28 tháng 5, 2009

Khai mạc AMRDPE 6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị đầu tư thích đáng hơn cho phát triển nông thôn và giảm nghèo(27/5/2009)


Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Phát triển nông thôn (PTNT) và Xóa đói giảm nghèo (XĐGN) lần thứ 6 (AMRDPE 6), sáng 27/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, mỗi nước thành viên cũng như toàn Hiệp hội ASEAN cần có những cam kết mạnh mẽ hơn, đầu tư thích đáng hơn cho PTNT và XĐGN. Dự Hội nghị có 10 Bộ trưởng Phát triển nông thôn và Xoá đói giảm nghèo ASEAN, đại biểu của các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Tổng Thư ký ASEAN. Chủ đề của AMRDPE 6 là "Một ASEAN thống nhất đối phó với đói nghèo trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu".

PTNT và XĐGN là một trụ cột phát triển bền vững

Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao việc Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về PTNT và XĐGN lần này đã lựa chọn chủ đề "Một ASEAN thống nhất đối phó với đói nghèo trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu" và cho rằng, đây là chủ đề rất thiết thực, phản ánh đúng phương hướng hợp tác và thể hiện quyết tâm đối với PTNT và XĐGN, góp phần tích cực giải quyết những tác động tiêu cực về mặt xã hội của khủng hoảng hiện nay.

“Việt Nam coi PTNT và đẩy mạnh XĐGN là một trụ cột trong chiến lược tăng trưởng và phát triển bền vững”, Thủ tướng khẳng định và thông báo: Trong nhiều năm, Việt Nam đã đề ra, đồng thời thực hiện nhiều cơ chế chính sách, chương trình, dự án nhằm phát triển nông thôn, hỗ trợ thiết thực các vùng khó khăn, các hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 12,5% năm 2008, Việt Nam hoàn thành sớm Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo; kinh tế-xã hội nông thôn ngày càng phát triển.

Việt Nam cũng vừa thông qua chủ trương lớn về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn," bao gồm nhiều chương trình, dự án, với nhiều cơ chế chính sách và tập trung nguồn lực hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá hiện đại, nông thôn phát triển với đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn không ngừng được nâng cao.

Để ứng phó kịp thời với những thách thức mới, giảm thiểu tác động của khủng hoảng kinh tế - tài chính đối với đời sống nhân dân, Thủ tướng cho rằng, đẩy mạnh hợp tác giữa các Chính phủ trong khu vực chính là một trong những công cụ chính, quan trọng, có ý nghĩa thiết thực hiện nay.


Giải pháp, bước đi thích hợp để PTNT và XĐGN

“Mỗi nước thành viên cũng như toàn Hiệp hội cần có những cam kết mạnh mẽ hơn, đầu tư thích đáng hơn cho PTNT và XĐGN, đồng thời cũng cần đề ra những giải pháp và bước đi phù hợp hiện thực hóa những mục tiêu đã được đặt ra”, Thủ tướng nhấn mạnh và gợi ý Hội nghị cần quan tâm, đề xuất các biện pháp đối phó với tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính- kinh tế toàn cầu đối với lĩnh vực PTNT và XĐGN; Xây dựng mới Chương trình hành động PTNT và XĐGN và kế hoạch hành động về mạng lưới an sinh xã hội trong ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tiếp tục triển khai sâu rộng các sáng kiến của ASEAN về phát triển nông thôn và xoá đói giảm nghèo; mở rộng hợp tác khu vực, huy động thêm nguồn lực hỗ trợ phát triển và thu hẹp khoảng cách nội khối; tăng cường hợp tác trao đổi các bài học kinh nghiệm trong phát triển nông thôn của các nước ASEAN+3 như mô hình mỗi làng một sản phẩm của Nhật Bản; mô hình Semul Udong của Hàn Quốc; chương trình "Tam nông" ở Trung Quốc...

Với những nỗ lực hợp tác chung, Thủ tướng tin tưởng, ASEAN sẽ thành công trong xây dựng một cộng đồng năng động, sáng tạo và thịnh vượng. Đồng thời các chương trình và kế hoạch hành động về PTNT và XĐGN cũng sẽ được thực hiện hiệu quả và kịp thời cùng với mạng lưới an sinh xã hội.

Chính phủ và nhân dân Việt Nam cam kết tiếp tục đầu tư thỏa đáng về nhân lực, nguồn lực cho hợp tác khu vực trong PTNT và XĐGN, đóng góp thiết thực cho tiến trình xây dựng cộng đồng của ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Sau phiên khai mạc toàn thể, trong ngày 27/5, AMRDPE 6 tiếp tục các cuộc họp, thảo luận, đề xuất sáng kiến và thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng về “"Một ASEAN thống nhất đối phó với đói nghèo trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu".

Các đại biểu sẽ tham quan mô hình phát triển nông thôn, giảm nghèo tại huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang).
Theo website Chính phủ

18 tháng 5, 2009

Six Thinking Hats


Six Thinking Hats
Là một kĩ thuật được thiết kế nhằm giúp các cá thể có được nhiều cái nhìn về một đối tượng mà những cái nhìn này sẽ khác nhiều so với một người thông thường có thể thấy được. Đây là một khuôn mẫu cho sự suy nghĩ và nó có thể kết hợp thành lối suy nghĩ định hướng (lateral thinking). Trong phương pháp này thì các phán xét có giá trị sẽ có chỗ đứng riêng của nó nhưng các phê phán đó sẽ không được phép thống trị như là thường thấy lối suy nghĩ thông thường.
Six thinking Hats được dùng để

- Kích thích suy nghĩ song song
- Kích thích suy nghĩ toàn diện
- Tách riêng cá tính (như là bản ngã, các thành kiến ...) và chất lượng...
Lịch Sử cuả Phương Pháp

Đây là phát kiến cuả Tiến sĩ Edward de Bono ( http://www.edwdebono.com/ ) trong năm 1980. Năm 1985 nó đã được mô tả chi tiết trong cuốn "Six Thinking Hats" cuả de Bono.
Phương pháp này đã được phát triễn va giảng dạy ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều tổ chức lớn như là IBM, Federal Express, Brtish Airways, Pepsi, Polaroid, Prudential, Dupont, ...cũng dùng phương pháp này.
Cách thức tiến hành
(Bạn nên xem thêm phần ví dụ để có một hình dung cụ thể về nó)
Dùng 6 cái nón đại diện cho 6 dạng thức cuả suy nghĩ. Nó đề cập đến chiều hướng suy nghĩ hơn là tên gọi. Mỗi nón có một màu (mà màu này chỉ đại diện cho duy nhất 1 dạng thức duy nhất cuả suy nghĩ).
Mọi người đều sẽ tham gia góp ý. Tuỳ theo kiểu ý kiến mà người đó sẽ đề nghị đội nón màu gì.
Các nón không được dùng để phân loại cá nhân mặc dù hành vi hay thói quen cuả cá nhân đó "dường như" hay có vẻ thuộc về loại nào đó. Nó chỉ có tác dụng định hướng suy nghĩ trong khi thành viên trong nhóm cho ý kiến đội lên mà thôi
Các đặc tính cuả nón màu:
Nón trắng: Khách quan, trung lập - tập trung trên thông tin rút ra được, các dẫn liệu cứ liệu và những thứ cần thiết , làm sao để nhận được chúng
Nón Đỏ: Nóng, tình cảm, cảm giác, cảm nhận, trực quan, những ý kiến không có chứng minh hay giải thích, lí lẽ
Nón Đen: Phê phán, Bình luận, Tại sao sự kiện là sai, tất cả những cảm ý tiêu cực hay bi quan
Nón Vàng: Tích cực, lac quan, những cái nhìn sáng lạng, tìm đến những lợi ích, giá trị, tính khả thi, cái gì tốt đẹp nhất.
Nón Lục: Sáng tạo, khả năng xảy ra và các giả thuyết, những ý mới
Nón Xanh Dương: Ðiều khiển, chi phối quá trình, các bước, tổ chức lãnh đạo, suy nghĩ về các suy nghĩ hay kết luận
Sau đây là một cách tiến hành qua các bước:
Mọi người trong nhóm làm việc sẽ cùng tham gia góp ý -- tùy theo tính chất cuả ý đó mà người đó (hay người trưởng nhóm) sẽ đề nghị đội nón màu gì. Người trưỏng nhóm sẽ lần lược chia thời gian tập trung ý cho mỗi nón màu... Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt nếu cần bất kì thành viên nào cũng có thể đề nghi góp thêm ý vào cho 1 nón màu nào đó (tuy vậy phải giữ đủ thời lượng cho mỗi nón màu)
Bước 1:
Nón trắng: Tất cả các ý kiến nào chỉ chưá sự thật, bằng chứng, hay dữ kiện, thông tin. Đội nón này có nghiã là "hãy cởi bỏ mọi thành kiến, mọi tranh cãi, cởi bỏ mọi dự định và hãy nhìn vào cơ sở dữ liệu"
Bước 2:
Nón lục: Tạo ra các ý kiến làm sao để giải quyết. Các sáng tạo, các cách thức khác nhau, các kế hoạch, các sự thay đổi
Buớc 3:
- Đánh giá các giá trị cuả các ý kiến trong nón lục
- Viết ra danh mục các lợi ích dùng nón vàng
Nón vàng: Tại sao vài ý kiến sẽ chạy tốt và tại sao nó mang lại lợi ích. Ỏ đây cũng có thể dùng về các kết quả cuả các hành động được đề xuất hay các đề án. Nó còn dùng để tìm ra những vật hay hiệu quả có giá trị cuả những gì đã xãy ra.

- Viết các đánh giá, và các lưu ý trong nón đen

Đây là nón có giá trị nhất. Dùng để chỉ ra tai sao các đề nghị hay ý kiến không thích hợp (hay không hoạt động được) cùng với các dữ kiện, với kinh nghiệm sẵn có, với hệ thống đang hoạt động, hoặc với chế độ đang được theo. Nón đen lúc nào cũng phải tính đến sự hợp lí

Bước 4: Viết các phản ứng, trực giác tự nhiên và các cảm giác xuống.
Nón này cho phép người suy nghĩ đặt xuống các trực cảm mà không cần bào chữa
Bước 5: Tổng kết và kết thúc buổi làm việc
Nón này là sự nhìn lại các bước trên hoặc là quá trình điều khiển. Nó sẽ không nhìn đến đối tượng mà là nghĩ về đối tượng (thí dụ như ý kiến "đội cho tôi cái nón lục, tôi cảm giác rằng có thể làm đươc nhiều hơn về cái nón xanh này")
Lưu ý: các bước trên không hoàn toàn nhất thiết phải theo đúng thứ tự như nêu trên mà ở nhiều trường hợp nên chỉnh lại.


Nguồn:www.chungta.com.vn
Các bạn có thể tham khảo ở trang: www.schoolnet.gove.mt

12 tháng 5, 2009

Công tác xã hội: Không chỉ là chuyện nghề!


Những vấn đề về an sinh xã hội
Công tác xã hội: Không chỉ là chuyện nghề!

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay toàn quốc có tới gần 5,5 triệu người khuyết tật, hơn 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ của cộng đồng.
Ngoài ra, cũng có gần 7,5 triệu người cao tuổi, trong đó nhiều người có nhu cầu được chăm sóc cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Để giúp đỡ những đối tượng đặc biệt này, không chỉ có người thân, các y, bác sỹ mà cần có một lực lượng những người làm công tác xã hội. Song thực tế, Việt Nam hiện còn quá ít, nếu không muốn nói là chưa có!
Công tác xã hội, hiểu đúng nghĩa chính là toàn bộ những trợ giúp xã hội, đặc biệt là những trợ giúp nhân đạo, từ thiện. Sự chăm sóc, trợ giúp này mang tính chuyên biệt, dành cho những người không được hoặc đang hưởng sự chăm sóc thiếu đầy đủ như người khuyết tật, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Nói về các hoạt động công tác xã hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, hoạt động công tác xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới đã xuất hiện và dần mang tính chuyên nghiệp hóa từ hàng thế kỷ nay. Các hoạt động công tác xã hội ở nhiều quốc gia đã được hình thành từ cuối thế kỷ XIX với các hoạt động chăm sóc nhân đạo đối với người nghèo. Ở Việt Nam, công tác xã hội cũng đã hình thành và phát triển từ nhiều năm nay và có vai trò quan trọng trong các hoạt động xã hội như chăm sóc, phục hồi chức năng các đối tượng nghiện ma túy, mại dâm, nhiễm HIV, phụ nữ và trẻ em bị buôn bán và lạm dụng tình dục, vi phạm pháp luật... Thực tế hiện nay, nhiều tổ chức từ thiện tự nguyện vẫn hoạt động công tác xã hội thông qua các chương trình vận động, quyên góp và hỗ trợ người nghèo, người hoạn nạn. Đặc biệt, thời gian gần đây, với các chính sách quan tâm tới người có công với cách mạng, nhiều điều dưỡng viên đã và đang chăm sóc các đối tượng chính sách, người già cô đơn không nơi nương tựa. Mặc dù được trả lương nhưng thực chất, họ đang hoạt động công tác xã hội với các công việc cụ thể. Ngoài nhiệm vụ chăm sóc, họ còn có các hoạt động khác như tham vấn, chăm sóc về tâm lý, tình cảm.
Ở nước ta, việc hình thành một đội ngũ những người làm công tác xã hội để làm những việc chuyên biệt đang dần trở thành một đòi hỏi cần thiết của nhiều người cao tuổi, nhiều gia đình neo người. Theo dự báo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc - UNICEF, đến năm 2010, Việt Nam sẽ cần khoảng 15.000 cán bộ công tác xã hội được đào tạo bài bản và khoảng 50.000 cộng tác viên cấp xã, phường. Và để đạt được tỉ lệ 1 cán bộ công tác xã hội chuyên nghiệp/10.000 người dân, trong 5 năm tới, Việt Nam cần khoảng 8.500 người làm việc trong các cơ quan nhà nước và khoảng 25.000 cán bộ công tác xã hội bán chuyên nghiệp.
Để chuẩn bị cho xu hướng phát triển các hoạt động công tác xã hội, trợ giúp cộng đồng, năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cấp mã ngành đào tạo cho Trường Đại học LĐ-TB&XH. Và mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng đề án phát triển nghề công tác xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội trong tương lai gần. Việc hình thành nghề công tác xã hội không chỉ là chuyện nghề, mà còn nhằm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trợ giúp người già, người khuyết tật và trẻ mồ côi ổn định về tâm lý, tình cảm.
(Theo báo HNM)
http://www.cpv.org.vn

7 tháng 5, 2009

Ngày Công tác xã hội thế giới năm 2009 (theo IFSW)



Ngày CÔNG TÁC XÃ HỘI THẾ GIỚI do IFSW đề xướng trong năm 2009 với đề tài:"SOIAL WORK AND SOIAL DEVELOPMENT:THE AGENDA".
Tham khảo thêm tại:
http://www.ifsw.org/p38001737.html

6 tháng 5, 2009

Chị Nguyễn Thị Oanh không còn nữa


“Đời tôi sống cũng vui mà chết cũng vui”
Chị Nguyễn Thị Oanh đã qua đời lúc 12g50 ngày 1-5-2009 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Hưởng thọ 79 tuổi.Ngành công tác xã hội đã mất đi một người chị đã cống hiến nhiều công sức không mệt mỏi cho sự phục hồi và phát triển của ngành này.Công lao của chị thật là lớn lao.
Nguyễn Ngọc Lâm

Comment:
damswd viết:
Với tư cách là sinh viên ngành ctxh tôi xin được bày tỏ lòng tiếc nối và nỗi buồn của mình cùng gia đình cô NGuyễn Thị Oanh cũng như nhung ai đang hoạt động trong lĩnh vực CTXH ở Việt Nam và bạn bè quốc tế. tôi hi vọng những đóng góp và cống hiến của cô luôn luôn được phát huy để chúng có thể cùng nhau phát triển nghanh CTXH tại Việt Nam ngày càng hoàn thiện và chuyên môn cao hơn đóng góp cho sự phát triển chung của đát nước. XIN THÀNH THẠT CHIA BUỒN

10:46 Ngày 07 tháng 5 năm 2009

5 tháng 5, 2009

Hội thảo định hướng tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh


Hội thảo định hướng tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh(29/4/2009)
Sáng ngày 28/4, tại TP.HCM, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức cứu trợ Trẻ em tổ chức Hội thảo “Định hướng tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng tại TPHCM (2009 -2010)”. Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Hải Hữu - Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đại diện Unicef và lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, Cà Mau cùng đông đảo đại diện các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trên địa bàn thành phố.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả triển khai mô hình “Mạng lưới bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng tại TPHCM trong năm 2007 - 2008”. Theo đó, trong tháng 8 năm 2007, Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức khảo sát về tình hình bảo vệ trẻ em, nhận diện thực trạng của trẻ em, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, dễ bị tổn thương… để từ đó đề ra những phương pháp tiếp cận, giáo dục, giúp đỡ và bảo vệ trẻ em được hiệu quả.
Nhận thấy, mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em là cầu nối quan trọng giúp trẻ em tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và bảo vệ nên đại diện các Phòng Lao động - thương binh và Xã hội đều nhận định rằng: Việc hình thành, xây dựng đội ngũ này là rất quan trọng – đây là những người sâu sát địa bàn nên dễ tiếp cận, nắm bắt và báo cáo về các đối tượng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt để từ đó có các hoạt động hay dịch vụ hỗ trợ phù hợp.
Bên cạnh đó, việc xây dựng nhóm trẻ em nòng cốt (là nhóm trẻ có khả năng nắm bắt thông tin nhanh, thuận lợi trong việc tiếp cận, bắt chuyện, tâm sự với trẻ em trên địa bàn) để hỗ trợ cho cộng tác viên bảo vệ trẻ em cũng hết sức được chú trọng. Kết quả là, TPHCM đã xây dựng được nhiều nhóm trẻ nòng cốt tại các phường ở quận, huyện.
Đại diện của Tổ chức Unicef cho rằng: Lâu nay khái niệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn chưa được hiểu và định nghĩa đúng đắn, đầy đủ do đó công tác chăm sóc và bảo vệ đối tượng này vẫn chưa được hiệu quả. Bảo vệ trẻ em là khái niệm chung về công tác phòng ngừa, ngăn chặn và giải quyết các nguy cơ và hành động bạo lực, lạm dụng và bóc lột trẻ em, đồng thời đáp ứng các nhu cầu bảo vệ của trẻ. Tuy nhiên, phương pháp bảo vệ trẻ em hiện nay ở Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung đáp ứng nhu cầu của những nhóm trẻ em cụ thể như trẻ mồ côi, tàn tật, trẻ đường phố…do đó thiếu một hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em được điều phối thống nhất. Các dịch vụ bị phân tán, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, chưa có sự phân công và trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan, tổ chức.
TS. Nguyễn Hải Hữu cho rằng, mục tiêu chăm sóc, bảo vệ trẻ em giai đoạn 2009 – 2010 sẽ có nhiều nhóm chỉ tiêu có nguy cơ không đạt như việc bảo vệ trẻ em và sự tham gia của đối tượng này trong các hoạt động. Lấy ví dụ về những trẻ em mưu sinh hết sức nguy hiểm tại các trường đua, những vụ bạo lực trẻ em trong thời gian qua. Ông khẳng định: Công tác bảo vệ cho đối tượng đặc biệt này còn gặp nhiều hạn chế. Ví dụ, trong chỉ tiêu là giảm trẻ em lang thang nhưng thực tế nhóm trẻ này không hề giảm mà có nguy cơ tăng lên rất nhanh.
Hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, nguyên nhân lớn nhất của việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em còn yếu là do nguồn cán bộ cho công tác này còn thiếu và yếu. Đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 1 chỉ rõ: Từ trước đến nay, đội ngũ cán bộ làm công tác này hầu hết đều hoạt động theo dự án. Khi dự án hoàn thành thì họ cũng ra đi. Trong khi nguồn cán bộ mới thì chưa có, chưa đào tạo được, cũng không ai muốn làm vì chế độ đãi ngộ, thu hút đều không có. Đồng tình với những ý kiến nhận xét này, ông Nguyễn Hải Hữu bổ sung thêm: đội ngũ làm công tác xã hội hầu hết đều không chuyên nghiệp, không được đào tạo cơ bản. Chủ yếu vẫn vì tình cảm mà làm do đó những kỹ năng và kiến thức còn yếu. Trong khi đó, trên thế giới, ngành công tác xã hội đã được phát triển thành một nghề được đào tạo bài bản, công phu tại các trường đại học. Để giải quyết tình trạng đội ngũ cán bộ thiếu và yếu chuyên môn, ông Hữu cho biết thêm: sắp tới Bộ sẽ trình đề án lên Chính phủ để nghề công tác xã hội trở thành một nghề chuyên nghiệp, có mã ngành, cũng như tuyển sinh và đào tạo chuyên nghiệp như những ngành học khác./.
Đặng Trinh
Theo Molisa