22 tháng 3, 2008

Công tác xã hội. Một ngành một nghề chuyên môn


Công tác xã hội. Một ngành một nghề chuyên môn

TTCN - Bấy lâu nay ở nước ta công tác xã hội bị đánh đồng với hoạt động từ thiện. Ai bỏ công đi hoạt động giúp người, từ ông tổ trưởng dân phố tới người đi cứu trợ cũng được cho là làm “công tác xã hội”. Nhưng “không phải ai cũng làm công tác xã hội được đâu”! có nghĩa là phải được đào tạo hẳn hoi mới hành nghề được nếu ta nhận ra đây là một khoa học, một nghề chuyên môn.Hội nghị “định hướng phát triển công tác xã hội ở VN” do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì với sự hỗ trợ của UNICEF ngày 29-8-2005 vừa qua tại Hà Nội là cái mốc lịch sử quan trọng cho ngành này tại VN. Hội nghị đã qui tụ lãnh đạo cao cấp của các ban ngành như Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD-ĐT, Ban Khoa giáo T.Ư, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Dân sô - gia đình & trẻ em, Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế), Cục Văn hóa thông tin cơ sở... và đại diện một số trường đại học có khoa công tác xã hội (CTXH).Ở các nước công nghiệp hóa, dù bắt đầu như một việc làm từ thiện nhưng CTXH đã trở thành một khoa học xã hội ứng dụng có trên dưới 100 năm thâm niên, để hình thành những giải pháp cho các hậu quả xã hội tiêu cực tất yếu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là sự thay đổi trong cấu trúc và khủng hoảng gia đình, khoảng cách giàu nghèo, trẻ em cơ nhỡ, người già lang thang, rượu chè, cờ bạc, mại dâm...Dựa trên cơ sở các khoa học về hành vi con người và các khoa học khác, CTXH đã hình thành triết lý, các qui phạm đạo đức, các nguyên tắc và phương pháp hành động đặc thù để giúp cá nhân, nhóm, tập thể và cộng đồng gặp khó khăn, bằng khơi dậy tiềm năng của chính họ để tìm ra những giải pháp và nguồn lực (bên trong và bên ngoài) để vượt khó và hòa nhập cộng đồng. Không chỉ giải quyết mà còn phòng ngừa các vấn đề xã hội, CTXH góp phần thực hiện an sinh xã hội, đẩy mạnh phát triển xã hội để hướng tới phát triển bền vững. CTXH nhằm tiến tới “bình đẳng công bằng, tiến bộ xã hội và phát triển toàn diện con người” (như vị phó trưởng Ban Khoa giáo T.Ư đã phát biểu).Sắp tới với sự phát triển như vũ bão của kinh tế và sự bùng nổ của các vấn đề xã hội, để kìm hãm những xáo trộn xã hội, vai trò của ngành nghề này sẽ cần thiết đến mức có người đề nghị phải đưa khái niệm CTXH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho năm năm sắp tới.Tại VN từ đầu những năm 1990 đến nay, CTXH đã được biết đến thông qua hàng ngàn khóa tập huấn ngắn hạn và các chương trình đào tạo ở Đại học Mở - bán công tại TP.HCM và Trường cao đẳng (nay là đại học) Lao động xã hội ở Hà Nội, nhưng đã phải mượn mã số của xã hội học. Mãi đến tháng 10-2004 Bộ GD-ĐT mới ban hành mã số đào tạo cho CTXH như một ngành học ở cấp cao đẳng và đại học.Hiện nay có chín trường đại học có khoa CTXH và một số đã tuyển sinh cho năm 2005.Việc làm trước mắt sẽ hết sức to lớn và khẩn trương, trước hết là chuyên môn hóa 4-5 vạn cán bộ cho hai ngành chính là LĐ-TB&XH và dân số - gia đình và trẻ em từ cơ sở đến trung ương cũng như cho các ngành mà con người là đối tượng phục vụ, giúp đỡ, giáo dục như y tế, giáo dục, công an, tòa án...Phải tổ chức các cấp đào tạo từ trung cấp, đại học tới thạc sĩ và tiến sĩ, bởi lẽ nhân viên xã hội chuyên nghiệp không chỉ trực tiếp cung cấp dịch vụ xã hội mà còn là các nhà quản lý, đào tạo, nghiên cứu, soạn thảo chính sách nữa... Ở Singapore, bộ trưởng Bộ Phát triển cộng đồng, thanh niên và du lịch là một chuyên gia phát triển cộng đồng. Ở Philippines, ở Bộ An sinh và phát triển xã hội, từ nhân viên, trưởng phòng tới giám đốc, vụ trưởng, thứ trưởng, bộ trưởng đều là những nhân viên xã hội chuyên nghiệp.Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung, trước mắt cần:- Mở hai lớp đào tạo 50 - 60 thạc sĩ để làm công tác giảng dạy (một ở phía Bắc, một ở phía Nam) ưu tiên ngân sách nhà nước cũng như hợp tác quốc tế cho đào tạo CTXH ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở ngoài nước trong năm tới.- Thành lập một hội đồng quốc gia và dành một khoản ngân sách nhà nước thích đáng cho biên soạn và dịch thuật tài liệu giảng dạy.- Tạo mạng lưới các trường đào tạo CTXH trong nước nhằm chia sẻ kinh nghiệm, giảng viên, sinh viên, giữa các trường trong và ngoài nước.- Tạo lập mối liên lạc nhằm hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với các trường CTXH quốc tế cũng như hội đồng thẩm định nghề CTXH trên thế giới...Nhưng nền tảng của sự phát triển nghề nghiệp là “mã nghề” là cơ sở pháp lý xác định chức danh, vai trò vị trí của nhân viên xã hội các cấp cũng như chế độ đãi ngộ thích đáng. Mã nghề không chỉ sẽ dẫn tới sự chuyên môn hóa các tổ chức, mạng lưới, trung tâm chuyên về CTXH, mà còn xác định sự có mặt cần thiết của nhân viên xã hội trong các ngành khác nữa. Để phát triển nghề CTXH, việc thành lập hội nghề nghiệp quốc gia và tham gia mạng lưới các hội nghề nghiệp quốc tế cũng sẽ rất cần thiết.Hội nghị vừa qua mới là bước chuẩn bị cho một chiến lươc quốc gia để phát triển ngành CTXH một cách đồng bộ, bền vững cho tương lai lâu dài.Trên đây là một viễn cảnh đáng phấn khởi nhưng khó khăn trước mắt cũng không ít. Nếu phát triển nhanh rộng mà không có nền tảng khoa học và đạo đức vững chắc thì sẽ dẫn tới nhiều hạn chế. Một hệ thống kiến thức khoa học mới không dễ dung nạp ngày một ngày hai. Giáo viên từ lý thuyết đến thực hành thiếu trầm trọng (cả nước mới có gần 30 thạc sĩ CTXH). Tài liệu giảng dạy, cơ sở thực hành hiếm hoi. Nếu chạy theo số lượng sẽ phải hi sinh chất lượng.Đây là thách thức to lớn đối với những nhân viên xã hội tiên phong.

( nguồn: Bài viết của cô Nguyễn Thị Oanh trên tuỏitreonline.com)

Không có nhận xét nào: