12 tháng 3, 2008

TÍNH BỀN VỮNG TRONG MỘT DỰ ÁN PHÁT TRIỂN


TÍNH BỀN VỮNG TRONG MỘT DỰ ÁN PHÁT TRIỂN

1. Bền vững là gì?
Tính thời gian, chất lượng, kiểu dáng
1.a- Về mặt vật chất
1.b- Về mặt tinh thần
1.c- Về mặt quan hệ xã hội
2. Các mức độ đánh giá sự bền vững của một dự án.
Tùy vào quy mô của dự án mà có những mức độ đánh giá khác nhau về sự bền vững.
2.a- Mức độ vĩ mô : sự bền vững đòi hỏi sự thống nhất trong quá trình quyết định các vấn đề liên quan môi trường, kinh tế, văn hóa xã hội. Để có được sự bền vững cần giảm thiểu những bất bình đẳng, chênh lệch trong kinh tế xã hội giữa các vùng trong một quốc gia.
Năng lực của các chính quyền địa phương cần được nâng cao để thấy được các nhu cầu, và tiềm năng của địa phương mình, biết cách quản lý và bảo toàn nguồn tài nguyên địa phương (kinh tế, môi trường sinh thái, đặc trưng văn hóa và xã hội
2.b- Mức độ vi mô : thường được gắn liền với những hoạt động của một tổ chức nhất định nào đó, nhằm cung cấp các dịch vụ hay hỗ trợ về vật chất đến các nhóm dân cư hay một cộng đồng. Các hoạt động hỗ trợ này cần nhắm tới một mục tiêu dài hạn và sự thống nhất đồng bộ của các mối quan tâm khác nhau, các hoạt động của dự án được tiến hành liên tục và không gây ra những hậu quả xấu.
Trong thực tế, khi bắt đầu tiến hành một dự án, chúng ta thường gặp phải một chuỗi những vấn đề khó khăn của cộng đồng. Chẳng hạn : hạ tầng cơ sở yếu kém hoặc không có, nhà lụp xụp rách nát, trẻ em thất học, thanh niên thất nghiệp quậy phá, phụ nữ buôn bán nhỏ vay lãi suất cắt cổ v.v… Các vấn đề này thường là những vòng lẩn quẩn, một vấn đề vừa là nguyên nhân cũng đồng thời là hậu quả.
Ví dụ : …
không việc làm
không tay nghề /
sức khỏe
thu nhập thấp
không / ít tiết kiệm
nhà ổ chuột
Chúng ta thường lúng túng không biết phải bắt đầu từ cái gì.
Chính vì vậy, các tổ chức bên ngoài cộng đồng thường bắt đầu từ những gì chúng ta có : tôn chỉ mục đích và kế hoạch của tổ chức (tài trợ hay quản lý dự án), kinh nghiệm sẵn có hoặc đôi khi là thói quen của nhân viên thực hiện, tổng số tiền có được cho dự án …
Cũng không ngạc nhiên khi nhìn lại các dự án phát triển cộng đồng của chúng ta thường có chung một khuôn mẫu và tùy thuộc ai là cơ quan chủ quản :
- Dự án của Sở nhà đất : là HTCS, tín dụng phụ nữ, chống dột
- Dự án của Hội phụ nữ : là tín dụng phụ nữ, sinh đẻ có kế hoạch …
- Dự án của Enda : là tín dụng, lớp học tình thương, rác …

Có những vấn đề là do tính chất đặc điểm giống nhau của các cộng đồng nghèo đô thị. Nhưng cũng có những vấn đề là do chủ quan áp đặt của tổ chức bên ngoài cộng đồng hay nhân viên thực hiện.
Một điều quan trọng là để có một dự án bền vững không phải là hỗ trợ cái gì mà là hỗ trợ như thế nào. Thông qua các chương trình hoạt động, chúng ta không chỉ hỗ trợ hay cung cấp mà là khởi động.
3. Các xu hướng đánh giá sự bền vững.
Theo sự học hỏi kinh nghiệm của các dự án phát triển trên thế giới, có rất nhiều xu hướng khác nhau trong việc đánh
giá yếu tố nào quyết định sự bền vững của dự án.
3.a- Xu hướng thứ nhất
Xu hướng đánh giá của các cơ quan tài trợ – họ thường nhấn mạnh giai đoạn sau, giai đoạn hoàn thành của dự án, nhắm tới một sự tự lực (không có sự hỗ trợ của bên ngoài) và tự quản (quản lý điều hành và bảo trì)
3.b- Xu hướng thứ hai
Theo Cernea, nhà xã hội học, cố vấn của NHTG, sau khi đánh giá 25 dự án hỗ trợ bởi NHTG, ông ta nhắm tới một cơ chế của sự bền vững dựa trên 4 yếu tố quyết định :

+ Tổ chức và tham gia của người hưởng thụ
+ Sự thống nhất về những lợi ích văn hóa xã hội
+ Cải tiến kỹ thuật
+ Bảo toàn vốn
Xu hướng này nhấn mạnh giai đoạn đầu trong việc hình thành xây dựng dự án. Có thể thấy rằng xu hướng này nhằm sửa chữa những sai lầm và thiếu sót thường thấy trong các dự án có sự tài trợ lớn của NHTG; đó là thiếu vắng sự tham gia của cộng đồng và chỉ chú trọng đến các chỉ tiêu kinh tế và kỹ thuật trong thiết kế dự án.
3.c- Xu hướng ba
Một xu hướng khác cho rằng không có một mô hình nhất định cho một dự án bền vững; mà là một quá trình khởi động đi đến đảm bảo một dự án bền vững. Quá trình khởi động cần bao gồm ít nhất 6 khía cạnh sau :
+ Cung cấp dịch vụ : hỗ trợ vật chất, kỹ thuật như : nguyên vật liệu, tín dụng, kiến thức thực hành.
+ Khía cạnh kinh tế : những vấn đề có liên quan về giá cả sản xuất, thị trường, bảo toàn vốn và tăng thu nhập.
+ Khía cạnh cộng đồng : gây dựng ý thức cùng tham gia vào việc xây dựng, sử dụng và bảo quản các tiện ích chung của cộng đồng.
+ Khía cạnh bình đẳng : các hỗ trợ nhằm tăng thu nhập hộ gia đình và cải thiện cuộc sống của các thành viên của cộng đồng. Làm thế nào để dự án có thể đem lại lợi ích cho nhiều người nhất.
+ Khía cạnh tổ chức : xây dựng một tổ chức cộng đồng với những người lãnh đạo có đủ năng lực và quyền hành.
+ Khía cạnh môi trường : giảm thiểu các rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường trong việc sử dụng đất, nước và các tài nguyên thiên nhiên của cộng đồng.

Khi xây dựng hay tiến hành một hoạt động của dự án không thể chỉ nhằm tới kết quả cuối cùng mà cần biến nó thành một cơ hội để đạt được sự bao hàm những khía cạnh trên.
4. Thảo luận
Ví dụ : Chương trình tín dụng
- Không thể đạt được sự bền vững của dự án nếu cơ quan tài trợ hay cơ quan quản lý chỉ lẩn quẩn với những con số báo cáo hay chỉ tiêu : bao nhiêu người được vay? Bao nhiêu tiền được phát ra? Số thu hồi là bao nhiêu? Nợ khó đòi là bao nhiêu? Bao nhiêu người xù?
- Tính kinh tế đòi hỏi tín dụng kết hợp hỗ trợ tạo việc làm, dạy nghề… Tuy nhiên, không thể có được sự bền vững, nếu giá cả và thị trường không được nghiên cứu kỹ càng. (Ví dụ : Lớp dạy may…)
- Tính cộng đồng : việc thành lập nhóm tín dụng không chỉ nhằm mục đích thu hồi nợ, mà còn là cơ hội tham gia bàn bạc các vấn đề khác của cộng đồng; đặc biệt cho phụ nữ. Chương trình tín dụng không nên chỉ dừng ở những quan tâm về lợi ích kinh tế cá nhân, gia đình, mà nên hướng đến những cải thiện vì lợi ích của cả cộng đồng.
- Tính bình đẳng : xác định một khoản vay thích hợp, chương trình tín dụng có thể đem lại lợi ích kinh tế cho nhóm nghèo nhất. Nhưng cũng không bó buộc mức vay một cách máy móc bởi quy chế của chương trình. Trái lại, thông qua nhóm tự quản, mức vay được quyết định tùy thuộc khả năng và hiệu làm ăn của hộ vay, tạo công ăn việc làm và thu nhập.
- Tính tổ chức : việc tự quản lý và điều hành một nhóm vay nhỏ tiến đến mở rộng dần cả về số lượng thành viên cũng như quy mô tổ chức nhóm là một quá trình huấn luyện nâng cao năng lực cho các lãnh đạo nhóm và cộng đồng.
- Tính môi trường : các hoạt động tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cần chú ý đến các yếu tố sức khỏe và môi trường chung của cộng đồng.

Kết luận
- Lấy con người làm gốc (khác với việc lấy các chỉ tiêu thi đua, kế hoạch phấn đấu), lấy cộng đồng làm trung tâm làm xuất phát điểm cho mọi chương trình hoạt động của dự án.
- Quá trình khởi động là quá trình cung cấp thông tin và tạo điều kiện để người dân cộng đồng tham gia từ khâu bàn bạc, ra quyết định, vận hành đến quản lý và duy trì; đồng thời đưa ra những sáng kiến cho các hoạt động tiếp tục.
- Các hoạt động là những phương tiện nhằm tăng năng lực, tăng sự tự tin cho các nhóm thiệt thòi nhất trong cộng đồng, tăng tình đoàn kết tương trợ trong cộng đồng.

Những điểm cần chú ý có liên quan đến tính bền vững của dự án
1. Sự đa dạng của các nhóm trong cộng đồng; chẳng hạn : giàu – nghèo; nam – nữ; thanh niên – thiếu niên… đòi hỏi các hoạt động của dự án cần phong phú đa dạng cả hình thức và nội dung.
2. Cần phân biệt “tổ chức cộng đồng” và “tham gia cộng đồng”
Có tổ chức sắp đặt không có nghĩa là đảm bảo có sự tham gia của cộng đồng.
3. Cần phân biệt việc lấy cộng đồng làm trung tâm và lấy cộng đồng làm phương tiện nhằm thực hiện mục tiêu của dự án.
4. Phụ nữ có hoàn cảnh bất hạnh (góa chồng; ly dị; phải nuôi con một mình) thường là nhóm nghèo nhất, chịu nhiều thiệt thòi nhất và ít có cơ hội tham gia nhất.
( Theo một tài liệu tập huấn của Enda)

Không có nhận xét nào: