19 tháng 6, 2008

Luật Phòng chống ma túy sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 1-1-2009


Luật Phòng chống ma túy sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 1-1-2009

Mạnh tay hơn sau cai nghiện

Các đồng đẳng viên đang phát tờ rơi tuyên truyền chống ma túy, mại dâm ở cửa khẩu Lạng Sơn
Luật sửa đổi, bổ sung sẽ linh động hơn, tạo cơ hội để người nghiện được quyền lựa chọn: Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc trong các cơ sở cai nghiện. Nhưng người nghiện hoặc gia đình người nghiện phải khai báo, nếu không sẽ phải cai nghiện theo hình thức bắt buộc

15 nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống ma túy năm 2000 vừa được Quốc hội khóa XII thông qua, có tới 11 vấn đề liên quan tới công tác cai nghiện, sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho người nghiện. Ông Trần Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết.

Thêm cơ hội và trách nhiệm cho người cai nghiện

Qua gần 7 năm thực hiện Luật Phòng chống ma túy được Quốc hội khóa X ban hành năm 2000, tệ nạn ma túy tại VN vẫn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Hiệu quả của các hoạt động giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại trong phòng chống ma túy còn hạn chế. Theo Bộ LĐ-TB-XH, một trong những nguyên nhân là do hệ thống pháp luật về phòng chống ma túy chưa đồng bộ, chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đặc biệt là lĩnh vực cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy.

Ông Trần Việt Trung cũng cho hay, trách nhiệm của người nghiện, gia đình người nghiện trong việc khai báo và đăng ký hình thức cai nghiện sẽ được đặt ra như một căn cứ pháp lý. Nó sẽ quyết định tới việc áp dụng các biện pháp cai nghiện (cai nghiện tự nguyện hoặc cai nghiện bắt buộc) đối với người nghiện ma túy. Cai nghiện tự nguyện có thể ở gia đình, cai nghiện tại cộng đồng hoặc tại các cơ sở cai nghiện (do Nhà nước quản lý hoặc cơ sở tư nhân, dân lập); cai nghiện bắt buộc được áp dụng tại cộng đồng hoặc tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc (nếu người nghiện không tự khai báo và đăng ký hình thức cai nghiện).

Như vậy, nếu người nghiện không tự nguyện cai sẽ bị áp dụng biện pháp cai bắt buộc tại cộng đồng theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã hoặc cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện theo quyết định của chủ tịch UBND cấp huyện. Thời hạn cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng là 6- 12 tháng; thời hạn cai tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc vẫn giữ nguyên như trước đây là 1-2 năm.

Tăng thời gian cách ly

Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), quy định thời hạn cai nghiện bắt buộc chỉ từ 1 đến 2 năm là chưa đủ để người nghiện có thể đoạn tuyệt với ma túy. Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Văn Minh đúc kết, yếu tố quan trọng quyết định kết quả của công tác cai nghiện là việc cách ly người nghiện khỏi "môi trường ma túy". Đồng thời phải đi đôi với sự quản lý, giám sát của gia đình, cộng đồng và hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm đối với người đã cai nghiện trở về.

Vì thế, một trong những điểm mới, quan trọng là tăng cường thời gian để người nghiện cách ly với môi trường cũ. Cụ thể, người nghiện sau khi cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy phải chịu sự quản lý sau cai nghiện từ 1-2 năm theo một trong hai hình thức: Quản lý tại nơi cư trú hoặc quản lý tập trung tại cơ sở quản lý sau cai nghiện đối với người có nguy cơ tái nghiện cao. Bộ LĐ-TB-XH có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện; hướng dẫn chỉ đạo việc thành lập, giải thể cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở quản lý sau cai nghiện.

Trường hợp đặc biệt, đối với người đang cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện mà phạm tội, nếu thời gian bị phạt tù ít hơn thời gian cai nghiện ma túy, thì sau khi chấp hành xong hình phạt tù phải tiếp tục cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc; trường hợp phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì vẫn phải thực hiện cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Người nghiện được xem xét dưới 3 góc độ

Ông Lê Bạch Hồng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nhận định người nghiện ma túy sẽ được xem xét dưới 3 góc độ: Là người bệnh (bị một loại bệnh về tâm thần do sử dụng ma túy); người có hành vi vi phạm pháp luật (do sử dụng trái phép chất ma túy) và là người sa ngã vào tệ nạn xã hội (bị lệch lạc về nhân cách, hành vi). Vì vậy, cai nghiện phải áp dụng các phương pháp, biện pháp xử lý đồng bộ cả 3 khía cạnh về y tế, pháp luật và xã hội. Đây là quan điểm cơ bản trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống ma túy lần này.

Bài và ảnh: Nguyễn Quyết
Báo Người Lao động

Không có nhận xét nào: