26 tháng 3, 2008
LẮNG NGHE
Đồng hồ chạy pin đặt trên chiếc bàn xếp nhỏ xíu, cách chỗ nằm ngủ cả một khoảng xa, thế mà nó cứ đều đặn tích tắc, tích tắc; cái bàn là vừa mới sử dụng, rút phích cắm điện đặt dưới sàn nhà chưa lâu đã kịp bật tiếng ức ức rất ngộ.Trong đêm vắng, bước chân người nhà hàng xóm gần sát vách vẫn vội vã lên xuống cầu thang; rin rít vòng tràng hạt di chuyển chầm chậm theo sự co duỗi bình thản của ngón tay cái. Khuya lắm, xe máy ai rồ chạy vụt qua thật lạc điệu.... Ngoài cửa sổ buông rèm mở ngỏ, chiêm chiếp liên hồi hai giọng chim như có vẻ muốn hoà điệu cùng nhau; dĩ nhiên, chuông reo kia báo hiệu chàng bánh mì đến giao hàng đang đứng chờ; từ sáng sớm, còn vọng rõ lên tận tầng ba này, ồn ã chợ họp tự phát dọc ngõ nhỏ: mấy cô hàng rau đon đả chào mời khách- mặt mày còn ngái ngủ- tranh thủ bước ra mua thức ăn cho bữa trưa, và dao thớt mài liếc xoèn xoẹt của chị bán thịt lợn,...Việc nghe rèn giũa các giác quan thêm tinh tế. Có điều, nếu không liên kết chặt chẽ với sự chắt lọc và lắng lại, xem chừng mọi thứ sẽ trôi tuồn tuột qua đôi tai luôn chực đầy ắp thông tin.Giờ thì tôi muốn dành thời gian và tâm trí để chia sẻ cùng bạn vấn đề lắng nghe trong tham vấn, tâm lý trị liệu.Khi tương tác xã hội, nhà tâm lý học Carl Rogers bảo: có nguy cơ của chuyện bày tỏ và nguy cơ cho việc lắng nghe.Theo ông, một trong những yếu tố dễ bị hiểu sai lệch nhất là cường độ của sự lắng nghe mang tính thấu cảm (empathic listening). Mọi người cảm thấy rằng, lắng nghe là dạng thức kinh nghiệm tiêu cực, bị động: một sự lầm lạc tồi tệ.Sự tôn trọng tích cực vô điều kiện (unconditional positive regard) cũng bị hiểu nhầm: quan tâm đến thân chủ, đánh giá cao thân chủ không có nghĩa là tán đồng tất tật mọi thứ thân chủ làm; đúng ra, là quan tâm thực sự đến bản chất cốt yếu của thân chủ.Lắng nghe đích đáng không bao hàm việc chúng ta làm bất cứ điều gì chúng ta muốn; nó có nghĩa là cách tiếp cận đòi hỏi rèn luyện và mang tính kỷ luật-- dưới nhiều phương thức khác nhau, đây là một trong những sự phức tạp của cách tiếp cận Con người- trọng tâm.Nó có nghĩa là chúng ta thực sự gạt bỏ, để tất cả ở bên ngoài và tập trung vào thân chủ. Do bản chất đơn giản như thế, người ta quên bẵng rằng ở đấy còn có sự học hỏi khắc khổ và hành động kỷ luật khi tương tác.Carl Rogers mô tả sự lắng nghe của bản thân là "một năng lực trực giác cho sự hiểu biết thấu cảm."Trước tiên, ông chú tâm lắng nghe một cách cẩn thận; rồi dần dần, ông thấy mình đang lắng nghe để am hiểu các cảm xúc và ý nghĩa cá nhân.Đôi lúc, mọi người lờ đi phần thứ hai-- không chỉ lắng nghe các cảm xúc mà còn cả ý nghĩa riêng tư theo sự trải nghiệm của thân chủ.Carl Rogers nhận ra rằng ông đã bước vào thế giới nội tâm sâu kín của thân chủ, gắng cảm nhận chính xác bản chất của thế giới nội tâm đó, di chuyển xung quanh nó một cách tự tại và có thể cảm nhận về nó từ bên trong.Theo Carl Rogers, thấu cảm còn mang nghĩa là làm bạn đồng hành khi thân chủ truy tìm trải nghiệm riêng có.Và ông ngày càng tin tưởng vào sự hiểu biết trực giác; thi thoảng, ông đã muốn nói vài điều chẳng liên quan chi với những gì thân chủ vừa bộc lộ, vì ông cảm thấy dường như chúng quan trọng với ông để được nói ra lúc ấy.Từ từ, sự hiểu biết của Carl Rogers về thấu cảm mở rộng thành năng lực thấu cảm trực giác- ông nhận ra những gì khởi nguồn trong mình cần thiết được nói ra.Nó có thể là kỳ cục, vượt ngoài bối cảnh, song ông phát hiện thấy rằng, nếu ông bày tỏ thì nó thường rung một hồi chuông thực sự với con người và khơi mở hầu khắp những nơi chốn, ngõ ngách từng bị thân chủ cảm nhận một cách mờ tối nên đã không thực sự trải nghiệm qua.Carl Rogers không thực sự am tường hết hoạt động của trực giác. Chỉ đơn giản là tình cờ nhặt được những ám hiệu không lời? Theo ông, có một cách thức mà nội tại căn cốt của ông liên kết với nội tại căn cốt của người khác; và ông hiểu biết tốt hơn sự hiểu biết của tâm trí mình, tốt hơn sự hiểu biết của bộ não mình.Tâm trí thì to lớn hơn bộ não, và vì sao đó, tâm trí không được ý thức (nonconscious mind) của ông hiểu biết rõ ràng hơn sự hiểu biết của tâm trí được ý thức; do vậy, ông có khả năng đáp ứng điều gì đó trong con người tha nhân này mà ông không biết làm thế nào lại đáp ứng như thế.Carl Rogers hy vọng vào một ngày, rồi sẽ có nhiều người nắm bắt được sự kiện rằng, không chỉ lắng nghe tích cực mà cả sự lắng nghe thật nhạy cảm là cực kỳ quan trọng.
Theo caitoi.blogspot.com
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét