10 tháng 6, 2008

Trầm cảm do Stress: Quan trọng là nhận thức


Trầm cảm do Stress: Quan trọng là nhận thức

Theo báo cáo của các chuyên gia quốc tế, hiện trên thế giới có hàng triệu người mắc bệnh trầm cảm và con số này đang ngày một tăng lên, nhưng chỉ 1/4 trong đó được điều trị đủ liều và thời gian. Đại đa số bắt đầu mắc bệnh trong khoảng từ 20 - 45 tuổi và số phụ nữ cao hơn hẳn nam giới. Tại VN, số liệu của Viện Sức khoẻ tâm thần cho biết có khoảng 3 - 6% dân số bị trầm cảm.

Nguyên nhân do đâu?

Các nguyên nhân gây trầm cảm có thể xếp vào 3 nhóm chính:

- Trầm cảm nội sinh (còn gọi là trầm cảm chưa rõ nguyên nhân): Có nhiều giả thuyết cho là do di truyền, miễn dịch, môi trường sống và yếu tố xã hội... nhưng chưa có giả thuyết nào có tính thuyết phục.

- Trầm cảm do các bệnh thực tổn: Sau chấn thương sọ não, sau tai biến mạch máu não hoặc xơ vữa động mạch não, các bệnh nan y như ung thư, lao, phong...

Ngày nay, khi những vấn đề cuộc sống như công việc, gia đình, học hành, quan hệ bạn bè... ngày càng trở nên phức tạp thì bệnh trầm cảm do nhóm nguyên nhân thứ hai gây ra cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn, và nhóm nguyên nhân này chính là tác nhân đóng vai trò chủ chốt trong việc gia tăng tỷ lệ người mắc bệnh trầm cảm trong xã hội hiện đại.

Quan trọng là nhận thức

Nhận thức để phòng ngừa: Những sự việc xảy ra với mọi người xung quanh đã khiến tôi có đôi chút nhận thức về căn bệnh có ý thức phòng ngừa. Tuy nhiên, nếu chỉ riêng bản thân tôi nhận thức mà nhiều người trong gia đình, trong xã hội vẫn không nhận thức được thì việc phòng ngừa căn bệnh cho chính tôi và cho những người khác thật khó khăn... Tôi nghĩ một tinh thần thép cũng không thể nào thường xuyên nghe sếp phàn nàn ở công ty, rồi về nhà lại bị vợ (hoặc chồng) ca thán về chuyện tiền nong, tiêu pha... mà không gặp vấn đề gì được. Thế nhưng, người ta vẫn tiếp tục xử sự với nhau như thế, thậm chí tiếp tục chịu đựng như thế mà không cần biết có những nguy hiểm đang tiềm tàng trong cuộc sống của mình.

Nhận thức để sớm phát hiện và điều trị: Việc nhận đúng ra bệnh để tìm đến đúng bác sĩ chuyên khoa và sử dụng đúng thuốc cũng là một điều rất cần thiết để chữa trị được căn bệnh này. Như chị gái của bạn tôi, trong một thời gian dài, khi chị ở trong tình trạng u uất, đau khổ, gia đình còn cho rằng chị bị ma ám, và mời thầy đến cúng, may là tinh thần chị còn đủ mạnh mẽ để vượt quan. Nhưng không phải ai cũng được như thế, có người bệnh từng nhảy xuống tự tử ở sông Hồng tới 4 lần chỉ vì gia đình chỉ cho đi cúng trừ ma hết 60 triệu đồng mà không vào viện...
Nhận thức để đưa người bệnh tái hoà nhập lại với cộng đồng: Có một buổi trưa tôi đến thăm cô bạn thân đang bị trầm cảm ở nhà. Một cô công nhân tỏ ra tốt bụng cho tôi biết là trong nhà chỉ có một... bệnh nhân tâm thần và "cháu nên chờ bố mẹ nó về rồi hãy quay lại". Tôi đã không thể nào giữ bình tĩnh để có thể cảm ơn được lòng tốt của cô ấy mà chỉ có thể cảm thấy tức giận và thương bạn mình vô cùng. Đúng lúc đó người bạn đã ra đón tiếp tôi và hai đứa vào nhà cùng nhau nấu bữa trưa rất vui vẻ trước vẻ ngạc nhiên của người thợ xây lúc nãy. Vừa ăn uống, tôi và bạn còn bàn luận đủ thứ và còn tâm sự cho nhau nghe về cuộc sống, về những vui buồn. Tôi cảm thấy rất lo lắng bởi vì nếu tất cả những người hàng xóm và những người khác trong xã hội đều nghĩ như cô thợ xây thì liệu đến khi khỏi bệnh, làm sao bạn tôi có thể tái hoà nhập lại với cộng đồng được.

Nhiều người cứ cho rằng phòng và chữa bệnh là công việc của bác sĩ, đặc biệt là đối với những bệnh về tinh thần phức tạp như trầm cảm. Nhưng không phải vậy, cũng có những việc rất đơn giản mà chúng ta hoàn toàn có thể làm cho người bệnh, chỉ cần chúng ta nhận thức đúng đắn và có một trái tim biết yêu thương.

Theo Hoàng Linh (Tạp chí Truyền hình Pay TV, tháng 6/2008)

Không có nhận xét nào: