31 tháng 3, 2008

Emotional Intelligence - Thông Minh Xúc Cảm trong môi trường làm việc


Emotional Intelligence - Thông Minh Xúc Cảm trong môi trường làm việc
Thông minh xúc cảm (Emotional Intelleigene) được đo bởi Chỉ Số Xúc Cảm EQ - Emotional Quotient. EQ đo lường năng lực, khả năng hay kỹ năng của một người về việc cảm nhân, đánh giá, và quản lý xúc cảm của bản thân, của người khác hay của một nhóm người.

Việt là một học sinh giỏi và rất thông minh. Cậu ta luôn có điểm số cao trong hầu hết mọi môn và là người đứng đầu trong các kỳ thi. Tuy vậy tính của Việt tự cao và khó gần. Bạn bè nể Việt nhưng hấu như ít ai chơi với Việt thân thiết. Khi ra trường Việt có nhiều mời chào từ các công ty. Tuy nhiên kết quả các cuộc phỏng vấn không được khả quan. Cuối cùng cậu nhận được một công việc nhưng không vừa ý lắm. 7 năm sau kể từ khi ra trường Việt vẫn chưa làm đựơc những gì cậu mong muốn . Thêm vào đó cậu không có mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp trong công ty.

Trái với Việt, Hùng không phải là học sinh giỏi. Điểm số cậu chỉ thuộc dạng khá. Tuy nhiên với tính cách hòa đồng, hay quan tâm giúp đỡ người khác, và sự nổi trội trong những tình huống khó khăn, cậu rất được bàn bè quý mến và tin yêu. Khi ra trường cậu không có nhiều cơ hội phỏng vấn như Việt. Tuy vậy cậu đã vượt qua hầu hết các cuộc phỏng vần và chọn được công ty mình ưa thích. Hiện tại, với vị trí Truởng Phòng Kinh Doanh - được ban lãnh đạo tin cậy, đồng nghiệp và khách hàng quý mến, Hùng đang có một tương lai sán lạn trước mặt.




Trong cuộc sống chúng ta gặp rất nhiều những trường hợp như vậy. Tại sao những người ít thông minh hơn lại thành công hơn những người thông minh hơn mình. Có phải do họ may mắn, làm việc chăm chỉ, hay họ có những năng lực đặc biệt?

Trí Thông Minh (Intelligence) và Thông Minh Xúc Cảm (Emotional Intelligence)

Trí Thông Minh (Intelligence) được đo bởi IQ – Intelligence Quotient. IQ đo lường khả năng trí lực, năng lực học hỏi, khả năng hiểu và xử lý tình huống, năng lực suy nghĩ logic, phản biện, sự nhạy bén trong suy nghĩ… Trí thông minh có thể được đo tổng quát cho mọi lãnh vực, nhưng thường được đo theo từng lãnh vực cụ thể.

Thông minh xúc cảm (Emotional Intelleigene) được đo bởi Chỉ Số Xúc Cảm EQ - Emotional Quotient. EQ đo lường năng lực, khả năng hay kỹ năng của một người về việc cảm nhân, đánh giá, và quản lý xúc cảm của bản thân, của người khác hay của một nhóm người.

Chỉ số IQ trong một thời gian dài được dùng để tìm kiếm người tài vì người ta tin rằng người có IQ cao sẽ có xác suất thành công cao hơn người khác. Tuy vậy một số nghiên cứu nghiêm túc của các nhà khoa học nghiên cứu về EQ cho thấy rằng chỉ có 25% số người thành công là có chỉ số IQ cao (tương đối) hơn trung bình. Nghĩa là chỉ số IQ không giải thích được sự thành công vượt trội của 75% số người còn lại. Kết quả nghiên cứu cũng lọai nhân tố về năng lực chuyên môn ra. Cuối cùng những người nghiên cứu khẳng định rằng Thông Minh Xúc Cảm mới là nhân tố quyết định sự thành công trong cuộc sống và công việc của mỗi chúng ta.

Năng Lực Xúc Cảm trong môi trường làm việc.

Trong khi chỉ số thông minh IQ ít khi thay đổi theo thời gian, thì chỉ số thông minh xúc cảm có thể được “học” và thay đổi vào bất cứ giai đọan hay môi trường nào. Để thành công trong môi trường làm việc, Ông Daniel Goleman – người đựơc xem là nhà nghiên cứu hàng đầu về EQ hiện tại, đề xuất chúng ta phải có những năng lực xúc cảm cá nhân gồm: năng lực tự nhân biết bản thân, năng lực tự điều chỉnh, năng lực tạo động lực; và những năng lực thông minh xúc cảm xã hội gồm: năng lực thấu cảm với người khác và năng lực giao tiếp xã hội.

Năng Lực Tự Nhận Biết Bản Thân.

Năng lực Nhận Biết Cảm Xúc giúp chúng ta biết rõ cảm xúc hiện tại của mình và tại sao mình lại có cảm xúc đó. Nó còn giúp chúng ta nhận biết sự liên kết giữa cảm xúc và suy nghĩ, hành động của chúng ta. Quan trọng hơn, nó giúp chúng ta nhận biết vai trò quan trọng của cảm xúc đối với kết quả công việc của mình.

Năng lực Tự Đánh Giá Bản Thân giúp chúng ta biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình. Nó cũng giúp chúng luôn học hỏi và sẵn sàng mở lòng với những nhận xét thẳng thắn. Năng lực Tự Tin giúp chúng ta xuất hiện trước mọi người với một sự tư tin và tự khẳng định “Đây là tôi”. Nó giúp chúng ta cam đảm thể hiện những suy nghĩ chưa được chấp nhận, và dám “cô đơn” để theo đuổi cái đúng. Người có năng lực này quyết đóan và có khả năng đưa ra những quyết định hợp lý mặc cho sự không ổn định và những áp lực.

Năng Lực Tự Điều Chỉnh.

Năng Lực Tự Kiềm Chế giúp chúng ta kiềm giữ các cảm xúc có tính chất hấp hấp, bốc đồng của bản thân và giữ cho bình tĩnh, lạc quan ngay cả trong những khỏanh khắc khó chịu nhất.

Người có Năng lực Trung Thực luôn giữ một tiêu chuẩn về sự chân thật và tính liêm chính. Họ xây dựng được lòng tin đối với người khác qua sự đáng tin cậy và tính xác thực của bản thân. Họ can đảm chấp nhận lỗi của mình và sẵn sang đối đầu với những hành động không trung thực của người khác.

Người có Năng Lực Chịu Trách Nhiệm tự mình chịu trách nhiệm về kết quả làm việc của bản thân, và họ luôn giữ cam kết và lời hứa của mình.

Năng Lực Thích Nghi giúp chúng ta đáp ứng được những yêu cầu khác nhau, và linh họat trong việc giải quyết vấn đề với những sự thay đổi.

Năng lực Cách Tân là khả năng tìm kiếm những ý tưởng mới lạ có tính sáng tạo. Ngừơi có nănh lực cách tân sẵn sàng đổi mới và chấp nhận rủi ro, nếu có, của sự đổi mới.

Năng Lực Tạo Động Lực.

Những người có Năng Lực Phấn Đấu là những người xem kết quả là thước đo cuối cùng, họ luôn cố gắng phát triển bản thân và mong muốn vượt qua hay ít nhất đạt được những tiêu chuẩn hòan hảo.

Những ngừơi có Năng Lực Cam Kết tìm thấy mục tiêu của bản thân trong mục tiêu của tập thể. Họ luôn chú ý đến giá trị, mục tiêu của tổ chức trước khi ra quyết định.

Năng Lực Khởi Xướng giúp chúng ta luôn khởi xướng cho những cơ hội mới. Người có năng lực này có khả năng thúc đẩy đám đông thông qua những cố gắng táo bạo, mạnh mẽ của mình.

Người có Năng Lực Lạc Quan này luôn luôn cố gắng đạt mục tiêu của mình trong những hòan cảnh khó khăn, cản trở. Họ có khả năng chấp nhận những thất bại tạm thời và cố găng vượt qua nó thay vì đầu hàng hay than thân trách phận.

Năng Lực Thấu Cảm. Điều lý thú đó là, để thấu cảm với người khác, chúng ta phải có năng lực nhận biết bản thân mình trước. Hiểu mình, hiểu những cảm xúc bên trong của mình đó là điều kiện cần để có thể hiếu và thấu cảm với người khác.

Người có Năng Lực Thấu Hiểu Người Khác cảm nhận, dự đóan được cảm xúc và hòan cảnh của người khác và có khả năng bày tỏ sự quan tâm của mình một cách chủ động đối với người khác.

Năng Lực Phát Triển Người Khác là năng lực ghi nhận điểm mạnh và những thành quả đạt được của người khác. Người có năng lực này cảm nhân được nhu cầu phát triển bản thân của người khác và sẵn sàng kèm cặp, hỗ trợ cho họ.

Năng Lực Hướng Về Phục Vụ là năng lực dự đóan, nhân biết nhu cầu của khách hàng và đồng nghiệp – khách hàng nội bộ, và từ đó tìm cách đáp ứng và cao hơn nữa là nâng cao sự hõa mãn của khách hàng.

Người có Năng Lực Hòa Nhập Với Tập Thể Đa Dạng tôn trong sự đa dạng của tập thể gồm nhiều người hòan tòan khác nhau. Họ có thể hòa nhập vào đó và từ đó tạo ra được sức mạnh từ sự đa dạng.

Năng Lực Nhận Biết “Chính Trị Nội Bộ” giúp chúng ta cảm nhận khá chính xác được những mối quan hệ của quyền lực và hiểu được những gì ảnh huởng đến quan điểm và hành động của đồng nghiệp, khách hàng.

Năng Lực Giao Tiếp Xã Hội.

Người có Năng Lực Ảnh Hưởng có khả năng thuyết phục và tạo ảnh hưởng lên người khác. Họ có khả năng xây dựng đựoc sự ủng hộ, hỗ trợ của người khác.

Năng Lực Truyền Đạt Thông Tin giúp cho chúng ta khả năng lắng nghe và truyền đạt ý nghĩ của mình một cách hiệu quả, và khả năng tạo môi trường mở để mọi người thể hiện ý nghĩ, truyền đạt thông tin.

Người có Năng Lực Quản Lý Sự Xung Đột có khả năng “xử lý” những tình huống căng thẳng hay những người quá khó khăn, một cách êm đẹp. Họ có khả năng thương thuyết và giải quyết những mối bất hòa, và đưa ra giải pháp hai bên cùng thắng.

Người có Năng Lực Lãnh Đạo có khả năng tạo cảm hứng cho mọi người tin và hướng theo một tầm nhìn, một mục tiêu chung. Bất chấp vị trí của mình, cao hay thấp, họ sẵn sàng tiến lên để nhận lãnh trách nhiệm. Cao hơn hết họ không nói suông. Họ lãnh đạo, tạo ảnh huởng lên người khác bắng chính những hành động của mình.

Năng Lực Tạo Sự Thay Đổi là năng lực nhận biết sự cần thiết của thay đổi và vì thế hỗ trỡ cho sự thay đổi xảy ra nhanh hơn. Không chỉ hưởng ứng thích nghi với sự thay đổi, người coi năng lực này còn là tác nhân chủ động tạo ra những sự thay đổi để đưa tổ chức tiến về phía trước.

Người có Năng Lực Hợp Tác Với Người Khác cân bằng giữa sự tập trung vào công việc và tập trung vào mối quan hệ con người. Họ có khả năng tạo ra một môi trường làm việc hợp tác vì mục đích chung trong đó mọi người đều có cơ hội để phát triển.

Thay cho lời kết:

Đọc hết những điều trên, chắc hẳn bạn cũng như tôi sẽ có cảm nhận rằng Những Năng Lực Thông Minh Xúc Cảm trong môi trường làm việc tuy nghe hết sức bình thường, hơi có vẻ lý thuyết nhưng diễn tả hầu hết mọi phẩm chấp lý tưởng của con người trong môi truờng làm việc. Đó là những phẩm chất mà mỗi chúng ta mong muốn có cho bản thân mình cũng như cho xếp, đồng nghiệp của mình. Và bây giờ thì bạn và tôi cũng sẽ tin rằng chính những năng lực, phẩm chất đó mới là tác giả tạo ra sự khác biệt giữa Việt và Hùng, và là chìa khóa mở cánh cửa thành công của tất cả chúng ta. Tin vui là mọi người, vào bất cứ độ tuổi nào, đều có tiềm năng để phát triển những năng lực trên. Việc quan trọng là chúng ta phải nhân biết vấn đề. Chúng ta sử dụng và tự hào nhưng nên giảm bớt sự “ỷ lại” vào trí thông minh IQ, trình độ chuyên môn hay những năng lực, tài năng khác. Chúng ta nên tập trung nhiều hơn đến việc phát triển EQ, phát triển năng lực xúc cảm của bản thân trong môi truờng làm việc. Từ từ chúng ta sẽ nhận biết biết và “quản lý” mình tốt hơn, hiểu biết và giao tiếp với người khác hiệu quả hơn, và chắc chắn sẽ gặt hái nhiều thành công hơn trong công việc và cuộc sống.

Lâm Minh Chánh, MBA

Tài liệu tham khảo:

“Emotional Intelligence - Why It Can Matter More Than IQ – Tại Sao Thông Minh Xúc Cảm lại quan trọng hơn IQ”, tác giả Daniel Goleman, 2006; “Working with Emotional Intelligence – Thông Minh Xúc Cảm trong công việc”, tác giả Daniel Goleman, 2000; “The Emotionally Intelligent Manager: How to Develop and Use the Four Key Emotional Skills of Leadership – Nhà Quản Lý Thông Minh Xúc Cảm: Cách phát triển và sử dụng 4 năng lực chính trong lãnh đạo”, tác giả David R. Caruso và Peter Salovey, 2004; “Executive E. Q: Emotional Intelligence in Leaderships and Organizations - Chỉ Số Xúc Cảm dành cho quản lý: Thông minh xúc cảm trong lãnh đạo và tổ chức”, tác giả Robert K. Cooper và Ayman Sawaf, 1998

Nguồn: www.saga.vn

Không có nhận xét nào: