17 tháng 6, 2008

HỘI THẢO "HỆ THỐNG AN SINH XÃ HỘI VIỆT NAM"


HỘI THẢO "HỆ THỐNG AN SINH XÃ HỘI VIỆT NAM"

Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc đã tổ chức Hội thảo "Hệ thống an sinh xã hội Việt Nam". Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Đỗ Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; đại diện của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc; đại biểu đại diện các bộ, ngành trung ương, các tổ chức quốc tế.

Các bản tham luận trình bày trong Hội thảo tập trung đề cập một số vấn đề cơ bản sau:

1. Hệ thống an sinh xã hội là gì? Trên thế giới quan niệm về "an sinh xã hội "được hiểu không thống nhất. Theo quan niệm của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), an sinh xã hội là sự bảo vệ mà xã hội cung cấp cho các thành viên của mình thông qua một số biện pháp được áp dụng rộng rãi để đương đầu với những khó khăn, các cú sốc về kinh tế và xã hội làm mất hoặc suy giảm nghiêm trọng nguồn thu nhập do ốm đau, thai sản, thương tật do lao động, mất sức lao động hoặc tử vong. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) quan niệm an sinh xã hội rất rộng bao gồm: trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các chương trình giảm nghèo, các chương trình thị trường lao động. Ấn Độ quan niệm vấn đề cốt lõi của an sinh xã hội là phòng ngừa và giảm nghèo, cung cấp mức sống tối thiểu cho người dân... Tuy nội hàm của an sinh xã hội có thể hiểu khác nhau, song các quan niệm đều thống nhất với nhau ở một điểm là an sinh xã hội mang tính hệ thống, bao gồm những chính sách để phòng ngừa, giảm thiểu, trợ giúp, bảo vệ những người gặp rủi ro, gồm có 4 trụ cột chính như: hệ thống chính sách và các chương trình về thị trường lao động tích cực; hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội; hệ thống chính sách trợ giúp xã hội; hệ thống lưới an toàn xã hội.

2. Vai trò của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi, hướng tới nền kinh tế thị trường và hội nhập đòi hỏi an sinh xã hội cũng phải chuyển đổi cho phù hợp với nguyên tắc mà nền kinh tế đang vận hành. An sinh xã hội trong nền kinh tế kế hoạch hoá mang tính chất "bảo đảm xã hội" nhiều hơn, phù hợp với tính "bao cấp" trong kinh tế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. An sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường đa dạng hơn về nguồn lực, về cơ chế quản lý. Bài học từ khủng khoảng kinh tế một số nước châu Á năm 1997, kinh nghiệm của Trung Quốc và một số nước có nền kinh tế chuyển đổi sau khi gia nhập WTO cho thấy nếu có hệ thống an sinh xã hội hữu hiệu sẽ giúp tránh được những cú "sốc" về kinh tế, giảm thiểu hoặc không để xảy ra xáo trộn về mặt chính trị, xã hội. Có hệ thống an sinh xã hội hữu hiệu thì quá trình chuyển đổi và hội nhập sẽ "an toàn" và bớt rủi ro hơn.

3. Về an sinh xã hội ở nước ta bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội, trợ giúp khẩn cấp, chính sách đối với người có công, bảo hiểm thất nghiệp và những vấn đề liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp. Chính sách đối với người có công là một điểm khác biệt so với hệ thống an sinh xã hội trên thế giới, nó thể hiện truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Nhà nước ta chi trên 4000 tỉ đồng năm 2004, trên 5.000 tỉ đồng năm 2005 cho 8 triệu người là đối tượng chính sách, người có công, trong đó khoảng 1,5 triệu người hưởng trợ cấp hằng tháng. Ở đây có sự khác nhau giữa an sinh xã hội với xóa đói giảm nghèo. Vai trò cốt lõi của an sinh xã hội là bảo vệ tất cả các thành viên xã hội khỏi những rủi ro về kinh tế, bảo đảm an toàn cuộc sống. Còn vai trò của xóa đói giảm nghèo là cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội, nâng cao năng lực, giảm thiểu rủi ro cho một số thành viên xã hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Bảo hiểm xã hội với hai hình thức bắt buộc và tự nguyện với 5 chế độ (ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất), bảo hiểm tự nguyện của nông dân và các hình thức bảo hiểm tuổi già khác. Bảo hiểm y tế với hai hình thức bắt buộc và tự nguyện, bảo hiểm y tế cho đối tượng chính sách là người có công, đặc biệt khó khăn, người nghèo... Nước ta đã có các cấu phần của một hệ thống an sinh xã hội, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để có một hệ thống an sinh xã hội hoàn chỉnh và hữu hiệu. Đây là yêu cầu vừa cấp bách vừa lâu dài trong quá trình Việt Nam đổi mới và hội nhập.
Nguồn:Tapchicongsan

Không có nhận xét nào: