6 tháng 6, 2008
Công vụ "cai trị” và công vụ phục vụ
Công vụ "cai trị” và công vụ phục vụ
TT - Các nhà tài trợ quốc tế và đại diện Chính phủ đã chia sẻ tại cuộc đối thoại chống tham nhũng ngày 3-6: cán bộ, công chức làm việc chuyên nghiệp, có trách nhiệm sẽ là lực cản đối với các hành vi tham nhũng và là mắt xích quan trọng trong cuộc chiến phòng chống quốc nạn này.
Để cán bộ, công chức làm việc một cách chuyên nghiệp và có trách nhiệm, thiết nghĩ Luật công vụ (hay Luật cán bộ công chức) phải xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản. Đó là:
- Chuyển nền công vụ "cai trị” sang nền công vụ phục vụ. Hoạt động công vụ không thể đi ngược lại lợi ích xã hội, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước mà phải lấy việc bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phục vụ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu của mình. Chính vì lẽ đó mà Nhà nước phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để các công dân thực hiện các quyền tự do của bản thân mà pháp luật đã ghi nhận và phải bảo vệ khi bị xâm phạm. Với ý nghĩa này có thể nói công vụ nhà nước như là "người canh gác" bảo vệ các quyền công dân.
- Công vụ nhà nước được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc này thể hiện trước hết là các cơ quan nhà nước ở trung ương xác định danh mục các chức vụ trong cơ quan, tổ chức nhà nước, định ra các phương thức tuyển chọn, thăng chức, giáng chức và thuyên chuyển cán bộ, công chức, qui định các ngạch, bậc công chức và chế độ chính sách đối với công chức. Khi quyết định những vấn đề quan trọng đó, các cơ quan trung ương cần phải tham khảo ý kiến của các cơ quan nhà nước ở địa phương và các tổ chức xã hội. Trong tổ chức có phân cấp quản lý cán bộ, công chức rõ ràng, phát huy tính tự chủ, tự quản địa phương, xem trọng ý kiến nhân dân và dư luận xã hội...
- Dân chủ trong nền công vụ nhà nước. Công vụ là hoạt động có tính chất phục vụ, đáp ứng các yêu cầu của công dân, do đó nhân dân có thể tham gia việc đưa ra các quyết định của các cơ quan nhà nước, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Mặt khác, các cán bộ, công chức là chủ thể của hoạt động công vụ nên trên thực tế họ phải được quyền tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề liên quan đến công vụ nhà nước, đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức nhà nước, mà không chỉ thuần túy chấp hành các mệnh lệnh hành chính.
- Công khai trong công vụ nhà nước. Nguyên tắc này đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải công khai các qui định của nền công vụ và hoạt động công vụ nhà nước trừ những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, bí mật công vụ, bí mật quốc gia.
- Bình đẳng trong hoạt động công vụ nhà nước. Nguyên tắc bình đẳng trong hoạt động công vụ có liên quan mật thiết tới nguyên tắc dân chủ và công khai. Nguyên tắc bình đẳng là hệ quả của chế độ dân chủ, bắt nguồn từ bản chất nhà nước xã hội chủ nghĩa mà Nhà nước theo đuổi, từ nguyên tắc: mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nội dung của nguyên tắc này thể hiện mọi công dân đều có khả năng tham gia nền công vụ tùy theo năng lực chuyên môn, phẩm hạnh và sức khỏe của mình, không lệ thuộc vào bất kỳ điều kiện nào khác.
- Nền công vụ đề cao kỷ cương. Cán bộ, công chức phải nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định, chỉ thị mệnh lệnh hợp pháp của cấp trên. Hoạt động công vụ nhà nước luôn đòi hỏi có một trật tự, kỷ cương nhất định. Trật tự đó được xác lập trên cơ sở pháp luật và các qui định về kỷ luật.
Thay thế, bãi miễn những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu của chức vụ, hoặc vi phạm pháp luật.
Cán bộ, công chức chịu trách nhiệm về việc thi hành công vụ, nhiệm vụ của mình. Cán bộ, công chức phải trả lời trước Nhà nước, xã hội, nhân dân, công dân về mọi hành vi công vụ của mình cũng như chịu trách nhiệm về mọi hành vi công vụ của mình; cán bộ, công chức chịu trách nhiệm pháp lý khi có những vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ...
DIỆP VĂN SƠN
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ ngày 06/06/2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét