18 tháng 6, 2008

Kiểm huấn sinh viên thực tập


Kiểm huấn sinh viên thực tập

Khi tôi còn là sinh viên ngành Công tác xã hội, khi đi thực tập tôi và các bạn cùng lớp chưa ý thức hết lợi ích cũng như tầm quan trọng của đợt thực tập nên có bạn chỉ làm quấy quá, hoặc làm ít nhưng báo cáo thì nhiều, chủ yếu là kiếm điểm để ra trường là được. Hậu quả là đến khi ra trường, nhận nhiệm sở, khi đó lúng túng không biết làm gì, thiếu tự tin khi làm việc với sếp và cả với người dân. Rồi càng làm việc, có cơ hội đi học thêm, theo dõi những trường hợp được kiểm huấn, tôi nghiệm ra rằng kiểm huấn sinh viên thực hành công tác xã hội được xem là một học phần rất quan trọng. Sau đây là một vài kinh nghiệm thực tập tại một trường Công tác xã hội.

Khi sinh viên đăng ký vào một khoá toàn thời gian về Công tác xã hội chuyên nghiệp, nhà trường dành một phần thời gian nhất định cho việc thực tập tại các cơ sở xã hội. Tại một số trường Công tác xã hội, người ta qui định thành số học phần, số giờ tương đương.

Như ở Asian Social Institute, chương trình thực tập riêng môn Phát triển cộng đồng là 3 học phần, tính ra sinh viên phải làm việc tại cộng đồng 400 giờ, suốt một học kỳ. Sở dĩ tính theo giờ vì kiểm huấn rất chặc chẽ, nếu sinh viên đến cộng đồng làm việc 2 giờ thì ghi 2 giờ chứ không xem là một ngày.

Thực tập được xem như là một học phần vì kiểm huấn viên như một người thầy của sinh viên chịu trách nhiệm về chương trình thực tập. Bằng kinh nghiệm của mình, kiểm huấn viên hướng dẫn cho sinh viên trong việc thực hành nghề nghiệp của họ. Chính vì thế, nên việc chọn cơ sở thực tập phải sao cho đáp ứng nhu cầu đào tạo, huấn luyện để sinh viên trở thành nhân viên xã hội chuyên nghiệp. Ví dụ như việc thực tập về phát triển cộng đồng thì cơ sở thực tập phải có chương trình hay dự án phát triển cộng đồng. Nơi thực tập cũng cần có sự phù hợp với điều kiện, khả năng đáp ứng của sinh viên để đạt được kết quả tốt nhất.

Chương trình thực tập giúp cho sinh viên nối kết giữa lý thuyết học tại lớp và thực tế tại cộng đồng. Ứng dụng những kiến thức, kỹ năng về Công tác xã hội. Cụ thể bao gồm những nội dung như sau:

1- Hiểu rõ về tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu và các chương trình dự án của cơ quan thực tập, triết lý và phương thức phát triển cộng đồng, tăng năng lực, quyền lực cho người dân.

2- Cảm nhận một cách sâu sắc tính năng động của cộng đồng qua những mặt như sau: nhịp sống của người dân, thực trạng về kinh tế, chính trị và xã hội; nhu cầu chung của cộng đồng là gì; những vấn đề và sự mong đợi của họ.

3- Chỉ ra những kỹ năng ban đầu trong công tác cộng đồng như:

• Chuẩn bị tìm hiểu cộng đồng,
• Nhận dạng nhu cầu cộng đồng, vấn đề người dân quan tâm mà có thể làm được,
• Thành lập nhóm nòng cốt hay xây dựng nhóm,
• Động viên, khuyến khích các nhóm giải quyết vấn đề,
• Công tác mạng lưới và thúc đẩy phát triển nguồn lực tại chỗ,
• Thực hiện một chương trình PTCĐ.

4- Đề ra những nguyên tắc hành động liên quan đến công tác phát triển cộng đồng,

5- Liên hệ những lý thuyết đã học trong tổ chức cộng đồng với những chủ đề khác

6- Tăng cường sự tự nhận thức, tự tin như là một người chuyên nghiệp.

Yêu cầu cụ thể về kết quả thực tập

1- Báo cáo mô tả bối cảnh của cộng đồng,
2- Vẽ bản đồ cộng đồng,
3- Lên kế hoạch công tác chung cho toàn đợt thực tập và kế hoạch cho một hoạt động hỗ trợ cộng đồng,
4- Thực hiện một kế hoạch cho một hoạt động hỗ trợ cộng đồng,
5- Ghi chép tiến trình thực hiện, làm việc với cộng đồng,
6- Bảng ghi chép thời gian làm việc tại cộng đồng,
7- Viết báo cáo về đợt thực tập và trình bày,
8- Lượng giá kết quả thực tập có phản biện theo nhiều chiều.

Điều tôi tâm đắc nhất là cách lượng giá. Đến cuối giai đoạn thực tập, sinh viên trình báo cáo thực tập cho kiểm huấn cơ sở và kiểm huấn viên ở trường. Báo cáo này trình bày rõ hết những việc làm từ đầu đến cuối kỳ thực tập. Viết báo cáo lượng giá cũng là dịp để sinh viên ôn lại toàn bộ những gì mình đã thực hành tại cộng đồng trong suốt giai đoạn thực tập. Nếu như sinh viên thực tập có điều gì chưa rõ thì kiểm huấn viên hỗ trợ bằng cách có những gợi ý như những điểm chính yếu là gì, cần nhấn mạnh chỗ nào, làm gì để người đọc hiểu rõ những việc mình làm.

Dựa vào chương trình thực tập, sinh viên thực tập, kiểm huấn cơ sở và kiểm huấn viên ở trường cùng xem lại mục tiêu và kết quả thực hiện có đạt được như đề ra ban đầu không. Sinh viên thực tập tự đánh giá cho chính mình. Buổi lượng giá kết quả thực tập do kiểm huấn viên trường và sinh viên thực tập tổ chức. Mỗi sinh viên trình bày báo cáo của mình trước lớp, sau đó mọi người đặt câu hỏi cho những chỗ chưa rõ hay chưa chính xác. Những sinh viên khác và kiểm huấn viên góp ý cho bản báo cáo lượng giá của sinh viên thực tập. Xem lượng giá như là một cơ hội nhìn lại hết những gì mình đã thực hành tại cơ sở, mình rút ra được bài học gì, những kiến thức và kỹ năng nào được củng cố. Quan trọng nhất là cảm thấy tự tin mình có thể là một nhân viên xã hội chuyên nghiệp.

Bài học kinh nghiệm đối với tôi trong công tác kiểm huấn:

Nhà trường có một cẩm nang hướng dẫn thực tập thật là cụ thể để sinh viên thực tập và kiểm huấn viên ở cơ sở biết rõ mình phải làm những gì và làm như thế nào, như qui định về chính sách, nội qui, đạo đức cũng phải được sinh viên nắm rõ để tránh vi phạm.

Kiểm huấn viên như là một người thầy nhưng không áp đặt kiến thức và kinh nghiệm lên sinh viên, không bảo sinh viên làm thế này, làm thế kia mà khéo léo từng bước đặt câu hỏi để sinh viên nhận ra mình cần phải bắt đầu từ đâu và làm những gì, làm như thế nào. Kiểm huấn viên cùng đồng hành với sinh viên để giúp sinh viên thực hành và khám phá ra những gì mới mẻ, những kinh nghiệm thực tế quí giá mà trong lớp không có.

Sự phối hợp giữa kiểm huấn viên cơ sở và kiểm huấn viên của trường rất chặc chẽ và hữu hiệu. Sổ sách, cách ghi chép, lịch thực tập, rất cụ thể và khoa học khiến sinh viên muốn “ma mãnh” cũng không thể được. Điều này giúp cho sinh viên hoàn thành đúng như giáo trình nhà trường đề ra về thời gian, nội dung thực tập, xứng đáng nhận bằng Công tác xã hội chuyên nghiệp.

Tôi hy vọng rằng, ngành Công tác xã hội ngày càng lớn mạnh, chất lượng đào tạo cũng đáp ứng theo yêu cầu chuyên nghiệp, trong đó thực tập là một phần đáng được quan tâm và dành cho nó một vị trí xứng đáng trong chương trình đào tạo.

Chu Dũng
SDRC

2 nhận xét:

Unknown nói...

Tôi là một giáo viên hướng dẫn thực hành cho sinh viên công tác xã hội tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Rất cảm ơn anh đã chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm về mảng thực hành công tác xã hội cho sinh viên. Hiện nay chúng tôi đang xây dựng giáo trình hướng dẫn sinh viên thực hành, nếu có thể, rất mong nhận được sự chia sẻ từ phía anh.

Nhân viên xã hội nói...

Tôi có kinh nghiệm trong việc hướng dẫn SV thực tập nên tôi sẵn sàng chia sẻ cùng với Chị.Rất cám on lời nhận xét của Chi.