4 tháng 2, 2008

Xã hội học: Học tốt sẽ làm việc tốt

Xã hội học: Học tốt sẽ làm việc tốt
Bài viết Xã hội học: 90% “thất nghề” đã nêu lên một thực trạng chung của ngành xã hội học hiện nay tại nước ta. Đây là một điều không khó hiểu vì hiện nay chúng ta đang tập trung toàn lực cho phát triển kinh tế nên những ngành nghề liên quan tới kinh tế và khoa học kỹ thuật sẽ có ưu thế hơn các ngành khoa học xã hội.
Thế nhưng, qua kinh nghiệm tại các nước đã phát triển trước chúng ta cho thấy, phát triển kinh tế luôn luôn kèm theo đó là các vấn đề xã hội, và muốn phát triển kinh tế một cách bền vững thì phải có các hiểu biết khoa học xã hội. Tại các nước phát triển, những công việc tưởng như thuần tính kỹ thuật, người ta cũng đòi hỏi phải có ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học xã hội, chẳng hạn như người đứng đầu cơ quan phụ trách nhà ở của Singapore là một người tốt nghiệp ngành xã hội học, hoặc một trong hai CEO “đắt giá” nhất tại Việt Nam hiện nay - ông Dominic Scriven là người từng tốt nghiệp loại ưu về xã hội học tại Trường Exeter (nguồn: TTCT, 6-5-2007). Còn trong dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận do Chính phủ Úc tài trợ, họ chỉ đồng ý giải ngân khi chúng ta đã trình cho họ một báo cáo điều tra xã hội học; hoặc như dự án “Nâng cấp và làm sạch kênh Tân Hóa - Lò Gốm” (TPHCM) do Chính phủ Bỉ tài trợ cũng có sự tham gia của một toán nhân viên xã hội học và công tác xã hội làm việc thường trực từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc dự án nhằm giúp cho dự án thành công không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn về mặt xã hội nữa.
Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), các tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng luôn có nhu cầu về nguồn nhân lực xã hội học hoặc công tác xã hội. Tuy nhiên, nếu khả năng ngoại ngữ của sinh viên yếu thì sẽ là một rào cản lớn trong việc tiếp cận được các tổ chức này. Hiện tại, một số trường như Trường ĐH Mở TPHCM chẳng hạn, cũng đang cố gắng tăng tính “ứng dụng” của xã hội học, làm cho xã hội học trở nên “dễ hiểu” hơn đối với các công ty, doanh nghiệp khi mở thêm chuyên ngành xã hội học tổ chức và quản lý nhân sự để giúp sinh viên có thể tiếp cận được với các doanh nghiệp vốn đang ngày càng phát triển tại Việt Nam bởi biên độ ứng dụng ngành này rất rộng.
Tuy nhiên, để có thể học tốt và làm tốt trong ngành xã hội học nói riêng và khoa học xã hội nói chung, các bạn sinh viên cần phải thực sự đam mê ngành mình đã chọn, cố gắng rèn luyện cho mình khả năng quan sát thực tiễn, óc phân tích và nhất là phải học giỏi một trong các ngoại ngữ chính là Anh, Pháp, Đức. Vì khoa học xã hội nói chung và xã hội học nói riêng có nguồn gốc từ các nước phương Tây nên giỏi ngoại ngữ mới có thể cập nhật được những kiến thức kinh điển và mới mẻ trong ngành học của mình. Học tốt thì sẽ làm được công việc tốt bất kể ngành học nào.
Mạnh Khoa (giảng viên xã hội học)

Không có nhận xét nào: