2 tháng 6, 2008

MỘT SỐ PHÁT HIỆN CHÍNH CỦA NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH CHĂM SÓC SỨC KHỎE CHO NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM


Nghiên cứu đánh giá tình hình CSSK người cao tuổi ở Việt Nam

MỘT SỐ PHÁT HIỆN CHÍNH CỦA NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH CHĂM SÓC SỨC KHỎE CHO NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM

Đàm Viết Cương, Trần Thị Mai Oanh

Dương Huy Lương, Khương Anh Tuấn và cộng sự

Viện Chiến lược và Chính sách Y tế

Việt Nam là một nước đang phát triển, số người cao tuổi đang có xu hướng tăng nhanh. Theo dự báo, Việt Nam sẽ chính thức trở thành quốc gia có dân số già (tỉ lệ người trên 60 tuổi lớn hơn 10%) vào năm 2014. Như vậy chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm nữa Việt Nam sẽ phải đối mặt với các khó khăn do việc "già hóa dân số" mang lại. Hiện nay hệ thống cơ sở hạ tầng và mặt bằng kinh tế, dân trí của nước ta còn thấp. Nếu như Việt Nam không sự chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ thì chắc chắn trong những năm tới áp lực của việc "già hóa dân số" ngày càng đè nặng lên xã hội. Hậu quả là việc chăm sóc mang tính toàn diện đối với người cao tuổi ở nước ta khó có thể thực hiện được tốt.

Nhận rõ được tính cần thiết trong nghiên cứu về vấn đề chăm sóc người cao tuổi, với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của Chương trình Hợp tác Y tế Việt Nam – Thụy Điển, trong năm 2005-2006, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đã tiến hành nghiên cứu Đánh giá thực trạng công tác CSSK cho người cao tuổi cũng như tìm hiểu việc triển khai thực hiện chính sách chăm sóc người cao tuổi tại một số tỉnh.Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá tình hình sức khỏe và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong giai đoạn hiện nay để cung cấp bằng chứng khoa học cho việc xây dựng chính sách và chiến lược nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi. Nghiên cứu này cũng đề cập đến việc triển khai các chính sách liên quan đến chăm sóc người cao tuổi tại một số tỉnh nghiên cứu.

Nghiên cứu được tiến hành tại 7 tỉnh thuộc 7 vùng trong cả nước. Điều tra hộ gia đình được thực hiện ở 1.132 hộ gia đình có người cao tuổi.

Một số kết quả chính

Tình hình sức khoẻ, mô hình ốm đau của người cao tuổi

Tỷ lệ ốm của nhóm người cao tuổi cao hơn các nhóm tuổi khác. Phụ nữ cao tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới. Theo kết quả nghiên cứu điều tra tại 3 tỉnh và một số nghiên cứu khác, khoảng 60% người cao tuổi bị ốm trong thời gian 4 tuần trước thời điểm điều tra. Hơn một nửa (53,5%) số người cao tuổi trên địa bàn nghiên cứu tự đánh giá có tình trạng sức khoẻ kém và rất kém. Tuổi là một yếu tố có mối liên quan chặt chẽ với tình trạng sức khỏe. Tình trạng người cao tuổi tự đánh giá sức khỏe kém tăng lên rõ rệt theo tuổi và tỷ lệ ốm tăng dần theo nhóm tuổi.
Mô hình ốm cấp tính ở người cao tuổi: chủ yếu là các bệnh thông thường như đau đầu, chóng mặt, ho, đau khớp, đau lưng và tăng huyết áp. Khoảng gần 20% người cao tuổi trong diện điều tra cho biết bị tăng huyết áp trong thời gian 4 tuần trước thời điểm điều tra. Tỷ lệ này ở hai tỉnh Ninh Thuận và Vĩnh Long cao gấp 3 lần tỷ lệ ở tỉnh Hải Dương. Bệnh viêm nhiễm về mắt xuất hiện với tỷ lệ cao ở người cao tuổi tỉnh Ninh Thuận.
Khoảng 70% số người cao tuổi được điều tra tại 3 tỉnh cho biết có mắc triệu chứng/bệnh mạn tính. Triệu chứng/bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi là đau khớp (42%), tăng huyết áp (28%), đau lưng (21%) và bệnh về mắt (25%). Bệnh không nhiễm trùng có xu hướng trở nên phổ biến ở khu vực nông thôn. Tăng huyếp áp mạn tính là bệnh thường gặp ở người cao tuổi (28,4%)
Về nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, số điểm trầm cảm ở người cao tuổi có mối liên quan chặt chẽ với tình trạng sức khỏe, tình trạng sống độc thân do góa bụa và tình trạng kinh tế. Khoảng 5% người cao tuổi trong diện điều tra có biểu hiện của trầm cảm.
·Trong các yếu tố có ảnh hưởng đến sức khoẻ người cao tuổi, tinh thần thoải mái, gia đình hòa thuận, kinh tế ổn định là những yếu tố có ảnh hưởng tích cực tới sức khỏe người cao tuổi ở vùng nông thôn.

Tình hình sử dụng dịch vụ y tế và CSSK cho người cao tuổi

Kiến thức về CSSK của người cao tuổi: Nhìn chung, người cao tuổi tại các tỉnh nghiên cứu ít có kiến thức về phòng chống một số bệnh thường gặp như tăng huyết áp, đau khớp. Khoảng hơn 45% người cao tuổi không biết gì về cách phòng chống bệng tăng huyết áp. NCT được chẩn đoán là tăng huyết áp biết nhiều cách phòng chống cao hơn hẳn những người không bị bệnh. Nam giới cao tuổi có kiến thức phòng bệnh tăng huyết áp tốt hơn phụ nữ cao tuổi (39,0% và 49,8%). Đặc biệt phụ nữ cao tuổi và người cao tuổi có điều kiện kinh tế nghèo có kiến thức về phòng bệnh kém hơn các nhóm khác.
Đối với ốm cấp tính, hình thức tự điều trị và sử dụng dịch vụ y tế tư nhân vẫn là hai hình thức phổ biến trong sử dụng DVYT của người cao tuổi. Chỉ khoảng 40% người cao tuổi sử dụng DVYT nhà nước khi bị ốm. Những người trên 85 tuổi có tỷ lệ sử dụng dịch vụ bệnh viện thấp hơn 2 lần so với nhóm tuổi từ 60-64 do khả năng đi lại hạn chế. Tại 3 tỉnh nghiên cứu, người cao tuổi ở 2 tỉnh Hải Dương và Ninh Thuận có xu hướng tự điều trị và sử dụng dịch vụ y tế tư nhân cao hơn tỉnh Vĩnh Long.
Đối với bệnh mạn tính, đến cơ sở y tế nhà nước để chẩn đoán bệnh là hình thức phổ biến ở cả 3 tỉnh điều tra. Tuy nhiên, tỷ lệ người cao tuổi tự chẩn đoán bệnh cũng tương đối cao, chiếm khoảng 27%. Sử dụng dịch vụ y tế tư nhân trong điều trị bệnh mạn tính là hình thức phổ biến ở cả 3 tỉnh. Phụ nữ cao tuổi có xu hướng sử dụng dịch vụ y tế tư nhân với tỷ lệ cao hơn nam giới, trong khi nam giới cao tuổi lại sử dụng dịch vụ bệnh viện với tỷ lệ cao hơn.
Khoảng cách tới cơ sở y tế, điều kiện kinh tế và tâm lý ngại làm phiền tới con cháu là những yếu tố có ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ y tế của người cao tuổi. Tuy nhiên, sự thuận tiện về khoảng cách tới cơ sở y tế là lý do chính để người cao tuổi lựa chọn cơ sở y tế khám chữa bệnh. Hầu hết người cao tuổi mong muốn được khám chữa bệnh ở những cơ sở y tế gần nhà như khám tại nhà, khám ở cơ sở y tế tư nhân hoặc KCB tại TYT xã.
Về tình hình chăm sóc người cao tuổi tại gia đình:
-Ở các tỉnh thuộc khu vực phía Nam và phía miền Trung, người cao tuổi có xu hướng thường sống chung cùng với con cháu, trong khi ở khu vực phía Bắc người cao tuổi lại thường sống riêng cùng với vợ/chồng.

-Đối với những gia đình nhiều thế hệ, người cao tuổi được con cái quan tâm chăm sóc tốt hơn so với trước đây do nhận thức tốt hơn về trách nhiệm đối với cha mẹ cũng như có kiến thức tốt hơn nên biết cách chăm sóc cha mẹ hơn. Tuy nhiên, tình trạng đô thị hoá ở vùng nông thôn hiện nay đã làm cho con cái ít có thời gian chăm sóc cha mẹ. Người cao tuổi chủ yếu chỉ được con cái chăm sóc khi ốm đau. Người cao tuổi hiện tại thường là người chăm sóc cho con cháu trong gia đình.

-Đối với những vùng có mô hình gia đình đặc thù như tình trạng người cao tuổi không sống chung cùng gia đình và con cháu như ở tỉnh Đăk Lăk và Hải Dương, người cao tuổi ít được con cháu chăm sóc.

-Tự chăm sóc là hình thức phổ biến đối với người cao tuổi hiện nay. Tuy nhiên, nhìn chung NCT còn thiếu kiến thức về CSSK và phòng bệnh.

Về công tác chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi: Người cao tuổi có nhu cầu CSSK cao và có mô hình bệnh tật đặc thù nhưng việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi hiện nay của ngành y tế vẫn còn mang tính thụ động. Các cơ sở y tế chưa chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức khám sức khỏe định kỳ một cách thường xuyên nhằm phát hiện bệnh cho người cao tuổi. Hoạt động tuyên truyền giáo dục sức khoẻ phổ biến kiến thức về CSSK cho người cao tuổi gần như chưa được thực hiện ở hầu hết các tỉnh nghiên cứu một cách có tổ chức, có kế hoạch dựa trên mô hình bệnh tật cụ thể ở địa phương. Nguyên nhân do khó khăn về kinh phí, nhân lực cũng như nhận thức hạn chế của một số nhà lãnh đạo địa phương.

Việc triển khai thực hiện các chính sách CSSK người cao tuổi:

Các chính sách CSSK người cao tuổi được ban hành đã thể hiện rõ được tính ưu việt của Đảng và Nhà nước. Người cao tuổi đã được quan tâm chăm sóc tốt hơn. Điều này đặc biệt rõ nét đối với những NCT tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa và NCT từ 90 tuổi trở lên.
Việc tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh người cao tuổi và một số chính sách CSSK người cao tuổi ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn do:
-Việc ban hành các văn bản hướng dẫn của các ngành có liên quan chưa kịp thời và chưa cụ thể, do vậy tuyến cơ sở còn gặp khó khăn trong triển khai thực hiện chính sách.

-Thiếu sự phối hợp liên ngành trong triển khai thực hiện chính sách đặc biệt ở tuyến cơ sở do thiếu văn bản chỉ đạo hướng dẫn triển khai cụ thể của địa phương đối với từng cấp.

Việc phổ biến văn bản chính sách ở tuyến xã chưa được thực hiện đầy đủ tới tất cả các đối tượng có liên quan trong triển khai thực hiện chính sách ở tất cả các cấp.
Việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn ở hầu hết các địa phương do thiếu kinh phí, nguồn nhân lực cũng như nhận thức về chính sách chưa đầy đủ của một số nhà lãnh đạo địa phương. Do vậy, quyền lợi của người cao tuổi chưa được đảm bảo như quy định.
Thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa tổ chức Hội NCT các cấp trong triển khai thực hiện chính sách.
Chưa có hoạt động kiểm tra giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách ở hầu hết các địa phương.

KHUYẾN NGHỊ

Đối với các nhà hoạch định chính sách

Cần điều chỉnh lại một số chính sách hiện hành để mở rộng quyền lợi cho người cao tuổi. Cần xem xét để hạ độ tuổi giải quyết trợ cấp và cấp thẻ BHYT cho người cao tuổi xuống dưới 90 tuổi.
Phải tạo nguồn ngân sách cho CSSK người cao tuổi
Cần nghiên cứu để củng cố và thành lập hệ thống tổ chức Hội Người cao tuổi hoàn chỉnh ở cả 4 cấp. Hội NCT cần phải được coi là một tổ chức chính trị-xã hội và giải quyết các chính sách cho Hội như các đoàn thể chính trị-xã hội khác. Hội Người cao tuổi cần có cán bộ chuyên trách. Cần có chế độ đãi ngộ phù hợp cho các cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách của các cấp Hội NCT.
Cần xác định rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ của Uỷ ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam trong công tác phối hợp quản lý, kiểm tra giám sát các hoạt động chăm sóc NCT.
Cần thiết xây dựng Chiến lược quốc gia về chăm sóc người cao tuổi
Đối với các nhà lãnh đạo địa phương

Giải pháp trước mắt

Dựa trên các chính sách hiện hành, UBND các tỉnh cần ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn cụ thể việc triển khai chính sách cho từng cơ quan có liên quan tại các tuyến cũng như văn bản chỉ đạo công tác phối hợp liên ngành trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt cần chú trọng việc tăng cường công tác xã hội hoá trong CSSK người cao tuổi ở địa phương, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của gia đình và cộng đồng trong chăm sóc người cao tuổi.
UBND tỉnh cần giao nhiệm vụ cho ngành y tế có trách nhiệm chủ động đề xuất, tham mưu các vấn đề về sức khỏe của NCT cũng như đưa hoạt động CSSK cho NCT vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp.
Các ngành có liên quan trực tiếp đến việc triển khai chính sách cần xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, trong đó có xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát quá trình thực hiện tại tuyến xã.
Cần chú trọng và tăng cường công tác tuyên truyền, kịp thời phổ biến các chính sách đã ban hành cho tất cả các bên có liên quan ở các tuyến và cho những đối tượng tham gia vào quá trình triển khai thực hiện cũng như cho NCT để NCT biết về quyền lợi của mình.
UBND các tỉnh cần thiết lập cơ chế và xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát định kỳ việc triển khai thực hiện các chính sách CSSK cho người cao tuổi để có những điều chỉnh kịp thời trong công tác chỉ đạo. Các Ban đại diện người cao tuổi tuyến tỉnh, huyện và Hội Người cao tuổi tuyến xã cần được giao trách nhiệm giữ vai trò chủ động trong kiểm tra giám sát việc triển khai chính sách tại các cơ sở.
Các tỉnh cần có kế hoạch dự trù phân bổ kinh phí cho các hoạt động của Hội cũng như đảm bảo được quyền lợi cho cán bộ Hội và quyền lợi của người cao tuổi theo quy định của chính sách hiện hành.
Chính quyền địa phương cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm, cơ sở vật chất cho việc thành lập các tổ chức sinh hoạt của người cao tuổi ở địa phương như thành lập Câu lạc bộ người cao tuổi. Cần đưa nội dung này là một trong những tiêu chí để xét duyệt “Làng văn hóa – sức khoẻ” ở các địa phương. Khuyến khích Hội Người cao tuổi triển khai ứng dụng các mô hình CSSK điển hình hiện có ở một số địa phương nhằm nâng cao sức khoẻ và công tác CSSK cho người cao tuổi.

Giải pháp lâu dài:

Củng cố lại hệ thống tổ chức Hội Người cao tuổi ở tất cả các cấp tỉnh, huyện, xã và thôn/ấp. Tiến tới cần có cán bộ chuyên trách cho Hội Người cao tuổi ở các cấp, đảm bảo nguồn nhân lực để thực hiện các chức năng nhiệm vụ của Hội.
Tiếp tục phát huy vai trò của các ban ngành đoàn thể, tăng cường công tác xã hội hóa trong CSSK người cao tuổi.
Cần tiếp tục phát huy vai trò của người cao tuổi trong phát triển kinh tế xã hội và ổn định chính trị ở địa phương.

Đối với ngành y tế

·Đưa nội dung đào tạo về lão khoa vào chương trình giảng dạy của các Trường Đại học Y. Xây dựng và thực hiện hệ đào tạo chuyên ngành lão khoa.

·Ngành y tế cần xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể trong đó có kế hoạch ngân sách để các cơ sở y tế có thể CSSK cho người cao tuổi một cách chủ động thông qua khám sức khoẻ định kỳ và quản lý sức khoẻ cho người cao tuổi.

·Ngành y tế tuyến tỉnh, huyện cũng cần lập kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức lão khoa cho các cán bộ y tế ở các cơ sở y tế nhà nước cũng như các đối tượng y tế tư nhân trên địa bàn. Cần xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ chuyên ngành lão khoa cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện.

·TYT xã cần đóng vai trò chủ động trong lập kế hoạch tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, phát hiện các vấn đề sức khỏe của người cao tuổi trong cộng đồng. Xây dựng kế hoạch phối hợp với Hội Người cao tuổi trong tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người cao tuổi. Cần chủ động xây dựng kế hoạch chăm sóc tại nhà cho những NCT không có khả năng tiếp cận cơ sở y tế.

·Các cơ sở y tế tuyến huyện, xã cần có kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục sức khoẻ, phổ biến kiến thức cơ bản về phòng chống một số bệnh thường gặp cho người cao tuổi, đặc biệt chú trọng tới người cao tuổi là nữ và người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn do đây là khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn.

·Đối vớinhững địa phương có mô hình bệnh tật mang tính đặc thù, ngành y tế cần chủ động tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra các giải pháp và xây dựng kế hoạch thực hiện nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh tại địa phương. Ở những địa phương có tỷ lệ mắc cao những bệnh có khả năng phòng tránh như tăng huyếp áp, tiểu đường…, ngành y tế ở địa phương cần có kế hoạch theo dõi quản lý sức khoẻ, tổ chức tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về phòng bệnh cho người cao tuổi.

·Cần chú trọng tăng cường đầu tư cả về nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế tuyến cơ sở để người cao tuổi có thể tiếp cận được cơ sở y tế và nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc cho người cao tuổi ngay tại tuyến cơ sở. Cần có sự quan tâm hơn trong chăm sóc đối với NCT là nữ, NCT nghèo và NCT cô đơn không nơi nương tựa.

·Cần nghiên cứu và ứng dụng mô hình bác sĩ gia đình trong CSSK người cao tuổi.

Đối với Hội Người cao tuổi các cấp

·Từng bước ổn định tổ chức Hội NCT các cấp. Cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa Hội NCT các cấp trong triển khai thực hiện các chính sách về CSSK cho NCT ở địa phương.

·Hội Người cao tuổi cần phát huy tính chủ động trong tham mưu cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn chỉ đạo cũng như chủ động trong công tác phối hợp liên ngành khi triển khai thực hiện chính sách.

·Hội cần chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể và đề xuất kế hoạch phối hợp liên ngành trong thực hiện công tác chăm sóc NCT. Xây dựng cơ chế và kế hoạch kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách về CSSK cho người cao tuổi. Cần đẩy mạnh các hình thức sinh hoạt có tính hấp dẫn hơn đối với người cao tuổi, đặc biệt đẩy mạnh những hoạt động liên quan đến CSSK cho người cao tuổi như tổ chức tuyên truyền giáo dục sức khoẻ cho người cao tuổi, tuyên truyền giáo dục con cháu về trách nhiệm và cách chăm sóc người cao tuổi. Khuyến khích người cao tuổi tham gia vào Hội cũng như các hoạt động sinh hoạt của Hội.

Đối với Chính phủ

Cần đảm bảo việc cấp ngân sách hoạt động thường xuyên hàng năm cho các cơ quan chịu trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi như ngành Lao động Thương binh Xã hội trong việc đảm bảo kinh phí trợ cấp cho người cao tuổi trên 90 tuổi theo quy định, ngành Y tế trong quản lý sức khoẻ và khám sức khoẻ định kỳ cho người cao tuổi...

Ngày 28/06/2007

Không có nhận xét nào: