25 tháng 2, 2008

Công tác xã hội với trẻ em và gia đình


Khái niệm “Công tác xã hội với trẻ em và gia đình”

Công tác xã hội với trẻ em và gia đình là một phần trong các lãnh vực chuyên biệt của ngành công tác xã hội với mục tiêu đem lại sự hỗ trợ cho trẻ em trong hoàn cảnh khó khăn, giúp bảo vệ trẻ em và gia đình và góp phần vào nền an sinh cho trẻ em và gia đình.

Công việc của Công tác xã hội là huy động các nguồn lực giúp đỡ gia đình thực hiện vai trò trong khả năng giới hạn của họ. Theo Beatrice Pompy, nhân viên xã hội có trách nhiệm xác định những rối loạn của trẻ, của cha mẹ, đánh giá cho được khả năng và hạn chế của họ và qua đó, nhân viên xã hội phải làm việc bằng các giác quan, trực giác, bằng quan sát cá nhân, với sự hiểu biết và kinh nghiệm trong quá trình nghề nghiệp, về nhận thức vấn đề. Nhân viên xã hội khi can thiệp giúp đỡ trẻ em và gia đình trẻ có vấn đề thường mang theo những quá khứ thời thơ ấu xa xưa của mình , tình cảm, cảm xúc riêng tư của mình bên cạnh những kỹ năng chuyên nghiệp. Vì thế mà công tác xã hội với nói chung và công tác xã hội với trẻ em và gia đình nói riêng là một công tác vô cùng khó khăn, một công tác đòi hỏi phải luôn được đào tạo mỗi khi tiếp xúc với đối tượng.

1. Công tác xã hội với trẻ em
Công tác xã hội với trẻ em bao gồm những nội dung như sau :
- Các chức năng của công tác xã hội và các nhu cầu đặc biệt của trẻ em : trị liệu, hỗ trợ, phục hồi, bảo vệ liên quan đến trẻ em có nhu cầu đặc biệt.
- Các lãnh vực thực thi công tác xã hội với trẻ : cộng đồng, trường học, bệnh viện, các cơ sở xã hội.
- Các vai trò của nhân viên xã hội trong công tác xã hội với trẻ em
2. Công tác xã hội với gia đình
Công tác xã hội với trẻ em được thực thi trong bối cảnh gia đình, môi trường sống toàn diện của trẻ, do đó công tác xã hội với gia đình gắn bó chặt chẻ với các vấn đề của trẻ em:
- Thực hành công tác xã hội lấy gia đình làm trọng tâm : con người trong bối cảnh toàn diện ( môi trường sống ).
- Công tác xã hội trước các vấn đề của gia đình : Gia đình đơn thân, gia đình bạo lực, gia đình tội phạm, gia đình lạm dụng trẻ em..
- Các vai trò của nhân viên xã hội trong các dịch vụ gia đình.
- An sinh nhi đồng và gia đình.


1. Tìm hiểu trẻ em và gia đình của trẻ

Muốn có sự hiểu biết về tình trạng của trẻ, nhân viên xã hội cần phải vãng gia để khảo sát môi trường sống của trẻ và cha mẹ. Những vấn đề mà nhân viên xã hội cần quan tâm trong bối cảnh gia đình thông qua các mối quan hệ ví dụ như :

- Cha - mẹ : Sự không hài lòng của họ về trẻ, những bất hòa trong các quyết định, những khó khăn trong quan hệ vợ chồng..
- Cha mẹ - đứa trẻ : Cách giải quyết những khó khăn, thất vọng vì trẻ vô tích sự..
- Trẻ em – Cha mẹ : Trẻ oán giận vì bị xem lúc nào cũng là trẻ con, những than phiền vì những bất công..
- Trẻ - trẻ : Sự kình địch giữa anh chị em ruột, ganh tị nhau.

Thân chủ của nhân viên xã hội có thể là một trong những người này - một đứa trẻ từ chối đi học, cha hoặc mẹ tức giận hoặc buông xuôi hoặc tất cả các thành viên gia đình cảm thấy buồn bã. Nhân viên xã hội có thể tìm hiểu ở khu xóm, tại trường học hoặc ở các tổ chức trong cộng đồng. Ai là thân chủ là một câu hỏi khó được trả lời.
Có nhân viên xã hội thích gặp tất cả các thành viên trong gia đình khi phỏng vấn, có người thích gặp cha mẹ trước với hoặc không có sự hiện diện của trẻ. Tiến trình tìm hiểu là một tiến trình quan sát, hỏi và lắng nghe. Để khám phá “cái gì”, nhân viên xã hội cần có những kỹ năng quan sát, đặt câu hỏi và lắng nghe khi tiếp cận gia đình. Cuộc gặp gỡ này là một mối quan hệ tương tác, một tiến trình của gia đình đi tìm sự can thiệp hoặc sự hỗ trợ và nghiệp vụ chuyên môn nhằm làm rõ vấn đề.
Hilton Davis (1985) đã đưa ra ba mô hình trong một quyển sách về trẻ em với những nhu cầu đặc biệt : mô hình chuyên gia, mô hình khách hàng và mô hình ghép :

· Theo mô hình chuyên gia, nhà chuyên môn tự cho mình là trên hết do mình là chuyên gia, có trách nhiệm và phải có quyết định. Thân chủ tương đối thụ động, cần lời khuyên và thực hiện theo lời phán của chuyên gia.
· Theo mô hình khách hàng, thân chủ có quyền chọn lựa cái gì họ tin là phù hợp với các nhu cầu của họ, nhà chuyên môn chỉ vai trò tư vấn.
· Theo mô hình ghép hay còn được gọi là mô hình đối tác, nhà chuyên môn có tự xem mình là chuyên gia, nhưng có chia sẻ, trao đổi với phụ huynh và với những nhà bán hoặc không chuyên nghiệp khác để họ có thể đứng ra làm trung gian hoặc tạo thuận lợi cho trị liệu đứa trẻ hay cha mẹ đứa trẻ.

Không có mô hình nào phù hợp cho mọi vấn đề. Điều quan trọng là nhà chuyên môn phải biết sứ mệnh của mình là gì. Để giúp nhân viên xã hội khám phá vấn đề của trẻ em và gia đình chúng thì nên hướng vào các câu hỏi sau đây:

· Tôi có gặp gia đình chưa ?
· Tôi có nhìn trẻ trong bối cảnh của gia đình của nó không?
· Tôi có trao đổi hai chiều thường xuyên với gia đình không?
· Tôi có tôn trọng giá trị của gia đình không?
· Tôi có cảm nhận là gia đình có những mặt mạnh để giúp trẻ không?
· Tôi có nhận diện được các khả năng và tài nguyên của gia đình không?
· Tôi có hành động một cách trung thực nhất không?
· Tôi có cho họ nhiều lựa chọn để thực hiện điều gì đó không?
· Tôi có lắng nghe họ không?
· Tôi có nhận diện được các mục tiêu của họ không?
· Tôi có thương lượng với họ không?
· Tôi có điều chỉnh để có kết luận chung không?
· Tôi có cho rằng họ có trách nhiệm về những gì tôi làm cho con cái của họ?
· Tôi có cho rằng tôi phải cần có sự kính trọng của họ không?
· Tôi có tin tưởng là họ có thể thay đổi?
· Tôi có cố gắng nhận diện cách nhìn của họ đối với con cái của họ không?

Phần nhiều câu trả lời “có” là theo mô hình khách hàng, còn trả lời “không” là theo mô hình chuyên gai. Mô hình mà nhân viên xã hội chọn không phải chỉ do cơ quan mà nhân viên xã hội làm việc, do thân chủ đi tìm kiếm sự hỗ trợ ở cơ quan mà còn do quan điểm của bạn về con người. Cách nhân viên xã hội phân tích vấn đề và đạt ra các giải pháp phản ánh niềm tin của nhân viên xã hội về gia đình, các vấn đề của nó và mặt mạnh của nó thúc đẩy sự phát triển và thay đổi.

2. Tiếp cận vấn đề : làm việc với trẻ, thiết lập các nguyên tắc làm việc
3. Vãng gia
· Tìm hiểu môi trường sống
· Làm việc với cha mẹ
4. Phân tích vấn đề
· Điều gì đang xảy ra ?
· Tại sao nó xảy ra ?
· Điều gì sẽ xảy ra tiếp ?
5. Hỗ trợ tình cảm
6. Chuẩn bị/trao đổi với các đồng nghiệp, chuyên gia để có sự thống nhất trong phương hướng giải quyết vấn đề
7. Hiểu được ước muốn và cảm xúc của trẻ

Đối với trẻ em, trong công tác xã hội nhóm, một hình thức môi trường giúp trẻ thay đổi là chơi. Cần phân biệt chơi trong khuôn khổ và chơi không theo khuôn khổ. Chơi không theo khuôn khổ là một phương tiện truyền thông và tự bộc lộ. Nó được dùng cho các nhóm của mọi lứa tuổi, liên quan đến các nhu cầu của cá nhân và liên quan đến những người mà họ có quan hệ ở một thời điểm nhất định. Garvey (1977) nêu 5 tiêu chí để xác định trò chơi không theo khuôn khổ :

· Chơi vui, hoặc có giá trị tích cực cho người chơi
· Được thúc đẩy từ bên trong, không có mục đích bên ngoài hoặc hành động bắt buộc nào.
· Nó xuất phát một cách tự nhiên, không bị ép buộc
· Nó đòi hỏi sự tham gia tích cực bởi người chơi
· Nó có một mối quan hệ nhất định với cái “không chơi” trong thế giới thực.

Các đặc tính của việc chơi không theo khuôn khổ :

Chơi được dùng bởi người lớn để hiểu trẻ em theo 3 phương cách (Garbarino Stott, 1992) :

· Tìm hiểu mức độ phát triển và năng lực của trẻ, bao gồm phát triển nhận thức, xã hội và thể chất.
· Thu thập thông tin về cuộc sống tinh thần của trẻ - có khái niệm về trẻ cảm nhận như thế nào.
· Chơi giúp trao đổi về những trải nghiệm lo lắng

Những hoạt động bao gồm trò chơi, thi đua, kể chuyện, sắm vai, tâm kịch đều được xem là chơi theo khuôn khổ. Nhân viên xã hội sử dụng các hoạt động này để các thành viên và nhóm đạt được mục tiêu của họ, nó thường xem như là một chương trình hoạt động đã định, giúp họ “học hỏi các quy định của trò chơi”, giúp họ dịch chuyển xa hơn, tạo ra những khám phá mới, phát triển sự sáng tạo.

Thông thường, nhân viên xã hội hỗ trợ nhóm lựa chọn và sử dụng các hoạt động. Vai trò của tác viên bao gồm nhiều công việc như chọn một hoạt dộng, lên kế hoạch, khởi đầu, dạy (trường hợp nhó trẻ), hỗ trợ, điều chỉnh, điều quan trọng là tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong nhóm và các hoạt động phải là những cơ hội khen thưởng để các nhóm viên phàn ứng một cách tích cực. Trong những trường hợp khác, nhân viên xã hội cần giúp trẻ vượt qua những hoạt động mới mẻ, chưa quen thuộc, để tập dần sự thích thú trong những gì trẻ đang làm. Trong lúc vẽ tranh hoặc lúc nặn đất sét, nhân viên xã hội thường cùng tham gia, tạo cho trẻ nhiều cơ hội tự thể hiện một cách thoải mái mà không có cảm giác là mình đang bị giám sát bời nhân viên xã hội. Vai trò của nhân viên xã hội là tạo sự ham muốn tham gia hoặc thúc đẩy người khác trở nên dấn thân hơn. Tuy nhiên đôi lúc nhân viên xã hội cũng cần kiểm soát hoặc hạn chế bớt những hành vi thái quá, trường hợp có mâu thuẫn, có nghĩa là nhân viên xã hội được phép can thiệp khi trẻ có nhu cầu.

2. Các bước tìm hiểu trẻ em và gia đình

2.1. Phỏng vấn trẻ

Phỏng vấn là một phương pháp chủ yếu để có thể tiếp cận các vấn đề của cha mẹ và của trẻ. Trước khi thâm nhập vào các vấn đề riêng tư của gia đình, bạn cần phải trả lới một cách rõ ràng nhiều câu hỏi được đặt ra:
· Tôi có quyền và được sự chấp thuận của gia đình chưa để tiến hành cuộc phỏng vấn? Vấn đề khó khăn là nhân viên xã hội thường đội hai “nón” được gọi là “chăm sóc” và “kiểm soát” và những sự can thiệp, viếng thăm không dược mong đợi như vậy thường ít được chào đón nhất là trong những trường như trẻ bị lạm dụng tình dục…
· Các mục tiêu của tôi là gì ? ( Tôi muốn tìm hiểu cái gì?)
· Ai tôi cần gặp để tôi đạt được các mục tiêu của tôi ? (Tất cả các thành viên trong gia đình ? Chỉ gặp người cha thôi ? Chỉ gặp riêng đứa trẻ? với anh chị em của trẻ ?)
· Tôi nói chuyện với ai trước? Người mẹ? Cả cha mẹ ? Có sự hiện diện của trẻ hay không?
· Tôi bắt đầu như thế nào?
· Làm thế nào để tôi bảo đảm là họ an tâm về tính riêng tư của vấn đề của họ?
· Cách nào tốt nhất để gợi ra những thông tin xác thật? Thông tin nào là xác thật?
· Làm thế nào để giúp họ không nói lạc đề hoặc lẫn tránh vấn đề chính yếu?
· Làm thế nào tôi kết thúc cuộc phỏng vấn giúp họ yên tâm và không làm cho họ lo sợ ?

Nhân viên xã hội cần lưu ý là phỏng vấn trẻ em đòi hỏi kỹ năng truyền thông, sự kiên nhẫn và tôn trọng trẻ. Trẻ nhỏ tuổi thường có giới hạn trong diễn đạt suy nghĩ của mình, mối lo sợ, tâm trạng thất vọng và những mối nghi ngờ.

2.2. Tiến trình khảo sát vấn đề

Giai đoạn 1 : Bối cảnh ban đầu

Bước 1 : Duy trì mối quan hệ làm việc hiệu quả
(a) Giải thích bạn là ai và bạn mong đợi gì
(b) Thiết lập mối quan hệ thân thiện, chuyên nghiệp (ví dụ làm việc có hệ thống)

Bước 2 : Giúp thân chủ cơ hội trình bày vấn để như họ nhận thấy
(Những câu hỏi này có thể phù hợp và hỏi trực tiếp trẻ)
(a) Bắt đầu bằng một câu hỏi mở : “Hãy cho tôi biết điều làm em
bận tâm?”
(b) Tóm lược ở khoảng cách câu chuyện mà không cắt ngang
lời nói của thân chủ :” Có thể chúng ta ngưng một lát để xem tôi
có hiểu đầy đủ những gì em nói không? Tôi muốn chắc là tôi hiểu
đúng. Như tôi hiểu là em đang quan tâm đến…Cần dành thời gian cần thiết cho thân chủ tự trình bày. Một số câu hỏi bổ sung có ích cho bước này : “Điều gì tốt lành trong tình hình hiện nay mà em đang quan tâm có liên quan đến……..(trẻ nói)? ; Nó giúp cho cuộc sống gia đình như thế nào? Có ai khác thể hiện mối quan về………..? Có ai cho đó là không đáng quan tâm không?”

Bước 3: Bắt đầu xác định rõ vấn đề
(a) Hỏi về những ví dụ gần nhất minh họa cho vấn đề: “Có thể cho tôi biết chi tiết điều gì đã xảy ra để tôi có thể nhìn rõ vấn đề? Điều gì dẫn đến sự đối kháng,hoặc vấn đề? Ai nói gì với ai? Làm làm gì đối với ai? Với những hậu quả gì? Thông thường sự cố kết thúc như thế nào? Việc sử dụng sắm vai có thể giúp ích rất nhiều.
(b) Tìm hiểu khi nào, thường như thế nào, với cường độ ra sao, trong tình huống riêng biệt nào (ai, nơi chốn, hoàn cảnh) và các vấn đề xảy đến.
(c) Khám phá những chi tiết xung quanh vấn đề. “Xảy ra bao lâu?”.
(d) “ Có cố gắng khắc phục nó như thế nào ? kết quả ra sao ?”
(e) “Có ai giúp vượt qua vấn đề không? Có ai cản trở không ?
(f) “Có lẻ em có vài ý kiến như tại sao nó lại xảy ra?

Bước 4 : Tìm hiểu hướng giải quyết mong muốn
“Tôi xin đưa ra một vài câu hỏi để giúp chúng ta làm rõ về những
gì mà chúng ta sẽ cùng làm việc. Nếu cần thiết, khi các thành viên khác trong gia đình có liên quan thì chúng ta sẽ cần tham khảo ý kiến của họ.

Bước 5 : Nhận diện chân dung vấn đề
Ghi nhận những lời than phiền và hướng mong muốn giải quyết
của các thành viên trong gia đình.

Bước 6 : Phân tích cho thân chủ suy nghĩ về những diễn biến hành vi
Phân tích theo công thức : A - B - C
Công việc này sẽ giúp chúng ta hiểu một số ảnh hưởng có ý nghĩa làm bùng nổ và duy trì mối tương tác không vui trong gia đình, cung cấp cho thân chủ một số dữ liệu thu thập thông tin và sắp xếp việc nhà.
A ( sự kiện tác động trước, Antecedent event )
B ( Hành vi phản ứng do vấn đề gạy ra – Behavior)
C ( Hậu quả xảy ra sau sự kiện – Consequence)

Bước 7 : Thiết lập các ưu tiên của vấn đề

Hỏi thân chủ cho biết mối quan tâm lớn nhất của họ là gì,
Các ưu tiên cần thực hiện để thay đổi. Thứ tự công việc có thể bị ảnh hưởng bởi những quan tâm đối với vấn đề :
- Mức độ phiền muộn
- Múc độ nguy hiểm
- Sự liên can đến đời sống gia đình hoặc từng cá nhân thành viên
- Khả năng cải thiện, thay đổi, can thiệp
- Tần số xảy ra sự kiện
- Cái giá của sự thay đổi dựa trên tài nguyên (tiền bạc, thời gian..)
- Mức độ chấp nhận của hướng giải quyết mong muốn
- Kỹ năng, tài nguyên của nhân viên xã hội, cơ quan cung cấp dịch vụ giúp đỡ.

Giai đoạn II : Khảo sát bổ sung

Bước 8 : Lập biểu đồ thế hệ
Cùng với các thành viên gia đình xây dựng biểu đồ thế hệ với các
thông tin chi tiết về vai trò và vấn đề trong cuộc sống gia đình của
từng thành viên.
Trong cuộc sống gia đình, cần chú ý các vấn đề sau :
Sự gắn kết : phản ảnh mối quan hệ trao đổi tình cảm gắn bó giữa
các thành viên và tính độc lập của cá nhân.
Các ranh giới : mô tà các thành tố thuộc hệ thống gia đình và các
thành tố thuộc môi trường, được xác định bởi các quy tắc của vai trò cá nhân. Các ranh giới có thể rõ ràng (các quy tắc đễ nhận biết và chấp nhận), không rõ ràng(mâu thuẫn, lộn xộn, thiếu vững chắc hoặc thiếu vắng), hoặc khắt khe (cứng nhắc, không thích nghi).
Sự thích nghi : cho biết một gia đình có thể thay đổi các vai trò và mối quan hệ của mình để thích nghi với ảnh hưởng của sự thay đổi.
Sự hài hòa : Các tiểu hệ thống hài hòa với hệ thống gia đình và hệ thống gia đình hài hòa với môi trường. Duy trì sự hài hoà giúp đương đầu với sự thay đổi và lo lắng, để được như vậy hệ thống phải mở.
Mở : Các thành viên trong gia đình có nhiều phương tiện để trao đổi với bên ngoài
Đóng : Rất ít trao đổi với bên ngoài
Phản hồi : Tiến trình qua đó gia đình có khả năng nhận biết và quản lý được sự tiến bộ của mình và biết điều chỉnh khi cần thiết trong việc hoàn thành mục tiêu của gia đình.

Những mâu thuẫn trong gia đình thường do những yếu tố:

- Sự hỗn độn trong tổ chức gia đình : thiếu sự tổ chức làm cho việc quản lý sự thay đổi rất khó khăn
- Tổ chức cứng nhắc làm triệt tiêu sự thay đổi khi cần có sự thay đổi hoặc có những phản ứng không phù hợp khi có sự cố.
- Khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình quá lớn đưa đến sự cô lập về tình cảm và sức khỏe kém
- Sự gần gũi quá mức đưa đến việc mất đi tính cá biệt hóa
- Thiếu khả năng giải quyết mâu thuẫn và quyết định
- Thiếu khả năng liên kết giữa cha mẹ trong giải quyết vấn đè
- Sự liên minh giữa các thế hệ (nội hoặc ngoại) trong đối phó với vấn đề
- Thiếu giao tiếp giữa các thành viên
- Thiếu sự đáp ứng cho nhau về mặt cảm nhận

Bước 9 : Khảo sát các kỹ năng của thân chủ (động cơ, tài nguyên)
Các kỹ năng làm cha mẹ :

Tôi và con tôi
Tôi và những người quan trọng khác
Các kỹ năng tôi cần để quan hệ hiệu quả với con tôi
Các kỹ năng tôi cần để quan hệ hiệu quả với những người khác ( ví dụ như hôn phối, giáo viên, bạn bè..) có liên quan đến con tôi
· Làm thế nào để truyền thông rõ ràng
· Lắng nghe cẩn thận như thế nào để hiểu
· Phát triển mối quan hệ của tôi như thế nào
· Làm thế nào để giúp đỡ, chăm sóc và bảo vệ mà không quá đáng
· Răn dạy và duy trì kỷ luật như thế nào
· Làm thế nào để chứng tỏ và nhận lòng yêu thương
· Làm thế nào để quản lý và giải quyết mâu thuẫn
· Cho và nhận phản hồi như thế nào
· Làm thế nào để duy trì sự cân đối giữa các thái cực (ví như yêu thương mà không chiếm hữu)
· Làm thế nào để thương lượng thỏa hiệp
· Đặt ra những giới hạn hợp lý như thế nào

· Làm thế nào để khách quan đối với người khác
· Làm thế nào để không ích kỷ
· Làm thế nào để quyết đoán mà không lấn áp và gia trưởng
· Làm thế nào để ảnh hưởng đến những người quan trọng và các hệ thống (ví như trường học)
· Làm thế nào để làm việc qua nhóm (nhóm phụ huynh)
· Làm thế nào để bày tỏ cảm nhận của mình một cách rõ ràng và xây dựng
· Làm thế nào để truyền tự tin và sức mạnh nơi người khác
· Làm thế nào để nhìn nhận bạn của con tôi theo cách nhìn của con tôi.

Bước 10 (a): Hỏi thân chủ của bạn (cha, mẹ) về mục tiêu của họ đối với con cái ( tham vọng, kế hoạch)

Bước 10 (b) : Hỏi thân chủ của bạn (cha, mẹ) về mục tiêu cho chính họ

Giai đoạn III:Thu thập thông tin ở những tình huống nhất định, qua quan sát trực tiếp, phỏng vấn để có thể đánh giá sự thay đổi có được trước và sau khi can thiệp.

2.3. Lên kế hoạch cho sự can thiệp

GIAI ĐOẠN I : Lên Kế hoạch

Bước 1 : Xem xét những giải pháp không chính thức và/hoặc trực tiếp

Trước khi bắt đầu sự can thiệp chính thức, chúng ta cần có những cuộc tiếp cận không chính thức lẫn trực tiếp như :

- Tham khảo kết quả khám bệnh, ví dụ như lắng nghe vấn đề sa sút của trẻ được xem là không vâng lời, có nhiều khó khăn
- Thay đổi thói quen giờ ngủ của trẻ
- Tách riêng hai trẻ phá nhau trong lớp học
- Giao thêm trách nhiệm cho trẻ

Bước 2 : Liệt kê các mặt mạnh và các hành động tích cực của thân chủ

Bước 3 : Tìm hiểu những mong đợi của những người xung quanh thân chủ
Trong trường hợp họ có những phiền hà thì họ có thể đóng vai trò nào đó trong kế hoạch hỗ trợ thân chủ.

Bước 4 (a) : Bắt đầu những vấn đề có nhiều khả năng thay đổi thành công.
(b) : Chọn lãnh vực thay đổi phù hợp với cá nhân ; Sau khi thay đổi, những hành vi mới cần được khuyến khích và duy trì.

Bước 5 : Chọn cách can thiệp ( với những phương pháp riêng biệt). Một khi phương pháp đã được chọn lựa, cần giám sát sự tiến bộ của thân chủ.

Bước 6 : Giám sát sự tiến bộ của thân chủ
Chọn một phương pháp đo lường hoặc khảo sát hành vi liên quan đến vấn đề.

GIAI ĐOẠN II : Thực hiện

Bước 7 : Thực hiện sự can thiệp

Xem xét những gì xảy ra ở giai đoạn sớm để bảo đảm chương trình được theo dõi tốt và giải quyết được những gì không tiên liệu phát sinh. Cần tiếp xúc với cha mẹ trong 2-3 ngày của tuần đầu tiên.

Bước 8 : Đánh giá sự can thiệp

Từ những dữ liệu thu thập được về hành vi mục tiêu hoặc các thông tin khách quan khác, có thể điều chỉnh hoặc thay đổi sự can thiệp

Mẫu theo dõi diễn biến hành vi giữa người mẹ và trẻ

Thăm viếng số…….. Báo cáo :……………..Tên thân chủ :…………………

Hành vi của trẻ Thường xuyên thỉnh thoảng Không bao giờ

1. Chơi thoải mái
2. Cười
3. Chạy
4. Nói chuyện thoải mái
5. Đáp ứng với sự quan tâm
6. Nhờ sự giúp đỡ
7. ……
8. …..

Hành vi của người mẹ

1. Nói chuyện với trẻ
2. Nhìn trẻ
3. Cười với trẻ
4. Hôn trẻ
5. Vuốt ve trẻ
6. Giúp trẻ khi trẻ có khó khăn
7. Trả lời khi trẻ hỏi
8. Quan tâm đến trẻ
9. …….
10. ……


Bước 9 : Giai đoạn cuối hoặc chấm dứt trị liệu

Quyết định chấm dứt trị liệu tùy thuộc vào thân chủ, tùy vào các mục tiêu đã được xác định lúc đầu trị liệu. Những mục tiêu mới có thể phát sinh trong thời gian trị liệu.

GIAI ĐOẠN III : Theo dõi

Bước 10 : Thực hiện một bài tập theo dõi
Các câu hỏi sau đây có ích trong cuộc phỏng vấn bán cấu trúc :
· Khi nào chương trình chấm dứt?..
· .....có thể mô tả tình hình với X ra sao?
· Các hành vi mục tiêu là gí?
· Hành vi cũ có trở lại không? Khi nào? Ở đâu? thường xuyên không?
· ….có thể mô tả mối quan hệ với X ra sao?
· …có còn lo lắng về X nữa không?
· ….có nghĩ là chương trình tiến triển tốt/không tốt?
· Cha của X có thay đổi thái độ với X hay không?
· …..

Bước 11 : Đánh giá về sự phát triển

Bước 12 : Tạo điều kiện để có sự tham gia của trẻ và gia đình.

3. Các nguyên tắc hành động trong công tác xã hội với trẻ em và gia đình

Phần lớn các nguyên tắc áp dụng cho phương pháp công tác xã hội có hiệu quả đối với người lớn cũng áp dụng với trẻ em. Thấu cảm, nồng nhiệt, thành thật được cho là có hiệu quả trong mối quan hệ giúp đỡ trẻ em. Thấu cảm thật sự đòi hỏi nhân viên xã hội nhìn và hiểu đứa trẻ như là một cá nhân trong bối cảnh của riêng em và cố gắng tiếp cận quan điểm của trẻ. Đừng bao giờ tự cho mình đã hiểu trẻ trước chưa biết gì về trẻ.

1.1. Luôn luôn lấy trẻ làm trọng tâm :

Nhân viên xã hội luôn quan tâm đến trẻ trong mọi giai đoạn và mọi bước của công việc ( trẻ cảm thấy như thế nào và có thể bị ảnh hưởng như thế nào ). Nhân viên xã hội buộc phải tôn trọng đứa trẻ như một con người, quan tâm đến nhu cầu của đứa trẻ liên quan đến tuổi tác, dân tộc, tôn giáo, giới tính, khuyết tật…Dù hoàn cảnh nào đi nữa, nhân viên xã hội cũng cần phải tỏ ra tôn trọng và quan tâm đến gia đình ruột hoặc người nuôi hộ của đứa trẻ.

1.2. Cố gắng hiểu thế giới của trẻ :

Nhân viên xã hội đảm bảo rằng toàn bộ bối cảnh của trẻ sẽ cho mình biết cách làm việc với trẻ. Phải hiểu được ước muốn và cảm xúc từ chính đứa trẻ. Trẻ cần được hiểu và được cung cấp thông tin về những gì xảy ra đối với trẻ. Vấn đề là khám phá được cái nhìn của trẻ về những sự kiện ảnh hưởng đến trẻ, cái gì gây ra sự đau buồn và nguy hại nơi trẻ, những tác động ngầm của tổn thương tình cảm hay tâm lý. Nhân viên xã hội cần hình thành mối quan hệ tin tưởng, làm việc phải đúng giờ, làm những gì mình đã nói là sẽ làm hoặc giải thích vì sao không thể làm được.

3.3. Làm việc với trẻ thành công phải có sự tham gia tích cực của trẻ và của gia đình trẻ.

Nhân viên xã hội cần phải tham khảo ý kiến với đứa trẻ trước khi có quyết định vì trẻ có quyền biết và có quyền trình bày quan điểm của mình.Trẻ cần được giải thích để hiểu rõ về những quyết định khác nhau và mặc dù quan điểm của trẻ được lắng nghe, nhưng nếu quan điểm về một ý muốn nào đó có nguy cơ nghiêm trọng đối với trẻ hoặc người khác thì sẽ bị bác bỏ. Trẻ có thể tham gia trực tiếp qua các cuộc thảo luận hay vui chơi với nhân viên xã hội.

Sự tham gia tốt của gia đình càng giúp cho làm việc với được thành công hơn. Điều quan trọng là không nên làm suy yếu đi vai trò của cha mẹ để không làm đe dọa vị trí của trẻ trong gia đình.

Theo chuẩn thực hành về sự tham gia của trẻ em, sự tham gia của trẻ em là cách lối cuốn mọi trẻ em, gồm cả trẻ em có những khả năng khác nhau và trẻ em có nguy cơ tham gia một cách tự nguyện và có cơ sở vào bất kỳ vấn đề nào có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới các em. Sự tham gia của trẻ em có giá trị xuyên suốt mọi chương trình và diễn ra mọi nơi, từ các hộ gia đình cho tới mọi cấp.

Tổng quan chuẩn thực hành về sự tham gia của trẻ em :

· Một cách tiếp cận có đạo đức : Trung thực và minh bạch. Nhân viên người lớn cần có cam kết thực hiện các hoạt động có đạo đức (cân bằng về quyền lực và vị thế giữa người lớn và trẻ em) về sự tham gia của trẻ em và trước hết là vì lợi ích tốt nhất của trẻ.
· Sự tham gia của trẻ em là phù hợp và tự nguyện. Trẻ em tham gia vào những vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến các em và các em có quyền lựa chọn có nên tham gia hay không?

· Một môi trường thân thiện, khuyến khích sự tham gia. Trẻ em được an toàn, được chào đón và được khuyến khích tham gia.

· Cơ hội bình đẳng. Sự tham gia của trẻ em cần tránh không để có phân biệt đối xử hoặc loại trừ

· Nhân viên làm việc hiệu quả và tự tin. Nhân viên người lớn thực hiện các hoạt động có sự tham gia của trẻ em phải được đào tạo chuyên môn để có thể làm việc hiệu quả nhất.

· Sự tham gia thúc đẩy sự an toàn và bảo vệ đối với trẻ em. Các chính sách và nguyên tắc bảo vệ trẻ em là một phần không thể thiếu trong công tác có sự tham gia của trẻ.

· Đảm bảo có theo dõi đánh giá. Tôn trọng sự tham gia của trẻ em cũng có nghĩa là phải thực hiện các hoạt động phản hồi, đáp ứng hoặc đánh giá chất lượng ảnh hưởng của sự tham gia đó.

3.4. Bí mật cần được đảm bảo vì lợi ích tốt nhất cho trẻ.

Điều quan trọng là nhân viên xã hội phải nhìn đứa trẻ như chính nó, trong một môi trường mà nó cảm thấy thoải mái. Nhân viên xã hội không thể cung cấp những thông tin bí mật mang tính riêng cho những người không cần biết và nếu nhận thấy cần chia sẻ với người cần thiết thì tiến trình này phải được bàn với đứa trẻ.

3. 5. Nhân viên xã hội phải luôn luôn sẵn sàng

Điều cần thiết là khi đứa trẻ biết cách tìm đến nhân viên xã hội thì nhân viên xã hội phải luôn đáp ứng ngay tức khắc.
ThS Nguyễn Ngọc Lâm

Không có nhận xét nào: