12 tháng 5, 2009

Công tác xã hội: Không chỉ là chuyện nghề!


Những vấn đề về an sinh xã hội
Công tác xã hội: Không chỉ là chuyện nghề!

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay toàn quốc có tới gần 5,5 triệu người khuyết tật, hơn 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ của cộng đồng.
Ngoài ra, cũng có gần 7,5 triệu người cao tuổi, trong đó nhiều người có nhu cầu được chăm sóc cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Để giúp đỡ những đối tượng đặc biệt này, không chỉ có người thân, các y, bác sỹ mà cần có một lực lượng những người làm công tác xã hội. Song thực tế, Việt Nam hiện còn quá ít, nếu không muốn nói là chưa có!
Công tác xã hội, hiểu đúng nghĩa chính là toàn bộ những trợ giúp xã hội, đặc biệt là những trợ giúp nhân đạo, từ thiện. Sự chăm sóc, trợ giúp này mang tính chuyên biệt, dành cho những người không được hoặc đang hưởng sự chăm sóc thiếu đầy đủ như người khuyết tật, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Nói về các hoạt động công tác xã hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, hoạt động công tác xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới đã xuất hiện và dần mang tính chuyên nghiệp hóa từ hàng thế kỷ nay. Các hoạt động công tác xã hội ở nhiều quốc gia đã được hình thành từ cuối thế kỷ XIX với các hoạt động chăm sóc nhân đạo đối với người nghèo. Ở Việt Nam, công tác xã hội cũng đã hình thành và phát triển từ nhiều năm nay và có vai trò quan trọng trong các hoạt động xã hội như chăm sóc, phục hồi chức năng các đối tượng nghiện ma túy, mại dâm, nhiễm HIV, phụ nữ và trẻ em bị buôn bán và lạm dụng tình dục, vi phạm pháp luật... Thực tế hiện nay, nhiều tổ chức từ thiện tự nguyện vẫn hoạt động công tác xã hội thông qua các chương trình vận động, quyên góp và hỗ trợ người nghèo, người hoạn nạn. Đặc biệt, thời gian gần đây, với các chính sách quan tâm tới người có công với cách mạng, nhiều điều dưỡng viên đã và đang chăm sóc các đối tượng chính sách, người già cô đơn không nơi nương tựa. Mặc dù được trả lương nhưng thực chất, họ đang hoạt động công tác xã hội với các công việc cụ thể. Ngoài nhiệm vụ chăm sóc, họ còn có các hoạt động khác như tham vấn, chăm sóc về tâm lý, tình cảm.
Ở nước ta, việc hình thành một đội ngũ những người làm công tác xã hội để làm những việc chuyên biệt đang dần trở thành một đòi hỏi cần thiết của nhiều người cao tuổi, nhiều gia đình neo người. Theo dự báo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc - UNICEF, đến năm 2010, Việt Nam sẽ cần khoảng 15.000 cán bộ công tác xã hội được đào tạo bài bản và khoảng 50.000 cộng tác viên cấp xã, phường. Và để đạt được tỉ lệ 1 cán bộ công tác xã hội chuyên nghiệp/10.000 người dân, trong 5 năm tới, Việt Nam cần khoảng 8.500 người làm việc trong các cơ quan nhà nước và khoảng 25.000 cán bộ công tác xã hội bán chuyên nghiệp.
Để chuẩn bị cho xu hướng phát triển các hoạt động công tác xã hội, trợ giúp cộng đồng, năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cấp mã ngành đào tạo cho Trường Đại học LĐ-TB&XH. Và mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng đề án phát triển nghề công tác xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội trong tương lai gần. Việc hình thành nghề công tác xã hội không chỉ là chuyện nghề, mà còn nhằm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trợ giúp người già, người khuyết tật và trẻ mồ côi ổn định về tâm lý, tình cảm.
(Theo báo HNM)
http://www.cpv.org.vn

Không có nhận xét nào: