20 tháng 6, 2008

BẾ TẮC TRONG VIỆC TRAO ĐỔI VỚI TRẺ BỊ KHỔ TÂM


BẾ TẮC TRONG VIỆC TRAO ĐỔI VỚI TRẺ BỊ KHỔ TÂM
1. SAO TRẺ KHÔNG NÓI ?
Trẻ thường khó trò chuyện cởi mở và ta hay khó chịu vì cảm thấy mình vô dụng hoặc bị trẻ lờ đi.
Cuộc trò chuyện nào cũng có những giây phút im lặng; đó là điều bình thường, phải bình tĩnh và kiên nhẫn chấp nhận. Bạn thử liệt kê thật nhiều lý do của một tình cảnh có sự bế tắc thật sự khi chuyện trò.
Trong bản liệt kê của bạn có thể có những lý do sau đây :
• vì bạn chưa khuyến khích sự trao đổi, trò chuyện đúng
• vì trẻ vướng mắc những trở ngại về ngôn ngữ, ví dụ : điếc tai, không phát âm đúng, chậm phát triển về ngôn ngữ hoặc mọi mặt khác, cũng có thể vì trẻ không thạo ngôn ngữ đang được sử dụng.
• vì tình trạng tâm lý sôi động của trẻ khiến em không thể trò chuyện một cách dễ dàng.
2. CÁCH TRÒ CHUYỆN CỦA BẠN
Trẻ có cảm thấy thoải mái và sẵn sàng cởi mở hay không là tùy ở cách trò chuyện của bạn. Người lớn gây trở ngại cho cuộc trò chuyện khi :
• nói quá nhiều;
• hay phê phán, đánh giá;
• cười nhạo hoặc hạ nhục trẻ;
• đàn áp hoặc ức hiếp trẻ;
• chính bạn bị đau buồn hay có tình cảm sôi nổi;
• nói ngược lại trẻ hoặc tranh luận với trẻ;
• khó chịu hoặc bối rối khi trẻ đau buồn;
• không tôn trọng niềm tin hoặc lối sống của trẻ;
• không tạo ra được hoàn cảnh để trẻ có thể yên tâm tin tưởng bạn;
Những nỗi khó khăn của người lớn trong việc chuyện trò với trẻ


Những kỷ niệm đớn đau trong lòng người nghe
Chẳng phải lúc nào người lớn cũng dễ dàng trò chuyện với trẻ. Thường là người đang cố gắng giúp đỡ một em bé cũng đã từng chịu khổ y như em này, và những kỷ niệm đớn đau này sống lại khi nghe em bé kể chuyện. Đôi khi người ấy muốn khóc và vì vậy đâm ra bối rối hoặc sợ mình không còn tự chủ được nữa. Nếu gặp tình huống này, bạn nên cố gắng tập trung tư tưởng vào những đau khổ của em bé chứ không phải những đau khổ của bạn. Bạn và em bé có lặng thinh trong giây lát, và rồi bạn nói vài lời gì đó chẳng hạn như : "Những điều ấy khiến chú cũng buồn theo", hoặc "Cháu nói tiếp những gì cháu đương nói lúc nãy đi". Khi trẻ nhận ra rằng người lớn cũng có những tâm trạng đau thương và họ đã phải tập vượt qua những đau thương đó thì nhận thức này có ích cho trẻ.
Không biết làm sao ứng phó
Thật khổ sở khi nghe trẻ nói ra những đau khổ và khó khăn của em, nhất là khi bạn không biết đáp ứng như thế nào và e sợ rằng mình sẽ làm cho tình cảm của trẻ tệ hơn nữa. Khuynh hướng tự nhiên là muốn né tránh sự đau khổ của trẻ và muốn ngăn trẻ lại để em đừng bộc lộ khổ đau nữa : " Đừng khóc”, "Thôi đừng nghĩ đến chuyện ấy nữa"; thậm chí còn muốn thoát ra khỏi cảnh bị nghe em nói.
Nếu em bé rất sầu khổ, hãy an ủi em và từ từ khuyến khích em tiếp tục cuộc trò chuyện. Hãy cho em thấy rằng việc em bày tỏ tâm trạng với bạn là hợp tình hợp lý, rằng bạn có thể chấp nhận đau khổ của em và sẽ chẳng tránh né em sau khi em đã tâm sự với bạn.
Nếu bạn cho rằng em bé ấy đang ở trong tình trạng chao đảo thì hãy lo liệu sao cho có đủ thời giờ trước khi trò chuyện với em kẻo chưa kịp an ủi em thì đã phải đứng lên đi làm việc khác. Hãy liệt kê trước tất cả những cách an ủi khác nhau mà bạn biết được để tạo cho mình tư thế sẵn sàng giúp trẻ bị chao đảo mạnh (xem phần 6). Bản thân bạn cũng phải được nâng đỡ đầy đủ, có thể bạn mới dễ dàng đương đầu với đau khổ của người khác hơn (xem phần 11).
3. TẠI SAO TRẺ THẤY KHÓ TRAO ĐỔI
Trò chuyện với người lớn
Nhiều trẻ em không quen nói cho người lớn nghe về tâm trạng của chúng nhất là những người lớn mà em không quen biết nhiều. Nhiều xã hội qui định rõ ràng vấn đề chuyên biệt nào thì phải trao đổi với ai, chẳng hạn trẻ muốn xin lời khuyên thì phải đến với người lớn nào mới đúng luật. Một bé gái có thể chỉ cảm thấy thoải mái khi kể cho bà nghe về việc em bị cưỡng hiếp, hoặc nếu không có bà em sẽ nói chuyện với một phụ nữ luống tuổi.


Khó diễn tả cảm xúc bằng lời
Nhiều trẻ em chưa bao giờ được khuyến khích để tự nói về mình và không có đủ lời để diễn tả tâm trạng.
Trẻ nào gặp phải những biến cố bi thương thì thường khó diễn tả tâm trạng bằng lời. Có thể do em sợ bị choán ngợp bởi chính những tâm trạng của mình và muốn đè nén những tâm trạng ấy. Có những trẻ chẳng nói năng gì suốt mấy tháng, thậm chí suốt mấy năm, sau khi gặp chuyện quá buồn đau. Đâu phải lúc nào cũng dễ dàng thấy rõ được tâm trạng của mình là thế nào. Có những kinh nghiệm hoặc tâm trạng quá đau thương đến nỗi ta không thể nghĩ đến chúng được nữa - chúng đã biến thành vô tri vô giác như đóng băng trong lòng ta.
Hoài nghi, thiếu tin tưởng
Trẻ sống trong tình cảnh khó khăn thường có đủ lý do để ngờ vực. Các em có thể sợ bị chỉ điểm, bị tố giác, bị trừng phạt hoặc bị cưỡng bách hồi hương vì không được chấp nhận cho hưởng qui chế người tị nạn. Những người lớn mà các em gặp thường có vẻ xa cách với em và không hiểu được những khó khăn này.
Giận dữ và có ác cảm
Một số trẻ tức giận người lớn vì bị bạc đãi hoặc không được chăm sóc thích đáng; hoặc có thể do các em cứ đinh ninh mình sẽ bị phê bình hoặc trừng phạt.
Mặc cảm có tội, tự trách mình
Lại có những em hổ thẹn vì những gì đã xảy đến cho mình như bị cưỡng dâm, bị làm nhục; hoặc các em tự trách mình vì đã không bảo vệ được cho gia đình, vì mình còn sống sót trong khi mọi người thân đều thiệt mạng.
4. KHÔNG NÓI THẬT
Cũng như người lớn, trẻ không luôn luôn nói ra sự thật. Thay vì tức giận với các em, bạn hãy cố gắng tìm hiểu xem nguyên nhân nào dẫn đến trở ngại này.
Ước mơ một tình cảnh khác
Đối với trẻ nhỏ tuổi, mộng và thực đôi khi không có ranh giới. Thí dụ các em ước mơ rằng ba, má hoặc một người ruột thịt thân yêu nào đó vẫn còn sống - ước mơ ấy mãnh liệt đến nỗi điều này có vẻ như thật đối với các em.
Tránh né những đề tài đau thương
Thay vì nói về nỗi đau thương, ta thường thấy tránh né không nói về cái đau thương đó lại dễ hơn. Lúc đầu, Mateus nói rằng cậu không biết cha mẹ cậu hiện ở đâu. Nhưng khi bắt đầu cảm thấy tin tưởng người lớn đang trò chuyện với mình, cậu bắt đầu kể lại cha mẹ bị giết như thế nào.
Sợ bị hậu quả xấu
Có những trẻ không dám đả động gì đến nhà ở hoặc ký túc xá của mình vì sợ sẽ bị phạt vì tội kêu ca phàn nàn. Hãy giải thích rõ rằng sẽ không xảy ra chuyện em phải chịu khổ do bạn thông tin với người khác những gì em nói ra hoặc những gì ghi trong hồ sơ của em.
Cố gắng lấy lòng người lớn
Trẻ thường không biết tại sao có cuộc trò chuyện với bạn. Các em cố gắng nói ra những điều "hay", những điều mà các em cho rằng bạn muốn nghe, biết đâu chừng nhờ thế các em sẽ được lợi lộc, chẳng hạn sẽ được phát thêm thực phẩm hoặc quần áo.
Cố ý nói dối
Trẻ chỉ muốn đặt niềm tin tưởng vào bạn sau khi bạn đã tạo được một bầu khí tin tưởng - điều này càng rõ hơn trong trường hợp bạn tiếp xúc với trẻ em đường phố và những trẻ em có dính líu đến tội ác và bạo lực. Thay vì từ chối không trò chuyện, các em có thể bịa đặt ra những câu trả lời để mau chóng tống khứ bạn đi. Lại có những trẻ lôi kéo sự chú ý của bạn bằng cách khoác lác về những tội ác kinh khủng hoặc những hành vi bạo lực dữ dội mà chúng đã thực hiện - điều này dễ xảy ra khi trẻ khám phá ra rằng chúng có thể thu hút sự chú ý bằng những câu chuyện như thế.
Nếu thấy nghi ngờ về những gì trẻ nói ra, bạn có thể gợi lại chuyện ấy để tìm hiểu thêm. Đừng tranh cãi, bắt bẻ hoặc phê bình, nhưng hãy nói những lời như : "Nói chuyện về những điều gay go / về cuộc sống của các em thật khó lắm chứ nhỉ" để tỏ ra rằng cho dù các em đã không nói sự thật, bạn vẫn sẽ chấp nhận các em.
5. CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ GIÚP TRẺ CỨ MÃI LẶNG IM ?
Cần phải vượt qua những trở ngại cho việc trao đổi nói trên bằng cách tìm hiểu nhau và xây dựng niềm tin tưởng, tuy có thể phải mất một thời gian lâu dài. Hãy nhớ rằng trẻ vẫn bộc lộ tâm trạng của chúng dù không bằng lời nói. Hãy cố gắng nắm bắt được những gì trẻ đang truyền thông bằng hành vi cử chỉ, qua việc vui chơi và sự liên hệ với người khác. Hãy nhìn nhận rằng nhẫn nại là cần thiết và hãy tỏ ra rằng bạn chấp nhận trẻ và không phê phán các em. Những đề nghị sau đây có thể hữu ích :
• Sự vuốt ve vỗ về và chú ý đến trẻ để tỏ sự quan tâm;
• Dùng các trò chơi, các hoạt động, các chuyến đi dã ngoại để giúp trẻ cảm thấy thoải mái và an toàn;
• Dùng tranh vẽ, chuyện kể, con rối, mặt nạ, tức các phương tiện giúp trẻ bộc lộ tâm trạng;
• Đưa trẻ vào một nhóm nhỏ để học tập và vui chơi để em có cơ hội quen thân với một số em khác và cảm thấy yên ổn với các em ấy. Chú ý chăm lo sao cho em không bị các em khác phớt lờ hoặc bỏ quên;
• Đừng ép em phải trò chuyện, nhưng hãy đáp ứng sốt sắng và tích cực khi em cố gắng phơi bày tâm sự. Cứ nói với em càng nhiều càng tốt dù em không đáp lời bạn;
6. TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC VUI CHƠI VÀ DIỄN TẢ TÂM TRẠNG
Có nhiều hình thức diễn tả cho phép trẻ bộc lộ tâm trạng mình một cách yên tâm, thoải mái, đồng thời được giải trí vui vẻ và cảm thấy hãnh diện vì những thành tích của mình :
Trò chơi tưởng tượng :
Hoặc một mình, hoặc cùng với các em khác, trẻ có thể "diễn xuất" những chuyện buồn đau. Đừng ngăn cản hình thức diễn kịch tự phát này vì nó giúp trẻ ổn định dần những cảm xúc và kỷ niệm đau thương của em.
Dùng truyện kể
Những truyện kể về những nhân vật đã khắc phục khó khăn trong cuộc sống của nhân vật đó giúp trẻ liên tưởng đến chính mình lướt thắng những khó khăn của chính em. Ví dụ, truyện kể về những con vật nhỏ bé biết dùng mưu đánh bại sư tử và voi, hoặc truyện kể về những người làm được phép mầu và lập được kỳ tích - những truyện này truyền đạt ý tưởng là ngay cả những người rõ là yếu đuối cũng có thể thành công, và như thế chúng khích lệ sự tự tin trong lòng các em.
Vẽ tranh
Qua tranh vẽ, trẻ truyền thông những kinh nghiệm và những tâm trạng mà em khó nói ra bằng lời. Bạn cần lưu ý để không gây ảnh hưởng đến những gì em vẽ. Em nào chưa vẽ bao giờ có thể chưa tự tin và hỏi phải vẽ gì, hoặc em sao chép tranh người khác đã vẽ hoặc tranh nhìn thấy trong sách. Trước tiên nên đề nghị trẻ vẽ bất cứ cái gì trẻ muốn vẽ. Về sau, bạn có thể đề nghị một đề tài như "tương lai của em", "giấc mơ", "gia đình em", "chiến tranh" - những đề tài như thế chỉ kích thích óc tưởng tượng của trẻ chứ không ảnh hưởng đến việc em phải xử lý tâm tư, tình cảm của em như thế nào.
Khi trẻ vẽ xong, bạn có thể xin trẻ nói cho bạn nghe về bức vẽ ấy, nhưng đừng ép em phải nói. Việc vẽ tranh tự nó có thể là một phương tiện giải tỏa tâm lý hoặc có thể mở đường cho việc trao đổi trò chuyện bằng lời.
Không nhất thiết phải cần đến giấy bút mà có thể vẽ ngay xuống đất hoặc dùng đất sét để nặn hình tượng.
Nếu có thể, bạn hãy treo tranh lên tường hoặc cất giữ chu đáo để tỏ ra rằng bạn trân trọng những gì trẻ đã làm.
Dùng con rối và mặt nạ
Khi giả vờ làm người khác, trẻ có thể bộc lộ ý nghĩ, tâm trạng của mình mà lúc bình thường rất khó nói. Trẻ có thể giấu mình sau chiếc mặt nạ hoặc con rối và trò chuyện với con rối hoặc mặt nạ của người lớn đang giúp em. Làm như vậy, em không cảm thấy lo liệu như khi trò chuyện trực tiếp.
Âm nhạc và vũ
Âm nhạc, ca hát và nhảy múa là những phương tiện rất hữu hiệu để giúp những trẻ có tâm lý quá căng thẳng, u sầu, nhất là nếu các ca khúc và giai điệu đó lại quen thuộc và liên kết với những kỷ niệm vui tươi. Tiết tấu và tiết điệu có tác dụng giải tỏa căng thẳng và đem lại tâm trạng sảng khoái. Hoạt động tập thể khiến trẻ cảm thấy an toàn và có thể bày tỏ tâm trạng mà không phải dùng đến lời nói hoặc không cảm thấy e thẹn.
Kịch nghệ
Việc tham gia vào hoạt động kịch nghệ cũng đem lại lợi ích không kém, vì trẻ sáng tác ra một câu chuyện diễn tả điều gì đó quan trọng đối với các em. Trẻ có thể dùng mặt nạ để cách ly mình với những cảm xúc của các nhân vật.
Ví dụ, trẻ có thể thực hiện một vở kịch kể về những kinh nghiệm thực sự của các em và thử nghiệm các kiểu khác nhau cho các kịch bản : kết có hậu và kết không có hậu. Khi kết thúc, bạn có thể trao đổi với trẻ xem các em cảm thấy thế nào về vở kịch và đoạn kết của vở kịch.
Thay vì diễn xuất, bạn và trẻ có thể dựng kịch múa rối. Loại hình này tránh cho trẻ khỏi bị xáo động vì phải trực tiếp đối phó với cảm xúc của những con người "thật".
Viết
Đối với những trẻ biết viết thì việc làm thơ, viết truyện về những gì các em đã trải qua là phương tiện rất hữu ích để diễn đạt tâm trạng.
Trong tất cả các hoạt động nói trên, bạn hãy để cho trẻ tự do diễn tả theo ý thích. Đừng phê bình kỹ thuật biểu diễn hoặc chất lượng biểu diễn của trẻ vì làm như thế là ngăn trở trẻ diễn đạt tự do, thoải mái.
7. TRẺ CHƯA ĐẾN TUỔI ĐI HỌC
Nhiều người lớn thấy rất khó trao đổi với trẻ nhỏ tuổi. Ở tuổi này, không phải lúc nào trẻ cũng có thể trò chuyện dễ dàng. Một số em im bặt luôn một thời gian dài sau khi đã trải qua một kinh nghiệm buồn đau. Tuy em bé không hỏi han về gia đình hoặc về tương lai của em, nhưng rất có thể em đang nghĩ đến những điều ấy. Ta cần phải trò chuyện với em một cách đơn giản và dịu dàng về những điều có thể em đang bận tâm. "Chắc là cháu đang lo lắng cho gia đình cháu lắm ... Thật là buồn vì không biết ba má bây giờ ở đâu", và giải thích một cách đơn giản về những kế hoạch cho tương lai của em. Tùy theo mức độ đáp ứng của em, ta có thể cho em biết thêm điều này, điều nọ. Chỉ nguyên việc chấp nhận tâm trạng của em đã là giúp được em rồi. Trẻ sẽ nhận ra người lớn nào không muốn biết đến tâm trạng và ý nghĩ của em, và em sẽ không cố gắng trao đổi nữa.
Điều hết sức quan trọng là phải đưa ra nhiều cách thức khác nhau để trẻ nhỏ tuổi bộc bạch tâm sự. Có thể là :
• gần gũi, thân mật với trẻ;
• trò chơi, truyện kể;
• những hoạt động mang tính diễn tả như vẽ tranh, ca vũ nhạc, kịch tuồng, múa rối ...
Ví dụ - một em bé trầm lặng
Mulwene được vào nhà trẻ mồ côi khi em mới lên năm vì chiến tranh đã đẩy em vào cảnh vô gia đình. Em đã ở viện mồ côi được 5 tháng và vẫn không nói năng gì với ai. Sự yên lặng ấy có thể vì những lý do gì ?
Một vài gợi ý :
• phải chăng em bị điếc ?
• em không hiểu thứ tiếng đang được sử dụng chăng ?

Mulwene không có vẻ gì là bị điếc cả. Em đã đáp ứng được những câu nói yêu cầu đơn giản, những tiếng động rất nhỏ và em không hề nhìn miệng người ta để hiểu người ta đang nói gì. Rõ ràng là em hiểu được thứ ngôn ngữ đang được sử dụng.
Em có dáng vẻ buồn rầu, mau nước mắt, tránh né tiếp xúc với các em khác và không thiết gì đến việc chơi đùa. Em luôn đi theo các nhân viên làm việc trong viện mồ côi.
Viện mồ côi đã giúp em như thế này :
• một cuộc thảo luận được tổ chức, và kết luận đưa ra là Mulwene sầu buồn vì mất hết liên lạc với gia đình; em cần phải được quan tâm săn sóc đặc biệt;
• một thành viên, cô Josefa, được chọn ra làm người chăm sóc đặc biệt cho em. Một thành viên khác sẽ tạm thay thế mỗi khi Josefa nghỉ ngơi.
• Josefa hết sức quan tâm đến Mulwene. Hàng ngày vào một giờ đều đặn, cô chơi đùa với em và hai em khác nữa trong vòng 15 phút. Cô kể chuyện cho các em nghe và khuyến khích các em vẽ tranh. Mulwene đã vẽ mấy bức về gia đình của em và dần dần em có thể nói cho Josefa nghe đôi điều về người thân của mình. Dần dần, em làm bạn với các em khác và tỏ ra vui vẻ hơn
8. TRẺ LỚN HƠN
Một số trẻ lớn không muốn trò chuyện với người lớn vì sợ bị phê bình hoặc vì các em có những điều muốn giấu. Ví dụ, đó là các trẻ em đường phố, các em trai có dính líu đến các hành vi bạo lực hoặc các em gái đã bị cưỡng hiếp.
Ví dụ - trẻ khó trao đổi với người lớn
Sonia là một bé gái 13 tuổi. Rất ít khi em đến trường, và nếu có đi học thì em cũng rất tách biệt, lẻ loi. Thầy giáo của em mời cha mẹ em cùng với em đến gặp thầy. Trước mắt cha mẹ, Sonia đã nói ra với thầy tâm trạng hổ thẹn của em vì bị cưỡng hiếp cách đó mấy tháng. Thầy bày tỏ ý thông cảm rằng đây là điều rất khó cho Sonia vượt qua, nhưng thầy vẫn khuyến khích cô bé đến trường và hòa mình vào một nhóm nhỏ các nữ sinh trong lớp. Từ đó trở đi cô bé đã có thể đi học đều đặn.
Benito 12 tuổi, đã từng dính líu vào một vụ ẩu đả có vũ khí. Cậu rất thô bạo, hung hăng, không tin tưởng người khác và chẳng cần bị trêu chọc cũng sẵn sàng vung nắm đấm. Cậu được gửi vào làm việc với một bác thợ mộc lớn tuổi. Trong vòng mấy tháng, cậu dần dần trở nên gắn bó với bác thợ và bắt đầu mở miệng bàn bạc về tương lai của mình.

9. TÓM TẮT
Sau khi trải qua những kinh nghiệm đau thương, có thể trẻ thấy khó trao đổi trò chuyện. Bạn cần ghi nhớ những điểm sau đây :
• Việc trao đổi với trẻ sở dĩ gặp trở ngại có thể là vì bạn chưa đáp ứng thích đáng đối với trẻ - ví dụ, chưa xây dựng được bầu không khí tin tưởng, thiếu khích lệ trẻ, gây trở ngại cho những nỗ lực trao đổi trò chuyện của trẻ.
• Một trong những cách tốt nhất để nâng cao kỹ năng trao đổi là xin các đồng nghiệp quan sát, góp ý để bạn tiến bộ hơn.
• Các đồng nghiệp có thể hỗ trợ, giúp đỡ bạn ứng phó với những tâm trạng căng thẳng đau buồn của chính bạn.
• Ý muốn trao đổi trò chuyện của trẻ có thể bị ngăn trở bởi những tâm trạng khác như buồn sầu, không tin tưởng, tức giận hoặc mặc cảm tội lỗi.
• Nếu trẻ có vẻ như không nói thật, hãy cố gắng tìm hiểu tại sao; hãy chấp nhận việc nói dối như một cách để trẻ diễn tả những tâm trạng nào đó.
• Bạn có thể góp sức phá vỡ những trở ngại cho việc trao đổi bằng cách đem đến cho trẻ những phương tiện diễn tả khác và bằng cách xử sự nhẫn nại.

Trích quyễn Trao đổi với trẻ, trợ giúp trẻ bị khổ tâm

Không có nhận xét nào: