7 tháng 6, 2008

NHÂN VIÊN XÃ HỘI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT


NHÂN VIÊN XÃ HỘI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Bao nhiêu người có cuộc sống bị ảnh hưởng bởi sự khuyết tật?
Theo tổ chức Y Tế Thế Giới, khoảng 10% dân số là người khuyết tật (NKT). Như vậy Việt Nam ta có hơn 8 triệu NKT (tương đương với dân số của TP. Hồ Chí Minh), nghĩa là sẽ có hơn 16 triệu người (8 triệu NKT và ít nhất là một thành viên khác trong gia đình NKT) trực tiếp bị ảnh bởi những vấn đề liên quan đến khuyết tật. Hơn 16 triệu người - con số thật không nhỏ!

Người khuyết tật là ai?
Pháp Lệnh của Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội số 06/1998/PL-UBTVQH10 ngày 30-07-1998 về Người Tàn Tật định nghĩa NKT không phân biệt nguồn gốc gây ra khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động từ 41% trở lên (được Hội đồng y khoa có thẩm quyền xác định) khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn (hồ sơ, thủ tục giám định y khoa áp dụng theo hướng dẫn tại Thông tư 34/TT-LB ngày 29/12/1993 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế).
Như vậy NKT có thể là:
1. Những người bị khiếm khuyết từ nhỏ do bẩm sinh, do di truyền, hay do bị tổn thương do sơ xuất lúc sinh nở.
2. Những người trở nên khiếm khuyết sau những cơn bệnh nặng hoặc chấn động thí dụ như bị đột quị, bệnh tim, ung thư, tiểu đường, tâm thần phân liệt, .v.v…
3. Những người trở nên khiếm khuyết sau khi bị tai nạn, có thể là thương tích trong chiến tranh, tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc tai nạn do bất cẩn, do bạo hành.
4. Những người nhiễm HIV
5. Những người già với sự suy giảm hoặc đôi khi mất hẳn một số chức năng của cơ thể

Trung bình mỗi ngày các bệnh viện trong toàn quốc sẽ “trả” trở lại cộng đồng bao nhiêu người mới vừa trở thành khuyết tật? Chúng ta không có được con số cụ thể nhưng chắc là không nhỏ chút nào khi mà tổ chức Y Tế Thế Giới ngày 18-04-2007 đã báo động rằng: “Tai nạn giao thông ở Việt Nam đã trở thành đại dịch quốc gia” (theo http://www.vietnetcenter.com/vietnews), và tai nạn sinh hoạt và lao động sản xuất mà chủ yếu tai nạn tại công trường xây dựng là vấn đề nghiêm trọng thứ hai sau tai nạn giao thông (theo Ths. Khương Anh Tuấn, Nghiên cứu viên Viện chiến lược và chính sách Y tế, http://www.moh.gov.vn ngày 03-05-2005).

Gia đình NKT gặp phải những khó khăn gì?
Có một đứa con khuyết tật thường là một cú sốc lớn cho các bậc cha mẹ. Họ thường không hề chuẩn bị cho điều này và bối rối trước những thử thách sắp đến. Phản ứng của họ thường là “Tôi đã làm gì sai thế này?” hoặc “Tôi đã làm gì mà phải nên tội thế này!”
Những gia đình có người thân mới trở thành NKT cũng trãi qua những đau đớn và bối rối tương tự. Đặc biệt hơn, mất đi một phần hay mối thu nhập chính từ người thân giờ đã trở thành khuyết tật, mất cả một công lao động để phải chăm sóc cho NKT này, và những thay đổi trong tâm tính của người mới bị khuyết tật làm cho sự khuyết tật trở thành một “tai họa” cho cả gia đình. Mọi người, cả NKT lẫn các thành viên khác của gia đình, đều mệt mõi và thay đổi.

Những bậc cha mẹ và các thành viên trong những gia đình này thường không biết phải làm gì hoặc tìm đến ai khi cần. Và thái độ thương hại hay tội nghiệp của những người thân quen càng làm cho họ đau khổ hơn. Họ hết sức cần những hỗ trợ thích hợp để không cảm thấy đơn độc hay bị bỏ rơi trong tình huống bất ngờ nhưng sẽ gắn bó lâu dài với cuộc sống của họ và cả gia đình.

NKT gặp phải những khó khăn gì?
Theo Bộ LĐTBXH, trình độ học vấn của NKT rất thấp. 41% số NKT chỉ biết đọc biết viết; 19,5% NKT học hết cấp một; 2,75% có trình độ trung học chuyên nghiệp hay chứng chỉ hoc nghề, và ít hơn 0.1% có bằng đại học hoặc cao đẳng. Nhìn chung, chỉ có khoảng 3% được đào tạo nghề chuyên môn, và chỉ hơn 4% người có việc làm ổn định. Hiện có hơn 40% người khuyết tật sống dưới chuẩn nghèo (Bộ LĐTBXH, 2005).

Trao đổi của chính NKT trong những buổi hội thảo do Chương Trình Khuyết Tật và Phát Triển - DRD - tổ chức cho thấy:
• Phần lớn NKT thường tự ti mặc cảm nên ngại đi học. Đại đa số NKT thường học nghề chưa đến nơi đến chốn vì gia đình hoặc không quan tâm đến nhu cầu đi học và có việc làm của con, hoặc sợ con khổ, hoặc không tin con mình có thể làm việc được.
• Môi trường chưa thuận tiện cho việc đi lại và sinh hoạt của NKT. Các công trình công cộng thường không được xây dựng hay sửa chửa theo Qui Chuẩn Tiếp Cận của Bộ Xây Dựng nên NKT luôn đối mặt với rào cản như bậc tam cấp và nhà vệ sinh không phù hợp. Đồng thời, NKT luôn gặp khó khăn về phương tiên đi lại mà hệ thống xe buýt sẵn có lại khó sử dụng vì thiếu bộ phận nâng xe lăn, thái độ phục vụ chưa tốt (nhân viên xe buýt thường gắt gỏng, không dừng hẳn để NKT lên xuống xe an toàn).
• Doanh nghiệp còn thiếu thông tin về NKT nên vẫn còn kỳ thị, chưa tin vào năng lực của NKT. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần người kiêm được một lúc nhiều việc và một số nghề đòi hỏi ngoại hình cũng hạn chế thị trường việc làm của NKT.
• Hầu hết NKT thiếu những kỹ năng xã hội cần thiết. Họ không biết cách tiếp cận với các chính sách hỗ trợ, các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm, hoặc các nguồn vay vốn ưu đãi. Thậm chí sau khi học nghề và có chứng chỉ của các trung tâm dạy nghề, NKT vẫn thiếu thông tin về nhà tuyển dụng, không biết đến chính sách việc làm cho NKT, hoặc không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
• Các bạn đã có việc làm thì gặp khó khăn trong việc bố trí việc làm phù hợp với thể trạng và dạng tật nên khó phát huy được hết khả năng, ít được tập huấn thêm nên khó thăng tiến và lương thấp.
• Thường thành viên của gia đình ngăn cản họ khi biết con cái của họ yêu NKT vì e ngại rằng con cái của họ sẽ khổ khi kết hôn với người KT. Đôi khi, hoàn cảnh gia đình khó khăn (nghèo, phải gánh vác gia đình, …) cũng ngăn trở các bạn khuyết tật đi đến quyết định cuối cùng là tiến đến hôn nhân. Ngoài ra, còn có những vấn đề thuộc về bản thân NKT thí dụ như NKT thường mặc cảm tự ti, cho rằng người bạn không KT phải “hy sinh” rất nhiều khi đến với mình, sợ người khác yêu mình không thật lòng mà chỉ là thương hại, và lo lắng cuộc sống không ổn định, … nên tự đặt rào cản cho chính bản thân.
• Các thành viên của xã hội cũng thường lệch lạc về cách nhìn thẩm mỹ, họ cho rằng NKT và người không KT không xứng đôi vừa lứa (như đôi đũa lệch). Nguy hiểm hơn, có người còn cho rằng NKT không có khả năng tình dục hoặc sinh con, hoặc KT là di truyền nên sẽ sinh ra những đưa con dị tật.

Chúng ta thường đau đớn và trở nên dễ tổn thương khi trãi qua mất mát hay tổn thất. Những NKT sống trong môi trường được đánh giá bằng các tiêu chuẩn của những người không khuyết tật lại càng phải thường xuyên chịu đựng những mất mát: mất đi hình ảnh bản thân, mất đi những cơ hội và vì thế mà mất cả hy vọng và ước mơ, mất bạn bè, đôi khi mất cả người yêu. Mỗi lần đối diện với những tình huống gợi nhớ hoặc góp phần tạo nên sự mất mất, NKT lại lần nữa trãi qua sự mất mát. Vì thế mà NKT không chỉ cần có những tổ chức của mình mà còn cần nhân viên xã hội hỗ trợ họ và gia đình họ.

Nhân viên xã hội sẽ làm gì?

1. Nhân viên xã hội (NVXH) đóng vai trò cung cấp cho NKT và gia đình họ nhiều loại dịch vụ hỗ trợ, từ hỗ trợ tâm lý cho đến việc phát triển mạng lưới liên kết để có thể chuyển thân chủ đến các dịch vụ y tế và xã hội hoặc các tổ chức liên quan đến nhu cầu của họ.

Đánh giá ban đầu sẽ cung cấp cơ sở để NVXH phát triển kế hoạch hỗ trợ. Công việc đánh giá này bao gồm đánh giá sức mạnh, nguồn lực, và cả những hỗ trợ sẵn có thí dụ như: những hành vi trong quá khứ thân chủ của họ đã xử dụng để ứng phó thành công với hoàn cảnh, sự hỗ trợ của gia đình, sự sắp xếp cuộc sống, mức độ học vấn, việc làm, sở thích, hoàn cảnh kinh tế, v.v... Người NVXH cũng phải hiểu được cảm xúc và phản ứng của thân chủ đối với sự khuyết tật, ảnh hưởng của sự khuyết tật đối với gia đình của NKT, tác động của sự khuyết tật đến vai trò và mối quan hệ của các thành viên trong gia đình, và cả những rắc rối cá nhân hay vấn đề xã hội khác.

Với các nhân viên y tế hoặc chuyên gia sức khỏe, người NVXH sẽ cung cấp cho họ những thông tin liên quan đến tâm lý của NKT để họ có thể hỗ trợ những bệnh nhân khuyết tật của họ đúng cách hơn. Người NVXH cũng sẽ tham vấn cho NKT và gia đình, giúp họ lập kế hoạch cá nhân và sử dụng tối đa những nguồn nội lực và ngoại lực sẵn có trong cộng đồng.

2. Sống quá lâu trong một môi trường xem NKT chỉ là người “tàn tật” nên NKT ít có cơ hội học tập và phát triển, do đó đại đa số NKT thiếu hẳn kỹ năng sống. Vì vậy, NVXH còn phải đóng vai trò của nhà giáo dục, giúp NKT phát triển những kỹ năng xã hội cần thiết để họ có thể tự tin mà tham gia vào mọi hoạt động xã hội có ích cho cuộc sống của họ.

3. Đồng thời, NVXH cũng giúp cho các thành viên khác trong xã hội hiểu rõ hơn về NKT và bản chất của sự khuyết tật để xã hội có cái nhìn đúng về NKT và sự thiếu công bằng cơ hội mà họ luôn gặp phải, từ đó tác động đến những người liên quan đến việc phát triển các chính sách cũng như những tổ chức có những chương trình phát triển xã hội để những người này bao gồm sự tham gia của NKT vào quá trình ra quyết định, cũng như tham gia giám sát và lượng giá việc thực hiện những quyết định liên quan đến cuộc sống của chính họ.

Trong lúc vai trò quan trọng của ngành công tác xã hội đã được nhà nước và cả xã hội công nhận, và việc đào tạo NVXH đang được thực hiện ở rất nhiều trường đai học và cao đẳng trên khắp cả nước, chúng ta cũng nên cân nhắc đến việc đào tạo NVXH chuyên ngành để có thể phục vụ tốt hơn các đối tượng thiệt thòi trong xã hội, đặc biệt là NKT - một bộ phận không nhỏ của xã hội vẫn được xem như “thiệt thòi nhất trong số những người thiệt thòi” - và giúp họ và gia đình “có được chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn” theo đúng triết lý của ngành công tác xã hội.
ThS. Võ T. Hoàng Yế

Không có nhận xét nào: