13 tháng 6, 2008
Liệu pháp phục hồi chức năng tâm thần
Liệu pháp phục hồi chức năng tâm thần
I. ĐẠI CƯƠNG:
Liệu pháp phục hồi chức năng tâm thần (PHCNTT) là một trong những liệu pháp quan trọng hàng đầu trong tâm thần học. Đây là liệu pháp nhằm phục hồi chức năng cả về sức khoẻ thể chất cả về sức khoẻ tâm thần và tâm lý cho người bệnh.
1. Vài nét về lịch sử:
Liệu pháp PHCNTT trong y học thực hành được bắt đầu bằng những tập tục thiếu khoa học, qua quá trình thực hiện, dần dần trở thành một khoa học độc lập.
Những năm đầu thế kỷ XX, Simmon đã nêu ra nguyên tắc lao động cho tất cả bệnh nhân không bị tổn thương thực thể gây trở ngại. Người thầy thuốc yêu cầu bệnh nhân thực hiện công việc, trạng thái tâm thần của người bệnh cũng tốt dần lên.
Schneider đã nâng liệu pháp hồi phục thành một liệu pháp chữa bệnh hàng đầu trong lâm sàng tâm rthần. Ông nhấn mạnh rằng, các rối loạn tâm thần có thể điều trị khỏi bằng các liệu pháp lao động. Một điều hiển nhiên là liệu pháp PHCNTT không những duy trì yếu tố cơ học trong hoạt động và cuôc sống của người bệnh mà còn tạo ra niềm vui, sự yên tĩnh. Đó là những tếu tố điều trị tích cực.
2.Định nghĩa:
Cho đến nay, chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh về liệu pháp PHCNTT. Có thể coi đây là một phương pháp điều trị. Đó là tổ hợp các phương pháp lao động, nghỉ ngơi, điều dưỡng nhằm mục đích điều trị. Sự phục hồi về mặt tâm thần được đánh giá bằng việc đưa được bệnh nhân trở về với xã hội, với môi trường xung quanh tuỳ theo từng mức độ giảm sút về mặt chức năng tâm thần mà đưa họ trở lại công việc trước đây hoặc làm những công việc thích hợp hơn.
II. CÁC LIỆU PHÁP PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TÂM THẦN:
1. Lao động liệu pháp:
Lao động là một điều kiện cơ bản của đời sống con người, là sự phát triển cơ thể, tinh thần con người. Nó có khả năng tác động vào tính tích cực của vỏ não, khả năng tạo ra những xúc cảm cơ bản như sự yên tĩnh, thoải mái và đặc biệt, lao động liệu pháp còn mang ý nghĩa về sự phát triển, sự thích nghi xã hội của người bệnh.
Những hoạt động lao động liệu pháp là:
+ Lao động giản đơn:
- Đó là công việc may vá, thêu thùa, đan lát, ......bằng cách dùng bẹ ngô, rơm hay vải vụn để bện, để may; dùng đất hay chất dẻo để nặn ra đồ vật, con thú theo những chủ đề nhất định là những lao động nhẹ nhàng, thích hợp với bệnh nhân, có hiệu quả lao động rất cao
Lao động liệu pháp này làm cho người bệnh hứng thú và sớm thực hiện những công việc phức tạp, nhanh chóng hoà nhập vào cuộc sống xã hội và các nhóm tập thể tiến bộ.
Các thầy thuốc phải lập kế hoạch và hướng dẫn bệnh nhân phân bố cân đối công việc hàng ngày như; quét nhà, nấu nướng, nội trợ và công việc lao động chân tay.
+ Lao động kỹ thuật:
-Tổ chức cho bệnh nhân lao động nông nghiệp, làm vườn vì đa số bệnh nhân xuất thân từ nông thôn. Trồng cây, nhổ cỏ, bắt sâu, tưới nước, vun xới cho cây tươi tốt ra hoa kết quả v.v... chăm sóc vườn hoa, cây cảnh là công việc thường quy, hào hứng và lý thú khi thấy hiệu quả của công việc.
- Một số bệnh nhân làm nghề mộc: dệt thảm đay, dệt chiếu cói, dệt khăn, dệt vải, làm đồ chơi bằng vải vụn v.v...
- Nghề may: khâu vá quần áo, may các đường thẳng hoặc có thể may phức tạp hơn nếu bệnh nhân đã có tay nghề.
- Các hoạt động nghệ thuật như thiết kế, xây dựng, tạo mốt, vẽ tranh, chụp ảnh, làm đồ gốm v.v...
- Có thể làm các nghề cũ hoặc làm các nghề mới. Có người làm nghề chuyên nghiệp, cũng có người làm nghề phụ việc lặt vặt
2. Liệu pháp văn hoá- giải trí:
Liệu pháp văn hoá - giải trí thường sử dụng để chống lại các trạng thái tâm thần "tự động" cũng như các bệnh tâm thần phân liệt có nhân cách và tư duy khép kín và nâng cao hiệu quả của liệu pháp lao động.
Liệu pháp nghỉ ngơi- giải trí bao gồm:
+ Tổ chức các trò chơi:
- Người bệnh trực tiếp tham gia một cách tích cực, hoặc đóng vai trò là khán giả xem người khác chơi.
- Những bệnh nhân ở trạng thái ức chế cần được đưa vào trò chơi của nhóm bệnh nhân hoạt bát.
+Tổ chức các cuộc dạo chơi:
- Tổ chức đi tham quan dạo chơi để giải trí hoặc để nhớ lại địa danh lịch sử, văn hoá, du lịch.
- Tổ chức đi thực tế để người bệnh gắn bó với đời sống, gắn bó với quê hương, gắn bó với những gì mà sau khi ra viện họ sẽ gặp.
+Tổ chức các cuộc trò chuyện:
- Tuyên truyền, giới thiệu về một chuyên đề mà người bệnh được bàn bạc, học hỏi và bổ sung thêm các kiến thức.
+ Tổ chức chiếu phim:
- Phim có nội dung phong phú, hướng về tương lai, tránh những phim có nội dung xấu, buồn, bế tắc.
- Nên chọn phim ngắn, mang tính chất giải trí.
+Tổ chức biểu diễn văn nghệ:
- Bệnh nhân có thể tham gia hát, múa như diễn viên.
+ Liệu pháp âm nhạc:
- Cần phát huy âm nhạc lên cảm xúc, tình cảm của người bệnh.
- Các điệu nhảy hiện đại, các điệu múa dân tộc, các điệu múa tập thể trực tiếp tạo nên những vận động tích cực cho người bệnh.
- Ca hát, Karaoke, nghe nhạc nhẹ cũng là hình thức có tác dụng điều trị rộng rãi nhất.
+Tổ chức đi chùa, đến nhà thờ:
- Có thể tiến hành liệu pháp "tụng kinh" "niệm Phật" đối với bệnh nhân theo đạo Phật hoặc liệu pháp "thánh kinh". Đó là những điều răn của Phật, của Chúa làm sao trở thành công dân tốt đời, đẹp đạo. Liệu pháp này phải phù hợp với tình trạng nặng nhẹ, những khó khăn của người bệnh.
- Đây là liệu pháp sau cùng trong số các liệu pháp PHCNTT.
- Cũng cần chú ý những hậu quả quá cuồng tín, dẫn đến mê tín dị đoan hoặc bị mê hoặc bởi đạo giáo.v.v... làm nặng thêm các rối loạn tâm thần.
3. Liệu pháp luyện tập thân thể:
+ Liệu pháp thể dục, thể thao có tác dụng hồi phục thể lực và tâm lý hứng thú cho bệnh nhân. Nó khơi dậy sự tập trung chú ý, trực tiếp tác động lên cơ quan vận động, làm lưu thông khí huyết.
+ Liệu pháp luyện tập thân thể bao gồm nhiều hoạt động khác nhau như tập thở, đi bách bộ, tập chạy, các bài tập thể dục buổi sáng, thể dục nhịp điệu... các môn thể thao chuyên nghiệp như bóng đá, đua ngựa, đua xe mô tô, đua xe đạp, ô tô, đua thuyền...
+ Cần lập kế hoạch tỉ mỉ và chặt chẽ, phải tuân thủ nguyên tắc vừa hợp với sức khoẻ.
+ Liệu pháp này có thể thực hiện từng cá nhân hoặc theo nhóm dưới sự hướng dẫn trực tiếp của huấn luyện viên hoặc băng hình video, băng nhạc, vô tuyến truyền hình...
TS. Phạm Đức Thịnh
Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TW I
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét