26 tháng 6, 2008

Đừng nghĩ chúng ta xuống để dạy dân


Đừng nghĩ chúng ta xuống để dạy dân
Viết bởi Nguyễn Dung (lanhdao.net)

"Người làm công tác xã hội thì nhiều nhưng vấn đề ở chỗ chúng ta chưa có phương thức tiếp cận một cách đúng nhất. Chính vì vậy đừng bao giờ nghĩ rằng người dân người ta không quan tâm đến công tác xã hội" - Đó là khẳng định của ông Phan Văn Ngọc - Giám đốc Quốc gia ActionAid VN (AAV) - trong hội thảo tổng kết "Sáng kiến đầu tư vào thế hệ trẻ" sáng 18/6 tại trường Đại học Lao động và Xã hội về vấn đề công tác cộng đồng.

Căn bản nhất là chưa có phương pháp phù hợp

* Theo ông, điểm hạn chế của sinh viên khi làm công tác cộng đồng là gì?

- Đó là họ chưa hiểu được bản chất công việc mà họ làm, nên tập trung ở đâu, vấn đề nóng hổi hiện tại là gì. Họ thiếu kinh nghiệm thực tế. Chính phủ rất quan tâm đào tạo lực lượng trẻ nhưng phương thức đào tạo của ta ở góc độ nào đó còn chưa phù hợp. Để lực lượng trẻ có thể phục vụ đất nước, cần cho họ thật nhiều những cơ hội thực tiễn hơn nữa.

* Yếu tố thực hành và kỹ năng tiếp cận với xã hội có phải là nguyên nhân khiến cho người dân ít biết đến công tác xã hội?

- Những người làm công tác xã hội thì rất nhiều nhưng vấn đề ở chỗ chúng ta chưa có phương thức tiếp cận một cách đúng nhất. Chính vì vậy, đừng bao giờ nghĩ rằng người dân người ta không quan tâm đến công tác xã hội. Vấn đề ở chỗ chúng ta đã đặt vấn đề và tiếp cận với người dân đúng chưa.

* Vậy theo ông, làm thế nào để tạo được cầu nối giữa người dân và những người làm công tác cộng đồng?

- Tôi cho rằng vấn đề này xuất phát từ nhà trường. Phương thức giảng dạy, giáo trình thực tiễn, cụ thể hơn nữa để cung cấp cho sinh viên, thế hệ trẻ một cơ hội để họ cải thiện khả năng hành dụng.

Có một vấn đề không mới là chúng ta vẫn nói về việc làm sao để người dân tham gia, để tiếng nói của họ có trọng lượng trong quá trình điều hành đất nước. Thế nhưng, thực tế chúng ta chưa làm được điều đó. Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta chưa có phương thức làm việc để động viên người dân tham gia tích cực nhất. Cán bộ làm công tác xã hội cần phải học cái đó.

Có một cái mà trong tư duy của chúng ta cần thay đổi. Thay vì nghĩ xuống để "dạy" dân, hãy nghĩ rằng, chúng ta xuống để dẫn dắt và tạo điều kiện cho người dân đưa ra ý tưởng, ý kiến của mình. Chúng ta đến để giúp các hoạt động nó xảy ra hơn là người đến để giảng dạy họ. Từ trước đến giờ rất nhiều người vấp phải cái đó.

Cần hiểu bản chất của công việc phục vụ cộng đồng

* Đôi khi vẫn xảy ra thực trạng người nhiệt tình thì thiếu năng lực, người có năng lực thì lại ít khát vọng cống hiến cho cộng đồng, nhất là những cộng đồng còn khó khăn. Làm sao khắc phục thực tế này?

- Những người nhiệt tình thì cần tạo điều kiện cho họ tôi luyện thêm ở hiện trường. Đó không phải là cái gì quá cao siêu. Từ hiện trường, tiếp xúc, kinh nghiệm, họ đúc kết ra, ta hướng dẫn cho họ thêm thì họ sẽ làm được tốt.

Còn đối với những người có kiến thức, kinh nghiệm, nhưng không sẵn sàng làm việc cần phải làm cho họ hiểu đây là những công việc có giá trị và giúp ích cho xã hội. Cần phải có một quá trình để họ nhìn mình và tự thay đổi chính họ. Đừng đòi hỏi ngày một, ngày hai họ thay đổi, mà để tự đưa ra câu trả lời cho chính mình.

Một chương trình không thể giải quyết được tất cả các vấn đề của xã hội nhưng chúng tôi nghĩ rằng những ai hiểu được bản chất của công việc phục vụ cộng đồng, những ai có phương thức đúng đắn là những người nắm bắt được cơ hội và họ phát triển được.

* Theo ông, trong số những phẩm chất thanh niên cần khi tham gia công tác cộng đồng, thì phẩm chất nào là quan trọng nất?

- Ở bất cứ xã hội nào, cái quan trọng nhất vẫn là kiến thức. Kiến thức trong trường, kiến thức thực tế, hai cái tôi nghĩ đều quan trọng như nhau. Thứ hai là họ cần có cam kết cao nhất, say mê với nghề nghiệp. Thiếu cái đó thì không thể làm được gì. Tôi xếp hai phẩm chất lên đầu.

Tuy nhiên, một điều cũng không kém phần quan trọng là môi trường, cơ chế cho họ làm việc. Các cơ quan trong các lĩnh vực phát triển cần tạo điều kiện để ở đó họ có thể phát huy cao nhất những đóng góp của họ.

* Có người nói rằng, thanh niên ngày nay kém xa thanh niên thời trước về lý tưởng. Tiếp xúc nhiều với sinh viên làm công tác cộng đồng, ông nghĩ sao về nhận xét này?

- Mỗi thời có một luồng tư tưởng riêng. Chúng tôi cho rằng trước đây thanh niên có thể sẵn sàng hi sinh cả tính mạng của họ để ra chiến trường. Họ chiến đấu vì mục đích bảo vệ đất nước. Ngày nay sinh viên, thế hệ trẻ còn được như thế không? Các quyết tâm vẫn còn đầy, nhưng rõ ràng lĩnh vực kinh tế không phải là một chiến trường ào ạt được. Tôi không nghĩ quyết tâm và sự sẵn sàng của thanh niên bị thui chột. Vấn đề ở chỗ xã hội có đầy rẫy rất nhiều các vấn đề mà họ phải tự lựa chọn thì họ còn bỡ ngỡ. Chúng ta cần tạo hướng cho họ. Không phải chúng ta đang đi thụt lùi mà chúng ta đang đi rất đúng hướng.

Nhân dân - nơi có tất cả những thứ mình cần

* Có người nói rằng làm công tác cộng đồng ở những nơi khó khăn, những huyện miền núi, "đem lại những niềm vui mà ở thành phố không thể nào có được". Còn ông, với thâm niên gần 30 năm công tác cộng đồng, điều gì khiến ông tâm đắc nhất?

- Đúng là mỗi người đều có nhiệm vụ riêng của mình, nhưng điều để lại cho tôi sau 30 năm hoạt động là những tình cảm rất mộc mạc, đơn sơ, chân chất của người dân. Đó là những nụ cười không thể nào có được của một cụ già hay một cháu nhỏ. Khi làm việc với chúng tôi, họ cười rất sảng khoái dù khó khăn còn đầy trước mặt. Một nụ cười cho chúng tôi niềm tin và hãy quyết tâm làm việc. Tất cả mọi thứ còn ở phía trước.

Khi mình biết khai thác hết thế mạnh ở dân thì người dân lúc nào cũng là người tuyệt vời nhất. Họ có tất cả những kiến thức và kinh nghiệm mình cần phải học. Họ dạy cho mình bài học rằng mình muốn làm gì đó phải dựa vào sáng kiến và quyết tâm của người dân. Làm được như vậy, chúng ta sẽ trở thành người thắng cuộc.

Triển khai thông tin tới dân còn qua quá nhiều khâu

"Khó khăn nhất mà người dân gặp phải là tổ chức cuộc họp, tiếp cận thông tin. Cơ sở có thông tin nhưng khi triển khai tới người dân còn rất hạn chế và qua nhiều khâu quá. Tự bản thân cán bộ cấp xã với người dân đã là khoảng cách ngắn nhất rồi, không nên tạo ra quá nhiều khâu khác nữa để nghị quyết không tiến tới người dân và người dân không đến với cán bộ.


Người dân muốn việc công khai minh bạch về mặt tài chính không hình thức nữa. Ví dụ là dự án này chi bao nhiêu, làm như thế nào phải để người dân không trực tiếp tham gia vào giám sát các hoạt động ấy".

(Bùi Văn Mạnh, khoa Công tác xã hội, lớp T42, Đại học Lao động và Xã hội)

"Làm sao để họ biết chúng tôi cần một cây cầu..."

"Chúng tôi mong những người làm công tác cộng đồng sẽ là cầu nối, chuyển tải những mong muốn của chúng tôi tới cấp chính quyền cao hơn, làm sao để họ biết rằng chúng tôi cần một cây cầu treo để đi lại, để chúng tôi mua bán cây củi, cây đóm, mớ rau, cân gạo giống, trường gần hơn để các em đi học cái chữ...., đừng bỏ học nữa.

Sinh viên cộng đồng đến với chúng tôi rất tình cảm. Họ làm việc thẳng thừng, thẳng thắn, vô tư và sòng phẳng. Đồng tiền tài chính thì công khai, rành mạch. Họ giúp chúng tôi tu sửa những đoạn đường có cống, dạy chúng tôi công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em, không buôn bán trẻ em, bình đẳng giới, tuyên truyền về luật pháp bình đằng giới, quyền công dân của mọi người, trị giá đồng lương và chống bạo lực gia đình.


Chúng tôi có cảm giác nhận được thông tin rất mới, rất phù hợp với địa phương chúng tôi. Ở địa phương, cán bộ xã có tuyên truyền nhưng chưa được rộng rãi lắm. Người dân tiếp thu kém, sinh viên đến trực tiếp họp thôn thế này thì rõ ràng hơn".

(Vi Thị Xuyên, 44 tuổi, xã Ngọc Hà, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang)

(theo lanhdao.net)

Không có nhận xét nào: