29 tháng 2, 2008

CÔNG TÁC XÃ HỘI


. ĐỊNH NGHĨA CÔNG TÁC XÃ HỘI
1. Định nghĩa và lịch sử hình thành công tác xã hội ở Việt Nam
1.1. Định nghĩa
Liên đoàn Công tác xã hội quốc tế định nghĩa: Nghề công tác xã hội thúc đẩy xã hội thay đổi, khuyến khích giải quyết những vấn đề trong mối quan hệ giữa người với người, thúc đẩy sự trao quyền và giải phóng con người, nhằm mục đích đảm bảo hạnh phúc cho mọi người. Sử dụng lý thuyết hành vi cư xử của con người và những hệ thống xã hội, công tác xã hội can thiệp vào những thời điểm khi con người tương tác với môi trường sống của mình. Các nguyên tắc về quyền con người và công bằng xã hội là những nguyên tắc căn bản trong công tác xã hội...Theo định nghĩa trên cho thấy, công tác xã hội là một nghề thúc đẩy xã hội thay đổi, bằng cách giải quyết những vấn đề trong mối quan hệ giữa người với người, thúc đẩy sự trao quyền (nói một cách đầy đủ, công tác xã hội vừa thúc đẩy nhà nước, cộng đồng quốc tế trao quyền bằng cách ghi nhận quyền con người, quyền công dân bằng pháp luật quốc tế và quốc gia; việc thúc đẩy cũng phải được tiến hành với con người để thực hiện quyền con người và công dân) và giải phóng con người. Mục đích của công tác xã hội là bảo đảm hạnh phúc cho mọi người. Người làm công tác xã hội sử dụng lý thuyết hành vi cư xử của con người và những hệ thống xã hội để can thiệp vào những thời điểm khi con người tương tác với môi trường sống của mình. Nguyên tắc căn bản trong công tác xã hội là các nguyên tắc về quyền con người và công bằng xã hội.Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào thời gian và không gian văn hoá, mỗi quốc gia có những cách thức định nghĩa khác nhau. Thời gian có tính chất không ngừng vận động, theo đó văn hoá cũng thay đổi và điều chỉnh. Các vấn đề xã hội tồn tại một cách khách quan và làm thay đổi trọng tâm của công tác xã hội trong mỗi thời kỳ. Chính vì thế, định nghĩa mang tính quốc tế cũng không ngừng thay đổi theo thời gian. Việt Nam đang xây dựng và phát triển định nghĩa về công tác xã hội. Định nghĩa này rất có thể sẽ phát triển và thay đổi hơn nữa. Đến một lúc nào đó, trọng tâm công tác xã hội sẽ thay đổi, triết lý mới sẽ phản ánh những thay đổi về giá trị, thái độ và niềm tin được chuyển hoá thành những thay đổi về mặt chính sách.
1.2. Lược sử hình thành công tác xã hội ở Việt Nam
Theo các công trình nghiên cứu về lịch sử công tác xã hội, ở Việt Nam từ trước năm 1945, khi các tổ chức tôn giáo còn nắm nhiều quyền lực, công tác xã hội được thực hiện dưới hình thức các mô hình từ thiện. Đây là mô hình thường thấy ở các nước phương Tây. Thời kỳ 1945-1954, công tác xã hội chuyên nghiệp bắt đầu được đưa vào, một mặt tạo ra một ban phúc lợi thuộc chính phủ và mặt khác thành lập Trường Công tác xã hội CARITAS (1947) do Hội Chữ thập đỏ Pháp tổ chức và sau đó trao lại cho tổ chức Daughters of Charity. CARITAS hoạt động đến tận năm 1975 và theo sát mô hình của người Pháp. Tuy nhiên, mô hình công tác xã hội của người Pháp bị chỉ trích bởi thiếu tính bền vững, thực hiện mang tính gia trưởng, người hưởng lợi không được trao quyền.Thời kỳ 1954-1975, tổ chức USAID đã thực hiện sứ mệnh của mình tại miền Nam Việt Nam. Hoạt động chính của công tác xã hội lúc này là cứu trợ cho khoảng 1 triệu người di cư từ miền Bắc vào miền Nam. Các hoạt động phúc lợi lấy trẻ em làm trung tâm thông qua kênh các tổ chức tôn giáo phi chính phủ trong nước và quốc tế. Tư duy mạng lưới trong công tác xã hội cũng đã hình thành tại Việt Nam từ rất sớm. Nhiều mạng lưới trong nước được thiết lập bởi các nhóm công tác xã hội. Điển hình là Hiệp hội Công tác xã hội Việt Nam được thành lập năm 1970; trên phạm vi quốc tế, có Liên đoàn Nhân viên Công tác Xã hội Quốc tế.Sau năm 1975, công tác xã hội ở Việt Nam chuyển sang một trang mới. Kể từ năm 1986, công việc của nhân viên công tác xã hội và phát triển cộng đồng đã chính thức được công nhận. Chiến dịch tổ chức những khoá tập huấn dành cho cán bộ các cơ quan thuộc Chính phủ chuyên giải quyết những vấn đề xã hội cũng được phát động. Năm 1990, Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em, sau đó là các chính sách phúc lợi xã hội dành cho trẻ em: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và Chương trình hành động quốc gia ra đời ngay sau đó. Ngày nay, công tác xã hội ở Việt Nam phát triển một cách mạnh mẽ với 395 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã đăng ký hoạt động chính thức và hàng trăm tổ chức thuộc chính phủ và phi chính phủ trong nước có mục tiêu chính hay liên quan đến công tác xã hội.
II. MỤC TIÊU CỦA VIỆC ĐÀO TẠO NHÂN VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI
Sau khi tốt nghiệp, cử nhân Công tác xã hội có trình độ đại học sẽ làm việc ở đâu, cơ quan nào và làm công việc gì? Đây là câu hỏi chung, khá phổ biến đối với nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh, các thí sinh dự thi vào đại học và có ý định lực chọn theo học ngành Công tác xã hội.
1. Mục tiêu đào tạo cử nhân Công tác xã hội
Vì là một ngành đào tạo mới, nên một câu hỏi chung khá phổ biến đối với xã hội và nhiều người khi lựa chọn ngành học Công tác xã hội là: Khi được đào tạo có một trình độ nhất định thì người làm Công tác xã hội sẽ làm việc ở đâu? cơ quan nào? làm lĩnh vực gì?Mục tiêu chung:Đào tạo đội ngũ cán sự công tác xã hội có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có ý thức phục vụ nhân dân, có sức khỏe và tinh thần say mê yêu nghề, nắm vững kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ tác nghiệp về Công tác xã hội; có khả năng phát hiện, giải quyết những vấn đề xã hội trong mối quan hệ xã hội và nâng cao năng lực con người, cải thiện chất lượng cuộc sống bền vững.Mục tiêu cụ thể:Sau khi tốt nghiệp, cử nhân Công tác xã hội có trình độ đại học có thể công tác ở các cơ quan, tổ chức và các lĩnh vực sau:
- Cung ứng dịch vụ và làm Công tác xã hội chuyên nghiệp tại các cơ sở, trung tâm và tổ chức xã hội:
+ Hội bảo trợ xã hội của mọi thành phần kinh tế từ Trung ương đến địa phương;
+ Trung tâm nuôi dưỡng chăm sóc người có công, người già cô đơn, người khuyết tật, trẻ em mồ côi;
+ Trung tâm giáo dưỡng và phục hồi nhân phẩm, cai nghiện ma tuý, trại cải tạo;
+ Tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể quần chúng (Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Hội chữ thập đỏ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân tập thể...), cơ quan Lao động Thương binh và Xã hội, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, cộng đồng ở thành thị và nông thôn...
- Làm công tác xã hội chuyên nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau như: sức khỏe, giáo dục, pháp luật, kinh tế, văn hoá - xã hội, hôn nhân và gia đình, tôn giáo tín ngưỡng, môi trường, dân số, truyền thông...
- Làm việc trực tiếp tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo có liên quan đến Công tác xã hội: Trường đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo nhân viên công tác xã hội; Trung tâm nghiên cứu công tác xã hội theo nhóm đối tượng tác nghiệp khác nhau.của nó, nhằm vào vô số các tương tác phức hợp giữa con người và các môi trường của họ. Sứ mạng của nó là tạo năng lực giúp người dân phát triển tối đa tiềm năng, làm phong phú đời sống của họ, và ngăn ngừa các trục trặc. CTXH chuyên nghiệp tập trung vào quá trình giải quyết các vấn đề và sự thay đổi. Do đó, nhân viên CTXH (hay được gọi là nhân viên xã hội –NVXH) là những tác nhân đổi mới trong xã hội, trong đời sống của các cá nhân, gia đình, cộng đồng mà họ phục vụ. CTXH là một hệ thống liên kết các giá trị, lý thuyết và thực hành.
2. Công tác xã hội là gi?
Công tác xã hội là hoạt động chuyên nghiệp được thực hiện dựa trên nền tảng khoa học chuyên ngành nhằm hỗ trợ đối tượng có vấn đề xã hội (cá nhân, nhóm, cộng động) giải quyết vấn đề gặp phải, cải thiện hoàn cảnh, vươn lên hòa nhập xã hội theo hướng tích cực, bền vững. Công tác xã hội vừa là một khoa học xã hội ứng dụng vừa là một nghề nghiệp chuyên môn được hình thành từ cuối thế kỷ XIX, cho đến nay đã phát triển rộng khắp trở thành ngành khoa học và nghề chuyên môn phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Công tác xã hội có vị trí và vai trò quan trong trong xã hội hiện đại.Công tác xã hội có cơ sở lý luận, nội dung, phương pháp tác nghiệp không ngừng được hoàn thiện cả về phương diện lý thuyết và thực tiễn. Mục tiêu của Công tác xã hội là giúp cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng có “vấn đề xã hội”, bị yếu thế, không đảm bảo được một hay một số chức năng xã hội có thể nhận thức, giải quyết “vấn đề” của mình và vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng góp phần ổn định, thúc đẩy xã hội phát triển.Công tác xã hội có đối tượng đa dạng và phạm vi tác động rộng lớn, liên quan đến mọi tầng lớp dân cư, mọi tổ chức, ngành nghề trong xã hội. Trong đó có một số lĩnh vực cần sự quan tâm đặc biệt của công tác xã hội hiện nay như công tác xã hội gia đình và trẻ em; phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo; phòng ngừa tội phạm và giải quyết các tệ nạn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể nhân dân; đoàn kết dân tộc, tôn giáo; công tác xã hội trong học đường; công tác xã hội với người khuyết tật, người lang thang, trẻ em mồ côi, người già cô đơn, người có vấn đề về sức khoẻ tâm thần, người có HIV/AIDS...
3. Nhu cầu về Công tác xã hội ở Việt Nam
Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, cơ sở xã hội và những tiền đề cho sự ra đời của Công tác xã hội ở Việt Nam đã sớm hình thành được bắt nguồn từ truyền thống nhân đạo, tương thân, tương ái đã thấm đượm trong đời sống dân gian, trở thành nét đẹp trong tâm hồn người Việt Nam. Công tác xã hội chuyên nghiệp sớm được du nhập vào Việt Nam ngay từ những năm 1940 nhưng còn hạn chế về quy mô, tính chất hoạt động và bị gián đoạn do điều kiện lịch sử, đến những năm 1990 mới được phục hồi và hiện nay đang được chú trọng phát triển.Trong những năm qua, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã thu được nhiều thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu là cơ bản, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, đặc biệt là những di chứng, hậu quả của chiến tranh để lại, những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, những rủi ro trong cuộc sống, đất nước ta đã, đang tồn tại và nảy sinh những vấn đề xã hội như: sự nghèo đói của một bộ phận không nhỏ dân cư; sự gia tăng của tệ nạn xã hội; tình trạng trẻ em mồ côi, trẻ em đường phố, trẻ em bị xâm hại; những người bị ảnh hưởng bởi nhiễm chất độc màu da cam; tình hình lây nhiễm HIV/AIDS... Việc thực hiện các chính sách xã hội trong hệ thống an sinh xã hội cũng có những bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội.Những vấn đề xã hội trên đòi hỏi phải có một hệ thống đội ngũ những người làm công tác xã hội chuyên nghiệp, được đào tạo cơ bản về lý thuyết, kỹ năng, kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp nhằm hõ trợ, giải quyết một cách hiệu quả và bền vững. Trên thực tế ở nước ta, đội ngũ này vừa rất thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Hầu hết những người đang làm công tác xã hội trong các cơ sở xã hội ở các cấp, các ngành chưa được đào tạo đúng chuyên môn, chưa phù hợp với yêu cầu tác nghiệp mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, lòng nhiệt tình nên không tránh khỏi những hạn chế bất cập. Vì vậy, vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài là phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội có trình độ đại học, có năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức, đồng thời nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mới đáp ứng được những yêu cầu đặt ra đối với công tác xã hội ở nước ta hiện nay (Theo đánh giá của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian từ nay đến năm 2010 nước ta cần phải đào tạo được khoảng 45.000 nhân viên Công tác xã hội chuyên nghiệp).
4. Giá trị của Công tác xã hội chuyên nghiệp.
CTXH xuất phát các lý tưởng nhân văn và dân chủ, các giá trị của nó dựa trên cơ sở tôn trọng sự bình đẳng, phẩm giá, và sự xứng đáng của mọi dân tộc. Từ những ngày khởi đầu của nó cách đây một thế kỷ, CTXH thực hành nhằm vào việc đáp ứng nhu cầu và phát triển tiềm năng của con người. Nhân quyền và công bằng xã hội là động lực và sự biện giải cho hoạt động CTXH. Trong sự liên đới với những người bị thiệt thòi, nghề CTXH cố gắng giảm thiểu sự nghèo khó và giải phóng những người bị tổn thương hay bị áp bức để thúc đẩy sự hòa nhập xã hội (đúng như định hướng giải phóng con người của Chủ nghĩa xã hội). Các giá trị của CTXH được thể hiện trong các quy điều đạo đức nghề nghiệp quốc gia và quốc tế.
5. Lý thuyết của Công tác xã hội chuyên nghiệp.
Phương pháp luận CTXH dựa trên một hệ thống kiến thức đã được chứng minh rút ra từ các cuộc nghiên cứu và lượng giá thực hành, bao gồm cả kiến thức địa phương và bản xứ trong bối cảnh đặc thù của chúng. Nó thừa nhận tính phức tạp trong mối tương tác giữa con người và môi trường của họ và khả năng của người dân vừa chịu sự tác động vừa thay đổi các ảnh hưởng đa dạng, bao gồm cả nhân tố sinh-tâm lý-xã hội-văn hóa. Nghề CTXH vận dụng các lý thuyết về phát triển con người và hành vi và về các hệ thống xã hội để phân tích các tình huống phức tạp và tạo thuận lợi cho sự thay đổi ở cấp cá nhân, tổ chức, xã hội và văn hóa.
6. Thực hành công tác xã hội chuyên nghiệp.
CTXH nhằm vào các rào cản, các bất bình đẳng và bất công xã hội. Nó đáp ứng các khủng hoảng và các tình trạng khẩn cấp cũng như các vấn đề hằng ngày của cá nhân và xã hội. CTXH sử dụng những kỹ năng, kỹ thuật và hoạt động đa dạng phù hợp với trọng tâm tổng thể của nó đối với con người và môi trường của họ. Các mô hình can thiệp của CTXH bao gồm những tiến trình tâm lý xã hội nhằm vào con người ở cơ sở đến việc tham gia vào chính sách, hoạch định và phát triển xã hội. Các phương thức can thiệp này gồm tham vấn, CTXH lân sàng, công tác xã hội nhóm, công tác sư phạm xã hội, điều trị và trị liệu gia đình cũng như nỗ lực giúp người dân có được các dịch vụ và nguồn lực trong cộng đồng. Các cách can thiệp cũng bao gồm quản trị cơ quan xã hội, tổ chức cộng đồng và tham gia vào các hành động xã hội – chính trị để tác động đến chính sách xã hội và phát triển kinh tế.Trọng tâm tổng thể của CTXH mang tính phổ quát, nhưng các ưu tiên trong thực hành CTXH sẽ thay đổi tùy theo quốc gia và tùy lúc, tùy thuộc vào các điều kiện văn hóa, lịch sử, xã hội và kinh tế.
III. CƠ SỞ TRIẾT HỌC CỦA CÔNG TÁC XÃ HỘI
1. Các quan điểm cơ bản trong Công tác xã hội.Quan điểm nghề nghiệp của ngành CTXH là những quan điểm về con người, về mục đích cho sự an sinh của họ và những biện pháp đi đến mục đích đó. Có 6 quan điểm cơ bản của CTXH :
- Cá nhân là mối quan tâm hàng đầu của xã hội.- Giữa cá nhân và xã hội có mối quan hệ phụ thuộc.
- Mỗi bên đều có trách nhiệm với nhau.
- Con người có những nhu cầu cơ bản giống nhau, nhưng mỗi người là độc nhất không giống người khác.
- Mỗi người cần được phát huy hết tiềm năng của mình và cần được thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội thông qua việc tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội.
- Xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện để khắc phục những trở ngại đối với sự phát huy của cá nhân, những trở ngại ấy chính là sự mất cân bằng trong quan hệ giữa cá nhân và xã hội.
2. Các nguyên tắc hành động trong CTXH :
Các nguyên tắc hành động giúp định hướng các hoạt động của nhân viên xã hội trong quá trình giúp đỡ đối tượng. Có 7 nguyên tắc :
- Chấp nhận thân chủ
- Thân chủ tham gia giải quyết vấn đề
- Tôn trọng quyền tự quyết của thân chủ
- Cá biệt hóa
- Kín đáo
- Nhân viên xã hội luôn ý thức về mình
- Xây dựng mối quan hệ chuyên nghiệp giữa nhân viên xã hội và thân chủ.
3. Các quy điều đạo đức trong ngành CTXH :
Mục đích của các quy điều đạo đức trong ngành CTXH là quy định các trách nhiệm và hành vi cần có ở nhân viên xã hội với thân chủ của mình, với đồng nghiệp và với xã hội :
- Vai trò và trách nhiệm của nhân viên xã hội:
• Phẩm chất, năng lực và trách nhiệm phù hợp với công việc
.• Luôn có ý thức rèn luyện khả năng và nâng cao trình độ chuyên môn
• Rèn luyện trên 3 mặt : kiến thức, thái độ và kỹ năng
• Liêm chính
• Luôn học tập để đổi mới chính mình.
- Trách nhiệm đối với thân chủ :
• Thân chủ là mối quan tâm hàng đầu.
• Cố gắng hết sức để phát huy tối đa khả năng tự quyết của thân chủ
• Đảm bảo sự riêng tư của thân chủ
- Trách nhiệm đối với đồng nghiệp :
• Tôn trọng, bình đẳng
• Trách nhiệm liên đới với các thân chủ của đồng nghiệp.
- Trách nhiệm đối với xã hội :
• Nhân viên xã hội làm việc vì lợi ích xã hội, thể hiện sự hòa hợp giữa các cấp độ giá trị : giá trị của xã hội, giá trị của nghề nghiệp, giá trị của cơ quan làm việc, giá trị của thân chủ và giá trị của chính mình.
4. Một số nguyên tắc trong giải quyết vấn đề xã hội :
- CTXH luôn quan tâm giúp thân chủ (cá nhân, nhóm, cộng đồng) giải quyết vấn đề mt cách bền vững, chú trọng đến tăng năng lực cho thân chủ để họ có thể tự giải quyết vấn đề của chính họ.
- CTXH luôn coi trọng sự phối hợp các nguồn lực của các tài nguyên xã hội, các tổ chức kinh tế, chính trị và xã hội khác nhau. Nhân viên xã hội là trung tâm phối hợp các nguồn lực của xã hội để trợ giúp các thân chủ dễ bị tổn thương.
- Nhân viên xã hội cần có kiến thức tổng hợp của các ngành khoa học công cu khác như Xã hội học, tâm lý học, y học, quản trị học, kinh tế học..
5. Một số nguyên tắc trong mối quan hệ giúp đỡ :
- Giúp đỡ là một dịch vụ chứ không phải là quyền uy.
- Mọi sự giúp đỡ đều có thời hạn
- Mọi sự giúp đỡ phải dựa trên nhu cầu của người được giúp.
- Mọi sự giúp đỡ nên dựa vào cộng đồng.
- Mọi sự giúp đỡ đều đều phải được kế họach hóa.
- Sự giúp đỡ nên tập trung tăng cường năng lực cho thân chủ nhằm đáp ứng được các nhu cầu của họ.
6. Các chức năng công tác xã hội:
Công tác xã hội có bốn chức năng cơ bản:
- Trị liệu: Sửa chữa, điều chỉnh, giải quyết các vấn đề cụ thể đã xảy ra hay đang nảy sinh.
- Phục hồi: Đưa người được giúp đỡ trở về với cuộc sống bình thường, hội nhập với cộng đồng.
- Phòng ngừa: Thực hiện các hoạt động nhằm ngăn ngừa các hậu quả tiêu cực có thể có hoặc giảm nhẹ tác hại của chúng.
- Biến đổi (phát triển): Thay cho việc giải quyết vấn đề công tác xã hội, thực hiện các chương trình và hoạt động nhằm biến đổi và phát triển môi trường và nâng cao chất lượng của nguồn lực con người.Thực tiễn lịch sử cho thấy rằng từ buổi đầu của công tác xã hội, người ta đã có thể quan sát thấy sự tác động ở mức độ khác nhau của các chức năng đã nêu. Thứ tự nêu trên phản ánh logic phát triển của công tác xã hội. Với thời gian, các chức năng sau ngày càng được nhấn mạnh, trong khi các chức năng trước không hề mất đi tầm quan trọng của mình. Sự phát triển các thế hệ NGO (tổ chức phi chính phủ) đã phản ánh logic phát triển các chức năng kể trên của công tác xã hội.
7. Các phương pháp công tác xã hội:
Có thể kể đến bốn nhóm sau đây:
a. Công tác xã hội với cá nhân, gia đình và cộng đồng:
Nhóm này thể hiện sự khác biệt về đối tượng tác động dẫn đến sự khác biệt về phương pháp và kỹ năng.Mục tiêu của công tác xã hội là hỗ trợ con người giải quyết các vấn đề của mình. Do đó, trước hết nó phải coi tác động đến cá nhân, giúp cho cá nhân ấy hiểu rõ về mình, nhìn nhận lại những người xung quanh gần gũi, có khả năng vận dụng các nguồn lực xã hội với cá nhân. Đối tượng tác động là bản thân người cần giúp đỡ, công cụ tác động là mối quan hệ giữa cán bộ công tác xã hội với đối tượng.Trong công tác xã hội nhóm, đối tượng tác động là toàn bộ nhóm, thông qua tương tác nhóm mà làm thay đổi suy nghĩ và hành động của từng thành viên cũng như cả nhóm. Gia đình có thể được xem như một nhóm, song do tính chất đặc thù của nó, nên đôi khi người ta xếp riêng thành một phương pháp của công tác xã hội.Cá nhân không chỉ tập hợp trong các nhóm (đặc biệt trong nhóm nhỏ, đối tượng chính yếu của công tác xã hội nhóm), mà còn được tập hợp trong các cộng đồng, ở đó bao hàm các tổ chức và thiết chế khác nhau vận hành và theo đuổi những mục tiêu chung cũng như riêng biệt trên một địa bàn dân cư nhất định. Cộng đồng là môi trường xã hội trực tiếp hàng ngày của cá nhân và nhóm, do đó theo logic phát triển, công tác xã hội phải hướng tới một phương pháp tác động riêng biệt liên quan đến cấp độ cộng đồng…
b. Phỏng vấn, thảo luận, tư vấn:
Nhóm phương pháp này thể hiện các kỹ thuật liên quan đến các động tác qua lại giữa người làm công tác xã hội và đối tượng nhằm tìm hiểu đối tượng, cũng như làm cho đối tượng tự hiểu mình, phát hiện và nhận diện vấn đề, phát triển các ý tưởng, tìm kiếm các khả năng và con đường giải quyết vấn đề, làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của đối tượng hay những người có liên quan.
c. Vận dụng các nguồn lực cho công tác xã hội:
Các vấn đề của con người gặp phải mà công tác xã hội có nguyện vọng giúp đỡ họ giải quyết, thực ra bao giờ cũng đầy khó khăn, thường là vượt khỏi khả năng của đối tượng cũng như của cả người làm công tác xã hội. Do đó điều quan trọng là người cán bộ công tác xã hội phải có phương pháp để phát hiện và vận dụng các nguồn lực trong xã hội nhằm cùng đối tượng giải quyết vấn đề.Các nguồn lực trong công tác xã hội là một khái niệm rất rộng và cần được hiểu một cách cụ thể trong bối cảnh văn hóa xã hội của mỗi nước và mỗi địa phương. Nó có thể là tài chính, là các tổ chức và thiết chế, là các chế độ chính sách xã hội, các chương trình phát triển, các phong tục tập quán.
d. Thiết kế và thực hiện một công tác xã hội:
Một công tác xã hội nào đó là một chuỗi các hoạt động nối tiếp nhau theo một trình tự nhất định để đạt một mục tiêu đề ra. Nó cần được thể hiện dưới dạng một kế hoạch, dự án hay chương trình. Do đó mỗi người làm công tác xã hội dù làm việc ở cấp độ nào cần nắm được phương pháp thiết kế và thực hiện một kế hoạch, dự án hay chương trình công tác xã hội.Mỗi kế hoạch (dự án, chương trình) công tác xã hội thường phải bao gồm các bước sau đây:
- Phát hiện và nhận diện vấn đề (nhu cầu).
- Phát triển các ý tưởng và mục tiêu công tác.
- Xây dựng kế hoạch, phương pháp và kỹ thuật cần sử dụng.
- Thực hiện (quản lý) công việc (bao gồm cả điều chỉnh).
- Lượng giá và tổng kết
IV. MỘT SỐ KỸ NĂNG CƠ BẢN CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC XÃ HỘI
Để công tác xã hội trở thành một nghề, người làm công tác xã hội cần phải có những kiến thức, kỹ năng và thái độ nhất định. Bài viết này bước đầu giới thiệu một số kỹ năng cơ bản mà người làm công tác xã hội cần có.
2.1. Kỹ năng quan sát
2.1.1. Mục đích
Quan sát là nhu cầu của con người để sống, làm việc và hiểu nhiều hơn về con người cũng như thế giới. Nghiều nghiên cứu kết luận rằng, có đến 2/3 thông tin mà con người nhận được là thông qua đôi mắt. Người làm công tác xã hội cần có kỹ năng quan sát con người và những giao tiếp không lời của đối tượng mà mình làm việc với. Có rất nhiều sự trao đổi thông tin, giao tiếp trong các cử chỉ không lời không nằm trong ý thức của người tham gia giao tiếp. Khi làm việc với đối tượng, người làm công tác xã hội cần quan sát để biết được đối tượng phản ứng thế nào với hoạt động mà mình cung cấp và quan hệ giữa họ như thế nào. Dựa vào những thông tin này, chúng ta có thể quyết định khi nào cần phải thay đổi, can thiệp điều gì trong hoạt động để đối tượng được thúc đẩy một cách tốt nhất.
2.1.2. Khách thểKhi làm việc với đối tượng, người làm công tác xã hội cần quan sát mức độ hứng thú của đối tượng và nhóm đối tượng; khả năng của họ; mức độ tham gia của đối tượng vào các hoạt động; mối quan hệ tình cảm, tinh thần hỗ trợ và hợp tác giữa các đối tượng với nhau; mối quan hệ, sự tin tưởng giữa đối tượng với người làm công tác xã hội; cá tính của đối tượng; và môi trường mà họ đang sống.
- Mức độ hứng thú của đối tượng. Khi đối tượng hứng thú với hoạt động, họ thường có các biểu hiện sau: Ngồi hướng ra phía trước, mắt nhìn chăm chú, gật gù khi người khác trình bày; tham gia đầy đủ và tích cực vào các hoạt động; thường xuyên đóng góp ý kiến và công sức của mình vào công việc chung. Ngược lại, khi đối tượng kém hứng thú, họ thường biểu hiện: Ngồi tựa lưng vào ghế, mắt nhìn lơ đãng khi người khác trình bày; ngồi nhấp nha nhấp nhổm, vặn lưng, thay đổi thế ngồi liên tục; ngồi ngả hết ra sau ghế, mắt nhìn đồng hồ; làm việc riêng; không tham gia vào các hoạt động hoặc tham gia chiếu lệ…
- Khả năng nhận thức, mức độ hiểu hoạt động. Khi đối tượng có nhận thức tốt, hiểu rõ các hoạt động mà người làm công tác xã hội triển khai, họ thường có các ý kiến phát biểu xây dựng hoạt động rất hiệu quả, rõ ràng; áp dụng/thực hiện tốt các hoạt động trong thực tế; sự rạng rỡ, phấn khởi thể hiện trên nét mặt. Khi đối tượng không hiểu về các hoạt động, họ thường không có ý kiến; không tham gia vào quá trình thực hiện; làm theo người khác thay vì tự mình làm và làm không tập trung, kém hiệu quả.
- Mức độ tham gia của mỗi đối tượng vào hoạt động. Việc quan sát này rất quan trọng để biết được ai là người ít tham gia, không được tham gia và tham gia tích cực vào hoạt động chung. Từ đó, có sự điều chỉnh phù hợp nhằm đạt được sự cân bằng trong tham gia và tạo quyền cho đối tượng yếu thế hơn. Biểu hiện của mức độ tham gia cao: đối tượng thường xuyên tham gia các hoạt động, nêu ý kiến, đặt vấn đề, giữ vai trò tích cực trong các hoạt động. Biểu hiện của mức độ tham gia thấp: đối tượng không tham gia hoặc ít tham gia các hoạt động; luôn đồng ý làm theo ý kiến của người khác kể cả khi hoàn toàn không hợp lý; thích làm việc một mình, không thích làm việc trong nhóm.
- Mối quan hệ tình cảm, tinh thần hỗ trợ, hợp tác giữa các đối tượng. Khi mối quan hệ này tốt, có thể thấy các biểu hiện sau: đối tượng thường xuyên liên lạc, trao đổi, chia sẻ thông tin, giúp nhau thực hiện tốt hoạt động.
- Mối quan hệ, sự tin tưởng của đối tượng với người làm công tác xã hội. Mối quan hệ này biểu hiện qua các dấu hiệu: mức độ sẵn sàng thực hiện các hoạt động, mạnh dạn đưa ra các đề xuất và phản hồi.
- Cá tính của đối tượng. Cần quan sát đối tượng thuộc nhóm nào trong số sau đây: thích được công nhận/khen, thích thể hiện mình trước đám đông; rụt rè, e ngại trước đám đông; thích làm chỉ huy; thích quan sát người khác trước khi tự làm...
- Môi trường của đối tượng. Tình trạng hôn nhân/hoàn cảnh gia đình, nơi ở, vị trí xã hội, học vấn, nghề nghiệp, các mối quan hệ...
2.1.3. Lưu ý
- Khi quan sát, nên chú ý cách biểu hiện/hành vi và phân loại biểu hiện/hành vi của đối tượng để hiểu đúng ý nghĩa của những hành vi đó. Đồng thời, phân tích ý nghĩa, nguyên nhân của từng hành vi để lựa chọn cách ứng xử và thời điểm can thiệp phù hợp.
- Người làm công tác xã hội không nên làm những việc sau đây khi quan sát: vội vàng suy diễn những gì vừa nhìn thấy, áp đặt suy diễn của mình; can thiệp khi chưa đủ thông tin, chưa rõ nguyên nhân của hành vi, hiện tượng.
2.2. Kỹ năng lắng nghe
2.2.1. Mục đích
Lắng nghe tốt là khả năng ngừng suy nghĩ và làm việc của mình để hoàn toàn tập trung vào những gì mà ai đó đang nói. Chúng ta đều biết rằng việc mọi người không lắng nghe sẽ làm nảy sinh khó khăn trong mối quan hệ của họ. Và chúng ta đều biết rằng khi gặp một người lắng nghe tốt, chúng ta thích thú khi ở bên họ. Khi lắng nghe, người làm công tác xã hội không nghe các câu, từ để hiểu nghĩa, nắm rõ thông tin mà phải nghe được cảm xúc, động cơ, mong muốn của đối tượng để đáp ứng một cách tốt nhất. Người làm công tác xã hội thành công phải biết lắng nghe toàn bộ con người của đối tượng chứ không chỉ lắng nghe lời nói của họ.
2.2.2. Khách thể
Việc lắng nghe thể hiện ở 3 mức độ: nghe thông tin, ý kiến; nghe cảm xúc, tình cảm; và nghe động cơ.
- Lắng nghe thông tin, ý kiến. Đây là mức độ lắng nghe thông thường nhất mà tất cả mọi người đều thực hiện. Lắng nghe thông tin, ý kiến là nghe những lời (câu, từ) người khác nói để lấy thông tin và biết được ý kiến của người nói. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể lắng nghe tốt ở mức độ này. Thông thường, khi nghe người khác nói, chúng ta không chỉ tập trung vào những gì họ nói mà não của chúng ta đã có thể bắt đầu phân tích những điều nghe được bằng ngôn ngữ suy nghĩ của chính mình. Có những lúc người nói chưa kết thúc, chúng ta đã vội vàng suy đoán hoặc nghĩ những điều mình muốn nói để đáp lời. Trong những trường hợp như vậy, thông tin tiếp nhận có thể không đầy đủ và có thể dẫn đến quyết định không phù hợp.
- Lắng nghe cảm xúc, tình cảm. Đây là mức độ lắng nghe sâu hơn vào đời sống nội tâm của người nói. Tình cảm của người nói có thể là tức giận, bối rối, căng thẳng, ngượng ngùng, chán nản, vui vẻ, tự hào, cảm phục, bất mãn… Để lắng nghe được tình cảm của người nói, chúng ta thường lắng nghe âm lượng và cường độ giọng nói, biểu hiện nét mặt, điệu bộ…, sự im lặng hơn là lắng nghe từ ngữ nói ra. Vì vậy, việc quan sát rất cần giúp chúng ta nghe tình cảm của người đó. Cảm xúc đôi khi có nhiều ý nghĩa hơn những gì được nói ra.
- Lắng nghe động cơ. Là mức độ khó nhất của nghệ thuật lắng nghe. Nhiều khi chính người nói cũng chưa nhận thức rõ ràng về động cơ của mình. Lắng nghe tốt sẽ người làm công tác xã hội khám phá ra lý do khiến một người nói những điều đó, làm những việc đó. Động cơ của người nói là ý thức tiềm ẩn sau những lời nói và hành vi của họ. Đó thường là những điều chưa được nói ra và có thể không bảo giờ đưởng thẳng thắn nói ra.
.2.3. Lưu ý
Người lắng nghe cần giữ yên lặng, thể hiện rằng mình muốn nghe đối tượng nói, đồng cảm, tôn trọng, tránh sự phân tán, giữ bình tĩnh, đặt câu hỏi và để những khoảng lặng. Người lắng nghe không nên có những hành vi sau đây: lơ đãng với người nói; cắt ngang lời người nói hoặc giục người nói kết thúc nhanh câu chuyện; luôn liếc nhìn đồng hồ; đưa ra lời khuyên khi người nói không yêu cầu; đưa ra nhận xét, cãi lại, tranh luận với người nói trước khi nghe hết câu chuyện; quy kết, áp đặt những ý kiến của cá nhân mình vào những gì nghe được; nói chen vào khi người nói đang tìm cách diễn đạt; nghe đại khái, bỏ qua các chi tiết cụ thể, chỉ nhớ các ý chính.Để lắng nghe tốt cảm xúc, động cơ của đối tượng, người làm công tác xã hội nên: nói đúng lúc, tạo sự chú ý của người nghe khi nói; nói ngắn gọn, dùng từ ngữ dể hiểu, phù hợp với địa phương; giao lưu bằng mắt, biểu lộ tình cảm khi nói; đặt câu hỏi để thu hút sự chú ý; kết hợp với những phương tiện sẵn có để thể hiện nội dung cần nói; chọn những nội dung người nghe thực sự quan tâm; không nói quá nhiều nội dung một lúc; tạo một bầu không khí thoải mái, dễ chịu, cởi mở, môi trường học tập thoải mái; kiểm tra lại những điều đã nghe được để điều chỉnh (nếu cần).
2.3. Kỹ năng phản hồi
2.3.1. Mục đích
Là con người, chúng ta thường dựa vào phản hồi của người khác để biết lời lẽ và hành động của ta đã được họ đón nhận như thế nào. Chúng ta nhận hàng trăm phản hồi mỗi ngày: sự giận dữ, những nụ cười, sự im lặng, sự chia sẻ, hỗ trợ và cả những lời lẽ động viên, chỉ trích trực tiếp. Cùng lúc đó, chúng ta cũng đưa hàng trăm phản hồi mỗi ngày, và những phản hồi ấy tác động đến chất lượng các mối quan hệ của chúng ta, những mối quan hệ trong gia đình, trong cộng đồng và ở nơi làm việc.
2.3.2. Phản hồi tích cực
Một người làm công tác xã hội sử dụng phương pháp có sự tham gia là một người có kỹ năng cho và nhận phản hồi một cách chân thực. Họ nhanh chóng nhận ra những điều cần ca ngợi ở người khác. Họ có khả năng phân tích nhu cầu cần phát triển của của đối tượng theo cách hỗ trợ và khuyến khích. Đồng thời, họ rất cởi mở và quan tâm đến những phản hồi của đối tượng về phong cách, thái độ của họ cũng như tính hữu ích của hoạt động mà họ thực hiện. Người làm công tác xã hội cần biết rằng nếu sử dụng đúng thì phản hồi là một công cụ rất hiệu quả để giúp đối tượng và chính bản thân họ làm việc tốt hơn. Không có phản hồi thì hoạt động sẽ trở thành một chiều, chủ quan. Chính vì vậy, người làm công tác xã hội phải thường xuyên trao đổi khả năng cho và nhận phản hồi hiệu quả-những phản hồi khuyến khích sự phát triển và hoàn thiện.Người cho phản hồi có thể lựa chọn các cách phản hồi sau đây: cho phản hồi trực tiếp trong nhóm, cho phản hồi trực tiếp đến mỗi cá nhân, và cho phản hồi bằng cách gửi thư.
2.3.3. Lưu ý
- Những việc nên làm và không nên làm khi cho phản hồi
+ Người cho phản hồi nên chắc chắn về những gì mình định nói; bắt đầu bằng những điểm tích cực (con người ai cũng muốn khen ngợi, khuyến khích), tránh sử dụng từ nhưng vì khi sử dụng từ nhưng thì dường như tất cả những lời lẽ tốt đẹp, thực lòng trước đó có thể mất hết giá trị; đưa ra thông tin cụ thể, rõ ràng; mô tả hành động, sự kiện; bày tỏ sự cảm thông bằng lời nói hoặc cử chỉ; cố gắng gợi ý những thay đổi mà người nhận có thể sử dụng được với số lượng vừa phải; bắt đầu bằng từ tôi hoặc theo tôi không phải chúng tôi hay mọi người (ý kiến phản hồi là ý kiến riêng của người cho phản hồi); và đưa thông tin phản hồi ngay khi vào thời điểm sớm nhất.
+ Không nên cho phản hồi theo kiểu nhằm vào người được phản hồi; đùa cợt; cường điệu quá mức sự thật; phán xét, đánh giá; nói cho bõ tức; đưa ra thông tin mờ hồ, chung chung; phản hồi về việc không thay đổi được; nêu quá nhiều ý kiến; nhân tiện phản hồi những việc xảy ra đã quá lâu; để quá thời điểm cần thiết mới phản hồi (sự thay đổi không còn ý nghĩa nữa).
- Những việc nên làm và không nên làm khi nhận phản hồi
+ Khi nhận phản hồi, chúng ta nên lắng nghe, làm rõ ý kiến phản hồi (nếu cần), có thái độ trân trọng ý kiến phản hồi, lấy ý kiến phản hồi về lĩnh vực cụ thể và chấp nhận ý kiến của người phản hồi.
+ Ý kiến phản hồi là một món quà tặng. Hãy chấp nhận và tỏ lòng trân trọng nó bằng cách cảm ơn người tặng quà và sử dụng món quà đó một cách hữu ích. Chính vì thế, người nhận phản hồi không nên phủ định, phán xét lời phản hồi, càng không nên bực tức, tỏ ý không thừa nhận lời phản hồi cũng như giải thích (thậm chí tranh luận) với người cho phản hồi.
2.4. Kỹ năng làm việc theo nhóm
2.4.1. Mục đích
Kỹ năng làm việc theo nhóm là kỹ năng tương tác giữa các thành viên trong một nhóm nhằm thúc đẩy hiệu quả công việc và phát triển tất cả tiềm năng của các thành viên. Kinh nghiệm dân gian đúc kết rằng: Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Sức mạnh cá nhân không thể sánh bằng sức mạnh tập thể. Trong công tác xã hội cũng thế, hiệu quả công tác của một cá nhân không thể so sánh với hiệu quả của một tập thể. Đơn giản vì không ai là hoàn hảo cả. Làm việc theo nhóm sẽ phát huy những mặt mạnh của từng cá nhân và bổ sung cho nhau. Hơn nữa, không ai có thể tự mình đảm đương hết mọi công việc. Vì vậy, kỹ năng làm việc theo nhóm là một yêu cầu cơ bản đối với người làm công tác xã hội theo phương pháp có sự tham gia.
2.4.2. Làm việc theo nhóm
- Phân loại nhóm. Tuỳ theo mục đích, đối tượng mà người ta phân thành các nhóm khác nhau. Trong công tác xã hội, bên cạnh việc lập nhóm làm việc dựa trên mục đích, đối tượng còn phải chú ý đến kích cỡ của nhóm. Người ta thường phân nhóm theo hai dạng kích cỡ là nhóm lớn và nhóm nhỏ. Số lượng người trong nhóm nhỏ thường thường dưới mười hai, tuy nhiên, giao động từ sáu đến tám người là tốt nhất.
- Các nguyên tắc làm việc theo nhóm
+ Làm việc theo nhóm cần sự chia sẻ thông tin, nguồn lực và thống nhất về phương thức thực hiện. Tuy nhiên, từng nhóm hoặc từng cá nhân làm việc sẽ hiệu quả chỉ khi họ luôn sẵn sàng chia sẻ và tôn trọng các thành viên khác trong nhóm. Nhấn mạnh rằng, làm việc theo nhóm phải dựa trên tính tôn trọng và sự khích lệ lẫn nhau.
+ Sự sáng tạo thường mang tính mơ hồ. Trong làm việc nhóm, các ý tưởng là vô cùng quan trọng cho sự thành công hơn là tính cá nhân của thành viên. Sức mạnh của nhóm là khả năng thực hiện và phát triển các ý tưởng mà từng thành viên mang lại. Mâu thuẫn có thể là sự mở rộng của của sự sáng tạo. Để giải quyết mâu thuẫn, mọi người luôn phải tôn trọng ý kiến của nhau. Nói cách khác, làm việc theo nhóm thường mang tính hợp tác hơn là cạnh tranh.
- Sự tham gia và vai trò của người thúc đẩy.
+ Trong làm việc theo nhóm, sự tham gia của thành viên trong nhóm quyết định mức độ thành công của nhóm. Mỗi thành viên có thể có vai trò, nhiệm vụ khác nhau trong nhóm nhưng quyền tham gia và ý kiến của họ thì được tôn trọng như nhau. Có ba mức độ của sự tham gia, đó là tham gia cho có, tham gia vào một số khâu trong hoạt động của nhóm và tham gia đầy đủ vào tiến trình của nhóm. Việc tham gia đầy đủ của một thành viên trong nhóm thể hiện ở tất cả các khâu, giai đoạn của tiến trình, từ việc thành lập nhóm, xác định và đánh giá nhu cầu, lập kế hoạch, triển khai hoạt động nhóm và giám sát, đánh giá cũng như báo cáo. Chỉ khi nào có sự tham gia một cách đầy đủ thì ý kiến, ý tưởng, sự đóng góp của thành viên nhóm mới có sự tập trung và toàn diện.
+ Để có được sự tham gia đầy đủ của thành viên nhóm phải kể đến vai trò thúc đẩy trong nhóm. Nhóm thường có cơ cấu gồm ít nhất là một nhóm trưởng, thư ký và các thành viên. Cơ cấu này mang tính linh hoạt, vị trí lãnh đạo và vai trò của mỗi thành viên có thể hoán đổi cho nhau cũng tạo nên sự tham gia trong cơ cấu nhóm. Vai trò thúc đẩy trước hết là từ người nhóm trưởng. Nhóm trưởng phải đảm bảo rằng mỗi quyết định của nhóm đều xuất phát từ sự tham gia của toàn thể thành viên nhóm. Người thúc đẩy phải quan sát mức độ tham gia của các thành viên để động viên người ít tham gia hơn và kiểm soát sự tham gia quá mức của thành viên trong nhóm. Để làm được điều đó, người thúc đẩy cần có đầy đủ những kỹ năng làm việc có sự tham gia cũng như kỹ năng quản lý, điều hoà xung đột, mâu thuẫn trong nhóm. Việc thúc đẩy sẽ trở nên dễ dàng hơn và tạo sự tham gia cao hơn khi mỗi thành viên trong nhóm trở thành người đóng vai trò thúc đẩy. Khi nhóm đạt đến mức độ này thì sự chia sẻ trong nhóm rất cao, khả năng đạt được mục tiêu rất lớn.
2.5. Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ không lời
2.5.1. Mục đích
Ngôn ngữ không lời là một yếu tố không thể thiếu trong giao tiếp hàng ngày. Người ta không chỉ chuyển thông tin qua nội dung lời nói, mà còn qua cả âm điệu, âm lượng giọng nói, cũng như những biểu hiện trên nét mặt và điệu bộ của cơ thể. Đôi khi ngôn ngữ không lời còn đáng tin cậy hơn là những nội dung thể hiện qua lời nói.Việc sử dụng thành thạo ngôn ngữ không lời sẽ góp phần giúp người làm công tác xã hội tiếp cận đối tượng thành công. Những cử chỉ, biểu hiện nét mặt phù hợp sẽ khuyến khích đối tượng chia sẻ thông tin. Một giọng nói tự tin với âm điệu phù hợp sẽ gây sự dễ chịu cho người tiếp xúc. Đối tượng sẽ tin tưởng hơn vào năng lực của người làm công tác xã hội khi họ sử dụng ngôn ngữ không lời trong tiếp xúc. Albert Meharabian cho rằng, trong khi lời nói chỉ giúp chiếm được 7% lòng tin của người nghe, thì giọng nói có thể chiếm được 38% và cử chỉ điệu bộ sẽ giúp người nói chiếm được 55% lòng tin này.
2.5.2. Giao tiếp bằng ngôn ngữ không lời
Khi giao tiếp không lời với đối tượng, người làm công tác xã hội chú trọng vào ánh mắt, giọng nói, nét mặt, đôi bàn tay, tư thế đứng, ngồi, di chuyển và cả trang phục.
- Giao tiếp bằng mắt. Sử dụng thành thạo kỹ năng quan sát và hãy nhìn vào đối tượng khi tiếp xúc.
- Về giọng nói. Nói rõ ràng, đủ âm tiết với tốc độ vừa phải, sử dụng âm lượng trung bình. Nếu thuyết trình hay phải trả lời những câu hỏi dài, hãy dừng lại sau một số ý. Cần có sự thay đổi ngữ điệu, nhấn mạnh ở những điểm chính và tránh gây buồn ngủ cũng như cần dừng lại một chút sau những điểm quan trọng để đối tượng có thời gian hiểu được ý mình vừa trình bày.
- Nét mặt. Người giao tiếp nên tạo nét mặt thay đổi thích hợp với từng lời nói, cử chỉ và từng loại đối tượng khác nhau. Hãy mỉm cười, đặc biệt khi bắt đầu cuộc chuyện trò và cố gắng giữ nét mặt vừa phải, tập trung trong những tình huống khó. Tránh những nét mặt cau có, lạnh lùng, đăm chiêu gây khó chịu.
- Đôi bàn tay. Mở rộng hai bàn tay và các ngón tay khi bắt đầu nói để tỏ ra tự tin và tôn trọng người nghe. Để ngửa lòng bàn tay và khép các ngón tay khi làm các động tác minh hoạ. Thả lỏng hai vai và hai tay để tạo ra các động tác lịch thiệp và tự tin. Tránh lặp đi lặp lại nhiều lần một động tác. Không nên chỉ tay kiểu ra lệnh hoặc chỉ trích. Luôn kiểm soát được các động tác tay, tránh những việc thừa như xoay bút, búng ngón tay, hay xóc chìa khoá… Không cho tay vào túi quần khi đứng trước tập thể, nhóm đối tượng. Tránh vuốt tóc, gãi đầu, vuốt mặt, lau kính, sửa lại quần áo, trừ khi thật cần thiết.
- Tư thế đứng, ngồi, di chuyển
+ Đứng thẳng lưng, đầu ngẩng vừa phải để có tầm mắt bao quát lớn. Hai tay ở phía trước, không chắp tay sau lưng. Chân đứng thẳng với độ mở nhiều nhất bằng vai.
+ Ngồi phải hướng về phía trước, không tựa lưng vào ghế khi giao tiếp (xem các biểu hiện của sự hứng thú ở kỹ năng quan sát).
+ Nếu phải trình bày một vấn đề trước nhóm, hoặc một tập thể, không nên đứng sau bàn hoặc một vật cản nào đó, hãy thể hiện sự cởi mở của người trình bày. Không đứng yên một chỗ nhưng cũng không nên rảo bước khắp phòng. Việc di chuyển nên có mục đích nhất định, ví dụ để lôi kéo sự chú ý của một người hay một nhóm, hoặc để khuyến khích một ai đó tham gia vào nội dung trình bày.
- Trang phục của người làm công tác xã hội. Quần áo chỉnh tề, màu sắc hài hoà, đơn giản không làm phân tán sự chú ý của đối tượng; phù hợp đối tượng và phong tục tập quá của địa phương. Cần lưu ý về trang phục khi làm người làm công tác xã hội tiếp xúc với các đối tượng thiệt thòi đặc biệt như người có HIV, người tàn tật... là không nên mặc đồng phục. Vì đồng phục sẽ dẫn đến sự phản cảm. Ví dụ: Khi tiếp xúc với người có HIV, người làm công tác xã hội mặc đồng phục của tổ chức mình, khi nhìn vào là biết đây là những người làm về HIV, thì liệu người có HIV có sẵn sàng để tiếp xúc. Mặt khác, việc một người có đồng phục như thế đến gặp đối tượng thì những người bên ngoài nhìn vào sẽ có cái nhìn định kiến rằng người được tiếp xúc có thể là người có HIV. Điều này vô hình chung khiến cho quyền giữ bí mật về tình trạng sức khỏe đã bị xâm phạm.
2.6. Kỹ năng phỏng vấn (vấn đàm)
2.6.1. Mục đích
Chúng ta sử dụng rất nhiều câu hỏi trong cuộc sống hàng ngày. Phỏng vấn là để tìm hiểu thế giới xung quanh, điều này thì các bậc cha mẹ của một em bé hai tuổi biết rất rõ. Phỏng vấn rất cần trong việc trao đổi thông tin và tất cả chúng ta đều có kỹ năng phỏng vấn ở mức độ nào đó. Mục đích phỏng vấn là hướng dẫn đối tượng phân tích một vấn đề; giúp/gợi mở để đối tượng nhìn thấy thêm các hướng phân tích; hướng dẫn họ rút ra kết luận, liên hệ hoạt động với thực tiễn cuộc sống; thách thức các quan điểm, kiến thức hiện tại; khuyến khích đối tượng tìm hiểu, tham gia vào hoạt động; thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm của họ, nhớ lại những hoạt động đã tham gia và họ hiểu gì về chúng; thu hút sự chú ý và tạo sự vận động, năng động suy nghĩ của đối tượng...
2.6.2. Phân loại và đặc điểm
- Phỏng vấn được thực hiện bởi những câu nghi vấn/câu hỏi. Câu hỏi được phân thành hai loại chính là câu hỏi mở và câu hỏi đóng. Các câu hỏi mở thường đòi hỏi tính kích thích, thử thách và thường được bắt đầu bằng các từ để hỏi như: Cái gì? Tại sao? Khi nào? Như thế nào? Ở đâu? Do đâu? Ở mức độ nào? Câu hỏi đóng thường giới hạn
-chỉ yêu cầu trả lời có hoặc không hoặc trả lời rất ngắn. So với câu hỏi mở, các câu hỏi đóng cho câu trả lời nhanh nhưng không cung cấp nhiều thông tin như câu hỏi mở. Câu hỏi đóng được sử dụng khi người trả lời cần đưa ra quyết định của mình. Câu hỏi mở được sử dụng khi cần trao đổi thông tin giữa những người trả lời.Về cấp độ, câu hỏi được chia thành ba cấp độ gồm: câu hỏi gợi nhớ/nhớ lại; câu hỏi phân tích, đánh giá; và câu hỏi ứng dụng.
- Đặc điểm của câu hỏi tốt. Câu hỏi tốt là câu hỏi ngắn gọn, ý hỏi rõ ràng, mỗi câu chỉ có một ý hỏi, dùng từ ngữ phù hợp. Khi chuẩn bị câu hỏi, tránh những câu hỏi dài với nhiều lời giải thích. Không nên đưa ra nhiều ý hỏi cùng một lúc khiến người được hỏi không biết bắt đầu trả lời từ đâu. Từ ngữ được dùng để hỏi phải thực sự phù hợp với vốn từ, trình độ, kinh nghiệm của người nghe và chủ đề được đề cập đến.
2.6.3. Những việc nên làm để phỏng vấn hiệu quả
- Khi chuẩn bị câu hỏi, nên sử dụng ngôn ngữ đơn giản, viết câu hỏi ra giấy và tự hỏi mình trước để sửa câu hỏi (nếu cần).
- Sắp xếp câu hỏi nên bắt đầu bằng những câu hỏi đóng, dễ trả lời. Sau đó mới tiếp tục bằng những câu hỏi mở, câu hỏi rộng hơn. Để phù hợp với tâm lý và tiến trình tư duy của đối tượng, người phỏng vấn thường hỏi những câu hỏi gợi nhớ trước, tiếp đến là câu hỏi phân tích, xử lý và cuối cùng là câu hỏi ứng dụng.
2.6.4. Lưu ý khi phỏng vấn
Sau khi đặt câu hỏi, điều quan trọng nhất cần làm là lắng nghe câu trả lời của đối tượng và có hành vi đáp trả phù hợp. Khi đối tượng không trả lời câu hỏi, trước hết nên bình tỉnh, không căng thẳng. Sau đó, có thể đặt câu hỏi dưới dạng khác hoặc bằng những từ, ngữ khác; dùng phương tiện hỗ trợ phỏng vấn để làm rõ câu hỏi rồi hỏi lại; làm rõ khái niệm hoặc hỏi người khác (nếu phỏng vấn nhóm). Nếu đối tượng từ chối trả lời câu hỏi thì cần phải tôn trọng điều đó. Hãy sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ, đặc biệt là nét mặt để khích lệ và đáp lại những câu trả lời của đối tượng.
2.7. Kỹ năng phát hiện và chống kỳ thị
2.7.1. Khái niệm về kỳ thị
Tìm hiểu về kỳ thị có ý nghĩa rất quan trọng đối với người làm công tác xã hội, nhất là khi làm việc với các đối tượng thiệt thòi. Kỳ thị là gán nhãn cho một người, coi họ thấp kém hơn bởi một thuộc tính nào đó mà họ có.
2.7.2. Nhận diện kỳ thị
- Kỳ thị có ba loại: Tự kỳ thị là việc tự căm ghét, xấu hổ, phê phán bản thân mình. Người tự kỳ thị cảm thấy đang bị người khác xét đoán vì thế họ cô lập bản thân. Những người thiệt thòi, nhất là người bị khuyết tật hay người có HIV thường tự tách mình ra khỏi gia đình và cộng đồng. Kỳ thị cảm nhận thể hiện nhận thức, cảm giác của người kỳ thị đối với người thiệt thòi, đối tượng. Ở mức độ cao hơn, kỳ thị hoặc phân biệt đối xử thể hiện qua thái độ, hành động của người kỳ thị.
- Kỳ thị được xem là một tiến trình. Ban đầu là việc chỉ ra hay gán nhãn cho sự khác biệt của đối tượng với bản thân người làm công tác xã hội. Tiếp đến, coi những khác biệt đó là xuất phát từ những hành vi tiêu cực hoặc sẽ có những hành vi tiêu cực. Điều này sẽ dẫn đến sự phân biệt giữa người làm công tác xã hội với đối tượng mà họ làm việc với. Cuối cùng là sự mất dần vị thế và rơi vào sự phân biệt, đối xử. Kết quả của tiến trình kỳ thị là chúng ta không có được sự tôn trọng cần thiết và xa lánh đối tượng
.- Các dạng thức của sự kỳ thị. Kỳ thị có thể biểu hiện thông qua các hành vi (của người kỳ thị hoặc người bị kỳ thị). Đó là việc đặc biệt hiệu, chỉ trỏ, trêu chọc, gán nhãn, trách cứ, xấu hổ, phê phán, nói xấu sau lưng, đồn đại, bàn tán, thờ ơ, cô lập; loại trừ khỏi các hoạt động của gia đình và cộng đồng, không ăn chung, không đụng chạm, không tôn trọng. Người kỳ thị sẽ tránh xa, che dấu, làm ngơ, chê trách, khinh bỉ dè chừng đối với người bị kỳ thị. Riêng đối với người tự kỳ thị, họ thường tự lên án mình. Đối với kỳ thị theo nhóm sẽ dẫn đến cả gia đình và bạn bè cũng bị ảnh hưởng bởi sự kỳ thị. Sự kỳ thị cũng có thể xuất phát từ vẻ bề ngoài, diện mạo của đối tượng.
- Nguyên nhân dẫn đến kỳ thị chủ yếu xuất phát từ quan niệm đạo đức và các chuẩn mực xã hội; sự sợ hãi; giới và nghèo đói; kiến thức về đối tượng và vấn đề mà họ đang gặp phải. Thiếu kiến thức dẫn tới sự lo sợ đối tượng sẽ mang tai ươn đến cho mình. Gán tình trạng của đối tượng với những tệ nạn; xem đối tượng là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nghèo đói có thể đưa con người đến sự kỳ thị, nhiều phụ nữ vì nghèo đói buộc phải bán dâm. Người nghèo không được nuôi dưỡng tốt, bị kỳ thị bởi vẻ ngoài; không thể che giấu tình trạng khiếm khuyết của họ.
2.7.3. Chống kỳ thị
Theo nguyên tắc về quyền con người, mọi người đều có quyền được đối xử công bằng, không phân biệt màu da, giới tính, trình độ hiểu biết, dân tộc, tình trạng sức khoẻ… Khi làm việc với đối tượng thiệt thòi, sự kỳ thị là trở lực đẩy người làm công tác xã hội ra khỏi mục tiêu cần đạt được. Chính vì vậy, người làm công tác xã hội cần có kỹ năng chống kỳ thị.Chống kỳ thị trước phải có kiến thức đầy đủ về đối tượng và vấn đề mà họ gặp phải. Sự thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến kỳ thị. Tuy nhiên, hiểu biết thực tế chỉ là một nửa của vấn đề. Ví dụ về kỳ thị đối với HIV/AIDS: Mọi người có thể hiểu biết các thông điệp cơ bản về HIV/AIDS, nhưng thường lại không tin vào các thông điệp đó. Hiểu biết của mọi người về HIV và AIDS thường là những kiến thức rỗng-chỉ là những thông tin mà họ tiếp nhận nhưng không nắm được rõ ràng. Họ biết đến chúng như các khẩu hiện hay nguyên tắc thông thường như: Bạn không mắc AIDS qua bắt tay nhưng họ không thực sự hiểu về điều đó. Ross Kidd và Sue Clay (2005) cho rằng, Kiến thức sáo rỗng không thể khiến mọi người bớt lo sợ bị lây nhiễm qua các tiếp xúc thông thường. Con người không muốn đánh cược cuộc sống của mình vào một phần kiến thức sáo rỗng không được kiểm chứng, khiến họ khó lòng tin được. Để hiểu biết đầy đủ, mọi người cần được so sánh, kiểm tra và đặt câu hỏi về thông tin mà họ được nghe bằng chính trải nghiệm của bản thân.

Không có nhận xét nào: