24 tháng 6, 2008

NHÂN VIÊN XÃ HỘI


NHÂN VIÊN XÃ HỘI
Giáo dục chuyên nghiệp ở trường công tác xã hội tạo thuận lợi cho việc tiếp thu thái độ, kiến thức và kỹ thuật thích hợp. Nhưng quá trình tự đào tạo vẫn được tiếp tục cho dù sinh viên đã rời ghế nhà trường.
Giáo dục chuyên nghiệp chỉ là bước khởi đầu
Đó là một quá trình qua đó sự tăng trưởng và phát triển nghề nghiệp tiến lên một cách vững chắc. Sự tăng trưởng bao gồm các khoá tu nghiệp bổ sung định kỳ giúp có cái mới về chuyên môn, tiếp nhận những kỹ thuật mới và phục hồi lòng quyết tâm trong nghề.
Phẩm chất và sự nhạy bén được khơi dậy bằng sự nỗ lực
Một số điều căn bản cho một nhân viên xã hội lý tưởng
Nhân viên xã hội là người có thời thơ ấu không bị mang dấu ấn về sự thiếu hụt các nhu cầu. Một người mà nhu cầu vật chất và tinh thần được đáp ứng đầy đủ thì khi lớn lên không có những xung đột tâm thần chưa giải quyết được, và vì thế, người ấy không dùng thân chủ để đáp ứng nhu cầu riêng tư của mình. Tuy nhiên, điều đó không phải ai có thời thơ ấu nghèo khó, mất cha mất mẹ và các tai ương khác là không phù hợp với ngành công tác xã hội. Không phải tất cả trẻ em chịu đựng sự khó khăn và thiếu thốn đều có tính cách hư hỏng cả. Nhiều em có những yếu tố bù đắp để giảm bớt tác động của những hoàn cảnh khó khăn và giúp chúng hòa nhập. Sự hòa nhập như thế có thể đưa đến việc thực hiện tốt hơn chức năng xã hội, tốt hơn mức trung bình ở một số lĩnh vực. Thí dụ, có những người sau khi trải qua những kinh nghiệm không vui đã phát triển được tính nhạy cảm khác thường so với những người đang có vấn đề rắc rối.
Khả năng đối phó là quan trọng
Điều quan trọng không phải là từ chính hoàn cảnh mà là hành vi đối phó của cá nhân. Một tính cách hòa nhập tốt là điều mong ước đối với nhân viên xã hội, có nghĩa là hệ thống bản năng, bản ngã, siêu ngã hoạt động ở trạng thái cân bằng, phù hợp. Siêu ngã được phát triển tốt, và bản năng hoạt động trong giới hạn mà xã hội quy định. Người ta mong đợi sức mạnh bản ngã đáng kể của nhân viên xã hội. Điều đó nghĩa là, có những mức độ kiềm chế cảm hứng đột ngột và chịu đựng nỗi thất vọng vì lợi ích của những mục tiêu dài hạn.
Bản ngã hiệu quả
Nhân viên xã hội làm việc với những người có vấn đề rắc rối và thường đòi hỏi phải chế ngự sự căng thẳng. Khả năng suy nghĩ và hành động cần thiết để kiềm chế sự căng thẳng. Chức năng quan hệ với khách thể cũng phải hoạt động liên tục. Có nhiều mối quan hệ nghề nghiệp có dính dáng đến nhân viên xã hội, như quan hệ với bạn đồng nghiệp, với những người chuyên môn khác, với những nhân viên không chuyên nghiệp và với nhân viên của bộ máy quản lý. Có người có khả năng bẩm sinh hình thành và duy trì các quan hệ làm việc ở các cấp khác nhau và với nhiều mức độ gắn bó khác nhau, nhưng có người khác lại phải học tập, phải tiếp thu nó.
Tính khách quan
Suy nghĩ có phê phán và khách quan là điều quan trọng đặc biệt trong việc đánh giá con người và tình huống. Trong những tình huống con người bị tình cảm chi phối, con người có xu hướng áp đảo những sự việc khách quan trong cảm nghĩ của mình. Nhân viên xã hội phải khách quan và một khía cạnh của tính khách quan là khả năng phân biệt cảm xúc và sự kiện.
Gắn bó tình cảm với thân chủ như thế nào là thích hợp
Nhân viên xã hội gắn bó tình cảm để nâng cao sự hiểu biết về thân chủ nhưng không để cản trở suy nghĩ khách quan. Có những lúc nhân viên xã hội đối đầu với sự thù địch, sự giận dữ hoặc mỉa mai châm chọc của thân chủ; có thể tạo nên những cảm giác khó chịu nơi nhân viên xã hội. Nhân viên xã hội cần tránh cơn giận dữ hoặc thù địch. Sự đáp trả do giận dữ hay khó chịu như thế sẽ làm tổn hại mối quan hệ. Tuy vậy không có nghĩa là nhân viên xã hội không được có xúc cảm. Nhân viên xã hội phải là người nhiệt tình có khả năng chịu đựng các xúc cảm và không phải trường hợp nào thì xúc cảm cũng bị phủ nhận. Nhưng sự biểu lộ xúc cảm phải có ý thức hướng tới sự thông đạt có lời và không lời, đóng vai trò để sửa chữa chứ không phải là đổ thêm dầu vào lửa.
Tự ý thức là chủ yếu
Sự ý thức về cảm xúc là một khía cạnh của sự tự ý thức. Tự ý thức là điều có thể được bản ngã giúp làm cho tâm trí hướng nội. Một khi được triển khai và kiên trì sử dụng thì sự tự ý thức sẽ phát triển vững chắc, làm phong phú nhân cách. Sự tự ý thức là một bộ phận có chức năng trắc nghiệm thực tế của bản ngã. Trắc nghiệm thực tế đòi hỏi hiểu biết về hiện thực bên ngoài và thực tế bên trong, bên ngoài liên quan đến hoàn cảnh và bên trong liên quan đến các khía cạnh của nhân cách, gồm cả ưu điểm và hạn chế.
Phối hợp giữa sự tự chấp nhận và tự trọng
Những hoạt động tinh thần được biểu thị bằng các thuật ngữ phụ thuộc lẫn nhau như “tự nhận thức”, “tự chấp nhận” và “sự tự trọng”, vì chúng ảnh hưởng lên nhau. Việc thực thi cả ba cái nầy đều quan trọng trong việc định hướng cho nhân viên xã hội. Sự tự ý thức bao hàm sự tự chấp nhận mà tự chấp nhận thì tạo ra lòng tự trọng. Sự nhận biết về ưu điểm của mình hình thành nên lòng tự trọng và lòng tự trọng thì cần thiết cho nhân viên xã hội xây dựng lòng tin và hy vọng vào nhiệm vụ giúp đỡ. Tương tự, một cảm giác an toàn bên trong và lòng tin có được từ cảm giác thoải mái với chính họ, là điều kiện cần thiết cho hoạt động tinh thần để đối phó với những nét tiêu cực của nhân cách. Hiểu biết về sự lầm lạc của một người giúp cho nhân viên xã hội đánh giá công việc của mình một cách khách quan và để từng bước hoàn thiện chính mình và công việc.

Ghi nhận riêng về sự phát triển của một người
Thật là đáng giá khi nhân viên xã hội gìn giữ được một hồ sơ ghi chép về sự phát triển của chính mình thông qua việc tự nhận thức – đó là hồ sơ cá nhân. Một đoạn trích từ một hồ sơ cá nhân được ghi ra đây. Nhân viên xã hội vãng gia gia đình một thân chủ lần đầu ở trong một khu ổ chuột. Người cha mà trước đây anh ta đã có gặp thì nay không có mặt. Sau đây là những gì mà nhân viên xã hội viết :
(Trích đoạn từ nhật ký)
Khi tôi gặp họ tôi quên hết những gì phải nói và làm. Tôi im lặng cả phút đồng hồ rồi bắt đầu nói cà lăm và vấp váp. Tôi bị bối rối khi mọi người đứng nhìn chằm chặp vào tôi. Bây giờ suy nghĩ về chuyện đó, tôi thấy có những nguyên nhân sau : (1) tôi không đủ khả năng giao tiếp chính xác (2) bản chất của tôi quá ý thức về nhược điểm nầy (3) lo lắng về việc hoàn thành mối quan hệ (4) tôi háo hức bắt đầu làm việc càng sớm càng tốt. Trong khi bị bối rối, tôi không nhận ra rằng các khuynh hướng tôi bày tỏ ra thì chúng phủ định lẫn nhau. Chẳng hạn, bằng cách đấu tranh cật lực để có hiệu quả và tháo vát tôi đã làm chậm đi quá trình hình thành mối quan hệ.
Ở một vào một thời điểm nọ, tôi hoảng sợ thật sự khi có một người hàng xóm hỏi xin địa chỉ của tôi. Tôi đưa địa chỉ của mình cho anh ta hết sức máy móc. Sau đó tôi mới biết rằng anh ta xin tôi địa chỉ để nói cho chủ nhà biết để đến gặp tôi. Thất vọng và chán nản, tôi trở về cơ quan vào giữa trưa. Nhưng sau đó hồi tưởng lại chuyện đã qua cho thấy rằng sự việc nầy không hẳn là vô ích. Nó làm tôi ý thức về nhân cách của mình và việc thực hiện chức năng cần được cải thiện.
Nếu nói rằng một nhân cách đặc thù nào đó không có xung đột vô ý thức không có nghĩa là cá nhân đó có cuộc sống hết sức thoải mái. Nhưng nó có nghĩa là kinh nghiệm sống người ấy, cả tích cực lẫn tiêu cực, đã thấm sâu và được kết hợp lại trong tính cách con người ấy mà không để lại bất cứ hậu quả tác hại nào cả. Một tính cách không có xung đột cũng không phải là hoàn toàn không có những cơ chế phòng vệ. Những cơ chế phòng vệ có thể đang hoạt động nhưng ít mãnh liệt và kiên trì, vì vậy chúng được đưa đến vùng ý thức với những phương tiện thăm dò. Một đoạn trích từ một hồ sơ cá nhân khác được giới thiệu ở đây cho thấy một phong cách trong đó sự tự nhận biết về cơ chế phòng vệ của cô ta hiện lên trong tâm trí nhân viên xã hội :
Trích nhật ký
Hôm nay, Phong (thân chủ) đến gặp tôi. Trong cuộc vấn đàm anh ta trở nên khó chịu và bắt đầu lăng mạ tôi ám chỉ tôi không giúp đỡ anh ta. Anh ta đứng dậy, kéo mạnh ghế và đi ra với vẻ giận dữ. Trước khi tôi có thể nén đi những cảm xúc bị thương tổn và giận dữ thì Thiện bước vào. Anh ta bắt đầu kể cho tôi nghe những phiền toái anh gặp phải ở chỗ làm ngày hôm trước. Thay vì lắng nghe anh ta thì tôi lại buột miệng ra rằng có lẽ chính anh ta là nguyên nhân của các phiền toái ấy. Anh ta không nói về đề tài đó nữa. Anh ta nói về đứa con bị chậm phát triển trí tuệ. Anh ta nói rằng muốn xin tôi lá thư giới thiệu để xin cho đứa con vào học trường đặc biệt. Anh ta ra về ngay và nói rằng một tuần sau sẽ quay lại lấy lá thư. Sau khi Thiện đi rồi, tôi bắt đầu tự hỏi tại sao tôi lại quá lỗ mãng với anh ta. Tôi vô cùng hối hận. Tôi đã nhận ra rằng mình đã trút nỗi giận Phong lên Thiện. Đó thực ra là một cơ chế tự vệ. Một lần nữa tôi lại vụng về.
Nhân viên xã hội phải là người đáng tin cậy, có nhiệt tình và thiện chí với người khác và có ước muốn giúp đỡ những người có vấn đề khó khăn. Ở một số người, tình yêu thương con người nẩy sinh như một quá trình bẩm sinh; tuy nhiên, điều họ cần khai thác phẩm chất để giúp đỡ con người có hiệu quả với phương pháp khoa học. Mặt khác, có những người thừa nhận rằng họ không có lòng nhiệt tình bẩm sinh. Tuy thế họ coi việc giúp đỡ con người là việc quan trọng. Những người thuộc nhóm thứ hai không phải là không thích hợp đối với công tác xã hội với điều kiện là họ sẵn lòng vun xới tình thương yêu đối với con người và những phẩm chất khác có liên quan quan trọng đối với nghề công tác xã hội. Phẩm chất nghề nghiệp của nghề công tác xã hội cho thấy là những phẩm chất và kỹ thuật cần có để thực hành tốt có thể nắm bắt được, và những người có động cơ tốt nắm bắt chúng bằng con đường học hỏi và làm việc.

Cần sự tin cậy
Yêu cầu về tính trung thực có một đòi hỏi khác : đó là nhân viên xã hội tin vào các giả định và các nguyên tắc triết học. Hơn nữa, cần có một mức độ trung thực nhất định giữa cuộc sống riêng tư và cuộc sống nghề nghiệp của nhân viên xã hội, giữa điều mà họ nghĩ và điều họ nói ra và giữa truyền thông có lời và truyền thông không lời. Tuy nhiên không có ngụ ý là nhân viên xã hội phải biểu lộ cảm nghĩ ở mọi lúc mà ngụ ý nhân viên xã hội không biểu lộ những tình cảm trái với cảm xúc nội tâm để nhằm tâng bốc xu nịnh thân chủ hay mưu cầu lợi ích riêng tư.
Có ý thức trau dồi bản thân
Một người mới vào nghề công tác xã hội bắt đầu có ý thức áp dụng các kỹ thuật, dần dần chuyển thành các kỹ năng nhờ lặp đi lặp lại và làm tốt công việc. Vì vậy, kỹ năng nói tới quyền làm chủ một kỹ thuật, hay nói cách khác là nói tới trình độ năng lực cao hoặc sự khéo tay khi sử dụng một kỹ thuật.
Sự phù hợp của các ứng viên không thể nào phát hiện được ở khâu tuyển vào
Hy vọng rằng chỉ những người tuyệt nhiên không có xung đột cảm xúc được tuyển vào học ngành công tác xã hội là đòi hỏi một điều không thể có được. Hơn thế nữa, thật khó phát hiện những xung đột ẩn dấu bên trong con người lúc tuyển sinh vào học trường công tác xã hội. Chỉ trong khóa học người ta mới lộ rõ những dấu hiệu xung đột vốn che kín bấy lâu, điều đó làm cản trở việc học và thực hành công tác xã hội của cá nhân người ấy. Đó không phải là tình thế tuyệt vọng cho sinh viên cũng như cho nghề nghiệp. Tư vấn nghề nghiệp sẽ điều chỉnh lại tình thế cho đúng, nó sẽ giải tỏa năng lực tâm thần và xúc cảm khỏi phạm vi xung đột, làm cho chúng sẵn sàng để thực hành tốt công tác xã hội.
Sẵn sàng thay đổi đưa tới quyền thay đổi nơi thân chủ
Sự thay đổi là cần thiết cho tất cả, một số cần thay đổi nhiều, một số khác cần thay đổi ít. Nhân viên xã hội không có quyền lèo lái các hoạt động của mình nhằm tạo ra thay đổi nơi thân chủ khi mà thân chủ không chịu thay đổi những lĩnh vực cần thay đổi. Nhìn nhận sự kiện nầy là một yếu tố quan trọng trong việc hướng dẫn nghề nghiệp của nhân viên xã hội. Điều khiêm tốn và phấn khởi khi biết rằng nhân viên xã hội không cao hơn không giỏi hơn thân chủ của mình, và người đó phải hoàn thiện mình khi làm việc với người khác.
Định nghĩa công tác xã hội cá nhân
Công tác xã hội cá nhân là một phương pháp mà nhân viên xã hội làm việc ở các cơ sở xã hội sử dụng để giúp con người giải quyết các vấn đề khó khăn để thực hiện chức năng xã hội. Đó là một dịch vụ riêng tư với các cá nhân và gia đình của họ thông qua mối quan hệ một - một. Những vấn đề khó khăn trong việc thực hiện chức năng xã hội do các yếu tố xã hội, tâm lý, sinh lý gây ra; hoặc hai hoặc nhiều yếu tố nầy kết hợp lại. Tiến trình giúp đỡ bao gồm sự huy động các tài nguyên bên ngoài và bên trong thân chủ, nhờ đó họ được giúp đỡ để đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết các khó khăn của mình. Nội dung kiến thức bao gồm những giá trị triết lý, các nguyên tắc, kiến thức về hành vi con người và xã hội và rút ra từ các khoa học hành vi; nhũng công cụ kỹ thuật giúp đỡ; và các tiến trình. Vấn đàm và mối quan hệ là những công cụ quan trọng bởi vì trong phạm vi bản chất và cấu trúc của chúng các khía cạnh giúp đỡ là mấu chốt, là tự nhiên. Điều nầy góp phần cho sự giúp đỡ đạt được những mục tiêu cụ thể, mà vì chúng các công cụ được nhắm vào vấn đề. Hai mục tiêu lớn của công tác xã hội cá nhân là giúp đỡ thân chủ có vấn đề, và giúp họ bằng cách tăng cường sức mạnh cho thân chủ, làm cho họ tự lực và độc lập tùy theo năng lực của mỗi người.
Tiếp thu các nguyên tắc từ các phương pháp khác của công tác xã hội
Công tác xã hội cá nhân là một phương pháp không có những chiến lược có thể ngăn ngừa những vấn đề xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến nhiều người. Trong công tác xã hội cá nhân, nhân viên xã hội đến với các nhóm người chịu thiếu thốn tài nguyên vật chất và văn hóa, sự giải quyết trực tiếp của nhân viên xã hội cho một hoặc hai người trên cơ sở cá nhân mà không giúp đỡ đến cùng được. Thiếu thốn tài nguyên cơ bản phải được đáp ứng ở cấp nhóm, cộng đồng, quốc gia. Tuy vậy không phải là nhân viên xã hội rút lui. Các chiến lược của các phương pháp công tác xã hội khác như công tác xã hội nhóm, tổ chức cộng đồng đã được vận dụng. Nhiều nhân viên xã hội chủ yếu gắn bó với các cơ sở có định hướng công tác xã hội cá nhân được coi là có sử dụng các phương pháp khác của công tác xã hội. Thay vì thực hiện chức năng người làm công tác xã hội cá nhân, họ hoạt động như những người thực hành tổng quát áp dụng tới các phương pháp được biết đến như là các phương pháp công tác xã hội tổng hợp. Mô hình công tác xã hội mà J. Fischer (1978) đưa ra trong cuốn sách của ông ta, trình bày nhiều lĩnh vực phòng ngừa khác nhau cho công tác xã hội cá nhân, giao cho nhân viên xã hội các vai trò có liên quan đến việc đưa đến những thay đổi trong các hệ thống xã hội ăn khớp với nhau mà thân chủ thuộc về hệ thống đó.

Các hạn chế của công tác xã hội cá nhân
Công tác xã hội cá nhân có những mặt hạn chế của nó. Công tác xã hội cá nhân hay ngay cả các phương pháp công tác xã hội tổng hợp cũng không thể giúp một số thân chủ có vấn đề nan giải. Lý do không phải luôn luôn thiếu vắng các tài nguyên mà còn là sự thiếu hụt về kiến thức và kỹ thuật hoặc kỹ năng ngành công tác xã hội.
Công tác xã hội cá nhân có thể được những người chăm sóc sử dụng
Ngoài những nhân viên xã hội được huấn luyện chuyên môn có nhiều công chức không chuyên nghiệp đang làm việc với những người nhận các dạng trợ giúp khác nhau từ những cơ sở xã hội. Những viên chức nầy gồm những người làm cha mẹ ở các cơ sở tập trung, người phục vụ ở các bệnh viện đặc biệt là những người phục vụ ở các bệnh viện tâm thần, những nhân viên phúc lợi cấp cộng đồng và những nhân viên phúc lợi cấp làng xã. Để dễ gọi ta đặt cho những người nầy cái tên là “những người chăm sóc”. Những người chăm sóc tham gia tiếp xúc trực tiếp với thân chủ trong công việc phục vụ ở các cơ sở xã hội. Thật đáng quý khi những người chăm sóc sử dụng phương pháp của công tác xã hội cá nhân để làm việc với thân chủ. Cách tiếp cận của công tác xã hội cá nhân nói tới thái độ đặc thù được hình thành nên do thừa nhận các giá trị triết lý của công tác xã hội cá nhân và do nằm lòng những khái niệm sơ đẳng của công tác xã hội cá nhân liên quan đến hành vi con người và các công cụ và kỹ thuật giúp đỡ. Chấp nhận thân chủ với các điểm yếu và vấn đề của họ, có khả năng thực hiện những cuộc tiếp xúc không mang tính cứng nhắc mà với phong cách cá nhân hóa cùng với sự nhạy cảm và hiểu biết. Ngay cả với cảnh sát và những người khác khi được gọi đến hiện trường tai nạn hay những cuộc khủng hoảng khác sẽ được trang bị tốt hơn để làm việc với những người bị stress nhờ phương pháp công tác xã hội cá nhân. Để giúp cho những người chăm sóc tiếp thu phương pháp công tác xã hội cá nhân cần phải có các chương trình huấn luyện. Họ không cần kiến thức sâu về các lý thuyết công tác xã hội cá nhân, các công cụ và kỹ thuật. Chẳng hạn, họ không cần phải học các kỹ thuật tư vấn mà chỉ những kiến thức về kỹ thuật hỗ trợ sẽ có ích cho họ trong công việc hằng ngày với mọi người.
GRACE MATHEW(Trích từ quyển Nhập môn CTXH cá nhân)

Không có nhận xét nào: