14 tháng 3, 2008

KHUYẾN NÔNG THÁI NGUYÊN VỚI SỰ THAM GIA CỦA NÔNG DÂN


KHUYẾN NÔNG THÁI NGUYÊN
VỚI SỰ THAM GIA CỦA NÔNG DÂN
Cái Ngọc Hải, Phó giám đốc
Trung tâm khuyến nông Thái Nguyên
Giới thiệu về dự án:
Thái Nguyên là một tỉnh miền núi, có tổng diện tích tự nhiên 356.663 ha, trong đó đất nông nghiệp 80.883,91 ha, đất lâm nghiệp 119.853,89ha. Hơn 80% người dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, đất đai xấu, thuỷ lợi khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa ở các huyện miền núi cao.
Từ năm 1991 Tổ chức CIDSE Việt Nam đã hợp tác và hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên thực hiện dự án nâng cao năng lực và củng cố hệ thống khuyến nông từ tỉnh cho đến cấp xã và thôn bản nhằm tiếp cận và đáp ứng tốt hơn các dịch vụ khuyến nông đến với nông dân. Trong 4 huyện của dự án đã có hơn 100 cán bộ kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi được đào tạo về phương pháp khuyến nông có sự tham gia của nông dân. Khi thực sự được tham gia vào các hoạt động khuyến nông từ bước lập kế hoạch, tiến hành thực hiện kế hoạch, kiểm tra theo dõi các hoạt động, đánh giá rút kinh nghiệm thì người nông dân mới nâng cao được tính độc lập tự chủ, tự nguyện tham gia và đóng góp nguồn lực để cải tiến sản xuất, nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo một cách bền vững.
Cùng với việc nâng cao năng lực cho đối tác và người hưởng lợi, Tổ chức CIDSE hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông tại cơ sở như xây dựng các nhóm hộ sở thích, các ô mẫu trình diễn, làng khuyến nông tự quản. Kết quả nổi bật của hoạt động khuyến nông tại tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua là đã hình thành hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở với nhiều hình thức hoạt động linh hoạt, mang lại hiệu quả cao, trong đó phải kể đến các hoạt động của làng khuyến nông tự quản.
Thế nào là làng khuyến nông tự quản:
Làng khuyến nông tự quản là một tổ chức nông dân ở cơ sở được thành lập trên tinh thần tự nguyện và nhu cầu của cộng đồng thôn bản. Với sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông cụm, huyện, làng khuyến nông tự quản hoàn toàn chủ động và tự quản trong việc tổ chức phát triển sản xuất và các hoạt động khác của địa phương. Việc xây dựng làng khuyến nông tự quản không phải đơn thuần là chỉ để hưởng nguồn đầu tư hỗ trợ từ bên ngoài mà nhằm một mục tiêu quan trọng đó là hoàn thiện hệ thống khuyến nông cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác khuyến nông - khuyến lâm, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến cho nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Chính vì thế việc xây dựng làng khuyến nông tự quản và mở rộng ra diện rộng là điều cần thiết và được Ban quản lý dự án quan tâm chỉ đạo.
1. Mục tiêu:
- Nâng cao năng lực tự quản của người nông dân.
- Xây dựng kế hoạch và biện phát phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu của người dân trong sản xuất và phát triển thôn bản.
- Tăng cường tính cộng đồng trong các hoạt động nông nghiệp và phát triển nông thôn.
2. Các bước thực hiện:
a. Cán bộ khuyến nông gặp gỡ chính quyền xã để thống nhất lựa chọn làng dựa vào các tiêu chí như sau:
- Làng nghèo.
- Đại diện cho khu vực.
- Làng chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp.
b. Điều tra nông thôn có sự tham gia của nông dân (PRA)
- Nắm được thực trạng của địa phương vùng dự án.
- Xác định được khó khăn thuận lợi của cơ sở.
- Xác định các giải pháp và ưu tiên cần hỗ trợ.
c. Họp cộng đồng.
- Giới thiệu mục tiêu và sự cần thiết phải xây dựng làng khuyến nông tự quản, đồng thời thống nhất các bước thực hiện trong tiến trình thiết lập làng khuyến nông tự quản.
- Bầu ban phát triển làng.
- Xây dựng quy chế hoạt động của làng.
- Hình thành các nhóm sở thích.
d. Nâng cao năng lực cho ban phát triển làng (tập huấn).
Trên đây là 4 bước trong quá trình xây dựng làng khuyến nông tự quản. Điều cốt lõi là làm thế nào cho người nông dân hiểu được và họ tự nguyện tham gia vào các hoạt động phát triển thôn bản, họ phải là người được bầu ra ban phát triển làng, lập ra quy chế, quy đinh và kế hoạch hoạt động của làng.
3. Cơ cấu và nhiệm vụ của Ban phát triển làng:
Ban phát triển làng có từ 3 – 5 thành viên do cộng đồng thôn bản tín nhiệm bầu ra. Họ là những người nhiệt tình, năng nổ, có uy tín trong cộng đồng, tự nguyện, am hiểu về một số kỹ thuật nông – lâm – ngư nghiệp và có kinh nghiệm trong sản xuất. Ban phát triển làng cùng cộng đồng trong làng xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, lịch sinh hoạt cụ thể, xây dựng sổ sách, ghi chép các hoạt động cụ thể trong tháng, quý,… và được cộng đồng ủng hộ các quy chế, nội quy trên. Trong Ban phát triển làng, các thành viên được phân công từng công việc có trách nhiệm cụ thể, đảm bảo bao quát được toàn bộ các hoạt động của làng.
Ban phát triển làng là một tổ chức khuyến nông tự nguyện là cầu nối giữa nông dân trong các nhóm hộ sở thích với các tổ chức khuyến nông nhà nước và các tổ chức khuyến nông tự nguyện khác.
Cơ cấu của Ban phát triển làng:
1 trưởng ban.
1 thư ký (làm nhiệm vụ kế toán và kế hoạch).
1 thủ quỹ.
2 uỷ viên (trực tiếp phụ trách nhóm sở thích).
Nhiệm vụ của Ban phát triển làng:
- Thông tin các chủ trương chính sách, tình hình kinh tế đến mọi thành viên trong cộng đồng.
- Hướng dẫn nhóm sở thích lập kế hoạch, xây dựng dự án phát triển về kinh tế văn hoá xã hội.
- Triển khai thực hiện kế hoạch đã lập.
- Kiểm tra giám sát hoạt động của nhóm sở thích, và việc thực hiện kế hoạch.
- Ghi chép, lưu trữ thông tin và báo cáo các hoạt động của làng cho Cụm khuyến nông liên xã.
- Cùng cán bộ khuyến nông tổ chức tham quan hội thảo, nhân rộng những mô hình thành công.
4. Kết quả đạt được:
Đến nay tỉnh Thái Nguyên đã có 52 làng khuyến nông tự quản với 223 nhóm hộ sở thích và 5451 hộ tham gia. Bước đầu các làng đều lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế nông lâm ngư nghiệp làm trọng tâm, bên cạnh đó lồng ghép thêm các hoạt động khác như văn hoá, y tế, giáo dục,… với mục tiêu trọng tâm đó các chương trình hoạt động của làng khuyến nông tự quản được đông đảo các thành viên trong cộng đồng tham gia. Tại các làng khuyến nông tự quản đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo để nâng cao năng lực quản lý, tổ chức tập huấn quản lý vốn tín dụng, đào tạo lập kế hoạch viết báo cáo, đào tạo phương pháp kiểm tra đánh giá… Chính vì vậy các Ban quản lý làng khuyến nông tự quản đã hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn.
So sánh với phương pháp khuyến nông truyền thống:
Khuyến nông có sự tham gia
Khuyến nông truyền thống
Kế hoạch do chính người dân xây dựng theo từng quý. Có xắp xếp thứ tự ưu tiên theo từng địa phương. Đáp ứng đúng nhu cầu của dân.
Hoạt động theo kế hoạch được xây dựng từ cán bộ KN các cấp. Sự tham gia của người dân rất hạn chế. Chưa đáp ứng đúng nhu cầu của nông dân.
Cán bộ KN tiếp cận nhiều hơn với nông dân, năng động hơn. Có phương pháp để huy động sự tham gia của nông dân.
Cán bộ KN ít tiếp cận nông dân, hoạt động theo kế hoạch định sẵn, thụ động. Năng lực của cán bộ KN ít được cải thiện.
Đối tượng hưởng lợi giới hạn trong phạm vi hẹp (cấp xã, thôn bản), dịch vụ khuyến nông có hiệu quả và chất lượng tốt.
Thực hiện trong phạm vi rộng (tỉnh, huyện) nhưng hiệu quả và chất lượng dịch vụ khuyến nông còn thấp.
Đầu tư về nhân lực và kinh phí cao hơn (điều tra xác định nhu cầu, tập huấn và các hoạt động sau tập huấn). Nông dân tham gia kiểm tra, theo dõi và đánh giá kết quả.
Kinh phí trải đều cho các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật và xây dựng mô hình trình diễn. Quá trình kiểm tra, đánh giá còn nhiều hạn chế và chủ yếu do cán bộ KN thực hiện.
Thành công và hạn chế của phương pháp khuyến nông có sự tham gia các cộng đồng:
Thành công:
- Năng lực của cán bộ KN và nông dân được cải thiện và nâng cao.
- Nâng cao tính độc lập tự chủ của nông dân.
- Các hoạt động đáp ứng đúng nhu cầu của người hưởng lợi.
- Cán bộ KN có phương pháp tốt để tiếp cận nông dân.
- Huy động được tối đa nguồn lực của địa phương.
- Tăng cường tính hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng.
Hạn chế:
- Phương pháp hoạt động có sự tham gia của cộng đồng là mới, cán bộ cơ sở cấp huyện, xã chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa được đào tạo đồng bộ, năng lực còn hạn chế.
- Phải thực hiện qua nhiều bước, cần nhiều thời gian và nguồn nhân lực (mỗi xã cần ít nhất 1 cán bộ khuyến nông cơ sở).
- Nguồn tài chính cũng cần được bổ sung thêm đặc biệt là cho đào tạo khuyến nông viên là nông dân và các thành viên trong Ban phát triển làng.
Những vấn đề liên quan đến việc mở rộng:
- Thiếu cán bộ KN cơ sở có đủ năng lực và nắm vững về phương pháp.
- Năng lực của nông dân (người nghèo) còn thấp và không đồng đều.
- Công tác thông tin tuyên truyền về phương pháp còn yếu.
- Thiếu sự hỗ trợ của địa phương và Nhà nước (chính sách, tài chính, nhân lực) để thực hiện và nhân rộng phương pháp.

Không có nhận xét nào: