THÚY HIỀN
“Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế, là một trong những nước tiến bộ hàng đầu về bình đẳng giới,… là quốc gia đạt được sự thay đổi nhanh chóng nhất về xóa bỏ khoảng cách giới trong 20 năm qua ở khu vực Đông Á”, Báo cáo Đánh giá tình hình Giới ở Việt Nam, tháng 12/2006 của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Vụ phát triển quốc tế Anh (DFID) và Cơ quan phát triển quốc tế Canađa (CIDA).
Trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng trong phát triển kinh tế và xã hội. Trong thời gian từ 1993-2002, kinh tế Việt Nam đã tăng gấp đôi và giảm được gần một nửa số dân sống trong nghèo đói. Tỷ lệ biết chữ ở người lớn của nam và nữ đạt tương ứng là 96% và 91%. Việt Nam cũng đã vượt mục tiêu có 30% số người có trình độ sau đại học là nữ giới. Điều này mang lại sự tương quan giữa tiền lương trên thị trường lao động với giáo dục. Báo cáo phát triển Việt Nam 2006 cho biết khoảng cách tiền lương tăng lên 70% giữa một lao động có bằng tốt nghiệp đại học với một người chỉ tốt nghiệp tiểu học. Tuổi thọ đã tăng hơn 6 năm cho cả hai giới, trong đó phụ nữ là 73 và nam giới là 69. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và là một trong những nước có tỷ lệ tham gia kinh tế cao nhất trên thế giới: 85% nam giới và 83% nữ giới trong độ tuổi 15-60 tham gia vào lực lượng lao động trong năm 2002. Những con số trên đã giúp Việt Nam xếp hạng 109 trong số 177 quốc gia về chỉ số phát triển con người của UNDP (UNDP, 2006), thuộc nhóm các quốc gia trung bình về phát triển con người. Những nỗ lực trong thu hẹp khoảng cách giới vào đầu tư vào nguồn vốn con người đã đưa đất nước đứng hàng thứ 80 trên thế giới trong tổng số 136 quốc gia về chỉ số phát triển giới (GDI) và trở thành quốc gia đạt được sự thay đổi nhanh chóng nhất trong xóa bỏ khoảng cách giới.
Việt Nam đã có những chính sách phù hợp nhằm đảm bảo quyền bình đẳng cho phụ nữ và nam giới và có những tiến bộ đáng kể nhằm giảm khoảng cách về giới trong lĩnh vực y tế và giáo dục cũng như cải thiện tình hình của phụ nữ nói chung. Tuy nhiên, những thành tựu này vẫn chưa hoàn toàn mang tính đồng bộ và cùng với những tiến bộ đó vẫn còn những tồn tại như việc phân nửa các mục tiêu trong Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn 2001-2005 vẫn chưa đạt được. Có sự tụt hậu của phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số so với nam giới dân tộc thiểu số và phụ nữ người Kinh và Hoa trong tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và các cơ hội kinh tế. Khuôn mẫu giới cố hữu trong sách giáo khoa đã thúc đẩy bất bình đẳng giới. Phụ nữ trong nông nghiệp cần được quan tâm hơn nữ trong việc tiếp cận và thụ hưởng các cơ hội, dịch vụ, thông tin thị trường ngang bằng như nam giới. Vấn đề gia tăng số lượng phụ nữ tham gia vào quá trình ra quyết định còn tiến triển chậm và chưa nhất quán.
Tăng trưởng kinh tế đã và sẽ tiếp tục thay đổi các cơ hội kinh tế cho cả nam giới và phụ nữ. Tuy nhiên, sân chơi chưa ngang bằng và phụ nữ vẫn chưa có khả năng cạnh tranh với nam giới trong các điều kiện bình đẳng. Phụ nữ tập trung quá nhiều trong một số lĩnh vực và nghề nghiệp còn nam giới lại tập trung trong một số lĩnh vực và nghề nghiệp khác. Và với quyền ra quyết định và địa vị của mình, nam giới hưởng lợi nhiều hơn từ nghề nghiệp. Khả năng cạnh tranh bình đẳng của phụ nữ với nam giới trong khu vực tư nhân bị hạn chế bởi thực tiễn phân biệt đối xử công khai trong tuyển dụng, bởi trình độ học bấn và kỹ năng thấp của phụ nữ và bởi phụ nữ ít có khả năng chuyển tài sản thành vốn hơn so với nam giới khi họ không được đứng tên trong các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trước đây. Trong khu vực công, sự khác biệt về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, một mặt có nghĩa là một khoản nguồn lực công được giành cho phụ nữ dưới dạng lương hưu, song đồng thời lại vừa là yếu tố làm giảm triển vọng nghề nghiệp và thăng tiến của những phụ nữ trẻ. Với việc thông qua Luật Bình đẳng giới, Chính phủ Việt Nam đang tiến hành những bước đi quan trọng để giải quyết những vấn đề này. Tuy nhiên, sẽ có nhiều thách thức đáng kể cho việc đưa luật vào thực tế.
Trên đây là một số đánh giá và nhận định của Báo cáo Đánh giá tình hình Giới ở Việt Nam do một số nhà tài trợ tiến hành nhằm đưa ra phân tích cơ sở và khung hoạt động chung cho các nhà tài trợ và Chính phủ để giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới trong tương lai cũng như đóng góp vào việc thực hiện Chiến lược 10 năm của Chính phủ vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.
SOURCE:
http://www.ubphunu-ncfaw.gov.vn/?lang=V&func=newsdt&CatID=152&newsid=1699&MN=65
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét