22 tháng 2, 2008

Để phát triển xã hội theo kịp phát triển kinh tế


Để phát triển xã hội theo kịp phát triển kinh tế

Vẫn còn tư tưởng khi cho rằng cứ lo phát triển kinh tế (PTKT), phát triển xã hội (PTXH) sẽ là hậu quả tất yếu và có ăn có mặc người ta không còn khó khăn. Tư tưởng này đã bị bác bỏ từ lâu nhưng dường như xã hội ta còn lúng túng trong việc tìm ra một mô hình phát triển toàn diện và bền vững với PTXH lồng ghép ngay từ đầu với PTKT.Ngày nay VN được khen ngợi nhiều vì tốc độ PTKT thần kỳ nhưng xem ra thì tình hình xã hội ngày càng báo động. Khủng hoảng gia đình diễn ra ở mọi tầng lớp, từ nông thôn đến thành thị. Bạo lực gia đình cao hơn bất cứ lúc nào. Theo Bộ Công an, cứ hai ba ngày thì có một người chết vì nó. Đó cũng là nguyên nhân của trên 50% các cuộc ly hôn. Công cuộc cai nghiện tiêu tốn nhiều ngàn tỉ đồng nhưng tỉ lệ tái nghiện không thấp và vẫn có những trường hợp nghiện mới. Phòng chống đại dịch HIV/AIDS đang nhận được sự hỗ trợ khá lớn từ bên ngoài nhưng chưa thấy dấu hiệu suy giảm. Hàng ngàn thanh niên, sinh viên học sinh phải đến bệnh viện tâm thần để chữa trị . Tự tử, nhất là trong tuổi trẻ là hiện tượng của các nước công nghiệp hoá đã và đang xảy ra ở nước ta ngay cả ở nông thôn. Nạo phá thai ở VN đứng vào hàng "top" 3 của thế giới mà trong đó tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên đặc biệt cao. Buôn bán phụ nữ và trẻ em một thứ kinh doanh quốc tế với lợi nhuận hằng tỉ đô la/năm, đang xâm nhập vào VN đến mức báo động.
Vấn đề xã hội theo nghĩa khoa học hiện đại không chỉ xuất phát tư yếu kém cá nhân mà là hậu quả của sự tương tác giữa môi trường xã hội, gia đình và cá nhân. Đó cũng là hậu quả tất yếu của sự tương tác giữa các nhân tố kinh tế và xã hội. Em bé bụi đời bỏ nhà, bỏ quê lên thành phố không phải vì em không ngoan nhưng em chịu không nổi sự bạo hành của người cha. Cha em nhậu nhẹt rồi đánh mẹ con em vì cha em thất nghiệp không còn việc làm ở nông thôn. Có tình trạng này vì PTKT tập trung vào thành thị. Sự chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị thúc đẩy phong trào di dân. Điều kiện sống với vô số vấn đề xã hội của ta hiện nay làm nhớ đến những khu ổ chuột tập trung người lao động ở Luân Đôn vào thời kỳ đầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp cách đây trên dưới 200 năm. Điều kiện sinh sống nhếch nhác, thời gian rổi rảnh xa gia đình hay khi thất nghiệp họ xúm nhau nhậu nhẹt, bài bạc. Nữ công nhân bắt buộc phải bán dâm mới có ăn. Trẻ em lang thang bị lợi dụng sức lao động và các mặt khác bắt đầu xuất hiện. Vô số tệ nạn xã hội khác sinh sôi nẩy nở từ đó.
Các nhà từ thiện ngộ ra rằng cứu trợ, tiếp tế, khuyên lơn hay kêu gọi đạo đức không hiệu quả mà phải vận dụng các kiến thức tâm lý xã hội để tác động đồng bộ tới cá nhân, tập thể người lao động và cải tạo môi trường lao động và sinh sống của họ. Vấn đề là làm sao tạo được kết quả bền vững. Không có cách nào khác hơn là làm cho đối tượng cùng tham gia giải quyết vấn đề. Khái niệm TỰ GIÚP (self help) xuất hiện như nguyên tắc cốt lõi của một khoa học mới khác biệt với công tác từ thiện. Đó là Công tác Xã hội (CTXH-Social Work), một nghề mới mà người trong nghề phải học để biết vận dụng các kiến thức của tâm lý học, xã hội học và nhiều khoa học khác (kể cả y tế) để vừa là một nhà tham vấn, nhà trị liệu, nhà giáo dục, nhà tổ chức... Khoa học CTXH hiện đại không chỉ nhằm giải quyết mà còn phòng ngừa các vấn đề xã hội. Nó còn tạo ra sự thay đổi trong xã hội bằng cách nâng cao năng lực của người dân để tự họ tham gia giải quyết các vấn đề của chính họ và của cộng đồng (đây là đặc điểm của Phát triển Cộng đồng một trong các phương pháp cốt lõi của CTXH). Hơn hết CTXH quan tâm đến công bằng xã hội một điều kiện không thể thiếu để có PTXH. Các nước lồng ghép PTKT và PTXH như thế nào? Đơn giản là song song với việc phát triển các khoa học tự nhiên và kỹ thuật, họ đưa lên hàng đầu các khoa học cơ bản lý giải về hành vi con người và các khoa học xã hội ứng dụng như tham vấn tâm lý, công tá xã hội, truyền thông học, tổ chức học... để tác động cụ thể vào thực trạng xã hội (cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng...) Song song với các nghề như giáo viên, y bác sĩ, nhân viên CTXH chuyên nghiệp được đào tạo từ cao đẳng, đại học đến tiến sĩ để "chuyên trị" các "bệnh xã hội" và nâng cao sức khỏe của xã hội. Nếu y bác sĩ làm việc trong khuôn khổ của ngành y tế, giáo viên trong ngành giáo dục thì nhân viên CTXH (NVXH) hoạt động trong khuôn khổ của ngành An sinh Xã hội (ASXH) để cung ứng các dịch vụ xã hội rãi đều trong cộng đồng như trường học, trung tâm y tế để phát hiện các vấn đề ngay trong giai đoạn phát sinh. Ví dụ ở Singapore tại các khu chung cư luôn có các phòng xã hội do NVXH chuyên nghiệp đảm trách. Họ phát hiện sớm sự căng thẳng giữa một đôi vợ chồng trẻ và tham vấn để phòng ngừa ly dị. Với trẻ ở cộng đồng họ có thể can thiệp sớm khi trẻ có khó khăn ở gia đình hay học đường để phòng ngừa việc trẻ bỏ học đi hoang, nghiện ngập v.v... Ở tất cả các nước, một hệ thống ASXH hiện đại bảo đảm những phúc lợi cơ bản như sức khỏe, nhà ở, việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ các thành phần thiệt thòi (người già, khuyết tật, mồ côi v.v...) và những dịch vụ xã hội rãi đều do NHXH chuyên nghiệp đảm nhận là hệ thống đê điều kiên cố để sống chung với "lũ xã hội". Thứ lũ này không xuất hịên từng đợt mà hiện diện triền miên, không thể nào tiêu diệt được các vấn đề xã hội mà khoa học đã được huy động để giữ nó trong tầm kiểm soát. Các vấn đề mới luôn xuất hiện với những phát minh mới trong khoa học và công nghệ và chuyển biến kinh tế xã hội nên nghiên cứu và đào tạo trong lãnh vực ASXH và CTXH cũng luôn luôn tiếp diễn và đổi mới.Còn ở ta thì sao? Khối XHCN đi sau các nước phát triển trên 100 năm và các nước đang phát triển trên 50 năm. Đầu tiên là lý do lịch sử. Khi Liên Xô giải phóng CTXH như một khoa học chưa hình thành. Nhưng quan trọng hơn là lý do ý thức hệ. Có quan điểm cho rằng một khi CNXH được xây dựng hoàn chỉnh thì không còn vấn đề xã hội. Ngoài ra sự tin tưởng tuyệt đối vào tính vạn năng của Chủ Nghĩa Xã hội Khoa học khiến cho ta chậm tiếp nhận các khoa học xã hội hiện đại nhất là trong khía cạnh ứng dụng của chúng. Nhưng với sự bùng nổ của các vấn đề xã hôi khối XHCN đã bắt đầu du nhập CTXH từ đầu những năm 90. Cũng vào thời điểm đó để góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh sau Đổi Mới, một số NVXH được đào tạo trước năm 1975 thực hiện một số dự án nhỏ và những khóa tập huấn ngắn hạn theo yêu cầu của vài ban ngành ở Tp.HCM. Cũng vào thời gian này, các tổ chức Quốc tế cũng ráo riết giới thiệu CTXH khoa học thông qua nhiều dự án phát triển và tập huấn tại Miền Bắc. Hai trường đào tạo NVXH đầu tiên vào đầu những năm 90 là trường ĐH Mở ở Tp. HCM và trường LĐXH tại Hà Nội. Năm 2004 Bộ GD&ĐT ban hành mã số đào tạo cho CTXH ở cấp cao đẳng và đại học. Năm 2005, một hội nghị liên Bộ (LĐTBXH-UBDSGĐTE - GD&ĐT-Y TẾ - NỘI VỤ và các ban của Quốc hội...) công nhận CTXH như một ngành khoa học, một nghề chuyên môn. Mã ngành đang được xúc tiến để công nhận CTXH như một nghề bên cạnh các nghề khác. Quan trọng là bảo đảm chế độ lao động để sinh viên ra trường làm đúng ngành. Điều đáng lo là chưa gì mà đã có trên 15 trường mở khoa CTXH trong khi hiện tại thiếu thầy trầm trọng. Cả nước chỉ có 50 thạc sĩ CTXH và các ngành liên quan tập trung ờ hai thành phố lớn, mà không phải ai cũng dạy được. Tình trạng này đang dẫn đến nguy cơ "dạy đại học đại" để tạo ra những "học giả " với bằng cấp thật.
Trung Quốc đã bị quốc tế phê phán mạnh vì đã mở quá nhiều trường so với khả năng. Chỉ mới tuần rồi một giáo sư CTXH Nhật qua nghiên cứu tình hình CTXH của ta đã cười hả hả trước tình trạng "nhảy vọt" này.Từ trì trệ do tư mãn vì thiếu thông tin và hiểu biết đến vội vã do bệnh hình thức và thành tích chưa trị được, khiến cho người quan tâm lo hơn mừng. Một nhà khoa học đã nói vui: "ta làm khoa học như chú nài chạy hổn hểnh sau con ngựa mà không bao giờ vuốt được đuôi ngựa".
Nguyễn Thị Oanh

Không có nhận xét nào: