25 tháng 2, 2008

CÔNG TÁC XÃ HỘI CHUYÊN NGHIỆP


CÔNG TÁC XÃ HỘI CHUYÊN NGHIỆP
1. Định nghĩa Công tác xã hội chuyên nghiệp.
Vào tháng 7 năm 2000, tại Hội nghị Quốc tế Montreal, Canada, Liên đoàn Chuyên nghiệp Xã hội Quốc tế (IFSW) đã thông qua một định nghĩa mới cho Công tác xã hội (CTXH). CTXH chuyên nghiệp thúc đẩy sự thay đổi xã hội, việc giải quyết các vấn đề trong các mối quan hệ con người và sự tăng quyền lực và giải phóng người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, CTXH can thiệp ở các điểm tương tác giữa con người và môi trường của họ. Nhân quyền và công bằng xã hội là các nguyên tắc căn bản của nghề.CTXH dưới nhiều hình thức đa dạng của nó, nhằm vào vô số các tương tác phức hợp giữa con người và các môi trường của họ. Sứ mạng của nó là tạo năng lực giúp người dân phát triển tối đa tiềm năng, làm phong phú đời sống của họ, và ngăn ngừa các trục trặc. CTXH chuyên nghiệp tập trung vào quá trình giải quyết các vấn đề và sự thay đổi. Do đó, nhân viên CTXH (hay được gọi là nhân viên xã hội –NVXH) là những tác nhân đổi mới trong xã hội, trong đời sống của các cá nhân, gia đình, cộng đồng mà họ phục vụ. CTXH là một hệ thống liên kết các giá trị, lý thuyết và thực hành.
2. Giá trị của Công tác xã hội chuyên nghiệp.
CTXH xuất phát các lý tưởng nhân văn và dân chủ, các giá trị của nó dựa trên cơ sở tôn trọng sự bình đẳng, phẩm giá, và sự xứng đáng của mọi dân tộc. Từ những ngày khởi đầu của nó cách đây một thế kỷ, CTXH thực hành nhằm vào việc đáp ứng nhu cầu và phát triển tiềm năng của con người. Nhân quyền và công bằng xã hội là động lực và sự biện giải cho hoạt động CTXH. Trong sự liên đới với những người bị thiệt thòi, nghề CTXH cố gắng giảm thiểu sự nghèo khó và giải phóng những người bị tổn thương hay bị áp bức để thúc đẩy sự hòa nhập xã hội (đúng như định hướng giải phóng con người của Chủ nghĩa xã hội). Các giá trị của CTXH được thể hiện trong các quy điều đạo đức nghề nghiệp quốc gia và quốc tế.3. Lý thuyết của Công tác xã hội chuyên nghiệp.
Phương pháp luận CTXH dựa trên một hệ thống kiến thức đã được chứng minh rút ra từ các cuộc nghiên cứu và lượng giá thực hành, bao gồm cả kiến thức địa phương và bản xứ trong bối cảnh đặc thù của chúng. Nó thừa nhận tính phức tạp trong mối tương tác giữa con người và môi trường của họ và khả năng của người dân vừa chịu sự tác động vừa thay đổi các ảnh hưởng đa dạng, bao gồm cả nhân tố sinh-tâm lý-xã hội-văn hóa. Nghề CTXH vận dụng các lý thuyết về phát triển con người và hành vi và về các hệ thống xã hội để phân tích các tình huống phức tạp và tạo thuận lợi cho sự thay đổi ở cấp cá nhân, tổ chức, xã hội và văn hóa.
4. Thực hành công tác xã hội chuyên nghiệp.
CTXH nhằm vào các rào cản, các bất bình đẳng và bất công xã hội. Nó đáp ứng các khủng hoảng và các tình trạng khẩn cấp cũng như các vấn đề hằng ngày của cá nhân và xã hội. CTXH sử dụng những kỹ năng, kỹ thuật và hoạt động đa dạng phù hợp với trọng tâm tổng thể của nó đối với con người và môi trường của họ. Các mô hình can thiệp của CTXH bao gồm những tiến trình tâm lý xã hội nhằm vào con người ở cơ sở đến việc tham gia vào chính sách, hoạch định và phát triển xã hội. Các phương thức can thiệp này gồm tham vấn, CTXH lân sàng, công tác xã hội nhóm, công tác sư phạm xã hội, điều trị và trị liệu gia đình cũng như nỗ lực giúp người dân có được các dịch vụ và nguồn lực trong cộng đồng. Các cách can thiệp cũng bao gồm quản trị cơ quan xã hội, tổ chức cộng đồng và tham gia vào các hành động xã hội – chính trị để tác động đến chính sách xã hội và phát triển kinh tế.Trọng tâm tổng thể của CTXH mang tính phổ quát, nhưng các ưu tiên trong thực hành CTXH sẽ thay đổi tùy theo quốc gia và tùy lúc, tùy thuộc vào các điều kiện văn hóa, lịch sử, xã hội và kinh tế.
5. Quá trình hình thành CTXH như một khoa học.
Các vấn đề xã hội theo nghĩa hiện đại xuất phát ở London, nước Anh vào thời cách mạng công nghiệp, với nạn thất nghiệp, mãi dâm, bóc lột lao động trẻ em v.v…Những tình nguyện viên đầu tiên bắt đầu với công tác thăm viếng, ủy lạo từng trường hợp. Từ đó họ rút ra nhiều bài học hữu ích. Ví dụ thất nghiệp không chỉ có nghĩa không việc làm và túng thiếu mà còm kèm theo tâm lý chán nản, mặc cảm vì không gánh vác nỗi trách nhiệm gia đình v.v..Nó còn dẫn tới rượu chè, trộm cướp nữa. Điều này có nghĩa cứu đói không đủ mà còn phải hỗ trợ về mặt tâm lý, giúp tìm việc làm v.v…( nguyên lý về các mối liên hệ phổ biến của phép biện chứng duy vật của Mác ).Từ đó các tình nguyện viên thấy rằng các kiến thức tâm lý xã hội rất cần thiết. Mỗi trường hợp là cá biệt cần có biện pháp giúp đỡ riêng. Cần lập những hồ sơ xã hội và ghi chép kỹ các diễn biến tâm lý của đối tượng. Một cơ quan thường không đầy đủ chức năng giúp các trường hợp có nhiều vấn đề khác nhau như nghèo đói mà còn bệnh tật chẳng hạn. Nên các cơ quan y tế xã hội phải phối hợp giúp đỡ lẫn nhau thông qua một động tác gọi là chuyển tuyến trong một mạng lưới hỗ trợ xã hội được pháp chế hóa.Các tình nguyện viên cũng khám phá rằng người được giúp đỡ có xu hướng ỷ lại, trông chờ viện trợ bên ngoài. Từ đó họ triển khai các phương pháp giúp đỡ mà không tạo sự ỷ lại và hình thành nguyên tắc cốt lõi của CTXH là sự “tự giúp” của người được giúp (thân chủ).Muốn thế phải vận dụng kiến thức khoa học, rèn luyện kỹ năng hỗ trợ sao cho không tạo sự lệ thuộc. Các tình nguyện viên tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm và từ từ tiến tới tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn, rồi dài hạn. Cuối cùng trường CTXH chính quy đầu tiên được thành lập năm 1901 tại Mỹ (New York).Ngày nay hệ thống trường CTXH đã phát triển khắp nơi trên thế giới và khoa học CTXH có nền tảng triết lý, kiến thức khoa học và phương pháp riêng bên cạnh các ngành khoa học khác.

Không có nhận xét nào: