15 tháng 6, 2008

ĐỊNH HƯỚNG DƯ LUẬN XÃ HỘI TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VỀ VIỆC LẤY CHỒNG ĐÀI LOAN


ĐỊNH HƯỚNG DƯ LUẬN XÃ HỘI TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VỀ VIỆC LẤY CHỒNG ĐÀI LOAN
(Nghiên cứu tại 6 tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang)
Phạm Thị Thuỳ Trang*

Nhiều năm trở lại đây, việc kết hôn với người nước ngoài nói chung và với người Đài Loan nói riêng đã trở thành một hiện tượng xã hội ở nước ta, đặc biệt là xu hướng lấy chồng Đài Loan của nữ thanh niên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tượng này hàm chứa trong nó nhiều vấn đề phức tạp, từ sự chênh lệch về tuổi tác, sự cách biệt về không gian, khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá… và cùng với nó là tệ nạn buôn bán phụ nữ, sự lan truyền của lối sống chuộng vật chất trong cộng đồng dân cư và các vấn đề xã hội khác.
Trong bài viết này, chúng tôi khảo sát thái độ đánh giá của cộng đồng về hiện tượng kết hôn với người Đài Loan trên cơ sở kết quả phân tích thông tin định lượng, định tính qua các biên bản phỏng vấn sâu cá nhân đối với các cán bộ Sở Tư pháp tỉnh, các cán bộ xã (công an, chính quyền, hội Phụ nữ, Tư pháp…), đối với cha mẹ các cô gái trong một đề tài nghiên cứu ở 6 tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang)”.
Ngoài ra, dư luận xã hội đối với vấn đề này còn được phản ánh một cách phong phú qua nội dung những cuộc thảo luận nhóm đối với các nhóm tuổi khác nhau (thanh niên, trung niên, người cao tuổi…).
1. Bức tranh về thực trạng phụ nữ lấy chồng Đài Loan qua các phương tiện truyền thông đại chúng
Trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, vấn đề kết hôn với người nước ngoài là điều bình thường. Nhưng so với hôn nhân trong nước, các cuộc hôn nhân xuyên quốc gia giữa người Việt Nam và người nước ngoài phức tạp hơn về thủ tục pháp lý và có nhiều cản ngại về quan niệm, tập tục truyền thống và sự khác biệt về văn hoá. Trong thời gian qua, tỷ lệ cô dâu Việt kết hôn với các chàng rể Đài Loan tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vượt trội so với toàn quốc. Các phương tiện truyền thông đại chúng đã đưa nhiều thông tin về hiện tượng phụ nữ lấy chồng Đài Loan gắn với hình ảnh bất hạnh của các nàng dâu Việt Nam trong hôn nhân Đài – Việt, nguy cơ nảy sinh các tệ nạn xã hội như buôn bán phụ nữ, lạm dụng tình dục,... Trên các mặt báo, những trường hợp bất hạnh được đề cập nhiều hơn những trường hợp hạnh phúc. Những câu chuyện kể về những số phận bất hạnh cụ thể đã tác động mạnh đến dư luận.
Khung 1
“Cơ hội lấy chồng Đài Loan có được bao nhiêu? Than ôi, cầu ít, cung nhiều, chàng rể có máu mặt tích lũy được tiền vốn, tiền vé máy bay, tiền mua vợ bay từ Đài Loan sang đây ít lắm, trong khi đó các cô gái mới lớn lười học, lười lao động, muốn một chốc đổi đời thì nhiều vô kể, kìn kìn mang tuổi trẻ - là vốn duy nhất “trời cho” lên thành phố, mong ước là cô dâu tháo khoán cửa vào hạnh phúc với tỷ lệ: có một - ăn một, có bao nhiêu ăn bấy nhiêu, rút cuộc có lẽ đến hơn 90% tưởng bán được của “trời cho” lại hoá thành “trò chơi” đầu đường xó chợ, khu ổ chuột, đường dây tối đen như mực của hệ thống “chợ đàn bà” bán tất từ vợ đến thú vui dăm mười phút… Hạnh phúc làm sao lớn khi tình yêu không có trình tự, không chia sẻ, không thông cảm, chỉ co thắt trong phạm vi chiếc giường tình dục… Vậy để có hạnh phúc chỉ xin các cô gái một điều đơn giản nhưng chắc chắn: không có vận hội tình yêu lớn đậu trên trái tim lười nhác và dễ dãi. Kẻ không bao giờ gieo sẽ chẳng bao giờ gặt. Và tự bán mình rẻ như thóc mót chẳng bao giờ dám hi vọng: ta có thể là đĩa xôi trên bàn tiệc cuộc đời .”
Nguồn: “Duyên lạ xứ người”- Tạp chí Hạnh phúc gia đình
Tuy nhiên thực tế tại các địa bàn nghiên cứu, qua kết quả điều tra, chúng tôi nhận thấy tỉ lệ trường hợp thất bại trong hôn nhân Đài – Việt trở về thật sự không như những gì được miêu tả trên báo chí. Đồng ý rằng, tính định hướng của báo chí cần được đề cao nhưng cũng chính vì vậy, sự phiến diện của một số bài viết sẽ dẫn đến sự tiếp thu mang tính định kiến của quần chúng. Chúng ta sẽ khó thấy được thái độ khách quan của dư luận về vấn đề này khi mà họ không được cung cấp những thông tin một cách đầy đủ về thực trạng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan, cả những khía cạnh tiêu cực và tích cực.
Mục tiêu chủ yếu của những bài viết trên các phương tiện truyền thông đại chúng là nhằm tuyên truyền phổ biến cho người dân về một hiện tượng bất thường ngày càng tăng trong xã hội, qua đó góp phần ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực, cảnh báo những rủi ro như bị lừa gạt, rơi vào các đường dây buôn người… mà các cô gái Việt Nam và gia đình họ có thể gặp phải. Tuy nhiên, từ những bài biết như đã dẫn ở trên, chắc chắn sẽ có thêm một hệ quả mới phát sinh, mà nạn nhân của nó chính là những người trong cuộc. Thứ nhất, nó sẽ tạo ra rào cản vô hình ngăn chặn bước đường trở về của những cô gái không may mắn:
Khung 2
“Trên thực tế còn nhiều trường hợp chị em do bị đánh đập, ngược đãi mà trốn về nhưng vì “sĩ diện” với chòm xóm nên lên thành phố kiếm sống, phần lớn làm các nghề có nguy cơ trở thành mại dâm.”
Nguồn: “Thực trạng lấy chồng Đài Loan ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long - 47.1% do tâm lí thích lấy chồng ngoại?”, báo Phụ nữ, 25-09-2002, trang 5
Thứ hai, sự thiếu khách quan trong cách chuyển tải thông tin và những lời lẽ mang tính kỳ thị cũng vô hình trung tạo ra sự cách biệt giữa các cô gái lấy chồng Đài Loan và cộng đồng. Không lẽ không còn cách nào khác để định hướng dư luận xã hội? Theo chúng tôi, dù bằng cách nào chăng nữa, những biện pháp đó đều phải xuất phát từ quan điểm khách quan và tôn trọng con người.
Thông tin từ người dân và nội dung phỏng vấn sâu các cán bộ tại địa phương cho biết: các tổ chức chính quyền thực thi theo pháp luật (pháp luật ủng hộ quyền tự do con người), các tổ chức đoàn thể chưa tìm ra được các biện pháp hữu hiệu. Những cán bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại các xã, huyện cũng cho rằng, bản thân họ gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền vì những bằng cớ về các trường hợp bất hạnh mà họ giới thiệu với người dân cũng đều lấy từ các phương tiện truyền thông đại chúng.
2. Dư luận của cộng đồng người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long qua kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có sự thay đổi trong cách đánh giá của người dân về hiện tượng lấy chồng Đài Loan. Nếu như cách đây 10 năm, việc lấy chồng Đài Loan bị phê phán gay gắt thì hiện nay cộng đồng đã không còn coi đó là điều quá bất thường. Dư luận ở đồng bằng sông Cửu Long hiện đang chuyển từ chỗ phản đối lên án sang thái độ cảm thông và dần dần đồng tình.
Trong quá trình điều tra tại địa bàn 6 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhận xét về thái độ của bà con, 632 các bậc cha mẹ cô gái lấy chồng Đài Loan cho biết đa số họ hàng đồng ý, tán thành việc lấy chồng nước ngoài (ở mức độ trung bình 3,07 – Xem bảng 1). Những người họ hàng này cho rằng việc lấy chồng Đài Loan để giúp đỡ gia đình, báo hiếu cha mẹ là một việc tốt, đáng làm và họ ít nhiều cũng cảm thấy mừng cho gia đình của cô gái.
Bảng 1 - Đánh giá mức độ đồng tình của cộng đồng trước hiện tượng
cô gái lấy chồng Đài Loan (0 = Hoàn toàn phản đối, 4 = Hoàn toàn ủng hộ)
Mức độ đồng tình của bà con, họ hàng Mức độ đồng tình của hàng xóm Mức độ đồng tình của chính quyền

Đối với hàng xóm, láng giềng, cũng như chính quyền địa phương, hiện tượng các cô gái kết hôn với người Đài Loan là chủ đề được nhiều người quan tâm trong cộng đồng. Mức độ 623/635 người trả lời tán thành về hiện tượng này, trung bình là 2,78. (Bảng 1). Điều này cho thấy phần lớn người dân tại các “điểm nóng” đã đồng tình với các cuộc hôn nhân xuyên quốc gia này. Họ cho biết những người ở địa phương đầu tiên lấy chồng Đài Loan đã gây ra một dư luận xôn xao trong bà con làng xóm. Họ đã phải chịu sự dòm ngó, bán tán của những người xung quanh vì dư luận cho rằng các gia đình này “gả bán” con cái. Tuy nhiên, khi chứng kiến sự thay đổi trông thấy của các gia đình này, nhiều người đã thay đổi thái độ.
Thông tin từ các cuộc thảo luận nhóm tập trung cũng phản ánh dư luận của cộng đồng về hiện tượng này. Các nhóm tuổi khác nhau đều cho rằng họ không đồng tình, nhưng cảm thông. Có nhiều gia đình nhà tranh vách lá, thiếu đất, thiếu ruộng, không có công ăn việc làm. Các cô gái xuất thân từ những gia đình này phải lấy chồng nước ngoài như là một sự báo hiếu cho cha mẹ. Vì thế, nhiều người dân tại cộng đồng tỏ thái độ cảm thông, đôi khi họ còn cảm thấy vui mừng cho những gia đình đó vì họ đã khá hơn trước.

Khung 3
“ Ý chúng tôi muốn nói ở đây là bà con nhân dân ở đây không chấp nhận gả con cho Đài Loan hết đâu. Cá nhân hay là hoàn cảnh gì đó mà phải gả con thôi. Chứ còn ở đây, nói sự thật hồi nào tới giờ thì mình sẽ gả con ở đây là gọn nhất. Phải gả con ở đây thôi, nghèo giàu gì cũng được. Thí dụ, ông bà cha mẹ đau ốm thì mình cũng chạy lại thăm được. Lấy Đài Loan là thôi, chết cũng chưa về được nữa chứ đừng có nói đau ốm. Thành ra đó, thấy đồng tình, 100% bà con ở đây hưởng ứng như vậy. Cá nhân gia đình cá nhân người đó gả thì tuỳ ý người ta”.
Nguồn:Biên bản Thảo luận nhóm người cao tuổi Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
“Tán thành ủng hộ thì chắc không có nhưng mà có trường hợp có người lấy thì chắc là người ta cũng không phản đối gì? Có những gia đình do hoàn cảnh nghèo mà có người lấy thì có người người ta nói mừng cũng có người chê trách, hoặc cũng mừng vì cho gia đình đó đỡ khổ. Tùy từng người, người ta nhìn vào đó người ta nói”.
Nguồn: Biên bản thảo luận nhóm nam thanh niên tại thị xã Gò
Công, tỉnh Tiền Giang
“Thứ nhất, sự thông cảm dành cho gia cảnh gia đình cô gái, thứ hai là dành cho bản thân cô, vì báo hiếu cha mẹ mà sẵn sàng đón nhận những hậu quả khó lường trước được. Cuộc sống ở quê của các cô quá lam lũ thì chí ít đối với sự đổi đời có thể đạt tới cũng đủ khiến các cô chấp nhận rồi.”
“ Bởi vì cái chuyện gì người ta nên mần thì người ta mần, người ta làm được thì ta làm, mình có giúp được người ta đâu mà mình nói người ta. Theo ý kiến đó.... cũng như... con cái hoặc là chị em trong gia đình nó hy sinh được cho gia đình thì bà con lối xóm mừng dùm, chứ lời ra tiếng vô thì tụi em thấy ít lắm.”
Nguồn: Thảo luận nhóm nữ thanh niên tại Vĩnh Long, Cần Thơ)
Trong bảng hỏi thu thập ý kiến thanh niên, chúng tôi yêu cầu thanh niên trong cộng đồng xác định xem đối với họ, hiện tượng phụ nữ tại địa phương lấy chồng Đài Loan có phải là hiện tượng bình thường hay không. Kết quả xử lý từ 460 bảng hỏi phỏng vấn thanh niên từ 15 – 25 tuổi, cho thấy có đến 73,7% thanh niên cho rằng hiện tượng này là bình thường, chỉ có 19,6% cho là không bình thường. Đa số thanh niên còn cho rằng dư luận người dân địa phương đồng tình hơn là phản đối. Ở đây, học vấn có vai trò lớn đối với nhận thức của thanh niên về vấn đề này. Những thanh niên có học vấn càng thấp, tỷ lệ cho rằng việc lấy chồng Đài Loan là bình thường càng cao. Số thanh niên có trình độ học vấn cấp hai trở lên coi hiện tượng này là không bình thường cao hơn những nhóm có trình độ học vấn thấp hơn (Xem bảng 2).
Bảng 2. Thái độ của thanh niên trước hiện tượng phụ nữ kết hôn với người Đài Loan (tính theo phân tổ học vấn )


Tóm lại, dù có những biểu hiện tương đối khác nhau giữa thái độ của các nhóm, sự cảm thông vẫn là điểm dễ nhận thấy nhất.
Dư luận quần chúng cho rằng, sự cải thiện về kinh tế gia đình là mục tiêu quan trọng nhất mà những cô gái lấy chồng Đài Loan mong đợi. Còøn những nhận định về sự bất lợi ở tất cả các nhóm, đều xoay quanh vấn đề thiệt thòi về mặt tình cảm, con cái phải sống xa gia đình. (Xem Khung 4 – Phương pháp đánh giá nhanh đồng tham gia theo Mô hình cây vấn đề)
Khung 1a. MÔ HÌNH CÂY VẤN ĐỀ(Tổng hợp ý kiến cộng đồng qua các cuộc TLN )


Khung 4b. Ý nghĩa của cây vấn đề “Lấy chồng Đài Loan” theo cách lý giải của các nhóm
Thân cây tượng trưng cho vấn đề đặt ra để nghiên cứu: Phụ nữ lấy chồng Đài Loan. Rễ cây là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc phụ nữ lấy chồng Đài Loan, và tán lá là những hệ quả từ việc phụ nữ lấy chồng Đài Loan mang lại.
Nguyên nhân:
Theo mô hình cây vấn đề do các nhóm tuổi sắp xếp, đánh giá bao gồm những nguyên nhân sau:
Hoàn cảnh gia đình khó khăn: Gia đình các cô gái lấy chồng Đài Loan đa số nghèo, không có ruộng đất, không có vốn, phải đi vay nặng lãi. Có khi gia đình các cô gái khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, làm ăn thất bại, mùa màng thu hoạch không đủ trang trải chi phí sản xuất, lâm vào cảnh nợ nần. Các gia đình này cần tiền, cần vốn để làm ăn, trang trải nợ nần. Vì vậy, việc lấy chồng Đài Loan là một giải pháp tốt.
Trả hiếu cho cha mẹ: các cô gái muốn trả hiếu, giúp đỡ cha mẹ lúc gia đình gặp khó khăn. Việc trả hiếu này được coi như một trong những tiêu chuẩn của người con trong gia đình. Đây là việc làm tự nguyện.
Bản thân muốn đổi đời: trong số các cô gái lấy chồng Đài Loan, một số người chạy theo xu hướng và chán cảnh làm ruộng cực nhọc mà không có tiền. Bên cạnh đó do ham muốn đi đây đi đó, thay đổi cuộc sống, mong muốn có một tương lai tốt đẹp…
Hệ quả:
Tất cả các thành viên trong nhóm nhất trí rằng: việc phụ nữ lấy chồng Đài Loan dẫn đến hai hệ quả.
• Hệ quả tích cực:
- Cuộc sống của gia đình được cải thiện hơn, khá giả hơn. Bằng chứng là họ có thể trả nợ, mua đất, mua xe và các vật dụng trong gia đình…
- Cuộc sống vợ chồng Việt – Đài hạnh phúc, gia đình vui vẻ, hoà thuận.
• Hệ quả tiêu cực:
- Cha mẹ cảm thấy buồn, nhớ khi xa con, khó có điều kiện thăm nom, gặp gỡ, chăm sóc con cháu.
- Bất đồng ngôn ngữ và văn hoa,ù không hạnh phúc trong cuộc sống chồng Đài - vợ Việt  quyết định ly hôn. Một số cô gái thiếu may mắn, bị ngược đãi.
Biện pháp khắc phục:
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế xã hội ở khu vực này một cách tích cực và có hiệu quả. Đầu tư phát triển công nghiệp địa phương, tạo công ăn việc làm lâu dài.
Hỗ trợ người dân trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đưa trẻ em đến trường và học cao hơn thì mới có nghề nghiệp được.
Cần có những biệp pháp tuyên truyền phù hợp với tình hình ở địa phương để các gia đình tự tạo công ăn việc làm, không coi việc con gái lấy chồng nước ngoài như một phương cách giảm nghèo.
Trong khi đó, khi đề cập về những trường hợp bất hạnh từ các cuộc hôn nhân này, sự bàn luận của các nhóm tuổi khác nhau đều xuất phát từ sự phỏng đoán. Theo họ, cũng có những trường hợp không may mắn nhưng không đến mức như một số báo, tạp chí đã nêu. Đồng thời họ cũng cho rằng, nếu các cô gái không may phải ly hôn hay gặp bất hạnh trong cuộc hôn nhân với người chồng ngoại này bỏ về nước, thì các cô và gia đình của họ cũng không nói với hàng xóm. Các cô gái đó thường lên thành phố sống, ít ở lại địa phương. Vì vậy, những thông tin mà người dân đưa ra để bàn luận chủ yếu là do “nghe đồn” hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng. Họ chỉ “hình như”, “nghe nói” rằng ở xã này, huyện kia đã có trường hợp như vậy. Thế nhưng, trên thực tế tại địa phương, họ không tìm thấy dẫn chứng.
Trong 51 cuộc phỏng vấn những người vợ có chồng Đài Loan mà chúng tôi thực hiện, có 8 người về được coi là thất bại trong hôn nhân (chiếm 15.7%), trong đó có một người tái hôn với chồng cũ, 4 người ly hôn và 3 người bỏ về Việt Nam, không quay lại Đài Loan. Mẫu phỏng vấn sâu của chúng tôi không chọn theo cách chọn mẫu ngẫu nhiên, vì vậy chúng tôi không khẳng định rằng những nhận xét này sẽ đại diện cho toàn bộ các trường hợp ly hôn, các trường hợp thất bại trong hôn nhân Đài – Việt của các cặp đã kết hôn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Như vậy, dư luận của xã hội, của các thành viên khác trong gia đình là thái độ chấp nhận, đồng tình với chuyện phụ nữ lấy chồng Đài Loan. Dường như sự đồng thuận của cộng đồng đóng vai trò quan trọng vào quyết định lấy chồng Đài Loan của các cô gái Việt Nam.
Chúng ta biết rằng, trong đời sống xã hội, hành vi con người luôn bị quy định, và điều chỉnh bởi những thể chế xã hội khác nhau, như pháp luật, đạo đức, tôn giáo,… Khi thái độ, ý kiến đánh giá của cộng đồng về một hiện tượng, một sự kiện trở thành khuôn mẫu chung, sức ép tâm lý của dư luận xã hội sẽ rất lớn khiến cá nhân hành động, xử sự theo định hướng của dư luận. Các cá nhân là thành viên của một nhóm, một cộng đồng xã hội sẽ hành động, điều chỉnh hành vi trong sự ảnh hưởng của các chuẩn mực qua cách bày tỏ thái độ, ý kiến đánh giá đồng tình hay phản đối một sự kiện hay hành vi nào đó của cá nhân.
Bối cảnh kinh tế- xã hội và văn hoá- xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long hình thành hệ thống giá trị của cộng đồng, trong đó quan niệm chữ “hiếu” đối với cha mẹ đang được đề cao. Con cái cần đảm bảo việc chăm sóc, lo lắng cho cha mẹ khi tuổi già sức yếu. Đó là đạo làm con. Sự khó khăn trong cuộc mưu sinh, thông tin một chiều về cuộc sống tốt đẹp ở Đài Loan qua lời kể của những cô gái đã có chồng Đài Loan, trình độ học vấn hạn chế, tất cả những điều đó đã củng cố niềm tin cho các gia đình vùng sông nước này về hướng đã chọn.
Từ một số thông tin trên, có thể thấy, khả năng quyết định tham gia vào cuộc hôn nhân Việt – Đài sẽ bị bác bỏ nếu như nó vấp phải rào cảøn từ phía dư luận xã hội. Nếu có những sự phản ứng tích cực hơn từ phía gia đình, người thân, bạn bè, chính quyền địa phương hay từ phía cộng đồng thì có thể tình trạng này sẽ giảm thiểu.
Có lẽ văn hoá mở, hội tụ các yếu tố của văn hoá phương Đông lẫn phương Tây, đã tạo nên nét đặc trưng của tính cách người dân đồng bằng sông Cửu Long: dễ thích nghi với sự thay đổi, dễ tiếp nhận cái mới, vì vậy dễ bao dung, dễ tha thứ cho những hành vi của người khác và tính ràng buộc cộng đồng không cao. Điều này làm cho các cô gái tự do quyết định hôn nhân theo cách tính toán của mình, dễ dàng chấp nhận các chú rể Đài Loan hơn và các bậc cha mẹ cũng không phải chịu áp lực của dư luận cộng đồng để phải cản trở con cái. Chính vì thế, sự lây lan hiện tượng kết hôn với người Đài Loan ngày càng rộng hơn.
Từ kết quả của cuộc nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng, với khả năng hạn chế về kinh tế, người dân đồng bằng sông Cửu Long là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận các cơ hội về giáo dục, thông tin, dữ liệu mới. Khi “gánh nặng cơm áo” hàng ngày còn là áp lực với người dân nghèo thì sự thay đổi kinh tế trong các gia đình có con gái lấy chồng Đài Loan diễn ra trước mắt là điều họ quan tâm hơn so với những thông tin xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Do vậy, việc định hướng dư luận xã hội về hiện tượng phụ nữ kết hôn với người Đài Loan trong cộng đồng người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
3 – KẾT LUẬN
Với nội dung phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đóng góp một vài suy nghĩ mang tính kiến nghị như sau:
Thứ nhất, không nên có thái độ thiếu khách quan đối với những cô gái kết hôn với người nước ngoài. Phương tiện truyền thông đại chúng là phương tiện hữu hiệu nhất để hình thành, điều khiển dư luận xã hội. Do vậy, các cơ quan truyền thông nên khách quan và bám sát thực tế hơn khi truyền tải thông tin cho công chúng về hiện tượng này. Những thông tin đến công chúng xác thực, đúng đắn, sẽ tạo ra sự “diễn đàn tích cực” trong nhân dân và tạo định hướng dư luận xã hội tích cực. Chúng ta không nên vì muốn giảm ngay tình trạng này mà vô hình trung tạo ra một thái độ kỳ thị đối với những người lấy chồng Đài Loan, đặc biệt là những trường hợp không may mắn.
Thứ hai, cần bồi dưỡng những nội dung, kiến thức, nghiệp vụ, định hướng dư luận xã hội trực tiếp một cách khách quan, xuất phát từ thực tế cho các cán bộ địa phương, giúp họ trở thành đội ngũ báo cáo viên -tuyên truyền viên nòng cốt tại cơ sở.
Thông qua mạng lưới cộng tác viên, các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến những kiến thức liên quan đến những vấn đề về luật hôn nhân và gia đình, những kiến thức về tình dục, sức khoẻ sinh sản,... Qua các buổi gặp gỡ này, các tuyên truyền viên sẽ nắm bắt kịp thời diễn biến tâm trạng, dư luận, đồng thời đề xuất các giải pháp tích cực, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn, tránh bệnh công thức, phong trào, thành tích.
Hiện tượng lấy chồng Đài Loan là hiện tượng không bình thường nhưng đây là những cuộc hôn nhân được pháp luật bảo vệ. Theo chúng tôi, cần phân biệt rõ hiện tượng buôn bán phụ nữ, hiện tượng lợi dụng môi giới để trục lợi và hiện tượng kết hôn bình thường theo đúng pháp luật.
Ngoài ra, cần có những biện pháp xoá đói giảm nghèo mang tính khả thi đối với những người dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long như các dự án giảm nghèo có sự tham gia của người dân… Hỗ trợ người dân về kinh phí, kiến thức và kỹ năng thực hiện các dự án do chính người dân xây dựng, thực hiện và giám sát.
SUMMARY
ORIENTING THE POPULAR OPINION OF COMMUNITY ABOUT CROSS-BORDER MARRIAGES BETWEEN VIETNAMESE YOUNG WOMEN AND TAIWANESE MEN IN THE MEKONG DELTA
(Cases of Investigation at 6 provinces: Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang)
Phạm Thị Thùy Trang

For some years, the cross-border marriages between Vietnamese women and Taiwanese men in the Mekong Delta have created complicated problems resulting from disparity in age, lack of knowledge about cultural differences, and variation in languages and perception. Certainly, you have to consider the evil trade of women, the new convenient life-style presented in this community, and other social problems. All of these concerns are troubling to many people.
In this article, we will explain the attitudes and perceptions of the Mekong Delta people on community issues. Our information in this article is based on results of quantitative and qualitative analyses which include data and indepth interview reports for Taiwanese brides’ parents. In addition, we interviewed local government officers and held group disscussions for four age groups. These methods aimed at researching “The context of the cross-border marriages between Vietnamese women and Taiwanese men in the Mekong Delta” (Cases of Investigation at 6 provinces: Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang).
From the above analysis, we submit some preliminary ideas to orient popular opinion to confirm this new problem concerning marriage in society.

Không có nhận xét nào: