27 tháng 6, 2008

Điều tra quốc gia lần đầu tiên về gia đình:Kết hôn muộn, ly hôn tăng


Điều tra quốc gia lần đầu tiên về gia đình:Kết hôn muộn, ly hôn tăng

Gia đình anh chị Phạm Ngọc Thành (ở Q.7, TP.HCM) hạnh phúc trong Ngày hội gia đình VN năm 2008 tại Phú Mỹ Hưng, với chủ đề "Vòng tay yêu thương" sáng 22-6 - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

TT - Theo kết quả điều tra quốc gia lần đầu tiên về gia đình được Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch và Unicef công bố sáng qua, tuổi kết hôn trung bình của người VN đã tăng lên cả ở nam và nữ. Trong khi đó, gia đình hiện đại đang đối diện với nhiều vấn đề, khiến tình hình ly hôn đang có xu hướng tăng mạnh!

So với năm 1975, tuổi kết hôn trung bình giai đoạn 2000-2006 đã tăng 2,9 tuổi lên gần 26 tuổi ở nam và tăng 2,2 tuổi lên gần 23 tuổi ở nữ. Tuy nhiên, gia đình hiện đại đang gặp nhiều vấn đề mới mẻ khiến tình hình ly hôn tăng, cứ sau bốn năm lại tăng gấp đôi!

Tại lễ công bố điều tra quốc gia lần đầu tiên về gia đình VN, tổ chức sáng 26-6, PGS.TS Nguyễn Hữu Minh - viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện Khoa học xã hội VN) - cho biết gần đây có trên 60.000 vụ ly hôn/năm ở VN và xu hướng này đang tiếp tục tăng. "Ly hôn nhiều, khi đi sâu phân tích các nguyên nhân để làm giảm tỉ lệ này, chúng tôi thấy các cặp vợ chồng đang rất thiếu kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trong cuộc sống chung khó khăn, nhiều khác biệt trong sinh hoạt"- ông Minh nói.

Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) Lê Đỗ Ngọc cũng nhấn mạnh đến điểm yếu không có ai cung cấp kỹ năng sống cho các thành viên gia đình, trong khi cuộc sống hiện đại cả vợ và chồng cùng đi làm, cùng bị cuốn vào vòng quay thăng tiến, kiếm tiền làm giàu, thành đạt, thời gian gặp gỡ giữa cha mẹ và con cái, giữa cha mẹ với nhau đều rất ít, khiến cuộc sống gia đình hiện đại gặp nhiều thách thức mới.

Các thống kê công bố hôm qua cho thấy mâu thuẫn về lối sống là nguyên nhân hàng đầu (27,7%) dẫn đến ly hôn. Các yếu tố tiếp theo là ngoại tình (25,9%), nguyên nhân kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6,7%), lý do sức khỏe (2,2%) và do xa nhau lâu ngày (1,3%). Tỉ lệ ly hôn, ly thân cao nhất là ở Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là hai vùng có xu hướng ly hôn sớm nhất nước với số năm sống chung trước ly hôn là 8,7 năm (Đông Nam bộ) và 7,5 năm (đồng bằng sông Cửu Long).

Khỏe và có nghề

Phỏng vấn 9.300 gia đình

Cuộc điều tra quốc gia lần đầu tiên về gia đình do Tổng cục Thống kê, Ủy ban Dân số - gia đình và trẻ em (cũ), Viện Gia đình và giới, UNICEF đồng thực hiện trong hai năm 2006-2007. Tập trung vào bốn vấn đề: quan hệ gia đình, giá trị và chuẩn mực gia đình, kinh tế gia đình và phúc lợi gia đình. Nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn trên 9.300 hộ gia đình được lựa chọn ngẫu nhiên ở các vùng sinh thái trong cả nước, phỏng vấn sâu vị thành niên trong gia đình, chủ hộ và người cao tuổi trong gia đình.

Nhóm nghiên cứu kết luận việc giáo dục tiền hôn nhân cho thanh niên hết sức cần thiết cho việc đảm bảo hạnh phúc gia đình, thông qua những hiểu biết, kiến thức trong ứng xử và lối sống. Những gia đình "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" hoặc tự quyết định lấy nhau không hỏi ý kiến cha mẹ dễ ly hôn hơn các gia đình vừa yêu thương nhau vừa có ý kiến cha mẹ.

Theo TS Nguyễn Hữu Minh, đã có những xu hướng rất mới trong lựa chọn bạn đời ở VN. Trong đó, những người lựa chọn những "tiêu chuẩn cũ” như... đồng hương, lý lịch trong sạch hay chọn bạn đời không có tiêu chí rõ ràng đã giảm. Hiện người Việt trẻ quan tâm nhất đến hai yếu tố khỏe mạnh và nghề nghiệp ổn định khi chọn bạn đời. Các yếu tố được quan tâm khác là biết cách cư xử, tư cách đạo đức tốt, biết cách làm ăn... Theo ông Minh, ngày nay lớp trẻ quan tâm đến sự phù hợp của những người tham gia kết hôn hơn là sự phù hợp của hai bên gia đình, kiểu "môn đăng hộ đối" xưa cũ.

Những tác động về kinh tế, xã hội cũng đang làm thay đổi truyền thống về quyền sở hữu tài sản gia đình. Các kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ cả hai vợ chồng cùng đứng tên các giấy tờ sở hữu tài sản ở đô thị và nhóm giàu có xu hướng tăng lên, điều đó chứng tỏ sự bình đẳng trong gia đình đang có những tiến bộ. Quan niệm phải có con trai có xu hướng giảm dần cùng với sự tăng lên của mức thu nhập.

Khá giả và hiện đại hơn

Trong nghiên cứu này, mức độ hài lòng về hôn nhân khá cao, chỉ có 1,5% người được hỏi cho rằng họ không hài lòng về hôn nhân của mình. Nhưng theo các chuyên gia, điều này có thể phản ánh cá tính người Việt thường không thích "vạch áo cho người xem lưng", gia đình có mâu thuẫn nhưng không muốn sự can thiệp của bên thứ ba, đồng thời chỉ số hài lòng về hôn nhân cũng mâu thuẫn với tình hình ly hôn đang có xu hướng tăng cao.

Cũng theo nghiên cứu, gia đình người Việt đã khá giả hơn, hiện đại hơn, nhưng có tới 0,2% gia đình có hiện tượng vợ đánh chồng, 11% chồng đánh vợ, 17,9% vợ mắng chửi chồng và 50,7% chồng mắng chửi vợ. Chưa kể đang tồn tại tình trạng bạo lực của con cái với... cha mẹ, dù tỉ lệ không cao, chủ yếu là hiện tượng hỗn láo với cha mẹ hoặc con cái không quan tâm tới cha mẹ già.

Theo TS Nguyễn Hữu Minh, bất kỳ trong tình huống nào, ly hôn cũng sẽ ảnh hưởng rất xấu đến đời sống của những đứa trẻ. Phần lớn trẻ sống với mẹ sau khi gia đình tan vỡ và rất ít người bố chu cấp đầy đủ cho con cái, khiến đời sống vật chất của trẻ cũng bị ảnh hưởng. "Quan điểm của tôi là phải cố gắng để hạn chế tối đa việc ly hôn. Người vợ, người chồng có thể sẽ vui mừng vì có hạnh phúc mới, nhưng con cái sẽ khổ là vấn đề đã được khẳng định, mặc dù có thể có người lập luận con cái cũng khổ khi bố mẹ cố gắng sống chung nhưng không còn hạnh phúc!" - TS Minh nói với Tuổi Trẻ.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ 27/06/2008

Không có nhận xét nào: