhìn của trẻ về những sự kiện ảnh hưởng đến trẻ, cái gì gây ra sự đau buồn và nguy hại nơi trẻ, những tác động ngầm của tổn thương tình cảm hay tâm lý. Nhân viên xã hội cần hình thành mối quan hệ tin tưởng, làm việc phải đúng giờ, làm những gì mình đã nói là sẽ làm hoặc giải thích vì sao không thể làm được.

3.3. Làm việc với trẻ thành công phải có sự tham gia tích cực của trẻ và của gia đình trẻ.

Nhân viên xã hội cần phải tham khảo ý kiến với đứa trẻ trước khi có quyết định vì trẻ có quyền biết và có quyền trình bày quan điểm của mình.Trẻ cần được giải thích để hiểu rõ về những quyết định khác nhau và mặc dù quan điểm của trẻ được lắng nghe, nhưng nếu quan điểm về một ý muốn nào đó có nguy cơ nghiêm trọng đối với trẻ hoặc người khác thì sẽ bị bác bỏ. Trẻ có thể tham gia trực tiếp qua các cuộc thảo luận hay vui chơi với nhân viên xã hội.

Sự tham gia tốt của gia đình càng giúp cho làm việc với được thành công hơn. Điều quan trọng là không nên làm suy yếu đi vai trò của cha mẹ để không làm đe dọa vị trí của trẻ trong gia đình.

Theo chuẩn thực hành về sự tham gia của trẻ em, sự tham gia của trẻ em là cách lối cuốn mọi trẻ em, gồm cả trẻ em có những khả năng khác nhau và trẻ em có nguy cơ tham gia một cách tự nguyện và có cơ sở vào bất kỳ vấn đề nào có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới các em. Sự tham gia của trẻ em có giá trị xuyên suốt mọi chương trình và diễn ra mọi nơi, từ các hộ gia đình cho tới mọi cấp.

Tổng quan chuẩn thực hành về sự tham gia của trẻ em :

· Một cách tiếp cận có đạo đức : Trung thực và minh bạch. Nhân viên người lớn cần có cam kết thực hiện các hoạt động có đạo đức (cân bằng về quyền lực và vị thế giữa người lớn và trẻ em) về sự tham gia của trẻ em và trước hết là vì lợi ích tốt nhất của trẻ.
· Sự tham gia của trẻ em là phù hợp và tự nguyện. Trẻ em tham gia vào những vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến các em và các em có quyền lựa chọn có nên tham gia hay không?

· Một môi trường thân thiện, khuyến khích sự tham gia. Trẻ em được an toàn, được chào đón và được khuyến khích tham gia.

· Cơ hội bình đẳng. Sự tham gia của trẻ em cần tránh không để có phân biệt đối xử hoặc loại trừ

· Nhân viên làm việc hiệu quả và tự tin. Nhân viên người lớn thực hiện các hoạt động có sự tham gia của trẻ em phải được đào tạo chuyên môn để có thể làm việc hiệu quả nhất.

· Sự tham gia thúc đẩy sự an toàn và bảo vệ đối với trẻ em. Các chính sách và nguyên tắc bảo vệ trẻ em là một phần không thể thiếu trong công tác có sự tham gia của trẻ.

· Đảm bảo có theo dõi đánh giá. Tôn trọng sự tham gia của trẻ em cũng có nghĩa là phải thực hiện các hoạt động phản hồi, đáp ứng hoặc đánh giá chất lượng ảnh hưởng của sự tham gia đó.

3.4. Bí mật cần được đảm bảo vì lợi ích tốt nhất cho trẻ.

Điều quan trọng là nhân viên xã hội phải nhìn đứa trẻ như chính nó, trong một môi trường mà nó cảm thấy thoải mái. Nhân viên xã hội không thể cung cấp những thông tin bí mật mang tính riêng cho những người không cần biết và nếu nhận thấy cần chia sẻ với người cần thiết thì tiến trình này phải được bàn với đứa trẻ.

3. 5. Nhân viên xã hội phải luôn luôn sẵn sàng

Điều cần thiết là khi đứa trẻ biết cách tìm đến nhân viên xã hội thì nhân viên xã hội phải luôn đáp ứng ngay tức khắc.
ThS Nguyễn Ngọc Lâm