27 tháng 6, 2008

Gia đình Việt Nam đang biến động lớn


Gia đình Việt Nam đang biến động lớn
NDĐT- Đây là một phần nội dung trong kết quả điều tra Gia đình Việt Nam năm 2006 vừa được Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) công bố sáng nay.
Quan niệm về bình đẳng giới được cải thiện
PGS-TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Gia đình và giới (Thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, kết quả điều tra cho thấy mô hình gia đình hạt nhân khá phổ biến ở thành thị và các khu vực đang phát triển.
Số hộ gia đình hai thế hệ chiếm hơn một nửa, với tỷ lệ 63,4%. Đã xuất hiện xu thế gia đình ba thế hệ sinh sống chủ yếu ở thành phố. Nguyên nhân chính là do điều kiện đất đai và nhà ở khu vực bị hạn chế; cùng đó là khuynh hướng thanh niên di cư từ nông thôn ra thành thị làm việc và sau đó lập gia đình luôn tại đây.
Hôn nhân vẫn rất phổ biến ở Việt Nam và cũng đang hình thành những xu hướng thay đổi. Tuổi kết hôn lần đầu thường cao hơn với những người ở thành phố (khoảng ba năm với cả hai giới) và những ngường có trình độ chuyên môn cao (khoảng 4,5 tuổi)
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Gia đình và giới, kết quả khảo sát chỉ ra rằng, chủ hộ của các gia đình Việt Nam hiện đại là chồng, vợ hoặc cả hai; chứng tỏ mức độ bình đẳng giới trong gia đình ngày càng tăng.
Phó trưởng đại diện UNICEF M.Zaman cho biết, cơ quan này rất hoan nghênh đề xuất tăng thời gian nghỉ sinh con cho lao động nữ từ bốn lên sáu tháng hiện đang được Chính phủ xem xét.
Hiện tượng ly hôn đang tăng lên, chủ yếu là do áp lực về kinh tế, khác biệt về lối sống và sự không chung thuỷ của hai giới. Kết quả điều tra lần này cho thấy tỷ lệ ly hôn là 2,6% với lứa tuổi từ 18-60 và cao hơn ở thành thị.
Ông Minh nhận xét, nếu trước kia, nữ giới rất sợ khi ly hôn do phải đối mặt với sự lên án của dư luận; họ cũng ít dám chủ động ly hôn thì hiện nay, thực trạng này đã có nhiều thay đổi. Tỷ lệ phụ nữ đứng đơn ly hôn cũng cao gấp đôi so với nam giới. Lý do chính là giá trị cá nhân được đề cao hơn, người phụ nữ chủ động hơn trong hạnh phúc của mình và cũng chứng tỏ nhận thức của nữ giới về quyền và địa vị của họ đã thay đổi.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, đây là cuộc điều tra quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc về một số vấn đề của gia đình nhằm nhận diện thực trạng gia đình trong thời kỳ CNH - HĐH và toàn cầu hoá ở Việt Nam.
Dự án thu thập dữ liệu từ 9.300 hộ gia đình, trong đó có cả các gia đình dân tộc thiểu số được lựa chọn ngẫu nhiên trong 64 tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Đối tượng tham gia chương trình thuộc nhiều thế hệ và lên tới 24.000 người.
Chương trình do Vụ gia đình (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), Tổng cục Thống kê, Viện nghiên cứu gia đình Australia, Viện nghiên cứu gia đình và giới tiến hành trong suốt năm 2006 và đầu năm 2007 với sự hỗ trợ của UNICEF.

Mặc dù tâm lý thích con trai vẫn tồn tại nhưng hơn 63% số người trong độ tuổi từ 18-60 phải đối quan niệm truyền thống này.
Trẻ em khát khao sự quan tâm của bố mẹ
Đó là ý kiến của bà Maniza Zaman, Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam từ kết quả điều tra toàn quốc lần này.
Một số liệu đáng lưu tâm trong khảo sát cho thấy, 20% các ông bố và 7% các bà mẹ không có thời gian dành cho con cái vì lý do mưu sinh. Nếu bố mẹ không quan tâm, chăm sóc con cái sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất, trí tuệ và tình của của trẻ em.
Bà Maniza Zaman nhấn mạnh, cũng như ở các nước khác, các bậc phụ huynh ở Việt Nam đang phải chịu áp lực của công việc, do phải làm việc nhiều để cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Do vậy, các nhà hoạch định chính sách cần hỗ trợ tốt hơn cho những người làm cha mẹ khi họ đang phải cố gắng vật lộn với nhu cầu của gia đình, công việc và sự phát triển kinh tế.

Sự hỗ trợ này bao gồm cả việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ em có chất lượng để những người đang làm việc có thể tiếp cận được, đặc biệt là người nghèo và xây dựng một hệ thống an sinh xã hội toàn diện để các bậc cha mẹ và gia đình được đảm bảo mức sống tối thiểu cơ bản.

Theo ông Minh, trẻ em ở Việt Nam thường xuyên tham gia các công việc gia đình,đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Trung bình, các em bắt đầu tham gia lao động được trả công là 14,3 tuổi.

Với lứa tuổi này, thiếu tiền (21,7%), học lực kém (10,7%) và không có điều kiện học tiếp (10,5%) là những lo lắng hàng đầu của các em trong cuộc sống.

LÊ NGÂN (nguồn: Báo Nhân Dân

Không có nhận xét nào: