3 tháng 3, 2008

Sứ mệnh của nghề công tác xã hội và các cán bộ xã hội



Sứ mệnh của nghề công tác xã hội và các cán bộ xã hội
Khác với các lĩnh vực khác, công tác xã hội thực hành thường đòi hỏi tập trung vào nhiều hoạt động khác nhau, ở mức độ trừu tượng cao hơn trong lý thuyết và khẳng định sứ mệnh cơ bản của mình là trực tiếp phục vụ những người cần trợ giúp, đồng thời làm cho các tổ chức xã hội đáp ứng một cách tốt nhất các nhu cầu của con người.
Mặc dù trên thế giới, sứ mệnh này đã được khẳng định và giữ gìn qua hàng thế kỷ, tuy nhiên việc làm cho mọi người hiểu rộng và sâu hơn về đặc thù của nghề công tác xã hội so với các nghề trợ giúp khác vẫn còn nhiều khó khăn. Nhà khoa học về công tác xã hội Mayer đã mô tả chính xác vấn đề này như sau: Thông thường ,tất cả các nghề xã hội đều cần phải thích nghi với sự thay đổi của xã hội và luôn phải hướng sự quan tâm của mình vào việc bảo vệ mục đích ban đầu. Ví dụ: Nhà kiến trúc thiết kế các công trình với mục đích, định hướng của một phong cách kiên trúc nhất định; các bác sĩ chữa bệnh theo chẩn đoán bệnh tật và sức khoẻ, các luật sư, nhà giáo dạy học đều có mục đích đặt ra từ trước. Còn cán bộ xã hội quan tâm đến cái gì? Đây là một vấn đề trừu tượng và rất rộng, có thể là tâm lý con người, nhưng có lúc lại là việc đảm bảo cung cấp dịch vụ xã hội, thậm chí là phân tích chính sách, đề xuất và tạo ra những thay đổi…hay tất cả những việc này?

Với quan niệm của nghề công tác xã hội chuyên nghiệp hiện nay, câu trả lời “tất cả các việc này” là đúng. Do vậy, vấn đề đặt ra là vậy cán bộ xã hội sẽ được nhìn nhận như thế nào về sứ mạng của họ trong công việc?

Qua quá trình nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn, các nhà nghiên cứu về công tác xã hội tổng kết rằng, sứ mệnh của công tác xã hội và cán bộ làm công tác xã hội hướng tới 3 mục đích cơ bản, bao gồm: Chăm sóc, chữa trị và thay đổi.

Thế nào là chăm sóc?

Trải qua lịch sử phát triển, các cán bộ xã hội đã luôn tìm cách để cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người yếu thế, nhất là khi phải sử dụng các kiến thức, kinh nghiêm của mình để ngăn chặn hoặc giải quyết các vấn đề của các đối tượng như: người khuyết tật, người cao tuổi, người bị bệnh kinh niên…cho những người bị cho là hạn chế trong việc thực hiện các chức năng xã hội. Thuật ngữ chăm sóc, hiểu theo cách này được phát hiện từ năm 1800, khi những người đầu tiên làm công tác xã hội phải đối mặt với những cảm giác tiêu cực của những người sống trong các trung tâm dưỡng lão. Với thời gian, cán bộ xã hội nhận ra rằng, có một số tình trạng sống nhất định mà cho dù nỗ lực đến mấy, những người thân, gia đình và kể cả cộng đồng xã hội cũng không thể tác động, can thiệp và thay đổi được. Nạn nhân của tình trạng này không chỉ cần sự cảm thông, chia sẻ mà còn cần sự chăm sóc có chất lượng cao.

Sự chăm sóc ở đây được hiểu là những cách thức để làm cho con người cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn và giúp họ đối đầu với những hạn chế đặc thù của riêng mình. Đã có thời kỳ, sự chăm sóc này chỉ được thực hiện thông qua hình thức cung cấp cái ăn, cái mặc, hoặc giúp họ có thu nhập hay được ở và sinh hoạt trong môi trường phù hợp. Hiện nay, chăm sóc được nhìn nhận theo nghĩa rộng hơn, bao hàm cả việc được cung cấp các dịch vụ tư vấn, tham vấn nhằm giải quyết hoặc chấp nhận đối với những tình huống không thể thay đổi được như đối với người khuyết tật, người bị bệnh bẩm sinh, kinh niên.

Tóm lại, sứ mệnh của công tác xã hội được thể hiện bởi vai trò rất quan trọng, đó là sự trợ giúp cộng đồng nhằm tạo ra những dịch vụ cần thiết để đáp ứng và thoả mãn nhu cầu được chăm sóc của các đối tượng xã hội và đây cũng là một trong những mục tiêu cơ bản của công tác xã hội thực hành.

Tại sao là trị liệu?

Một nhiệm vụ khác của công tác xã hội thực hành là tổ chức can thiệp có hiệu quả cho các cá nhân, gia đình gặp phải những vấn đề trong xã hội. Căn cứu vào nhu cầu của thân chủ, các hoạt động can thiệp trực tiếp được thực hiện thông qua các hình thức từ trị liệu tâm lý đến tác động thay đổi hành vi, tham vấn thực tế, can thiệp khi gặp khủng hoảng…đều được thực hiện bởi những cán bộ làm công tác xã hội. Các phương pháp này không can thiệp một cách trực tiếp, tự động đến các vấn đề xã hội như bác sĩ chỉ định thuốc chữa cho bệnh nhân. Thực thế, hầu hết các cán bộ làm công tác xã hội chuyên nghiệp đều cho rằng: Cách tốt nhất là họ giúp thân chủ ( hoặc đối tượng xã hội) tự trị liệu cho chính mình. Sứ mệnh của họ ở đây chính là khích lệ thân chủ của mình tích cực vận động để đạt tới sự thay đổi, đánh giá chính xác về mình và các yếu tố cần thiết để tạo ra sự thay đổi. Cán bộ làm công tác xã hội sẽ giúp họ biết lựa chọn và sử dụng các kỹ năng cần thiết để hướng đến những kết quả mong đợi.

Thay đổi và đổi thay như thế nào? Đây chính là mục đích thứ 3 của công tác xã hội chuyên nghiệp. Hầu hết các cán bộ xã hội đều hướng đến sự thay đổi từ cơ chế, chính sách, thủ tục, thái độ ứng xử trong xã hội để làm sao phù hợp với nhu cầu của con người. Nhiều nhà công tác xã hội đã đi tiên phong, làm việc như những nhà cải cách tích cực nhằm mục đích cải thiện, thay đổi các vấn đề phát sinh từ bệnh viện, trường học, nhà dưỡng lão đến các toà án. Ngày nay, họ đã tìm được cách thức tác động nhằm đem đến sự thay đổi tích cực từ các chương trình trợ giúp, cố gắng tạo ra các chương trình tác động mới để giảm thiểu hoặc thay đổi những yếu tố có thể tạo ra những tình huống nguy hại cho sự phát triển của xã hội loài người như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, kỳ thị giới và nghèo đói.

Cùng với đó, cán bộ xã hội cũng phải tìm kiếm các giải pháp tác động nhằm thay đổi thái độ tiêu cực của xã hội và cả những đối tượng yếu thế trong xã hội thông qua việc giáo dục cộng đồng, nâng cao nhận thức trong dân cư và biện hộ cho quyền lợi của những đối tượng xã hội. Cán bộ xã hội cũng đem đến những thay đổi trong xã hội thông qua việc đại diện cho lợi ích của những thân chủ hoặc trợ giúp thân chủ thuyết phục các nhà hoạch định chính sách trong việc quan tâm đến các nhu cầu, nguyện vọng của họ.

Tóm lại, với 3 câu hỏi trên, sứ mệnh của công tác xã hội đã một phần được giải đáp, mặc dù bản thân sứ mệnh này không tự phân biệt rõ sự khác biệt giữa công tác xã hội với những trợ giúp khác, nhưng cũng đem lại những hiểu biết cơ bản nhất về sứ mệnh của nghề công tác xã hội cũng như những cán bộ xã hội trong thực tiễn./.

TS. Nguyễn Thị Lan

Không có nhận xét nào: