Mình nhớ mãi bài tập này. Nó nhằm mục đích cho bọn mình hiểu rằng: cùng một sự vật rất cụ thể, mỗi người có thể nhìn nhận khác nhau, tùy theo kinh nghiệm cá nhân và những dữ liệu có sẵn trong óc của mỗi người! Do đó khi đàm phán, cùng một dữ kiện, hai bên đàm phán có thể nhìn nhận khác nhau. Muốn đàm phán tốt thì phải để cho bên kia biểu lộ trước những mong đợi dựa trên kinh nghiệm cá nhân của họ. (Ví dụ khi ký một hợp đồng, bạn tưởng những điều kiện như thế là hời lắm rồi, vì từ trước đến nay bạn chưa ký được hợp đồng nào hời hơn thế. Nhưng chưa chắc, có khi bên kia có thể sẵn sang chập nhận điều kiện tốt hơn nữa cho bạn, vì đối với họ điều kiện đó chưa phải là cao.)
Bài tập này có thể áp dụng không chỉ trong đàm phán. Một bức tranh sờ sờ ra đấy, mà mỗi người còn nói một phách, nữa là trong cuộc sống, những sự kiện xảy ra quanh mình còn đa dạng và phức tạp đến thế nào! Những gì mình cảm nhận chưa chắc đã là “chân lý”, là những gì mà người khác cảm nhận. Tất cả phụ thuộc vào kinh nghiệm của mình, là góc nhìn của mình đối với sự việc đó.
Kinh nghiệm của mình là gì? Là những gì mình lưu giữ trong óc về chuyện đó. Mình đọc ở đâu đó rằng bộ óc của con người giống như một tài khoản ngân hàng, hàng ngày bạn gửi vào đó những ý nghĩ tốt và xấu, tích cực và tiêu cực. Những ý nghĩ này phát triển dần và ghi sâu vào bộ nhớ của bạn, nằm trong tiềm thức của bạn. Khi gặp 1 vấn đề và tìm cách xử trí nó, bộ não bạn sẽ lôi ra những thông tin đã được tích trữ từ trước đó về vấn đề này.
Rất may đó là ngân hàng CỦA BẠN chứ không phải của ai khác. Và chuyện hàng ngày gửi vào đó cái gì là phụ thuộc vào bạn. Bạn có thể điểu khiển bộ óc của mình như quản lý một tài khoản. Cách tốt nhất là: hàng ngày, hãy gửi vào tài khoản của mình những ý nghĩ tích cực! Trước khi đi ngủ, hãy nghĩ về những điều tốt đẹp dễ thương, những niềm vui nho nhỏ mà bạn gặp trong ngày.
Những người luôn ghi nhớ những điều tiêu cực, khó chịu thì chúng sẽ ăn sâu vào trí óc họ, hủy hoại họ. Khi gặp vấn đề gì đó, họ chỉ lôi ra được toàn những thứ làm họ nản lòng, nhụt chí, làm họ cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, thiếu tự tin.
Bạn muốn rút ý nghĩ gì thì bộ não sẽ chiều theo ý bạn. Nếu bạn nghĩ: “Đời này toàn chuyện dối gian xảo trá, chả tin được bố con thằng nào, một mét vuông có đến 2 thằng ăn cắp blabla…”, thì bộ não lập tức rút ra cho bạn một lô thông tin mà nó đã tích tụ bao lâu nay dể chứng minh điều ấy. Nhưng nếu bạn nghĩ “Có rất nhiều người tốt đẹp, trung thực, những tấm lòng cảm động…” thì bộ não cũng lôi ngay ra được một lượng thông tin nhiều không kém về điều đó. Bộ não của bạn rất trung thực, nó hoàn thành đúng nhiệm vụ của mình, vấn đề là bạn sử dụng nó như thế nào mà thôi!
Có một điều rất quan trọng. Theo nhà tâm lý học – bác sỹ Melvin Hattwick thì khi con người có cảm giác thoải mái, dễ chịu, vui vẻ về một chuyện gì đó, trí óc có xu hướng muốn ghi nhớ nó. Khi bạn có cảm giác khó chịu, bộ óc có xu hướng muốn quên nó đi vì điều đó trái ngược với điều mà chúng ta mong muốn. Như vậy bộ óc của chúng ta thực sự là rất có thiện chí, và nếu bạn muốn thực sự quên đi cảm giác khó chịu thì không có gì là khó khăn cả. Những ý nghĩ và kinh nghiệm tiêu cực chỉ có thể làm hại bạn nếu bạn cứ khăng khăng muốn ghi nhớ nó, ôm khư khư lấy nó thôi!
Có người ví ký ức giống như một miếng pho mát thủng lỗ chỗ, có những khoảng tối khoảng sáng… Mình thì thấy rằng trên đời có rất nhiều loại pho mát, ăn pho mát Thụy Sĩ thủng lỗ chỗ hay ăn pho mát Anh là quyền của bạn, phụ thuộc vào sự lựa chọn của bạn và chỉ bạn mà thôi!
* Nhân đây thì tám thêm mấy dòng về cách cảm nhận niềm vui. Một anh người quen nói với mình rằng khoảng thời gian sung sướng nhất khi đi mua một cái xe mới là 30’ trước khi quyết định, lúc cái xe còn chưa thuộc về mình, mình còn đang ngắm nghía sờ nắn nó, tưởng tượng ra là mình sẽ lái nó như thế nào… Chứ lúc mua xong rồi thì lại ko sướng bằng. Mình thấy cái niềm vui đi mua xe của anh bạn cũng chả khác gì mấy cái niềm vui chờ đợi lá lốt để làm món tôm nướng của mình, cảm giác mong chờ, tưởng tượng ra cái món ấy nó sẽ thơm ngon thế nào, mình sẽ cuốn thịt với tôm thế nào, những lát khế sẽ mỏng tang long lanh thế nào… Có khác là ở chỗ anh bạn phải bỏ ra cả đóng tiền mới rước được nàng Lexus về dinh, còn mình thì chả tốn bao nhiêu, hihi
Niềm vui của một tỉ phú khi kiếm được một triêu Euro (hehe bây giờ ko thèm nhắc đến $ nữa nhá) chắc gì đã hơn niềm vui của một em bé bán vé số khi kiếm được 50 ngàn VND? Với mình, thực sự việc bây giờ bán được một cái nhà cũng không hơn gì niềm vui thời xa xưa khi bán được một chiếc áo phông trong trời giá lạnh. Có khi ngày xưa mình còn thấy phấn khích hơn ấy chứ. AQ – chồng vủa ML (một trong các diva của VN) sau khi học xong ở Nga cũng từng sang Ba Lan đứng bán hàng lẻ ở Warsaw, và mình tin cái cảm giác có được vài trăm triệu bây giờ của anh chưa chắc đã hơn cái cảm giác kiếm được vài trăm $ dưới đường hầm Marymoncka năm nào…
* Tự nhiên mình lảm nhảm mấy chuyện này, cũng vì hồi này sao thấy nhiều người bị down quá. Mình mong mọi người sớm lấy lại được thăng bằng, vui vẻ yêu đời trở lại.
Khi gặp chuyện gì thật buồn thì mình hay tìm một chỗ nào thật cao, ví dụ như quán cà phê trên tầng 30 của Marriott chẳng hạn (đừng lên cung văn hóa nhé, có đi gặm nhấm thú đau thương thì cũng nên kiếm chỗ ấm áp đẹp đẽ 1 tí, hihi ). Nhìn xuống những dòng xe, những con người nhỏ li ti ở bên dưới và thử nghĩ xem, đó là bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu số phận, trong số họ có bao nhiêu người đang mắc bệnh hiểm nghèo, bao nhiêu người vừa mất người thân, bao nhiêu người thất tình, bao nhiêu người bên bờ phá sản??? Và thử nhìn lại cái vấn đề của mình xem, có khi mấy phút trước nó còn to như cái đình, bây giờ chỉ còn bé xíu bằng 1 phần mấy của những người bé xíu dưới kia thôi.
Mẹo này đơn giản mà khá hữu hiệu, nhất là về sau, thực sự mình chả cần phải leo lên cao mới lấy lại được tinh thần, nhưng vẫn có cớ để…. đi uống cà phê và ngắm phố phường, hihi
* Trong 1 thời gian khủng hoảng nhất, đau khổ nhất, có một câu nói của anh xã đã „giác ngộ” cho mình: „Cuộc sống này ngắn ngủi lắm”. Đúng thế, cuộc sống này rất ngắn ngủi, mà cuộc đời thì bao la rộng lớn biết bao nhiêu! Tại sao con người lại cứ phải chìm đắm trong đau khổ, hủy hoại bản thân và những người xung quanh vì những điều không xứng ý toại lòng? Những gì không may, không vừa ý, không thỏa mãn, những người „xấu chơi” với mình, những kẻ gian dối, hai mặt… hãy gạt tất cả sang bên, như quét đi rác rưởi trên con đường mình đang đi, để chúng không có cơ hội làm bẩn, làm ô nhiễm cuộc sống của mình. Bởi vì con đường thì rất dài, mà thời gian quá ít. Bởi vì không có gì trên đời này quý giá hơn cuộc sống và hạnh phúc của chính mình. Mà hạnh phúc hay đau khổ thực chất phụ thuộc vào thái độ của mình đối với cuộc sống, chứ không phải vào những yếu tố bên ngoài: một anh/chị abc nào đấy, hay một sự việc xyz nào đấy.
* Rất may là bộ não của chúng ta luôn làm việc theo định hướng của ta. Ví dụ khi ta suy nghĩ tích cực, thì nó sẽ luôn thu thập các “chứng cớ” tích cực cho ta. Nhưng khi ta suy nghĩ tiêu cực, thì nó cũng lại luôn thu thập các chứng cớ cho cái điều tiêu cực ấy. Bạn nghĩ hôm nay là ngày xui xẻo thì não bạn sẽ thu thập toàn các chứng cớ xui xẻo cho bạn ngay: đi đường gặp nhiều đèn đỏ thế, trời sao lạnh thế (hay nóng thế), cái bà bán thịt sao mà đanh đá thế v.v…. Nhưng suy nghĩ tích cực hay tiêu cực là phụ thuộc vào bạn, bắt bộ não phải làm việc cho mình, thu thập những chứng cớ tích cực cho mình, là quyền lợi mà bạn hoàn toàn có thể lựa chọn.
Có 1 số bạn bảo rằng mình “nói mạnh” được vì mình may mắn, ko phải ai cũng may mắn như mình. Mình quen thành công rồi thì mình ko hiểu được những người nghèo khổ đâu, mình là con một nên được chiều chuộng v.v… Thế là các bạn chưa biết đấy, có những lúc mình đã từng vất vả khổ sở lắm, cả về vật chất lẫn tinh thần. Có thời gian mình đã từng đứng bán hàng trong tuyết lạnh, có thời gian chỉ có 2 mẹ con mình ở với nhau ở bên này, mẹ bị gãy tay phải mổ trong bệnh viện, 1 mình mình vừa lo cho mẹ, vừa đúng đợt học thi… đại khái những chuyện như thế. Nhưng chưa bao giờ mình đánh mất lòng lạc quan cả. Nhiều người về sau cứ hỏi mình: sao mình qua được những lúc như thế? Nhưng tự mình lại ko cảm thấy như thế là khổ.
Và ngược lại, cũng có những lúc mình có thể lựa chọn một con đường đi dễ dàng hơn nhiều nếu dựa vào bố mẹ. Nhưng mình ko thích thế, mình muốn tự làm lấy mọi thứ hơn.
Mình chỉ nghĩ đơn giản thế này thôi: mình cố gắng hết sức trong hoàn cảnh hiện tại, làm tất cả những gì có thể để cải thiện nó, để sau này mình không ân hận là đã ko cố gắng, đã bỏ phí thời gian. Còn kết quả nó được đến đâu thì thực sự là mình ko thấy quan trọng. Quan trọng nhất là cảm giác mình đã cố hết sức rồi, ko còn gì ân hận nữa, thế thôi. Chứ nếu cứ bất mãn vì cái nọ cái kia ko/chưa đạt được thì mệt lắm, và phí thời gian của mình.
Mình mong ai cũng được bình an và vui vẻ trong tâm hồn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét