3 tháng 6, 2008

Làm thế nào để sống sót trong thảm họa?


Làm thế nào để sống sót trong thảm họa?

TT - Tai nạn máy bay, bão lũ, động đất... có thể cướp đi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sinh mạng. Và những người sống sót thường được xem là may mắn. Tuy nhiên, nhà báo Amanda Ripley, tác giả cuốn sách Điều không tưởng: Ai sống sót khi thảm họa xảy ra - và tại sao, khẳng định sống sót không chỉ đơn thuần là sản phẩm của sự may mắn.

Luyện trí não, hành động nhanh

Trên tạp chí Time, tác giả Ripley cho biết con người có thể sống sót trong những thảm họa khủng khiếp nhất nếu luyện tập trí não hoạt động nhanh nhạy và logic hơn khi cần thiết. Tác giả đã phỏng vấn rất nhiều người sống sót sau các vụ tai nạn và phát hiện một trong những phản ứng thường gặp của con người khi thảm họa xảy ra không phải phát cuồng lên vì sợ hãi, mà là đông cứng lại. Đây là yếu tố khiến số người chết gia tăng đáng kể.

Một ví dụ điển hình là vụ đắm tàu M.V. Estonia trên biển Baltic ngày 28-9-1994, tai nạn hàng hải tồi tệ nhất tại châu Âu thời gian qua. Tác giả Ripley dẫn lời người sống sót Kent Harsedt kể khi chiếc tàu bị nghiêng, rất nhiều hành khách rơi vào trạng thái sốc và trở nên im lìm, ngẩn ngơ, mất đi phản ứng dù còn tỉnh táo. Một số người sau đó kể họ chỉ thoát khỏi trạng thái đông cứng khi nhớ đến người thân, đặc biệt là con cái. Theo tác giả Ripley, loài vật cũng có phản ứng tương tự khi bị bao vây. Giả chết có thể khiến thú săn mồi ngừng tấn công. Và trong trạng thái căng thẳng cực độ, não người cũng hoạt động tương tự, tìm một phản ứng sống sót phù hợp và đôi lúc lựa chọn sai.

Giải pháp, theo tác giả Ripley, là sự luyện tập và chuẩn bị từ trước. Những cuộc diễn tập phòng cháy chữa cháy bắt buộc và đột xuất chẳng hạn, cực kỳ có ích trong việc giúp não bộ phản ứng hiệu quả và giảm sự sợ hãi. Chỉ cần biết lối thoát khẩn cấp ở đâu cũng đem lại lợi thế cho não bộ. Người sống sót Harsedt trong vụ đắm tàu M.V. Estonia hành động nhanh nhờ được luyện tập trong quân ngũ.

Nghiên cứu các vụ tai nạn máy bay cho thấy những hành khách chịu khó đọc hướng dẫn an toàn có nhiều khả năng sống sót hơn những người không chịu đọc. Tương tự, những người đọc hướng dẫn cách phản ứng khi động đất xảy ra (ở trong nhà thì chui xuống gầm bàn, chạy ra chỗ trống nếu ở ngoài trời) có thể tránh được nguy cơ bị đè chết. Hoạt động tưởng như là sự lãng phí thời gian đó trên thực tế cung cấp cho não bộ một kế hoạch sống sót khi thảm họa xảy ra.

Diễn tập trước

Ngoài ra, những người gặp tai nạn có thể giúp đỡ lẫn nhau. Một tiếng động lớn sẽ giúp con thú bị đông cứng phục hồi phản ứng. Tương tự, các tiếp viên hàng không được huấn luyện là phải hét vào mặt hành khách khi máy bay bị cháy.

Con người phản ứng rất tốt trong thảm họa nếu có sự lãnh đạo của người khác. Bằng chứng là vụ cháy câu lạc bộ Beverly Hills Supper Club tháng 5-1997 tại Mỹ làm 167 người thiệt mạng.

Khi đó, trong câu lạc bộ có tới gần 3.000 người. Khi ngọn lửa bốc lên, các nhân viên đã hướng dẫn đám đông thoát ra ngoài dù tòa nhà có rất ít cửa thoát hiểm. Time dẫn lời một nhân chứng kể nhờ sự hướng dẫn, những người bị nạn không hoảng loạn, ích kỷ tìm lối thoát một mình. Thay vào đó họ bảo vệ lẫn nhau, nhắc nhở nhau bình tĩnh, không chen lấn, di chuyển theo hàng.

Một bài học lớn về sự chuẩn bị trước thảm họa mà tác giả Ripley chỉ ra là trường hợp của trụ sở Tập đoàn Morgan Stanley tại tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) ở New York trong vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 tại Mỹ. Giám đốc an ninh Rick Rescorla, một cựu sĩ quan quân đội, luôn lo ngại về khả năng WTC bị tấn công, đặc biệt là sau vụ đánh bom năm 1993. Do đó, Rescorla thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập phòng chống thảm họa một cách đột xuất và nghiêm ngặt, bất chấp sự phản đối của các nhân viên Morgan Stanley và chi phí tốn kém.

Trong các cuộc diễn tập, Rescorla phê bình nghiêm khắc những người di chuyển chậm, thậm chí qui định thời gian di chuyển. Và khi vụ 11-9 xảy ra, các nhân viên Morgan Stanley đã phản ứng tuyệt vời. Time dẫn lời nhân viên Bill McMahon kể: "Biết rõ nơi cần chạy đến là điều quan trọng nhất, bởi khi đó bộ não gần như ngừng hoạt động. Một điều mà không ai muốn làm là phải suy nghĩ khi thảm họa xảy ra". Khi tòa tháp sụp đổ, chỉ có 13 nhân viên Morgan Stanley thiệt mạng, trong đó có Rescorla do ông lên các tầng trên tìm người bị mắc kẹt. Có tới 2.687 nhân viên khác đã an toàn.

HIẾU TRUNG
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ ngày 03/06/2008

Không có nhận xét nào: