12 tháng 6, 2008

Khu công nghiệp" trẻ em


Khu công nghiệp" trẻ em
Phóng sự của Hoài Nam

Đã 23 giờ nhưng các em vẫn làm việc - Ảnh: Hoài Nam
Làm việc quần quật từ sáng tới khuya, lương ít ỏi trả theo năm. Đó là tình trạng của nhiều trẻ em đang lao động ở P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM.

Ca đêm

Chúng tôi đến "xóm may" ở khu phố 10, P.Bình Hưng Hòa vào nửa đêm.

Dọc khắp các ngõ hẻm chằng chịt của đường số 15 và các tổ 170, 171, 174, hẻm 507, tiếng máy may của hàng trăm hộ gia đình rền vang như một khu công nghiệp. Ngồi bên bàn máy may ấy là những công nhân trong độ tuổi đến trường đang làm từng công đoạn trong phần việc của mình. Chúng tôi thấy rõ gương mặt mệt mỏi của những em trai gầy tong teo, những em gái già trước tuổi. Suốt nhiều đêm liền thực hiện việc ghi hình vào đầu tháng 6, chúng tôi không bao giờ chứng kiến cảnh các em cười nói hồn nhiên, có em còn ngủ gục bên bàn máy...

Ông Hồ Tâm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em TP.HCM cho biết, những doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động trẻ em là vi phạm quy định của Bộ luật Lao động. Điều 120 của Bộ luật Lao động nêu rõ: Cấm nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc, trừ một số nghề và công việc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Và Điều 122 quy định: Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên không được quá 7 giờ một ngày hoặc 42 giờ một tuần. (Bảo Thiên)

Đã 22 giờ đêm nhưng các ngôi nhà ở tổ 171 ánh điện vẫn sáng choang, nhìn từ xa thấy rõ 8 thiếu niên (5 nữ, 3 nam) đang quần quật làm việc. Lấy lý do vào thăm người em họ tên Nguyễn Văn Quân (quê Bắc Giang), chúng tôi xin phép ông chủ (khoảng 40 tuổi) vào gặp. Quân năm nay đã 17 tuổi nhưng trông như cậu bé tuổi 13, nặng có 36 kg. Quân học hết lớp 5 thì vào Sài Gòn làm công theo môi giới của "cò" lao động, với mức lương 6 triệu đồng cho hai năm làm việc, được trả cho bố mẹ em ở quê. Mặc dù có người nhà tới thăm nhưng Quân vẫn không dám nghỉ tay. Quân kể, trước đây em làm ở P.Tây Thạnh (Q.Tân Phú), nhưng bị chủ "xù" lương. Biết em thất nghiệp, chủ nhà này đến đón em về. Theo "hợp đồng miệng" thì em được hưởng 6 triệu đồng/2 năm cho công việc vắt sổ, ăn ở chủ lo.

Ngồi bàn may kế bên, Tuấn (13 tuổi, quê ở Thái Nguyên) đang chăm chú xếp gọn những chiếc áo thun thành phẩm một cách thuần thục. "Gia đình em nghèo lắm, nên 3 chị em em vào đây làm công theo hợp đồng là 6 triệu đồng/2 năm. Em làm được gần một năm rồi, còn hai chị của em đã vào đây từ mấy năm trước" - Tuấn kể.

Không thể ngồi lâu hơn bởi ông chủ của các em thỉnh thoảng lại đảo mắt dò xét, chúng tôi ra về. Xem lại băng ghi hình, chúng tôi mới thực sự thấy được các em cơ cực thế nào. Em nào cũng xanh xao, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ...

Tuổi thơ lưu lạc

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những em đang làm công cho chủ may gia công ở khu phố 10 đều từ các tỉnh phía Bắc vào. Các em phải làm việc liên tục một tháng đủ 30 ngày. Giờ làm việc được ấn định như sau: Sáng từ 6 giờ đến 12 giờ, chiều từ 13 giờ đến 18 giờ, tối từ 19 giờ đến 23 - 24 giờ. Nếu như có tay nghề các em sẽ được trả 10 triệu đồng/2 năm, còn "không biết gì" thì được trả 4 triệu đồng/2 năm.

Không chỉ riêng khu phố 10 mà trong khắp P.Bình Hưng Hòa đi đến đâu cũng gặp cảnh tương tự. Cụ thể là ở tổ 64, khu phố 4. Toàn tổ có 15 hộ gia đình sử dụng lao động trẻ em. Trong tổng số 95 lao động làm công cho 15 hộ gia đình này có đến 26 trường hợp chưa đủ tuổi lao động và các em đều không được ký hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội.

Theo báo cáo của lãnh đạo khu phố 4 với UBND phường thì mỗi ngày các em phải làm việc từ 12 đến 14 giờ. Ông Phó chủ tịch UBND phường Võ Văn Thạch cho biết đầu tháng 6 vừa qua, UBND phường có báo cáo và đề nghị cấp trên xử phạt hộ bà Đặng Ngọc Minh (sinh năm 1977) và hộ bà Nguyễn Thị Tám (sinh năm 1964) thuộc tổ 64, khu phố 4 mỗi hộ hơn 8 triệu đồng do không đăng ký kinh doanh theo quy định, không đóng bảo hiểm xã hội, không ký hợp đồng cho người lao động. Số hộ vi phạm còn lại sẽ được UBND phường xử lý khi có kết luận chính thức từ đoàn kiểm tra.

Làm việc với PV Thanh Niên sáng 5.6, ông Phan Văn Rắc, Chủ tịch UBND phường cho biết, các chủ cơ sở may trong phường đa phần không đăng ký kinh doanh. "Để các hộ này hoạt động không phép là lỗi của UBND phường, do quản lý chưa chặt. Nhưng các chủ hộ cũng bưng bít thông tin, không chịu khai báo. Các em làm công đa phần là nghèo và đều từ quê vào, vì vậy khi chúng tôi tới kiểm tra các em đều nói là người nhà nên chưa có cơ sở để xử lý", ông Rắc than thở.

Khi chúng tôi mở những đoạn phim quay cảnh các em đang phải làm việc lúc 23 giờ, ông Rắc thực sự sửng sốt và quay sang nói với Phó chủ tịch Võ Văn Thạch: "Lập tức kiểm tra, không để các cháu bị bóc lột sức lao động". "Ngay từ bây giờ, tôi sẽ chỉ đạo ngay công an phường vào cuộc để nắm lại chính xác độ tuổi của các em qua việc đăng ký tạm trú. Sau đó, sẽ chuyển sang bộ phận kinh tế, lao động rà soát chặt theo Bộ luật Lao động. Từ đó mới có cơ sở để xử lý nghiêm các chủ hộ vi phạm", ông Rắc khẳng định.

Nguồn: Báo Thanh nien ngày 10/06/2008

Không có nhận xét nào: