26 tháng 6, 2008
Giáo dục hòa nhập
Giáo dục hòa nhập
Trong buổi nói chuyện này, tôi xin phép được trình bày quan điểm của mình về giáo dục hòa nhập, những yếu tố quan trọng trong giáo dục hòa nhập và làm thế nào để áp dụng giáo dục hòa nhập vào Việt Nam.
Giáo dục hoà nhập… Một khái niệm rất rộng. Chúng ta có ý gì khi sử dụng cụm từ giáo dục hòa nhập và chúng ta nên sử dụng khái niệm nào về giáo dục hòa nhập?
Trước hết, rất nhiều người liên hệ cụm từ này với việc nhận trẻ khuyết tật tham gia học tập tại trường phổ thông. Theo ý kiến của tôi, giáo dục hòa nhập đã bắt đầu từ trước đó và nó bao hàm nhiều ý nghĩa hơn là việc nhận trẻ khuyết tật tham gia học tập tại trường phổ thông.
Giáo dục hòa nhập chứa từ hòa nhập trong đó. Và hòa nhập có nghĩa bao hàm tất cả mọi người cùng tham gia vào quá trình giáo dục. Giáo dục hòa nhập, như vậy, có nghĩa là giáo dục cho tất cả mọi người. Khái niệm này bắt đầu chính từ tất cả mọi người đều có quyền được đi học. Và chính vì thế, chúng ta sẽ không chỉ bàn luận về quyền được giáo dục. Bởi vì để cho một đứa trẻ ngồi vào trong lớp học chưa có nghĩa là hòa nhập. Hòa nhập cũng bao hàm ý nghĩa về chất lượng giáo dục. Và chất lượng đó chỉ được đảm bảo khi chúng ta nhìn thấy mọi trẻ đều bình đẳng trong quyền được nhận vào học và được đối xử bình đẳng như nhau. Trong một lớp học, có rất nhiều sự khác biệt lớn giữa các học sinh, không chỉ do xuất thân của trẻ đến từ nơi nào , địa vị xã hội của gia đình đứa trẻ như thế nào, mà còn bởi vì khả năng học khác nhau ở từng trẻ. Và đến đây, chúng ta vẫn chưa đề cập đến vấn đề khuyết tật. Cũng như giữa các học sinh khác nhau trong cùng một lớp luôn có sư khác biệt về cách học và khả năng học tập. Mỗi đứa trẻ đều có một điểm mạnh trong từng môn học khác nhau. Và trách nhiệm của người giáo viên là phải biết cách đáp ứng lại với những sự khác nhau đó. Tôi hoàn toàn đồng ý với khái niệm mà UNESCO đã đưa ra, đối với họ, hòa nhập là: “động lực tiếp cận và phản ứng một cách tích cực với các mặt khác nhau của học sinh và nhìn nhận sự khác biệt của các cá nhân không phải là vấn đề, mà sự khác biệt ấy chính là cơ hội cho phát triển học tập” Giáo viên phải nhìn thấy những mặt khác nhau đó của học sinh như là một thách thức đối với chính bản thân mình.
Những yếu tố nào là quan trọng trong giáo dục hòa nhập? Trước hết, đó là chúng ta chấp nhận các mặt khác nhau của học sinh như là một sự hoan nghênh. Chúng ta sẽ phải nhìn giáo dục hòa nhập như là một bậc cao hơn của sự tham gia vào học tập, văn hóa, xã hội, giảm sự loại trừ ở bên trong. Giáo dục hòa nhập có ý nghĩa với tất cả học sinh. Chúng ta không nên chỉ chú ý tới những học sinh khuyết tật. Sức mạnh của giáo dục hòa nhập đó là làm cho mọi học sinh đều cảm thấy chúng được hòa nhập.
Tôi cũng muốn đề cập đến sự cần thiết của học sinh trước, sau đó mới đến khuyết tật. Chúng ta nên nhìn vào những gì trẻ có thể làm được hơn là nhìn vào những gì trẻ không thể làm được. Bởi vì trong giáo dục, chúng ta phải bắt đầu từ khả năng hiện có ở trẻ. Điều này cũng khiến cho trẻ cảm thấy tự tin hơn. Khi ta chỉ nghĩ đến những điều ta không thể làm được, ta sẽ không thể cảm thấy thoải mái và sẽ dần dần mất đi sự hào hứng trong học tập.
Bởi vậy, giáo dục hòa nhập còn có hàm ý: chúng ta nên nghĩ khác về trẻ khuyết tật. Chúng ta nên nhìn nhận trẻ khuyết tật như là những con người khác với những kỹ năng và khả năng khác, nhưng tất cả họ đều có động lực và kỹ năng học tập, chỉ có điều, họ khác. Sẽ không có ý nghĩa gì khi chúng ta cứ phàn nàn về đứa trẻ suốt ngày với những vấn đề của nó. Khi một đứa trẻ bị điếc, chúng ta chỉ có thể đối diện với điều đó. Chúng ta không cần phải nhắc đi nhắc lại vấn đề này suốt ngày mà chúng ta phải nhìn xem đứa trẻ cần gì. Và ở trẻ điếc, mỗi trẻ cũng có những đặc điểm rất khác nhau. Chúng ta chỉ có thể cố gắng tìm ra cách mà đứa trẻ tiếp thu bài học và chỉnh sửa chương trình, nội dung giảng dạy cho phù hợp với trẻ.
Ở Hà Lan có một vị giáo sư rất nổi tiếng. Ông cũng đã dạy tôi khi tôi còn ở trong trường Đại học. Ông đã nhận ra 3 nhu cầu cơ bản của trẻ trong nhà trường. Nhu cầu đầu tiên đó là mối quan hệ. mỗi đứa trẻ đều muốn có một mối quan hệ tốt với người dạy chúng. Với mối quan hệ an toàn này, đứa trẻ có thể tăng hứng thú học tập. Nhu cầu thứ hai đó là khả năng, đứa trẻ phải cảm thấy nó có khả năng học, chính vì điều đó, người dạy cần phải thiết lập và khuyến khích cảm giác này ở trẻ. Và nhu cầu thứ ba, đó là sự tự do cá nhân. Đứa trẻ cần phải cảm thấy tự do trong quá trình học tập của nó. Điều này cũng đồng nghĩa với sự độc lập. Người giáo viên phải tìm ra sự cân bằng tốt giữa việc hướng dẫn đứa trẻ và để yên cho trẻ tự làm. Khi ba nhu cầu này được đáp ứng, chúng ta có thể nói đó là giáo dục phù hợp và môi trường học tập tốt và đó là vấn đề cơ bản của giáo dục hòa nhập.
Chúng ta có thể nhìn nhận giáo dục hòa nhập như là một quá trình. Nó có thể được xem như là một sự tìm kiếm không ngừng nghỉ để tìm ra những phương thức tốt hơn của việc đáp ứng lại với những sự khác biệt của học sinh. Đó còn là việc học thế nào để sống chung với những sự khác biệt và làm thế nào thể học từ những sự khác biệt đó. Đó cũng chính là sự hòa nhập của tất cả các học sinh.
Nhưng câu hỏi tiếp theo là: làm thế nào để áp dụng nó vào trong trường lớp tại địa phương? Trước hết, điều quan trọng là phải hiểu rõ lớp hay trường tại địa phương hiểu như thế nào về giáo dục hòa nhập và địa phương có chính sách như thế nào dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt?
Điều thứ hai cũng quan trọng đó là tham gia các khóa đào tạo. Có rất nhiều các khóa học ở khắp nơi trong Việt Nam. Những tháng vừa rồi, tôi đã có điều kiện được đi một số vùng ở Việt Nam để thăm những dự án khác. Tôi đã gặp rất nhiều người và nhận ra rằng Việt Nam đang cố gắng chuyển từ giáo dục chuyên biệt sang giáo dục hòa nhập. Điều này có nghĩa là giáo dục hòa nhập đang là một đề tài nóng hổi tại Việt Nam trong thời điểm này. Có thể thấy khoa Giáo dục đặc biệt của trường ĐH Sư Phạm Hà Nội hiện đang rất bận rộn cho dự án giao dục hòa nhập. Tôi biết rằng, chính phủ muốn tất cả trẻ khuyết tật được học hòa nhập. Tôi lo ngại rằng, ở Việt Nam hiện nay đang sử dụng một chương trình giảng dạy rất nghiêm ngặt và kín đặc thời gian. Điều này đôi lúc có thể là khó cho việc thay đổi chương trình trong chương trình giảng dạy này, nhưng tôi cũng đã nói chuyện với các giáo viên và quan sát họ dạy, trong thời gian đó, họ đã chỉ cho tôi thấy rằng việc thay đổi chương trình cho phù hợp với trẻ là có thể thực hiện được. Ví dụ: rất nhiều bài học có thể được dạy bằng cách học theo nhóm, đây là cách kích thích sự phát triển kỹ năng xã hội ở trẻ rất tốt, từ việc làm việc theo nhóm, người giáo viên có thể chia ra rất nhiều loại nhóm khác nhau với những trẻ có khả năng khác nhau. Học từ thảo luận nhóm là cách học rất hấp dẫn với trẻ và trong trường hợp này người giáo viên làm việc trong một môi trường thân thiện với trẻ và với trong sự khác biệt của chương trình giảng dạy. Bên cạnh thời gian rảnh rỗi của trẻ hoặc trong lúc trẻ làm việc độc lập, chúng ta có thể hỗ trợ các nhóm với những nội dung mà nhóm đó cần hỏi. Khi chúng ta dạy ở những lớp cao hơn, chúng ta cũng có thể sử dụng những học sinh giỏi để giúp đỡ những học sinh cần sự hỗ trợ. Và khi chúng ta có được những dụng cụ học tập tốt, chúng ta có thể làm được nhiều hơn thế.
Ở Hà Lan, tôi đã từng làm việc với rất nhiều các giáo viên và học sinh ở bậc Tiểu học. Giáo dục hòa nhập cũng là một chủ đề nóng hổi tại đây. Những gì tôi đã cố gắng làm, đó là hỗ trợ giáo viên những kỹ năng dạy trong giáo dục hòa nhập. Bắt đầu với việc hướng dẫn giáo viên cách quan tâm chăm sóc học sinh.
Khi trẻ bắt đầu gặp những vấn đề trong việc theo chương trình học bình thường trên lớp, điều quan trọng là người giáo viên phải nhận biết những vấn đề này từ sớm. Sau khi nhận thấy những vấn đề này, người giáo viên cần phải phân tích xa hơn. Người giáo viên có thể cố gắng chuyển tải chương trình theo cách phù hợp hơn với trẻ hoặc giải thích lại những vấn đề mà trẻ chưa hiểu trong bài. Khi vấn đề càng ngày càng trở nên tệ hơn, thì đó chính là thời gian cần thiết phải lượng giá lại. Người giáo viên có thể tự đánh giá một phần nhưng vẫn cần phải có một chuyên gia đánh giá trẻ. Trong đánh giá trẻ, điều quan trọng là phải nhận thấy được những gì trẻ không thể làm được, nhưng bên cạnh đó, điều quan trọng hơn là phải nhận thấy được khả năng còn lại của trẻ. Tôi e rằng chúng ta chưa sử dụng phương thức đánh giá này tại Việt Nam, ở đây chưa có nhiều những công cụ đánh giá có độ tin cậy cao. Và tôi thực sự nhận thấy giống như một sự cần thiết, những công cụ đánh giá với độ tin cậy cao này sẽ đến Việt Nam trong một thời gian gần đây. Và khi công cụ đánh giá đó đến, nó sẽ phải là một công cụ đo lường tốt. Bởi vì nếu không có một công cụ đánh giá chuẩn cho trẻ thì sẽ không thể lên kế hoạch giáo dục cho trẻ một cách hiệu quả.
Sau đánh giá trẻ, chúng ta cần lập kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ với mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn tốt. Theo ý kiến của tôi, chỉ sử dụng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ để viết vào đó nhu cầu cần hỗ trợ trong học tập của trẻ chứ không phải là viết vào kế hoạch cá nhân chương trình học của trẻ. Đối với những trẻ này, sự lượng giá và hướng dẫn cũng là những điều mà trẻ cần. Kế hoạch giáo dục cá nhân không nên chỉ được lập ra bởi các giáo viên. Các giáo viên có thể lên kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ, nhưng kế hoạch giáo dục cá nhân bản thân nó cũng luôn cần sự hỗ trợ và các ý kiến từ những người khác. Người phó giám đốc trung tâm, hoặc người hiệu phó trong trường phổ thông nên biết về kế hoạch giáo dục cá nhân và lượng giá kế hoạch giáo dục cá nhân theo từng thời điểm với các giáo viên.
Trong tất cả các giai đoạn của giáo dục hòa nhập, điều quan trọng là phải có sự phối hợp giữa các cấp. Giai đoạn đầu, giáo viên nên nói chuyện với giám đốc hoặc phó giám đốc trung tâm (hoặc ở trường, nói với người chịu trách nhiệm nội dung giảng dạy) về những biểu hiện của vấn đề ở trẻ và nhận sự hỗ trợ từ họ. Giáo viên cũng đồng thời phải có trách nhiệm trong việc liên hệ với phụ huynh về các vấn đề của trẻ. Phụ huynh có quyền được tham gia vào tất cả những gì xảy ra với con em mình từ khi bắt đầu đưa trẻ đến trường. Họ cũng phải có trách nhiệm giúp đứa trẻ phát triển theo hướng tích cực. Điều này cũng bao hàm việc kế hoạch giáo dục cá nhân phải được thực hiện ở nhà. Phụ huynh của trẻ cũng phải được tham gia tập huấn về điều này. Khi những khó khăn của trẻ được nhận ra càng sớm thì trẻ càng có nhiều cơ hội hòa nhập dễ dàng hơn. Cho cả phụ huynh và giáo viên, chúng ta đều mong đợi những thái độ nhiệt tình.
Nhà trường cũng cần phải có những biểu mẫu tốt cho những đơn từ được sử dụng tại trường. Với cách này, nhà trường có thể tự tạo những bộ hồ sơ tốt cho trẻ và có thể lượng giá bất cứ khi nào.
Sự hỗ trợ của giáo viên cũng có thể bao gồm việc tư vấn hay quan sát trong lớp học và đưa ra lời khuyên sau đó. Người quan sát có thể phân tích những gì giáo viên và học sinh đã làm và đưa ra lời khuyên. Điều này cũng rất có ích khi quan sát lớp học qua hệ thống camera. Cho rất nhiều giáo viên (tại Hà Lan) đầu tiên, họ rất ngại, nhưng họ cũng nhận thấy rất rõ những gì mà người quan sát nói với họ. Đối với người giáo viên, sẽ là một cơ hội tốt cho họ tự nhìn thấy bản thân trong công việc và nhận ra mình đã làm việc và giao tiếp với học sinh như thế nào. Những cử chỉ và lời nói trong giao tiếp với học sinh sẽ được nhìn thấy rất rõ qua hệ thống camera từ băng hình ghi lại.
Các giáo viên cũng có thể hỗ trợ nhau bằng cách dự giờ các tiết dạy của nhau. Họ có thể trao đổi với nhau về những vấn đề và kinh nghiệm hoặc hỏi những câu hỏi mà họ muốn đặt ra. Điều này cũng khả thi trong những cuộc họp của các giáo viên. Điều quan trọng là tất cả các giáo viên đều cùng tham gia vào quá trình của giáo dục hòa nhập. Trong làm việc thảo luận nhóm, cần phải có bầu không khí tự tin và cởi mở. Các giáo viên đều cần phải có cơ hội được hỏi và bàn luận về các vấn đề thay vì chỉ trích người này hay người kia không phải là giáo viên tốt. Bởi vì theo ý kiến của tôi, người giáo viên tốt là người giáo viên có thể vượt qua được tổn thương khi bị chỉ trích và tiếp tục học hỏi.
Cuối cùng nhưng không phải kém quan trọng nhất, lượng giá là điều quan trọng nhất. Sau khi làm việc với kế hoạch giáo dục trẻ, một sự lượng giá tốt là điều rất có giá trị.
Có rất nhiều điều cần phải thay đổi để có thể trở thành một trường hòa nhập thực sự. Và điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian, bởi vậy, xin đừng bỏ cuộc, hãy cố gắng kiên nhẫn… Giáo dục hòa nhập là cả một quá trình. Và điều quan trọng nhất đó là mỗi trường của chúng ta không cần phải làm tất cả các công việc một mình. Trung tâm PHCN và GDHN trẻ khuyết tật Cao Bằng sẽ rất vui khi được giúp đỡ các trường phát triển những điều trên. Tôi cho rằng, một cơ hội rất tốt sẽ mở ra khi Trung tâm PHCN và GDHN Cao Bằng đi vào hoạt động. Và khi đó, nếu có câu hỏi nào, tôi rất mong được là người trả lời và cùng với các bạn trả lời các câu hỏi. Ở bất cư nơi đâu, vào bất cứ thời điểm nào. Bởi vì tất cả chúng ta đều có một điểm chung, đó là trái tim của chúng ta dành cho trẻ và dành cho việc giáo dục trẻ. Cám ơn rất nhiều.
Fanny Verwoert
Inclusive Education Consultant
VSO/MCNV
Lê Mai Khanh
Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét