29 tháng 3, 2008

QUAN HỆ GIỚI


QUAN HỆ GIỚI
Các nghiên cứu PPAs đã tích cực tìm hiểu quan điểm của những phụ nữ được phỏng vấn và tất cả các nhóm nghiên cứu đều đã tổ chức những buổi thảo luận và phỏng vấn cho đối tượng toàn là nữ để nhằm thu thập quan điểm của nữ giới về những vấn đề đưa ra. Phần lớn các vấn đề do những phụ nữ nghèo đưa ra cũng là những vấn đề được nam giới đề cập đến, tuy nhiên với mức độ quan tâm hơi khác nhau: đối với những người nghèo thì vấn đề chính luôn là làm thế nào để có một thu nhập ổn định và đủ trang trải những nhu cầu tiêu dùng của gia đình. Đối với những hộ nghèo, bên cạnh đó còn có một số vấn đề thứ yếu khác. Những người phụ nữ được phỏng vấn cũng đã nêu ra được một số vấn đề liên quan đến riêng giới của mình, chẳng hạn như vấn đề sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, cũng có một số vấn đề khác mặc dù không được những người phụ nữ được phỏng vấn nêu ra một cách trực tiếp song do chính các nhóm nghiên cứu nhận thấy. Công việc nặng nhọc chính là một trong những vấn đề dạng này: người phụ nữ dường như đã quá quen với gánh nặng công việc quá sức mà họ phải gánh chịu hàng ngày đến nỗi họ không coi đó là chuyện lạ nữa, trong khi những người ngoài khi nhìn vào lượng công việc hàng ngày của họ mà không khỏi lo ngại về những tác động tiêu cực mà gánh nặng công việc này có thể gây ra đối với sức khoẻ của người phụ nữ.
1. CÁN CÂN QUYỀN LỰC TRONG GIA ĐÌNH
1.1 Sử dụng nguồn tài chính gia đình vẫn thiên vị cho nam g
Có những điều tương phản thú vị khi bàn về quản lý tài chính gia đình. Đàn ông thường nói rằng phụ nữ là người quản lý tiền nong (ví dụ, ở Hà Tĩnh) và cho rằng những quyết định quan trọng đều được bàn bạc chung, nhưng như vậy không có nghĩa là gia đình ra quyết định dựa trên ưu tiên cho phụ nữ (hay ngay cả các ưu tiên chung). Phụ nữ ở Trà Vinh và Lào Cai phàn nàn về các khoản tiền hạn hẹp của gia đình được chi cho rượu và thuốc lá mà chỉ những người đàn ông dùng, trong khi gia đình còn chưa dư dật. Như vậy, dù phụ nữ là người quản lý tiền trên danh nghĩa nhưng họ không có thực quyền để cắt giảm những khoản chi nói trên.
ở Trà Vinh, ghi nhận ở phần lớn các hộ gia đình cho thấy đàn ông tiêu một phần đáng kể thu nhập gia đình cho thuốc lá và rượu mặc dù phụ nữ không đồng ý. Một người đàn ông tự nhận mình gặp gỡ bạn bè để nhậu 20 lần một tháng, mỗi lần tiêu khoảng 30.000 đồng (tức là 600.000 đồng/43 USD một tháng). Trong nhiều hộ gia đình, khoản tiền này chiếm 50% thu nhập hàng tháng. Một người phụ nữ cho biết “mỗi khi có tiền, những người đàn ông xung quanh đều góp tiền để mua rượu và đồ ăn, nếu nhiều tiền sẽ là thịt chó, không thì vịt ... phụ nữ không dám ăn, họ giữ tiền phòng khi ai đó trong gia đình bị ốm.”
Một phụ nữ H’mông ở Lào Cai nói: “ Đàn ông có thể tiêu tiền thoải mái cho việc uống rượu và đánh bài trong khi phụ nữ thậm chí không dám mua cả một miếng kẹo ngoài chợ.

1.2 Phụ nữ ít có ảnh hưởng tới các quyết định sinh c

Một vấn đề quan trọng mà người phụ nữ hầu như không có quyền quyết định đó là quyết định sinh con. ở Hà Tĩnh, tư tưởng muốn có con trai đã tạo ra một áp lực lớn đối với người phụ nữ, buộc họ phải sinh con cho đến khi sinh được một đứa con trai mới thôi: “Nếu không đẻ được con trai, chồng sẽ đi lấy người khác còn mình thì bị những người trong làng khinh miệt, hắt hủi”. ở Lào Cai, những người phụ nữ cho biết họ phải đẻ nhiều con, cho dù gia đình không đủ khả năng nuôi, chỉ vì người chồng muốn như vậy. Nhóm điều tra PPA cũng đã được nghe tâm sự của những người phụ nữ đã từng bị chồng đánh khi phát hiện ra các chị đã đặt vòng tránh thai và người chồng đã bắt vợ mình phải đi tháo vòng. Phụ nữ ở Trà Vinh cũng cho biết họ không có quyền quyết định về việc sinh con. Nhận thức về việc cần phải làm cho nam giới tham gia vào các chương trình sức khỏe sinh sản để đạt được một sự cân đối tốt hơn đang ngày một tăng lên. UNFPA và Hội đồng Dân số đang thử nghiệm một số dự án về trách nhiệm của nam giới trong sức khoẻ sinh sản.
Thảo luận về những thay đổi theo thời gian ở Hà Tĩnh cho thấy rằng, mặc dù trong gia đình, người phụ nữ đã có thêm đôi chút quyền hành trong vòng vài năm trở lại đây, song quyền làm chủ vẫn thuộc về đàn ông. Điều này đặc biệt đúng trong các trường hợp cần phải đưa ra những quyết định liên quan đến các công việc xã hội, lĩnh vực vốn vẫn thuộc quyền kiểm soát của đàn ông.
1.3.Phụ nữ làm việc nhiều hơn nam giới

“Nam giới thường phân biệt đối xử với phụ nữ và hiện vẫn còn quan điểm thiên lệch cho rằng tất cả công việc của người phụ nữ đều là những việc nhỏ. Nam giới không hề làm bất cứ việc gì để giúp vợ mình bởi vì quan niệm rằng có sự khác biệt giữa những việc người chồng nên làm và những việc người vợ nên làm.” Thảo luận nhóm của phụ nữ trong PPA ở Hà Tĩnh, 1998.
Thảo luận ở cả hai tỉnh Hà Tĩnh và Lào Cai đều cho thấy, nam giới hiện đang bắt đầu chia sẻ một chút gánh nặng công việc nội trợ. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu thời gian biểu của các hộ gia đình cho thấy là gánh nặng công việc nội trợ này hiện chủ yếu vẫn do người phụ nữ gánh vác. Nếu cộng với cả nhiều giờ làm nông nghiệp lao động mướn cả ngày, toàn bộ gánh nặng công việc của người phụ nữ lại càng thêm lớn. Thời gian biểu hàng ngày của phụ nữ ở Lào Cai đã minh hoạ rất rõ cho gánh nặng công việc của người phụ nữ ở nông thôn Việt Nam .
Ngày làm việc kéo dài đó đã để lại rất nhiều hậu quả. Thứ nhất, người phụ nữ phải lao động quá sức, đặc biệt là ở các vùng cao, người phụ nữ vẫn phải hoàn thành tất cả các công việc trong khi đang mang thai hoặc cho con bú. Nhiều phụ nữ kể đến các vấn đề về sức khoẻ mà nguyên nhân là do làm việc quá sức. Thứ hai, người phụ nữ không có thời gian cho các hoạt động xã hội và xa hơn nữa là học hỏi kinh nghiệm của những người khác. Thứ ba, phụ nữ không có cơ hội để tham gia các lớp xoá mù chữ vào buổi tối, nếu như các lớp đó được tổ chức và phù hợp với họ. Thứ tư, phụ nữ không thể tham gia được các cuộc họp trong làng, bản và các diễn đàn để ra quyết định.

1.4 Phụ nữ thường bị đánh đậ
Có những bằng chứng khá rõ ràng về tình trạng đánh vợ nghiêm trọng ở tất cả các địa bàn nghiên cứu PPA trừ Hà Tĩnh, nơi những người được hỏi đã nói rằng chồng họ hiện nay đã cư xử với vợ tốt hơn vì cuộc sống đã được cải thiện và những áp lực do khó khăn về kinh tế đã giảm xuống. ở thành phố Hồ Chí Minh, chính những đứa trẻ lại là những người đề cập nhiều nhất đến tình trạng đánh vợ trong các gia đình khi chúng nói về những vấn đề của sự nghèo đói. Việc chứng kiến bố đánh mẹ đã khiến những đứa trẻ hết sức đau buồn. Bản thân những người phụ nữ lại không mấy phàn nàn về tình trạng bị đánh đập và các nhà nghiên cứu ở thành phố Hồ Chí Minh lý giải rằng đó là do người phụ nữ có sẵn trong đầu ý nghĩ việc bị chồng đánh là chuyện “bình thường”. Tại một bản vùng cao trong nghiên cứu ở Lào Cai, nhóm thảo luận của phụ nữ ước tính có khoảng 70% những người chồng thường xuyên đánh đập vợ. ở một làng trung du khác, họ ước tính khoảng 40% người vợ thường xuyên bị đánh. Phần nghiên cứu về tình trạng bạo lực trong nghiên cứu ở Lào Cai đã nhất trí với kết luận “tình trạng đánh vợ xảy ra cả ở các làng quê vùng sâu vùng xa, các làng dân tộc ít người cũng như ở các làng miền trung du đã hội nhập về kinh tế cho thấy rằng cách cư xử thô bạo đối với phụ nữ xảy ra trong các nhóm dân tộc hoặc kinh tế khác nhau và có thể còn phổ biến hơn mức độ người ta nhận thấy”.
Những người được hỏi đều khẳng định có sự liên hệ mật thiết giữa tình trạng uống rượu với bạo lực trong gia đình, thể hiện trong đoạn dưới đây trích từ báo cáo PPA ở Trà Vinh:
“Một người phụ nữ khác lại phàn nàn rằng sau những lần uống rượu say, các ông chồng về nhà thường thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Một người khi được hỏi đã xác nhận ý kiến của nhiều phụ nữ nói về những người đàn ông hay rượu chè tiệc tùng: “Có hai người đàn ông sống gần nhà tôi đánh vợ”. Một người phụ nữ khác tâm sự: “Rất nhiều phụ nữ sống ở khu này bị chồng đánh. Tôi thật may mắn vì anh trai tôi sống gần đây, do vậy nếu chồng tôi đuổi đánh đằng sau, tôi sẽ chạy sang nhà anh trai”.
1.5 Trong những thời điểm khó khăn, phụ nữ là những người bị tổn thương hơn cả

Có thể kể ra một số ví dụ trong đó phụ nữ bị sử dụng như phương thức đối phó trong những thời kỳ khó khăn. ở Lào Cai, nhóm nghiên cứu phát hiện thấy nhiều gia đình nếu thiếu lao động sẽ cho con trai lớn lấy vợ. Người con dâu sau đó sẽ phải lao động cho gia đình mới của mình. Một gia đình đã làm như vậy để con trai mình có thể tiếp tục đi học: họ cưới vợ cho con để có lao động thay thế trong khi cậu con trai hoàn tất chương trình học. ở TP Hồ Chí Minh, có những trường hợp chị em phụ nữ bị bán cho khách nước ngoài với giá từ 1.000 đến 3.000 USD và nhờ đó mà gia đình thoát ra khỏi cảnh nghèo đói. Cũng có trường hợp người chồng làm cho vợ có thai để sau đó bán con làm con nuôi.

Không có nhận xét nào: