4 tháng 2, 2008

Nhân viên làm công tác xã hội


Nhân viên làm công tác xã hội
22/08/2007 09:23:08
T.S Bùi Thị Chớm, Phó Trưởng khoa CTXH, trường ĐH LĐXH
* Những “bác sĩ xã hội” Trong mỗi thời kỳ phát triển của xã hội loài người, ở mỗi chế độ luôn tồn tại sự khác nhau về trình độ phát triển, về mức sống giữa các thành viên, các nhóm xã hội.
Có những cá nhân và nhóm xã hội do nhiều lý do khác nhau, ít hoặc không có điều kiện và cơ hội để tiếp cận các nguồn và lợi ích. Những người này sẽ gặp những khó khăn trong cuộc sống, trở thành những người thiệt thòi, yếu thế, dễ bị tổn thương và thường không có khả năng hoặc thiếu nguồn hỗ trợ để đáp ứng các nhu cầu của bản thân.

Bên cạnh đó, trong mỗi xã hội, dù ít hay nhiều lại luôn có những người quan tâm giúp đỡ người khác, cảm thông sẵn sàng đáp ứng với những khó khăn, nhu cầu của người khác. Những người này là tiền thân của nhân viên làm công tác xã hội hay nhân viên xã hội thời kỳ hiện đại.

Theo Từ điển Công tác xã hội (1995): "Công tác xã hội là một khoa học xã hội ứng dụng, nhằm giúp con người hoạt động có hiệu quả về mặt tâm lý xã hội và tạo ra những thay đổi trong xã hội để đem lại sự an sinh cao nhất cho con người ".

Như vậy, người làm công tác xã hội ngày nay không đơn giản chỉ là những người bỏ công tham gia vào các hoạt động trợ giúp về mặt vật chất thông thường mà họ là những nhà khoa học, với những phương pháp và cách thức riêng, tác động đến đối tượng là những cá nhân, gia đình và cộng đồng yếm thế, nhằm giúp họ nâng cao năng lực, tự giải quyết những vấn đề khó khăn nảy sinh trong cuộc sống và trong quá trình tương tác giữa bản thân họ với môi trường. Từ đó, các nhân viên xã hội giúp họ vượt qua khó khăn hiện tại để phục hồi hay tăng cường chức năng xã hội, đem lại sự an sinh cao nhất cho họ và sự tiến bộ, công bằng xã hội. Nhân viên xã hội còn được mệnh danh là những “bác sĩ xã hội” sẽ giúp cá nhân, nhóm, tập thể và cộng đồng gặp khó khăn bằng việc khơi dậy tiềm năng của bản thân, tìm ra những giải pháp và nguồn lực, giúp họ vượt khó và hòa nhập cộng đồng. Nói một cách “dân dã” là “cho người ta cần câu, đừng giúp họ xâu cá”. Và ở các nhân viên làm công tác xã hội, đòi hỏi phải có những năng lực và kỹ năng đặc biệt. Thông thường họ phải là những nhà xã hội học, chuyên gia tâm lý, nhà kinh tế... có đầy đủ các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết làm vai trò của một “bác sĩ xã hội”.

* Người làm từ thiện – những nhân viên xã hội tiềm năng

Ở nước ta, do một số đặc điểm riêng về kinh tế, xã hội, văn hoá nên những người làm công tác xã hội cũng có những ưu điểm và hạn chế riêng. Chẳng hạn như các hoạt động tương thân, tương ái trên tinh thần "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", "Lá lành đùm lá rách"... của Nhà nước và cộng đồng xã hội nhằm chăm sóc người có công với nước, giúp đỡ người gặp hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói, bất hạnh, thiệt thòi, yếu thế... xuất hiện từ rất sớm. Không những vậy, còn tiếp tục được gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. Nó phản ánh những giá trị văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của nhân dân ta; đồng thời phản ánh những tính chất đặc trưng về "Công tác xã hội" ở nước ta. Đó là một hình thái công tác xã hội có xuất phát điểm và khởi đầu từ các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Các nhân viên xã hội của ta cũng hầu hết từ lĩnh vực từ thiện mà ra. Qua nhiều thế hệ, bằng việc không ngừng tích luỹ kinh nghiệm thực tế, các nhân viên hoạt động trong lĩnh vực từ thiện đã có những bước tiến triển mới trở thành những nhân viên xã hội tiềm năng. Họ không chỉ tập trung vào các hoạt động cứu trợ đột xuất, thăm hỏi, tặng quà nhân các dịp lễ, tết... mang tính đơn lẻ, tức thời mà đã tổ chức thành những chương trình mang tính chiến lược nhằm nâng cao năng lực cho đối tượng mà họ hướng tới.

Điều này thể hiện rõ trong hoạt động của đội ngũ cán bộ, nhân viên của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi 15 năm qua. Những hoạt động ban đầu của tổ chức Hội như: vận động Quỹ, tổ chức cứu trợ, thăm hỏi tặng quà… Đến nay, Hội đã dần tổ chức được những chương trình hoạt động mang tính chiến lược, lâu dài nhằm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của hai nhóm đối tượng người khuyết tật và trẻ mồ côi. Đó là các chương trình: phục hồi chức năng; dạy nghề tạo việc làm; chương trình mang lại ánh sáng cho người mù nghèo; chương trình tặng xe lăn cho người khuyết tật vận động...

Những chương trình này đã tập trung giải quyết được ba nhu cầu thiết yếu đối với người khuyết tật về kinh tế, nâng cao năng lực cá nhân và hoà nhập về mặt xã hội. Chính vì vậy, đã góp phần đưa hoạt động từ thiện xã hội của Hội nâng lên một tầm cao mới và những cán bộ, nhân viên của Hội ngày càng trở thành những người hoạt động xã hội hiệu quả.

Tuy nhiên, nhìn rộng ra xã hội hiện nay, có thể thấy các yếu tố tác động của thiên tai, của chiến tranh và những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế đã tồn tại và phát sinh nhiều vấn đề bức xúc cần giải quyết như: nghèo đói, nạn nhân chiến tranh, tệ nạn xã hội, người nhiễm HIV/AIDS, trẻ mồ côi, người già cô đơn, người khuyết tật... Bên cạnh đó, nhiều bi kịch cuộc sống cá nhân, gia đình do hậu quả của việc bạo hành trong gia đình, bất bình đẳng giới... vẫn đang tồn tại. Những vấn đề xã hội nêu trên đang đặt ra yêu cầu phải có đội ngũ những nhân viên xã hội của nước ta ngày càng chuyên nghiệp, có kỹ năng và kinh nghiệm.

* Quan tâm đến công tác đào tạo nhân viên xã hội

Để có được những nhân viên xã hội thực sự chuyên nghiệp, công tác đào tạo mới và nâng cao năng lực cho các nhân viên xã hội cần được Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội quân tâm. Trong đó, việc đào tạo lại hoặc đào tạo mới cho những cán bộ, nhân viên đã và đang hoạt động trong các lĩnh vực từ thiện cũng cần được chú trọng để hiệu quả của công tác này được nâng cao hơn nữa.

Nhận thức được điều này, từ những năm 1990, các khóa tập huấn ngắn hạn và các chương trình đào tạo công tác xã hội chính thức xuất hiện ở nước ta. Cho đến tháng 10/2004, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành mã số đào tạo cho Công tác xã hội như một ngành học ở cấp cao đẳng và đại học. Theo thống kê hiện có 25 trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên ngành công tác xã hội. Trong đó, trường mở sớm nhất là Đại học Công đoàn. Tuy nhiên phải đến năm 2008 ở nước ta mới có thể cho "ra lò" khóa cử nhân đầu tiên. So với sự phát triển chung của thế giới và khu vực, việc đào tạo nên đội ngũ nhân viên xã hội chuyên nghiệp ở nước ta tuy khá muộn mằn nhưng dẫu sao nó cũng là dấu hiệu vui hứa hẹn một nền công tác xã hội nhiều triển vọng.

Cũng ý thức được tầm quan trọng của việc chuyên nghiệp hoá đội ngũ cán bộ, nhân viên trong tổ chức Hội, trong năm 2006 và năm 2007, thông qua dự án “Nâng cao năng lực cán bộ địa phương”, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã tổ chức 2 khoá tập huấn cho cán bộ các tỉnh Hà Tây và Sơn La về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sau tập huấn, lực lượng này đã trở thành những nhân viên xã hội “nguồn” để giúp Hội triển khai hoạt động trợ giúp, tìm ra những nhu cầu bức xúc của các em và hướng giải quyết, khắc phục.

Có thể nói rằng, những nhân viên xã hội không đơn thuần giải quyết các vấn đề xã hội mà còn góp phần giải quyết vấn đề kinh tế, mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội, cho đối tượng thông qua phương pháp nghiệp vụ chuyên môn. Cuộc chiến chống nghèo đói, hiểm hoạ ma tuý, đại dịch HIV/AIDS, thảm hoạ của thiên tai, bất bình đẳng xã hội... và việc giải quyết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội đều liên quan đến công tác xã hội và các nhân viên xã hội. Chính vì vậy Nhà nước và các tổ chức xã hội cần có nhận thức đúng đắn về vấn đề này để có sự đầu tư tương xứng.

Vân Nhi (Tc Người Bảo trợ)

Không có nhận xét nào: