Vai trò của NVXH trong phương pháp này không phải chủ yếu là tác động vào cá nhân mà vào tiến trình nhóm, có nghĩa là như ở phần thành lập nhóm, NVXH nghiên cứu kỹ thành phần nhóm viên, giúp nhóm xác định mục tiêu thì ở đây vai trò của NVXH là tìm hiểu cơ cấu hình thức và phi hình thức của nhóm và giúp cho hai cơ cấu nhích lại gần nhau. Có nhiều cách tìm hiểu cơ cấu phi hình thức. Trước tiên là quan sát: trong nhóm ai thân với ai, ai cùng nhau tới sinh hoạt, thái độ của nhóm viên đối với trưởng nhóm chính thức ra sao, ai ủng hộ hay phản đối, tại sao, ai bị cô lập? Trong buổi thảo luận ai hay rù rì với ai, ai nhìn nhau, ai củng cố hay phản bác ý kiến của ai? Trong công tác ai giúp đỡ ai, ai không chịu giúp ai?
Ngoài sinh hoạt nhóm ai đi chơi với ai hay tới nhà ai... Có một cách tìm hiểu khá nhanh và chính xác nhưng đòi hỏi kỹ năng chuyên môn. Đó là một trắc lượng xã hội (sociogram). Bằng một câu hỏi cho mỗi nhóm viên bạn sẽ vẽ được sơ đồ các mối quan hệ trong nhóm. Câu hỏi đó là:
Bạn thích chơi với ai nhất và
Bạn thích làm việc với ai nhất
Ví dụ : Hạnh có vẻ được nhiều uy tín nhất với 5 thành viên vừa muốn cùng chơi và làm việc. Đức có vẻ là một “hoạt náo viên” vui chơi với tánh tình chắc là vui vẻ dễ dàng nhưng không phải là một người có thể trông cậy vào được về mặt công tác. Duyên có vẻ là một người hơi nghiêm túc, người ta thích cùng cộng tác mà không ai thích chơi. Mai đặc biệt không ai muốn cùng chơi hay cùng làm và Mai có thể bị cô lập. NVXH nên tìm hiểu vì sao?
Nếu Hạnh chính thức cũng là trưởng nhóm thì NVXH có thể yên tâm là nhóm đã lựa chọn đúng lãnh tụ của mình. Nếu trưởng nhóm chính thức là một nhân vật khống chế tập thể hay quá bất tài, NVXH có thể từ từ giúp nhóm viên công nhận điều đó và có thể cởi trói về mặt thủ tục hay thói quen và quan hệ để bầu ra người khác khi thuận lợi.
NVXH có nên làm trưởng nhóm không? Vai trò lý tưởng của NVXH là xúc tác viên, khuyến trợ viên còn chính thức lãnh đạo nhóm nên là một trong các nhóm viên. Tuy nhiên sự can thiệp chính thức của NVXH tùy thuộc vào hoàn cảnh và trình độ phát triển của nhóm. Ví dụ với những đối tượng có vấn dề tâm lý nặng tham gia với mục đích trị liệu hay trẻ em còn nhỏ, vai trò NVXH gần như là trung tâm. Với một CLB thanh niên, một nhóm hành động ở địa phương NVXH, là một người tư vấn. Dù về mặt chính thức chủ động hay thụ động, NVXH cũng cần vận dụng kiến thức kỹ năng chuyên môn để hỗ trợ và đưa nhóm đến mục tiêu.
Nguyên tắc tự quyết cũng phải được áp dụng trong nhóm và tinh thần phụ thuộc của nhóm cần được khắc phục dần dần.
Trong suốt thời gian sinh hoạt nhóm, NVXH sẽ có dịp hiểu rõ hơn các đối tượng, phát hiện thêm những nhu cầu, khó khăn của từng cá nhân. Có người sẽ cần sự tiếp xúc riêng, có trường hợp trẻ có vấn đề, NVXH phải tiếp tục tới thăm gia đình, làm việc với phụ huynh. Như thế, phương pháp CTXH với cá nhân cũng được vận dụng để hỗ trợ phương pháp nhóm.
NVXH phải ghi chép diễn tiến nhóm trong và ngoài các buổi sinh hoạt (nếu có tiếp xúc riêng). Nhờ sự ghi chép này, NVXH nắm bắt diễn tiến nhóm, phản ứng, cảm xúc của nhóm viên, và sau mỗi lần sinh hoạt có thể lượng giá và điều chỉnh sự việc để buổi sinh hoạt sau được tốt hơn. Ví dụ khi ghi lại một buổi sinh hoạt, NVXH chú ý đến sự kiện một em bé không được các em khác quan tâm đến. Lần tới, NVXH sẽ nhờ một trẻ tích cực cùng chơi và giúp đỡ em.
Quan sát là công cụ quan trọng giúp NVXH nhạy bén với diễn tiến phát triển của nhóm.
Một số vai trò cụ thể của nhân viên xã hội :
· Tìm hiểu cơ cấu chính thức và phi chính thức để giúp hai cơ cấu này cộng tác với nhau
· Tác động vào mối tương tác giữa các thành viên : Nếu một nhóm viên bị bỏ rơi thì NVXH phải can thiệp, tạo điều kiện đưa họ hòa nhập vào nhóm và làm việc riêng với các nhóm viên khác để họ thay đổi thái độ với nhóm viên này. Nếu không giải quyết được thì bắt buộc phải chuyển nhóm viên này qua nhóm khác.
· NVXH giúp nhóm viên có kỹ năng diễn đạt.
· Nhân viên xã hội cần phải am hiểu tâm lý của từng người
· Phát hiện nhu cầu cầu, khó khăn của từng nhóm viên
· Hỗ trợ nhóm xây dựng chương trình hoạt động : Nên để nhóm chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động.
· Xác định vai trò của mình : Khi nào là xúc tác ? khi nào là lãnh đạo.
Khi nào nhân viên xã hội can thiệp vào nhóm :
· Can thiệp khi nhóm đi lệch mục tiêu của buổi thảo luận nhóm ( vai trò giữ cửa)
· Can thiệp khi nhóm có mâu thuẩn, xung đột. NVXH làm rõ ý kiến của hai bên, giải thích, giúp hai bên tìm điểm chung để có thể thoả hiệp.
· Can thiệp khi truyền thông bị tắc nghẽn (hiểu sai ý của người khác, dùng từ xúc phạm…): NVXH can thiệp bằng cách đính chính lại câu nói, giúp nhóm viên dùng từ thích hợp, nhẹ nhàng hơn, tránh những câu nói mang tính phê phán con người (nói sự kiện thì tốt hơn).
· Khi có thiểu số thống trò nhóm và áp đặt số còn lại, NVXH tìm hiểu xem những cá nhân đó vô tình hay cố ý, tập huấn cho nhóm về sự hài hòa trong tham gia nhóm.
· Có người nói nhiều quá, những người còn lại sẽ thụ động, NVXH phải gặp riêng người đó và một cách tế nhị
· Khi trường hợp có nhóm viên đặt câu hỏi, NVXH nên chuyển câu hỏi này về các nhóm viên khác để trả lời, không nên tự trà lời hết những thắc mắc của nhóm viên, điều này giúp tăng sự tương tác và tạo cơ hội cho từng nhóm viên có cơ hội phát triển.
· Có hiện tượng ngôi sao (có uy tín, giỏi), NVXH phải giúp cho họ biết che giấu mình hơn để tránh sự lệ thuộc của các nhóm viên khác, nếu không được thì có thể chuyển họ qua nhóm khác cùng trình độ.
Tóm lại, vai trò của nhân viên xã hội được thể hiện tùy thuộc vào mục tiêu nhắm vào sụ thay đổi ở cá nhân, nhóm hay cộng đồng.
2. Các kỹ năng trong công tác xã hội nhóm
Để có những kỹ năng hiệu quả thì nhân viên xã hội phải được đào tạo chuyên môn, nắm vững lý thuyết (Tâm lý nhóm, truyền thông trong nhóm, công tác xã hội cơ bản, công tác xã hội nhóm) có kinh nghiệm làm việc ở các nhóm lấy quyết định, nhóm trị liệu, nhóm tự giúp hoặc nhóm giải quyết vấn đề…Những kinh nghiệm được thu thập qua quan sát, qua làm trực tiếp và rút ra những bài học từ thực tế sinh động và đa dạng ở những môi trường khác nhau, các đối tượng và lứa tuổi khác nhau.
Công tác xã hội nhóm là một hoạt động khá phức tạp nhiều so với công tác xã hội cá nhân vì nó mang nhiều yếu tố biến đổi cần phải quan tâm như : cá nhân thành viên nhóm, tiểu nhóm, toàn nhóm, mục đích của nhóm, môi trường bên ngoài của nhóm, chương trình hoạt động, cơ sở hoạt động và yếu tố quan trọng là năng động nhó, bầu khí của nhóm. Thật không dễ dàng để trông coi cùng lúc, tập trung vào các thành viên nhóm, cá nhân hay tập thể nhóm và vượt qua được những cảm xúc được khơi dậy trong người mình. Do đó đôi khi cũng cần một người đồng nghiệp phụ giúp. Nhưng người phụ giúp có khi làm rối ren thêm do mối quan hệ với nhóm hoặc do không thống nhất trong cách can thiệp. Cách tốt nhất là nếu chúng ta gặp khó khăn là chúng ta gặp một người có chuyên môn để được tư vấn thêm.
Ngoài ra, trong công tác xã hội nhóm, những kỹ năng cơ bản cần có là :
· Kỹ năng điều hành nhóm
· Kỹ năng truyền thông
· Kỹ năng quan sát
· Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn
· Kỹ năng viết báo cáo
· Kỹ năng đánh giá và nhận diện vấn đề.
3. Một số vấn đề cần quan tâm trong công tác xã hội nhóm
3.1. Những điều nên làm
· NVXH cần có kiến thức về nhóm (tâm lý nhóm, năng động nhóm, kỹ năng sinh hoạt nhóm, tổ chức nhóm, cơ cấu nhóm (chính thức và phi chính thức)
· Nắm vững các nguyên tắc hành động và vận dụng vào trong CTXH nhóm một cách linh động, hiệu quả. NVXH hoạt động cùng với nhóm theo một tiến trình, tuy nhiên cần linh hoạt theo tình huống.
· Cùng với nhóm xác định mục tiêu chính của nhóm, mục tiêu này dựa trên nhu cầu của nhóm.
· NVXH là người chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp thông tin cho nhóm
· Hòa giải, củng cố nhóm khi có xung đột, mâu thuẩn
· Tùy theo quá trình của nhóm mà NVXH cần phải xác định rõ ràng vai trò của mình chất xúc tác hay người lãnh đạo.
· NVXH cần ghi chép đầy đủ, rõ ràng những diễn tiến trong quá trình sinh hoạt nhóm, cần nắm rõ giai đoạn phát triển của nhóm .
· Tăng cường sự gắn bó, chấp nhận của nhóm viên (quan hệ cởi mở và bình đẳng ) , truyền thông, tạo sự tương tác giữa các thành viên, tạo bầu không khí tự do, thoải mái để nhóm viên có thể thể hiện những ức chế cá nhân và nhu cầu cá nhân
· Tăng cường lòng tin và giảm sự thù địch lẫn nhau (tạo thói quen hợp tác nhóm).
· Huy động tài nguyên, tiềm năng.
· Sắp xếp kế hoạch nhóm một cách khoa học.
· Giúp cho những tranh luận tập trung vào vấn đề hiện tại.
· Thúc đẩy thực hiện mục tiêu lâu dài của nhóm .
· Cần linh động khi giải quyết mâu thuẩn.
· Tôn trọng ý kiến của từng cá nhân .
· Theo dõi chỉ báo của các mục tiêu cụ thể (quan tâm đến việc thay đổi hành vi, giúp cá nhân đánh giá được hiệu quả của công việc và lượng giá cuối.)
· Thúc đẩy sự sáng tạo trong nhóm, khuyến khích đưa ra nhiều ý kiến hay.
3.2. Những điều không nên làm
· không áp đặt theo ý của NVXH.
· Không giải quyết thay nhóm (NVXH không ôn đồm).
· Không nên để cho nhóm viên hướng theo mục tiêu riêng (lệch mục tiêu).
· Không nên để cho nhóm phân chia thành những nhóm nhỏ mà phải đoàn kết.
· Khi thành lập nhóm, số lượng không quá đông .
· Không nên để cho nhóm viên cảm thấy căng thẳng ( không thoải mái).
· Trong nhóm tuổi tác, trình độ không quá chênh lệch
· Không nên để có trình trạng ngôi sao hoặc cô đơn xuất hiện
· Không nên để nhóm tan rã khi NVXH rời cơ sở
· Không nên để cho mục tiêu nhóm không rõ ràng
· Không để xuất hiện sự ỷ lại trong nhóm (phân công rõ ràng) khi hợp nhóm hoặc sinh hoạt nhóm không nên để cho thời gian kéo dài
· Không nên vi phạm nguyên tắc trong CTXH.
· Không nên bỏ qua những khả năng, tiềm năng của nhóm viên.
· Không nên chỉ trích nhóm viên trước mặt nhóm (cần sự góp ý một cách tế nhị)
· Không phân biệt, kì thị.
· Không nên để nhóm viên dán nhãn nhau.
· Không nên xúc phạm nhóm viên
· NVXH không nên là một người đầy quyền uy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét