9 tháng 6, 2008
Đời sống các hộ gia đình sau tái định cư
Đời sống các hộ gia đình sau tái định cư
ThS.Lê Văn Thành
Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn, có quy mô dân số trên 6 triệu dân (theo kết quả cuộc điều tra dân số giữa kỳ năm 2004, ngày 1/10/2004 dân số thành phố là 6.117.251 người). Việc dân số của thành phố tăng nhanh nhưng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật không thể tăng cùng đã tạo ra một sức ép rất lớn cho hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị của thành phố và cũng đặt ra một nhu cầu về nhà ở rất lớn.
Với quyết tâm xây dựng một thành phố sạch đẹp, văn minh, Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh trong những nhiệm kỳ gần đây đã xem vấn đề di dời tái định cư là một trong những chương trình trọng điểm của thành phố để nhằm chỉnh trang nâng cấp đô thị cho phù hợp với sự phát triển của quá trình đô thị hoá. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, hàng loạt các dự án tái định cư đã được thực hiện ở TP.HCM và đã giải tỏa được hàng chục ngàn căn nhà ổ chuột, sắp xếp chỗ ở khang trang cho nhiều hộ dân có thu nhập thấp, dãn bớt dân ra các vùng ven, làm sạch các kênh rạch bị ô nhiễm, cải tạo được nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng cũ kỹ, góp phần tạo nên một bộ mặt mới sạch đẹp, văn minh cho thành phố. Thành phố phấn đấu đến năm 2010 sẽ giải quyết cơ bản cơ sở hạ tầng tại các khu nhà lụp xụp, đồng thời sửa chữa và cải tạo các căn hộ chung cư, và chỉnh trang nhà mặt tiền tại các khu trung tâm. Tất cả những việc làm và những kế hoạch này thể hiện sự quyết tâm và cố gắng của chính quyền và nhân dân thành phố trong việc xây dựng một đô thị mới sạch đẹp, văn minh.
Tuy nhiên, việc giải toả, di dời, tái định cư không chỉ dừng lại ở việc đưa một bộ phận dân cư từ nơi ở này sang nơi ở khác, mà tái định cư còn liên quan đến rất nhiều vấn đề như: việc làm, học hành, sự tiếp cận các dịch vụ, các quan hệ xã hội,…. Do đó, tái định cư cần được nhìn nhận là một quá trình thay đổi về kinh tế, văn hoá, xã hội của một bộ phận dân cư hơn là chỉ dừng lại ở việc xem xét đây là quá trình thay đổi chỗ ở.
I. Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc tái định cư
I.1. Lý thuyết hệ thống áp dụng cho việc tái định cư
Lý thuyết hệ thống cho rằng, xã hội là một sinh thể hữu cơ đặc biệt với hệ thống gồm các thành phần có những chức năng nhất định tạo thành cấu trúc ổn định. Một xã hội tồn tại được là do các bộ phận cấu thành của nó hoạt động nhịp nhàng với nhau để đảm bảo sự cân bằng chung của cả cấu trúc. Bất kỳ một sự thay đổi nào giữa các thành phần cũng ảnh hưởng đến trạng thái cân bằng của toàn bộ hệ thống. Trạng thái mất cân bằng của hệ thống sẽ đưa đến sự suy yếu và đổ vỡ của hệ thống, nhưng một đằng hứa hẹn sự thay thế bằng một hệ thống tốt hơn, một đằng thì làm cho hệ thống ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Cộng đồng dân tái định cư được xem xét như là các hệ thống xã hội với các thành phần cấu tạo như: kinh tế, giáo dục và đào tạo, điều kiện nhà ở và các điều kiện sinh hoạt khác, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, các quan hệ xã hội. Tái định cư là việc di dời một cộng đồng dân cư từ nơi ở này sang nơi ở khác. Theo lý thuyết hệ thống, chỉ một sự thay đổi về chỗ ở này cũng có thể dẫn đến những thay đổi ở các thành phần khác như: kinh tế, giáo dục và đào tạo, điều kiện nhà ở và các điều kiện sinh hoạt khác, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, các quan hệ xã hội,.… Và như thế trạng thái cân bằng của cộng đồng dân tái định cư đã bị ảnh hưởng. Sự mất cân bằng này có thể hứa hẹn một sự sụp đổ của hệ thống cũ và thiết lập được một hệ thống mới, một cộng đồng dân cư mới có đời sống tốt hơn nếu có chính sách tác động phù hợp và hiệu quả. Tuy nhiên, nếu không có chính sách hỗ trợ hoặc các chính sách hỗ trợ không phù hợp thì có thể dẫn tới việc chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân tái định cư sẽ ngày càng đi xuống và tồi tệ hơn. Chính sách đóng một vai trò, nếu không muốn nói là có tính quyết định trong việc ổn định cuộc sống người dân tái định cư, trước mắt là nhận ngôi nhà mới, và cả về lâu dài cho “cuộc sống sau tái định cư”.
Sơ đồ 1: Khung phân tích của đề tài nghiên cứu
I.2. Tổng quan các khuyến cáo về chính sách tái định cư của các tổ chức quốc tế
I.2.1. Những khuyến cáo của các tổ chức quốc tế về các chi phí “vô hình” trong quá trình tái định cư
Ngân hàng Thế Giới (World Bank, 2004), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB, 1995) cảnh báo tái định cư có thể dẫn đến những nguy cơ như: người dân phải đối mặt với nguy cơ đói nghèo khi những điều kiện sản xuất và những nguồn tạo thu nhập của họ mất đi, họ có thể bị di dời đến những nơi không có việc làm hay các tài nguyên kiếm sống không có nhiều khiến cho họ phải khai thác đến mức kiệt quệ các tài nguyên môi trường để sinh tồn, gây hại cho môi trường; các thiết chế cộng đồng và mạng lưới xã hội bị phá vỡ, các mối quan hệ họ hàng cũng bị ảnh hưởng; các yếu tố truyền thống, văn hoá có thể bị mất đi, cư dân tại chỗ các khu vực tái định cư không thân thiện hay không có những nét tương đồng về văn hoá. Đây là những tổn thất vô hình mà người dân tái định cư phải gánh chịu bên cạnh những mất mát về nhà cửa, đất đai.
Các tổ chức quốc tế còn đề nghị những giải pháp để hạn chế tối đa những chi phí “vô hình” mà người dân tái định cư phải chịu. Tổ chức UNDP (Sở Xây dựng, 1997, Dự án VIE/95/051) đã đưa ra nguyên tắc: Nguyên tắc bồi thường “phi vật chất” cho các hộ nên được chú trọng nhiều hơn, so với việc đền bù vật chất, bằng tiền. Ngân hàng Thế giới (World Bank, 2004) cho rằng trong việc tính toán chi phí cho tái định cư cần chú ý đến cả chi phí tái khôi phục đời sống kinh tế xã hội, và các dự án cần phải hoạch định nghiêm túc, không chỉ nghĩ đến lợi ích kinh tế mà còn phải quan tâm đến các lợi ích xã hội, môi trường và vấn đề giảm nghèo.
I.2.2. Khuyến cáo của các tổ chức quốc tế về cuộc sống “hậu tái định cư” của người dân.
Tổ chức UNDP (Sở Xây dựng, 1997, Dự án VIE/95/051) đưa ra nguyên tắc: Khi bắt buộc phải tiến hành giải toả di dời, trước tiên cần phải xây dựng một kế hoạch thực hiện thật chi tiết và cụ thể, kể cả kế hoạch quản lý hậu di dời, để bảo đảm rằng những người bị di dời, tối thiểu có cuộc sống tốt hơn hoặc ngang bằng so với nơi ở trước đây về khía cạnh kinh tế và xã hội.
Ngân hàng Thế giới (World Bank, Resettlement and Rehabilitation Policy) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB, 1995) khẳng định: Người dân tái định cư phải được cung cấp đầy đủ các nguồn lực đầu tư và được tạo cơ hội hưởng lợi từ dự án. Họ phải được đền bù mọi thiệt hại và mất mát do phải di dời, được hỗ trợ di dời và được trợ giúp trong suốt quá trình thích nghi với nơi ở mới, được hỗ trợ để nâng cao mức sống và thu nhập, để có cuộc sống tốt hơn hay ít nhất là bằng với trước tái định cư. Họ cũng phải được cung cấp đầy đủ đất đai, nhà ở, cơ sở hạ tầng và yếu tố khác, cung cấp thông tin và tư vấn về các mức đền bù và các phương án tái định cư.
Như vậy, bằng kinh nghiệm hoạt động của mình, các tổ chức quốc tế đã đưa ra những chính sách tái định cư đề cập đến tất cả mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống của người dân tái định cư, đặc biệt là các vấn đề khó nhận thấy như: những chi phí và những tổn thất “vô hình” mà người dân tái định cư phải gánh chịu và cuộc sống “hậu tái định cư” của người dân.
I.3. Tình hình thực tiễn của việc tái định cư
Thực tế tại TP.HCM, trong những năm vừa qua chính quyền vẫn đang cố gắng tìm mọi cách để hỗ trợ cho người dân tái định cư, giúp họ phục hồi và nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ năm 1998, Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-TU để lãnh đạo công tác quy hoạch, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và tái bố trí dân cư trên địa bàn TP.HCM. Nghị quyết nêu rõ: “Chính sách đền bù phải đảm bảo tái tạo lại được nơi ở mới, cuộc sống mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ cho những người có nhà ở hợp pháp, hợp lệ, đang sinh sống ổn định. Chính sách phải đảm bảo được lợi ích hài hoà giữa người dân bị thu hồi đất, nhà đầu tư và Nhà nước”. Nhìn chung trong hầu hết các dự án, Chính quyền thành phố và Ban quản lý các dự án đều cố gắng trong việc thực hiện các chương trình tái định cư nhằm ổn định nhanh chóng cuộc sống của người dân sau khi bị giải toả, di dời. Các phương thức di dời, giải toả, đền bù và tái định cư đều nhằm mục đích hỗ trợ tối đa cho người dân, giảm thiểu những thiệt hại mà người dân phải chịu. Công tác tổ chức quản lý, giám sát việc bồi thường giải toả được thực hiện tốt hơn với đội ngũ cán bộ có năng lực và phẩm chất. Ngoài số tiền bồi thường về nhà đất, người dân còn được hưởng các khoản hỗ trợ về đời sống, chi phí tháo dỡ nhà, chi phí do ngừng sản xuất kinh doanh, chi phí đào tạo cho người bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ cho các gia đình chính sách. Từ khi thực hiện tinh thần chỉ đạo của nghị quyết số 18/NQ-TU, việc thực hiện chính sách di dời và tái định cư trên địa bàn TP.HCM đã có những đổi thay đáng kể. Việc tổ chức tái định cư ngày càng được quan tâm với mục tiêu tạo chỗ ở mới, cuộc sống mới bằng và tốt hơn nơi cũ cho những người bị ảnh hưởng. Để đánh giá đầy đủ đúng đắn thực trạng đời sống kinh tế xã hội các hộ gia đình sau tái định cư, Viện Kinh tế TP.HCM đã thực hiện nghiên cứu đề tài này.
II. Khái quát về cuộc điều tra hộ gia đình tái định cư
I.1. Mục tiêu, và đối tượng nghiên cứu của đề tài:
Mục tiêu cơ bản của đề tài là đánh giá sự biến đổi các đặc điểm kinh tế xã hội các hộ gia đình trước và sau khi tái định cư. Trên cơ sở đánh giá đó mà phát hiện những vấn đề bức xúc cần giải quyết và đề xuất một số giải pháp để hổ trợ nhằm mục đích khôi phục và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân sau tái định cư.
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các hộ gia đình tái định cư, với các nhóm chính là: nhóm hộ tái định cư thuộc chương trình nhận căn hộ, nhóm hộ tái định cư thuộc chương trình nhận nền nhà, nhóm hộ nhận tiền tự lo và nhóm hộ tạm cư. Để phù hợp với thời gian, kinh phí và lực lượng nghiên cứu, đề tài chỉ nghiên cứu mẫu điển hình ở một số dự án khác nhau là có thời gian thực hiện khác nhau đó là các dự án trong chương trình nâng cấp đô thị được tái định cư ở chung cư Bình Phú thuộc phường 11, quận 6; chương trình Nhiêu Lộc – Thị Nghè; dự án 415; khu tái định cư 10ha và tạm cư của 38ha và một số dự án nhỏ lẻ khác nằm trên địa bàn quận 7.
I.2. Phương pháp nghiên cứu và các công cụ điều tra
Cuộc nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu định lượng để khai thác các số liệu, thông tin từ những công trình nghiên cứu hiện có và thực hiện những cuộc điều tra thực địa bổ sung để làm rõ một số khía cạnh của việc nghiên cứu mà chưa có hoặc ít được đề cập từ trước đến đây.
Đề tài sử dụng các công cụ điều tra: phỏng vấn bằng bảng hỏi các nhóm đối tượng tái định cư; phỏng vấn sâu những người có liên quan đến việc tái định cư như: Ban quản lý các dự án, chính quyền địa phương, nhân viên xã hội chăm lo cho người dân tái định cư,…; thảo luận nhóm tập trung một số chủ hộ tái định cư thuộc dự án 415.
I.3. Tổ chức và lựa chọn địa bàn điều tra:
Công tác tổ chức để tiến hành chọn mẫu và các dự án điều tra được chủ nhiệm đề tài triển khai và đến gặp ban quản lý các dự án tái định cư trên địa bàn TP.HCM vào đầu tháng 5/2006. Sau khi làm việc với ban quản lý các dự án và dựa trên yêu cầu đặt ra của đề tài là lựa chọn các hộ nằm trong diện tái định cư theo chương trình chọn căn hộ chung cư, tái định cư nền nhà, nhận tiền tự lo nơi ở mới và các hộ hiện nay đang tạm cư, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn được các dự án và chương trình phù hợp như: Các dự án trong chương trình nâng cấp đô thị được tái định cư ở chung cư Bình Phú thuộc phường 11, quận 6; chương trình Nhiêu Lộc – Thị Nghè; dự án 415; khu tái định cư 10ha và tạm cư của 38ha và một số dự án nhỏ lẻ khác nằm trên địa bàn quận 7.
I.4. Phương pháp chọn mẫu và tổ chức điều tra:
Tổng số mẫu điều tra hộ tái định cư của đề tài là 300 đơn vị mẫu được lựa chọn từ các dự án như: dự án kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, dự án Nâng cấp đô thị, dự án kênh Tân Hoá – Lò Gốm, khu tái định cư 10 ha và tạm cư của 38 ha và một số dự án nhỏ lẻ khác nằm trên địa bàn quận 7. Đề tài chọn 300 hộ tái định cư để nghiên cứu không nhằm đại diện cho tình hình tái định cư chung của thành phố nhưng để có số liệu mô tả cuộc sống “hậu tái định cư” của người dân tái định cư ở một số dự án, từ đó, phát hiện ra được những vấn đề nổi cộm mà các cộng đồng này đang gặp phải và nguyên nhân của những vấn đề đó, rồi đề ra một số giải pháp cho tình hình tái định cư hiện nay.
Các dự án đã được lựa chọn điều tra gồm các hộ gia đình nằm trong diện bị di dời và bị giải tỏa hoàn toàn nhà ở. Các hộ gia đình được lựa chọn là các hộ đã lựa chọn các phương án tái định cư: nhận căn hộ chung cư, nhận nền nhà, nhận tiền để tự lo chỗ ở mới và tạm cư chờ tái định cư. Nhóm hộ nhận căn hộ chiếm 55,3% trên tổng số mẫu lựa chọn; nhận nền là 26,3%; chỉ có 8,0% là nhận tiền tự lo và tạm cư là 10,3%. Trong đó dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè là 17,0%; dự án Nâng cấp đô thị là 19,7%; Tân Hóa – Lò Gốm 24,0%; còn lại 39,3% là các dự án khác.
I.5. Đặc điểm của các dự án lựa chọn điều tra:
Dự án phường Phú Mỹ - quận 7: gồm một số dự án nằm trên địa bàn phường và các hộ dân ở các dự án của quận đã được bố trí mở rộng đường Cao Văn Lầu, mở rộng hẻm và các hộ gia đình có diện tích lấn chiếm để mở rộng đường và nạo vét sông rạch trên địa bàn.
Chung cư Hà Kiều –Gò Vấp (Nhiêu Lộc – Thị Nghè): do Công ty Phát triển nhà Phú Nhuận xây và bán cho cán bộ công nhân viên Ngân hàng Đông Á và cán bộ công ty phát triển Nhà. Công ty Công ích quận Gò Vấp đã mua lại 3 block để bố trí tái định cư các hộ thuộc dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Chung cư Lò Gốm – quận 6 (dự án 415): là chung cư xây dựng tái định cư cho các hộ gia đình bị giải tỏa kênh Tân Hóa – Lò Gốm thuộc dự án 415 - dự án thí điểm cho các hộ bị giải tỏa trong chương trình đa mục tiêu của chính phủ.
Dự án 10 ha – phường Tân Thới Nhất, quận 12: do Sở Giao thông Công chánh làm ban quản lý. Đây là dự án tái định cư nền cho các đối tượng được giải tỏa mở rộng đường Trường Chinh và đường ống cấp nước Sài Gòn đi ngang qua khu vực quận 12.
Phường Bình Hưng Hòa A – Bình Tân (dự án 415): Đây là khu vực tái định cư dành cho các hộ nhận tái định cư nền bị diện giải tỏa nhà trên kênh Tân Hóa – Lò Gốm.
Chung cư Bình Phú – quận 6: dành cho các dự án nằm trong chương trình nâng cấp đô thị của thành phố, đa số các hộ gia đình tái định cư ở chung cư này là các hộ bị giải tỏa đều nằm trên địa bàn quận 6.
Chung cư Huỳnh Văn Chính – phường Phú Trung, quận Tân Phú: chung cư nằm hơi xa trung tâm thành phố nhưng đã thực hiện tốt các mục tiêu tái định cư như: gần trường, gần chợ, các hộ không gặp khó khăn khi chuyển trường cho con.
I.6. Nội dung phiếu hỏi hộ gia đình tái định cư:
Nội dung phiếu hỏi hộ gia đình bao gồm 6 vấn đề lớn : (1) Thông tin kinh tế xã hội về tất cả mọi người đang cùng chung sống trong hộ gia đình; (2) Những biến đổi về việc làm, thu nhập và điều kiện làm ăn; (3) Những biến đổi về nhà ở và điều kiện sinh hoạt; (4) Những biến đổi về giáo dục và đào tạo; (5) Những biến đổi về việc khám chữa bệnh, mua sắm và sử dụng dịch vụ; (6) Ý kiến và nguyện vọng của gia đình
I.7. Tiến hành điều tra và Tổ chức hội thảo thu thập ý kiến:
Việc tiến hành điều tra bao gồm các bước sau: lập danh sách và chọn đối tượng phỏng vấn, huấn luyện điều tra viên, tiến hành điều tra thực tế, kiểm tra phiếu, nhập thông tin, mã hóa và làm sạch số liệu, thiết kế các bảng biểu và đặt ra yêu cầu phân tích, xây dựng đề cương và báo cáo sơ kết điều tra. Giữa tháng 12 năm 2006, sau khi hoàn thành báo cáo sơ khởi, nhóm nghiên cứu đã tổ chức một cuộc hội thảo để thu thập ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý
Thực trạng đời sống kinh tế xã hội các hộ gia đình sau tái định cư: vấn đề và giải pháp
Thực trạng đời sống kinh tế xã hội các hộ gia đình sau tái định cư: vấn đề và giải pháp
Chủ nhiệm: Th.S. Lê Văn Thành
Thành viên tham gia: CN.Vũ Quang Diễm Chi, CN.Huỳnh Phúc Danh, CN.Đào Thị Hồng Hoa, ThS. Trịnh Minh Huyền, TS.Hoàng Mai Khanh, CN.Trần Nhật Nguyên, CN.Trần Anh Tuấn, CN.Lê Minh Tuyên, CN.Nguyễn Thị Tường Vân, CN.Nguyễn Thị Cẩm Vân, CN.Nguyễn Thị Như Ý.
Trong quá trình phát triển đi lên của mình, hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều phải có những chính sách điều chỉnh, quy hoạch lại không gian đô thị cho phù hợp với tình hình phát triển của thành phố. Những nhu cầu phát triển của các thành phố lớn như: phát triển thương mại, phát triển đầu tư, nhu cầu chỉnh trang đô thị, cải thiện cơ sở hạ tầng cũng đòi hỏi phải có sự điều chỉnh và di dời một số bộ phận dân cư có liên quan. Tuy nhiên, việc giải toả, di dời, tái định cư không chỉ dừng lại ở việc đưa một bộ phận dân cư từ nơi ở này sang nơi ở khác, mà tái định cư còn liên quan đến rất nhiều vấn đề như: công ăn việc làm, học hành, y tế, sự tiếp cận các dịch vụ đô thị, nhà ở, các quan hệ xã hội,…Do đó, tái định cư cần được nhìn nhận là một quá trình thay đổi có tính hệ thống về kinh tế, văn hoá, xã hội của một bộ phận dân cư hơn là chỉ dừng lại ở việc xem xét đây là quá trình thay đổi chỗ ở của người dân. Chính sách và những hành động hỗ trợ thực tế đóng một vai trò, nếu không muốn nói là có tính quyết định trong việc ổn định cuộc sống người dân tái định cư, trước mắt là nhận ngôi nhà mới, và cả về lâu dài cho “cuộc sống sau tái định cư”.
Ngân Hàng Thế Giới đã đưa ra những nguyên tắc thiết thực cho quá trình tái định cư dựa trên quan điểm vì con người như: hạn chế tối đa việc di dời, việc di dời chỉ thực hiện đối với những nơi thật cần thiết và không thể tránh khỏi, phải đảm bảo cho người bị di dời được trợ giúp một cách tốt nhất để họ có thể phục hồi và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tái định cư được cảnh báo là có thể dẫn đến những nguy cơ như: người dân phải đối mặt với nguy cơ đói nghèo khi những điều kiện sản xuất và những nguồn tạo thu nhập của họ mất đi, họ có thể bị di dời đến những nơi không có việc làm hay các tài nguyên kiếm sống không có nhiều khiến cho họ phải khai thác đến mức kiệt quệ các tài nguyên môi trường để sinh tồn, gây hại cho môi trường; các thiết chế cộng đồng và mạng lưới xã hội bị phá vỡ, các mối quan hệ họ hàng cũng bị ảnh hưởng; các yếu tố truyền thống, văn hoá có thể bị mất đi, cư dân tại chỗ các khu vực tái định cư không thân thiện hay không có những nét tương đồng về văn hoá. Đây là những tổn thất vô hình mà người dân tái định cư phải gánh chịu bên cạnh những mất mát về nhà cửa, đất đai. Trong việc tính toán chi phí cho tái định cư cần chú ý đến cả chi phí tái khôi phục đời sống kinh tế xã hội, và các dự án cần phải hoạch định nghiêm túc, không chỉ nghĩ đến lợi ích kinh tế mà còn phải quan tâm đến các lợi ích xã hội, môi trường và vấn đề giảm nghèo. Khi bắt buộc phải tiến hành giải toả di dời, trước tiên cần phải xây dựng một kế hoạch thực hiện thật chi tiết và cụ thể, kể cả kế hoạch quản lý hậu di dời, để bảo đảm rằng những người bị di dời, tối thiểu có cuộc sống tốt hơn hoặc ngang bằng so với nơi ở trước đây về khía cạnh kinh tế và xã hội. Người dân tái định cư phải được cung cấp đầy đủ các nguồn lực đầu tư và được tạo cơ hội hưởng lợi từ dự án. Họ phải được bồi thường mọi thiệt hại và mất mát do phải di dời, được hỗ trợ di dời và được trợ giúp trong suốt quá trình thích nghi với nơi ở mới, được hỗ trợ để nâng cao mức sống và thu nhập, để có cuộc sống tốt hơn hay ít nhất là bằng với trước tái định cư. Họ cũng phải được cung cấp đầy đủ đất đai, nhà ở, cơ sở hạ tầng và yếu tố khác, cung cấp thông tin và tư vấn về các mức bồi thường và các phương án tái định cư. Tuy nhiên thực tế một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ Trung Quốc, Ấn Độ, cho thấy công tác giải toả, di dời, tái định cư trong các dự án phát triển ở các nước này cũng đang gặp phải những vấn đề tương tự như ở Việt Nam. Đặc biệt là cuộc sống “hậu tái định cư” của người dân cũng chưa được quan tâm khiến cho người dân cũng gặp không ít khó khăn trong cuộc sống “hậu tái định cư”.
Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn, dân số gần 7 triệu dân và không ngừng tăng nhanh nhưng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật không thể tăng cùng đã tạo ra một sức ép rất lớn cho hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị của thành phố và cũng đặt ra một nhu cầu về nhà ở rất lớn. Nếu cả nước việc di dời tái định cư chủ yếu là phục vụ quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, chuyển đất nông nghiệp sang đất công nghiệp và dân cư thì ở Tp HCM, ngoài việc phục vụ cho xây dựng các khu cụm công nghiệp, thì vấn đề chỉnh trang và xây dựng mới đô thị là một yêu cầu rất cấp thiết, trong đó bao gồm cả việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị. Do vậy, về lâu dài, dù có cố gắng hạn chế tối đa thì việc di dời, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất ở TP HCM vẫn phải tiếp diễn trên quy mô không nhỏ.
Với quyết tâm xây dựng một Thành phố văn minh hiện đại, Chính quyền Thành phố đã xem vấn đề di dời tái định cư là một trong những chương trình trọng điểm của Thành phố để nhằm chỉnh trang nâng cấp đô thị cho phù hợp với sự phát triển của quá trình đô thị hoá. Nhiều dự án đã giải tỏa được hàng chục ngàn căn nhà ổ chuột, sắp xếp chỗ ở khang trang trong các chung cư cao tầng cho rất nhiều hộ dân có thu nhập thấp, dãn bớt dân ra các vùng ven, làm sạch các kênh rạch bị ô nhiễm, cải tạo được nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng cũ kỹ, góp phần tạo nên một bộ mặt mới sạch đẹp, văn minh cho Thành phố. Chính quyền vẫn luôn cố gắng tìm mọi cách để hỗ trợ cho người dân tái định cư, giúp họ phục hồi và nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ năm 1998, Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-TU để lãnh đạo công tác quy hoạch, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và tái bố trí dân cư trên địa bàn TP.HCM. Nghị quyết nêu rõ: “Chính sách bồi thường phải đảm bảo tái tạo lại được nơi ở mới, cuộc sống mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ cho những người có nhà ở hợp pháp, hợp lệ, đang sinh sống ổn định. Chính sách phải đảm bảo được lợi ích hài hoà giữa người dân bị thu hồi đất, nhà đầu tư và Nhà nước”. Từ khi có nghị quyết số 18/NQ-TU, việc thực hiện chính sách di dời và tái định cư trên địa bàn TP.HCM đã có những đổi thay đáng kể, ngày càng có lợi cho người dân. Chính quyền Thành phố cố gắng trong việc thực hiện các chương trình tái định cư nhằm ổn định nhanh chóng cuộc sống của người dân sau khi bị giải toả, di dời..
Mục tiêu cơ bản của đề tài là đánh giá sự biến đổi các đặc điểm kinh tế xã hội các hộ gia đình trước và sau khi tái định cư. Trên cơ sở đánh giá đó mà phát hiện những vấn đề bức xúc cần giải quyết và đề xuất một số giải pháp để hỗ trợ nhằm mục đích khôi phục và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân sau tái định cư. Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các hộ gia đình tái định cư bị di dời và giải toả hoàn toàn nhà ở, với các nhóm chính là: nhóm hộ tái định cư thuộc chương trình nhận căn hộ, nhóm hộ tái định cư thuộc chương trình nhận nền nhà, nhóm hộ nhận tiền tự lo và nhóm hộ tạm cư. Đề tài khai thác các số liệu, thông tin từ những công trình nghiên cứu đã có và thực hiện những cuộc điều tra thực địa bổ sung để làm rõ thêm một số khía cạnh. Đề tài sử dụng các công cụ điều tra: phỏng vấn bằng bảng hỏi các nhóm đối tượng tái định cư; phỏng vấn sâu những người có liên quan đến việc tái định cư như: Ban quản lý các dự án, chính quyền địa phương, nhân viên xã hội chăm lo cho người dân tái định cư, và thảo luận nhóm trong cộng đồng người dân TĐC. Đề tài chọn 300 hộ tái định cư, sau khi làm việc với các Ban Quản lý Dự án, để nghiên cứu không nhằm đại diện cho tình hình tái định cư chung của Thành phố nhưng để có số liệu mô tả cuộc sống “hậu tái định cư” của người dân tái định cư ở một số dự án, từ đó, phát hiện ra những vấn đề nổi cộm mà các cộng đồng này đang gặp phải và nguyên nhân của những vấn đề đó, rồi đề ra một số giải pháp cho tình hình tái định cư hiện nay. Đối tượng được lựa chọn điều tra gồm các hộ gia đình nằm trong diện bị di dời và bị giải tỏa hoàn toàn nhà ở và họ đã lựa chọn các phương án tái định cư khác nhau: nhận căn hộ chung cư, nhận nền nhà, nhận tiền để tự lo chỗ ở mới và tạm cư chờ tái định cư. Họ được phỏng vấn trên 6 vấn đề lớn : (1) Thông tin kinh tế xã hội về tất cả mọi người đang cùng chung sống trong hộ gia đình; (2) Những biến đổi về việc làm, thu nhập và điều kiện làm ăn; (3) Những biến đổi về nhà ở và điều kiện sinh hoạt; (4) Những biến đổi về giáo dục và đào tạo; (5) Những biến đổi về việc khám chữa bệnh, mua sắm và sử dụng dịch vụ; (6) Ý kiến và nguyện vọng của gia đình. Đặc điểm của các khu tái định cư được lựa chọn điều tra trãi rộng từ nội thành đến các quận ven như Khu tái định cư phường Phú Mỹ - quận 7, Chung cư Hà Kiều–Gò Vấp (Nhiêu Lộc – Thị Nghè), Chung cư Lò Gốm – quận 6 và Khu tái định cư Bình Hưng Hòa A – Bình Tân (dự án 415), Khu tái định cư 10ha – phường Tân Thới Nhất, quận 12, Chung cư Bình Phú – quận 6, và Chung cư Huỳnh Văn Chính – phường Phú Trung, quận Tân Phú. Việc tiến hành điều tra tuân thủ đầy đủ các bước sau: lập danh sách và chọn đối tượng phỏng vấn, huấn luyện điều tra viên, tiến hành điều tra thực tế, kiểm tra phiếu, nhập thông tin, mã hóa và làm sạch số liệu, thiết kế các bảng biểu và đặt ra yêu cầu phân tích, xây dựng đề cương và báo cáo sơ kết điều tra, tổ chức hội thảo để thu thập ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý.
Đề tài không chỉ dừng lại ở việc khảo sát thực trạng cuộc sống của người dân tái định cư bằng các câu hỏi cảm nhận chủ quan của người trả lời về những thay đổi trong cuộc sống của họ sau tái định cư, mà đề tài còn cố gắng đặt ra những câu hỏi mang tính định lượng khách quan để có thể khảo sát sâu hơn và chính xác hơn những thay đổi này, cũng như những nguyên nhân của chúng và đề xuất những giải pháp thích hợp. Nhìn chung, có thể thấy đa số các hộ tái định cư mà đề tài nghiên cứu là những hộ tái định cư theo chương trình: nhận căn hộ hoặc nhận nền nhà. Đa số họ là những người có thu nhập từ thấp đến trung bình, mức sống không cao. Họ không có khả năng tự tìm nơi ở mới cho mình sau khi bị giải toả. Đặc điểm lớn nhất của họ là họ thực hiện quá trình di dời, tái định cư theo kế hoạch và tổ chức của Nhà nước. Chính vì vậy, họ là đối tượng được hỗ trợ nhiều nhất trong cộng đồng dân di dời và tái định cư. Với những đặc điểm như vậy thì cuộc sống của nhóm dân cư này đã thay đổi như thế nào sau tái định cư?
Về việc làm, tỷ lệ người thay đổi việc làm khá thấp, chỉ chiếm 12,7% trong tổng số người đang làm việc hiện nay. Tuy nhiên, những con số thể hiện sự “ít thay đổi” này không phải là những con số khả quan. Việc đa số người dân không thay đổi việc làm không phải là một tín hiệu tốt, thể hiện khả năng tự ổn định cuộc sống của người dân sau tái định cư. Mà thực tế cho thấy, do người dân tái định cư thường không được bố trí tái định cư tại những nơi có nhiều nhu cầu việc làm hay có thị trường buôn bán thuận lợi nên đa số họ phải quay lại nơi ở cũ để làm việc và buôn bán. Chính sự “không thể thay đổi” ấy khiến họ phải chịu đựng những khó khăn, chịu đựng những tổn thất để giữ được công việc làm cũ nhằm tạo ra thu nhập cho gia đình. Và việc người dân không tìm được việc làm ở nơi ở mới cũng thể hiện sự khó khăn trong việc hoà nhập vào cộng đồng dân cư mới của người dân tái định cư.
Về thu nhập, đa số hộ có thu nhập thấp hơn lúc trước khi tái định cư, đồng thời chi phí cho cuộc sống của hầu hết các hộ dân đều tăng lên. Sự giảm sút về thu nhập cho thấy những khó khăn mà người dân phải chịu trong công việc làm ăn. Tuy người dân không thay đổi việc làm nhưng thu nhập họ kiếm được từ công việc làm ăn đã bị giảm sút do những khó khăn vì phải di chuyển chỗ ở, hoặc do những phí tổn do phải đi làm xa, và thậm chí có những phí tổn mà người dân không nhận thức hết được. Những khó khăn này trong thu nhập của người dân nên được coi là một trong những chỉ báo về sự không ổn định của người dân sau tái định cư để có những chính sách hỗ trợ tích cực hơn cho họ.
Ở lĩnh vực học hành, hầu hết con em các hộ gia đình tái định cư phải quay lại trường cũ để học, vì giấy tờ thủ tục khó khăn, nơi ở mới thiếu cơ sở vật chất, những giới hạn của định biên tài chính trong ngành giáo dục,….; và việc quay lại trường cũ học gây ra nhiều khó khăn cho các em học sinh cũng như các bậc phụ huynh. Chỉ có 10,8% học sinh chuyển trường đến gần nơi ở mới là một tỷ lệ đáng quan tâm, nó thể hiện sự khó khăn trong hoà nhập vào cộng đồng dân cư nơi ở mới của người dân tái định cư. Tỷ lệ khá đông học sinh phải tiếp tục học ở trường cũ gây ra khá nhiều những “tổn thất vô hình” như những xáo trộn về thời gian, những tổn thất về sức khoẻ và tâm lý cho người dân. Những khó khăn khác trong việc học hành của con em các hộ gia đình tái định cư như: tái định cư tác động mạnh mẽ đến việc học hành của con em các hộ nghèo dẫn đến tình trạng bỏ học do tái định cư,… Chính vì thế, các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến việc tạo thêm những điều kiện thuận lợi, tạo sự thông thoáng về giấy tờ hành chính để người dân có thể dễ dàng hơn trong việc chuyển trường cho con cái. Và một vấn đề mang tính lâu dài khác cũng cần quan tâm là việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về trường lớp, giáo viên ở các nơi ở mới cho con em các hộ gia đình tái định cư để tạo sự thuận lợi cho cả người đến và cả nơi tiếp nhận.
Về việc học nghề, đa số người dân tái định cư không học nghề và không có nguyện vọng học nghề. Họ chưa ý thức được tầm quan trọng của việc có đựơc một trình độ chuyên môn nhất định để có thể có được nghề nghiệp ổn định tại nơi ở mới, không tha thiết với việc học hay tìm một nghề mới (có thể họ thiếu sự hướng dẫn) và họ chỉ quan tâm đến công việc cũ họ đang làm. Bên cạnh đó, những nơi bố trí tái định cư cho người dân thường không phải là những nơi có nhiều nhà máy, xí nghiệp hay cơ sở sản xuất, nên môi trường ở mới này không khuyến khích và thúc đẩy người dân có nguyện vọng học nghề. Đa số dân tái định cư là dân nghèo nên nhu cầu cuộc sống quá bức bách khiến họ phải tham gia ngay vào thị trường lao động mà không có thời gian học nghề; đồng thời kinh phí hỗ trợ việc học nghề cho người dân tái định cư hiện nay còn thấp khiến cho người dân khó có thể trang trải trong suốt thời gian học nghề. Đồng thời, chất lượng của các trường dạy nghề tại Thành phố hiện nay cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn nên chưa tạo được niềm tin nơi người dân.
Điều kiện nhà ở của người dân sau tái định cư được cải thiện rất nhiều, người dân được ở trong những ngôi nhà kiên cố hơn, với tình trạng nhà ở tốt hơn và tỷ lệ nhà tạm bợ giảm đáng kể. Điều này cho thấy các dự án tái định cư đã phần nào thành công trong việc tạo điều kiện cho người dân có được những chỗ ở khang trang, sạch sẽ, góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đa số người dân chưa có sổ hồng hay sổ đỏ để đựơc thừa nhận quyền sở hữu nhà đất chính thức. Việc chưa có giấy tờ nhà chính thức khiến cho người dân cảm thấy rất sốt ruột và bất an, không thể thế chấp nhà cho ngân hàng khi cần vay vốn làm ăn hoặc không thể bán nhà đang ở để chuyển chỗ ở khác. Tình trạng giấy tờ nhà ở của người dân tái định cư chính là một trong những yếu tố “phi vật chất” mà các cấp có trách nhiệm cần quan tâm nhiều hơn để tạo tâm lý ổn định cho người dân.
Về các điều kiện sinh hoạt khác, đa số hộ dân cho rằng các điều kiện sinh hoạt trong khu vực cư trú mới của họ tốt hơn nơi ở cũ. Hầu hết các hộ đều có nhà vệ sinh riêng, có đồng hồ điện và đồng hồ nước riêng. Tình trạng vệ sinh môi trường tốt hơn, tiếng ồn giảm nhiều, tỷ lệ hộ bị ngập nước vào mùa mưa giảm. Hệ thống đường giao thông trong khu vực cũng tốt hơn và tình hình an ninh trong khu vực cũng được bảo đảm.
Về việc tiếp cận các dịch vụ đô thị, chưa có đủ các cơ sở y tế trong các khu tái định cư của người dân và các cơ sở y tế cũng chưa tạo được niềm tin đối với người dân, điều này thể hiện ở gần 1/2 số hộ dân không lựa chọn khám bệnh tại các cơ sở y tế gần nhà. Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy tất cả các dịch vụ xã hội như: siêu thị, shop quần áo, bưu điện, các loại hình giải trí (bida, internet,…), quán ăn và tiệm tạp hoá đều rất gần các khu chung cư, một số gần các khu tái định cư nhận nền nhà nên việc tiếp cận các dịch vụ này của các hộ tái định cư theo chương trình khá thuận lợi. Còn các hộ thuộc diện “nhận tiền tự lo” hoặc “tạm cư” gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội vì do lý do kinh tế nên họ thường chọn ở tại những khu vực tồi tàn, chưa có đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như các dịch vụ xã hội. Rõ ràng là các hộ tái định cư theo chương trình thường nhận được khá nhiều các điều kiện thuận lợi để ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Ban quản lý các dự án nên trình bày và phân tích rõ tất cả các nội dung này cho các hộ dân thuộc diện phải giải toả di dời và khuyến khích họ đi theo chương trình tái định cư của Nhà nước để có được sự hỗ trợ cần thiết cho việc ổn định cuộc sống.
Về các quan hệ xã hội, đa số hộ gia đình vẫn giữ được quan hệ như cũ với hàng xóm cũ của mình. Đặc biệt, các hộ gia đình về tái định cư ở cùng một nơi mới đã có được mối quan hệ rất tốt với nhau, họ quan tâm giúp đỡ nhau rất nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh đó, người dân tái định cư cũng còn gặp khá nhiều khó khăn trong việc hoà nhập với cộng đồng dân cư (tại chỗ) nơi ở mới, và ở một số nơi cũng đã xảy ra những mâu thuẫn không đáng có (ví dụ như cộng đồng tái định cư tại phường Bình Hưng Hoà A thuộc dự án 415). Mặc dù đây chưa phải là vấn đề lớn nhưng thiết nghĩ, các cấp có trách nhiệm cũng cần quan tâm hơn đến vấn đề này để giúp cho người dân tái định cư được “an cư” tại nơi ở mới.
Chính quyền địa phương nơi đến có vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp đỡ, hỗ trợ người dân tái định cư ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống. Những hỗ trợ từ phía chính quyền, đoàn thể cho các hộ gia đình tái định cư nhằm ổn định cuộc sống chỉ mới dừng lại ở chỗ giải quyết một số thủ tục hành chính. Trong khi đó, thực tế cho thấy, để có thể ổn định cuộc sống, người dân tái định cư cần được hỗ trợ trong các lĩnh vực của thực tế cuộc sống “hậu tái định cư” như: giúp tìm việc làm, hỗ trợ làm ăn buôn bán, giúp học nghề, giúp đỡ hoàn tất các thủ tục hành chính, giúp đỡ cho con em được đến trường thuận lợi tại nơi ở mới,…. Thực tế một số chính quyền địa phương nơi đến vẫn chưa làm tốt các chức năng của mình trong việc quan tâm, chăm sóc những người dân tái định cư mới đến. Ở một số dự án, đặc biệt là ở những nơi người dân mới đến tái định cư (điển hình là khu tái định cư Bình Hưng Hoà thuộc Dự án 415), người dân tái định cư chưa được thừa nhận là cư dân chính thức của địa phương, không được tham gia vào tổ dân phố, vào các tổ chức xã hội và chưa được hưởng những sự chăm sóc như: bảo hiểm y tế, xoá đói giảm nghèo, tiêm chủng phòng bệnh,…. Những hạn chế về nhân lực, về vật lực của các cơ quan chính quyền địa phương nơi đến cũng khiến cho họ không có khả năng chăm lo thêm cho một bộ phận dân cư mới. Đồng thời, thực tế cho thấy, đôi khi một địa phương phải nhận quá nhiều dân tái định cư từ các dự án khác nhau đến nên họ không có khả năng cũng như điều kiện để chăm sóc tất cả các bộ phận dân cư mới này. Khi xây dựng các chương trình tái định cư, Ban quản lý các dự án cần trao đổi và làm việc kỹ lưỡng với chính quyền địa phương các khu vực tái định cư để các địa phương có sự chuẩn bị và có những phương án chăm sóc người dân tốt nhất.
Qua cuộc điều tra, nếu chỉ nhìn bên ngoài về mặt số liệu, có thể thấy tái định cư không gây ra những thay đổi đáng kể nào, như tỷ lệ người thay đổi tình trạng hoạt động và thay đổi việc làm không cao, tỷ lệ trẻ em ở độ tuổi đi học chuyển trường không nhiều,….Tuy nhiên, khi đi sâu vào phân tích mới có thể thấy được những vấn đề, những khó khăn mà người dân tái định cư đang phải chịu. Người dân có thể không thay đổi việc làm, các em học sinh có thể không chuyển trường nhiều,…nhưng chính “sự không thể thay đổi ấy” đã khiến cho cuộc sống sau tái định cư của người dân gặp khó khăn hơn rất nhiều. Có thể thấy, cuộc sống “hậu tái định cư” của người dân không biến động theo chiều nổi nhưng theo chiều sâu. Và những sự biến động theo chiều sâu đó chính là những tổn hại “phi vật chất”, những thiệt hại “vô hình” đã được nhắc đến nhiều trong các khuyến cáo của các tổ chức quốc tế nhưng chưa được quan tâm nhiều ở Việt Nam. Như vậy, có thể thấy cuộc sống “hậu tái định cư” của các hộ gia đình còn gặp khá nhiều khó khăn và khả năng phục hồi, nâng cao chất lượng cuộc sống sau tái định cư là khá chậm. Nguyên nhân của vấn đề này là do các dự án, các chương trình tái định cư chỉ mới quan tâm chăm lo cho vấn đề nhà ở của người dân mà chưa chú trọng đến những yếu tố kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường cùng những vấn đề “vô hình” khác. Trong mỗi dự án phát triển cần hạn chế di dời hay di dời ở mức tối thiểu để người dân không phải chịu những xáo trộn, những tổn thất cả “hữu hình” và “vô hình” do giải toả, di dời và tái định cư mang lại. Đồng thời, khi mỗi dự án được đề ra, trước hết cần có các cuộc điều tra xã hội học để tìm hiểu đầy đủ thông tin kinh tế xã hội và nguyện vọng của các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án để có thể có những chính sách bồi thường, giải toả, tái định cư thích hợp và định hướng nghề nghiệp, công ăn việc làm của họ sau này. Để có thể có được sự hỗ trợ toàn diện về tất cả các mặt cho người dân tái định cư cần phải có nguồn kinh phí rất lớn. Nguồn kinh phí này có thể huy động từ ngân sách Nhà nước, từ các nguồn viện trợ, và nhất là từ những đối tượng được hưởng lợi từ dự án, như các nhà đầu tư và kể cả người dân còn ở lại.
Hơn nữa, các dự án cũng nên quan tâm đến vai trò của các nhân viên công tác xã hội (như dự án 415 đã làm) như là những cầu nối giữa Ban quản lý dự án và người dân để giúp giải quyết thấu đáo những vấn đề, những khúc mắc giữa hai bên. Đồng thời, cần thành lập một cơ quan chuyên trách về “Hậu tái định cư” hoặc một bộ phận của từng dự án, bao gồm các nhân viên công tác xã hội, là những người có kỹ năng đi sâu sát vào tình hình cuộc sống của người dân, để theo dõi cuộc sống các hộ gia đình sau tái định cư về tất cả các mặt như: kinh tế, giáo dục con em, điều kiện sinh hoạt, và tất cả các vấn đề khác. Sự hỗ trợ của cơ quan này cần kéo dài trong khoảng thời gian từ 2 – 3 năm để tránh sự hụt hẫng cho người dân tái định cư. Đồng thời cần có sự chuyển tiếp thật đồng bộ giữa cơ quan này với chính quyền địa phương các khu vực tái định cư. Có như thế mới đảm bảo được cuộc sống “hậu tái định cư” thật sự ổn định cho người dân. Đây là một phát hiện và kiến nghị chính của đề tài vì qua khảo sát việc tổ chức thực hiện các chính sách còn nhiều khó khăn và người dân chưa được giải thích, hướng dẫn cụ thể chi tiết. Chúng ta không có một hình ảnh quá bi quan về người tái định cư, như một số nhận định chủ quan, nhưng còn cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ nhiều phía để cuộc sống họ ổn định và tốt hơn. Một cuộc đổi đời bao giờ cũng phải trải qua nhiều trăn trở, có khi đau đớn nhưng tương lai chắc sẽ phải sáng sủa hơn. Ngôi nhà khang trang, sạch sẽ, mà nhiều gia đình tái định cư tưởng chừng như trong mơ, có lẽ là một hình ảnh tiêu biểu nhất cho kết quả của việc tái định cư.
Nguồn: Viện Kinh tế HCM
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét