20 tháng 6, 2008

CÁC CÔNG CỤ CỦA CÔNG TÁC XÃ HỘI CÁ NHÂN


CÁC CÔNG CỤ CỦA CÔNG TÁC XÃ HỘI CÁ NHÂN
Công cụ là vật gì đó đóng vai trò là phương tiện hoạt động trong thực tiễn của nghề buôn bán, một công việc hay một nghề nghiệp . Những công cụ của một nghề nghiệp như nghề mộc, là cụ thể có thể thấy được và xác định được, tự chúng mang đến tri giác giác quan. Trái lại, những công cụ của công tác xã hộ cá nhân là những khái niệm trừu tượng và không phải là những công cụ cụ thể hay những vật có thể cầm được trong tay. Những công cụ được sử dụng trong công tác xã hội cá nhân là : lắng nghe, quan sát, vấn đàm, mối quan hệ và vãng gia. Từ "công cụ" tạo ra ngay hình ảnh tinh thần về những vật cụ thể, không thể dễ dàng giải thích khi nó được sử dụng như một thực thể vô hình, phi vật chất .
Định nghĩa miêu tả về những công cụ công tác xã hội cá nhân
Hai ý nghĩa thông thường của từ "công cụ" có thể được phỏng theo để giải thích thuật ngữ "những công cụ công tác xã hội cá nhân" .
(1) Một phương tiện tiếp xúc với cái gì hay một phương tiện tiếp cận với cái gì đó.
Những công cụ công tác xã hội cá nhân là những phương tiện tiếp xúc với thân chủ. Chúng cũng là phương tiện tiếp cận thông tin về thân chủ, gia đình anh ta và vấn đề của anh ta. Ý nghĩa này có thể áp dụng cho toàn bộ năm công cụ của công tác xã hội cá nhân . Quan sát và lắng nghe có thể được xem như những công cụ của công cụ khi chúng là các bộ phận cấu thành của vấn đàm, mối quan hệ và vãng gia.
(2) Một phương tiện truyền tải năng lượng hay sức mạnh cho cái gì
Ở đây từ "công cụ" nói đến một kênh luồng vật trung gian hay nơi gặp gỡ cho sự truyền tải năng lực hay sức mạnh. Ý nghĩa này có thể áp dụng chỉ với 3 công cụ công tác xã hội cá nhân là vấn đàm, mối quan hệ và vãng gia, những các phục vụ như những kênh truyền thông tin, kiến thức và sự trợ giúp. Chúng là những kênh luồng qua đó những kỹ thuật công tác xã hội cá nhân là những phương pháp giúp đỡ có hệ thống . Có nhiều kỹ thuật sẽ được miêu tả trong hai chương sắp đến. Một trong các kỹ thuật , thí dụ, chấp nhận cảm nghĩ, có thể đưa ra để chỉ ra sự khác biệt giữa công cụ công tác xã hội cá nhân và kỹ thuật công tác xã hội cá nhân . Chấp nhận cảm nghĩ của thân chủ chỉ có thể thể hiện trong những cuộc tiếp xúc của nhân viên xã hội với thân chủ, nghĩa là, trong phạm vi cuộc vấn đàm, mối quan hệ hay cuộc vãng gia. Lắng nghe, quan sát, vấn đàm, mối quan hệ và vãng gia là tất cả những can dự của con người cũng diễn ra trong nhiều trường hợp ngoài những trường hợp công tác xã hội cá nhân . Nhưng có một điểm khác biệt : trong tình huống công tác xã hội cá nhân, những can dự, tham gia được định hướng tới một một mục tiêu đó là giúp đỡ thân chủ. Những công cụ công tác xã hội cá nhân vì thế trở thành bối cảnh cho việc áp dụng các kỹ thuật . Mặc dù công cụ công tác xã hội cá nhân không phải là một vật hữu hình, nhưng nghĩa đen của năm công cụ công tác xã hội cá nhân là sự can dự linh hoạt của nhân viên xã hội, một sự thực thi năng lực tinh thần và thể chất của nhân viên xã hội.
Công dụng của công tác xã hội cá nhân
Sự hữu ích của những công cụ công tác xã hội cá nhân ở 3 khía cạnh sau : (1) Thu thập thông tin trực tiếp về thân chủ (2) Thu thập thông tin gián tiếp về thân chủ (3) Đem sự giúp đỡ đến cho thân chủ .
Thông tin trực tiếp có được từ những điều thân chủ nói và thu thập thông tin trực tiếp là một đặc điểm của năm công cụ. Thông tin gián tiếp được thu thập qua truyền thông không lời của thân chủ và thỉnh thoảng từ những điều mà thân chủ bỏ sót không nói. Thu thập thông tin gián tiếp , như một khía cạnh, áp dụng phần lớn công cụ quan sát và trong vài bối cảnh là áp dụng công cụ lắng nghe. Khía cạnh thứ ba – đem sự giúp đỡ đến cho thân chủ - chỉ áp dụng công cụ vấn đàm, mối quan hệ và vãng gia. Như đã nói trước đây, ba công cụ này thực hiện chức năng như công cụ chuyển tải sự giúp đỡ .
 LẮNG NGHE
Lắng nghe là một công cụ cơ bản của công tác xã hội cá nhân . Lắng nghe tích cực , chú tâm là mục đích nhắm đến. Mục đích là hiểu lời nói và cảm nghĩ của người nói càng chính xác càng tốt, việc tập trung tinh thần để lắng nghe là cần thiết . Người nghe phải chú ý đến những gì được nói ra, những gì không được nói ra và những gì được đề xuất. Lắng nghe, vì vậy, trở thành một hoạt động được thực thi một cách có ý thức đối với nhân viên xã hội . Nó còn là một khía cạnh thực hành nguyên tắc chấp nhận.
Có vài trở ngại đối với việc lắng nghe tích cực, mà am hiểu chúng là cần thiết cho những người muốn tự rèn luyện để trở thành một người lắng nghe tốt.
 Những trở ngại đối với lắng nghe
(1) Sự xao nhãng làm người nghe không còn lắng nghe tích cực nữa. Có những sự xao nhãng từ bên ngoài dưới hình thức tiếng ồn ào trong môi trường xung quanh và người khác nói chuyện. Những xao nhãng nội tâm là những ý nghĩ riêng tư của người nghe, có dính dáng hay không dính dáng với người nói hoặc chủ đề của người nói. Thỉnh thoảng, những phát biểu của người nói đưa người nghe hồi tưởng lại những kinh nghiệm tương tự, và để trí óc bay tận đâu đâu không còn nghe chăm chú nữa.
Sự xao nhãng
Hầu như chắc chắn là những thành kiến về người nói hay về những chất liệu mà anh ta nói tới xâm chiếm trung tâm chú ý trong trí óc người nghe, vì thế làm hỏng việc lắng nghe. Đây là một ví dụ, C là người được bạn bè biết đến như là người hay mượn tiền. Hôm nay, C đến gặp D vì một vấn đề tình cảm chứ không phải mượn tiền. Nhưng D nghĩ sai là C đến để vay tiền. Trong khi C nói chuyện thì D không hề lắng nghe gì cả mà định sẵn trong đầu câu trả lời từ chối lịch sự đối với yêu cầu mượn tiền. Đến khi D nhận ra rằng C không phải đến để vay tiền thì D cũng ý thức được rằng mình đã không lắng nghe vấn đề của C trình bày. Vì thế anh ta yêu cầu C nói lại câu chuyện. Rõ ràng ở đây cho thấy là những thành kiến về C là người hay mượn tiền đã ngăn cản D lắng nghe C khi C nói về những vấn đề hiện tại của mình.
(2) Sự lo âu hay lo sợ của người nghe đối với người nói là trở ngại cho việc lắng nghe tốt . Cũng vậy, khi người nghe quá lo lắng làm sao cho có sự đáp ứng thích hợp với người nói thì trí óc anh ta bị bận tâm với cách đối phó. Đây là trở ngại thường xảy ra trong cuộc gặp gỡ giữa nhân viên xã hội và thân chủ, lúc mà nhân viên xã hội lo rằng anh (chị) ta phải lấy được lòng tin của thân chủ . Một nhân viên xã hội lo lắng về việc thấu cảm với thân chủ có thể cân nhắc trong đầu những lời lẽ khác nhau và những cách tỏ lòng sự thấu cảm trong khi thân chủ đang nói. Vì thế, thay vì tập trung chú ý vào lời nói của thân chủ thì người nghe lại tập trung chú ý vào cách mà mình sẽ đáp ứng . Khi việc này xảy ra, cách đáp ứng của nhân viên xã hội không nhất thiết phù hợp với hoàn cảnh. Mặc dù những câu :"Tôi hiểu được những cảm nghĩ của ông (bà)", "Những cảm nghĩ như thế là tự nhiên", "Không có gì sai trái khi suy nghĩ như vậy" là biểu hiện của sự thấu cảm, nhưng chúng không thể được lập đi lập lại như vẹt mà không có sự lắng nghe cẩn thận những gì thân chủ nói.
Nghe có chọn lọc
(3) Nghe chọn lọc nói đến khuynh hướng chỉ nghe những gì người ta thích nghe, việc này làm cản trở lắng nghe tích cực. Trong cuộc nói chuyện bình thường , một lượng đáng kể những vấn đề được nói đến bị để ngoài tai cũng vì nghe chọn lọc. Một người có thể bỏ ngoài tai câu chuyện một cách có ý thức hay không ý thức khi những chuyện nói ra là những chuyện đau buồn hay không thú vị gì.
Có một vài hướng dẫn giúp nhân viên xã hội phát triển thói quen lắng nghe có hiệu quả.
Những hướng dẫn cho việc lắng nghe có hiệu quả
(1) Điều quan trọng là nên mắt nhìn mắt với thân chủ trong khi nói chuyện . Mắt nhìn mắt giúp nhân viên xã hội hướng sự chú ý về thể chất và tinh thần của mình về phía thân chủ.
(2) Nhân viên xã hội phải đảm bảo rằng , dù không phải là luôn luôn có thể được , nơi tổ chức cuộc vấn đàm với thân chủ là nơi yên tĩnh , ít sự phân tán từ bên ngoài.
(3) Để chuẩn bị cho cuộc vấn đàm với thân chủ, nhân viên xã hội phải xóa bỏ những thiên kiến và thành kiến bên trong của mình về thân chủ. Sự e sợ, lo sợ về cuộc vấn đàm phải được nhận thức và hóa giải. Nếu chúng không được hóa giải ngay tức thời được thì chúng phải được dẹp bỏ sang một bên một cách có ý thức.
(4) Phải luyện đôi tai để lắng nghe bất cứ điều gì thân chủ nói. Thói quen lơ đễnh và lắng nghe chọn lọc phải được gạt bỏ.
(5) Những gì thân chủ nói hay những gì thân chủ tỏ ra, không chỉ gợi lên suy nghĩ trong đầu nhân viên xã hội. Nhưng suy nghĩ trong hoàn cảnh này không được làm chệch hướng hoặc tránh né thân chủ. Nói cách khác, nhân viên xã hội phải có khả năng suy nghĩ có tính kỷ luật, để giúp anh ta hiểu được những gì thân chủ nói, lưu ý về những gì thân chủ không nói và đặt những câu hỏi thích hợp. Có những mẫu thông tin mà nhân viên xã hội mong đợi thân chủ đặc biệt nào đó nói ra trong lúc nói chuyện. Nếu thân chủ không chú ý tới thông tin này hay ngay cả lẩn tránh nói về chúng dù nhân viên xã hội thắc mắc, thì có lẽ "những chi tiết bị bỏ quên" này là có ý nghĩa, hiễu được chúng là cần thiết để hiểu thân chủ và vấn đề của họ. Raju một bệnh nhân bị cụt chi , mà trường hợp của anh ta đã được đề cập trước đây, được xem là người nói nhiều về cha mẹ đang sống ở Mysore hơn là nói về bà vợ và con cái đang sống ở Bombay. Người vợ ở Bombay cũng không đến thăm viếng người bệnh. nhân viên xã hội nghi ngờ có mối quan hệ căng thẳng giữa bệnh nhân và vợ anh ta, mà xem ra là chính xác. nhân viên xã hội đến thăm người vợ và biết được nhiều chuyện về bệnh nhân . Mặc dù anh ta đã có công việc làm ăn thường xuyên trước khi bị tai nạn , nhưng anh ta vẫn không cung cấp đầy đủ cho gia đình . Kết quả là, vợ con anh ta phải chuyển về ở với gia đình bên ngoại. Kết quả nỗ lực của nhân viên xã hội là vợ bệnh nhân và cha vợ bắt đầu thăm viếng và tham gia tích cực vào kế hoạch phục hồi cho anh ta.
 QUAN SÁT
Quan sát là chú ý đến những đặc điểm của người, vật hay tình huống và trong bối cảnh của công tác xã hội cá nhân, mục đích là sử dụng những dữ kiện quan sát được để hiểu thân chủ và hoàn cảnh của anh ta. Nhân viên xã hội phải có sự quan sát , nhận thức về những điều sau đây liên quan đến thân chủ :
1. Vẻ tổng quát bề ngoài
2. Vẻ mặt , cử chỉ, dáng điệu ...
3. Những đặc điểm, đặc biệt, là những tương tác mang sắc thái tình cảm xảy ra giữa thân chủ và những người khác, kể cả những thành viên trong gia đình.
Dáng vẻ bên ngoài
Nhân viên xã hội không khó khăn gì lắm trong việc chú ý đến dáng vẻ bề ngoài của con người thân chủ - áo quần anh ta mặc, mức độ sạch sẽ ... Trường hợp của Ramesh đã đề cập trước đây, tật điếc của nó không phải là vấn đề chính yếu . Nó đi học với bộ áo quần bẩn thỉu, không tắm rửa và vì lý do này mà bạn bè và thầy giáo tránh né nó. Thông thường , quần áo biểu thị cho tầng lớp kinh tế - xã hội của thân chủ, nhưng cũng có những ngoại lệ . Có những trường hợp bà con của thân chủ xuất hiện trong những bộ quần áo sờn vai với ý định che dấu tình trạng kinh tế - xã hội để phù hợp với mức viện phí được ấn định tùy theo thu nhập của thân chủ và gia đình. Cũng có những trường hợp thân chủ quá chú trọng đến quần áo của họ hơn là lo thực phẩm dinh dưỡng cho con cái . Một vài thân chủ nghèo mạt lại chưng diện bề ngoài gọn gàng và sạch sẽ mặc dù vải áo quần đã sờn do giặt lại nhiều lần .
Biểu hiện qua nét mặt
Khuôn mặt con người đôi khi phản ánh những cảm nghĩ nội tâm và đối với nhân viên xã hội thì biểu hiện qua nét mặt là cơ sở để quan sát. Những cảm nghĩ như buồn, giận và thù địch không cần sự diễn đạt thành lời để biểu thị chúng; sẽ có những dấu hiệu mách bảo hiện lên khuôn mặt cho biết những cảm nghĩ che dấu. Tương tự, những tư thế, dáng điệu, giọng nói, và cử động của cơ thể cũng đều có ý nghĩa .
Những dấu hiệu của sự lo lắng , bất an
Thân chủ chỉ ngồi mép ghế vì cảm thấy xa lạ hay căng thẳng . Nhiều thân chủ của chúng ta không cảm thấy thoải mái trong ngày đầu tiên đến cơ sở xã hội. Họ không biết gì về công việc làm của nhân viên xã hội và những gì họ trông đợi ở cơ sở xã hội. Sức ép từ các vấn đề của họ và việc họ phải nói chuyện với một người xa lạ làm tăng thêm sự bối rối, lúng túng nơi họ. Sự bối rối và căng thẳng mà thân chủ chịu đựng tất yếu làm anh ta sốt ruột, bồn chồn và bất an. Cái cách anh (chị) ta ngồi và phong cách anh (chị) ta tham gia vào câu chuyện với nhân viên xã hội cần được quan sát cẩn thận để biết được các biểu hiện về cảm xúc của anh (chị) ta ra sao, căng thẳng hay thư giãn, tin cậy hay nghi ngờ, tiếp thu hay không chú ý, thiếu chú tâm. Biết được những gì thân chủ cảm nhận hoặc có được ít nhất vài dấu hiệu về cảm nghĩ của họ là bổ ích nhờ đó nhân viên xã hội có thể tự mình biết được cách đáp ứng thích hợp. Chẳng hạn, một thân chủ cảm thấy không được thoải mái có thể được giúp đỡ để thấy thoải mái hơn.
Có nhiều thân chủ tự mình khoác một bộ mặt khác bên ngoài để thử xem thái độ của nhân viên xã hội . Đó không phải là một kinh nghiệm hiếm hoi gì đối với nhân viên xã hội làm việc với thanh niên ở các cơ sở cải huấn không nhìn thấy gì ngoài sự nhàm chán và sự lãnh đạm thờ ơ trong cách xử sự của những thân chủ trẻ tuổi với những người mà chúng cố gắng duy trì cuộc nói chuyện. Hóa ra sự thờ ơ lãnh đạm của thân chủ tạo ra là một cố gắng để thử thách sự đáng tin cậy của nhân viên xã hội, vì thế mọi người lo lắng về sự bày tỏ mối quan hệ của nhân viên xã hội với thân chủ.
Phong cách cũng cần được quan sát
Phong cách và những cử chỉ theo thói quen cũng có ý nghĩa. Thampi, một thân chủ bị tàn tật, thường che dấu bàn tay dị dạng của anh ta (những ngón tay bị cong queo) trong chiếc khăn tay. Kể từ khi nhân viên xã hội biết được khuyết tật của thân chủ thì anh ta không cần phải che dấu bàn tay trước mặt nhân viên xã hội nữa. Đó là một chỉ dấu về tự ý thức của anh ta, mà nếu nó vượt quá những giới hạn bình thường, sẽ trở nên một trở ngại nghiêm trọng cho việc phục hồi nghề nghiệp của anh ta. Khuyết tật tự nó không phải là vấn đề nhưng những gì thân chủ cảm nhận về nó mới thực sự là vấn đề . Khi có một biểu lộ xúc cảm như chảy nước mắt thì tính bi thương đằng sau hành động khóc ấy là có thể hiểu được. Tuy nhiên, khi một người khóc nhiều lần vì một biến cố hay tình huống giống vậy, có khả năng là người ấy, ngoài biểu lộ sự đau buồn, còn dùng cơ hội ấy ngoài mục đích khác nữa, dù việc ấy không ở mức độ có ý thức. Có trường hợp Bhargavi khóc vì hôn nhân bất hòa mỗi khi cô ta nói chuyện với nhân viên xã hội . Nhân viên xã hội phát hiện ra rằng Bhargavi dùng nước mắt để che đậy việc cô ta lưỡng lự đối phó trực diện với vấn đề một cách sòng phẳng và đem hết nỗ lực để giải quyết nó.
Xem ngôn ngữ cơ thể
Mối quan hệ giữa cơ thể và tâm hồn được thể hiện qua cử động của cơ thể để biểu lộ cảm nghĩ. Hiện tượng này được gọi là ngôn ngữ cơ thể và có thể kèm theo hay không kèm theo ngôn ngữ không lời. Những điều nẩy sinh trong ngôn ngữ cơ thể là truyền thông không lời, nhưng đó là truyền thông không tự ý hay sự truyền tải tín hiệu ngoài ý muốn của người truyền đạt. Tín hiệu thông tin hầu hết là cảm xúc, cảm nghĩ. Người nói muốn dấu diếm thông tin về cảm nghĩ mà anh ta trải qua, tuy thế, thông tin vẫn cứ lộ ra . Chẳng hạn, nước mắt tuôn tràn tùy theo cường độ của cảm xúc, bất kể là người ta có lo bị người khác nhìn ngó không. Tương tự vậy, cảm xúc của cơ thể lộ ra trên nét mặt con người thì người khác dễ dàng nhận ra cho dù chính người ấy lại không thấy được.
Biểu lộ cảm nghĩ không tự ý qua nét mặt
Vì những điệu bộ và những biểu lộ qua nét mặt là không tự ý trong các tình huống ngoài đời thực nên trong một vở kịch diễn viên phải giả vờ đóng vai để miêu tả sinh động các nhân vật trong câu chuyện. Diễn viên diễn vai trên sân khấu không trải qua trong cuộc đời thật những cảm nghĩ của người được miêu tả trong vai đó, nhưng anh ta có thể tưởng tượng ra những cảm nghĩ và kết quả là anh ta tự mình có những cảm nghĩ đó . Thỉnh thoảng, khi thiếu sự phù hợp giữa truyền thông có lời và truyền thông không lời, có thể ước đoán rằng con người chủ tâm che dấu cảm nghĩ của mình đằng sau lời nói. Chẳng hạn, lấy bối cảnh một người đàn ông đang nói về thất bại trong kinh doanh của một người đàn ông khác là đối thủ của mình. Người nói bầy tỏ bằng lời sự cảm thông cho người kia và nỗi buồn của ông ấy vì tai họa đã xảy đến. Tuy vậy điều biểu hiện trên khuôn mặt người nói là một nụ cười láu lỉnh và sự mãn nguyện. Sự không nhất quán giữa sự khẳng định bằng lời và truyền thông không lời là vì sự thật ông ta không muốn lộ ra cảm giác thỏa mãn mà ông ta có. Vì cảm giác mạnh mẽ, những dấu hiệu lộ ra trên khuôn mặt và ông ta không nhận ra là khuôn mặt mình đang phản ánh những cảm nghĩ trong lòng.
Tùng
Trường hợp của Tùng (15 tuổi) là một thiếu niên ở trong một cơ sở dành cho nam thiếu niên mù. Bố mẹ cậu ta thường mang các thứ mỗi khi vào thăm. Nhân viên xã hội nhận ra vẻ lúng túng trên khuôn mặt cậu ta khi gặp gỡ người thân. Mặc dù trong khi nói chuyện cậu ta tỏ ra biết ơn gia đình đã cho các thứ nhưng nó vẫn có vẻ hời hợt và không xuất phát từ đáy lòng cậu ta. Những gì mà cậu ta chịu đựng là những cảm nghĩ không mấy dễ chịu. Điều xảy ra sau đó là cậu ta nói với nhân viên xã hội về cảm nghĩ bị bỏ rơi. Cậu ta nhận thấy rằng gia đình không muốn cậu ấy ở nhà, đối với họ cuộc sống của cậu trong trại từ thiện là tốt hơn nhiều và họ không muốn hiện trạng bị xáo trộn bởi sự hiện diện của cậu ở nhà. Tùng tin rằng bố mẹ của nó đang cố che dấu sự do dự không muốn đưa nó về nhà bằng cách mang đến cho nó nhiều thứ mà theo nó đó là một sự thay thế không xứng đáng thay vì được chăm sóc ở nhà.

Quan sát những gì ngoài những cái đã rõ
Những phạm vi quan sát của nhân viên xã hội mở rộng ra ngoài những gì mình thấy ở thân chủ, nghe từ thân chủ, những gì xảy ra giữa thân chủ và những người khác kể cả những người trong gia đình. Có thể ghi nhận thái độ từ những kiểu truyền thông của con người. Megan (13 tuổi) là cậu bé chậm phát triển tâm thần cần đến sự phục hồi. Cha Megan đã qua đời và nó được mẹ và anh trai chăm sóc. Bà mẹ dù có quan tâm nhiều đến Megan cũng không thể làm gì nhiều cho cậu bởi vì người anh trai và vợ anh ta có thái độ không tích cực với em mình. Nhân viên xã hội quan sát thấy rằng những cuộc nói chuyện của người anh trai với Megan cũng như nói về Megan không gì ngoài sự khinh khi và nhạo báng, và sự thiếu hiểu biết về cậu bé cũng như nhu cầu của cậu ta là quá rõ ràng.
 VẤN ĐÀM
Mục đích của vấn đàm
Vấn đàm trong công tác xã hội cá nhân nói đến cuộc gặp gỡ giữa nhân viên xã hội và thân chủ trong một cuộc nói chuyện mặt - đối mặt . Đó không phải là cuộc nói chuyện tình cờ ngẫu nhiên mà là một hoạt động nghề nghiệp của nhân viên xã hội, bởi vì cuộc nói chuyện được hướng tới những mục đích cụ thể hay mục đích tổng quát. Mục đích có thể là một hay nhiều mục đích sau đây : (1) Thu thập thông tin từ thân chủ hay chia sẻ thông tin cho thân chủ (2) Khảo cứu và đánh giá vấn đề của thân chủ và tình huống liên quan (3) Đưa ra sự giúp đỡ cho thân chủ.
 Thu thập thông tin và chia sẻ thông tin
Thường thường, thân chủ là một người xa lạ hoàn toàn với cơ sở trong lần đến đầu tiên của anh ta. Có thể anh ta mang theo giấy chuyển tuyến, hoặc có thể không. Nhân viên xã hội phải thu thập dữ kiện liên quan đến vấn đề, cần biết thân chủ nhận thức về vấn đề như thế nào, anh ta đã làm gì để giải quyết, các dữ kiện về bản thân thân chủ, về gia đình và về tài nguyên của thân chủ. Khi một thân chủ không có khả năng cung cấp thông tin cần thiết thì các thành viên gia đình được phỏng vấn để cung cấp thông tin.
Vấn đàm là một tiến trình hai chiều
Vấn đàm là một tiến trình hai chiều. Ngay khi thông tin được nhân viên xã hội tiếp nhận thì thông tin cũng được chia sẻ cho thân chủ về những thủ tục giấy tờ và những vấn đề khác của ông (bà) ta, vai trò của ông (bà) ta, vai trò của nhân viên xã hội và về chức năng của cơ sở. Thông tin về cái tôi (bản ngã) là điều quan trọng đối với những thân chủ đến với nhân viên xã hội không phải do tự nguyện mà thông qua sự ép buộc của người khác. Thân chủ còn được thông báo về các dịch vụ khác của cơ sở.
 Khảo cứu và đánh giá tình huống của thân chủ
Những dữ kiện thu thập được từ thân chủ và về thân chủ được phân loại và phân tích, từ đó những khía cạnh thích hợp được nối kết nhau để hình thành nên một bức tranh về tình trạng của vấn đề với những chỉ dẫn rõ ràng về các mối quan hệ nhân quả.
Đánh giá
Trong tiến trình này, nhân viên xã hội áp dụng kiến thức của các khoa học xã hội để hiểu về hành vi thân chủ và những người khác trong tình huống vấn đề. Mỗi một hồ sơ cá nhân trong cuộc nghiên cứu các hồ sơ công tác xã hội cá nhân có một sự đánh giá về mặt xã hội đơn giản và trung thực hoặc khá phức tạp. Bình thường, trước khi đánh giá tình hình cần có vài cuộc vấn đàm. Đánh giá xã hội cũng được dự liệu và hướng về sự thay đổi tùy thuộc và các dữ kiện xã hội mới mẻ nổi lên vào thời điểm tiến hành. Hơn nữa, không có quy định là đánh giá xã hội phải chấm dứt trước khi tiến trình giúp đỡ bắt đầu. Có nhiều kiểu giúp đỡ có thể và nên được đưa ra khá sớm – và nhiều, nhờ thế hành động giúp đỡ và những cố gắng hình thành một đánh giá xã hội diễn ra song song, cùng lúc.
 Vấn đàm như là một công cụ trực tiếp để giúp đỡ
Với hai mục đích đã nói trên đây, vấn đàm dùng như là một công cụ gián tiếp để giúp đỡ. Thông tin mà nhân viên xã hội suy luận và đánh giá xã hội mà nhân viên xã hội dùng như một kế hoạch dựa vào những hình thức giúp đỡ thích hợp. Nhưng vấn đàm còn có thể được sử dụng như một phương tiện giúp đỡ trực tiếp nữa. Đó là vì trong khi vấn đàm nhiều kỹ thuật của công tác xã hội cá nhân được sử dụng đến (sẽ được trình bày trong hai chương tới). Tương tự, các nguyên tắc cũng được thực hiện trong khi vấn đàm.
Thực chất của giúp đỡ trong vấn đàm
Thân chủ công tác xã hội cá nhân có thể được chia ra những trường hợp dài hạn và ngắn hạn, nhóm ngắn hạn bao gồm những trường hợp chỉ cần một lần tiếp xúc và chỉ một lần vấn đàm. Vấn đàm công tác xã hội cá nhân tiến hành khi một người được xem là thân chủ của cơ sở. Hồ sơ cá nhân của trong cuộc nghiên cứu hồ sơ công tác xã hội cá nhân nằm trong khoảng thời gian từ hai tháng đến bảy tháng, với các cuộc tiếp xúc từng thân chủ một lần hay hai lần hằng tuần. Trong trường hợp khẩn cấp, thân chủ được tiếp xúc thường xuyên hơn. Vấn đàm là một môi truờng giúp đỡ trực tiếp ngay cả ở lần gặp đầu tiên giữa nhân viên xã hội và thân chủ. Thân chủ nhận được sự thân ái, chân thành từ phía cơ sở, họ cảm thấy được chấp nhận, đó chính là một hình thức giúp đỡ và nó khuyến khích thân chủ tiếp tục lui tới với cơ sở để nhận được các hình thức giúp đỡ khác. Có những thân chủ không tìm kiếm sự giúp đỡ cho riêng họ, một số người ngay cả không nhận biết vấn đề của mình là gì, tuy nhiên, họ buộc phải đến với nhân viên xã hội bởi những người dùng quyền hành buộc họ. Họ đến với nhân viên xã hội trong tâm trạng không thích thú đã có từ trước, đối với số thân chủ này thì cuộc tiếp xúc lần đầu có tính quyết định. Nhân viên xã hội có thể sử dụng buổi gặp đầu tiên ấy một cách hiệu quả để xua tan ấn tượng và thành kiến của thân chủ và làm cho họ thoải mái trước sự giúp đỡ của ngành công tác xã hội.
Vấn đàm là một công việc có tính chất nghề nghiệp đòi hỏi nhân viên xã hội tự mình chuẩn bị cho từng lần vấn đàm một. Sau khi xem lại lần vấn đàm trước hay những cuộc vấn đàm với cùng một thân chủ đó, nhân viên xã hội phải lưu ý đến các thiếu sót thông tin, những gì còn mơ hồ cần làm rõ và các lầm lẫn và các thiếu sót của mình cần được xử lý bằng các kỹ năng giải quyết vấn đề. Lưu ý đến cuộc vấn đàm tới phải được dự trù tìm ra những dữ kiện mới mẻ, xóa tan nghi ngờ, kiểm tra lại các giả thiết, đánh giá các sự kiện và để đáp áp dụng các kỹ thuật một cách thích đáng.
 VÃNG GIA
Nơi vấn đàm
Tổ chức thực hiện các cuộc vấn đàm ở văn phòng của cơ sở có những thuận lợi nhất định. Nó có được sự riêng tư và ngăn ngừa được sự phân tán. Nó có được mức độ trang trọng và tính nghề nghiệp nhất định trong cuộc nói chuyện tới mức mà thân chủ nghĩ là hệ trọng. Nhưng với một số thân chủ, tính chất trang trọng ở văn phòng cơ sở có thể gây ra sự sợ hãi, đòi hỏi họ phải mang ‘ mặt nạ’ để che dấu các bản ngã và cảm nghĩ thực của họ. Đối với những người như thế, có được một hay hai cuộc vấn đàm ở nhà sẽ làm giảm nhẹ cảm giác nặng nề. Cũng có vài xem xét khác cho rằng vãng gia là một công cụ quan trọng và cần thiết của công tác xã hội cá nhân. Trước hết , chắc chắn thân chủ nhận thức rằng nhân viên xã hội đến thăm nhà họ là thể hiện sự quan tâm đến an sinh của họ. Sự thừa nhận của thân chủ về sự quan tâm của nhân viên xã hội là cần cho sự tiến bộ trong tiến trình của công tác xã hội cá nhân. Hơn nữa, có những thân chủ có thái độ phó mặc trước các vấn đề của cuộc sống và sự nhẫn nhục tất yếu trước các vấn đề ngăn cản không cho họ làm bất cứ việc gì. Nhân viên xã hội phải đến với họ hơn là ngồi chờ họ đến với mình tại cơ sở. Một hay hai cuộc vãng gia có thể không mang đến kết quả nào nhưng nhiều lần thăm viếng lại rất cần thiết. Những cuộc vãng gia nhiều lần của nhân viên xã hội được ghi lại trong hồ sơ.
Vãng gia có thể biết được nhiều điều

Vãng gia hoàn toàn có lợi vì khi vãng gia nhân viên xã hội có thể quan sát môi trường gia đình của thân chủ. Quan trọng là, nhân viên xã hội có thể thấy được những tương tác nẩy sinh giữa các thành viên trong gia đình nhờ đó nhân viên xã hội có thể suy ra thái độ và quan hệ trong gia đình ấy. Trường hợp Lakshmam (15 tuổi) được giới thiệu với nhân viên xã hội do học kém và có hành vi gây gỗ. Lakshman ở trong một căn phòng trọ với cha mẹ, họ khẳng định là họ rất thương yêu Lakshman, cho em những gì em muốn và hy vọng em học hành giỏi ở trường. Họ tuyên bố ngay cả tivi cũng mua cho em. Trong mỗi lần đến thăm, nhân viên xã hội thấy toàn bộ gia đình ngồi xem tivi, kể cả Lakshman ngồi trước cuốn sách mở ra nhưng mắt thì dán vào màn ảnh. Trong một lần đến thăm, nhân viên xã hội đang nói chuyện với Lakshman về sổ thành tích học tập ở trường, bất thình lình và không thể ngờ được người cha bắt đầu đánh Lakshman, la mắng ầm ĩ về chuyện nó thi rớt. Những mâu thuẫn nhau trong cách đối xử của cha mẹ có thể dễ dàng quan sát trong các lần vãng gia.
Hải
Hải (8 tuổi) là một cậu bé mù, không biết chữ, được nhân viên xã hội giúp đỡ để được nhận vào học ở trường dành cho trẻ em mù. Cha mẹ bé không làm được gì cả ngoài việc tuyên bố là họ ước ao con họ được học hành. Trong một lần đi vãng gia gia đình Hải, nhân viên xã hội thấy Hải đang ăn xin trên đường. Rõ ràng là Hải bị cha mẹ khuyến khích đi ăn xin. Những gì nhân viên xã hội quan sát được trong khi vãng gia là thông tin hữu ích để hình thành sự đánh giá xã hội.
Hùng
Hùng (30 tuổi) bị liệt hai chân đang điều trị nội trú trong một bệnh viện công. Khuyết tật là hậu quả của tai nạn xảy ra lúc anh làm việc. Hùng được ông chủ đền bù thiệt hại do đề xuất của nhân viên xã hội trong bệnh viện. Trong khi anh đang nằm viện, vợ anh là Mala nhăng nhít với người khác và có đứa con ngoài giá thú. Mala vẫn cứ quan tâm đến người chồng bại liệt và nói rằng cô ta hối hận về quan hệ bất chánh ấy. Cô ta hăm hở muốn đưa Hùng về nhà chăm sóc. Trong khi chuẩn bị xuất viện, nhân viên xã hội vãng gia căn nhà của Mala mà theo cô ta đã chuẩn bị để đón người chồng bại liệt. Nhưng những gì mà nhân viên xã hội thấy trái với điều mà Mala đã nói và đoan chắc. Căn nhà, một túp lầu trống rỗng, xiêu vẹo gây ấn tượng đó không phải là nơi để ăn ở. Thế rồi nhân viên xã hội bắt đầu thấy rằng sự quan tâm của Mala đối với chồng không thật tình và nhắm mắt làm ngơ để chiếm số tiền bồi thường của Hùng sau khi giả vờ chăm sóc anh ta. Cuối cùng, nhân viên xã hội thấy được những điều nghi ngờ của mình là đúng và kế hoạch sau khi xuất viện sẽ giao anh ta để người vợ chăm sóc bị bãi bỏ, tiền bồi thường anh ta nhận được gởi vào ngân hàng. Như thế, một cuộc vãng gia đúng lúc đã ngăn chặn nhân viên xã hội không tiến hành những bước đi làm tổn hại đến an sinh của thân chủ.
 MỐI QUAN HỆ
Các loại quan hệ
Mối quan hệ thân chủ - nhân viên xã hội là một công cụ khác của công tác xã hội cá nhân cần được phác họa. Mối quan hệ giữa bất cứ hai người nào là điều kiện liên kết họ với nhau một cách có ý nghĩa. Chúng ta trải qua nhiều loại quan hệ khác nhau trong đời sống. Trước hết, có các mối quan hệ có được do là thành viên của một gia đình và các nhóm họ hàng. Mối quan hệ cha mẹ - con cái, anh chị em với nhau, cậu - cháu là những ví dụ. Những mối quan hệ này là thường xuyên và không thể thay thế được, kéo dài chừng nào mà người ta còn sống. Trái lại, mối quan hệ giữa hai người bạn, những người láng giềng hay bạn cùng lớp là tạm thời. Mối quan hệ giữa bác sĩ - bệnh nhân, thầy giáo - học sinh, kiểm huấn viên - thực tập viên, luật sư - thân chủ là những quan hệ nghề nghiệp. Người ta cũng có thể phân loại rộng rãi các mối quan hệ tùy thuộc vào tính chất. Mối quan hệ giữa hai người được biểu thị bằng sự căm thù là một mối quan hệ tiêu cực, tuy nhiên, đó cũng là một mối quan hệ. Tương tự như thế, một mối quan hệ đánh dấu bởi lòng thương yêu là một quan hệ tích cực.
Như đã bàn trên đây cho thấy mối quan hệ thân chủ - nhân viên xã hội là một mối quan hệ nghề nghiệp và tính chất của nó phải tích cực. Chỉ có một mối quan hệ tích cực mới đạt được kết quả có ích như mong muốn, tạo ra môi trường để thực hành các nguyên tắc công tác xã hội cá nhân.
Quan hệ nghề nghiệp là vì những mục đích cụ thể
Mối quan hệ nghề nghiệp có những tính chất chung. Chúng hướng về những mục đích riêng tùy từng lúc. Khi mục đích được đáp ứng, mối quan hệ chấm dứt. Không như mối quan hệ gia đình chan hòa và thấm dần vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống con người, mối quan hệ nghề nghiệp chỉ thuộc về những phạm vi quanh những mục đích riêng cụ thể.Thí dụ: mối quan hệ thầy-trò. Cuộc sống học tập của sinh viên là mối quan tâm chính đáng đối với thầy giáo, người lãnh trách nhiệm về việc sinh viên học hành như thế nào ở trường. Thầy giáo không bận tâm sinh viên làm gì sau giờ học ở trường. Trái lại, mối quan hệ giữa cha mẹ-con cái lại bao gồm tất cả. Không có lĩnh vực nào của cuộc sống đứa trẻ mà lại không nằm trong tầm nhìn của bố mẹ. Trong quan hệ gia đình, tính phụ thuộc cũng ngấm ngầm dưới hình thức nầy hay hình thức khác. Cha mẹ chăm sóc con cái và khi cha mẹ già cả thì con cái đã lớn, có nhiệm vụ chăm sóc tuổi già cho cha mẹ. Tuy nhiên, bộ đôi trong một quan hệ nghề nghiệp không bị trói buộc bởi tính phụ thuộc. Ở đó, khái niệm phụ thuộc bị thay thế bởi nền kinh tế thị trường, nghĩa là, dịch vụ chuyên nghiệp có thu tiền với sự thỏa thuận tiền bạc nào đó.
Uy quyền ngầm định trong quan hệ nghề nghiệp
Trong quan hệ nghề nghiệp như giữa bác sĩ và bệnh nhân hay nhân viên xã hội-thân chủ, người có trình độ chuyên môn dùng hai loại uy quyền: một, dựa vào kiến thức của mình và hai là dựa vào quyền được xã hội chuẩn thuận cho họ được hành nghề. Nhờ vào kiến thức và kỹ năng, người có trình độ chuyên môn có thể áp dụng những phương thức phù hợp để giúp bệnh nhân hay thân chủ của mình. Sự sở hữu kiến thức và kỹ năng là công cụ để đạt được một uy quyền nhất định được quy định trong việc thực thi nghề nghiệp.
Quan hệ của nhân viên xã hội là chan hòa
Xuất phát từ các tính chất đã nói ở trên đây, quan hệ nhân viên xã hội - thân chủ có vài tính chất đặc biệt. Mặc dù nó được gắn với một hay nhiều mục đích riêng nhưng nó chan hòa hơn quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân. Sự chan hòa trong quan hệ nhân viên xã hội - thân chủ xảy ra là kết quả của những quan hệ giao tiếp trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Nó đòi hỏi ứng xử với những lĩnh vực hữu hình và cụ thể của cuộc sống cũng như lĩnh vực vô hình của tình cảm.
Thiên
Thiên (32 tuổi) là một công nhân sống trong một túp lều lụp xụp. Anh ta bị mất một cánh tay trong một tai nạn. Sau khi xuất viện anh ta được giới thiệu đến nhân viên xã hội của một trung tâm cộng đồng địa phương. nhân viên xã hội thu xếp cho anh ta học nghề ở một trung tâm phục hồi chức năng. Trong khi đó, vợ anh ta qua đời, đứa con 5 tuổi được bố trí nuôi hộ với sự giúp đỡ của nhân viên xã hội. Sau khi học nghề, Thiên không kiếm được công việc làm, anh ta bèn nấu rượu lậu để sinh sống. Tuy nhiên, nhân viên xã hội khuyên ngăn anh ta bỏ nghề nấu rượu lậu và động viên tìm một cách kiếm tiền hợp pháp. Kết quả, Thiên quyết định cất một quán bán rau và cần được chính quyền cho phép. Có nhiều thủ tục giấy tờ phải được hoàn tất và cần phải tiếp xúc với nhiều nhân viên chức quyền. Trong các công việc này, nhân viên xã hội đều hướng dẫn và hỗ trợ cho anh ta.
Quan hệ chan hòa tạo ra sự ràng buộc mạnh mẽ
Rõ ràng trong trường hợp trên đây, nhân viên xã hội đi vào nhiều lĩnh vực của đời sống thân chủ : sắp xếp cho anh ta đi học nghề, bố trí cho con anh ta được có chỗ nuôi hộ, kéo anh ta ra khỏi nghề nấu rượu lậu, giúp anh quyết định dựng quán bán rau và kiếm tiền. nhân viên xã hội dấn thân vào nhiều công việc có liên hệ đến đời sống của thân chủ có thể xem như người bạn thân hay gần như là một thành viên của gia đình. Nói như thế để thấy rằng một tình thân thiện có tính nghề nghiệp không dễ dàng thấu hiểu được đối với thân chủ không được giáo dục cũng như không được chuẩn bị cho việc chấm dứt quan hệ sẽ phải xảy đến hoặc sớm hay muộn. Một sự ràng buộc tình cảm hình thành nên trong quan hệ mạnh mẽ hơn sự ràng buộc có được trong những quan hệ khác. Sự ràng buộc tình cảm thỏa mãn cho nhiều thân chủ và họ thấy khó mà chấm dứt được quan hệ. Việc chấm dứt quan hệ do nhân viên xã hội nghỉ việc, và người khác tiếp tục trường hợp một thời gian dài trước khi kết thúc. Mối quan hệ tình cảm đã có được giữa thân chủ và nhân viên xã hội đầu tiên làm thân chủ thấy khó khăn trong việc thích ứng với nhân viên xã hội thứ hai.
Do việc nhân viên xã hội đến tìm hiểu nhiều khía cạnh của đời sống thân chủ thông qua quan hệ tích cực cho nên thân chủ có khuynh hướng tạo cho quan hệ một sự đồng điệu bằng cách muốn biết nhiều về đời tư của nhân viên xã hội : anh ta có thể hỏi địa chỉ của nhân viên xã hội và muốn mối quan hệ tiếp tục ở mức độ riêng tư.
Những khó khăn được giới thiệu ở đây có liên quan đến quan hệ thân chủ - nhân viên xã hội nẩy sinh khi thân chủ không thể hiểu được đầy đủ tính chất nghề nghiệp của quan hệ. Nhưng những khó khăn này có thể được giải quyết có hiệu quả bằng cách dùng những kỹ thuật giúp đỡ. Những khó khăn đã được trích dẫn ra chỉ để làm nổi bật tính chất đặc biệt của mối quan hệ.
Quan hệ giữa nhân viên xã hội và thân chủ, ngoài là một phương tiện giúp đỡ, đôi khi tự nó là một hình thức giúp đỡ. Đối với một thân chủ bị bối rối, lo âu và vô vọng nếu được đối xử nhã nhặn và được lắng nghe kiên nhẫn, không có phê phán, đó chính là một kinh nghiệm được giúp đỡ.
Nuôi dưỡng sự phát triển của thân chủ
Quan hệ nhân viên xã hội - thân chủ có nghĩa vụ nuôi dưỡng sự phát triển của thân chủ. Không phải mọi quan hệ giữa con người với nhau đều tạo ra sự phát triển. Giả sử A và B được thừa nhận bằng một quan hệ trong đó B lệ thuộc vào A một cách quá đáng và B tuân thủ những mệnh lệnh hay những chỉ bảo của A không suy nghĩ gì cả. Sự trói buộc như thế không thể làm cho B phát triển được. Sự thực hiện những nguyên tắc có liên quan đến quyền tự quyết và sự tham gia của thân chủ nhằm truyền các yếu tố nuôi dưỡng sự phát triển trong quan hệ nhân viên xã hội - thân chủ. Giúp đỡ một người tham gia tích cực vào việc tìm hiểu vấn đề của họ và tham gia vào việc ra quyết định tìm những giải pháp không chỉ đem lại sự phát triển nơi người được giúp. Trong việc áp dụng những kỹ thuật cũng vậy phải gắn với mục đích phát triển của thân chủ .
Mối quan hệ phải tích cực
Khái niệm truyền thông là một tiến trình phát đi thông tin và thông điệp giữa hai người hay nhiều hơn. Trong công tác xã hội , nó có liên hệ đến khái niệm quan hệ nhân viên xã hội - thân chủ, mặc dù chúng là hai hiện tượng khác nhau hoàn toàn. Chúng phụ thuộc lẫn nhau có nghĩa về phía nhân viên xã hội những kỹ năng truyền thông khởi tạo ra một quan hệ tích cực và một quan hệ tích cực tạo thuận lợi cho sự truyền thông có tính xây dựng giữa nhân viên xã hội và thân chủ. Mặc dù mối quan hệ tiến triển tùy vào hai người nhưng đó là phận sự của nhân viên xã hội sử dụng tài năng của mình để bắt đầu một mối quan hệ tích cực với thân chủ .
Truyền thông bằng lời không phải luôn luôn có hiệu quả để bắt đầu một quan hệ trong vài trường hợp với trẻ em, thanh niên hay người lớn bệnh tâm thần. Khi một đứa trẻ không giao tiếp được, ta cho nó chơi đồ chơi hay cho nó dụng cụ để vẽ sẽ giúp nó vứt bỏ sự phản kháng ban đầu đối với nhân viên xã hội. Tham gia chơi trò chơi với trẻ hay hoạt động khác cũng rất hữu ích để bắt đầu một quan hệ mà theo thời gian hầu hết các trường hợp sẽ dẫn đến truyền thông bằng lời. Những cơ sở lo về sức khỏe tâm thần đưa ra trò chơi và những việc làm hữu ích để khởi xướng sự liên kết giữa nhân viên xã hội và những thân chủ bị rối loạn tâm thần vốn thường miễn cưỡng chuyện trò.
Thừa nhận rằng nhân viên xã hội thực hiện việc tiếp cận đúng đắn không phải luôn có kết quả là thân chủ đáp ứng tích cực. Có nhiều người vì lý do này nọ không thể quan hệ với mọi người. Có lẽ do kinh nghiệm sống khiến họ không thể tin vào người khác. Có người bị người thân thiết bỏ rơi nhiều lần. Những người khác mà những quan hệ đầy ý nghĩa của họ bị cắt đứt do có người chết hay vì những hoàn cảnh khác. Những thân chủ mà nhân cách của họ bị lệch lạc vì những biến cố đau buồn dính dáng đến những quan hệ riêng tư không thể đáp ứng lại với sự cởi mở thân thiện của nhân viên xã hội. Kiểu hành vi chủ bại của họ là không thể hiểu nổi với những điều đã bàn trong những chương trước đây về lý thuyết chức năng của bản ngã. Về nhân cách của những người này, những biến cố bất hạnh của cuộc sống đã làm bế tắc sự phát triển thuận lợi chức năng bản ngã của họ, đặc biệt chức năng các mối quan hệ khách thể và chức năng tổng hợp những kinh nghiệm cuộc sống .
Sự hòa hợp biểu thị mối quan hệ tích cực
Sự hòa hợp là một hiện tượng quan trọng trong công tác xã hội cá nhân. Từ ngữ "hòa hợp" được dùng để chỉ tính chất tích cực của quan hệ nhân viên xã hội - thân chủ. Nhân viên xã hội có thể đi tìm những dấu hiệu hòa hợp san đây liên quan đến quan hệ với thân chủ.
1. Thân chủ tỏ vẻ (quan tâm) thích thú khi gặp nhân viên xã hội và giữ đúng hẹn.
2. Thân chủ bày tỏ cảm nghĩ của mình trong suốt cuộc vấn đàm.
3. Thân chủ tham gia thích đáng vào cuộc vấn đàm, nói về chính mình, về những chuyện đã trải qua, về những quan hệ vv...
4. Thân chủ biểu thị quyết tâm hành động
Những mức độ hòa hợp được chứng minh trong cuộc nghiên cứu hồ sơ cá nhân
Những trường hợp cá nhân trong cuộc nghiên cứu cho thấy chiều sâu mối quan hệ nhân viên xã hội - thân chủ thay đổi theo từng trường hợp. Trong nhiều trường hợp có sự hòa hợp. Một ít trường hợp sự hòa hợp không phát triển được, chỉ ở mức độ thấp. Trường hợp Phương, thân chủ bị liệt được giới thiệu trước đây, không có được nhiều hòa hợp lắm trong quan hệ.
Phương
Nhân viên xã hội đã thực hiện nhiều công việc vì lợi ích của thân chủ, những công việc mà tự Phương không thể làm được. nhân viên xã hội đã kiếm được cho Phương một bản sao thẻ bảo hiểm thay cho thẻ gốc bị mất, và kiến nghị những thủ tục để anh ta được phê chuẩn về quyền lợi tài chính mà anh ta được hưởng. Nhân viên xã hội viết thư cho gia đình Phương ở quê nhưng không được hồi âm. Nhân viên xã hội gặp gỡ xí nghiệp và thắt chặt hợp tác trong công việc phục hồi, tới mức mà viên quản lý hứa hẹn cho thân chủ một việc làm ngồi tại chỗ sau khi anh ta xuất viện. Cán bộ tổ chức của xí nghiệp đến thăm bệnh nhân ở bệnh viện và nhiệt tình giúp đỡ anh ta. Nhiều cuộc gặp gỡ đã được tổ chức giữa bệnh nhân và những bệnh nhân bị liệt khác, đặc biệt hai bệnh nhân đã đáp ứng tốt các chương trình phục hồi và sẵn sàng giúp bệnh nhân bằng những cách thức nào đó. Mặc dù tất cả những nỗ lực nầy phía nhân viên xã hội đã làm nhưng hầu như không có dấu hiệu nào của sự hòa hợp được chứng tỏ ở phía thân chủ. Ngoài sự biểu lộ thỉnh thoảng tính mặc cảm, không có sự tham gia hoặc cam kết nào về phía bệnh nhân .
Tuấn
Trái lại, trường hợp của Tuấn (18 tuổi) là học sinh lớp 10. Tuấn được giới thiệu đến nhân viên xã hội ở trường do học kém và có thái độ xấu trong lớp học. Cậu ta từ chối không chịu gặp nhân viên xã hội viện cớ là : "Cậu ta không phải là một cậu bé có vấn đề và cậu ta không có vấn đề gì cả" . Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng nhân viên xã hội đã có một cuộc nói chuyện với Tuấn ở văn phòng. Dần dần, sự hòa hợp được tạo lập, Tuấn tự nguyện cùng với nhân viên xã hội hướng tới các vấn đề mới nổi lên. Khi Tuấn thi rớt kiểm tra học phần cậu ta bàn bạc vấn đề ấy với nhân viên xã hội để tìm cách cải thiện việc học hành. Trước khi kết thúc năm học, cậu ta bàn bạc với nhân viên xã hội về những dự định nghề nghiệp của mình.
Công tác xã hội cá nhân sánh như một giàn nhạc
Lắng nghe, quan sát, vấn đàm, vãng gia và mối quan hệ là những công cụ đã được mô tả ở chương này. Tư vấn thường được xem như là công cụ. Tư vấn là một dạng đặc biệt của vấn đàm. Khái niệm tư vấn như là một công cụ cần sự đánh giá, hiểu biết dưới ánh sáng của những kỹ thuật giúp đỡ chúng là những viên gạch hình thành nên tiến trình tư vấn. Cần lưu ý rằng thường là hai hay nhiều công cụ vận hành với nhau, hòa tấu giống như những nhạc cụ trong một cuộc trình tấu. Thí dụ : nhân viên xã hội trong khi lắng nghe thân chủ với đôi tai thì đôi mắt cũng làm việc, đầu óc thì quan sát và suy nghĩ. Trong lúc vấn đàm, nhân viên xã hội cũng lắng nghe, quan sát và truyền thông. Sự liên hệ giữa mối quan hệ và truyền thông đã được chỉ rõ rồi. Nói tóm lại, những công cụ của công tác xã hội cá nhân liên kết lẫn nhau một cách năng động để tạo ra những thành quả mong muốn.
Grace Mathew

Không có nhận xét nào: