TS. TRẦN THỊ VÂN ANH - TBT TẠP CHÍ KHOA HỌC VỀ PHỤ NỮ
Hội nhập kinh tế là một từ được nhắc nhiều trong thời gian gần đây. Vậy hội nhập sẽ mang đến cơ hội hay thách thức đối với phụ nữ? và so với nam giới họ sẽ được hay mất nhiều hơn khi đất nước bước vào giai đoạn hội nhập?
Có thể ví hội nhập kinh tế gần giống như việc chúng ta chuyển dần từ đi chợ cóc sang mua bán ở siêu thị. Có nhiều hàng hoá và cơ hội lựa chọn hơn song phải đi xa hơn, phải tuân thủ nhiều luật lệ hơn và có thể cần nhiều tiền hơn.
Hội nhập kinh tế quốc tế giúp cho dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tăng lên, chúng ta có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất mới, mở ra nhiều việc làm. Đồng thời chúng ta cũng đứng trước thực tế là nông sản phẩm, hàng tiêu dùng của ta phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu ngay trên thị trường nội địa, chưa nói đến việc xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài. Để đứng vững trong cuộc cạnh tranh này, đòi hỏi cả phụ nữ và nam giới phải nâng cao kiến thức, kỹ năng và sự quyết tâm. Và nếu một cá nhân hoặc một giới nào ở vị trí xuất phát thấp hơn, lại ít thời gian và cơ hội để đầu tư, học tập thì nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi đối với người đó, giới đó là lớn hơn nhiều lần.
Vậy thách thức đặt ra đối với vấn đề bình đẳng giới trong thời kỳ hội nhập là gì ?
Trước hết với tư cách là người lao động, sản xuất: Phần lớn phụ nữ nước ta làm nông nghiệp. Số liệu cho biết, cứ 100 lao động nữ thì có 46 người làm nông nghiệp, con số này ở nam là 39. Trong đó, tỷ lệ nữ sản xuất ở hộ gia đình cũng cao hơn so với nam (63% so với 53%)(**). Điều này cho thấy khi nước ta thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu, hạn chế các khoản chi hỗ trợ trực tiếp cho nông dân theo cam kết với WTO, đồng thời với việc thị trường ngày càng nhiều nông phẩm nhập khẩu thì nguy cơ phá sản hoặc thu nhập bấp bênh đối với nữ nông dân sẽ cao hơn hẳn so với nam.
Đối với ngành công nghiệp dệt may là một ví dụ điển hình. Hiện nay nước ta có khoảng 2 triệu công nhân dệt may, hầu hết là nữ. Với việc giảm thuế nhập khẩu sản phẩm may mặc từ 50% xuống còn 15% thì chúng ta đang đứng trước cuộc cạnh tranh gay gắt với sản phẩm dệt may nhập khẩu ngay tại thị trường nội địa. Đi liền đó là sự cạnh tranh khốc liệt hơn trong xuất khẩu. Dự đoán, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng từ 15-20%/năm, có thể giảm xuống mức 5-7%/năm sau năm 2008(***), ảnh hưởng đến công ăn việc làm và thu nhập của hàng triệu nữ công nhân và gia đình họ.
Với giới doanh nhân, nữ chủ doanh nghiệp chiếm khoảng 20%, chưa kể các hoạt động kinh doanh, dịch vụ ở hộ gia đình do nữ làm chủ(****). Bên cạnh những
khó khăn chung của doanh nhân như thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường, thiếu lao động lành nghề thì so với nam giới, nữ doanh nhân gặp nhiều khó khăn hơn. Đó là do chênh lệch về trình độ học vấn, kinh nghiệm kinh doanh, các mối quan hệ và ảnh hưởng, về đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài sản chung của vợ chồng. Những khó khăn này hiện nay không hề giảm đi, mà ngược lại còn tăng lên do mức độ cạnh tranh ngày càng cao, không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước mà cả với cơ sở sản xuất và cung cấp dịch vụ của nước ngoài.
Xét về cơ cấu kinh tế, trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam cũng như nhiều nước khác, muốn phát triển phải quan tâm đến các ngành tạo giá trị gia tăng cao, ví dụ các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, hay các ngành công nghiệp kỹ thuật cao như viễn thông. Trong khi đó, lao động nữ hiện chủ yếu tập trung ở các ngành công nghiệp nhẹ, như sản xuất giày, may, chế biến nông sản, v.v.. Đây là một thách thức lớn và đồng thời cũng là nguy cơ tiềm ẩn đối với lao động nữ ở nước ta xét từ góc độ thu hẹp việc làm và giảm thu nhập.
Với tư cách là người tiêu dùng: Phụ nữ có nhiều cơ hội song cũng gặp nhiều thách thức hơn bao giờ hết. Chất lượng và chủng loại hàng hoá ngày càng đa dạng, hệ thống quảng cáo ngày càng tinh vi đang đòi hỏi người tiêu dùng không chỉ đơn giản là đi và mua, mà phải là người lựa chọn thông minh. Đứng trước các loại bao bì, nhãn mác, thành phần hoá chất, dinh dưỡng, v.v… phụ nữ đang mất nhiều thời gian và trí tuệ hơn trước để lựa chọn và quyết định nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng phức tạp của các thành viên gia đình.
Để vượt qua tất cả thách thức từ góc độ là người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng trong thời kỳ hội nhập, phụ nữ cũng như nam giới cần có kiến thức và sự nỗ lực vượt bậc. Tuy nhiên, trong cuộc đua này, phụ nữ đang phải vượt qua rất nhiều chướng ngại vật. Tỷ lệ nữ được đào tạo chuyên môn ở tất cả các hình thức như qua trường lớp hoặc đào tạo tại chỗ đều thấp hơn nam giới. Thời gian hàng ngày làm các công việc gia đình và chăm sóc sức khỏe thành viên gia đình của phụ nữ dài hơn nam giới. Ở nhiều gia đình, quyền quyết định của phụ nữ cũng thấp hơn nam giới. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ thực hiện các biện pháp tránh thai thì cao hơn và sức khỏe của họ, ngược lại, chịu ảnh hưởng nhiều hơn nam giới. Đến nay còn gần 40% phụ nữ nông dân nghỉ sinh con dưới 31 ngày.
Như vậy, hội nhập kinh tế quốc tế mang lại những cơ hội lớn cho chúng ta. Tuy nhiên, để nắm bắt những cơ hội này, phụ nữ đang gặp nhiều thách thức hơn nam giới. Sau đây là hai đề xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của phụ nữ trong sản xuất:
Một là, nâng cao khả năng tiếp cận việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, đồng thời giảm rủi ro đối với người lao động bằng hai nhóm biện pháp:
- Giảm chi phí và thời gian tìm việc của người lao động thông qua việc hoàn thiện hệ thống thông tin quảng cáo, tư vấn về việc làm, về cơ hội đầu tư. Cung cấp thông tin về thị trường lao động, thị trường đầu tư, thị trường tài chính … với giá rẻ, bảo đảm độ trung thực và cập nhật.
- Mở rộng diện bảo trợ lao động qua việc kết nạp những nhóm đối tượng lao động mới, thực hiện bảo hiểm tự nguyện và đưa chế độ rủi ro thất nghiệp vào cuộc sống. Hướng tới nhóm lao động có nhiều nguy cơ và dễ bị rủi ro, chú ý đến điều kiện cụ thể của lao động nữ để đảm bảo rằng họ được tiếp cận bình đẳng với các quy định này trên thực tế chứ không chỉ trên văn bản.
Hai là, mở rộng ngành nghề, hình thức và đối tượng đào tạo và hỗ trợ kinh phí để lao động nữ ở nông thôn tiếp cận thuận lợi với việc dạy nghề, với hai nhóm biện pháp:
- Khuyến khích các hoạt động đào tạo nghề ở nông thôn, thu hút đông lao động nữ, đặc biệt là nâng cao tay nghề, kỹ năng, cách quản lý, kinh doanh phát triển tiểu, thủ công nghiệp…hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn về thông tin, chuyển giao công nghệ, tư vấn và dịch vụ.
- Đảm bảo các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công… sử dụng ngân sách của Nhà nước có một tỉ lệ thích đáng học viên là nữ. Cần xác định các chỉ tiêu về nữ trong bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo cũng như hỗ trợ áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông phẩm nước ta.
Chú thích:
(**) Viện KHXHVN, 2007. Báo cáo phân tích số liệu điều tra về bình đẳng giới
(***) Trang tin điện tử Trên con đường hội nhập
(****) Trang tin điện tử của VCCI
SOURCE:
http://www.ubphunu-ncfaw.gov.vn/?lang=V&func=newsdt&CatID=152&newsid=1710&MN=65
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét