31 tháng 3, 2008

Học cách Tư duy tích cực


Học cách Tư duy tích cực

CENTEA xin giới thiệu bài viết về một kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống, đó là: Tư duy tích cực. Tư duy tích cực sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cuộc sống và công việc của chúng ta. Thầy Cô và các bạn muốn tìm hiểu và luyện tập kỹ năng này? Bài viết bên dưới được dành tặng riêng cho Thầy Cô và các bạn.

1. Tư duy tích cực là gì?

Tinh thần và thể xác luôn là hai thứ song hành cùng nhau để giúp chúng ta sống và làm việc, vui chơi và giải trí, nói chung là giúp chúng ta tồn tại trong thế giới này. Bạn biết rằng để có một cơ thể khỏe mạnh, ta phải ăn và uống, chính xác hơn, ta phải ăn và uống những thứ bổ dưỡng cho cơ thể. Do đó thực phẩm bổ dưỡng là thức ăn cần thiết cho cơ thể ta. Vậy còn tinh thần của chúng ta, thì cần “thực phẩm bổ dưỡng” gì?

Đó chính là những “suy nghĩ tích cực”.

Vậy suy nghĩ hay tư duy tích cực là gì? Có thể hiểu một cách ngắn gọn về tư duy tích cực như sau:

Một đầu óc tích cực luôn đề cập đến sự vui sướng, hạnh phúc, lành mạnh và kết quả thành công trong mọi tình huống, mọi hành động.
(A positive mind anticipates happiness, joy, health and a successful outcome of every situation and action).

2. Tại sao phải tư duy tích cực?

Trên thế giới, người ta thường nói:

You are what you think. You feel what you want.

Tạm dịch: Bạn là cái bạn nghĩ. Bạn cảm thấy cái bạn muốn

Câu trên mang ý nghĩa rằng: những suy nghĩ bên trong (inner thoughts) của bạn sẽ điều khiển bạn trở nên cái bạn mong muốn.

- Nếu bạn nghĩ rằng bạn là một người bất tài, vô dụng thì quả thật bạn sẽ ngày càng trở nên bất tài và vô dụng.
- Nếu bạn cảm thấy rằng cơn bệnh cúm bạn đang mắc phải là hết sức nặng nề và mệt mỏi, bạn sẽ ngày càng mệt mỏi và suy sụp với cơn cảm cúm này.
- Nếu bạn thấy rằng ông Hiệu trưởng của trường bạn thật khó ưa và đáng ghét thì mỗi lần gặp mặt vị Hiệu trưởng đó, chỉ càng làm bạn thấy muốn bệnh hơn.

Cuộc sống hàng ngày của mỗi người luôn bị điều khiển bởi các suy nghĩ nội tại dù chúng ta có ý thức hay không có ý thức về điều đó. Do đó, từ những suy nghĩ nội tại, những quan điểm cá nhân khác nhau, sẽ dẫn đến các kết quả khác nhau:

- Có người luôn vui vẻ và năng động, nhưng cũng có người luôn mệt mỏi và buồn chán.
- Có người cảm thấy việc học hỏi là thú vị, nhưng cũng có người thấy việc học hành là một hình phạt ngạt thở.
- Có người cảm thấy thất bại thật đáng giá vì đem lại nhiều bài học, nhưng cũng có người cảm thấy thất bại là kết thúc mọi thứ.

Do đó, hãy tự hỏi chính bản thân bạn rằng: bạn muốn sống cuộc đời như thế nào? Buồn chán và ảm đạm? Vui vẻ và lành mạnh? Ngập trong stress? Luôn cáu kỉnh và bực bội? Bạn hãy quyết định cho cuộc đời mình.

Theo nhiều nghiên cứu, suy nghĩ tích cực đem lại cho bạn rất nhiều ích lợi:
- Đạt được các mục tiêu bạn đặt ra và đạt được sự thành công trong cuộc sống.
- Đạt được thành công nhanh hơn và dễ hơn.
- Vui vẻ hơn.
- Nhiều năng lượng sống hơn.
- Sức mạnh nội tại của bạn sẽ ngày càng mạnh hơn.
- Có khả năng thôi thúc và truyền cảm hứng cho bạn và những người xung quanh.
- Khả năng vượt quá khó khăn và stress trong công việc và cuộc sống sẽ được nâng cao.
- Ngày càng tự tin vào bản thân hơn.
- Cuộc sống sẽ mỉm cười và trao tặng cho bạn nhiều cơ hội hơn.
- Những người xung quanh sẽ ngày càng tôn trọng bạn hơn.
- Những người có suy nghĩ tích cực thường là những người thành công trong những hoàn cảnh bình thường, và chính họ cũng thường là những người còn sống sót trong những tình huống khó khăn, nguy hiểm của cuộc sống.

Bạn sẽ hỏi CENTEA: Được rồi, tôi biết tất cả những điều trên rồi, vậy tôi muốn suy nghĩ tích cực thì phải làm sao? Xin mời bạn qua phần thứ 3 của bài viết này.

3. Làm thế nào để tư duy tích cực?

Như phần trên đã đề cập, chính suy nghĩ nội tâm của bạn đã điều khiển cuộc đời bạn. Do đó, điều trước tiên bạn cần làm để trở thành một người có tư duy tích cực là thay đổi những suy nghĩ bên trong của bạn. Hãy tận dụng mọi cơ hội để biến các suy nghĩ tiêu cực trở thành các suy nghĩ tích cực.

Trước tiên, bạn có thể làm quen với mô hình 3C (Commitment, Control and Challenge – Cam kết, Quản lý và Thử thách)

Cam kết: đặt ra một cam kết tích cực cho bản thân bạn, cho việc học hành của bạn, cho công việc của bạn hoặc cho bất cứ việc gì khác và hãy thực hiện việc đó một cách nhiệt tình và say mê.

Ví dụ:
- Tôi sẽ tập thể dục vào mỗi sáng để tăng cường sức khỏe cho mình.
- Tôi sẽ học cách dùng PowerPoint cho bài giảng của tôi vào học kỳ này.
- Tôi sẽ quan tâm và giúp đỡ ít nhất một học sinh trong lớp trong năm học này.
- Tôi quyết tâm dành một ít thời gian đọc truyện cho cô con gái nhỏ của mình trước khi con đi ngủ.

Quản lý: luôn tập trung đầu óc của bạn vào những việc quan trọng và có ý nghĩa. Đưa ra các mục tiêu và tính ưu tiên cho mỗi việc bạn nghĩ và làm. Hãy luôn thành thật với bản thân, kiểm tra xem bạn đã làm được gì và chưa làm được gì trong các mục tiêu đã đề ra.
Luôn giữ đầu óc hướng đến các suy nghĩ tích cực, mỗi khi phát hiện các suy nghĩ tiêu cực đang bắt đầu xâm chiếm đầu óc mình, hãy nhanh chóng thay thế chúng bằng các suy nghĩ tích cực.
Do đó, hãy luôn theo sát sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn.

Thử thách: Hãy can đảm thay đổi những thói quen, suy nghĩ tiêu cực của mình mỗi ngày. Hãy tập cách nhìn việc học và những sự thay đổi là các cơ hội cho bạn. Hãy thử làm điều khác điều mình vẫn làm thường ngày, hãy nhìn ra nhiều lựa chọn khác nhau cho mỗi sự việc.

Ví dụ:
- Đi từ công sở về nhà bằng một con đường khác, đi bộ thay vì đi thang máy.
- Thay vì đưa thẳng em học sinh nghịch ngợm trong lớp đến giám thị như mọi hôm, hãy kêu em lại nói chuyện sau giờ học.
- Thay vì luôn tránh xa máy vi tính vì thấy nó phức tạp hay rắc rối, hãy nhờ một đồng nghiệp chỉ mình cách bật máy tính lên, chỉ mình cách dùng chuột và bàn phím máy tính.

Bạn càng nhận ra rằng đứng trước một sự kiện, một con người, bạn càng có nhiều “góc nhìn” thì bạn sẽ càng thoải mái hơn và có nhiều “lựa chọn” để quyết định hơn. Và hãy nhớ, luôn lựa chọn mặt tích cực của vấn đề.



Bên cạnh mô hình 3C, bạn còn có thể tham khảo một số lời khuyên sau:

- Học cách thúc đẩy và khuyến khích bản thân.
- Học cách phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề, các kỹ năng sáng tạo.
- Học cách thư giãn và tự thưởng công cho mình.
- Xem các bộ phim hay và có yếu tố tích cực, nghe các bài nhạc vui vẻ, thưởng thức những bức ảnh đẹp.
- Trao đổi nhiều hơn với người khác.
- Hãy kết giao với những người có suy nghĩ tích cực và tránh xa những người luôn có những suy nghĩ tiêu cực và u ám.
- Hãy luôn mỉm cười, nhiệt tình và dễ mến.
- Hãy luôn nhìn vào mặt tích cực của một vấn đề. (Hình ảnh nữa ly nước gợi cho bạn về suy nghĩ: Ly nước đã vơi đi một nữa hay ly nước chỉ mới đầy một nữa? Cơn cảm cúm này là một thứ đáng ghét hay nó là cơ hội để bạn thư giãn và nghỉ ngơi?)
- Luôn tìm ra ít nhất một điểm đáng học hỏi từ những đồng nghiệp xung quanh.
- Luôn tích cực làm việc hết mình, tránh để ứ đọng công việc từ ngày này sang ngày khác.
- Hãy tự tin vào bản thân mình trong công việc và cuộc sống.
- Nếu gặp khó khăn và không vượt qua được, hãy hỏi nhờ sự giúp đỡ từ những người giàu kinh nghiệm hơn.
- Cuối cùng hãy ghi nhớ câu: You are what you think. You feel what you want.

Hãy luôn mỉm cười, nhiệt tình và dễ mến.

CENTEA tin rằng bài viết trên đã phần nào phác họa những nét cơ bản về kỹ năng tư duy tích cực cũng như các cách thức để rèn luyện nó. Vấn đề tiếp theo là Thầy Cô và các bạn có muốn mình trở thành một người sở hữu kỹ năng tuyệt vời trên hay không. Hãy chiêm nghiệm bản thân và rèn luyện cho mình, những điều tốt đẹp hơn sẽ đến, đầy bất ngờ và dễ chịu.

Bên cạnh bài viết này, Bộ phận CENTEA Art cũng xin gửi tặng đến Thầy Cô và các bạn Bộ poster Tư duy tích cực, hãy dùng nó để động viên bản thân mình và học trò của mình.

Nguồn tham khảo:
www.successconsciousness.com
www.revolutionhealth.com
www.aarp.org

T.T.H. – www.giaovien.net

Giới thiệu kỹ thuật tư duy 5W1H



Giới thiệu kỹ thuật tư duy 5W1H
Để bắt đầu nghiên cứu, học hỏi hoặc viết về một vấn đề nào đó, chúng ta thường lúng túng vì không biết phải bắt đầu như thế nào, tiến hành ra làm sao, tại sao chúng ta phải làm điều này, nó có ích lợi gì hay không, …?

CENTEA đã từng giới thiệu đến Thầy Cô và các bạn những kỹ thuật tư duy như: 6 chiếc nón tư duy, kỹ thuật Bản đồ tư duy, nay chúng tôi lại tiếp tục gửi đến Thầy Cô và các bạn một kỹ thuật tư duy đơn giản và hiệu quả: công cụ 5W1H.

5W1H viết tắt từ các từ sau:

What? (Cái gì?)
Where? (Ở đâu?)
When? (Khi nào?)
Why? (Tại sao?)
How? (Như thế nào?)
Who? (Ai?)

Để trình bày một ý tưởng, tóm tắt một sự kiện, một cuốn sách hoặc bắt đầu nghiên cứu một vấn đề, chúng ta hãy tự đặt cho mình những câu hỏi sau:

WHAT? (Cái gì?)
- Cái đó là gì?
- Nó đề cập đến vấn đề gì?
- Kế tiếp sự kiện này, thì cái gì khác xảy ra? (What else)
- Cuốn sách này trình bày vấn đề gì?
- Bài học này trình bày vấn đề gì?
- E-learning là gì?
- Những câu hỏi phụ của vấn đề này là gì?...

WHERE (Ở đâu?)
- Vấn đề trình bày nằm trong lĩnh vực nào?
- Sự kiện lịch sử này xảy ra ở địa điểm nào?
- Vấn đề này còn liên quan đến các lĩnh vực nào khác?
- Loại thảo dược này thường được trồng ở đâu?
- Bài báo này đăng trên tạp chí nào?
- Tìm hiểu kiến thức về việc ứng dụng ICT trong dạy học ở đâu?
- Bài thuyết trình này sẽ được trình bày trong nhóm hay trước lớp?...

WHEN (Khi nào?)
- Sự kiện này xảy ra khi nào?
- Vấn đề này, trước đây đã có ai nghiên cứu chưa, khi nào?
- Khái niệm này bắt đầu xuất hiện khi nào?
- Khi nào thì cần ứng dụng ICT trong bài dạy?
- Khi nào thì mình sẽ trình bày bài thuyết trình này?
- Các bước nghiên cứu (đề tài tốt nghiệp, luận văn, tiểu luận, …) sẽ được thực hiện theo thời gian nào, hoặc phải kết thúc từng bước khi nào?...

WHY (Tại sao?)
- Tại sao phải nghiên cứu vấn đề này?
- Tại sao tác giả cuốn sách lại lựa chọn cách sắp xếp như thế này?
- Tại sao thí nghiệm này không diễn ra đúng như dự kiến? (Why not)
- Tại sao giáo viên truy cập nhiều vào website giaovien.net?
- Tại sao cuộc khởi nghĩa này nổ ra? Tại sao nó thất bại?
- Tại sao hồi nhỏ mình học trong trường thuộc loại khá giỏi mà bây giờ vẫn luôn chật vật về kinh tế?...

HOW (Như thế nào?)
- Chiếc máy này hoạt động như thế nào?
- Công việc này nên bắt đầu như thế nào?
- Dự án này sẽ tiêu tốn bao nhiêu? (How much)
- Các sự kiện và nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này được kết nối như thế nào?
- Sự kiện lịch sự này đã làm đối phương thiệt hại bao nhiêu quân trang, vũ khí và người? (How many)
- Phong cách của bài báo sắp tới nên như thế nào?

WHO (Ai?)
- Ai đã nghiên cứu vấn đề này?
- Ai phụ trách dự án này?
- Bài trình bày sắp tới dành cho đối tượng nào?
- Khi mình gặp khó khăn trong ứng dụng ICT, mình sẽ hỏi ai?
- Ai sẽ hưởng lợi khi dự án này được tiến hành? Còn ai khác không? (Who else)
- Ai là tác giả của cuốn sách đang làm dư luận xôn xao?
- Chính sách này của nhà nước hướng đến đối tượng nào?

Công cụ 5W1H thoạt nhìn rất đơn giản nhưng lại tỏ ra rất hiệu quả nếu chúng ta sử dụng nó đúng đắn, khéo léo và thông minh.

Ví dụ về việc sử dụng công cụ 5W1H trong thực tiễn

Tác giả T.T.H – một người làm việc cho CENTEA – cho biết đã sử dụng công cụ 5W1H để thực hiện bài viết thú vị “Học cách Tư duy tích cực”.

Sau đây là các phân tích của anh ta với công cụ 5W1H để thực hiện bài viết thú vị và hữu ích trên:

WHAT: Bài viết sẽ đề cập đến vấn đề gì?
- Bài viết đề cập đến kỹ năng tư duy tích cực, nêu lên được một phác thảo sơ lược: Tư duy tích cực là gì?
-> Sự ra đời của phần 1 của bài viết: Tư duy tích cực là gì?

WHERE: Bài viết sẽ được đăng tải ở đâu? Tài liệu tìm từ đâu?
- Bài viết sẽ được đăng tải trên website giaovien.net. Tài liệu được tìm kiếm trên mạng thông tin Internet (phần Nguồn tham khảo ở cuối bài viết)

WHEN: Khi nào bài viết được đăng?
- Sau khi bài viết đã được kiểm tra các lỗi chính tả bởi CENTEA và duyệt toàn bộ nội dung bài.

WHY: Tại sao phải thực hiện bài viết này? Tại sao phải tư duy tích cực?
- Vì mong muốn cung cấp đến cộng đồng giáo viên những kiến thức về các kỹ năng sống, mà tư duy tích cực là một trong những kỹ năng có vai trò quan trọng trong việc phòng tránh và giảm stress, cân bằng công việc và cuộc sống, phát triển sức mạnh tinh thần.

- Để trả lời câu hỏi “Tại sao phải tư duy tích cực?”, bài viết cần đưa ra các yếu tố thuyết phục người đọc về lợi ích của tư duy tích cực để thuyết phục họ về tầm quan trọng của kỹ năng này. -> Sự ra đời của phần 2 của bài viết: Tại sao phải tư duy tích cực?

HOW: Bài viết cần được thực hiện như thế nào? Muốn tư duy tích cực thì phải làm sao?
- Vì đối tượng nhắm đến của bài viết là những người không biết hoặc biết nhưng chưa nắm cụ thể và rõ ràng nó là gì? Do đó, bài viết cần được thực hiện với một văn phong lôi cuốn nhưng dễ hiểu, đơn giản và rõ ràng. Đồng thời, các ví dụ đưa ra phải ít nhiều dính dáng đến giáo viên.

- Để trả lời câu hỏi “Muốn tư duy tích cực thì phải làm sao?” thì cần đưa ra được các phương pháp thực hành, các lời khuyên để tham khảo. -> Sự ra đời của phần 3 của bài viết: Làm thế nào để tư duy tích cực?

WHO: Đối tượng của bài viết là ai? Ai viết bài này? Ai kiểm tra và duyệt nội dung?
- Đối tượng của bài viết là các Thầy Cô và các bạn muốn tìm hiểu về kỹ năng Tư duy tích cực. Có thể họ chưa biết hoặc có nghe qua cụm từ “Tư duy tích cực” nhưng không nắm hết các vấn đề, kỹ thuật liên quan.
- Người viết bài: chính là …tui đây.
- Ai duyệt bài? Ban quản trị của CENTEA.

Bên trên là những phác thảo của tác giả T.T.H để thực hiện bài viết “Học cách Tư duy tích cực”. Chúng ta thấy rằng, việc sử dụng công cụ này thật đơn giản nhưng rất hiệu quả.

Công cụ 5W1H còn có thể được sử dụng hiệu quả trong nhiều trường hợp khác như: thuyết trình, nghiên cứu khoa học, tóm tắt một cuốn sách, ghi nhớ một sự kiện,…5W1H cũng có thể sử dụng chung với Bản đồ tư duy để giải quyết nhiều vấn đề khác nhau trong giảng dạy, học tập, kinh doanh, đàm phán,…

Một chút thông tin về nguồn gốc của 5W1H

Khái niệm 5W1H được cho là có nguồn gốc từ bài thơ “The Elephant's Child” của Rudyard Kipling. Bài thơ này như sau:

I have six honest serving-men
They taught me all I knew
Their names are What and Where and When
And How and Why and Who.

Tạm dịch:

Tôi có 6 người đầy tớ trai trung thực
Họ đã dạy cho tôi biết mọi thứ
Tên của họ là What và Where và When
Và How và Why và Who.

CENTEA hy vọng bài viết đã đưa đến cho Thầy Cô và các bạn một công cụ mới, đơn giản nhưng đầy hiệu quả để giúp sức cho công việc của Thầy Cô và các bạn.
Hãy luôn giữ bên mình 6 người đầy tớ tận tụy và trung thành này.

+ Nguồn tham khảo: coe.jmu.edu

Tam Giang - www.giaovien.net

Emotional Intelligence - Thông Minh Xúc Cảm trong môi trường làm việc


Emotional Intelligence - Thông Minh Xúc Cảm trong môi trường làm việc
Thông minh xúc cảm (Emotional Intelleigene) được đo bởi Chỉ Số Xúc Cảm EQ - Emotional Quotient. EQ đo lường năng lực, khả năng hay kỹ năng của một người về việc cảm nhân, đánh giá, và quản lý xúc cảm của bản thân, của người khác hay của một nhóm người.

Việt là một học sinh giỏi và rất thông minh. Cậu ta luôn có điểm số cao trong hầu hết mọi môn và là người đứng đầu trong các kỳ thi. Tuy vậy tính của Việt tự cao và khó gần. Bạn bè nể Việt nhưng hấu như ít ai chơi với Việt thân thiết. Khi ra trường Việt có nhiều mời chào từ các công ty. Tuy nhiên kết quả các cuộc phỏng vấn không được khả quan. Cuối cùng cậu nhận được một công việc nhưng không vừa ý lắm. 7 năm sau kể từ khi ra trường Việt vẫn chưa làm đựơc những gì cậu mong muốn . Thêm vào đó cậu không có mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp trong công ty.

Trái với Việt, Hùng không phải là học sinh giỏi. Điểm số cậu chỉ thuộc dạng khá. Tuy nhiên với tính cách hòa đồng, hay quan tâm giúp đỡ người khác, và sự nổi trội trong những tình huống khó khăn, cậu rất được bàn bè quý mến và tin yêu. Khi ra trường cậu không có nhiều cơ hội phỏng vấn như Việt. Tuy vậy cậu đã vượt qua hầu hết các cuộc phỏng vần và chọn được công ty mình ưa thích. Hiện tại, với vị trí Truởng Phòng Kinh Doanh - được ban lãnh đạo tin cậy, đồng nghiệp và khách hàng quý mến, Hùng đang có một tương lai sán lạn trước mặt.




Trong cuộc sống chúng ta gặp rất nhiều những trường hợp như vậy. Tại sao những người ít thông minh hơn lại thành công hơn những người thông minh hơn mình. Có phải do họ may mắn, làm việc chăm chỉ, hay họ có những năng lực đặc biệt?

Trí Thông Minh (Intelligence) và Thông Minh Xúc Cảm (Emotional Intelligence)

Trí Thông Minh (Intelligence) được đo bởi IQ – Intelligence Quotient. IQ đo lường khả năng trí lực, năng lực học hỏi, khả năng hiểu và xử lý tình huống, năng lực suy nghĩ logic, phản biện, sự nhạy bén trong suy nghĩ… Trí thông minh có thể được đo tổng quát cho mọi lãnh vực, nhưng thường được đo theo từng lãnh vực cụ thể.

Thông minh xúc cảm (Emotional Intelleigene) được đo bởi Chỉ Số Xúc Cảm EQ - Emotional Quotient. EQ đo lường năng lực, khả năng hay kỹ năng của một người về việc cảm nhân, đánh giá, và quản lý xúc cảm của bản thân, của người khác hay của một nhóm người.

Chỉ số IQ trong một thời gian dài được dùng để tìm kiếm người tài vì người ta tin rằng người có IQ cao sẽ có xác suất thành công cao hơn người khác. Tuy vậy một số nghiên cứu nghiêm túc của các nhà khoa học nghiên cứu về EQ cho thấy rằng chỉ có 25% số người thành công là có chỉ số IQ cao (tương đối) hơn trung bình. Nghĩa là chỉ số IQ không giải thích được sự thành công vượt trội của 75% số người còn lại. Kết quả nghiên cứu cũng lọai nhân tố về năng lực chuyên môn ra. Cuối cùng những người nghiên cứu khẳng định rằng Thông Minh Xúc Cảm mới là nhân tố quyết định sự thành công trong cuộc sống và công việc của mỗi chúng ta.

Năng Lực Xúc Cảm trong môi trường làm việc.

Trong khi chỉ số thông minh IQ ít khi thay đổi theo thời gian, thì chỉ số thông minh xúc cảm có thể được “học” và thay đổi vào bất cứ giai đọan hay môi trường nào. Để thành công trong môi trường làm việc, Ông Daniel Goleman – người đựơc xem là nhà nghiên cứu hàng đầu về EQ hiện tại, đề xuất chúng ta phải có những năng lực xúc cảm cá nhân gồm: năng lực tự nhân biết bản thân, năng lực tự điều chỉnh, năng lực tạo động lực; và những năng lực thông minh xúc cảm xã hội gồm: năng lực thấu cảm với người khác và năng lực giao tiếp xã hội.

Năng Lực Tự Nhận Biết Bản Thân.

Năng lực Nhận Biết Cảm Xúc giúp chúng ta biết rõ cảm xúc hiện tại của mình và tại sao mình lại có cảm xúc đó. Nó còn giúp chúng ta nhận biết sự liên kết giữa cảm xúc và suy nghĩ, hành động của chúng ta. Quan trọng hơn, nó giúp chúng ta nhận biết vai trò quan trọng của cảm xúc đối với kết quả công việc của mình.

Năng lực Tự Đánh Giá Bản Thân giúp chúng ta biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình. Nó cũng giúp chúng luôn học hỏi và sẵn sàng mở lòng với những nhận xét thẳng thắn. Năng lực Tự Tin giúp chúng ta xuất hiện trước mọi người với một sự tư tin và tự khẳng định “Đây là tôi”. Nó giúp chúng ta cam đảm thể hiện những suy nghĩ chưa được chấp nhận, và dám “cô đơn” để theo đuổi cái đúng. Người có năng lực này quyết đóan và có khả năng đưa ra những quyết định hợp lý mặc cho sự không ổn định và những áp lực.

Năng Lực Tự Điều Chỉnh.

Năng Lực Tự Kiềm Chế giúp chúng ta kiềm giữ các cảm xúc có tính chất hấp hấp, bốc đồng của bản thân và giữ cho bình tĩnh, lạc quan ngay cả trong những khỏanh khắc khó chịu nhất.

Người có Năng lực Trung Thực luôn giữ một tiêu chuẩn về sự chân thật và tính liêm chính. Họ xây dựng được lòng tin đối với người khác qua sự đáng tin cậy và tính xác thực của bản thân. Họ can đảm chấp nhận lỗi của mình và sẵn sang đối đầu với những hành động không trung thực của người khác.

Người có Năng Lực Chịu Trách Nhiệm tự mình chịu trách nhiệm về kết quả làm việc của bản thân, và họ luôn giữ cam kết và lời hứa của mình.

Năng Lực Thích Nghi giúp chúng ta đáp ứng được những yêu cầu khác nhau, và linh họat trong việc giải quyết vấn đề với những sự thay đổi.

Năng lực Cách Tân là khả năng tìm kiếm những ý tưởng mới lạ có tính sáng tạo. Ngừơi có nănh lực cách tân sẵn sàng đổi mới và chấp nhận rủi ro, nếu có, của sự đổi mới.

Năng Lực Tạo Động Lực.

Những người có Năng Lực Phấn Đấu là những người xem kết quả là thước đo cuối cùng, họ luôn cố gắng phát triển bản thân và mong muốn vượt qua hay ít nhất đạt được những tiêu chuẩn hòan hảo.

Những ngừơi có Năng Lực Cam Kết tìm thấy mục tiêu của bản thân trong mục tiêu của tập thể. Họ luôn chú ý đến giá trị, mục tiêu của tổ chức trước khi ra quyết định.

Năng Lực Khởi Xướng giúp chúng ta luôn khởi xướng cho những cơ hội mới. Người có năng lực này có khả năng thúc đẩy đám đông thông qua những cố gắng táo bạo, mạnh mẽ của mình.

Người có Năng Lực Lạc Quan này luôn luôn cố gắng đạt mục tiêu của mình trong những hòan cảnh khó khăn, cản trở. Họ có khả năng chấp nhận những thất bại tạm thời và cố găng vượt qua nó thay vì đầu hàng hay than thân trách phận.

Năng Lực Thấu Cảm. Điều lý thú đó là, để thấu cảm với người khác, chúng ta phải có năng lực nhận biết bản thân mình trước. Hiểu mình, hiểu những cảm xúc bên trong của mình đó là điều kiện cần để có thể hiếu và thấu cảm với người khác.

Người có Năng Lực Thấu Hiểu Người Khác cảm nhận, dự đóan được cảm xúc và hòan cảnh của người khác và có khả năng bày tỏ sự quan tâm của mình một cách chủ động đối với người khác.

Năng Lực Phát Triển Người Khác là năng lực ghi nhận điểm mạnh và những thành quả đạt được của người khác. Người có năng lực này cảm nhân được nhu cầu phát triển bản thân của người khác và sẵn sàng kèm cặp, hỗ trợ cho họ.

Năng Lực Hướng Về Phục Vụ là năng lực dự đóan, nhân biết nhu cầu của khách hàng và đồng nghiệp – khách hàng nội bộ, và từ đó tìm cách đáp ứng và cao hơn nữa là nâng cao sự hõa mãn của khách hàng.

Người có Năng Lực Hòa Nhập Với Tập Thể Đa Dạng tôn trong sự đa dạng của tập thể gồm nhiều người hòan tòan khác nhau. Họ có thể hòa nhập vào đó và từ đó tạo ra được sức mạnh từ sự đa dạng.

Năng Lực Nhận Biết “Chính Trị Nội Bộ” giúp chúng ta cảm nhận khá chính xác được những mối quan hệ của quyền lực và hiểu được những gì ảnh huởng đến quan điểm và hành động của đồng nghiệp, khách hàng.

Năng Lực Giao Tiếp Xã Hội.

Người có Năng Lực Ảnh Hưởng có khả năng thuyết phục và tạo ảnh hưởng lên người khác. Họ có khả năng xây dựng đựoc sự ủng hộ, hỗ trợ của người khác.

Năng Lực Truyền Đạt Thông Tin giúp cho chúng ta khả năng lắng nghe và truyền đạt ý nghĩ của mình một cách hiệu quả, và khả năng tạo môi trường mở để mọi người thể hiện ý nghĩ, truyền đạt thông tin.

Người có Năng Lực Quản Lý Sự Xung Đột có khả năng “xử lý” những tình huống căng thẳng hay những người quá khó khăn, một cách êm đẹp. Họ có khả năng thương thuyết và giải quyết những mối bất hòa, và đưa ra giải pháp hai bên cùng thắng.

Người có Năng Lực Lãnh Đạo có khả năng tạo cảm hứng cho mọi người tin và hướng theo một tầm nhìn, một mục tiêu chung. Bất chấp vị trí của mình, cao hay thấp, họ sẵn sàng tiến lên để nhận lãnh trách nhiệm. Cao hơn hết họ không nói suông. Họ lãnh đạo, tạo ảnh huởng lên người khác bắng chính những hành động của mình.

Năng Lực Tạo Sự Thay Đổi là năng lực nhận biết sự cần thiết của thay đổi và vì thế hỗ trỡ cho sự thay đổi xảy ra nhanh hơn. Không chỉ hưởng ứng thích nghi với sự thay đổi, người coi năng lực này còn là tác nhân chủ động tạo ra những sự thay đổi để đưa tổ chức tiến về phía trước.

Người có Năng Lực Hợp Tác Với Người Khác cân bằng giữa sự tập trung vào công việc và tập trung vào mối quan hệ con người. Họ có khả năng tạo ra một môi trường làm việc hợp tác vì mục đích chung trong đó mọi người đều có cơ hội để phát triển.

Thay cho lời kết:

Đọc hết những điều trên, chắc hẳn bạn cũng như tôi sẽ có cảm nhận rằng Những Năng Lực Thông Minh Xúc Cảm trong môi trường làm việc tuy nghe hết sức bình thường, hơi có vẻ lý thuyết nhưng diễn tả hầu hết mọi phẩm chấp lý tưởng của con người trong môi truờng làm việc. Đó là những phẩm chất mà mỗi chúng ta mong muốn có cho bản thân mình cũng như cho xếp, đồng nghiệp của mình. Và bây giờ thì bạn và tôi cũng sẽ tin rằng chính những năng lực, phẩm chất đó mới là tác giả tạo ra sự khác biệt giữa Việt và Hùng, và là chìa khóa mở cánh cửa thành công của tất cả chúng ta. Tin vui là mọi người, vào bất cứ độ tuổi nào, đều có tiềm năng để phát triển những năng lực trên. Việc quan trọng là chúng ta phải nhân biết vấn đề. Chúng ta sử dụng và tự hào nhưng nên giảm bớt sự “ỷ lại” vào trí thông minh IQ, trình độ chuyên môn hay những năng lực, tài năng khác. Chúng ta nên tập trung nhiều hơn đến việc phát triển EQ, phát triển năng lực xúc cảm của bản thân trong môi truờng làm việc. Từ từ chúng ta sẽ nhận biết biết và “quản lý” mình tốt hơn, hiểu biết và giao tiếp với người khác hiệu quả hơn, và chắc chắn sẽ gặt hái nhiều thành công hơn trong công việc và cuộc sống.

Lâm Minh Chánh, MBA

Tài liệu tham khảo:

“Emotional Intelligence - Why It Can Matter More Than IQ – Tại Sao Thông Minh Xúc Cảm lại quan trọng hơn IQ”, tác giả Daniel Goleman, 2006; “Working with Emotional Intelligence – Thông Minh Xúc Cảm trong công việc”, tác giả Daniel Goleman, 2000; “The Emotionally Intelligent Manager: How to Develop and Use the Four Key Emotional Skills of Leadership – Nhà Quản Lý Thông Minh Xúc Cảm: Cách phát triển và sử dụng 4 năng lực chính trong lãnh đạo”, tác giả David R. Caruso và Peter Salovey, 2004; “Executive E. Q: Emotional Intelligence in Leaderships and Organizations - Chỉ Số Xúc Cảm dành cho quản lý: Thông minh xúc cảm trong lãnh đạo và tổ chức”, tác giả Robert K. Cooper và Ayman Sawaf, 1998

Nguồn: www.saga.vn

Thông cảm và nghe thấu cảm

Thông cảm và nghe thấu cảm

Cần phân biệt thấu cảm với sự thông cảm

Thông cảm là một hình thức thỏa thuận, một hình thức phê phán. Đôi khi nó là sự xúc cảm và sự đáp ứng thích đáng hơn. Nhưng người ta sống dựa vào sự thông cảm. Nó làm cho người ta trở nên phụ thuộc. Bản chất của nghe thấu cảm không phải là thông cảm với một người nào đó, mà nó là sự hiểu biết đầy đủ sâu sắc về một con người, về mặt tình cảm cũng như lý trí.

Nghe thấu cảm không phải đơn thuần chỉ là hiểu từng lời nói của người khác. Trên thực tế, những chuyên gia về giao tiếp cho rằng chỉ mươi phần trăm thông tin được thể hiện thông qua lời nói, ba mươi phần trăm thông tin được thể hiện thông qua âm thanh còn nửa thông tin còn lại được thể hiện thông qua ngôn ngữ cơ thể.

Trong nghe thấu cảm, chúng ta không những nghe bằng tai, mà quan trọng hơn là nghe bằng mắt, bằng cả trái tim. Lắng nghe không chỉ điều người ta nói nên lời, mà cả những gì không nói lên được, những gì bộc lộ qua ngôn ngữ không lời: ánh mắt, nụ cười, nét mặt, tư thế, điệu bộ… Lắng nghe những cảm xúc, nhu cầu của người kia. Lắng nghe cả chính những phút giây im lặng.

Nghe thấu cảm có một uy lực rất lớn bởi vì nó cung cấp cho chúng ta những tư liệu đúng đắn để hành động. Thay vì dựa vào những cảm giác, động cơ, những giả định, suy nghĩ của mình, chúng ta làm việc với thực tế bằng suy nghĩ và tình cảm của người khác. Chúng ta nghe để hiểu, để tiếp nhận những thông tin sâu kín nhất trong tâm hồn của con người.

Nghe thấu cảm cũng giúp bạn tạo dựng được tình cảm tốt đẹp với người đối thoại, vì khi giao tiếp với bạn, người khác được thoả mãn nhu cầu rất lớn. Đó là nhu cầu tồn tại về tâm lý, muốn được hiểu, được khẳng định, được đánh giá cao, được cảm thấy có ích. Và sau khi đã đáp ứng nhu cầu đó, bạn có thể tập trung phát huy sự ảnh hưởng và giải quyết vấn đề. Một số kỹ năng cần thiết trong lắng nghe thấu cảm:

Kỹ năng biểu lộ sự quan tâm

Để thể hiện sự quan tâm của mình đến câu chuyện của người đối thoại, bạn phải chú ý tới tư thế, dáng điệu, cách dùng ánh mắt… Sau đây là một số kỹ năng cơ bản:

- Tạo ra bầu không khí bình đẳng (không xa cách, ngang tầm, đối diện…).

- Cách biểu lộ sự quan tâm tốt nhất là chăm chú lắng nghe. Muốn thế thì khi nghe người kia nói, bạn hãy nghiêng người về phía trước và nhìn thẳng vào họ, với tư thế cởi mở. Tiếp xúc bằng mắt là rất quan trọng trong lắng nghe, nhưng đó là một nghệ thuật hết sức tế nhị. Tiếp xúc bằng mắt nghĩa là tập trung nhìn người nói một cách nhẹ nhàng, ví dụ, nhìn bàn tay đang làm điệu bộ rồi sau đó lại nhìn vào mắt và tiếp xúc bằng mắt.

- Sự quan tâm cũng được thể hiện qua những cử chỉ đáp ứng về cơ thể. Trước hết cần tránh cản trở sự tập trung tư tưởng của đối tượng bằng những cử chỉ không liên quan tới những điều đang được nói, và cần xây dựng những cử chỉ nhỏ và những tư thế có tính đáp ứng trực tiếp vào những điều đối tượng đang nói.

Kỹ năng gợi mở

Khi nghe, bạn cũng cần phải có cách khuyến khích để cho đối tượng trút bầu tâm sự như:

- Khuyến khích người nói tiếp tục câu chuyện do bạn hiểu vấn đề, thông cảm.

- Cẩn thận lắng nghe một cách khách quan “thế à, rồi sao nữa”.

- Thỉnh thoảng đặt câu hỏi để tìm hiểu rõ hơn.

Kỹ năng phản ánh

Là diễn đạt lại nội dung một cách ngắn gọn.

29 tháng 3, 2008

QUAN HỆ GIỚI


QUAN HỆ GIỚI
Các nghiên cứu PPAs đã tích cực tìm hiểu quan điểm của những phụ nữ được phỏng vấn và tất cả các nhóm nghiên cứu đều đã tổ chức những buổi thảo luận và phỏng vấn cho đối tượng toàn là nữ để nhằm thu thập quan điểm của nữ giới về những vấn đề đưa ra. Phần lớn các vấn đề do những phụ nữ nghèo đưa ra cũng là những vấn đề được nam giới đề cập đến, tuy nhiên với mức độ quan tâm hơi khác nhau: đối với những người nghèo thì vấn đề chính luôn là làm thế nào để có một thu nhập ổn định và đủ trang trải những nhu cầu tiêu dùng của gia đình. Đối với những hộ nghèo, bên cạnh đó còn có một số vấn đề thứ yếu khác. Những người phụ nữ được phỏng vấn cũng đã nêu ra được một số vấn đề liên quan đến riêng giới của mình, chẳng hạn như vấn đề sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, cũng có một số vấn đề khác mặc dù không được những người phụ nữ được phỏng vấn nêu ra một cách trực tiếp song do chính các nhóm nghiên cứu nhận thấy. Công việc nặng nhọc chính là một trong những vấn đề dạng này: người phụ nữ dường như đã quá quen với gánh nặng công việc quá sức mà họ phải gánh chịu hàng ngày đến nỗi họ không coi đó là chuyện lạ nữa, trong khi những người ngoài khi nhìn vào lượng công việc hàng ngày của họ mà không khỏi lo ngại về những tác động tiêu cực mà gánh nặng công việc này có thể gây ra đối với sức khoẻ của người phụ nữ.
1. CÁN CÂN QUYỀN LỰC TRONG GIA ĐÌNH
1.1 Sử dụng nguồn tài chính gia đình vẫn thiên vị cho nam g
Có những điều tương phản thú vị khi bàn về quản lý tài chính gia đình. Đàn ông thường nói rằng phụ nữ là người quản lý tiền nong (ví dụ, ở Hà Tĩnh) và cho rằng những quyết định quan trọng đều được bàn bạc chung, nhưng như vậy không có nghĩa là gia đình ra quyết định dựa trên ưu tiên cho phụ nữ (hay ngay cả các ưu tiên chung). Phụ nữ ở Trà Vinh và Lào Cai phàn nàn về các khoản tiền hạn hẹp của gia đình được chi cho rượu và thuốc lá mà chỉ những người đàn ông dùng, trong khi gia đình còn chưa dư dật. Như vậy, dù phụ nữ là người quản lý tiền trên danh nghĩa nhưng họ không có thực quyền để cắt giảm những khoản chi nói trên.
ở Trà Vinh, ghi nhận ở phần lớn các hộ gia đình cho thấy đàn ông tiêu một phần đáng kể thu nhập gia đình cho thuốc lá và rượu mặc dù phụ nữ không đồng ý. Một người đàn ông tự nhận mình gặp gỡ bạn bè để nhậu 20 lần một tháng, mỗi lần tiêu khoảng 30.000 đồng (tức là 600.000 đồng/43 USD một tháng). Trong nhiều hộ gia đình, khoản tiền này chiếm 50% thu nhập hàng tháng. Một người phụ nữ cho biết “mỗi khi có tiền, những người đàn ông xung quanh đều góp tiền để mua rượu và đồ ăn, nếu nhiều tiền sẽ là thịt chó, không thì vịt ... phụ nữ không dám ăn, họ giữ tiền phòng khi ai đó trong gia đình bị ốm.”
Một phụ nữ H’mông ở Lào Cai nói: “ Đàn ông có thể tiêu tiền thoải mái cho việc uống rượu và đánh bài trong khi phụ nữ thậm chí không dám mua cả một miếng kẹo ngoài chợ.

1.2 Phụ nữ ít có ảnh hưởng tới các quyết định sinh c

Một vấn đề quan trọng mà người phụ nữ hầu như không có quyền quyết định đó là quyết định sinh con. ở Hà Tĩnh, tư tưởng muốn có con trai đã tạo ra một áp lực lớn đối với người phụ nữ, buộc họ phải sinh con cho đến khi sinh được một đứa con trai mới thôi: “Nếu không đẻ được con trai, chồng sẽ đi lấy người khác còn mình thì bị những người trong làng khinh miệt, hắt hủi”. ở Lào Cai, những người phụ nữ cho biết họ phải đẻ nhiều con, cho dù gia đình không đủ khả năng nuôi, chỉ vì người chồng muốn như vậy. Nhóm điều tra PPA cũng đã được nghe tâm sự của những người phụ nữ đã từng bị chồng đánh khi phát hiện ra các chị đã đặt vòng tránh thai và người chồng đã bắt vợ mình phải đi tháo vòng. Phụ nữ ở Trà Vinh cũng cho biết họ không có quyền quyết định về việc sinh con. Nhận thức về việc cần phải làm cho nam giới tham gia vào các chương trình sức khỏe sinh sản để đạt được một sự cân đối tốt hơn đang ngày một tăng lên. UNFPA và Hội đồng Dân số đang thử nghiệm một số dự án về trách nhiệm của nam giới trong sức khoẻ sinh sản.
Thảo luận về những thay đổi theo thời gian ở Hà Tĩnh cho thấy rằng, mặc dù trong gia đình, người phụ nữ đã có thêm đôi chút quyền hành trong vòng vài năm trở lại đây, song quyền làm chủ vẫn thuộc về đàn ông. Điều này đặc biệt đúng trong các trường hợp cần phải đưa ra những quyết định liên quan đến các công việc xã hội, lĩnh vực vốn vẫn thuộc quyền kiểm soát của đàn ông.
1.3.Phụ nữ làm việc nhiều hơn nam giới

“Nam giới thường phân biệt đối xử với phụ nữ và hiện vẫn còn quan điểm thiên lệch cho rằng tất cả công việc của người phụ nữ đều là những việc nhỏ. Nam giới không hề làm bất cứ việc gì để giúp vợ mình bởi vì quan niệm rằng có sự khác biệt giữa những việc người chồng nên làm và những việc người vợ nên làm.” Thảo luận nhóm của phụ nữ trong PPA ở Hà Tĩnh, 1998.
Thảo luận ở cả hai tỉnh Hà Tĩnh và Lào Cai đều cho thấy, nam giới hiện đang bắt đầu chia sẻ một chút gánh nặng công việc nội trợ. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu thời gian biểu của các hộ gia đình cho thấy là gánh nặng công việc nội trợ này hiện chủ yếu vẫn do người phụ nữ gánh vác. Nếu cộng với cả nhiều giờ làm nông nghiệp lao động mướn cả ngày, toàn bộ gánh nặng công việc của người phụ nữ lại càng thêm lớn. Thời gian biểu hàng ngày của phụ nữ ở Lào Cai đã minh hoạ rất rõ cho gánh nặng công việc của người phụ nữ ở nông thôn Việt Nam .
Ngày làm việc kéo dài đó đã để lại rất nhiều hậu quả. Thứ nhất, người phụ nữ phải lao động quá sức, đặc biệt là ở các vùng cao, người phụ nữ vẫn phải hoàn thành tất cả các công việc trong khi đang mang thai hoặc cho con bú. Nhiều phụ nữ kể đến các vấn đề về sức khoẻ mà nguyên nhân là do làm việc quá sức. Thứ hai, người phụ nữ không có thời gian cho các hoạt động xã hội và xa hơn nữa là học hỏi kinh nghiệm của những người khác. Thứ ba, phụ nữ không có cơ hội để tham gia các lớp xoá mù chữ vào buổi tối, nếu như các lớp đó được tổ chức và phù hợp với họ. Thứ tư, phụ nữ không thể tham gia được các cuộc họp trong làng, bản và các diễn đàn để ra quyết định.

1.4 Phụ nữ thường bị đánh đậ
Có những bằng chứng khá rõ ràng về tình trạng đánh vợ nghiêm trọng ở tất cả các địa bàn nghiên cứu PPA trừ Hà Tĩnh, nơi những người được hỏi đã nói rằng chồng họ hiện nay đã cư xử với vợ tốt hơn vì cuộc sống đã được cải thiện và những áp lực do khó khăn về kinh tế đã giảm xuống. ở thành phố Hồ Chí Minh, chính những đứa trẻ lại là những người đề cập nhiều nhất đến tình trạng đánh vợ trong các gia đình khi chúng nói về những vấn đề của sự nghèo đói. Việc chứng kiến bố đánh mẹ đã khiến những đứa trẻ hết sức đau buồn. Bản thân những người phụ nữ lại không mấy phàn nàn về tình trạng bị đánh đập và các nhà nghiên cứu ở thành phố Hồ Chí Minh lý giải rằng đó là do người phụ nữ có sẵn trong đầu ý nghĩ việc bị chồng đánh là chuyện “bình thường”. Tại một bản vùng cao trong nghiên cứu ở Lào Cai, nhóm thảo luận của phụ nữ ước tính có khoảng 70% những người chồng thường xuyên đánh đập vợ. ở một làng trung du khác, họ ước tính khoảng 40% người vợ thường xuyên bị đánh. Phần nghiên cứu về tình trạng bạo lực trong nghiên cứu ở Lào Cai đã nhất trí với kết luận “tình trạng đánh vợ xảy ra cả ở các làng quê vùng sâu vùng xa, các làng dân tộc ít người cũng như ở các làng miền trung du đã hội nhập về kinh tế cho thấy rằng cách cư xử thô bạo đối với phụ nữ xảy ra trong các nhóm dân tộc hoặc kinh tế khác nhau và có thể còn phổ biến hơn mức độ người ta nhận thấy”.
Những người được hỏi đều khẳng định có sự liên hệ mật thiết giữa tình trạng uống rượu với bạo lực trong gia đình, thể hiện trong đoạn dưới đây trích từ báo cáo PPA ở Trà Vinh:
“Một người phụ nữ khác lại phàn nàn rằng sau những lần uống rượu say, các ông chồng về nhà thường thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Một người khi được hỏi đã xác nhận ý kiến của nhiều phụ nữ nói về những người đàn ông hay rượu chè tiệc tùng: “Có hai người đàn ông sống gần nhà tôi đánh vợ”. Một người phụ nữ khác tâm sự: “Rất nhiều phụ nữ sống ở khu này bị chồng đánh. Tôi thật may mắn vì anh trai tôi sống gần đây, do vậy nếu chồng tôi đuổi đánh đằng sau, tôi sẽ chạy sang nhà anh trai”.
1.5 Trong những thời điểm khó khăn, phụ nữ là những người bị tổn thương hơn cả

Có thể kể ra một số ví dụ trong đó phụ nữ bị sử dụng như phương thức đối phó trong những thời kỳ khó khăn. ở Lào Cai, nhóm nghiên cứu phát hiện thấy nhiều gia đình nếu thiếu lao động sẽ cho con trai lớn lấy vợ. Người con dâu sau đó sẽ phải lao động cho gia đình mới của mình. Một gia đình đã làm như vậy để con trai mình có thể tiếp tục đi học: họ cưới vợ cho con để có lao động thay thế trong khi cậu con trai hoàn tất chương trình học. ở TP Hồ Chí Minh, có những trường hợp chị em phụ nữ bị bán cho khách nước ngoài với giá từ 1.000 đến 3.000 USD và nhờ đó mà gia đình thoát ra khỏi cảnh nghèo đói. Cũng có trường hợp người chồng làm cho vợ có thai để sau đó bán con làm con nuôi.

TĂNG QUYỀN LỰC TRONG CÔNG TÁC XÃ HỘI VÀ PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG


Tăng quyền lực (Empowerment)

Tiến trình qua đó có thể giúp người khác đạt được quyền lực và ảnh hưởng lên người khác, thiết chế hoặc xã hội. Tăng quyền lực bao gồm toàn bộ các khả năng sau:

Có quyền quyết định về chính mình
Tiếp cận được thông tin và tài nguyên để lấy quyết định thích hợp
Có nhiều lựa chọn để chọn
Tự khẳng định được khi lấy quyết định tập thể
Có những suy nghĩ tích cực về khả năng thay đổi
Học hỏi được những kỹ năng để cải thiện con người mình hoặc quyền lực nhóm
Giúp thay đổi cách nhìn của người khác bằng những phương cách dân chủ
Dấn thân vào tiến trình tăng trưởng và tự thay đổi liên tục
Tăng khái niệm bản thân một cách tích cực và vượt qua được những điều tồi tệ.

28 tháng 3, 2008

Nhân viên xã hội và năm con chuột


Nhân viên xã hội và năm con chuột


NVXH không làm chuyện to tát nhưng có thể xúm lại để cắn đứt các nút thắt của cái “lưới chậm phát triển” đang bao vây con người . Nào là bạo lực gia đình, vi phạm quyền trẻ em, buôn bán phụ nữ, nào là HIV/AIDS, rồi những tiêu cực trong xã hội đang cản trở quá trình phát triển xã hội.Năm mới, xin chúc mỗi NVXH là con chuột dễ thương nhưng sẵn sàng dấn thân như mấy chú chuột trong câu chuyện để GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI.
Tin tức những tháng cuối năm 2007 liên quan đến sự tổn thương của con người thật đáng lo âu. Nào là chuyện em Bình ở Hà Nội bị vợ chồng người chủ hành hạ dã man năm này qua năm kia, nào là chuyện người mẹ trẻ giết con ruột của mình. Nào là chuyện cô bảo mẫu dán miệng một em bé gây tử vong, rồi cô giáo đánh học sinh tới gãy xương mũi, hay cô giáo cho học sinh “đánh hội đồng” một bé gái tới tét miệng vì chuyện không đâu.Trước những vấn đề khủng khiếp này NVXH chưa có tiếng nói chung.


NVXH còn bé nhỏ quá! Nhưng có một “nhân vật” bé nhỏ mà làm được việc. Đó là CHÚ CHUỘT. Có một câu chuyện trong Quốc Văn Giáo khoa thư mà tôi còn nhớ đến bây giờ. Đó là chuyện bác cọp to đùng coi thường chuột bé xíu. Nhưng một hôm bác cọp bị sa lưới và kẹt trong đó (Các chú chuột xúm lại cắn lưới giải phóng bác cọp).NVXH không làm chuyện to tát nhưng có thể xúm lại để cắn đứt các nút thắt của cái “lưới chậm phát triển” đang bao vây con người . Nào là bạo lực gia đình, vi phạm quyền trẻ em, buôn bán phụ nữ, nào là HIV/AIDS, rồi những tiêu cực trong xã hội đang cản trở quá trình phát triển xã hội.Năm mới, xin chúc mỗi NVXH là con chuột dễ thương nhưng sẵn sàng dấn thân như mấy chú chuột trong câu chuyện để GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI.
Nguyễn Thị Oanh

Bản Tin SDRC

Một Cộng đồng đi lên từ nhóm nhỏ


Một Cộng đồng đi lên từ nhóm nhỏ
Tôi thực sự ngã phục trước tinh thần và cách làm phát triển cộng đồng của thôn Ha Ri, trong đó già làng Đinh Krăng vừa là lãnh đạo tinh thần của thôn và cũng là tác viên phát triển cộng đồng xuất sắc. Họ đã thực hiện đúng theo phương châm của nhóm CHỦ ĐỘNG – TỰ LỰC – SÁNG TẠO – ĐỔI MỚI – PHÁT TRIỂN. Nếu có dịp trở lại Ha Ri tôi hy vọng học được thêm nhiều bài học quý báu nữa
Trong một chuyến công tác tại Bình Định, tôi tình cờ phát hiện một cộng đồng đi lên từ nhóm nhỏ. Già Làng Đinh Krăng chỉ hội trường của thôn, có kích thước 7m x 15 m, tường xây, lợp ngói, ông nói hoàn toàn do dân của thôn Ha Ri làm nên đấy. Không xin của xã một đồng nào.
Ha Ri là một thôn miền núi, Phần lớn là người Ba Na, thuộc xã Vĩnh Định, Huyện Vĩnh Thạnh, cách Qui Nhơn khoảng 80 km. Trước kia Ha Ri cũng là một thôn nghèo như bao thôn miền núi khác. Thiếu ăn, thiếu mặc, và thiếu thông thông tin. Già Làng kể, trước kia dân vay tiền Ngân hàng Chính sách để làm ăn nhưng rồi không có tiền trả, do làm ăn thất bát. Điều này cho thấy nghèo không phải do thiếu vốn, thiếu tiền mà là do không biết cách tổ chức làm ăn.
Ngày nghỉ hưu cũng là ngày Già Làng Đinh Krăng bắt đầu cho sự nghiệp phát triển cộng đồng thôn Ha Ri. Việc đầu tiên là lập nhóm, vì ông cho rằng làm ăn riêng rẻ không thể nào khá lên được. Khởi đầu là nhóm vần đổi công, với ý tưởng mọi người trong cộng đồng giúp đỡ lẫn nhau “lá lành đùm lá rách, bò béo kéo bò gầy”.
Từ bốn nhóm vần đổi công, Ha Ri tiến thêm một bước nữa là lập nhóm Nông dân Sản xuất Phát triển Kinh tế Kiểu mẫu, gọi tắt là VACHARI. Các nhóm viên rất khoái tên này vì đó là tên chính do họ đặt ra. Một lần nữa thôn Ha Ri làm cho tôi kinh phục khi nghe nhóm nói phương châm họat động của nhóm là CHỦ ĐỘNG – TỰ LỰC – SÁNG TẠO – ĐỔI MỚI – PHÁT TRIỂN. Điều cực kỳ lý thú là phương châm này cũng do họ thảo luận rồi tự nghĩ ra để trả lời câu hỏi “làm thế nào để nhóm sống mạnh và phát triển bền vững”.
Tiến trình thành lập nhóm cũng không như những nơi khác. Không phải chờ có dự án để rồi vô nhóm được vốn, được giống, phân bón…Việc đầu tiên là hàng ngũ lãnh đạo thôn phải quán triệt mục đích ý nghĩa của việc lập nhóm, vai trò của nó trong việc tăng gia sản xuất của bà con. Sau đó mới họp bà con trong thôn, trình bày cho họ biết về mục đích ý nghĩa của việc thành lập nhóm. Người dân được chia thành nhóm nhỏ để thảo luận thật kỹ và sâu về lợi ích khi họ vào nhóm cũng như nghĩa vụ của họ đối với nhóm. Khi người dân nhận thức đầy đủ về nhóm mà họ sẽ vào, nhóm là nơi họ được học tập chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, nhóm là nơi mọi người chia sẻ giúp nhau khi khó khăn. Nhóm là nơi thí điểm, thực hành áp dụng những kỹ thuật mới về nông nghiệp. Nhóm là kênh truyền thông về đầu vào cũng như đầu ra, giá cả thị trường. Một cái mới nữa là nhóm CHỦ ĐỘNG nắm bắt nhu cầu nhóm viên, chủ động tìm nơi đáp ứng nhu cầu cho chính mình, không có chuyện thụ động ngồi chờ dự án hay ban ngành nào đó tới giúp. Sau khi nhận thức đầy đủ rồi, ai cảm thấy mình có nhu cầu vào nhóm thì TỰ NGUYỆN đăng ký. Hoàn toàn không o ép, áp đặt hay “dụ”. Người lập nhóm không quan tâm được nhiều nhóm hay nhiều nhóm viên mà quan trọng ở chất lượng nhóm. Một nhóm không quá 20 người.Việc lập nội qui nhóm được tiến hành dân chủ cũng không kém. Nhóm viên thảo luận thực kỹ từng điều khoản, thêm hay bỏ bớt, sửa đổi thế nào cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh. Cách làm không qua loa, họ lấy biểu quyết từng điều khoản một. Vì họ biết chính họ sẽ là người thực hiện nội qui này.
Ông Đinh Krăng mời tôi về nhà chơi, ông mở vòi nước cho tôi rữa tay. Lại thêm một ngạc nhiên nữa, hơn 2/3 có nguồn nước sạch từ suối trên cao dẫn về. Người dân không những có nước ăn uống tắm giặt mà còn có thể tưới cây, rau cỏ trong vườn và cả cho cái ao cá nho nhỏ. Kỳ tích này cũng là sáng kiến của người dân Ha Ri và chính họ tìm ra nguồn nước rồi tự bỏ tiền ra mua ống nước, tự tay làm. Không có chuyện xung đột, tranh giành nguồn nước vì mọi việc được thảo luận dân chủ, công khai cũng không có ngồi chờ một dự án nào đó.
Nếu có dự án họ cũng không hoàn toàn ỷ lại. Nhà nước hỗ trợ thôn vật tư làm đường liên thôn. Thôn Ha Ri không nhận hết những vật tư mà họ có như đá, cát. Những thứ đó dân trong thôn có thể lấy từ trên núi và dưới sông. Bù lại họ sẽ được nhận nhiều xi măng hơn, họ sẽ làm được con đường dài hơn và chắc hơn.
Tôi thực sự ngã phục trước tinh thần và cách làm phát triển cộng đồng của thôn Ha Ri, trong đó già làng Đinh Krăng vừa là lãnh đạo tinh thần của thôn và cũng là tác viên phát triển cộng đồng xuất sắc. Họ đã thực hiện đúng theo phương châm của nhóm CHỦ ĐỘNG – TỰ LỰC – SÁNG TẠO – ĐỔI MỚI – PHÁT TRIỂN. Nếu có dịp trở lại Ha Ri tôi hy vọng học được thêm nhiều bài học quý báu nữa.
Bằng Lăng
Bản tin SDRC

Mục đích của CTXH và vai trò NVXH


Mục đích của CTXH và vai trò NVXH

Mục đích và mục tiêu của CTXH là những kết quả mà ngành này đạt được thông qua những chương trình xã hội. CTXH có bốn mục đích hỗ tương nhau, chúng được thể hiện qua các hoạt động CTXH nhằm mang đến điều kiện sống tốt hơn cho con người và nâng cao mối liên hệ giữa con người và các thiết chế của xã hội (NASW, 1981a):
1. Giúp con người có khả năng thích ứng tốt vai trò xã hội, bao gồm sự phát triển khả năng giải quyết những vấn đề và đương đầu với các khó khăn để thực hiện trách nhiệm xã hội. Nhân viên xã hội giúp xác định, đánh giá những cản ngại từ chức năng xã hội; cung cấp thông tin cần thiết để giải quyết các vấn đề; hỗ trợ để phát triển các kỹ năng đối phó và phát triển kế hoạch hành động và các hỗ trợ cần thiết nhằm tạo sự thay đổi. Những hoạt động chuyên nghiệp nhằm đạt được mục đích này gồm đánh giá, tham vấn, biện hộ và giáo dục.

2. Cải tiến sự vận hành của hệ thống dịch vụ xã hội. Một hệ thống cung ứng dịch vụ xã hội hiệu quả là vô cùng cần thiết. Nhằm đạt mục đích này, nhân viên xã hội là những người tích cực trong sự phát triển cơ chế trao đổi giữa các cơ quan; làm trung gian giữa người dân và các nguồn tài nguyên xã hội để phát huy lợi ích của các tài nguyên này đồng thời tạo ra những tài nguyên mới. Công việc của NVXH nhằm đạt đến những mục tiêu này gồm giới thiệu thân chủ với các nguồn tài nguyên, tổ chức các hoạt động phát triển cơ chế trao đổi giữa các cơ quan, quản lý các trường hợp, vận động và trao đổi tài nguyên.

3. Liên kết hệ thống thân chủ với các nguồn tài nguyên. Để đạt mục đích liên kết này, NVXH thiết kế và thúc đẩy thực hiện những chương trình/hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội; nối kết các nguồn tài nguyên; tăng cường hiệu quả của hệ thống cung ứng dịch vụ xã hội; tìm kiếm và hỗ trợ thân chủ tham gia vào việc phát triển chính sách xã hội; cải tiến hệ thống kế toán tài chánh và thực hiện chuẩn mực và quy điều đạo đức nghề nghiệp trong công tác quản lý hệ thống cung ứng dịch vụ xã hội. Có nhiều công việc cần thực hiện nhằm theo đuổi mục đích này như quản lý, giám sát, phối hợp, tham vấn, phát triển chương trình, lượng giá và phát triển nhân sự.

4. Thúc đẩy công bằng xã hội qua việc phát triển chính sách xã hội. Bằng nhiều con đường khác nhau, NVXH cần tham gia vào sự phát triển chính sách xã hội như phổ biến luật pháp chính sách; đề suất những chính sách mới; vận động bỏ những chính sách không hiệu quả và làm rõ sự liên đới giữa chính sách xã hội với các vấn đề xã hội. NVXH cần tham gia vào việc phân tích, phát triển, biện hộ, lập kế hoạch, lượng giá và xem lại các chính sách xã hội. Mô hình tóm tắt 4 mục đích của CTXH như sau:
Mục đích của CTXH

* Nâng cao chức năng xã hội của mọi cấp (cá nhân, nhóm, cộng đồng) thông qua tham vấn, quản lý tài nguyên và giáo dục.

* Kết nối hệ thống thân chủ với những nguồn tài nguyên cần thiết.

* Cải tiến hoạt động của mạng lưới cung ứng dịch vụ xã hội.

* Thúc đẩy công bằng xã hội thông qua phát triển chính sách xã hội.

(Đỗ Văn Bình trích dịch từ: Brenda Dubois, Karla Krogsrud Miley. “Social Work An Empowering Profession”, Allyn and Bacon, 1992, P.22-23).

27 tháng 3, 2008

Social Work employment areas in Ireland 2001


A healthy community


Community Development Problem solving Process




Phát triển cộng đồng tìm cách giúp cộng đồng cùng phân tích các vấn đề đang ảnh hưởng đến đời sống của họ, và đặt ra các mục tiêu cải thiện và hành động, thông qua tiến trình tham gia và tăng quyền lực. Sự đồng thuận trong công tác phát triển cộng đồng là dựa trên một dự án.


CÁC NGUYÊN TẮC CỦA PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG

• Kích thích sự tham gia tích cực của người đại diện cộng đồng để các thành viên cộng đồng có thể có những quyết định có ảnh hưởng và có ý nghĩa lên hoàn cảnh của họ.

• Đưa các thành viên cộng đồng vào việc phân tích vấn đề ảnh hưởng đến họ để họ có thể hiểu thấu đáo những nguyên nhân của hoàn cảnh của họ.

• Giúp các thành viên cộng đồng hiểu sự tác động kinh tế, xã hội, chính trị, môi trường và tâm lý kết hợp với những giải pháp lkhác nhau cho vấn đề.

• Hỗ trợ các thành viên cộng đồng trong việc thiết kế và thực hiện kế hoạch giải quyết các vấn đề đã được ưng thuận bằng cách quan tâm đến sự chia sẻ lãnh đạo và sự tham gia tích cực của họ.

• Gạt bỏ mọi cố gắng làm ảnh hưởng bất lợi cho giới bị thiệt thòi của cộng đồng

• Làm việc tích cực để nâng cao năng lực lãnh đạo, kỹ năng, tự tin, và những mong ước trong tiến trình phát triển cộng đồng.

Các công việc của tác viên cộng đồng là:
• Nhận diện các vấn đề và các nhu cầu của cộng đồng
• Phát triển các chương trình mới và tài nguyên dựa trên cộng đồng
• Đánh giá và quản lý các chương trình đang có
• Lên danh sách hợp tác các tổ chức chính quyền, các tổ chức cộng đi62ng và các bên tài trợ.
• Giúp tăng nhận thức xã hội về các vấn đề liên quan đến cộng đồng;
• Thúc đẫy lãnh đạo và phối hợp trong các chương trình;
• Hành động như là người thông hoạt để tăng cường sự tự giúp của cộng đồng;
• Biên soạn các báo cáo và các chính sách;
• Tạo mạng lưới quan hệ và gây quỹ
• Phát triển và đồng thuận các chiến thuật
• Nối kết với các nhóm quan tâm và các cá nhân để đặt ra những công tác mới
• Trung gian và thương lượng với các thành phần chống đối
• Tuyển dụng và đào tạo các nhân viên có trả lương và tình nguyện;
• Lên kế hoạch, tham dự và phối hợp các cuộc hội họp;
• Dụ trù quản lý tài chính của một quỹ có giới hạn
• Khuyến khích sự tham gia trong các hoạt động;
• Thử thách hành vi không thích hợp và cơ cấu chính trị
• Thự hiện các công việc hành chính đa dạng.



Nguyễn Ngọc Lâm

Coomunity Development process


Công tác xã hội thực hành ngày nay quan tâm đến cái gì ?


Công tác xã hội thực hành ngày nay quan tâm đến cái gì ?

Hiện nay công tác xã hội có những kỹ năng cốt lõi được thực hiện ở từng giai đoạn dù hệ thống thân chủ ( cá nhân, gia đình, cộng đồng ) nhỏ hay lớn, đây không phải là điều thay đổi dễ dàng đối với công tác xã hội. Khi làm công tác xã hội, cách tiếp cận không thay đổi, xu hướng chung là đa khoa , có nghĩa là phải biết hết mọi thứ , nhưng ít lắm là sử dụng kỹ năng giống nhau cho từng trường hợp khác nhau.
Công tác xã hội mang tính tổng quát là chủ đề của công tác xã hội ngày nay, nhấn mạnh đến sức mạnh của thân chủ ( công tác xã hội ngày xưa dựa vào những khó khăn của thân chủ ). Khi bàn về công tác xã hội, phải nhớ đến hệ sinh thái ( cá nhân, gia đình, xã hội, nền văn hóa ) thì ta cần phải biết can thiệp ở cấp nào, cho đặc tính này đã làm cho công tác xã hội có những đặc tính riêng của mình là:
Cá nhân không vận hành một mình.
Có khi nhân viên xã hội chỉ chú trọng vào cá nhân, không chú ý đến môi trường xung quanh của cá nhân đó .
Có khi nhân viên xã hội chẳng can thiệp vào cá nhân, chẳng can thiệp vào môi trường mà chỉ giúp về phương tiện.
Có khi nhân viên xã hội chỉ tập trung vào mội trường, không chú ý vào cá nhân (vì môi trường cần thay đổi).
Nhân viên xã hội phải làm việc ở ba cấp : cá nhân, gia đình và xã hội môi trường, đó là điều khác biệt giữa công tác xã hội với các nghề khác. Nhân viên xã hội đôi khi có kỹ năng làm việc cả ba cấp, nhưng đôi khi không có nguồn lực để can thiệp vào ba cấp đó. Nhiệm vụ của ta là giúp con người cá nhân thích nghi vào môi trường mà đôi khi không được can thiêp ở cấp cao hơn.
Nguyễn Ngọc Lâm

KỸ NĂNG THÚC ĐẨY SỰ THAY ĐỔI TRONG CÔNG TÁC XÃ HỘI


KỸ NĂNG THÚC ĐẨY SỰ THAY ĐỔI

Thế nào là kỹ năng thúc đẩy sự thay đổi (tạo động cơ thay đổi)?

Khi ta làm việc với thân chủ, ta thường nghĩ ta đang trong tiến trình hành động thì việc làm của ta không có hiệu quả .Ta nên lùi lại, xem xét các hoạt động thay đổi, xem thân chủ đang ở giai đoạn nào, chứ không phải do cơ quan quyết định mình phải làm gì.

Các giai đoạn thay đổi diễn ra theo từng bước như sau :

- Giai đoạn tiền dự định: Ở giai đoạn này thân chủ chưa nghĩ đến sự thay đổi, có cảm giác không ổn. Đặc điểm chính la không có sự nhận thức. Có lúc khi gặp khó khăn, thân chủ không ý thức được vấn đề là gì? (như trường hợp người nghiện). Chúng ta phải đối diện với thân chủ, buộc họ phải nhìn vấn đề và đặt vấn đề như thế nào. Có thể họ có thái độ phản đối, cố tránh đi. Trong giai đoạn này, nhân viên xã hội cũng có một số việc làm có ích cho thân chủ như :cung cấp thông tin cho họ chứ không đặt vấn đề là họ phải thay đổi vì có thể gây cho họ một mối nghi ngờ. Ta tránh tranh luận, nếu không sẽ dẫn đến đối đầu với thân chủ. Cách làm là lắng nghe một cách có phản hồi, như vậy chúng ta làm cho thân chủ cảm nhận là chúng ta cởi mở nhìn vấn đề. Công việc của chúng ta trong giai đoạn này là tìm hiểu quan điểm của thân chủ và cung cấp thông tin để thân chủ có những nghi ngờ thắc mắc dể họ tự suy nghĩ.

Giai đoạn dự định : Đặc tính chính của giai đoạn này là thân chủ có ý nghĩ thay đổi trong tư tưởng , họ cân nhắc cái được , cái mất trong sự thay đổi .Có khi ta cảm thấy khó chịu trước sự lưỡng lự đó, nhưng đó là bước tốt trong quá trình thay đổi. Công vệc của ta là giúp họ ý thức được sự lưỡng lự đó, giúp họ suy nghĩ và tìm ra những điều nào có lợi và bất lợi khi họ thay đổi hoặc khi họ không thay đổi.Ví dụ: người nghiện rượu, điều tốt cho họ là không gây gỗ trong nhà và có thể họ còn thấy mạnh khoẻ hơn, nhưng họ cũng sợ mất bạn bè.Ta cần khuyến khích họ nói về những cái lợi khi thay đổi, cố gắng nhấn mạnh các điểm này.

Giai đoạn quyết định : đó là khi có chiều hướng nghiên về sự thay đổi khi thân chủ bắt đầu nói về các ý định về những gì họ sẽ làm và nhiệm vụ của ta là thúc đẩy. Vídụ: khi thân chủ nói:”Tôi thực sự không muốn uống nữa, tôi đã ngán cuộc sống nghiện ngập rồi .”Ta phải nói ngay:”Tốt, đây là việc anh phải làm “ và cùng thân chủ bàn về kế hoạch hành động.Ta nên cung cấp cho họ những phương pháp lựa chọn .Họ sẽ cảm thấy họ kiểm soát được quá trình thay đổi này và đây là bước khó nhất.

Giai đoạn hành động : Ta và thân chủ mỗi bên có việc phải làm là thực hiện hành động ở giai đoạn này. Chúng ta cần phải khuyến khích và tăng các điểm mạnh của họ, hướng và theo dõi công việc của họ để giúp họ vượt qua những khó khăn.

Giai đoạn duy trì: Ở giai đoạn này , thân chủ ý thức rõ vấn đề , họ có khả năng nhìn lại vấn đề trong quá khứ .Công việc của ta là tạo phương hướng để giúp họ những phương hướng giải quyết vấn đề.Ta giúp họ những kỹ năng từ chối không trở lại hành vi cũ ( ví dụ họ gặp bạn mời đi nhậu ).

Giai đoạn trở lại: Đặc điểm của giai đoạn này là tái hiện những hành vi cũ. Có nhiều cách ta phản ứng khi điều này xảy ra , thường là ta thất vọng như thân chủ, ta cho là ta thất bại, nhưng không nên để lộ thất vọng trước thân chủ.Ta nên cảm thông họ, xem có điều gì liên quan đến hành động đó và cho họ thấy họ phải làm gì và nói cho họ biết thay đổi là một công việc rất khó khăn .Nếu việc tái hiện hành vi cũ mà gây thiệt hại cho người thứ ba (như đánh vợ khi nhậu trở lại) và phải bảo đảm rằng thân chủ phải chịu những hậu quả do mình gây ra ( có thể có những biện phap chế tài ). Dù sao, cần nên biết rằng thân chủ là những người gặp khó khăn trong thay đổi nên họ mới cần chúng ta, nếu không họ cũng chẳng cần gặp chúng ta để làm gì.
Cũng có nhiều yếu ngoài dự định của thân chủ khiến họ không thể vượt qua, ví dụ họ gặp chuyện buồn, họ uống rượu trở lại.

Thay đổi là khó khăn và thay đổi không theo con đường thẳng.

Để giúp thân chủ thêm sức mạnh khi chuẩn bị thay đổi, cần có kỹ năng giúp thân chủ thao dượt trước hành động của họ, có thể thân chủ sẽ sắm vai của họ về việc thân chủ sẽ làm (ví dụ cách từ chối khi gặp bạn mời đi nhậu ).
Ở các giai đoạn này, chúng ta có thể gặp phải những hành vi đề kháng của thân chủ như thô bạo, tức giận, nhút nhát mắc cở, né tránh,

Ta phải tìm hiểu nguyên nhân đề kháng của họ, có thể thân chủ đã có một kinh nghiệm về ai đó đã giúp đỡ họ không thành công, họ tới mình với thái độ đề kháng. Ta phải hiểu đề kháng là một thông điệp báo cho nhân viên xã hội biết là mình đi quá nhanh hay quá chậm.
Điều khó khăn là nhân viên xã hội thường hay đỗ lỗi, trách móc thân chủ, nói là chính họ không muốn thay đổi hoặc họ không đủ khả năng thay đổi.

PHƯƠNG PHÁP CÔNG TÁC XÃ HỘI VỚI NHÓM


PHƯƠNG PHÁP CÔNG TÁC XÃ HỘI VỚI NHÓM

Lúc nào sử dụng phương pháp nhóm ?

- Khi vấn đề của thân chủ có mối tương quan giữa 2 người hoặc nhiều người ( nhóm gia đình ).
- Khi một số người có cùng vấn đề hoặc nhu cầu giống nhau ( như nhóm trẻ đường phố, nhóm phụ nữ tín dụng, nhóm đồng đẳng…)
- Khi giải quyết vấn đề chung của cộng đồng ( nhóm hành động, nhóm thanh niên tình nguyện…)

Làm thế nào để tác động vào nhóm hiệu quả ?
Vì nhóm nhằm đáp ứng những nhu cầu tâm lý, tăng trưởng, giáo dục, nâng cao năng lực... các mối quan hệ tương tác và bầu khí tâm lý xã hội của nó phải thuận lợi. Muốn vậy cần tạo điều kiện để :
- Mọi người tham gia đồng đều và bình đẳng.
- Lấy quyết định một cách dân chủ.
- Các mối tương giao thật sự cởi mở và chân tình.
- Xây dựng thói quen hợp tác.
Do đó cần quan tâm đến một số vấn đề, hiện tượng thường xảy ra trong nhóm.

Người phụ trách nhóm là ai ?
Người phụ trách cuối cùng là Nhân viên xã hội chuyên nghiệp. Có khi người đó trực tiếp điều hành nhóm có khi nhóm có người phụ trách từ các thành viên của mình, nhân viên xã hội hỗ trợ gián tiếp.
Điều đáng ghi nhớ cốt lõi của phương pháp nhóm là nếu trong phương pháp cá nhân, phương tiện chính yếu để tạo ra sự thay đổi là mối quan hệ giữa nhân viên xã hội và thân chủ thì trong phương pháp nhóm, phương tiện chính yếu là mối tương tác giữa nhóm viên với nhau. Nhân viên xã hội chủ yếu tác động vào các mối tương tác này


Các họat động trong phương pháp nhóm có các mục đích khác nhau như thế nào ?

1. Tạo điều kiện để truyền đạt bằng lời, cảm xúc, ý kiến và kinh nghiệm.
2. Phát triển tốt các mối quan hệ giữa nhóm viên.
3. Tăng cường sự gắn bó trong nhóm.
4. Tạo cơ hội để cống hiến cho người khác trong nhóm.
5. Phát triển và củng cố năng lực trong các kỹ năng xã hội khả dĩ giúp cho sự phát triển về mặt tâm sinh lý, văn hóa, lịch sử và ý thức tích cực về bản thân.
6. Kích thích các cuộc thảo luận có suy nghĩ để giải quyết vấn đề, dẫn đến sự hiểu biết bản thân, người khác và các tình huống.
7. Tăng cường khả năng ra quyết định và thực thi quyết định.
8. Giảm căng thẳng và thỏa mãn nhu cầu về sự thch thú, vui vẻ và sáng tạo.
9. Giúp nhân viên xã hội thẩm định tốt hơn nữa nhu cầu và tài nguyên nơi thân chủ.
10. 10.Giúp nhân viên xã hội thẩm định tốt hơn nữa các mối tương tác trong nhóm như là một tổng thể.

Phương pháp nhóm cần các kỹ năng gì ?

1. Kỹ năng lãnh đạo.
2. Kỹ năng điều hòa sự tham gia các nhóm viên.
3. Biết nhìn với cái nhìn mới.
4. Chọn mô hình truyền thông có mục đích.
5. Khuếch đại các thông điệp tinh tế.
6. Giảm nhẹ các thông điệp quá mạnh mẻ.
7. Tạo sự liên kết trong cảm xúc.
8. Chuyển hướng các thông điệp.
9. Hướng các vấn đề để trở lại cho nhóm.

Khi sử dụng một họat động trong phương pháp nhóm, chúng ta cần lưu ý cái gì ?

- Mục đích của họat động sẽ góp phần đạt tới mục tiêu của nhóm.
- Trọng tâm của họat động là yêu cầu và tính chất quan hệ : gần gũi hay khỏang cách, chia sẻ và hợp tác, ganh đua và mâu thuẩn, liên quan đến cá nhân hay nhóm, hoặc cả hai.
- Những kỹ năng cần thiết.
- Tác động trên cách biểu lộ hành vi.
- Cơ hội lấy quyết định cho cá nhân và nhóm.
- Sự phù hợp với tình huống có thật.
- Họat động này có điểm nào tế nhị về mặt văn hóa và lịch sử.
- Có phù hợp về thời điểm không ( trong một buổi sinh họat nhóm và phụ thuộc vào giai đọan phát triển của nhóm ).

Nguyễn Ngọc Lâm

Công tác xã hội thực hành


Công tác xã hội thực hành là gì ?

Công tác xã hội thực hành chú trọng đến :
- cá nhân và xã hội
- Cung cấp dịch vụ và làm việc theo chiều hướng thay đổi.
- Hỗ trợ cá nhân và thực hành cộng đồng.

Thực hành ở Cấp vi mô :

- Làm việc với cá nhân, gia đình và nhóm nhỏ ( hệ thống thân chủ )
- Tiến trình giúp đỡ là mối quan hệ đối tác thông qua đó nhân viên xã hội hợp tác hoặc cùng làm việc với thân chủ, đặc biệt quan tâm đến các mặt mạnh, khả năng và tiềm năng của thân chủ.
- Công tác xã hội với nhóm được sử dụng với những cá nhân cùng vấn đề để họ thỏa mãn nhu cầu và qua nhóm, họ được tăng trưởng vàthay đổi.

Thực hành ở cấp trung mô :

- Cấp thực hành này quan tâm đến các nhóm chính quy và các tổ chức phức tạp hơn ( như câu-lạc bộ, đoàn thể, nhóm tự giúp, tổ chức xã hội, trường học,
bệnh viện, trại giam, xí nghiệp…). Mục tiêu là phối hợp và huy động tài nguyên để cung cấp sản phẩm hay dịch vụ. Khi làm việc ở cấp này, nhân viên xã hội chú trọng đến sự thay đổi của tổ chức hơn là những cá nhân.
- Nhân viên xã hội có thể cung cấp tài nguyên như dịch vụ tư vấn, thông tin, đào tạo, phát triển nhân sự, giúp lên kế hoạch và lượng gía.

Thực hành ở cấp vĩ mô :

- Thực hành ở cấp cộng đồng, xã hội.
- Nhắm đến sự phát triển xã hội và thay đổi nhằm cải thiện cuộc sống của người dân.
- Nhân viên xã hội quan tâm các thành phần kém may mắn trong cộng đồng và có thể tham gia vào việc thiết lập các chính sách xã hội, bảo vệ môi trường hay hợp tác quốc tế.


GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TRONG CÔNG TÁC XÃ HỘI


Ví dụ : Một phụ nữ bị bạo lực và nhờ nhân viên xã hội giúp đỡ.

Thực hành ở cấp vi mô:

Cá nhân : Cá nhân người phụ nữ này nhận được sự hỗ trợ
----------------------------------------------------------
Gia đình : Tham vấn gia đình, có thể bao gồm người phụ nữ này, người chồng, các con, và các thành viên khác trong hộ hay gia đình mở rộng.
-----------------------------------------------------------
Nhóm nhỏ : Dùng nhóm để giúp cá nhân như phụ nữ bị bạo lực, người chồng bạo lực, các con sống trong hoàn cảnh bạo lực.

Thực hành cấp trung mô:

Nhóm chính quy : Tham vấn nhóm tự giúp do người phụ nữ bị bạo lực thành lập để được đáp ứng nhu cầu.

Thực hành ở cấp vĩ mô

Cộng đồng : Tác động đến những người cùng vấn đề trong cộng đồng, tìm tài nguyên hỗ trợ ( như nhà tạm lánh ) nhằm thay đổi hoàn cảnh.
----------------------------------------------------------------------------
Xã hội : Thay đổi chính sách, luật pháp như luật liên quan đến phụ nữ


Khi nhân viên xã hội can thiệp ở mọi cấp độ thực hành như thế, đó là cách tiếp cận hội nhập ( integrated approach ).
Ngoài ra, nhân viên xã hội có thể :
- làm thay đổi cách nhìn của các giới chức chính quyền về người dân nghèo.
- Thông hoạt mối quan hệ tương tác giữa người dân và chính quyền trong việc giải quyết các nhu cầu(ví dụ nhu cầu nhà ở )
- Huy động và thiết lập tài nguyên ( bán nguyên vật liệu rẽ ), liên kết cộng đồng với các tổ chức và dịch vụ sẳn có.
- Phát triển tiềm năng cộng đồng bằng cách thúc đẩy hoạt động của khu vực phi chính quy.
- Thành lập các nhóm tín dụng tăng thu nhập.
- Thành lập các chương trình phát triển kỹ năng.
- Cải thiện nước sạch, vệ sinh môi trường.
- Phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.
- ….
Đó là những hoạt động được gọi là phát triển cộng đồng ở cấp thực hành vĩ mô

Nguyễn Ngọc Lâm

Nhân viên xã hội


Nhân viên xã hội làm gì ?
Nhằm làm cho môi trường đáp ứng được các nhu cầu cho con người, nhân viên xã hội :
- làm việc với cá nhân hoặc nhóm
- làm việc với nhóm có cùng vấn đề
- Giúp cộng đồng nhận diện nhu cầu của mình, phát triển kỹ năng và tìm kiếm tài nguyên để thỏa mãn các nhu cầu ấy.
Phương cách chính của nhân viên xã hội là tăng năng lực cho cá nhân và nhóm để họ có khả năng tốt hơn và đạt các mục tiêu của mình.

Các mục tiêu của công tác xã hội bao gồm những gì ?

1. Tăng cường chất lượng cuộc sống.
2. Giúp người dân thỏa mãn nhu cầu hoặc giải quyết vấn đề của họ.
3. Giúp người dân tìm kiếm tài nguyên để thỏa mãn nhu cầu của họ.
4. Giúp xây dựng một cộng đồng biết đáp ứng nhu cầu của người dân.

Nhân viên xã hội phải làm như thế nào để đạt được các mục tiêu này ?

Tiến trình giải quyết vấn đề :

- Tiến trình giúp thân chủ chọn lựa và trở nên tự quyết hơn vì mọi người đều mong muốn phát triển khả năng, hành động một cách độc lập, tự do và biết lấy quyết định.
- Công việc của NVXH : thảo luận, phân tích vấn đề, hướng dẫn, giúp TC nhận diện vấn đề, cung cấp thông tin, can thiệp ở nhiều cấp độ tùy vào tính chất của vấn đề, quan tâm đến hệ thống thân chủ ( sơ đồ gia tộc )
- NVXH cần quan tâm đến thân chủ như “ con người trong bối cảnh” ( sơ đồ sinh thái ) hay “ con người trong môi trường” vì vấn đề của họ có liên quan đến nhiều yếu tố tác động: gia đình, công việc, cộng đồng hoặc yếu tố sinh lý, sức khỏe, kinh tế, văn hóa xã hội. Tóm lại, đó là sự thiếu thích nghi giữa con người và môi trường xã hội.

Nhân viên xã hội trong tiến trình giải quyết vấn đề nhắm vào các mục tiêu gì ?

1. Tăng cường khả năng giải quyết vấn đề của thân chủ ( giúp TC có cái nhìn khác nhau về vấn đề, thấy được mặt mạnh của mình và các tài nguyên để giải quyết vấn đề.).
2. Huy động được tài nguyên ( pháp lý, y tế, nước sạch…)
3. Tác động đến các tổ chức để hỗ trợ thân chủ.
4. Thông họat các mối tương tác giữa cá nhân và người khác trong môi trường của họ.
5. Tác động đến các mối quan hệ tương tác giữa các tổ chức và các định chế.
6. Tác động đến các chính sách xã hội ảnh hưởng đến môi trường sống của họ.

Công tác xã hội trong môi trường xã hội là gì ?

Các cấp độ của môi trường :
1. Cấp vi mô : cấp cá nhân, nhóm nhỏ và gia đình.
2. Cấp trung mô : trường học, đòan thể, tổ chức, cộng đồng.
3. Cấp vĩ mô : gía trị văn hóa, định chế xã hội ( giáo dục, tôn giáo, chính trị, an sinh xã hội, kinh tế ).
Vấn đề là tìm nguyên nhân, tài nguyên và những cản trở ở nhiều cấp độ khác nhau.

Thế nào là một môi trường hỗ trợ ?

Đó là môi trường thỏa mãn được các nhu cầu cơ bản của con người.
Nhu cầu tối thiểu cho gia đình được sinh tồn ( ăn, mặc, ở…)
Được cung cấp các dịch vụ chủ yếu : nước sạch, vệ sinh, điện, đi lại,sức khỏe, giáo dục.
Tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng đến chính họ.
Công ăn việc làm vừa là phương tiện vừa là cứu cánh của chiến lược nhu cầu cơ bản.
Thỏa mãn các nhu cầu cơ bản trong mạng lưới thông thóang về quyền con người.

Tại sao nhân viên xã hội phải thiết lập mối quan hệ hỗ trợ tốt với thân chủ ?

- Vì đó là mối quan hệ chính thức, dựa trên vai trò chuyên môn của nhân viên xã hội. Nhân viên xã hội phải gác sang một bên nhu cầu của bản thân mình để tập trung vào nhu cầu của thân chủ.
- Đặc điểm của mối quan hệ hỗ trợ là : mức độ quan tâm, sự thấu cảm, tôn trọng, chấp nhận và lắng nghe.
- Sự hiểu biết về bản thân mình giúp nhân viên xã hội nhận thức rõ về cách nhìn các vấn đề bên ngoài theo kinh nghiệm bản thân, theo ta cảm thụ thế giới riêng bên ngoài.Cách nhìn vấn đề thường ở 3 mức độ :
- Mức độ cá nhân : cách nhìn tùy theo kinh nghiệm đã trải qua trong qúa khứ và đó cũng là cách ta nhìn thế giới bên ngoài.
- Mức độ văn hoá :mỗi người cảm thụ thế giới bên ngoài theo cách riêng của mình và do ảnh hưởng văn hoáa khác nhau,
- Mức độ nghề nghiệp : do được đào tạo chuyên nghiệp, nên nhân viên xã hội đã thay đổi cách nhìn :
* Nhìn nhận một cách khách quan, dẹp bỏ cái tôi sang một bên.Nhân viên xã hội cần biết nhiều điều và phải sẳn sàng với những điều mà mình chưa biết .

* Nhìn cái cũ với con mắt mới.
* Nhìn vấn đề từ nhiều gốc cạnh khác nhau.Chúng ta nên thay đổi chổ đứng để nhìn vấn đề và thay đổi nhận thức trong đầu để nhìn vấn đề.Đồng thời, nhân viên xã hội cũng giúp thân chủ có một cái nhìn từ góc độ mới đối với mình cũng như với những người có liên hệ đến thân chủ.
Nguyễn Ngọc Lâm

AN SINH XÃ HỘI


1. An sinh xã hội là gì ?

Hệ thống các biện pháp thực thi bởi các tổ chức xã hội hay Nhà nước, bao gồm chính sách và luật pháp, chương trình, quyền lợi và dịch vụ đáp ứng các nhu cầu của con người.
Quá trình liên quan đến việc giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội, sự phát triển tài nguyên nhân lực và cải tiến chất lượng cuộc sống ( cá nhân không những phải được đáp ứng các nhu cầu cơ bản mà còn được phát huy tối đa và hòa nhập một cách tốt đẹp vào xã hội ).

2. Hệ thống an sinh xã hội phát triển như thế nào ?

Hệ thống an sinh xã hội là sản phẩm của hệ thống xã hội, lịch sử, văn hóa của một xã hội. Nó liên quan đến các yếu tố :
- Phát triển kinh tế
- Lịch sử xã hội
- Địa lý
- Hệ thống chính trị và cấu trúc
- Các phương pháp cổ truyền để đáp ứng các nhu cầu xã hội.
- Các giá trị và niềm tin.

3. Các nhu cầu an sinh xã hội được đáp ứng như the nào tại các nước đang phát triển ?

- Nhu cầu cá nhân được xem như là một phần của các nhu cầu của xã hội theo nghĩa rộng.
- Hộ gia đình là trung tâm của nền sản xuất kinh tế, phân phối và tiêu thụ.
- Các nhu cầu được đáp ứng qua sự cố gắng hợp tác liên kết trong gia đình mở rộng , làng xã, cộng đồng. Các thành viên cùng hưởng mức an sinh như nhau.
- Giòng họ có trách nhiệm và bổn phận phải chu tòan.

4. Các quan niệm về an sinh xã hội ở các nước trên thế giới có gì khác nhau không ?

Các quan niệm đều không giống nhau, có thể nêu :

1. Quan niệm hạn hẹp :

Cá nhân và gia đình chịu trách nhiện chính về an sinh.
Nghĩ rằng lo an sinh nhiều thì người dân lệ thuộc vào nhà nước, nên quyền lợi của họ chỉ ở mức tối thiểu.
Chỉ hỗ trợ khi gia đình và cộng đồng không còn khả năng giúp đỡ.
An sinh được xem như là đặc ân hơn là quyền được hưởng.

2. Quan niệm theo định chế :

- Xã hội chịu trách về nền an sinh của người dân.
- An sinh được xem là quyền của mọi người.
- An sinh được quan tâm từ lúc được sinh ra cho đến lúc mất.
- Từ từ chuyển trách nhiệm của nhà nước sang lãnh vực tư nhân.

3. Quan niệm theo phát triển :

- An sinh là quyền cơ bản.
- An sinh là một phần của các định chế xã hội ( sức khỏe, giáo dục, nông nghiệp, việc làm…) có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và trình độ vận hành của xã hội.
- An sinh quốc gia là phương tiện cơ bản để thực hiện công bằng xã hội.
- Khuyến khích các họat động của các nhóm tự giúp và các hợp tác xã kinh tế.
- Nhận thức nhiều hơn về phát triển xã hội và sự liên kết của cộng đồng quốc tế trong việc xóa đói giảm nghèo.

5. Thế nào là công bằng xã hội ?

- Tiếp cận các tài nguyên
- Không bị phân biệt đối xử
- Có cơ hội đồng đều
- Tham gia và dân chủ
- Hoạt động cộng đồng
- Trách nhiệm cộng đồng

Ngân hàng ký ức


Các bạn xem cái ảnh minh họa trên kia của mình và thử nói xem đấy là cảnh gì, hoàng hôn hay bình minh?

Ngân hàng ký ức

* Mình nhớ trong thời gian mình theo học khóa Luật Mỹ của University of Florida, có môn học về kỹ thuật đàm phán. Trong một bài giảng, ông thầy đưa ra một bức tranh, một bức chân dung phác họa bẳng những nét rất đơn giản, và hỏi cả lớp xem bức tranh vẽ gì. Đứa thì bảo đây là bức tranh vẽ một cô gái, đứa thì bảo là tranh vẽ một phụ nữ trung niên, đứa thì bảo là tranh một người lớn tuổi! Cả lớp cứ nhao nhao lên. Ai cũng ngạc nhiên tại sao cái mình nhìn rành rành là một cô gái mà người khác lại có thể nhìn ra là một phụ nữ lớn tuổi được, và ngược lại.
Mình nhớ mãi bài tập này. Nó nhằm mục đích cho bọn mình hiểu rằng: cùng một sự vật rất cụ thể, mỗi người có thể nhìn nhận khác nhau, tùy theo kinh nghiệm cá nhân và những dữ liệu có sẵn trong óc của mỗi người! Do đó khi đàm phán, cùng một dữ kiện, hai bên đàm phán có thể nhìn nhận khác nhau. Muốn đàm phán tốt thì phải để cho bên kia biểu lộ trước những mong đợi dựa trên kinh nghiệm cá nhân của họ. (Ví dụ khi ký một hợp đồng, bạn tưởng những điều kiện như thế là hời lắm rồi, vì từ trước đến nay bạn chưa ký được hợp đồng nào hời hơn thế. Nhưng chưa chắc, có khi bên kia có thể sẵn sang chập nhận điều kiện tốt hơn nữa cho bạn, vì đối với họ điều kiện đó chưa phải là cao.)
Bài tập này có thể áp dụng không chỉ trong đàm phán. Một bức tranh sờ sờ ra đấy, mà mỗi người còn nói một phách, nữa là trong cuộc sống, những sự kiện xảy ra quanh mình còn đa dạng và phức tạp đến thế nào! Những gì mình cảm nhận chưa chắc đã là “chân lý”, là những gì mà người khác cảm nhận. Tất cả phụ thuộc vào kinh nghiệm của mình, là góc nhìn của mình đối với sự việc đó.
Kinh nghiệm của mình là gì? Là những gì mình lưu giữ trong óc về chuyện đó. Mình đọc ở đâu đó rằng bộ óc của con người giống như một tài khoản ngân hàng, hàng ngày bạn gửi vào đó những ý nghĩ tốt và xấu, tích cực và tiêu cực. Những ý nghĩ này phát triển dần và ghi sâu vào bộ nhớ của bạn, nằm trong tiềm thức của bạn. Khi gặp 1 vấn đề và tìm cách xử trí nó, bộ não bạn sẽ lôi ra những thông tin đã được tích trữ từ trước đó về vấn đề này.
Rất may đó là ngân hàng CỦA BẠN chứ không phải của ai khác. Và chuyện hàng ngày gửi vào đó cái gì là phụ thuộc vào bạn. Bạn có thể điểu khiển bộ óc của mình như quản lý một tài khoản. Cách tốt nhất là: hàng ngày, hãy gửi vào tài khoản của mình những ý nghĩ tích cực! Trước khi đi ngủ, hãy nghĩ về những điều tốt đẹp dễ thương, những niềm vui nho nhỏ mà bạn gặp trong ngày.
Những người luôn ghi nhớ những điều tiêu cực, khó chịu thì chúng sẽ ăn sâu vào trí óc họ, hủy hoại họ. Khi gặp vấn đề gì đó, họ chỉ lôi ra được toàn những thứ làm họ nản lòng, nhụt chí, làm họ cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, thiếu tự tin.
Bạn muốn rút ý nghĩ gì thì bộ não sẽ chiều theo ý bạn. Nếu bạn nghĩ: “Đời này toàn chuyện dối gian xảo trá, chả tin được bố con thằng nào, một mét vuông có đến 2 thằng ăn cắp blabla…”, thì bộ não lập tức rút ra cho bạn một lô thông tin mà nó đã tích tụ bao lâu nay dể chứng minh điều ấy. Nhưng nếu bạn nghĩ “Có rất nhiều người tốt đẹp, trung thực, những tấm lòng cảm động…” thì bộ não cũng lôi ngay ra được một lượng thông tin nhiều không kém về điều đó. Bộ não của bạn rất trung thực, nó hoàn thành đúng nhiệm vụ của mình, vấn đề là bạn sử dụng nó như thế nào mà thôi!
Có một điều rất quan trọng. Theo nhà tâm lý học – bác sỹ Melvin Hattwick thì khi con người có cảm giác thoải mái, dễ chịu, vui vẻ về một chuyện gì đó, trí óc có xu hướng muốn ghi nhớ nó. Khi bạn có cảm giác khó chịu, bộ óc có xu hướng muốn quên nó đi vì điều đó trái ngược với điều mà chúng ta mong muốn. Như vậy bộ óc của chúng ta thực sự là rất có thiện chí, và nếu bạn muốn thực sự quên đi cảm giác khó chịu thì không có gì là khó khăn cả. Những ý nghĩ và kinh nghiệm tiêu cực chỉ có thể làm hại bạn nếu bạn cứ khăng khăng muốn ghi nhớ nó, ôm khư khư lấy nó thôi!
Có người ví ký ức giống như một miếng pho mát thủng lỗ chỗ, có những khoảng tối khoảng sáng… Mình thì thấy rằng trên đời có rất nhiều loại pho mát, ăn pho mát Thụy Sĩ thủng lỗ chỗ hay ăn pho mát Anh là quyền của bạn, phụ thuộc vào sự lựa chọn của bạn và chỉ bạn mà thôi!
* Nhân đây thì tám thêm mấy dòng về cách cảm nhận niềm vui. Một anh người quen nói với mình rằng khoảng thời gian sung sướng nhất khi đi mua một cái xe mới là 30’ trước khi quyết định, lúc cái xe còn chưa thuộc về mình, mình còn đang ngắm nghía sờ nắn nó, tưởng tượng ra là mình sẽ lái nó như thế nào… Chứ lúc mua xong rồi thì lại ko sướng bằng. Mình thấy cái niềm vui đi mua xe của anh bạn cũng chả khác gì mấy cái niềm vui chờ đợi lá lốt để làm món tôm nướng của mình, cảm giác mong chờ, tưởng tượng ra cái món ấy nó sẽ thơm ngon thế nào, mình sẽ cuốn thịt với tôm thế nào, những lát khế sẽ mỏng tang long lanh thế nào… Có khác là ở chỗ anh bạn phải bỏ ra cả đóng tiền mới rước được nàng Lexus về dinh, còn mình thì chả tốn bao nhiêu, hihi
Niềm vui của một tỉ phú khi kiếm được một triêu Euro (hehe bây giờ ko thèm nhắc đến $ nữa nhá) chắc gì đã hơn niềm vui của một em bé bán vé số khi kiếm được 50 ngàn VND? Với mình, thực sự việc bây giờ bán được một cái nhà cũng không hơn gì niềm vui thời xa xưa khi bán được một chiếc áo phông trong trời giá lạnh. Có khi ngày xưa mình còn thấy phấn khích hơn ấy chứ. AQ – chồng vủa ML (một trong các diva của VN) sau khi học xong ở Nga cũng từng sang Ba Lan đứng bán hàng lẻ ở Warsaw, và mình tin cái cảm giác có được vài trăm triệu bây giờ của anh chưa chắc đã hơn cái cảm giác kiếm được vài trăm $ dưới đường hầm Marymoncka năm nào…
* Tự nhiên mình lảm nhảm mấy chuyện này, cũng vì hồi này sao thấy nhiều người bị down quá. Mình mong mọi người sớm lấy lại được thăng bằng, vui vẻ yêu đời trở lại.
Khi gặp chuyện gì thật buồn thì mình hay tìm một chỗ nào thật cao, ví dụ như quán cà phê trên tầng 30 của Marriott chẳng hạn (đừng lên cung văn hóa nhé, có đi gặm nhấm thú đau thương thì cũng nên kiếm chỗ ấm áp đẹp đẽ 1 tí, hihi ). Nhìn xuống những dòng xe, những con người nhỏ li ti ở bên dưới và thử nghĩ xem, đó là bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu số phận, trong số họ có bao nhiêu người đang mắc bệnh hiểm nghèo, bao nhiêu người vừa mất người thân, bao nhiêu người thất tình, bao nhiêu người bên bờ phá sản??? Và thử nhìn lại cái vấn đề của mình xem, có khi mấy phút trước nó còn to như cái đình, bây giờ chỉ còn bé xíu bằng 1 phần mấy của những người bé xíu dưới kia thôi.
Mẹo này đơn giản mà khá hữu hiệu, nhất là về sau, thực sự mình chả cần phải leo lên cao mới lấy lại được tinh thần, nhưng vẫn có cớ để…. đi uống cà phê và ngắm phố phường, hihi
* Trong 1 thời gian khủng hoảng nhất, đau khổ nhất, có một câu nói của anh xã đã „giác ngộ” cho mình: „Cuộc sống này ngắn ngủi lắm”. Đúng thế, cuộc sống này rất ngắn ngủi, mà cuộc đời thì bao la rộng lớn biết bao nhiêu! Tại sao con người lại cứ phải chìm đắm trong đau khổ, hủy hoại bản thân và những người xung quanh vì những điều không xứng ý toại lòng? Những gì không may, không vừa ý, không thỏa mãn, những người „xấu chơi” với mình, những kẻ gian dối, hai mặt… hãy gạt tất cả sang bên, như quét đi rác rưởi trên con đường mình đang đi, để chúng không có cơ hội làm bẩn, làm ô nhiễm cuộc sống của mình. Bởi vì con đường thì rất dài, mà thời gian quá ít. Bởi vì không có gì trên đời này quý giá hơn cuộc sống và hạnh phúc của chính mình. Mà hạnh phúc hay đau khổ thực chất phụ thuộc vào thái độ của mình đối với cuộc sống, chứ không phải vào những yếu tố bên ngoài: một anh/chị abc nào đấy, hay một sự việc xyz nào đấy.
* Rất may là bộ não của chúng ta luôn làm việc theo định hướng của ta. Ví dụ khi ta suy nghĩ tích cực, thì nó sẽ luôn thu thập các “chứng cớ” tích cực cho ta. Nhưng khi ta suy nghĩ tiêu cực, thì nó cũng lại luôn thu thập các chứng cớ cho cái điều tiêu cực ấy. Bạn nghĩ hôm nay là ngày xui xẻo thì não bạn sẽ thu thập toàn các chứng cớ xui xẻo cho bạn ngay: đi đường gặp nhiều đèn đỏ thế, trời sao lạnh thế (hay nóng thế), cái bà bán thịt sao mà đanh đá thế v.v…. Nhưng suy nghĩ tích cực hay tiêu cực là phụ thuộc vào bạn, bắt bộ não phải làm việc cho mình, thu thập những chứng cớ tích cực cho mình, là quyền lợi mà bạn hoàn toàn có thể lựa chọn.
Có 1 số bạn bảo rằng mình “nói mạnh” được vì mình may mắn, ko phải ai cũng may mắn như mình. Mình quen thành công rồi thì mình ko hiểu được những người nghèo khổ đâu, mình là con một nên được chiều chuộng v.v… Thế là các bạn chưa biết đấy, có những lúc mình đã từng vất vả khổ sở lắm, cả về vật chất lẫn tinh thần. Có thời gian mình đã từng đứng bán hàng trong tuyết lạnh, có thời gian chỉ có 2 mẹ con mình ở với nhau ở bên này, mẹ bị gãy tay phải mổ trong bệnh viện, 1 mình mình vừa lo cho mẹ, vừa đúng đợt học thi… đại khái những chuyện như thế. Nhưng chưa bao giờ mình đánh mất lòng lạc quan cả. Nhiều người về sau cứ hỏi mình: sao mình qua được những lúc như thế? Nhưng tự mình lại ko cảm thấy như thế là khổ.
Và ngược lại, cũng có những lúc mình có thể lựa chọn một con đường đi dễ dàng hơn nhiều nếu dựa vào bố mẹ. Nhưng mình ko thích thế, mình muốn tự làm lấy mọi thứ hơn.
Mình chỉ nghĩ đơn giản thế này thôi: mình cố gắng hết sức trong hoàn cảnh hiện tại, làm tất cả những gì có thể để cải thiện nó, để sau này mình không ân hận là đã ko cố gắng, đã bỏ phí thời gian. Còn kết quả nó được đến đâu thì thực sự là mình ko thấy quan trọng. Quan trọng nhất là cảm giác mình đã cố hết sức rồi, ko còn gì ân hận nữa, thế thôi. Chứ nếu cứ bất mãn vì cái nọ cái kia ko/chưa đạt được thì mệt lắm, và phí thời gian của mình.
Mình mong ai cũng được bình an và vui vẻ trong tâm hồn.

Tác giả: Lilia

Nguồn: laxanhvn.com/blog

26 tháng 3, 2008

Vai trò và các kỹ năng của nhân viên xã hội trong CTXH nhóm


1. Vai trò của nhân viên xã hội trong công tác xã hội nhóm

Vai trò của NVXH trong phương pháp này không phải chủ yếu là tác động vào cá nhân mà vào tiến trình nhóm, có nghĩa là như ở phần thành lập nhóm, NVXH nghiên cứu kỹ thành phần nhóm viên, giúp nhóm xác định mục tiêu thì ở đây vai trò của NVXH là tìm hiểu cơ cấu hình thức và phi hình thức của nhóm và giúp cho hai cơ cấu nhích lại gần nhau. Có nhiều cách tìm hiểu cơ cấu phi hình thức. Trước tiên là quan sát: trong nhóm ai thân với ai, ai cùng nhau tới sinh hoạt, thái độ của nhóm viên đối với trưởng nhóm chính thức ra sao, ai ủng hộ hay phản đối, tại sao, ai bị cô lập? Trong buổi thảo luận ai hay rù rì với ai, ai nhìn nhau, ai củng cố hay phản bác ý kiến của ai? Trong công tác ai giúp đỡ ai, ai không chịu giúp ai?

Ngoài sinh hoạt nhóm ai đi chơi với ai hay tới nhà ai... Có một cách tìm hiểu khá nhanh và chính xác nhưng đòi hỏi kỹ năng chuyên môn. Đó là một trắc lượng xã hội (sociogram). Bằng một câu hỏi cho mỗi nhóm viên bạn sẽ vẽ được sơ đồ các mối quan hệ trong nhóm. Câu hỏi đó là:

Bạn thích chơi với ai nhất và
Bạn thích làm việc với ai nhất

Ví dụ : Hạnh có vẻ được nhiều uy tín nhất với 5 thành viên vừa muốn cùng chơi và làm việc. Đức có vẻ là một “hoạt náo viên” vui chơi với tánh tình chắc là vui vẻ dễ dàng nhưng không phải là một người có thể trông cậy vào được về mặt công tác. Duyên có vẻ là một người hơi nghiêm túc, người ta thích cùng cộng tác mà không ai thích chơi. Mai đặc biệt không ai muốn cùng chơi hay cùng làm và Mai có thể bị cô lập. NVXH nên tìm hiểu vì sao?

Nếu Hạnh chính thức cũng là trưởng nhóm thì NVXH có thể yên tâm là nhóm đã lựa chọn đúng lãnh tụ của mình. Nếu trưởng nhóm chính thức là một nhân vật khống chế tập thể hay quá bất tài, NVXH có thể từ từ giúp nhóm viên công nhận điều đó và có thể cởi trói về mặt thủ tục hay thói quen và quan hệ để bầu ra người khác khi thuận lợi.

NVXH có nên làm trưởng nhóm không? Vai trò lý tưởng của NVXH là xúc tác viên, khuyến trợ viên còn chính thức lãnh đạo nhóm nên là một trong các nhóm viên. Tuy nhiên sự can thiệp chính thức của NVXH tùy thuộc vào hoàn cảnh và trình độ phát triển của nhóm. Ví dụ với những đối tượng có vấn dề tâm lý nặng tham gia với mục đích trị liệu hay trẻ em còn nhỏ, vai trò NVXH gần như là trung tâm. Với một CLB thanh niên, một nhóm hành động ở địa phương NVXH, là một người tư vấn. Dù về mặt chính thức chủ động hay thụ động, NVXH cũng cần vận dụng kiến thức kỹ năng chuyên môn để hỗ trợ và đưa nhóm đến mục tiêu.

Nguyên tắc tự quyết cũng phải được áp dụng trong nhóm và tinh thần phụ thuộc của nhóm cần được khắc phục dần dần.

Trong suốt thời gian sinh hoạt nhóm, NVXH sẽ có dịp hiểu rõ hơn các đối tượng, phát hiện thêm những nhu cầu, khó khăn của từng cá nhân. Có người sẽ cần sự tiếp xúc riêng, có trường hợp trẻ có vấn đề, NVXH phải tiếp tục tới thăm gia đình, làm việc với phụ huynh. Như thế, phương pháp CTXH với cá nhân cũng được vận dụng để hỗ trợ phương pháp nhóm.
NVXH phải ghi chép diễn tiến nhóm trong và ngoài các buổi sinh hoạt (nếu có tiếp xúc riêng). Nhờ sự ghi chép này, NVXH nắm bắt diễn tiến nhóm, phản ứng, cảm xúc của nhóm viên, và sau mỗi lần sinh hoạt có thể lượng giá và điều chỉnh sự việc để buổi sinh hoạt sau được tốt hơn. Ví dụ khi ghi lại một buổi sinh hoạt, NVXH chú ý đến sự kiện một em bé không được các em khác quan tâm đến. Lần tới, NVXH sẽ nhờ một trẻ tích cực cùng chơi và giúp đỡ em.

Quan sát là công cụ quan trọng giúp NVXH nhạy bén với diễn tiến phát triển của nhóm.

Một số vai trò cụ thể của nhân viên xã hội :

· Tìm hiểu cơ cấu chính thức và phi chính thức để giúp hai cơ cấu này cộng tác với nhau

· Tác động vào mối tương tác giữa các thành viên : Nếu một nhóm viên bị bỏ rơi thì NVXH phải can thiệp, tạo điều kiện đưa họ hòa nhập vào nhóm và làm việc riêng với các nhóm viên khác để họ thay đổi thái độ với nhóm viên này. Nếu không giải quyết được thì bắt buộc phải chuyển nhóm viên này qua nhóm khác.

· NVXH giúp nhóm viên có kỹ năng diễn đạt.

· Nhân viên xã hội cần phải am hiểu tâm lý của từng người

· Phát hiện nhu cầu cầu, khó khăn của từng nhóm viên

· Hỗ trợ nhóm xây dựng chương trình hoạt động : Nên để nhóm chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động.

· Xác định vai trò của mình : Khi nào là xúc tác ? khi nào là lãnh đạo.

Khi nào nhân viên xã hội can thiệp vào nhóm :

· Can thiệp khi nhóm đi lệch mục tiêu của buổi thảo luận nhóm ( vai trò giữ cửa)

· Can thiệp khi nhóm có mâu thuẩn, xung đột. NVXH làm rõ ý kiến của hai bên, giải thích, giúp hai bên tìm điểm chung để có thể thoả hiệp.

· Can thiệp khi truyền thông bị tắc nghẽn (hiểu sai ý của người khác, dùng từ xúc phạm…): NVXH can thiệp bằng cách đính chính lại câu nói, giúp nhóm viên dùng từ thích hợp, nhẹ nhàng hơn, tránh những câu nói mang tính phê phán con người (nói sự kiện thì tốt hơn).

· Khi có thiểu số thống trò nhóm và áp đặt số còn lại, NVXH tìm hiểu xem những cá nhân đó vô tình hay cố ý, tập huấn cho nhóm về sự hài hòa trong tham gia nhóm.

· Có người nói nhiều quá, những người còn lại sẽ thụ động, NVXH phải gặp riêng người đó và một cách tế nhị

· Khi trường hợp có nhóm viên đặt câu hỏi, NVXH nên chuyển câu hỏi này về các nhóm viên khác để trả lời, không nên tự trà lời hết những thắc mắc của nhóm viên, điều này giúp tăng sự tương tác và tạo cơ hội cho từng nhóm viên có cơ hội phát triển.

· Có hiện tượng ngôi sao (có uy tín, giỏi), NVXH phải giúp cho họ biết che giấu mình hơn để tránh sự lệ thuộc của các nhóm viên khác, nếu không được thì có thể chuyển họ qua nhóm khác cùng trình độ.

Tóm lại, vai trò của nhân viên xã hội được thể hiện tùy thuộc vào mục tiêu nhắm vào sụ thay đổi ở cá nhân, nhóm hay cộng đồng.

2. Các kỹ năng trong công tác xã hội nhóm

Để có những kỹ năng hiệu quả thì nhân viên xã hội phải được đào tạo chuyên môn, nắm vững lý thuyết (Tâm lý nhóm, truyền thông trong nhóm, công tác xã hội cơ bản, công tác xã hội nhóm) có kinh nghiệm làm việc ở các nhóm lấy quyết định, nhóm trị liệu, nhóm tự giúp hoặc nhóm giải quyết vấn đề…Những kinh nghiệm được thu thập qua quan sát, qua làm trực tiếp và rút ra những bài học từ thực tế sinh động và đa dạng ở những môi trường khác nhau, các đối tượng và lứa tuổi khác nhau.

Công tác xã hội nhóm là một hoạt động khá phức tạp nhiều so với công tác xã hội cá nhân vì nó mang nhiều yếu tố biến đổi cần phải quan tâm như : cá nhân thành viên nhóm, tiểu nhóm, toàn nhóm, mục đích của nhóm, môi trường bên ngoài của nhóm, chương trình hoạt động, cơ sở hoạt động và yếu tố quan trọng là năng động nhó, bầu khí của nhóm. Thật không dễ dàng để trông coi cùng lúc, tập trung vào các thành viên nhóm, cá nhân hay tập thể nhóm và vượt qua được những cảm xúc được khơi dậy trong người mình. Do đó đôi khi cũng cần một người đồng nghiệp phụ giúp. Nhưng người phụ giúp có khi làm rối ren thêm do mối quan hệ với nhóm hoặc do không thống nhất trong cách can thiệp. Cách tốt nhất là nếu chúng ta gặp khó khăn là chúng ta gặp một người có chuyên môn để được tư vấn thêm.

Ngoài ra, trong công tác xã hội nhóm, những kỹ năng cơ bản cần có là :

· Kỹ năng điều hành nhóm
· Kỹ năng truyền thông
· Kỹ năng quan sát
· Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn
· Kỹ năng viết báo cáo
· Kỹ năng đánh giá và nhận diện vấn đề.

3. Một số vấn đề cần quan tâm trong công tác xã hội nhóm

3.1. Những điều nên làm

· NVXH cần có kiến thức về nhóm (tâm lý nhóm, năng động nhóm, kỹ năng sinh hoạt nhóm, tổ chức nhóm, cơ cấu nhóm (chính thức và phi chính thức)

· Nắm vững các nguyên tắc hành động và vận dụng vào trong CTXH nhóm một cách linh động, hiệu quả. NVXH hoạt động cùng với nhóm theo một tiến trình, tuy nhiên cần linh hoạt theo tình huống.

· Cùng với nhóm xác định mục tiêu chính của nhóm, mục tiêu này dựa trên nhu cầu của nhóm.

· NVXH là người chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp thông tin cho nhóm

· Hòa giải, củng cố nhóm khi có xung đột, mâu thuẩn

· Tùy theo quá trình của nhóm mà NVXH cần phải xác định rõ ràng vai trò của mình chất xúc tác hay người lãnh đạo.

· NVXH cần ghi chép đầy đủ, rõ ràng những diễn tiến trong quá trình sinh hoạt nhóm, cần nắm rõ giai đoạn phát triển của nhóm .

· Tăng cường sự gắn bó, chấp nhận của nhóm viên (quan hệ cởi mở và bình đẳng ) , truyền thông, tạo sự tương tác giữa các thành viên, tạo bầu không khí tự do, thoải mái để nhóm viên có thể thể hiện những ức chế cá nhân và nhu cầu cá nhân

· Tăng cường lòng tin và giảm sự thù địch lẫn nhau (tạo thói quen hợp tác nhóm).

· Huy động tài nguyên, tiềm năng.

· Sắp xếp kế hoạch nhóm một cách khoa học.

· Giúp cho những tranh luận tập trung vào vấn đề hiện tại.

· Thúc đẩy thực hiện mục tiêu lâu dài của nhóm .

· Cần linh động khi giải quyết mâu thuẩn.

· Tôn trọng ý kiến của từng cá nhân .

· Theo dõi chỉ báo của các mục tiêu cụ thể (quan tâm đến việc thay đổi hành vi, giúp cá nhân đánh giá được hiệu quả của công việc và lượng giá cuối.)

· Thúc đẩy sự sáng tạo trong nhóm, khuyến khích đưa ra nhiều ý kiến hay.

3.2. Những điều không nên làm

· không áp đặt theo ý của NVXH.
· Không giải quyết thay nhóm (NVXH không ôn đồm).
· Không nên để cho nhóm viên hướng theo mục tiêu riêng (lệch mục tiêu).
· Không nên để cho nhóm phân chia thành những nhóm nhỏ mà phải đoàn kết.
· Khi thành lập nhóm, số lượng không quá đông .
· Không nên để cho nhóm viên cảm thấy căng thẳng ( không thoải mái).
· Trong nhóm tuổi tác, trình độ không quá chênh lệch
· Không nên để có trình trạng ngôi sao hoặc cô đơn xuất hiện
· Không nên để nhóm tan rã khi NVXH rời cơ sở
· Không nên để cho mục tiêu nhóm không rõ ràng
· Không để xuất hiện sự ỷ lại trong nhóm (phân công rõ ràng) khi hợp nhóm hoặc sinh hoạt nhóm không nên để cho thời gian kéo dài
· Không nên vi phạm nguyên tắc trong CTXH.
· Không nên bỏ qua những khả năng, tiềm năng của nhóm viên.
· Không nên chỉ trích nhóm viên trước mặt nhóm (cần sự góp ý một cách tế nhị)
· Không phân biệt, kì thị.
· Không nên để nhóm viên dán nhãn nhau.
· Không nên xúc phạm nhóm viên
· NVXH không nên là một người đầy quyền uy

Nguyễn Ngọc Lâm