25 tháng 2, 2008

Nền tảng triết lý của ngành công tác xã hội


NỀN TẢNG TRIẾT LÝ CỦA NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI CHUYÊN NGHIỆP
ThS Nguyễn Ngọc Lâm
I. NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI CHUYÊN NGHIỆP
1. Định nghĩa Công tác xã hội chuyên nghiệp.
Vào tháng 7 năm 2000, tại Hội nghị Quốc tế Montreal, Canada, Liên đoàn Chuyên nghiệp Xã hội Quốc tế (IFSW) đã thông qua một định nghĩa mới cho Công tác xã hội (CTXH). CTXH chuyên nghiệp thúc đẩy sự thay đổi xã hội, việc giải quyết các vấn đề trong các mối quan hệ con người và sự tăng quyền lực và giải phóng người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, CTXH can thiệp ở các điểm tương tác giữa con người và môi trường của họ. Nhân quyền và công bằng xã hội là các nguyên tắc căn bản của nghề.

CTXH dưới nhiều hình thức đa dạng của nó, nhằm vào vô số các tương tác phức hợp giữa con người và các môi trường của họ. Sứ mạng của nó là tạo năng lực giúp người dân phát triển tối đa tiềm năng, làm phong phú đời sống của họ, và ngăn ngừa các trục trặc. CTXH chuyên nghiệp tập trung vào quá trình giải quyết các vấn đề và sự thay đổi. Do đó, nhân viên CTXH (hay được gọi là nhân viên xã hội –NVXH) là những tác nhân đổi mới trong xã hội, trong đời sống của các cá nhân, gia đình, cộng đồng mà họ phục vụ. CTXH là một hệ thống liên kết các giá trị, lý thuyết và thực hành.
2. Giá trị của Công tác xã hội chuyên nghiệp.
CTXH xuất phát các lý tưởng nhân văn và dân chủ, các giá trị của nó dựa trên cơ sở tôn trọng sự bình đẳng, phẩm giá, và sự xứng đáng của mọi dân tộc. Từ những ngày khởi đầu của nó cách đây một thế kỷ, CTXH thực hành nhằm vào việc đáp ứng nhu cầu và phát triển tiềm năng của con người. Nhân quyền và công bằng xã hội là động lực và sự biện giải cho hoạt động CTXH. Trong sự liên đới với những người bị thiệt thòi, nghề CTXH cố gắng giảm thiểu sự nghèo khó và giải phóng những người bị tổn thương hay bị áp bức để thúc đẩy sự hòa nhập xã hội (đúng như định hướng giải phóng con người của Chủ nghĩa xã hội). Các giá trị của CTXH được thể hiện trong các quy điều đạo đức nghề nghiệp quốc gia và quốc tế.
3. Lý thuyết của Công tác xã hội chuyên nghiệp.
Phương pháp luận CTXH dựa trên một hệ thống kiến thức đã được chứng minh rút ra từ các cuộc nghiên cứu và lượng giá thực hành, bao gồm cả kiến thức địa phương và bản xứ trong bối cảnh đặc thù của chúng. Nó thừa nhận tính phức tạp trong mối tương tác giữa con người và môi trường của họ và khả năng của người dân vừa chịu sự tác động vừa thay đổi các ảnh hưởng đa dạng, bao gồm cả nhân tố sinh-tâm lý-xã hội-văn hóa. Nghề CTXH vận dụng các lý thuyết về phát triển con người và hành vi và về các hệ thống xã hội để phân tích các tình huống phức tạp và tạo thuận lợi cho sự thay đổi ở cấp cá nhân, tổ chức, xã hội và văn hóa.
4. Thực hành công tác xã hội chuyên nghiệp.
CTXH nhằm vào các rào cản, các bất bình đẳng và bất công xã hội. Nó đáp ứng các khủng hoảng và các tình trạng khẩn cấp cũng như các vấn đề hằng ngày của cá nhân và xã hội. CTXH sử dụng những kỹ năng, kỹ thuật và hoạt động đa dạng phù hợp với trọng tâm tổng thể của nó đối với con người và môi trường của họ. Các mô hình can thiệp của CTXH bao gồm những tiến trình tâm lý xã hội nhằm vào con người ở cơ sở đến việc tham gia vào chính sách, hoạch định và phát triển xã hội. Các phương thức can thiệp này gồm tham vấn, CTXH lân sàng, công tác xã hội nhóm, công tác sư phạm xã hội, điều trị và trị liệu gia đình cũng như nỗ lực giúp người dân có được các dịch vụ và nguồn lực trong cộng đồng. Các cách can thiệp cũng bao gồm quản trị cơ quan xã hội, tổ chức cộng đồng và tham gia vào các hành động xã hội – chính trị để tác động đến chính sách xã hội và phát triển kinh tế.
5. Quá trình hình thành CTXH như một khoa học.
Các vấn đề xã hội theo nghĩa hiện đại xuất phát ở London, nước Anh vào thời cách mạng công nghiệp, với nạn thất nghiệp, mãi dâm, bóc lột lao động trẻ em v.v…Những tình nguyện viên đầu tiên bắt đầu với công tác thăm viếng, ủy lạo từng trường hợp. Từ đó họ rút ra nhiều bài học hữu ích. Ví dụ thất nghiệp không chỉ có nghĩa không việc làm và túng thiếu mà còm kèm theo tâm lý chán nản, mặc cảm vì không gánh vác nỗi trách nhiệm gia đình v.v..Nó còn dẫn tới rượu chè, trộm cướp nữa. Điều này có nghĩa cứu đói không đủ mà còn phải hỗ trợ về mặt tâm lý, giúp tìm việc làm v.v…( nguyên lý về các mối liên hệ phổ biến của phép biện chứng duy vật của Mác ).Từ đó các tình nguyện viên thấy rằng các kiến thức tâm lý xã hội rất cần thiết. Mỗi trường hợp là cá biệt cần có biện pháp giúp đỡ riêng. Cần lập những hồ sơ xã hội và ghi chép kỹ các diễn biến tâm lý của đối tượng. Một cơ quan thường không đầy đủ chức năng giúp các trường hợp có nhiều vấn đề khác nhau như nghèo đói mà còn bệnh tật chẳng hạn. Nên các cơ quan y tế xã hội phải phối hợp giúp đỡ lẫn nhau thông qua một động tác gọi là chuyển tuyến trong một mạng lưới hỗ trợ xã hội được pháp chế hóa.
Các tình nguyện viên cũng khám phá rằng người được giúp đỡ có xu hướng ỷ lại, trông chờ viện trợ bên ngoài. Từ đó họ triển khai các phương pháp giúp đỡ mà không tạo sự ỷ lại và hình thành nguyên tắc cốt lõi của CTXH là sự “tự giúp” của người được giúp (thân chủ).
Muốn thế phải vận dụng kiến thức khoa học, rèn luyện kỹ năng hỗ trợ sao cho không tạo sự lệ thuộc. Các tình nguyện viên tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm và từ từ tiến tới tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn, rồi dài hạn. Cuối cùng trường CTXH chính quy đầu tiên được thành lập năm 1901 tại Mỹ ().
II. LỊCH SỬ ĐÀO TẠO VÀ THỰC HÀNH CÔNG TÁC XÃ
TẠI VIỆT .
Trước hết, từ “Công tác xã hội” trong tiếng Việt là một từ chung bao gồm các việc tốt, việc từ thiện mà ai cũng làm được. Trước đây, các khoa học xã hội hiện đại ứng dụng ít được quan tâm đến đến đối với hệ thống khoa học xã hội xã hội chủ nghĩa. “Chủ nghĩa xã hội khoa học” rất tốt để phân tích các chuyển biến xã hội ở cấp vĩ mô nhưng chưa đáp ứng nhiều cho cấp trung và vi mô. Nhưng trong một thời gian dài đã qua, có ý tưởng cho rằng nó có thể lý giải mọi hiện tượng xã hội. Cho nên trước đây thường các vấn đề xã hội như trẻ vị thành niên phạm pháp, nạn mại dâm, ma túy và cả HIV/AIDS được gọi là “tệ nạn xã hội” và được giải quyết bằng những lời kêu gọi đạo đức và tổ chức mít - tinh hơn là bằng các phương pháp giải quyết vấn đề một cách khoa học.
Tuy nhiên, vào cuối những năm 80, khi các vấn đề xã hội phát triển nhanh, và một nhóm nhân viên xã hội chuyên nghiệp được đào tạo trước năm 1975 được thành lập không chính thức để đáp ứng tình hình. Lãnh vực đầu tiên của nhóm này là trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vì đối tác đầu tiên của nhóm là Hội Bảo trợ Trẻ em, cũng là tổ chức phi chính phủ đầu tiên đã tuyển dụng nhân viên xã hội chuyên nghiệp theo đề nghị của nhóm. Các đối tác khác là các Ủy Ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cấp thành phố và cấp quận cũng là một tổ chức nhà nước mới được thành lập.
Điều tra nghiên cứu khả thi, tập huấn ngắn hạn, lượng giá dự án được yêu cầu liên tục khiến cho nhóm nhân viên xã hội ngày càng bận bịu. Và nhóm được ra mắt với cái tên “Nhóm Nghiên cứu và Huấn luyện về Công tác xã hội” và được đặt dưới sự bảo trợ của Hội Tâm lý Giáo dục học TP. Hồ Chí Minh (1989). Hoạt động an sinh và quyền trẻ em phát triển nhanh vì Việt là nước thứ hai ký vào Công Ước về Quyền Trẻ em. Các cách tiếp cận sáng tạo như phát triển lấy trẻ làm trọng tâm, phát triển kinh tế xã hội ở các cộng đồng nơi trẻ xuất phát, giúp đưa trẻ về gia đình; ở thành phố Hồ Chí Minh có nhiều chương trình tiếp cận trẻ ngoài đường phố rất năng động. Những việc này thực hiện được nhờ sự hỗ trợ tài chánh lẫn chuyên môn do các Tổ chức phi chính phủ quốc tế như Quỹ Cứu trợ Nhi đồng Anh, Radda Barnen và UNICEF… nhưng đặc biệt hơn là nhờ sự chuyên môn hóa của đội ngũ cán bộ Việt . Tuy nhiên, vấn đề phải được công nhận rằng sự tiến bộ diễn ra chủ yếu ở lãnh vực tư. Song song với hoạt động trên, qua sự tham gia với các bác sĩ tâm thần để xây dựng các dự án cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, nhóm đã gặp các bác sĩ quan tâm đến cách tiếp cận cộng đồng trong chăm sóc và giáo dục sức khỏe. Nhóm được mời tập huấn về “giáo dục có sự tham gia” cho cán bộ sức khỏe và “giáo dục sức khỏe” ở Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe (T4G – Sở Y tế TP. HCM), và cùng với T4G chúng tôi đã đưa các khoa học xã hội về hành vi con người vào Trung tâm Đào tạo Y khoa Thành phố cũng mới mở vào thời điểm đó. Nay Trung tâm Đào tạo có một bộ môn về khoa học về hành vi và giáo dục sức khỏe do một thạc sĩ về Công tác xã hội là giảng viên cơ hữu phụ trách.
Ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990 khi nhóm nhân viên xã hội đang hợp tác với T4G nên cho tới nay dù không thường xuyên, nhóm tham gia công tác nghiên cứu, tập huấn về các chủ đề liên quan đến HIV khi có yêu cầu. Sự hợp tác giữa lãnh vực sức khỏe và công tác xã hội ngày càng khắng khít khi hai nhân viên xã hội lấy bằng thạc sĩ về khoa học xã hội về sức khỏe và có một số nhân viên xã hội trẻ làm công tác phòng chống HIV. Đến nay chỉ có Viện Tim Tp. Hồ Chí Minh hợp tác với Pháp đã tuyển một nhân viên xã hội với nhiệm vụ chính là đi thăm và đánh giá các trường hợp bệnh nhân nghèo để cho mổ miễn giảm viện phí. Ý tưởng mở phòng Công tác xã hội ở các bệnh viện để tham vấn HIV được hoan nghênh, nhưng trở ngại về ngân sách và các yếu tố hành chánh khác còn là lực cản lớn.
Phát triển cộng đồng (PTCĐ) cũng được phát hiện tình cờ qua một bài báo của chúng tôi do một Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp An Giang (1990). Nhóm nhân viên xã hội đã bắt đầu tập huấn cho cán bộ khuyến nông và từ đó PTCĐ trở thành một môn học thường xuyên ở Trường Quản lý Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phía tại TP. Hồ Chí Minh và Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.
Một bác sĩ ở Long An phát hiện PTCĐ qua Bản tin Sức khỏe (của T4G) và đã bắt đầu một chương trình giáo dục sức khỏe kết hợp với tín dụng tiết kiệm cho dân làng. Tới nay mô hình rất thành công và được nhân ra ở nhiều tỉnh miền . Một huyện rất nghèo ở miền Trung (Kỳ Anh, Quảng Ngãi) mới được chọn để báo cáo điển hình tại Hội nghị toàn quốc về xóa đói giảm nghèo. Và chủ đề của báo cáo là “Xoá đói giảm nghèo bền vững bằng PTCĐ”. Tất cả những thành tích của huyện gây nhiều ngạc nhiên vì các tác viên PTCĐ chỉ tổ chức một số khóa tập huấn, cung cấp một số tài liệu mà ngày nay cách tiếp cận này được nhiều địa phương trong nước ứng dụng.
Ở thành phố thì mọi việc diễn ra có chậm hơn và trong nhiều năm nâng cấp đô thị, di dời… diễn ra không có sự tham gia của nhân viên xã hội. Một tổ chức phi chính phủ quốc tế là ENDA ( Environmental Development Action in the 3rd World ) thông qua các dự án PTCĐ nhỏ đã gây nhận thức cho chính quyền địa phương về sự tham gia của người dân trong các hoạt động “tự giúp”. Năm 1999, lần đầu tiên các khái niệm về tham gia, tăng năng lực được ghi nhận chính thức trong kế hoạch nâng cấp đô thị và cải thiện môi trường khu vực kinh Lò Gốm ở Quận 6. Nhận thức bước đầu này có được là do đây là một chương trình hợp tác giữa hai chính phủ Bỉ và Việt . Một toán gồm 6 nhân viên xã hội cùng hợp tác với các kiến trúc sư, nhà thiết kế, kỹ sư xây dựng để lôi cuốn người dân tham gia vào việc cải thiện các điều kiện kinh tế xã hội, môi trường cho cuộc sống của chính họ.

Nhân viên xã hội hiện nay được các tổ chức quốc tế lớn như Chương trình phát triển LHQ, Ngân hàng Thế giới… mời làm công tác giám sát xã hội, tư vấn cho các dự án như công trình công cộng, nhà ở, di dời, để tổ chức sự tham gia của người dân.
Nói chung các dự án hoạt động đầu tiên mang tính chất cộng đồng và phát triển xã hội. Các vấn đề xã hội mới xuất hiện như nghiện ma túy, HIV/AIDS đòi hỏi các hoạt động công tác xã hội mang tính lâm sàng mà nhóm chưa được chuẩn bị. Tuy nhiên, Trung tâm Cai nghiện và Phục hồi tốt nhất (Trung Tâm Nhị Xuân, Hóc Môn) là do Lực lượng Thanh niên Xung phong TP.HCM. phụ trách – một tổ chức rất được thuyết phục về nhu cầu đào tạo chuyên môn. Do đó, toàn Ban Giám hiệu của Trung tâm đều tốt nghiệp từ Khoa Phụ Nữ Học, Đại học Mở Bán Công TP.HCM..Thành công tương đối của Trung tâm chứng minh sự cần thiết của đào tạo chuyên môn.
Một tổ chức quan trọng như Chữ Thập Đỏ Việt đã nhờ tập huấn cho hội viên về công tác xã hội từ trung ương đến địa phương. Đã có cả trăm cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh đã tốt nghiệp tại Khoa Phụ Nữ Học. Một tỷ lệ quan trọng trong sinh viên là những tu sĩ và thanh niên Công giáo. Gần đây có thêm học viên từ phía Phật giáo. Như thế, công tác xã hội ở miền đã tiếp cận được nhiều lãnh vực khác nhau.
Công tác xã hội ở phía Bắc mới phát triển gần đây (5 – 6 năm) và diễn tiến chậm hơn. Nguyên do chính có lẽ là không có các hạt giống chuyên môn như trong và môi trường chung hơi khó đột phá. Một số môn được dạy ở đại học, đã có nhiều khóa tập huấn nhưng có lẽ sáng kiến từ các nhà khoa bản khó xuống tới thực tế. Công tác xã hội được xem như một mớ lý thuyết được giảng dạy bằng thuyết trình. Các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã tích cực đưa cách tiếp cận của công tác xã hội vào các dự án của họ nhưng chưa có ảnh hưởng rộng rãi vì nhân viên Việt của họ không phải là nhân viên xã hội chuyên nghiệp. Nhưng các tổ chức này đã đóng vai trò rất quan trọng để lên tiếng ủng hộ các sáng kiến chuyên môn đích thực từ phía .

Trường Cao đẳng Lao động Xã hội (3 năm) thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã bắt đầu chương trình giảng dạy trong niên khóa 2001. Nhưng rất tiếc Trường chưa có thầy là người chuyên môn. Thực tập mới bắt đầu đưa vào được quan tâm.
Hiện nay sự trao đổi để hỗ trợ lẫn nhau giữa hai miền ngày càng tăng. Các thủ tục để xin mã số đào tạo, công nhận công tác xã hội như một ngành khoa học đang được tiến hành. Khi ngành khoa học này được công nhận thì mới hội những điều kiện cần thiết để phát huy và thực hành tốt nền tảng triết lý của CTXH.

III. NỀN TẢNG TRIẾT LÝ CỦA CTXH CHUYÊN NGHIỆP.
1. Nền tảng triết lý.
Nền tảng triết lý của ngành CTXH chuyên nghiệp dựa trên 6 nguyên tắc chỉ nam:
Cá nhân là mối quan tâm hàng đầu của xã hội.
Giữa cá nhân và xã hội có một sự phụ thuộc hỗ tương.
Mỗi bên đều có trách nhiệm đối với nhau.
Con người có những nhu cầu giống nhau nhưng mỗi con người là một cái gì độc đáo, không giống người khác.
Mỗi con người cần được phát huy hết tiềm năng của mình và cần được thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội thông qua sự tích cực tham gia vào xã hội.
Xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện để khắc phục những trở ngại đối với sự phát huy(hay tự thể hiện) của cá nhân. Những trở ngại ấy chính là sự mất cân bằng trong quan hệ giữa cá nhân và xã hội.
Sáu nguyên tắc trên chủ trương sự hài hòa giữa cá nhân và xã hội, một chủ trương mà mọi xã hội nhân bản đều nhắm tới. Hơn nữa, sáu nguyên tắc này đều phù hợp với nội dung cơ bản của phép biện chứng duy vật của Mác-Anghên sáng lập.
Có xã hội như xã hội phong kiến chẳng hạn chỉ quan tâm đến trật tự xã hội chung và cá nhân phải hy sinh hạnh phúc riêng để phục tùng trật tự chung ấy. Điển hình nhất là thân phận “tam tòng” của phụ nữ Á châu. Nhưng với sự phát triển của xã hội, của ý thức cá nhân và sự lan tràn của chủ nghĩa tự do, cái khung ấy ít nhiều đã bị phá vỡ. Và người ta lại đi quá đà với cá nhân chủ nghĩa cực đoan :”đèn nhà ai nấy sáng”, “sống chết mặc bây” đã dẫn tới tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, người bốc lột người, phân hóa giàu nghèo trong kinh tế (tư bản chủ nghĩa).

Xã hội Việt nam chúng ta như các nước thuộc khối Xã hội chủ nghĩa cũ đã nỗ lực chống lại chủ nghĩa cá nhân trên, nhưng trong cách làm lại quên đi cá nhân mà đặt nặng tập thể. Sự quá đà theo hướng này đã dẫn đến hậu quả nào mà chúng ta đã thấy. Một trong các hậu quả của nó là chủ nghĩa cá nhân cực đoan của một số người chỉ biết vơ vét thu lợi cho bản thân. Ngày nay, khi đã tiếp cận với thị trường tự do thì người ta quan sát nhận ra một thứ ”chủ nghĩa tư bản hoang dã” đang tung hoành vơ vét một cách đáng sợ.
Thực trạng này chứng minh rằng cái gì đi quá đà, và không tuân theo nguyên tắc về mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và tập thể cũng đưa tới sự diệt vong của con người và xã hội ( phép biện chứng duy vật của Mác và Anghên ). Vì thái cực này luôn luôn dẫn tới thái cực kia. Xã hội ta đang chứng kiến điều này và sự phân hóa giàu nghèo đang là mối quan tâm không nhỏ của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt nam và nhân dân. K.Marx đã nói :”Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Đúng như vậy, giải quyết vấn đề của con người thì phải xem xét con người toàn diện trong tổng thể của môi trường và bối cảnh mà người ấy đang sống. Triết lý “giữa cá nhân và xã hội có một sự phụ thuộc hỗ tương”đáp ứng đúng nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, một trong hai nguyên lý của phép biện chứng duy vật của K. Marx. Do đó khi đánh gía vấn đề của con người là phải xem xét con người ấy trong bối cảnh toàn diện, trong sự đa dạng của mối liên hệ của họ trong môi trường sống.
Sáu nguyên tắc trên hết sức phù hợp với chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”(văn kiện ĐH IX), “Phát huy nhân tố con người”, “chăm lo cho hạnh phúc con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta”, “chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh”.

Nói đến “hạnh phúc con người” thì không thể có hạnh phúc chung chung mà hạnh phúc của từng người. Hạnh phúc của em bé X thì được đến trường, hạnh phúc của bà mẹ nghèo Y khi được nuôi con mình, hạnh phúc của thanh niên khuyết tật Z khi được hòa nhập xã hội. Chỉ khi cá nhân hạnh phúc, gia đình hạnh phúc thì xã hội mới hài hòa. Chắc chắn sẽ bớt đi trẻ em lang thang, tôi phạm, nghiện ma túy, mãi dâm, và nhiều tệ nạn xã hội khác nếu người người, nhà nhà được hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc cá nhân chỉ có thật khi xuất phát từ một cộng đồng hòa hợp, công bằng và khi từng người không chỉ lo cho mình mà còn đóng góp, có trách nhiệm với xã hội. Có một sự thật hay bị lãng quên là “người ta hạnh phúc không chỉ khi được nhận mà nhất là lúc được cho người khác”. Biết bao người hạnh phúc thật nhờ tham gia công tác xã hội, tình nguyện, khi hy sinh cả cuộc đời cho một lý tưởng xã hội, cho một công trình khoa học.

Nguyên tắc số 4 là bí quyết thành công cho mọi hoạt động giáo dục và xã hội. Từ đó “cá biệt hóa” là một trong các nguyên tắc hành động cơ bản trong CTXH. Kinh nghiệm chưa thành công vừa qua đủ để thuyết phục chúng ta về nguyên tắc này. Làm theo kiểu “cá mè một lứa”, tuyên truyền chung chung từ trên dội xuống trong công tác giáo dục sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình v.v…đã đưa đến nhiều thất bại.
Nguyên tắc số 5 nhắc đến quyền của cá nhân và trách nhiệm của xã hội để tạo điều kiện cho sự phát huy tối đa tiềm năng của mọi người lại càng trùng hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt (phát huy nhân tố con người). Thực hiện nguyên tắc này thật khó trong hoàn cảnh không những thiếu thốn về kinh tế mà còn yếu về tri thức khoa học. Dù sao đây là điều tâm niệm sâu sắc nhất của người làm CTXH. Nhân viên xã hội sẽ ăn không ngon, ngủ không yên khi em bé kia chưa được đến trường, thanh niên nọ còn chưa có việc làm, xã nông thôn nọ chưa có nước sạch.
Như vậy CTXH không phải là từ thiện, xoa dịu nhất thời. Nó là công cụ, bên cạnh các ngành nghề khác, góp phần điều hòa xã hội vì hạnh phúc con người và từng con người. Nó rất gần gũi với chủ nghĩa nhân đạo của Bác Hồ, chủ nghĩa nhân đạo của Bác không phải là một việc làm ban ơn mà chủ yếu là khơi dậy trong mỗi con người lòng tự hào và lòng tự tin, ý chí và nhiệt tình để mỗi con người tự mình khẳng định lấy mình.
2. Các nguyên tắc hành động của nhân viên xã hội (NVXH)
Xuất phát từ nền tảng triết lý trên, nhân viên xã hội hành động theo 7 nguyên tắc chủ đạo :

2. 1. Chấp nhận thân chủ :
Được giáo dục theo một hình thức đạo đức co tính áp đặt, chúng ta dễ dàng kết án hơn là tìm hiểu hoàn cảnh đã dẫn đưa một cá nhân đến lỗi lầm, việc đầu tiên khi ta tiếp xúc với họ là phê phán họ, kế đó là lên lớp họ với một bài học luân lý. Điều này thật ra chỉ làm cho đối tượng thêm mặc cảm, mất tự tin và càng khó thay đổi. Hơn hết các lời giảng, lời khuyên lơn chung chung của chúng ta không giúp ích gì cho một người đang bối rối trước hoàn cảnh đầy khó khăn.

Chấp nhận là một thái độ rất khó thực hiện nhưng người làm CTXH phải tự rèn luyện hằng ngày. Có thể chúng ta không đồng tình với hành vi sai phạm của thân chủ, nhưng trước mặt chúng ta, là một con người, và bất cứ con người nào, một cô gái lỡ lầm, một trẻ em phạm pháp, một thanh niên nghiện ma túy cũng có nhân phẩm, có giá trị, đơn giản chỉ vì họ là con người. Với một thái độ chấp nhận thật sâu sắc bên trong, ta mới bộc lộ được sự tôn trọng thật sự bên ngoài và hết sức thận trọng không phê phán hay kết án mà tìm hiểu hoàn cảnh đã đưa thân chủ tới hiện trạng. Cảm nhận được sự tôn trọng vô điều kiện của ta, thân chủ mới lấy lại sự tự trọng và tự tin để tự bộc lộ, giải bày tâm sự.

Chấp nhận thân chủ là chấp nhận các gía trị, niềm tin và văn hóa của họ. Điều khó chịu nhất là nhân viên xã hội phải học cách đánh giá và hiểu vấn đề khó khăn của thân chủ theo hệ thống tiêu chuẩn giá trị của chính thân chủ.

2. 2. Thân chủ tham gia giải quyết vấn đề vì chỉ họ mới có thể thay đổi bản thân và cuộc sống của họ.
2. 3. Quyền tự quyết của thân chủ
Xu hướng tự nhiên của chúng ta, của cha mẹ đối với con cái, của thầy giáo đối với học sinh, của nhân viên xã hội đối với thân chủ là áp đặt ý kiến của mình. Lắm khi với đầy thiện ý, vì nghĩ rằng ý của mình là hay nhất, tốt nhất. Làm thế chúng ta cũng đi ngược lại với nguyên tắc 1 là tôn trọng thân chủ, quên đi gía trị và tiềm năng của thân chủ để tự vươn lên.

Vả lại ngay với mỗi chúng ta, một quyết định quan hệ tới chính ta mà ta lại không có tham gia ý kiến thì ta không thi hành, thậm chí còn tỏ ra khó chịu, và chống lại để tự khẳng định mình. Ay vậy mà áp đặt từ trên xuống, từ cha mẹ tới con cái, người lớn tới người nhỏ còn là phổ biến. Đúng là phải có luật lệ, kỷ cương, tuy nhiên nếu từ dưới lên không có một ý thức tự giác tự nguyện thì sự tuân thủ cũng chỉ là bề ngoài và sẽ không lâu bền. Vì CTXH không chỉ là xoa dịu mà giúp thân chủ thay đổi hành vi nếu là cá nhân, tạo chuyển biến xã hội nếu là cộng đồng, nên mọi quyết định phải có sự tham gia tích cực và sự tự quyết của thân chủ.
Tất nhiên, nói tự quyết là nói đến sự lựa chọn và quyết định từ sự lựa chọn đó. Nhân viên xã hội là người đưa ra những lựa chọn nhằm cung cấp cho thân chủ những cơ hội cho quyền tự quyết. Nhưng ở những trường hợp mà quyết định của thân chủ gây tác hại đến người khác thì quyền này phải bị giới hạn và nhân viên xã hội phải đứng về phía luật pháp để quyết định nhân danh người khác.

Vì vậy nguyên tắc “tham gia” và “tự quyết”cũng là bí quyết thành công của CTXH vì chúng đem lại một sự đổi mới bền vững từ phía thân chủ.
2. 4. Cá biệt hóa
Như nguyên tắc 4 của nền tảng triết lý đã nêu, con người có nhu cầu cơ bản giống nhau, nhưng mỗi người là một cái gì độc đáo, không giống ai khác. Tuy nhiên, có thể đề cử vài ví dụ : phụ nữ không chấp nhận kế hoạch hóa gia đình vì nhiều lý do khác nhau, người do thiếu hiểu biết, người do muốn có con trai, số khá đông do chồng không chấp thuận; phụ nữ nông thôn thì sinh con để có thêm lao động, bảo đảm tuổi già. Cứ một bài học “hạnh phúc gia đình” mà giảng đi giảng lại cho tất cả bất cứ ai cũng vậy thì không thể mong chờ kết qua tốt được. Một cơ sở tập trung dành cho trẻ phạm pháp mà lại nhận vào đó trẻ đi lạc, mồ côi, chậm phát triển tâm thần … thì rất tai hại. Đây cũng là tính chất riêng biệt của nguyên lý về mối liên hệ phổ biến của phép biện chứng duy vật.
2. 5. Kín đáo
Kín đáo hay giữ bí mật là nguyên tắc của nhiều ngành nghề như luật sư, bác sĩ, nhà tư vấn, người hướng dẫn tinh thần như linh mục chẳng hạn, chứ không riêng gì đối với nhân viên xã hội. Nếu “tôn trọng thân chủ” mà đi khai báo chuyện riêng tư nhất của họ thì hại nhiều hơn là lợi. Vả lại khi có một khó khăn riêng tư, ai trong chúng ta cũng chỉ muốn thố lộ với người nào biết bảo đảm giữ bí mật cho ta.
Nguyên tắc này rất dễ hiểu nhưng thực hiện rất khó, bởi trong văn hóa của chúng ta “người đời muôn sự của chung”. Tình xóm giềng thật cao đẹp nhưng lắm khi làm cho ta thiếu thói quen tôn trọng sự riêng tư ngay cả đối với con cái. Nhân viên xã hội phải tự rèn luyện rất nhiều để bám vào nguyên tắc này. Hiện tượng báo chí ”truy lùng” người bệnh HIV/AIDS, nêu địa chỉ, đặc điểm đến độ láng giềng có thể đoán ra ngay là một vi phạm nghiêm trọng đối với quyền con người mà xã hội ta chưa đến trình độ để nhận thức.
2. 6. Nhân viên xã hội phải hết sức ý thức về chính mình.
Nếu công cụ của người thợ mộc là cái bào, của anh kỹ sư là máy móc thì công cụ của CTXH chính là nhân cách, là phẩm chất con người của nhân viên xã hội. Nếu có thói quen độc tài bao biện thật khó thể hiện nguyên tắc tự quyết của thân chủ. Nếu có xu hướng nói nhiều thì rất khó lắng nghe và giữ bí mật của thân chủ. Nếu không thật nhạy bén về chính mình rất dễ vi phạm sự tôn trọng thân chủ.

Do đó nhân viên xã hội là người biết sử dụng bản ngã của mình một cách có ý thức. Luôn luôn rà lại động cơ thúc đẩy mình chọn nghề giúp đỡ người khác, luôn luôn đánh giá lại cách làm của mình để có thể khách quan hơn trong nhận định vấn đề của người khác. Phải chăng ở một mặt nào đó, thông qua thực tiễn, con người (nhân viên xã hội) làm biến đổi đời sống xã hội đồng thời cũng biến đổi chính bản thân mình, một phát hiện to lớn của K. Marx về bản chất con người.
Để rèn luyện nhân cách nghề nghiệp, nhân viên xã hội mới vào nghề thường phải được sự giúp đỡ của một người chuyên nghiệp cao tuổi nghề hơn (gọi là kiểm huấn viên). Nhân viên xã hội luôn luôn ghi chép diễn tiến công việc và các cuộc tiếp xúc làm việc với thân chủ để đánh giá và cải tiến cách làm của mình. Quan trọng và hữu hiệu hơn hết là sự trao đổi với đồng nghiệp trong các buổi họp lượng giá.
2. 7. Tính chất nghề nghiệp của mối quan hệ giữa nhân viên xã hội và thân chủ.

Nhân viên xã hội không phải là thánh, họ có những sơ xuất, yếu đuối như mọi người. Tuy nhiên đi vào một nghề mà đối tượng tác động vào là con người, thì đặc điểm nhân cách và tác phong nghề nghiệp rất quan trọng.
Thế nào là tính chất nghề nghiệp trong mối quan hệ nhân viên xã hội – thân chủ? Trước tiên đây không phải là quan hệ gia đình, bạn bè hay ân nghĩa.
Công cụ chính của các phương pháp CTXH là mối quan hệ giữa nhân viên xã hội và thân chủ (cá nhân, nhóm hay cộng đồng). Nó bắt đầu khi thân chủ đề đạt yêu cầu và chấm dứt khi dịch vụ xã hội hoàn thành hoặc thân chủ đã được chuyển tới một cơ quan khác. Nó mang tính nghề nghiệp bởi nhân viên xã hội phải hành động theo nền tảng triết lý và các nguyên tắc đã nêu trên. Ngoài ra, nhân viên xã hội còn có những quy điều đạo đức phải tuân thủ khi hành nghề.

Giữa nhân viên xã hội và thân chủ phải có mối quan hệ bình đẳng. Nhân viên xã hội không được dùng kiến thức, kỹ năng của mình để lèo lái người khác theo ý muốn của mình. Hơn hết cần tránh tạo sự phụ thuộc về tâm lý, một điều thường xảy ra với người có vấn đề. Phía nhân viên xã hội nếu không được rèn luyện có thể vô tình tìm sự thỏa mãn cho chính mình khi giúp đỡ người khác.

Mối quan hệ này càng không phải vấn đề ơn nghĩa nên phải tránh tuyệt đối các hình thức “đền ơn”.

Như thầy giáo giỏi là người biết làm cho học trò càng ngày không cần tới mình, bác sĩ giỏi làm cho bệnh nhân mau hết bệnh nghĩa là không cần phải trở lại, nhân viên xã hội giỏi là người biết làm cho thân chủ mau chóng không cần tới mình nữa, nghĩa là tự giúp được chính mình .
IV. KẾT LUẬN
Điểm qua nền tảng triết lý và các nguyên tắc hành động trong thực hành công tác xã hội chuyên nghiệp, chúng ta nhận thấy rất rõ nó tuân thủ một cách chặt chẻ hai nguyên lý là nguyên lý liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển (phát triển vật chất và phát triển con người) và các quy luật cơ bản đã được quy định trong phép biện chứng duy vật của K.Marx và Enghel. Mục tiêu của Công tác xã hội là phát huy nhân tố con người và phát triển xã hội. Nhân viên xã hội cần thấm nhuần và vận dụng phép biện chứng duy vật này vào công tác chuyên môn của mình, ắt sẽ đưa đến những kết quả có chất lượng cao hơn.

Không có nhận xét nào: