21 tháng 2, 2008

Tiếp cận HIV / AIDS từ góc độ văn hóa xã hội


Tiếp cận HIV / AIDS từ góc độ văn hóa xã hội (*)

1. Vì sao đó là một vấn đề xã hội
HIV không chừa một ai. Tuy nhiên nó có những đối tượng "ưu tiên" và lây lan theo địa chỉ. Đối tượng "ưu tiên" của nó như ta đã biết, đó là những người có hành vi nguy cơ như người tiêm chích ma túy, người mua bán dâm, giới trẻ, người có nhiều bạn tình hay có quan hệ tình dục bừa bãi, qua đường.
1.1. Con đường nó đi có địa chỉ, nghĩa là nó dễ phát triển ở những vùng có vấn đề như:
- nghèo đói và sự thiếu vắng các dịch vụ y tế, giáo dục xã hội
- nạn thất nghiệp
- lao động di dân trong và ngoài nước
- du lịch tình dục
- chiến tranh
- nhiều giao lưu giữa các biên giới
- nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em (trong và ngoài nước)
- nạn ma túy bùng nổ
1.2. Nó bị tác động bởi các yếu tố văn hóa xã hội theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực. Dưới đây là vài ví dụ:
· Tình trạng đạo đức: nó dễ phát triển trong bối cảnh xã hội có sự khủng hoảng và giảm sút đạo đức, ở những nơi mà sự ăn chơi trác tán phổ biến.
· Những niềm tin trong dân gian: ai có kinh nghiệm giáo dục sức khỏe cho thấy cản trở lớn cho việc thay đổi hành vi là các niềm tin (belief) dù sai lầm nhưng chắc mẻm. Niềm tin đây không phải là niềm tin tôn giáo mà là những xác tín không có căn cứ khoa học nhưng không lay chuyển nổi.
- Ví dụ như các cô gái "tin" rằng giao hợp lần đầu không "dính bầu", hay không bị lây nhiễm HIV.
- Ở hội thảo Chiang Mai, một đại biểu kể câu chuyện về anh cảnh sát giao thông nhiệt tình ở một nước Đông Dương. Anh luôn thủ sẵn một bao cao su trong túi áo, gặp ai qua đường cũng chìa nó ra cổ vũ việc sử dụng bao cao su. Một nhà nghiên cứu thấy vậy bèn bám sát anh để nghiên cứu nhằm nhân rộng "mô hình". Một hôm anh đi nhà thổ về lại khoe bao cao su còn nguyên vẹn. Nhà nghiên cứu ngạc nhiên hỏi:
- "Sao anh không áp dụng bài học mà anh dạy người khác?"
Anh cảnh sát trả lời tỉnh bơ:
- "Trường hợp của tôi khỏi lo vì người cô ấy mát rượi nên tôi biết chắc cô không bị nhiễm HIV"!
· Quan niệm về giới: sự toàn quyền của người đàn ông và vị trí thấp kém của người phụ nữ.
- Ở nhiều nước trong đó có Thái Lan, việc người đàn ông có gia đình có quan hệ ngoài hôn nhân, hay chuyện năm thê bảy thiếp là bình thường. Chuyện họ đi nhà thổ được chấp nhận và Thái Lan còn có phong tục cho rằng thanh niên phải đi nhà thổ để học làm đàn ông. Đây là yếu tố gây lo ngại nhiều nhất cho những người tuyên truyền giáo dục về HIV (Nghe đâu tại Thái Lan ngày nay qua cơn hồng thủy HIV, số đàn ông đi nhà thổ bớt hẳn).
- Nghiêm trọng hơn là sự coi nhẹ người phụ nữ, xem họ như một món hàng hóa.
* Ở Phi châu, nhiều PN và trẻ gái nhiễm HIV do bị hãm hiếp.
* Người vợ trong gia đình hay người PN bán dâm ngoài xã hội khó tự bảo vệ và có ít quyền lực để thương lượng về an toàn tình dục.
· Xem tình dục như điều cấm kỵ. Do đó việc giáo dục giới tính bị bỏ qua hay trì trệ khiến cho số trẻ em gái mang thai ở tuổi nhỏ và ngoài hôn nhân khá đông. Điều này rất nguy hại cho sức khỏe sinh sản và khiến cho sự phòng ngừa HIV/AIDS và các bệnh lây lan qua đường tình dục khó khăn hơn. Tránh né giáo dục giới tính cũng hạn chế giáo dục về HIV.
· Thái độ xã hội đối với người bệnh, người khuyết tật:
Ta còn nhớ thái độ của nhiều xã hội đối với người hủi. Trong thời gian dài, họ bị ruồng bỏ, xa lánh, cô lập. Nhiều gia đình bỏ đứa con sinh ra bị khuyết tật vì đó là dấu hiệu của sự trừng trị của Trời Phật.
Lần đầu tiên nghe nói về người nhiễm HIV, nhiều người sợ hãi và đòi đưa họ đến một quần đảo nào đó. Dư luận có tích cực hơn nhưng chưa đủ để góp phần giải quyết nạn kỳ thị.
· Thái độ đối với các nạn nhân của xã hội, còn được gọi là đối tượng tệ nạn xã hội:
Các nhà khoa học phân tích 3 trình độ phát triển của xã hội trên cơ sở thái độ của họ đối với các nạn nhân xã hội.
a) Thái độ lên lớp đạo đức: xã hội chưa nhận ra họ là nạn nhân hơn là phạm nhân, kết án họ là thiếu đạo đức, tội lỗi. Với thái độ này không thể nào cảm hóa họ hay giúp họ phục hồi.
b) Thái độ y tế: khá hơn một chút, xem họ là bệnh nhân và giúp chữa trị họ. Nhưng đối tượng tham gia như kẻ chịu ơn thụ động.
c) Thái độ giáo dục: thấy nơi họ một nhân phẩm có tiềm năng tự vươn lên, làm việc với họ trong mối quan hệ bình đẳng. Cách tiếp cận này cũng là triết lý và phương pháp CTXH khoa học, được sử dụng trong phát triển cộng đồng, nhất là trong lãnh vực HIV trong giáo dục đồng đẳng, trong phát huy vai trò của chính người bị nhiễm trong hoạt động phòng chống HIV.
Trên đây là các yếu tố văn hóa rất khó lay chuyển và rất bất lợi cho phòng chống HIV/AIDS.
1.3. Trình độ tổ chức và quản lý của một xã hội cũng là một yếu tố văn hóa
TS. David Feingold, Cố vấn UNESCO vùng châu Á Thái Bình Dương có phát biểu tại hội nghị Chiang Mai về tiếp cận HIV/AIDS từ góc độ văn hóa xã hội:
"Không chỉ cá nhân hay nhóm có hành vi nguy cơ mà cả tổ chức chính quyền cũng có hành vi "nguy cơ". Nghĩa là do sự khiếm khuyết nào đó về trình độ phát triển, kiến thức, kinh nghiệm hay sự thiếu linh hoạt khiến cho họ không ngăn chặn được dịch bệnh".
Vài ví dụ được nêu lên như sự chuyển đổi chậm của tổ chức và nhân viên y tế để nhận ra tính chất xã hội của HIV/AIDS.
Sự a tòng với tội phạm của người thi hành luật (ví dụ như sự làm ngơ của cảnh sát đối với buôn lậu ma túy, nạn mại dâm …)
Hơn hết là sự khiếm khuyết về tổ chức dịch vụ xã hội cho mạng lưới chăm sóc ở cơ sở. Ví dụ như trung tâm cộng đồng, dịch vụ xã hội, nhân viên xã hội … (dịch vụ hỗ trợ)
Cuối cùng, trình độ phát triển của khoa học, nhất là khoa học xã hội vì các phương pháp tuyên truyền bằng lời nói từ trên dội xuống kém hiệu quả, không tạo được sự thay đổi đáng kể.
2. Các biện pháp giải quyết chủ yếu mang tính văn hóa xã hội
Ở các nước, nơi HIV/AIDS bùng nổ những năn đầu chưa có thuốc, họ chặn đứng dịch bệnh bằng phòng ngừa thông qua truyền thông, giáo dục, tham vấn, quản lý xã hội và tổ chức các chương trình chăm sóc có hiệu quả. Ngoài Mỹ, Úc và nột số nước phát triển, Thái Lan là một ví dụ của một nước đang phát triển đã chặn đứng được dịch bệnh, dù số bị lây nhiễm đã lên tới cả triệu, chủ yếu nhờ vào các biện pháp xã hội.
Vậy thế nào là tiếp cận HIV/AIDS từ góc độ xã hội? Đó là:
a) Phát hiện trong nền văn hóa và cách vận hành của xã hội những nhân tố bất lợi làm phát triển sự lây lan.
b) Phát hiện và phát huy các nhân tố văn hóa, tích cực đóng góp vào việc kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan và chăm sóc tốt.
2.1. Phát huy, vận dụng các yếu tố văn hóa thuận lợi
Cách tiếp cận văn hóa trong chiến lược phòng chống và chăm sóc HIV/AIDS được nhấn mạnh chính là vì văn hóa cũng là sức mạnh đưa nhân loại đi lên. Trong mọi nền văn hóa có nhiều nhân tố tích cực đã được hay cần phải huy động để phòng chống dịch bệnh và chăm sóc người bị nhiễm.
· Các giá trị thiêng liêng, đạo đức
- Thái Lan đã nêu cao lòng từ bi trắc ẩn của Phật giáo để vận động xóa bỏ thành kiến, kỳ thị và chăm sóc người đau khổ. Sự đóng góp của các nhà chùa Phật giáo trong lãnh vực HIV/AIDS thật nổi bật và góp phần quyết định vào khả năng kiểm soát dịch bệnh ở nước này.
- Ở nhiều vùng xa xôi nếu không có ngôi chùa thì có các trung tâm Thiên Chúa giáo vì tôn giáo nào cũng có mục đích chung là từ bi bác ái. Họ luôn sẵn sàng tới với người cùng khổ.
- Nhiều nước kêu gọi người dân có nếp sống lành mạnh, một vợ một chồng, đề cao sự chung thủy.
- Qua cơn dịch HIV, thanh niên phương Tây trì hoãn đời sống tình dục, nhiều nhóm trẻ nêu cao sự trinh tiết, sự chung thủy. Thanh niên Pháp đề cao giá trị gia đình trở lại,…
· Lối sống lành mạnh
- Thiền, yoga, luyện tập, suy gẫm để giúp người bệnh làm chủ cảm xúc, sống thanh thản được vận dụng từ phương Đông tới phương Tây.
- Nhiều người nhiễm HIV ngày nay giữ gìn sức khỏe bằng chế độ ăn uống chặt chẽ và họ chỉ bảo nhau. Nhiều người nhờ thay đổi nếp sống, sống có ích nên họ trở nên lạc quan và trở thành một động lực phòng chống HIV/AIDS trong xã hội.
· Y học dân tộc được phục hồi
- Không những người bệnh ở phương Tây tìm về các nguồn thuốc tự nhiên mà hiện nay ở Thái Lan thuốc dân tộc được sử dụng rất nhiều để chữa các bệnh cơ hội. Nhiều tổ chức nghiên cứu y học dân tộc hình thành.
- Các thầy lang, các cô mụ vườn được quan tâm đặc biệt vì họ có uy tín đối với dân làng. Họ là những nhà giáo dục sức khỏe tốt nhất nếu được bồi dưỡng tốt. Do đó nhiều chương trình tập huấn nhằm vào đối tượng này.
· Tình liên đới xóm làng được vận dụng tối đa để chăm sóc người nhiễm AIDS tại cộng đồng. Cũng do đó hầu hết các dự án đều sử dụng phương thức phát triển cộng đồng.
· Kiến thức khoa học xã hội hiện đại cũng là một kho tàng văn hóa và chính nhờ vận dụng các phương pháp truyền thông, giáo dục và tham vấn hiện đại mới tạo được sự chuyển biến trong thái độ của toàn xã hội. Thông qua đó các giá trị văn hóa truyền thống được cập nhật hóa. Một điểm khá rõ nét là sự nhập cuộc của khoa học xã hội hiện đại. Nhiều đại học thế giới đã có một khoa liên ngành mang tính xã hội về AIDS. Các đại học ở Thái Lan, đặc biệt ở Chiang Mai đã dấn thân vào nổ lực chung để phòng chống AIDS từ góc độ nghiên cứu và đào tạo. Và tổ chức SKAN (Tổ chức phát triển xã hội nhằm vào kiến thức phòng chống và chăm sóc AIDS) là tiêu biểu cho những tổ chức phi chính phủ mới hình thành để tham gia giải quyết đại dịch thế kỷ. Những nhà sáng lập là các giáo sư khoa học xã hội về hưu, chủ yếu là các giáo sư nhân chủng học. SKAN đã đóng góp rất lớn cho vùng Đông Bắc Thái Lan.
Tại hội thảo Chiang Mai, trong 30 tham dự viên có tới 5 nhà nhân chủng học xã hội (social anthropologist) thuộc 4 quốc gia. Nhân chủng học văn hóa (cultural anthropology) hay nhân chủng học xã hội không chỉ là nghiên cứu các sắc dân đặc biệt như dân tộc học (ethnology). Ngày nay nó là khoa học then chốt để lý giải hành vi con người từ góc độ văn hóa. Do đó nó cần thiết cho mọi ngành kỹ thuật từ y khoa tới môi trường,… nếu không có nó sẽ rất khó đưa khoa học kỹ thuật vào xã hội.
***
Chiến lược tiếp cận HIV/AIDS từ góc độ văn hóa, bằng những biện pháp khoa học xã hội còn nhiều khó khăn phía trước nhưng đầy hứa hẹn vì đây là cách duy nhất để kiểm soát dịch bệnh. Chuyến tham quan Chiang Mai cho tôi thấy nhờ các phương pháp truyền thông - giáo dục - tham vấn hiện đại, nhờ phương thức phát triển cộng đồng, thái độ xã hội đối với người nhiễm HIV đã thay đổi rất nhiều. Xã hội khoan dung hơn và các dự án chăm sóc tại cộng đồng được mọi giới hưởng ứng tích cực. Nhờ vậy người bị nhiễm không còn lẫn trốn và "lộ diện" (self-disclosure) với sự tự tin. Nhờ đó họ tiếp cận được với dịch vụ hỗ trợ về y tế và tâm lý xã hội. Tổ chức của người sống với AIDS càng ngày càng tăng năng lực và sức mạnh nên đóng một vai tròrất tích cực trong phòng chống dịch bệnh và chăm sóc người bị nhiễm. Nhờ thế Thái Lan làm chủ được tình hình và kiểm soát được dịch bệnh.
3. Mấy vấn đề về phương pháp
Điều bảo đảm thành công cho mọi chương trình không chỉ là biết mình phải làm gì mà còn phải biết làm như thế nào.
Cẩm nang UNESCO có đưa ra một số nguyên tắc hành động mà tôi cũng thấy được áp dụng rất tốt trong các dự án đã tham quan. Dưới đây xin chỉ nêu lên vài nguyên tắc ứng dụng trong các chương trình hành động.
3.1. Tính toàn diện (holistic)
HIV/AIDS không đơn thuần là vấn đề y khoa, như đã thấy, nó phát triển từ một chùm nguyên nhân mang tính văn hóa, xã hội, tổ chức, quản lý. Muốn giải quyết nó phải phát động nhiều mặt cùng một lúc. Ví dụ:
· giáo dục sức khỏe
· giáo dục giới tính
· giải quyết nạn ma túy và mại dâm
· quan tâm đến người lao động hay di dời (dân nhập cư, công nhân xây dựng, tài xế xe tải,…)
· nâng cao năng lực và tăng quyền lực cho phụ nữ
· củng cố đội ngũ quản lý xã hội,…
· thiết lập các tổ chức hỗ trợ y tế - xã hội.
3.2. Lồng ghép các hoạt động
Người nhiễm HIV không chỉ gặp khó khăn về sức khỏe, mà phần lớn họ thiếu công ăn việc làm, gặp khó khăn trong các mối quan hệ gia đình và cộng đồng,… Cho nên các chương trình giúp đỡ họ phải đa dạng chứ không đơn thuần là chăm sóc sức khỏe hay tư vấn tâm lý cho chính họ. Tất cả các dự án mà tôi tham quan, ngoài dịch vụ y tế, đều có hoạt động tăng thu nhập, giới thiệu việc làm, tư vấn cho gia đình họ, giải quyết những vấn đề cuả con cái họ khi những trẻ vô tội này bị loại trừ, sinh hoạt tinh thần, tôn giáo, vui chơi giải trí,…
3.3. Dựa vào cộng đồng
Dự án áp đặt từ bên ngoài, do người ngoài thì không bền vững vì không thiết thực. Nó phải xuất phát từ nhu cầu và sáng kiến của người địa phương và có sự tham gia của mọi thành phần xã hội. Đặc biệt quan trọng là vai trò của đại diện chính quyền địa phương; họ có "thông" thì toàn dân mới "suốt". Hơn ai hết, họ biết rõ những trở lực và tiềm năng của cộng đồng. Chính họ mới kêu gọi và phổ biến được sự tham gia của mọi thành phần xã hội trong cộng đồng. Không có phương thức phát triển cộng đồng này, chương trình sẽ không bền vững. Thậm chí nó sẽ chấm dứt khi tổ chức khởi xướng rút ra khỏi cộng đồng.
3.4. Đẩy mạnh xu hướng từ dưới lên (bottom up) để giảm bớt và thay thế xu hướng áp đặt từ trên xuống (top down)
Cách tiếp cận từ dưới lên này được nhắc đến rất nhiều lần vì chính nó mới bảo đảm thành công. Chính sách, kế hoạch từ trên phải dựa trên cơ sở nghiên cứu thực địa, trên những nhu cầu và tiềm năng có thật ở cơ sở.
Đặc biệt trong truyền thông giáo dục, lối "diễn thuyết" từ trên xuống chỉ cung cấp thông tin, kiến thức, chứ không thay đổi thái độ và hành vi. Điều được nhấn mạnh là thảo luận nhóm trong bầu không khí thân mật, không hình thức, khách sáo. Chỉ trong bầu không khí lắng nghe, chấp nhận và hỗ trợ lẫn nhau, nhóm viên mới dám tự bộc lộ, dám nói lên suy nghĩ riêng tư của mình. Từ mối tương tác trong nhóm, họ mới thay đổi hành vi. Ý nghĩa của giáo dục đồng đẳng là hỗ trợ nhau trong nhóm nhỏ.
Tới nay, tư vấn HIV vẫn còn từ trên dội xuống, nghĩa là khuyên bảo. Người được tư vấn ít được lắng nghe, hỗ trợ để tự cởi mở, tự bộc lộ và tăng sức mạnh để tự mình có những quyết định tích cực, và tự thoát khỏi sự lệ thuộc về tâm lý. Từ đó họ mới tự tin và thay đổi hành vi.
3.5. Tạo ra môi trường hỗ trợ thuận lợi (a supportive environment): bằng thông tin, giáo dục, tổ chức quản lý, làm cho xã hội không còn lên án, cô lập mà tích cực giúp đỡ chăm sóc người bệnh.
3.6. Huy động sự tham gia
Ở mọi cấp từ cơ sở lên tới trung ương, yếu tố bảo đảm thành công là sự tham gia của các đối tác trong và ngoài chính phủ. Ở các nước trên thế giới nếu không có sự tham gia tích cực của các tổ chức dân sự thì không thể nào kiểm soát được dịch bệnh. Nhiều phong trào, tổ chức chuyên về HIV/AIDS đã hình thành.

3.7. Vai trò tối quan trọng của những người sống với AIDS
Một bác sĩ thuộc Bộ Y tế Thái Lan nói là nước này kiểm soát được dịch bệnh là nhờ các tổ chức hùng mạnh của người sống với AIDS. Ông dùng chữ "powerful" cho trung tâm của "những người bạn vì cuộc sống mới" liên kết tới 6.000 người bị nhiễm HIV, ở vùng Đông Bắc - Thái Lan.
Dù có một ban cố vấn khoa học hỗ trợ, toàn bộ trung tâm do người nhiễm HIV điều hành. Trung tâm này hoạt động đối nội và đối ngoại mạnh mẽ như bất cứ một NGO nào khác. Thậm chí họ còn kêu gọi và nhận sự giúp đỡ qua Internet. Ngày nay, trong mọi hoạt động, chính đối tượng được phục vụ từ từ đóng vai trò chủ động. Và có nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn để trang bị cho họ năng lực cần thiết (capacity building) và giúp họ tăng sức mạnh (empowerment).
3.8. Quan tâm đặc biệt đến các nhóm dễ bị tổn thương nhất:
· trẻ em gái
· phụ nữ
· thanh niên
· người nghèo
· thành phần thiệt thòi nhất trong xã hội.
Tất cả những hoạt động và phương pháp trên phải được cấu thành trong chiến lược của cả nước.
4. Liên hệ với tình hình ở Việt Nam
Từ cách tiếp cận từ góc độ văn hóa xã hội thế giới, thử nhìn lại tình hình ở Việt Nam.
Ít lắm là tại thành phố Hồ Chí Minh, tình hình đã có cải thiện nhiều. Thái độ của xã hội đối với người nhiễm HIV có khoan dung hơn, một số gia đình thông cảm và chăm sóc tốt hơn người thân bị nhiễm.
Có được như thế nhờ sự chỉ đạo và phối hợp tốt nhiều hoạt động phong phú, năng nổ: thông tin, giáo dục, tư vấn, các đường dây điện thoại nóng,… nhất là các nhóm bạn giúp bạn.
Tuy nhiên ở các tỉnh, nơi không thiếu các điểm nóng, các nhóm có nguy cơ, thì chưa đạt đến trình độ này, và trình độ dân trí chung lại thấp.
Một cuộc bùng phát dịch bệnh lại được tiên liệu.
4.1. Một số mặt không thuận lợi về kinh tế - văn hóa - xã hội
· Sự nghèo đói vật chất và tinh thần ở các vùng sâu vùng xa sẽ không tránh được nguy cơ do sự di chuyển của dân cư.
· Dân nhập cư ở các thành phố lớn (sống xa gia đình)
· Nạn ma túy đang bùng nổ mạnh mẽ
· Nạn mãi dâm chưa giảm
· Nạn buôn bán phụ nữ qua biên giới (Trung Quốc, nhất là Campuchia)
· Thái độ người dân nói chung còn thiếu hiểu biết, còn kỳ thị:
- Giáo dục giới tính còn hạn chế do thái độ xem tình dục là điều cấm kỵ (sex taboo)
- Xu hướng vô tình kết tội người nhiễm HIV trong tuyên truyền liên kết mại dâm - ma túy - HIV/AIDS trong khi ngày càng nhiều người nhiễm sẽ là vợ hiền, con ngoan vô tội,…
4.2. Những điểm thuận lợi cần phát huy
· Sự quyết tâm của lãnh đạo sẽ đem lại hiệu quả to lớn nếu được sự hỗ trợ của khoa học xã hội hiện đại.
· Mạng lưới đoàn thể quần chúng có chân rết tận cơ sở sẽ góp phần quyết định nếu:
- bớt làm theo kiểu từ trên dội xuống,
- bớt làm theo phong trào, quán tính mà theo kiến thức và phương pháp khoa học nhiều hơn,
- chuộng chất lượng hơn thành tích,
- hiểu con người và xã hội hơn.
· Truyền thống lá lành đùm lá rách
- Cần chấp nhận mọi "lá rách" (đối tượng xã hội, trẻ khuyết tật, người nhiễm HIV), không thành kiến. (Ta dễ giúp người nghèo, người cô thế, nhưng còn nhiều thành kiến đối với người nhiễm và các đối tượng xã hội).
- Thương người nhưng không thương hại, bao cấp. Giúp đỡ bằng cách tăng năng lực.
· Các phong trào người tốt việc tốt
- Đề cao những người tham gia chăm sóc người nhiễm HIV.
- Người nhiễm HIV sống tích cực, hữu ích.
· Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới trên địa bàn dân cư
- Cần đưa yếu tố phòng chống và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS trong nội dung sinh hoạt.
4.3. Có những nổ lực tốt nhưng còn hạn chế
· Công cuộc phục hồi các giá trị đạo đức và nhân bản không nên chỉ tập trung phục hồi truyền thống mà cần cập nhật hóa nó và nhất là tác động vào chính cuộc sống hiện tại. Dường như những nổ lực này chưa tác động một cách thiết thực.
· Bộ máy quản lý cần cởi mở và uyển chuyển hơn để lôi cuốn mọi thành phần xã hội tham gia phòng chống và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS (tôn giáo, người có uy tín trong dân, người có thiện chí,…)
· Khoa học xã hội nhất là các khoa hiện đại như: tâm lý học, xã hội học, nhân chủng học xã hội,… còn xa lạ, cần nhập cuộc nhiều hơn.
· Sự chuyển đổi thái độ của nhân viên y tế có bắt đầu nhưng chưa rộng khắp.
· Thông tin bằng chữ in (bươm bướm,…) chưa tới tận ngõ ngách của các xóm dân cư nghèo thành thị (biết đọc) và nơi công cộng.
· Giáo dục giới tính còn lúng túng về nội dung, phương pháp và thu hẹp về tầm với.
· Tuyên truyền giáo dục bằng nghệ thuật rất hay (kịch, cải lương, phim ảnh) nhưng còn hạn chế về số lượng, chưa phong phú về nội dung.
· Thái độ xã hội có đổi nhưng còn chậm.
· Người tự nguyện đi xét nghiệm có tăng nhưng chưa cao.
· Tổ chức bạn giúp bạn có ở thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố khác nhưng chưa được trang bị thêm kiến thức để trở thành một tổ chức mạnh mẽ, chủ động trong phong trào phòng chống và chăm sóc người nhiễm HIV.
4.4. Làm gì?
Dĩ nhiên là ở cấp vĩ mô, cần làm sao cho mọi cấp mọi ngành thấy mối liên hệ mật thiết giữa các vấn đề xã hội nêu ở mục 1 trên đây và HIV/AIDS để có chiến lược đồng bộ từ mặt quản lý xã hội. Đặc biệt đối với nạn ma túy và mại dâm cần triệt để hơn và nhân viên thi hành luật lơ là hay a tòng với tội phạm phải chịu hình phạt nặng.
Tuy nhiên từ góc độ chuyên môn hẹp, chúng tôi chỉ có vài đề nghị thiết thực dưới đây:
4.4.1. Tăng cường giáo dục giới tính (kỹ năng sống)
· Hiện nay ở trường học, mà cũng chỉ thu hẹp vào khía cạnh sinh học, lại quá ít giờ. Nếu trẻ bỏ học sớm thì không được học ngay cả khía cạnh này.
· Cần nghiên cứu nội dung mang tính nhân bản, giáo dục nhân cách chứ không chỉ khoanh vào quan hệ tình dục.
· Cần nhấn mạnh phương pháp tham gia để có hiệu quả hơn.
· Hiện nay một số tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, một số tổ chức chăm sóc trẻ đường phố đã thể nghiệm cách làm mới. Cần đúc kết kinh nghiệm, bổ sung và nhân rộng.
· Để với tới trẻ ngoài học đường, ai phối hợp, chủ trì việc này là điều phải tính tới.
· Cần phổ biến nội dung, phương pháp của giáo dục kỹ năng sống theo lối mới, hiện đại hơn một cách có hệ thống.
· Vấn đề cần được mang tính chính sách chứ không thể chỉ trông cậy vào sáng kiến ở cơ sở.
4.4.2. Đào tạo, ứng dụng phương pháp phát triển cộng đồng (PTCĐ) để tạo ra những chương trình giáo dục phòng chống HIV và dịch vụ chăm sóc người nhiễm tại địa bàn dân cư với sự tham gia của mọi thành phần xã hội. Đây cũng là cách gây ý thức có hiệu quả nhất.
4.4.3. Thay đổi triệt để phương pháp IEC (thông tin - giáo dục - truyền thông)
Theo các quan sát viên quốc tế và chuyên gia trong nước, ta nổ lực rất nhiều mà hiệu quả IEC chưa cao. Bằng chứng là sự thay đổi thái độ của xã hội, của gia đình, của cán bộ y tế chưa rộng khắp. Và số người tự nguyện đi xét nghiệm chưa cao.
Đây là vấn đề then chốt nhất. Lý do là ta bị một vướng mắc tư tưởng rất nặng nề dù đã có một số hoạt động tập huấn về tâm lý truyền thông, giáo dục chủ động, giáo dục và quản lý có sự tham gia, cách làm từ dưới lên,… nhưng chưa khắc phục được. Đây cũng là một vấn đề văn hóa đã ăn sâu vào tiểm thức và thói quen. Đó là tư tưởng giản đơn cho rằng:
· Lời nói suông có thể làm cho con người thay đổi cách nghĩ và cách làm.
· Cứ trên nói là dưới nghe.
· Cứ càng đông người nghe càng "hiệu quả".
· Nói càng nhiều càng tốt.
Đó cũng là tư tưởng sản sinh ra cách "học vẹt", "dạy vẹt" và "bài văn mẫu".
Có những cải thiện như phương pháp nghe nhìn, truyền thông đại chúng, nghệ thuật, nhưng tâm lý truyền thông có cho biết rằng các phương pháp này có gây "ấn tượng" hơn nhưng vẫn chưa làm thay đổi hành vi, vì cũng là từ trên dội xuống, từ bên ngoài đưa vào.
Cũng do tư tưởng giản đơn này mà ta chống ma túy một cách rầm rộ bằng xe hoa, biểu ngữ, khẩu hiệu, xuống đường,… cũng là một cách "trấn áp" (như ông bác sĩ Tổ chức Di dân Thế giới nói); nó làm cho đối tượng khép mình, lẫn trốn, tạm ngưng hành động tiêu cực vì sợ thôi, nó không gợi lên ý thức tự giác, tính tích cực muốn thay đổi.
Trong khi đó các khoa học hiện đại cho biết chỉ có thể thay đổi hành vi trong tương tác giữa hai người hay trong nhóm ít người với điều kiện là bảo đảm:
· bầu không khí an toàn (người phát biểu không bị phê phán, chê cười, trù dập,..),
· bầu không khí dân chủ (trong học tập, trị liệu, ai cũng như ai, không có trên dưới. Người điều hành đóng vai xúc tác, không mang tính quyền bính),
· bầu không khí hỗ trợ (mọi người kiên nhẫn chờ đợi, lắng nghe, khuyến khích nhau,…).
Có thế, người có vấn đề có nhu cầu mới bộc lộ được tư tưởng, ước mơ hay sợ hãi của mình. Ý tưởng được bộc lộ, được củng cố (với sự khuyến khích của nhóm hay người tham vấn) mới biến thành hành động.
Rất khó tạo ra bầu không khí trên vì tư tưởng thích "lên lớp", mối quan hệ trên - dưới vẫn dai dẳng (trên là: cha me, thầy cô, bác sĩ, nhà tham vấn; dưới là: con cái, học sinh, thân chủ). Do đó cấp trên tiếp tục tuông ra những lời khuyên hay răn đe, dưới tiếp tục vâng vâng mà không làm hoặc làm một cách máy móc như rô-bô, không chủ động, không sáng kiến.
Khá nhiều khóa học có sự tham gia được tổ chức rồi nhưng tại sao chưa có chuyển biến. Đó là vì ta chỉ có bình mới mà rượu vẫn cũ; ta cốp chép hình thức thôi, nên vẫn dạy sự chủ động bằng phương pháp áp đặt. Tinh thần gia trưởng còn ăn rất sâu nên ở phiên họp tổ dân phố ông tổ trưởng dành nói hết. Trong nhóm đồng đẳng, người hướng dẫn độc thoại. Có nhà tham vấn nói điện thoại cả nửa tiếng (có khi hơn) không kịp thở chứ đừng nói gì lắng nghe.
Cách đây 9 - 10 năm, tôi có trực tiếp tập huấn cho một nhóm bác sĩ về phương pháp giáo dục có sự tham gia. Trở về công việc, các anh chị làm rất tốt. Sau đó tôi không có điều kiện tiếp tục. Vừa rồi tôi có dịp trở lại với anh chị em phòng y tế quận nọ. Để tìm hiểu xem người học biết gì về tham vấn, tôi phát tờ giấy nhỏ và đề nghị họ cho biết nó là gì. Tôi mừng rỡ thấy anh chị em viết hay quá. Không sót một ý tưởng cơ bản nào. Nhưng tôi cũng hơi ngạc nhiên vì thấy sao các bài viết giống nhau quá. Rồi tôi mời học viên sắm vai người bệnh và nhà tham vấn. Người bệnh mới hỏi một câu ngắn, nhà tham vấn thao thao bất tuyệt dạy về con vi-rút, các đường lây lan, các địa chỉ tham vấn,… Anh độc thoại 15 phút, nếu tôi không "cúp" vở kịch thì còn dài nữa… Tôi nhìn xuống bàn các học viên thấy vài quyển sách nho nhỏ giống nhau, mới phát giác đó là một quyển giáo khoa và những gì học viên ghi trên tờ giấy nhỏ giống y định nghĩa về tham vấn trong quyển sách. Hoặc người học đã "cọp-dê" hoặc đã học thuộc lòng.
Thế mới biết bao nhiêu công sức, tiền của, thời gian, là giáo dục "nước đổ lá môn", là công dã tràng. Cần đào tạo lại, đào tạo mới và thật hiệu quả, về:
· Phương pháp giáo dục chủ động, và
· Phương pháp điều hành nhóm nhỏ, thảo luận nhóm
nếu muốn tạo được sự thay đổi thái độ và hành vi, điều cốt lõi nhất trong giáo dục phòng chống HIV/AIDS.
4.4.4. Thực hiện tham vấn tâm lý theo đúng nghĩa
Tham vấn không loại trừ cung cấp thông tin và lời khuyên nhưng đây không phải là mục đích chính của nó.
Mục đích là:
· giúp thân chủ hiểu bản thân,
· làm rõ được vấn đề đang gây khó khăn cho mình, phân tích nguyên nhân,
· phát hiện tiềm năng và sức mạnh nơi mình và người thân,
· để tự nổ lực giải quyết vấn đề, với sự hỗ trợ tinh thần của nhà tham vấn.
Đây là công việc khó làm, một quá trình gian nan cho cả đôi bên.
Nó đòi hỏi ở nhà tham vấn một nền kiến thức sâu rộng về con người và xã hội, một ý thức cao về bản thân (sở trường sở đoản, sự nhạy bén chuyên nghiệp) để biết thật sự tôn trọng, lắng nghe, quan sát và hỗ trợ sự tự vươn lên của thân chủ.
Ngoài việc học kiến thức, người làm tham vấn phải được đào tạo theo phương pháp thực hành để tự khám phá. Chính nhân cách của người đó là công cụ giúp đỡ nên họ phải luôn mài dũa công cụ này. Nghĩa là phải tự thay đổi và tự rèn luyện không ngừng.
Tại thành phố Hồ Chí Minh có hàng trăm người đã tham gia các khóa tập huấn về tham vấn do những người chuyên nghiệp hướng dẫn. Nhưng tại sao chưa thấy được một sự chuyển động đáng kể. Đó là áp dụng lý thuyết phương pháp du nhập tốt rất cần thiết nhưng chưa đủ, phải tìm nhiều cách để giúp người học thức tỉnh về mình như một sản phẩm giáo dục, một sản phẩm văn hóa đã ăn rất sâu. Bị lên lớp, bị áp đặt, bị chê bai hay khuyên lơn suốt cuộc đời thì làm sao ta lại không lặp lại những điều đã nhập tâm.
Người tìm sự tham vấn cũng là một sản phẩm văn hóa với thói quen "xin ý kiến" nên sẽ không an tâm khi nhà tư vấn không "cho lời khuyên". Cứ trong cái vòng lẫn quẫn này nhà tư vấn sẽ phải nói mãi, nói hoài, còn thân chủ thì tuân thủ bằng lời nhưng không hành động hoặc trở thành phụ thuộc vào nhà tham vấn như người ta ghiền thuốc.
Thay đổi triệt để cách thông tin - giáo dục - truyền thông và tham vấn sẽ như viên đạn bắn được nhiều con chim một lúc:
1) Về mặt HIV/AIDS, nó sẽ:
· hiệu quả gấp bội (sẽ có nhiều người hiểu biết và hành động đúng),
· tạo ra một môi trường hỗ trợ thuận lợi để người nhiễm không còn bị lên án, khinh miệt,
· người đang lo lắng có nguy cơ dám đi tìm sự tư vấn nhiều hơn, từ đó chịu xét nghiệm, và làm
· tăng cao số người tự nguyện xét nghiệm,
· tư vấn sau xét nghiệm sẽ hỗ trợ người nhiễm HIV sống tích cực, chủ động,
· những người nhiễm này sẽ liên kết để tham gia phòng chống HIV/AIDS (đồng đẳng - bạn giúp bạn) và chăm sóc lẫn nhau,
· huy động được sự tham gia của nhiều người vào cuộc.
2) Ở nhiều nơi, điều này góp phần:
· làm cho dư luận và các mối quan hệ xã hội cởi mở, thông thoáng hơn, bớt thành kiến, cô lập người có vấn đề, bớt loại trừ người bị thiệt thòi,
· góp phần tạo ra một nền giáo dục năng động, sáng tạo,
· trang bị thái độ và kỹ năng thực hiện dân chủ ở cơ sở,
· tăng cường tinh thần và phương pháp hợp tác, nói cách khác sẽ góp phần hiện đại hóa đời sống xã hội.
Nguyễễn Thị Oanh

Không có nhận xét nào: