28 tháng 6, 2008
Bình đẳng giới, chuyện mơ!
Bình đẳng giới, chuyện mơ!
Chăm con là công việc thắt chặt tình cảm cha con nhưng có rất ít ông bố Việt chịu làm (ảnh chỉ mang tính minh họa) - Ảnh: Gia Tiến
TT - Báo chí, phim ảnh... đã nói rất nhiều về bình đẳng giới, nhưng trong điều tra quốc gia lần đầu tiên về gia đình do Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch và Unicef vừa công bố, bình đẳng giới vẫn còn là chuyện trong tương lai ở VN!
Một số thống kê của điều tra này cho thấy số phụ nữ và nam giới đứng tên sở hữu tài sản (nhà, đất, công cụ sản xuất...) gần tương đương nhau. Theo một số chuyên gia, chỉ báo này thể hiện sự bình đẳng trong gia đình đã có những bước tiến quan trọng. Nhưng thực tế, chính trong điều tra này, phụ nữ lại dành thời gian gấp... sáu lần so với nam giới trong việc chăm sóc con dưới 15 tuổi!
Bên cạnh đó, dù chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình đã được Nhà nước ta thực hiện nhiều năm, nhưng một tỉ lệ rất lớn người dân vẫn rất thích có con trai. Mà mục tiêu của việc có con trai là để mọi người khỏi cười chê (6,4%), và cái chính là để có người nối dõi tông đường (85,7%)!
Nhóm điều tra đã đi thực tế để quan sát sự bình đẳng giới trong thực hiện các công việc gia đình. Tỉ lệ thật đáng ngạc nhiên: số nam giới tham gia các công việc nội trợ chỉ chiếm một con số cực kỳ khiêm tốn là 3,5%, trong khi đó số chị em "đầu tắt mặt tối" với việc nhà lên đến 82,5%! Trong chăm sóc con cái, tỉ lệ bình đẳng giới cũng rất chênh lệch: 68,3% phụ nữ chăm sóc con, nhưng chỉ có 2,4% nam giới chịu khổ cùng vợ để thực hiện công việc đầy tình cảm này. Việc chăm sóc người già, người ốm trong gia đình cũng gần như là "đặc quyền" của phụ nữ. Trong khi về hoạt động sản xuất, kinh doanh ở gia đình, tỉ lệ nữ và nam tham gia gần như nhau, với 27,6% nữ và 36,7% nam.
Cũng theo điều tra nói trên, tỉ lệ người chồng ở khu vực nông thôn đứng tên ba loại tài sản lớn của hộ gia đình là nhà ở - đất ở, đất canh tác, cơ sở sản xuất kinh doanh đều cao hơn rất nhiều so với người vợ. Ở thành thị, tỉ lệ này có cân bằng hơn chút ít do có nguyên nhân mang tính lịch sử: nhà đất do Nhà nước phân phối thường do phụ nữ đứng tên. Trong trường hợp ly hôn, nhóm nghiên cứu kết luận phụ nữ thường là người chịu thiệt thòi nhiều nhất do phần lớn họ đảm nhận việc chăm sóc con cái, nhưng rất ít người được nhận cấp dưỡng nuôi con từ phía người chồng dù đã được tòa xử!
Lan Anh (Báo Tuổi Trẻ ngày 28/06/2008)
27 tháng 6, 2008
Như thế nào là trị liệu gia đình?
Như thế nào là trị liệu gia đình?
(TV Hoàng Nhân) Nếu như một đối tượng có triệu chứng bất thường, cảm thấy đau khổ và tự nguyện tìm gặp nhà tư vấn hay trị liệu tâm lý thì đó là một chỉ định tốt cho trị liệu cá nhân. Nhưng nếu một đối tượng có triệu chứng bất thường nhưng không cảm thấy đau khổ mà lại do các thành viên khác trong gia đình phát hiện và đưa đến nhà trị liệu tâm lý nhờ giúp đỡ thì đó là một trị định tốt cho trị liệu gia đình, vì các thành viên trong gia đình đã sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm cùng giúp đỡ đối tượng.
Thông thường thân chủ càng tỏ ra ít tự nguyện (chẳng hạn trẻ em) thì định hướng trị liệu càng phải dựa vào bối cảnh nhóm, trong đó gia đình là một nhóm đặc biệt. Theo cách tiếp cận trị liệu gia đình mang tính hệ thống thì gia đình được xem như một hệ thống. Hệ thống này có gì đó trục trặc đã tạo ra những đau khổ phiền toái cho cá nhân. Nhà trị liệu cần phải tập trung vào cái cách mà gia đình này tổ chức các mối tương tác hiện tại để hiểu cấu trúc của nó: thứ bậc quyền lực, các kênh giao tiếp, bầu không khí tâm lý…và ai kêu ca, ai nhận lỗi cho mỗi vấn đề trục trặc. Các nhà trị liệu cần gặp gỡ trao đổi với từng thành viên trong gia đình để giúp họ nhận ra những vấn đề và những mẫu ứng xử kém thích nghi đang tạo ra những khó khăn cho một hoặc nhiều thành viên khác trong gia đình.
Trị liệu gia đình có thể làm giảm căng thẳng trong gia đình và cải thiện chức năng của các thành viên bằng cách tạo ra một không gian làm trung gian để thiết lập những cuộc đối ngoại bình đẳng, giúp mỗi người nhận ra những điểm tích cực cũng như tiêu cực trong các quan hệ của họ. Viginia Satir (1967), một trong những người đề xướng đổi mới phương pháp tiếp cận trị liệu gia đình nhận thấy rằng nhà trị liệu tâm lý gia đình cùng lúc đóng rất nhiều vai trò: hành động như người phiên dịch, như người làm sáng tỏ các mối tương tác qua lại không thuận lợi, như là nhà trung gian hòa giải …Tuy nhiên, nhà trị liệu chủ yếu tập trung làm thay đổi những không gian tâm lý giữa các thành viên trong gia đình và những động thái liên cá nhân để mọi người cùng hành động như là một thể thống nhất hơn là tìm cách thay đổi những giá trị bên trong các cá nhân kém thích nghi.
Nhà trị liệu cũng cần tập trung vào tình huống hơn là các khía cạnh khuynh hướng của một vấn đề xảy ra trong gia đình. Chẳng hạn nhà trị liệu giúp mọi người hiểu rằng: làm thế nào sự không thống nhất, sự xung đột giữa bố mẹ phát triển thành sự rối nhiễu ở trẻ hơn là tìm cách dán nhãn (đổ lỗi) cho ai đó là nguyên nhân gây ra sự rối nhiễu này. Mục tiêu của một buổi trị liệu gia đình không phải là một buổi để mọi người xả nỗi bực tức, phàn nàn, trách cứ lẫn nhau, mà là tìm cách phát triển các khả năng hợp tác để cùng giải quyết vấn đề (tức là hợp tác thế nào để trị liệu rối nhiễu cho trẻ). Nhà tư vấn và trị liệu gia đình cũng giống như nhà tư vấn cho một tổ chức, cố gắng giúp gia đình (từng thành viên của gia đình) tổ chức lại chức năng, điều chỉnh lại các mối quan hệ để nó đáp ứng tốt hơn cho những nhu cầu và đòi hỏi của các thành viên.
From Tuvanhoangnhan
Quản lý nhóm
Quản lý nhóm
(Lanhdao.net) - Lâu nay, người ta vẫn lan truyền câu nói khôi hài: "Một người Việt Nam giỏi hơn một người Do Thái (vốn có tiếng là thông minh), hai người Việt Nam giỏi bằng một người Do Thái, nhưng ba người Việt Nam thì không giỏi bằng một người Do Thái". Nghịch lý này phần nào phản ánh thực tế phong cách làm việc của người Việt Nam là quá thiên về cá nhân, không biết chia sẻ những giá trị chung và thiếu tinh thần hợp tác.
Do đó, những hiểu biết từ việc thành lập nhóm, tạo văn hóa cho nhóm cho đến đối đầu với những mâu thuẫn và thay đổi trong nhóm là một điều rất cần thiết cho các nhà quản lý Việt Nam.
Với 12 chương, cuốn sách "Quản lý nhóm" của tác giả Lawrence Holpp trang bị cho các nhà quản lý phương pháp và cách thức để xây dựng một nhóm làm việc hiệu quả nhất, cũng như đưa ra những lời khuyên hữu ích để đạt được những điều chúng ta thường mong đợi từ nhóm.
Bìa cuốn sách "Quản lý nhóm"
Cuốn sách cũng giúp chúng ta vạch ra các chiến lược cần thiết để lường trước và tránh được những chướng ngại chính trong quá trình phát triển trong môi trường nhóm. Ở cuối mỗi chương, tác giả có một bản tổng kết dành cho nhà quản lý bằng những tóm tắt và gợi ý ngắn gọn và súc tích.
Vì sao chúng ta thường hạn chế việc phát triển nhóm?
Lawrence Holpp giải thích điều này là do các lí do: chúng ta thường có tâm lý e ngại việc thành lập nhóm tốn quá nhiều tiền, nhưng lại không nhanh chóng thu được những kết quả quan trọng. Không chỉ thế, các giám đốc chuyên môn không hiểu rõ các nhóm, họ phải thanh toán hóa đơn hoặc dành thời gian cho các cuộc họp và các khóa đào tạo, những việc đối với họ có vẻ như hoàn toàn vô ích.
Nếu các tổ chức loại bỏ nhóm khi có dấu hiệu rắc rối đầu tiên, thì đó thường do việc lập kế hoạch kém. Vậy nên, để có được một nhóm hiệu quả, thì nhóm đó phải có đủ 5 chữ P: Mục đích (purpose); vị trí (position); quyền hạn (power); kế hoạch (plan) và con người (people).
Tại sao các tổ chức lại gặp rắc rối với các nhóm?
Tác giả xác định 5 rắc rối chính mà các tổ chức gặp phải khi xây dựng các nhóm. Ông mô tả những rắc rối này, sau đó đưa ra một số hướng dẫn chung để tránh gặp phải, sau đó ông đưa ra một số lời khuyên về việc hướng dẫn và hỗ trợ nhóm qua 5 giai đoạn phát triển và giải quyết mỗi rắc rối thường gặp phải trong mỗi giai đoạn. Đó là:
Dồn đống: Vấn đề này xảy ra khi bộ phận quản lý quyết định thử thành lập nhóm, tổ chức một cuộc họp ngắn để vạch ra chi tiết, cho rằng rằng đây là một quá trình "không cần phải nghĩ nhiều", và sau đó giao cho các nhóm 27 nhiệm vụ quan trọng mà trước kia vốn thuộc trách nhiệm của bộ phận quản lý. Điều này, làm cho các nhà quản lý hết sức ngạc nhiên, vì tự nhiên công việc của họ bị tăng gấp 3 lần.
"Cần câu và cái roi": Đó là khi các nhà quản lý mong muốn nhiều hơn những thứ họ sẵn sàng từ bỏ. Dù động thái này là chủ ý hay không, tác động của nó có thể phá hỏng nỗ lực của nhóm.
"Hãy đọc ý nghĩ của tôi": Các nhà quản lý thường mong muốn thành lập nhóm nhưng lại không biết mục đích nhóm là gì. Họ đã hiểu quá đơn giản về việc trao quyền và muốn giảm quy mô bằng mọi cách nên đã coi các nhóm là một phương tiện tự nhiên. Hoặc họ hy vọng các nhóm sẽ giúp họ giảm bớt trách nhiệm quản lý không mấy hấp dẫn. Họ tin tưởng vào khả năng nhưng lại không có mục tiêu rõ ràng và cũng không có chiến lược để đạt được mục tiêu đó.
"Vâng, nhưng... " Đôi khi bộ phận quản lý giao cho nhóm một số nhiệm vụ, với mục đích tốt nhất, nhưng sau đó suy nghĩ lại về quyết định đó. Rắc rối này thường xảy ra sau đêm mà nhà quản lý gặp phải một cơn ác mộng: "Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu như..." - sự suy đoán này làm nảy sinh một mối lo lắng. Nói cách khác, "chuyện gì sẽ xảy ra, nếu như..." chuyển thành "vâng, nhưng...".
Thử xem - Bạn sẽ thích đấy: Rắc rối này là biến thể của câu ngạn ngữ: "Làm như tôi nói, đừng làm như tôi làm". Hãy tưởng tượng là nhà quản lý đảm bảo với các nhóm rằng môi trường nhóm là tốt nhưng chính họ lại không tham gia vào nhóm. Nhân viên và nhà quản lý đều biết chuyện gì đang xảy ra. Kết quả là nhân viên miễn cưỡng tham gia vào nhóm và sự tin tưởng của họ với những nhà quản lý cũng giảm đi. Rắc rối này cũng có thể phát sinh từ việc thiếu kế hoạch. Nhà quản lý biết thành lập nhóm là một ý tưởng hay nhưng bản thân họ không thật sự muốn bỏ ra thời gian và công sức cần thiết để làm điều đó.
Với 5 rắc rối này, tác giả đưa ra 3 lời khuyên rất ngắn gọn: Nói sự thật; Hãy đi chậm; và cam kết và thực hiện đúng.
Sáu vai trò của một nhà quản lý thành công
Mô hình lãnh đạo "cũ" với lãnh đạo là trung tâm của nhóm đã không còn hiệu quả, bởi một vài trọng trách cơ bản làm cho mô hình này càng kém hợp lý. Nhà quản lý thành công ngày nay có sáu vai trò:
- Phối hợp với các hoạt động của nhóm.
- Tư vấn các vấn đề hoặc lựa chọn cơ hội.
- Cung cấp nguồn lực.
- Huấn luyện giải quyết rắc rối.
- Hỗ trợ việc thực hiện nhiệm vụ.
- Tổ chức ghi nhận một cách trang trọng và thân mật.
Lawrence Holpp cho rằng, người quản lý chỉ đạo mọi người làm việc thông qua một trong bảy quyền lực cơ bản - quyền vị trí, quyền cá nhân, quyền chuyên gia, quyền nguồn lực, quyền trao thưởng, quyền ép buộc hoặc quyền liên kết. Ông cũng nhấn mạnh rằng: "Khi bạn chia sẻ quyền lực với nhân viên, bạn có thể làm tăng thêm giá trị của mình đối với tổ chức bằng việc học cách hòa hợp giữa những vai trò mới và những quyền lực cơ bản của bạn".
Tên sách: Quản lý nhóm (Managing teams)
Tác giả: Lawrence Holpp
(Lanhdao.net) - Lâu nay, người ta vẫn lan truyền câu nói khôi hài: "Một người Việt Nam giỏi hơn một người Do Thái (vốn có tiếng là thông minh), hai người Việt Nam giỏi bằng một người Do Thái, nhưng ba người Việt Nam thì không giỏi bằng một người Do Thái". Nghịch lý này phần nào phản ánh thực tế phong cách làm việc của người Việt Nam là quá thiên về cá nhân, không biết chia sẻ những giá trị chung và thiếu tinh thần hợp tác.
Do đó, những hiểu biết từ việc thành lập nhóm, tạo văn hóa cho nhóm cho đến đối đầu với những mâu thuẫn và thay đổi trong nhóm là một điều rất cần thiết cho các nhà quản lý Việt Nam.
Với 12 chương, cuốn sách "Quản lý nhóm" của tác giả Lawrence Holpp trang bị cho các nhà quản lý phương pháp và cách thức để xây dựng một nhóm làm việc hiệu quả nhất, cũng như đưa ra những lời khuyên hữu ích để đạt được những điều chúng ta thường mong đợi từ nhóm.
Bìa cuốn sách "Quản lý nhóm"
Cuốn sách cũng giúp chúng ta vạch ra các chiến lược cần thiết để lường trước và tránh được những chướng ngại chính trong quá trình phát triển trong môi trường nhóm. Ở cuối mỗi chương, tác giả có một bản tổng kết dành cho nhà quản lý bằng những tóm tắt và gợi ý ngắn gọn và súc tích.
Vì sao chúng ta thường hạn chế việc phát triển nhóm?
Lawrence Holpp giải thích điều này là do các lí do: chúng ta thường có tâm lý e ngại việc thành lập nhóm tốn quá nhiều tiền, nhưng lại không nhanh chóng thu được những kết quả quan trọng. Không chỉ thế, các giám đốc chuyên môn không hiểu rõ các nhóm, họ phải thanh toán hóa đơn hoặc dành thời gian cho các cuộc họp và các khóa đào tạo, những việc đối với họ có vẻ như hoàn toàn vô ích.
Nếu các tổ chức loại bỏ nhóm khi có dấu hiệu rắc rối đầu tiên, thì đó thường do việc lập kế hoạch kém. Vậy nên, để có được một nhóm hiệu quả, thì nhóm đó phải có đủ 5 chữ P: Mục đích (purpose); vị trí (position); quyền hạn (power); kế hoạch (plan) và con người (people).
Tại sao các tổ chức lại gặp rắc rối với các nhóm?
Tác giả xác định 5 rắc rối chính mà các tổ chức gặp phải khi xây dựng các nhóm. Ông mô tả những rắc rối này, sau đó đưa ra một số hướng dẫn chung để tránh gặp phải, sau đó ông đưa ra một số lời khuyên về việc hướng dẫn và hỗ trợ nhóm qua 5 giai đoạn phát triển và giải quyết mỗi rắc rối thường gặp phải trong mỗi giai đoạn. Đó là:
Dồn đống: Vấn đề này xảy ra khi bộ phận quản lý quyết định thử thành lập nhóm, tổ chức một cuộc họp ngắn để vạch ra chi tiết, cho rằng rằng đây là một quá trình "không cần phải nghĩ nhiều", và sau đó giao cho các nhóm 27 nhiệm vụ quan trọng mà trước kia vốn thuộc trách nhiệm của bộ phận quản lý. Điều này, làm cho các nhà quản lý hết sức ngạc nhiên, vì tự nhiên công việc của họ bị tăng gấp 3 lần.
"Cần câu và cái roi": Đó là khi các nhà quản lý mong muốn nhiều hơn những thứ họ sẵn sàng từ bỏ. Dù động thái này là chủ ý hay không, tác động của nó có thể phá hỏng nỗ lực của nhóm.
"Hãy đọc ý nghĩ của tôi": Các nhà quản lý thường mong muốn thành lập nhóm nhưng lại không biết mục đích nhóm là gì. Họ đã hiểu quá đơn giản về việc trao quyền và muốn giảm quy mô bằng mọi cách nên đã coi các nhóm là một phương tiện tự nhiên. Hoặc họ hy vọng các nhóm sẽ giúp họ giảm bớt trách nhiệm quản lý không mấy hấp dẫn. Họ tin tưởng vào khả năng nhưng lại không có mục tiêu rõ ràng và cũng không có chiến lược để đạt được mục tiêu đó.
"Vâng, nhưng... " Đôi khi bộ phận quản lý giao cho nhóm một số nhiệm vụ, với mục đích tốt nhất, nhưng sau đó suy nghĩ lại về quyết định đó. Rắc rối này thường xảy ra sau đêm mà nhà quản lý gặp phải một cơn ác mộng: "Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu như..." - sự suy đoán này làm nảy sinh một mối lo lắng. Nói cách khác, "chuyện gì sẽ xảy ra, nếu như..." chuyển thành "vâng, nhưng...".
Thử xem - Bạn sẽ thích đấy: Rắc rối này là biến thể của câu ngạn ngữ: "Làm như tôi nói, đừng làm như tôi làm". Hãy tưởng tượng là nhà quản lý đảm bảo với các nhóm rằng môi trường nhóm là tốt nhưng chính họ lại không tham gia vào nhóm. Nhân viên và nhà quản lý đều biết chuyện gì đang xảy ra. Kết quả là nhân viên miễn cưỡng tham gia vào nhóm và sự tin tưởng của họ với những nhà quản lý cũng giảm đi. Rắc rối này cũng có thể phát sinh từ việc thiếu kế hoạch. Nhà quản lý biết thành lập nhóm là một ý tưởng hay nhưng bản thân họ không thật sự muốn bỏ ra thời gian và công sức cần thiết để làm điều đó.
Với 5 rắc rối này, tác giả đưa ra 3 lời khuyên rất ngắn gọn: Nói sự thật; Hãy đi chậm; và cam kết và thực hiện đúng.
Sáu vai trò của một nhà quản lý thành công
Mô hình lãnh đạo "cũ" với lãnh đạo là trung tâm của nhóm đã không còn hiệu quả, bởi một vài trọng trách cơ bản làm cho mô hình này càng kém hợp lý. Nhà quản lý thành công ngày nay có sáu vai trò:
- Phối hợp với các hoạt động của nhóm.
- Tư vấn các vấn đề hoặc lựa chọn cơ hội.
- Cung cấp nguồn lực.
- Huấn luyện giải quyết rắc rối.
- Hỗ trợ việc thực hiện nhiệm vụ.
- Tổ chức ghi nhận một cách trang trọng và thân mật.
Lawrence Holpp cho rằng, người quản lý chỉ đạo mọi người làm việc thông qua một trong bảy quyền lực cơ bản - quyền vị trí, quyền cá nhân, quyền chuyên gia, quyền nguồn lực, quyền trao thưởng, quyền ép buộc hoặc quyền liên kết. Ông cũng nhấn mạnh rằng: "Khi bạn chia sẻ quyền lực với nhân viên, bạn có thể làm tăng thêm giá trị của mình đối với tổ chức bằng việc học cách hòa hợp giữa những vai trò mới và những quyền lực cơ bản của bạn".
Tên sách: Quản lý nhóm (Managing teams)
Tác giả: Lawrence Holpp
Điều tra quốc gia lần đầu tiên về gia đình:Kết hôn muộn, ly hôn tăng
Điều tra quốc gia lần đầu tiên về gia đình:Kết hôn muộn, ly hôn tăng
Gia đình anh chị Phạm Ngọc Thành (ở Q.7, TP.HCM) hạnh phúc trong Ngày hội gia đình VN năm 2008 tại Phú Mỹ Hưng, với chủ đề "Vòng tay yêu thương" sáng 22-6 - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
TT - Theo kết quả điều tra quốc gia lần đầu tiên về gia đình được Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch và Unicef công bố sáng qua, tuổi kết hôn trung bình của người VN đã tăng lên cả ở nam và nữ. Trong khi đó, gia đình hiện đại đang đối diện với nhiều vấn đề, khiến tình hình ly hôn đang có xu hướng tăng mạnh!
So với năm 1975, tuổi kết hôn trung bình giai đoạn 2000-2006 đã tăng 2,9 tuổi lên gần 26 tuổi ở nam và tăng 2,2 tuổi lên gần 23 tuổi ở nữ. Tuy nhiên, gia đình hiện đại đang gặp nhiều vấn đề mới mẻ khiến tình hình ly hôn tăng, cứ sau bốn năm lại tăng gấp đôi!
Tại lễ công bố điều tra quốc gia lần đầu tiên về gia đình VN, tổ chức sáng 26-6, PGS.TS Nguyễn Hữu Minh - viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện Khoa học xã hội VN) - cho biết gần đây có trên 60.000 vụ ly hôn/năm ở VN và xu hướng này đang tiếp tục tăng. "Ly hôn nhiều, khi đi sâu phân tích các nguyên nhân để làm giảm tỉ lệ này, chúng tôi thấy các cặp vợ chồng đang rất thiếu kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trong cuộc sống chung khó khăn, nhiều khác biệt trong sinh hoạt"- ông Minh nói.
Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) Lê Đỗ Ngọc cũng nhấn mạnh đến điểm yếu không có ai cung cấp kỹ năng sống cho các thành viên gia đình, trong khi cuộc sống hiện đại cả vợ và chồng cùng đi làm, cùng bị cuốn vào vòng quay thăng tiến, kiếm tiền làm giàu, thành đạt, thời gian gặp gỡ giữa cha mẹ và con cái, giữa cha mẹ với nhau đều rất ít, khiến cuộc sống gia đình hiện đại gặp nhiều thách thức mới.
Các thống kê công bố hôm qua cho thấy mâu thuẫn về lối sống là nguyên nhân hàng đầu (27,7%) dẫn đến ly hôn. Các yếu tố tiếp theo là ngoại tình (25,9%), nguyên nhân kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6,7%), lý do sức khỏe (2,2%) và do xa nhau lâu ngày (1,3%). Tỉ lệ ly hôn, ly thân cao nhất là ở Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là hai vùng có xu hướng ly hôn sớm nhất nước với số năm sống chung trước ly hôn là 8,7 năm (Đông Nam bộ) và 7,5 năm (đồng bằng sông Cửu Long).
Khỏe và có nghề
Phỏng vấn 9.300 gia đình
Cuộc điều tra quốc gia lần đầu tiên về gia đình do Tổng cục Thống kê, Ủy ban Dân số - gia đình và trẻ em (cũ), Viện Gia đình và giới, UNICEF đồng thực hiện trong hai năm 2006-2007. Tập trung vào bốn vấn đề: quan hệ gia đình, giá trị và chuẩn mực gia đình, kinh tế gia đình và phúc lợi gia đình. Nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn trên 9.300 hộ gia đình được lựa chọn ngẫu nhiên ở các vùng sinh thái trong cả nước, phỏng vấn sâu vị thành niên trong gia đình, chủ hộ và người cao tuổi trong gia đình.
Nhóm nghiên cứu kết luận việc giáo dục tiền hôn nhân cho thanh niên hết sức cần thiết cho việc đảm bảo hạnh phúc gia đình, thông qua những hiểu biết, kiến thức trong ứng xử và lối sống. Những gia đình "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" hoặc tự quyết định lấy nhau không hỏi ý kiến cha mẹ dễ ly hôn hơn các gia đình vừa yêu thương nhau vừa có ý kiến cha mẹ.
Theo TS Nguyễn Hữu Minh, đã có những xu hướng rất mới trong lựa chọn bạn đời ở VN. Trong đó, những người lựa chọn những "tiêu chuẩn cũ” như... đồng hương, lý lịch trong sạch hay chọn bạn đời không có tiêu chí rõ ràng đã giảm. Hiện người Việt trẻ quan tâm nhất đến hai yếu tố khỏe mạnh và nghề nghiệp ổn định khi chọn bạn đời. Các yếu tố được quan tâm khác là biết cách cư xử, tư cách đạo đức tốt, biết cách làm ăn... Theo ông Minh, ngày nay lớp trẻ quan tâm đến sự phù hợp của những người tham gia kết hôn hơn là sự phù hợp của hai bên gia đình, kiểu "môn đăng hộ đối" xưa cũ.
Những tác động về kinh tế, xã hội cũng đang làm thay đổi truyền thống về quyền sở hữu tài sản gia đình. Các kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ cả hai vợ chồng cùng đứng tên các giấy tờ sở hữu tài sản ở đô thị và nhóm giàu có xu hướng tăng lên, điều đó chứng tỏ sự bình đẳng trong gia đình đang có những tiến bộ. Quan niệm phải có con trai có xu hướng giảm dần cùng với sự tăng lên của mức thu nhập.
Khá giả và hiện đại hơn
Trong nghiên cứu này, mức độ hài lòng về hôn nhân khá cao, chỉ có 1,5% người được hỏi cho rằng họ không hài lòng về hôn nhân của mình. Nhưng theo các chuyên gia, điều này có thể phản ánh cá tính người Việt thường không thích "vạch áo cho người xem lưng", gia đình có mâu thuẫn nhưng không muốn sự can thiệp của bên thứ ba, đồng thời chỉ số hài lòng về hôn nhân cũng mâu thuẫn với tình hình ly hôn đang có xu hướng tăng cao.
Cũng theo nghiên cứu, gia đình người Việt đã khá giả hơn, hiện đại hơn, nhưng có tới 0,2% gia đình có hiện tượng vợ đánh chồng, 11% chồng đánh vợ, 17,9% vợ mắng chửi chồng và 50,7% chồng mắng chửi vợ. Chưa kể đang tồn tại tình trạng bạo lực của con cái với... cha mẹ, dù tỉ lệ không cao, chủ yếu là hiện tượng hỗn láo với cha mẹ hoặc con cái không quan tâm tới cha mẹ già.
Theo TS Nguyễn Hữu Minh, bất kỳ trong tình huống nào, ly hôn cũng sẽ ảnh hưởng rất xấu đến đời sống của những đứa trẻ. Phần lớn trẻ sống với mẹ sau khi gia đình tan vỡ và rất ít người bố chu cấp đầy đủ cho con cái, khiến đời sống vật chất của trẻ cũng bị ảnh hưởng. "Quan điểm của tôi là phải cố gắng để hạn chế tối đa việc ly hôn. Người vợ, người chồng có thể sẽ vui mừng vì có hạnh phúc mới, nhưng con cái sẽ khổ là vấn đề đã được khẳng định, mặc dù có thể có người lập luận con cái cũng khổ khi bố mẹ cố gắng sống chung nhưng không còn hạnh phúc!" - TS Minh nói với Tuổi Trẻ.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ 27/06/2008
Gia đình Việt Nam đang biến động lớn
Gia đình Việt Nam đang biến động lớn
NDĐT- Đây là một phần nội dung trong kết quả điều tra Gia đình Việt Nam năm 2006 vừa được Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) công bố sáng nay.
Quan niệm về bình đẳng giới được cải thiện
PGS-TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Gia đình và giới (Thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, kết quả điều tra cho thấy mô hình gia đình hạt nhân khá phổ biến ở thành thị và các khu vực đang phát triển.
Số hộ gia đình hai thế hệ chiếm hơn một nửa, với tỷ lệ 63,4%. Đã xuất hiện xu thế gia đình ba thế hệ sinh sống chủ yếu ở thành phố. Nguyên nhân chính là do điều kiện đất đai và nhà ở khu vực bị hạn chế; cùng đó là khuynh hướng thanh niên di cư từ nông thôn ra thành thị làm việc và sau đó lập gia đình luôn tại đây.
Hôn nhân vẫn rất phổ biến ở Việt Nam và cũng đang hình thành những xu hướng thay đổi. Tuổi kết hôn lần đầu thường cao hơn với những người ở thành phố (khoảng ba năm với cả hai giới) và những ngường có trình độ chuyên môn cao (khoảng 4,5 tuổi)
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Gia đình và giới, kết quả khảo sát chỉ ra rằng, chủ hộ của các gia đình Việt Nam hiện đại là chồng, vợ hoặc cả hai; chứng tỏ mức độ bình đẳng giới trong gia đình ngày càng tăng.
Phó trưởng đại diện UNICEF M.Zaman cho biết, cơ quan này rất hoan nghênh đề xuất tăng thời gian nghỉ sinh con cho lao động nữ từ bốn lên sáu tháng hiện đang được Chính phủ xem xét.
Hiện tượng ly hôn đang tăng lên, chủ yếu là do áp lực về kinh tế, khác biệt về lối sống và sự không chung thuỷ của hai giới. Kết quả điều tra lần này cho thấy tỷ lệ ly hôn là 2,6% với lứa tuổi từ 18-60 và cao hơn ở thành thị.
Ông Minh nhận xét, nếu trước kia, nữ giới rất sợ khi ly hôn do phải đối mặt với sự lên án của dư luận; họ cũng ít dám chủ động ly hôn thì hiện nay, thực trạng này đã có nhiều thay đổi. Tỷ lệ phụ nữ đứng đơn ly hôn cũng cao gấp đôi so với nam giới. Lý do chính là giá trị cá nhân được đề cao hơn, người phụ nữ chủ động hơn trong hạnh phúc của mình và cũng chứng tỏ nhận thức của nữ giới về quyền và địa vị của họ đã thay đổi.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, đây là cuộc điều tra quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc về một số vấn đề của gia đình nhằm nhận diện thực trạng gia đình trong thời kỳ CNH - HĐH và toàn cầu hoá ở Việt Nam.
Dự án thu thập dữ liệu từ 9.300 hộ gia đình, trong đó có cả các gia đình dân tộc thiểu số được lựa chọn ngẫu nhiên trong 64 tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Đối tượng tham gia chương trình thuộc nhiều thế hệ và lên tới 24.000 người.
Chương trình do Vụ gia đình (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), Tổng cục Thống kê, Viện nghiên cứu gia đình Australia, Viện nghiên cứu gia đình và giới tiến hành trong suốt năm 2006 và đầu năm 2007 với sự hỗ trợ của UNICEF.
Mặc dù tâm lý thích con trai vẫn tồn tại nhưng hơn 63% số người trong độ tuổi từ 18-60 phải đối quan niệm truyền thống này.
Trẻ em khát khao sự quan tâm của bố mẹ
Đó là ý kiến của bà Maniza Zaman, Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam từ kết quả điều tra toàn quốc lần này.
Một số liệu đáng lưu tâm trong khảo sát cho thấy, 20% các ông bố và 7% các bà mẹ không có thời gian dành cho con cái vì lý do mưu sinh. Nếu bố mẹ không quan tâm, chăm sóc con cái sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất, trí tuệ và tình của của trẻ em.
Bà Maniza Zaman nhấn mạnh, cũng như ở các nước khác, các bậc phụ huynh ở Việt Nam đang phải chịu áp lực của công việc, do phải làm việc nhiều để cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Do vậy, các nhà hoạch định chính sách cần hỗ trợ tốt hơn cho những người làm cha mẹ khi họ đang phải cố gắng vật lộn với nhu cầu của gia đình, công việc và sự phát triển kinh tế.
Sự hỗ trợ này bao gồm cả việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ em có chất lượng để những người đang làm việc có thể tiếp cận được, đặc biệt là người nghèo và xây dựng một hệ thống an sinh xã hội toàn diện để các bậc cha mẹ và gia đình được đảm bảo mức sống tối thiểu cơ bản.
Theo ông Minh, trẻ em ở Việt Nam thường xuyên tham gia các công việc gia đình,đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Trung bình, các em bắt đầu tham gia lao động được trả công là 14,3 tuổi.
Với lứa tuổi này, thiếu tiền (21,7%), học lực kém (10,7%) và không có điều kiện học tiếp (10,5%) là những lo lắng hàng đầu của các em trong cuộc sống.
LÊ NGÂN (nguồn: Báo Nhân Dân
26 tháng 6, 2008
Đừng nghĩ chúng ta xuống để dạy dân
Đừng nghĩ chúng ta xuống để dạy dân
Viết bởi Nguyễn Dung (lanhdao.net)
"Người làm công tác xã hội thì nhiều nhưng vấn đề ở chỗ chúng ta chưa có phương thức tiếp cận một cách đúng nhất. Chính vì vậy đừng bao giờ nghĩ rằng người dân người ta không quan tâm đến công tác xã hội" - Đó là khẳng định của ông Phan Văn Ngọc - Giám đốc Quốc gia ActionAid VN (AAV) - trong hội thảo tổng kết "Sáng kiến đầu tư vào thế hệ trẻ" sáng 18/6 tại trường Đại học Lao động và Xã hội về vấn đề công tác cộng đồng.
Căn bản nhất là chưa có phương pháp phù hợp
* Theo ông, điểm hạn chế của sinh viên khi làm công tác cộng đồng là gì?
- Đó là họ chưa hiểu được bản chất công việc mà họ làm, nên tập trung ở đâu, vấn đề nóng hổi hiện tại là gì. Họ thiếu kinh nghiệm thực tế. Chính phủ rất quan tâm đào tạo lực lượng trẻ nhưng phương thức đào tạo của ta ở góc độ nào đó còn chưa phù hợp. Để lực lượng trẻ có thể phục vụ đất nước, cần cho họ thật nhiều những cơ hội thực tiễn hơn nữa.
* Yếu tố thực hành và kỹ năng tiếp cận với xã hội có phải là nguyên nhân khiến cho người dân ít biết đến công tác xã hội?
- Những người làm công tác xã hội thì rất nhiều nhưng vấn đề ở chỗ chúng ta chưa có phương thức tiếp cận một cách đúng nhất. Chính vì vậy, đừng bao giờ nghĩ rằng người dân người ta không quan tâm đến công tác xã hội. Vấn đề ở chỗ chúng ta đã đặt vấn đề và tiếp cận với người dân đúng chưa.
* Vậy theo ông, làm thế nào để tạo được cầu nối giữa người dân và những người làm công tác cộng đồng?
- Tôi cho rằng vấn đề này xuất phát từ nhà trường. Phương thức giảng dạy, giáo trình thực tiễn, cụ thể hơn nữa để cung cấp cho sinh viên, thế hệ trẻ một cơ hội để họ cải thiện khả năng hành dụng.
Có một vấn đề không mới là chúng ta vẫn nói về việc làm sao để người dân tham gia, để tiếng nói của họ có trọng lượng trong quá trình điều hành đất nước. Thế nhưng, thực tế chúng ta chưa làm được điều đó. Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta chưa có phương thức làm việc để động viên người dân tham gia tích cực nhất. Cán bộ làm công tác xã hội cần phải học cái đó.
Có một cái mà trong tư duy của chúng ta cần thay đổi. Thay vì nghĩ xuống để "dạy" dân, hãy nghĩ rằng, chúng ta xuống để dẫn dắt và tạo điều kiện cho người dân đưa ra ý tưởng, ý kiến của mình. Chúng ta đến để giúp các hoạt động nó xảy ra hơn là người đến để giảng dạy họ. Từ trước đến giờ rất nhiều người vấp phải cái đó.
Cần hiểu bản chất của công việc phục vụ cộng đồng
* Đôi khi vẫn xảy ra thực trạng người nhiệt tình thì thiếu năng lực, người có năng lực thì lại ít khát vọng cống hiến cho cộng đồng, nhất là những cộng đồng còn khó khăn. Làm sao khắc phục thực tế này?
- Những người nhiệt tình thì cần tạo điều kiện cho họ tôi luyện thêm ở hiện trường. Đó không phải là cái gì quá cao siêu. Từ hiện trường, tiếp xúc, kinh nghiệm, họ đúc kết ra, ta hướng dẫn cho họ thêm thì họ sẽ làm được tốt.
Còn đối với những người có kiến thức, kinh nghiệm, nhưng không sẵn sàng làm việc cần phải làm cho họ hiểu đây là những công việc có giá trị và giúp ích cho xã hội. Cần phải có một quá trình để họ nhìn mình và tự thay đổi chính họ. Đừng đòi hỏi ngày một, ngày hai họ thay đổi, mà để tự đưa ra câu trả lời cho chính mình.
Một chương trình không thể giải quyết được tất cả các vấn đề của xã hội nhưng chúng tôi nghĩ rằng những ai hiểu được bản chất của công việc phục vụ cộng đồng, những ai có phương thức đúng đắn là những người nắm bắt được cơ hội và họ phát triển được.
* Theo ông, trong số những phẩm chất thanh niên cần khi tham gia công tác cộng đồng, thì phẩm chất nào là quan trọng nất?
- Ở bất cứ xã hội nào, cái quan trọng nhất vẫn là kiến thức. Kiến thức trong trường, kiến thức thực tế, hai cái tôi nghĩ đều quan trọng như nhau. Thứ hai là họ cần có cam kết cao nhất, say mê với nghề nghiệp. Thiếu cái đó thì không thể làm được gì. Tôi xếp hai phẩm chất lên đầu.
Tuy nhiên, một điều cũng không kém phần quan trọng là môi trường, cơ chế cho họ làm việc. Các cơ quan trong các lĩnh vực phát triển cần tạo điều kiện để ở đó họ có thể phát huy cao nhất những đóng góp của họ.
* Có người nói rằng, thanh niên ngày nay kém xa thanh niên thời trước về lý tưởng. Tiếp xúc nhiều với sinh viên làm công tác cộng đồng, ông nghĩ sao về nhận xét này?
- Mỗi thời có một luồng tư tưởng riêng. Chúng tôi cho rằng trước đây thanh niên có thể sẵn sàng hi sinh cả tính mạng của họ để ra chiến trường. Họ chiến đấu vì mục đích bảo vệ đất nước. Ngày nay sinh viên, thế hệ trẻ còn được như thế không? Các quyết tâm vẫn còn đầy, nhưng rõ ràng lĩnh vực kinh tế không phải là một chiến trường ào ạt được. Tôi không nghĩ quyết tâm và sự sẵn sàng của thanh niên bị thui chột. Vấn đề ở chỗ xã hội có đầy rẫy rất nhiều các vấn đề mà họ phải tự lựa chọn thì họ còn bỡ ngỡ. Chúng ta cần tạo hướng cho họ. Không phải chúng ta đang đi thụt lùi mà chúng ta đang đi rất đúng hướng.
Nhân dân - nơi có tất cả những thứ mình cần
* Có người nói rằng làm công tác cộng đồng ở những nơi khó khăn, những huyện miền núi, "đem lại những niềm vui mà ở thành phố không thể nào có được". Còn ông, với thâm niên gần 30 năm công tác cộng đồng, điều gì khiến ông tâm đắc nhất?
- Đúng là mỗi người đều có nhiệm vụ riêng của mình, nhưng điều để lại cho tôi sau 30 năm hoạt động là những tình cảm rất mộc mạc, đơn sơ, chân chất của người dân. Đó là những nụ cười không thể nào có được của một cụ già hay một cháu nhỏ. Khi làm việc với chúng tôi, họ cười rất sảng khoái dù khó khăn còn đầy trước mặt. Một nụ cười cho chúng tôi niềm tin và hãy quyết tâm làm việc. Tất cả mọi thứ còn ở phía trước.
Khi mình biết khai thác hết thế mạnh ở dân thì người dân lúc nào cũng là người tuyệt vời nhất. Họ có tất cả những kiến thức và kinh nghiệm mình cần phải học. Họ dạy cho mình bài học rằng mình muốn làm gì đó phải dựa vào sáng kiến và quyết tâm của người dân. Làm được như vậy, chúng ta sẽ trở thành người thắng cuộc.
Triển khai thông tin tới dân còn qua quá nhiều khâu
"Khó khăn nhất mà người dân gặp phải là tổ chức cuộc họp, tiếp cận thông tin. Cơ sở có thông tin nhưng khi triển khai tới người dân còn rất hạn chế và qua nhiều khâu quá. Tự bản thân cán bộ cấp xã với người dân đã là khoảng cách ngắn nhất rồi, không nên tạo ra quá nhiều khâu khác nữa để nghị quyết không tiến tới người dân và người dân không đến với cán bộ.
Người dân muốn việc công khai minh bạch về mặt tài chính không hình thức nữa. Ví dụ là dự án này chi bao nhiêu, làm như thế nào phải để người dân không trực tiếp tham gia vào giám sát các hoạt động ấy".
(Bùi Văn Mạnh, khoa Công tác xã hội, lớp T42, Đại học Lao động và Xã hội)
"Làm sao để họ biết chúng tôi cần một cây cầu..."
"Chúng tôi mong những người làm công tác cộng đồng sẽ là cầu nối, chuyển tải những mong muốn của chúng tôi tới cấp chính quyền cao hơn, làm sao để họ biết rằng chúng tôi cần một cây cầu treo để đi lại, để chúng tôi mua bán cây củi, cây đóm, mớ rau, cân gạo giống, trường gần hơn để các em đi học cái chữ...., đừng bỏ học nữa.
Sinh viên cộng đồng đến với chúng tôi rất tình cảm. Họ làm việc thẳng thừng, thẳng thắn, vô tư và sòng phẳng. Đồng tiền tài chính thì công khai, rành mạch. Họ giúp chúng tôi tu sửa những đoạn đường có cống, dạy chúng tôi công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em, không buôn bán trẻ em, bình đẳng giới, tuyên truyền về luật pháp bình đằng giới, quyền công dân của mọi người, trị giá đồng lương và chống bạo lực gia đình.
Chúng tôi có cảm giác nhận được thông tin rất mới, rất phù hợp với địa phương chúng tôi. Ở địa phương, cán bộ xã có tuyên truyền nhưng chưa được rộng rãi lắm. Người dân tiếp thu kém, sinh viên đến trực tiếp họp thôn thế này thì rõ ràng hơn".
(Vi Thị Xuyên, 44 tuổi, xã Ngọc Hà, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang)
(theo lanhdao.net)
Giáo dục hòa nhập
Giáo dục hòa nhập
Trong buổi nói chuyện này, tôi xin phép được trình bày quan điểm của mình về giáo dục hòa nhập, những yếu tố quan trọng trong giáo dục hòa nhập và làm thế nào để áp dụng giáo dục hòa nhập vào Việt Nam.
Giáo dục hoà nhập… Một khái niệm rất rộng. Chúng ta có ý gì khi sử dụng cụm từ giáo dục hòa nhập và chúng ta nên sử dụng khái niệm nào về giáo dục hòa nhập?
Trước hết, rất nhiều người liên hệ cụm từ này với việc nhận trẻ khuyết tật tham gia học tập tại trường phổ thông. Theo ý kiến của tôi, giáo dục hòa nhập đã bắt đầu từ trước đó và nó bao hàm nhiều ý nghĩa hơn là việc nhận trẻ khuyết tật tham gia học tập tại trường phổ thông.
Giáo dục hòa nhập chứa từ hòa nhập trong đó. Và hòa nhập có nghĩa bao hàm tất cả mọi người cùng tham gia vào quá trình giáo dục. Giáo dục hòa nhập, như vậy, có nghĩa là giáo dục cho tất cả mọi người. Khái niệm này bắt đầu chính từ tất cả mọi người đều có quyền được đi học. Và chính vì thế, chúng ta sẽ không chỉ bàn luận về quyền được giáo dục. Bởi vì để cho một đứa trẻ ngồi vào trong lớp học chưa có nghĩa là hòa nhập. Hòa nhập cũng bao hàm ý nghĩa về chất lượng giáo dục. Và chất lượng đó chỉ được đảm bảo khi chúng ta nhìn thấy mọi trẻ đều bình đẳng trong quyền được nhận vào học và được đối xử bình đẳng như nhau. Trong một lớp học, có rất nhiều sự khác biệt lớn giữa các học sinh, không chỉ do xuất thân của trẻ đến từ nơi nào , địa vị xã hội của gia đình đứa trẻ như thế nào, mà còn bởi vì khả năng học khác nhau ở từng trẻ. Và đến đây, chúng ta vẫn chưa đề cập đến vấn đề khuyết tật. Cũng như giữa các học sinh khác nhau trong cùng một lớp luôn có sư khác biệt về cách học và khả năng học tập. Mỗi đứa trẻ đều có một điểm mạnh trong từng môn học khác nhau. Và trách nhiệm của người giáo viên là phải biết cách đáp ứng lại với những sự khác nhau đó. Tôi hoàn toàn đồng ý với khái niệm mà UNESCO đã đưa ra, đối với họ, hòa nhập là: “động lực tiếp cận và phản ứng một cách tích cực với các mặt khác nhau của học sinh và nhìn nhận sự khác biệt của các cá nhân không phải là vấn đề, mà sự khác biệt ấy chính là cơ hội cho phát triển học tập” Giáo viên phải nhìn thấy những mặt khác nhau đó của học sinh như là một thách thức đối với chính bản thân mình.
Những yếu tố nào là quan trọng trong giáo dục hòa nhập? Trước hết, đó là chúng ta chấp nhận các mặt khác nhau của học sinh như là một sự hoan nghênh. Chúng ta sẽ phải nhìn giáo dục hòa nhập như là một bậc cao hơn của sự tham gia vào học tập, văn hóa, xã hội, giảm sự loại trừ ở bên trong. Giáo dục hòa nhập có ý nghĩa với tất cả học sinh. Chúng ta không nên chỉ chú ý tới những học sinh khuyết tật. Sức mạnh của giáo dục hòa nhập đó là làm cho mọi học sinh đều cảm thấy chúng được hòa nhập.
Tôi cũng muốn đề cập đến sự cần thiết của học sinh trước, sau đó mới đến khuyết tật. Chúng ta nên nhìn vào những gì trẻ có thể làm được hơn là nhìn vào những gì trẻ không thể làm được. Bởi vì trong giáo dục, chúng ta phải bắt đầu từ khả năng hiện có ở trẻ. Điều này cũng khiến cho trẻ cảm thấy tự tin hơn. Khi ta chỉ nghĩ đến những điều ta không thể làm được, ta sẽ không thể cảm thấy thoải mái và sẽ dần dần mất đi sự hào hứng trong học tập.
Bởi vậy, giáo dục hòa nhập còn có hàm ý: chúng ta nên nghĩ khác về trẻ khuyết tật. Chúng ta nên nhìn nhận trẻ khuyết tật như là những con người khác với những kỹ năng và khả năng khác, nhưng tất cả họ đều có động lực và kỹ năng học tập, chỉ có điều, họ khác. Sẽ không có ý nghĩa gì khi chúng ta cứ phàn nàn về đứa trẻ suốt ngày với những vấn đề của nó. Khi một đứa trẻ bị điếc, chúng ta chỉ có thể đối diện với điều đó. Chúng ta không cần phải nhắc đi nhắc lại vấn đề này suốt ngày mà chúng ta phải nhìn xem đứa trẻ cần gì. Và ở trẻ điếc, mỗi trẻ cũng có những đặc điểm rất khác nhau. Chúng ta chỉ có thể cố gắng tìm ra cách mà đứa trẻ tiếp thu bài học và chỉnh sửa chương trình, nội dung giảng dạy cho phù hợp với trẻ.
Ở Hà Lan có một vị giáo sư rất nổi tiếng. Ông cũng đã dạy tôi khi tôi còn ở trong trường Đại học. Ông đã nhận ra 3 nhu cầu cơ bản của trẻ trong nhà trường. Nhu cầu đầu tiên đó là mối quan hệ. mỗi đứa trẻ đều muốn có một mối quan hệ tốt với người dạy chúng. Với mối quan hệ an toàn này, đứa trẻ có thể tăng hứng thú học tập. Nhu cầu thứ hai đó là khả năng, đứa trẻ phải cảm thấy nó có khả năng học, chính vì điều đó, người dạy cần phải thiết lập và khuyến khích cảm giác này ở trẻ. Và nhu cầu thứ ba, đó là sự tự do cá nhân. Đứa trẻ cần phải cảm thấy tự do trong quá trình học tập của nó. Điều này cũng đồng nghĩa với sự độc lập. Người giáo viên phải tìm ra sự cân bằng tốt giữa việc hướng dẫn đứa trẻ và để yên cho trẻ tự làm. Khi ba nhu cầu này được đáp ứng, chúng ta có thể nói đó là giáo dục phù hợp và môi trường học tập tốt và đó là vấn đề cơ bản của giáo dục hòa nhập.
Chúng ta có thể nhìn nhận giáo dục hòa nhập như là một quá trình. Nó có thể được xem như là một sự tìm kiếm không ngừng nghỉ để tìm ra những phương thức tốt hơn của việc đáp ứng lại với những sự khác biệt của học sinh. Đó còn là việc học thế nào để sống chung với những sự khác biệt và làm thế nào thể học từ những sự khác biệt đó. Đó cũng chính là sự hòa nhập của tất cả các học sinh.
Nhưng câu hỏi tiếp theo là: làm thế nào để áp dụng nó vào trong trường lớp tại địa phương? Trước hết, điều quan trọng là phải hiểu rõ lớp hay trường tại địa phương hiểu như thế nào về giáo dục hòa nhập và địa phương có chính sách như thế nào dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt?
Điều thứ hai cũng quan trọng đó là tham gia các khóa đào tạo. Có rất nhiều các khóa học ở khắp nơi trong Việt Nam. Những tháng vừa rồi, tôi đã có điều kiện được đi một số vùng ở Việt Nam để thăm những dự án khác. Tôi đã gặp rất nhiều người và nhận ra rằng Việt Nam đang cố gắng chuyển từ giáo dục chuyên biệt sang giáo dục hòa nhập. Điều này có nghĩa là giáo dục hòa nhập đang là một đề tài nóng hổi tại Việt Nam trong thời điểm này. Có thể thấy khoa Giáo dục đặc biệt của trường ĐH Sư Phạm Hà Nội hiện đang rất bận rộn cho dự án giao dục hòa nhập. Tôi biết rằng, chính phủ muốn tất cả trẻ khuyết tật được học hòa nhập. Tôi lo ngại rằng, ở Việt Nam hiện nay đang sử dụng một chương trình giảng dạy rất nghiêm ngặt và kín đặc thời gian. Điều này đôi lúc có thể là khó cho việc thay đổi chương trình trong chương trình giảng dạy này, nhưng tôi cũng đã nói chuyện với các giáo viên và quan sát họ dạy, trong thời gian đó, họ đã chỉ cho tôi thấy rằng việc thay đổi chương trình cho phù hợp với trẻ là có thể thực hiện được. Ví dụ: rất nhiều bài học có thể được dạy bằng cách học theo nhóm, đây là cách kích thích sự phát triển kỹ năng xã hội ở trẻ rất tốt, từ việc làm việc theo nhóm, người giáo viên có thể chia ra rất nhiều loại nhóm khác nhau với những trẻ có khả năng khác nhau. Học từ thảo luận nhóm là cách học rất hấp dẫn với trẻ và trong trường hợp này người giáo viên làm việc trong một môi trường thân thiện với trẻ và với trong sự khác biệt của chương trình giảng dạy. Bên cạnh thời gian rảnh rỗi của trẻ hoặc trong lúc trẻ làm việc độc lập, chúng ta có thể hỗ trợ các nhóm với những nội dung mà nhóm đó cần hỏi. Khi chúng ta dạy ở những lớp cao hơn, chúng ta cũng có thể sử dụng những học sinh giỏi để giúp đỡ những học sinh cần sự hỗ trợ. Và khi chúng ta có được những dụng cụ học tập tốt, chúng ta có thể làm được nhiều hơn thế.
Ở Hà Lan, tôi đã từng làm việc với rất nhiều các giáo viên và học sinh ở bậc Tiểu học. Giáo dục hòa nhập cũng là một chủ đề nóng hổi tại đây. Những gì tôi đã cố gắng làm, đó là hỗ trợ giáo viên những kỹ năng dạy trong giáo dục hòa nhập. Bắt đầu với việc hướng dẫn giáo viên cách quan tâm chăm sóc học sinh.
Khi trẻ bắt đầu gặp những vấn đề trong việc theo chương trình học bình thường trên lớp, điều quan trọng là người giáo viên phải nhận biết những vấn đề này từ sớm. Sau khi nhận thấy những vấn đề này, người giáo viên cần phải phân tích xa hơn. Người giáo viên có thể cố gắng chuyển tải chương trình theo cách phù hợp hơn với trẻ hoặc giải thích lại những vấn đề mà trẻ chưa hiểu trong bài. Khi vấn đề càng ngày càng trở nên tệ hơn, thì đó chính là thời gian cần thiết phải lượng giá lại. Người giáo viên có thể tự đánh giá một phần nhưng vẫn cần phải có một chuyên gia đánh giá trẻ. Trong đánh giá trẻ, điều quan trọng là phải nhận thấy được những gì trẻ không thể làm được, nhưng bên cạnh đó, điều quan trọng hơn là phải nhận thấy được khả năng còn lại của trẻ. Tôi e rằng chúng ta chưa sử dụng phương thức đánh giá này tại Việt Nam, ở đây chưa có nhiều những công cụ đánh giá có độ tin cậy cao. Và tôi thực sự nhận thấy giống như một sự cần thiết, những công cụ đánh giá với độ tin cậy cao này sẽ đến Việt Nam trong một thời gian gần đây. Và khi công cụ đánh giá đó đến, nó sẽ phải là một công cụ đo lường tốt. Bởi vì nếu không có một công cụ đánh giá chuẩn cho trẻ thì sẽ không thể lên kế hoạch giáo dục cho trẻ một cách hiệu quả.
Sau đánh giá trẻ, chúng ta cần lập kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ với mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn tốt. Theo ý kiến của tôi, chỉ sử dụng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ để viết vào đó nhu cầu cần hỗ trợ trong học tập của trẻ chứ không phải là viết vào kế hoạch cá nhân chương trình học của trẻ. Đối với những trẻ này, sự lượng giá và hướng dẫn cũng là những điều mà trẻ cần. Kế hoạch giáo dục cá nhân không nên chỉ được lập ra bởi các giáo viên. Các giáo viên có thể lên kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ, nhưng kế hoạch giáo dục cá nhân bản thân nó cũng luôn cần sự hỗ trợ và các ý kiến từ những người khác. Người phó giám đốc trung tâm, hoặc người hiệu phó trong trường phổ thông nên biết về kế hoạch giáo dục cá nhân và lượng giá kế hoạch giáo dục cá nhân theo từng thời điểm với các giáo viên.
Trong tất cả các giai đoạn của giáo dục hòa nhập, điều quan trọng là phải có sự phối hợp giữa các cấp. Giai đoạn đầu, giáo viên nên nói chuyện với giám đốc hoặc phó giám đốc trung tâm (hoặc ở trường, nói với người chịu trách nhiệm nội dung giảng dạy) về những biểu hiện của vấn đề ở trẻ và nhận sự hỗ trợ từ họ. Giáo viên cũng đồng thời phải có trách nhiệm trong việc liên hệ với phụ huynh về các vấn đề của trẻ. Phụ huynh có quyền được tham gia vào tất cả những gì xảy ra với con em mình từ khi bắt đầu đưa trẻ đến trường. Họ cũng phải có trách nhiệm giúp đứa trẻ phát triển theo hướng tích cực. Điều này cũng bao hàm việc kế hoạch giáo dục cá nhân phải được thực hiện ở nhà. Phụ huynh của trẻ cũng phải được tham gia tập huấn về điều này. Khi những khó khăn của trẻ được nhận ra càng sớm thì trẻ càng có nhiều cơ hội hòa nhập dễ dàng hơn. Cho cả phụ huynh và giáo viên, chúng ta đều mong đợi những thái độ nhiệt tình.
Nhà trường cũng cần phải có những biểu mẫu tốt cho những đơn từ được sử dụng tại trường. Với cách này, nhà trường có thể tự tạo những bộ hồ sơ tốt cho trẻ và có thể lượng giá bất cứ khi nào.
Sự hỗ trợ của giáo viên cũng có thể bao gồm việc tư vấn hay quan sát trong lớp học và đưa ra lời khuyên sau đó. Người quan sát có thể phân tích những gì giáo viên và học sinh đã làm và đưa ra lời khuyên. Điều này cũng rất có ích khi quan sát lớp học qua hệ thống camera. Cho rất nhiều giáo viên (tại Hà Lan) đầu tiên, họ rất ngại, nhưng họ cũng nhận thấy rất rõ những gì mà người quan sát nói với họ. Đối với người giáo viên, sẽ là một cơ hội tốt cho họ tự nhìn thấy bản thân trong công việc và nhận ra mình đã làm việc và giao tiếp với học sinh như thế nào. Những cử chỉ và lời nói trong giao tiếp với học sinh sẽ được nhìn thấy rất rõ qua hệ thống camera từ băng hình ghi lại.
Các giáo viên cũng có thể hỗ trợ nhau bằng cách dự giờ các tiết dạy của nhau. Họ có thể trao đổi với nhau về những vấn đề và kinh nghiệm hoặc hỏi những câu hỏi mà họ muốn đặt ra. Điều này cũng khả thi trong những cuộc họp của các giáo viên. Điều quan trọng là tất cả các giáo viên đều cùng tham gia vào quá trình của giáo dục hòa nhập. Trong làm việc thảo luận nhóm, cần phải có bầu không khí tự tin và cởi mở. Các giáo viên đều cần phải có cơ hội được hỏi và bàn luận về các vấn đề thay vì chỉ trích người này hay người kia không phải là giáo viên tốt. Bởi vì theo ý kiến của tôi, người giáo viên tốt là người giáo viên có thể vượt qua được tổn thương khi bị chỉ trích và tiếp tục học hỏi.
Cuối cùng nhưng không phải kém quan trọng nhất, lượng giá là điều quan trọng nhất. Sau khi làm việc với kế hoạch giáo dục trẻ, một sự lượng giá tốt là điều rất có giá trị.
Có rất nhiều điều cần phải thay đổi để có thể trở thành một trường hòa nhập thực sự. Và điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian, bởi vậy, xin đừng bỏ cuộc, hãy cố gắng kiên nhẫn… Giáo dục hòa nhập là cả một quá trình. Và điều quan trọng nhất đó là mỗi trường của chúng ta không cần phải làm tất cả các công việc một mình. Trung tâm PHCN và GDHN trẻ khuyết tật Cao Bằng sẽ rất vui khi được giúp đỡ các trường phát triển những điều trên. Tôi cho rằng, một cơ hội rất tốt sẽ mở ra khi Trung tâm PHCN và GDHN Cao Bằng đi vào hoạt động. Và khi đó, nếu có câu hỏi nào, tôi rất mong được là người trả lời và cùng với các bạn trả lời các câu hỏi. Ở bất cư nơi đâu, vào bất cứ thời điểm nào. Bởi vì tất cả chúng ta đều có một điểm chung, đó là trái tim của chúng ta dành cho trẻ và dành cho việc giáo dục trẻ. Cám ơn rất nhiều.
Fanny Verwoert
Inclusive Education Consultant
VSO/MCNV
Lê Mai Khanh
Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội
25 tháng 6, 2008
Các thuyết ảnh hưởng đến phương pháp công tác xã hội nhóm
Các thuyết ảnh hưởng đến phương pháp công tác xã hội nhóm
a/ Thuyết hệ thống :
Theo Parson, nhóm là hệ thống xã hội với những thành viên lệ thuộc hỗ tương, cố gắng duy trì trật tự và sự cân bằng như một thể thống nhất. Nhóm phải vận động tài nguyên để đáp ứng nhu cầu. Nhóm có 4 nhiệm vụ chính : (1) Hội nhập – đảm bảo rằng các nhóm viên hoà hợp với nhau; (2) Thích nghi – đảm bảo là nhóm thay đổi để ứng phó với nhu cầu đòi hỏi của môi trường; (3) Duy trì – đảm bảo nhóm xác định và duy trì được mục đích cơ bản, bản sắc, và phương cách của nó; (4) Đạt mục tiêu – đảm bảo nhóm theo đuổi và hoàn thành trách nhiệm. Nhóm phải hoàn tất 4 công việc này để duy trì được sự quân bình, đây là công việc dành cho tác viên và nhóm viên của nhóm.
Theo Robert Bales, nhóm phải giải quyết 2 vấn để để tự bảo tồn, đó là vấn đề liên quan tới công việc và vấn đề liên quan tới cảm xúc tức bầu không khí nhóm.
Parson nhấn mạnh tới sự hài hoà và quân bình, trong khi đó Bales nhấn mạnh tới sự căng thẳng và xung đột. Nhóm có khuynh hướng dao động giữa sự thích nghi với môi trường bên ngoài và quan tâm tới sự hội nhập bên trong. Bales gọi đây là sự quân bình năng động. Nghiên cứu sự quân bình năng động này và thấy rằng để giải quyết vấn đề liên quan tới công việc các nhóm viên cho ý kiến, cung cấp thông tin yêu cầu các đề nghị hoặc đưa ra các đề nghị. Để giải quyết vấn đề về cảm xúc các nhóm viên bày tỏ sự đồng ý, không đồng ý, bày tỏ sự căng thẳng hay giải toả sự căng thẳng, bày tỏ sự đoàn kết hay xung đột. Qua mối tương tác này các thành viên nhóm giải quyết vấn đề, trao đổi, lượng giá, kiểm soát, lấy quyết định, giảm căng thẳng và hội nhập.
Có thể rút ra từ các quan điểm khác nhau về thuyết hệ thống những khái niệm đáng quan tâm đối với tác viên nhóm như sau :
- Sự hiện diện của tài nguyên của nhóm như một tổng thể xuất phát từ mối tương tác giữa các cá nhân trong nhóm
- Sức ép mãnh liệt của nhóm lên trên hành vi của cá nhân
- Khi nhóm giải quyết những mâu thuẫn, đó là sự đấu tranh để tồn tại
- Nhóm phải nối kết với môi trường bên ngoài và quan tâm tới sự hội nhập bên trong.
- Nhóm thường xuyên ở trong tình trạng hình thành, phát triển, và thay đổi
- Nhóm có một chu kỳ sống.
b/ Thuyết tâm lý năng động
Theo lý thuyết này nhóm viên thể hiện những xung đột không giải quyết được từ kinh nghiệm sống từ thời bé. Bằng nhiều cách nhóm tái hiện lại tình huống gia đình, thí dụ như mô tả người trưởng nhóm như hình ảnh của người cha có toàn quyền trên các nhóm viên. Nhóm viên hình thành những phản ứng chuyển giao cho người trưởng nhóm và cho nhau trên cơ sở những kinh nghiệm sống thuở ban đầu của họ. Như vậy mối tương tác diễn ra trong nhóm phản ảnh cơ cấu nhân cách vả cơ chế tự vệ mà nhóm viên bắt đầu phát triển từ thời ấu thơ. Tác viên sử dụng sự giao dịch này để giúp cho nhóm viên giải quyết các xung đột chưa giải quyết của họ bằng cách thăm dò mẫu hành vi trong quá khứ và nối kết với những hành vi hiện tại. Thí dụ tác viên có thể diễn dịch hành vi của 2 nhóm viên đang tranh giành sự quan tâm của trưởng nhóm như sự tranh chấp không giải quyết được của 2 anh em. Khi diễn dịch của tác viên đúng lúc thì các nhóm viên hiểu được hành vi của riêng họ. Theo thuyết tâm lý năng động thì sự hiểu biết này là thành tố cần thiết trong việc điều chỉnh và thay đổi hành vi bên trong và bên ngoài nhóm.
c/ Thuyết học hỏi
Thuyết gây nhiều tranh cãi trong CTXH nhóm nhiều nhất. Điều cơ bản của lý thuyết này là nhấn mạnh đến hành vi cá nhân hơn là hành vi nhóm. Theo lý thuyết này hành vi của nhóm có thể được giải thích bằng 1 trong 3 phương pháp học tập.Theo lối tiếp cận cổ điển, hành vi có liên quan tới sự kích thích. Thí dụ như một nhân viên đáp ứng bằng một lời phê tiêu cực mỗi khi một nhóm viên quay qua nói với một nhóm viên khác trong lúc nhân viên và các nhóm viên khác đang nói. Sau nhiều lần như vậy chỉ cần nhóm viên tái hiện hành vi quay qua mà không nói chuyện cũng đủ cho người nhân viên nhận xét tiêu cực rồi.
Phương pháp thứ hai thông thường hơn gọi là điều kiện hoạt động. Hành vi của nhóm viên và tác viên được điều hành bởi kết quả của hành động của họ.Nếu một nhóm viên có một hành vi nào đó và nhóm viên B đáp ứng một cách tích cực thì nhóm viên A có thể sẽ tiếp tục hành vi đó. Tương tự nếu tác viên nhận được phản hồi tiêu cực từ nhóm viên về một hành vi nào đó thì tác viên có thể sẽ không cư xử như thế trong tương lai.
Trong nhóm, tác viên có thể dùng sự khen ngợi để gia tăng sự giao tiếp giữa nhóm viên với nhau và những nhận xét tiêu cực để làm giảm sự giao tiếp giữa tác viên và nhóm viên.
Mô hình thứ ba là lý thuyết học hỏi xã hội. Nếu nhóm viên và tác viên chờ đợi điều kiện hoạt động thì những hành vi trong nhóm được học hỏi rất chậm chạp. Bandura cho rằng hầu hết việc học hỏi diễn ra qua sự quan sát và ca ngợi hay củng cố trải nghiệm hay trừng phạt. Thí dụ, khi một nhóm viên được khen ngợi vì một hành vi nào đó thì tác viên và nhóm viên khác sẽ tái tạo hành vi đó sau này hy vọng là sẽ nhận được sự khen thưởng tương tự. Khi một nhóm viên thể hiện một hành vi nào đó mà xã hội không quan tâm hay trừng phạt thì những nhóm viên khác sẽ học là không cư xử như thế vì hành vi đó đem lại kết quả tiêu cực.
d/ Thuyết hiện trường
Kurt Lewin đã thực hiện nhiều cuộc thí nghiệm về sức ép để giải thích hành vi trong nhóm nhỏ. Theo lý thuyết hiện trường của Lewin thì nhóm có một không gian sống, nó chiếm một vị trí tương quan với các vật thể khác trong khoảng không gian nầy, nó được hướng dẫn để đạt được mục tiêu, nó vận chuyển để theo đuổi những mục tiêu này, và nó có thể gặp nhiều trở ngại trong tiến trình vận chuyển. Sự đóng góp độc đáo của thuyết hiện trường là xem nhóm như một tổng thể (gestalt), đó là sự phát triển từ từ những lực đối lập để giữ cho nhóm viên gắn với nhóm và làm cho nhóm tìm cách để đạt được mục tiêu. Theo Lewin, nhóm liên tục thay đổi để ứng phó với tình huống xã hội dù rằng có nhiều khi nó ở trạng thái gần như đứng yên. Lewin đưa ra vài khái niệm để hiểu về sức mạnh của nhóm, đó là :
- Vai trò: vị trí, quyền và bổn phận của nhóm viên
- Qui chuẩn: những nguyên tắc điều hành/chi phối hành vi của nhóm viên
- Quyền lực: khả năng nhóm viên ảnh hưởng lẫn nhau
- Sự liên kết: toàn bộ những hấp lực và sự lôi cuốn của các thành viên trong nhóm cảm nhận về nhau và vể nhóm.
- Sự nhất trí: Mức độ đồng ý về mục tiêu và các hiện tượng khác trong nhóm
- Khả năng đạt mục tiêu trong không gian sống của nhóm.
Thuyết hiện trường của Lewin cho rằng người ta sẽ không thay đổi hành vi của mình cho tới khi nào họ thấy rõ hành vi của mình như người khác thấy.
e/ Thuyết trao đổi xã hội:
Thuyết này nhấn mạnh đến hành vi cá nhân của các thành viên trong nhóm. Phát xuất từ những học thuyết trò chơi, phân tích kinh tế, tâm lý động vật, các nhà lý thuyết trao đổi xã hội cho rằng khi người ta tương tác trong nhóm, mỗi người đều cố gắng hành xử để gia tăng tối đa sự khen thưởng và giảm thiểu tối đa sự trừng phạt. Các thành viên trong nhóm bắt đầu tương tác vì những sự trao đổi xã hội này đem lại cho họ điều gì đó có giá trị, như sự tán thành chẳng hạn. Theo các nhà lý thuyết trao đổi xã hội thì thường người ta không thể nhận được gì nếu người ta không cho, có một sự trao đổi ngầm trong mọi mối quan hệ giữa con người.
Trong lý thuyết trao đổi xã hội, hành vi nhóm được phân tích bằng cách quan sát cách mà những cá nhân thành viên tìm kiếm sự khen thưởng trong khi ứng phó với sự tương tác diễn ra trong nhóm. Đối với một cá nhân trong một nhóm, quuyết định diễn tả một hành vi dựa vào sự cân nhắc, so sánh giữa sự khen thưởng và trừng phạt có thể có từ hành vi đó. Các thành viên trong nhóm cư xử để gia tăng những hiệu quả tích cực và làm giảm những kết quả tiêu cực. Lý thuyết trao đổi xã hội cũng nhấn mạnh đến cái cách mà các thành viên nhóm ảnh hưởng lẫn nhau trong các tương tác ã hội. Kết quả của bất kỳ sự tương tác xã hội nào cũng đều dựa trên quyền lực xã hội và sự lệ thuộc xã hội trong mối tương tác đặc biệt.
Lý thuyết này được sử dụng để làm việc với nhóm thanh thiếu niên phạm pháp trong cơ sở, nhóm cấu trúc được sử dụng để đối đầu, thách thức, và xóa đi những qui chuẩn nhóm đồng đẳng chống xã hội và thay thế chúng bằng những qui chuẩn hỗ trợ xã hội thông qua sự tương tác nhóm đồng đẳng được hướng dẫn.
Lý thuyết trao đổi xã hội bị phê bình là máy móc vì nó giả định người ta luôn luôn là sinh vật có lý trí hành động theo sự phân tích về thưởng phạt. Các nhà lý thuyết trao đổi xã hội ý thức rằng tiến trình nhận thức ảnh hưởng đến cách người ta cư xử trong nhóm. Cái nhìn của các thành viên nhóm chịu ảnh hưởng bởi tiến trình nhận thức như ý định và sự mong đợi.
1. Thuyết hệ thống: do Parsons nêu ra (1951). Theo ông nhóm là một hệ thống, bên trong các yếu tố tác động lẫn nhau. Khi nói hệ thống có nhiều bộ phận, tùy thuộc lẫn nhau như một mắc xích. Nếu một bộ phận bị lỗi thì ảnh hưởng cả một hệ thống ( cả nhóm).
Gia đình là tế bào của xã hội, một thành viên trong gia đình làm ảnh hưởng cả gia đình và một quan điểm trục trặc làm ảnh hưởng đến cộng đồng,xã hội, đất nước.
Tác động nhóm nhắm đế sự duy trì trật tự xã hội ( qua qui tắc). Nếu một nhóm viên (NV) vi phạm sẽ bị lọai ra khỏi nhóm để duy trì trật tự nhóm và nhờ duy trì trật tự xã hội nên có được hành động đáp ứng.
2.Thuyết tâm lý năng động: ảnh hưởng lên hành vi con người.Theo 2 ông Freud (1920) Frank Moreno ( tâm kịch), qua nhóm, cá nhân có dịp nhìn lại mình, đối chiếu với người khác, giống như cạnh tranh và đưa đến xu hướng thay đổi hành vi, quan điểm , hành động
Qua nhóm, họ biết được kinh nghiệm người khác và so lại chính mình và chuyển đổi trong hành động ( con người cũng tự mình có những xung đột giữa cái tốt và cái xấu, nhưng chính sinh họat nhóm có tương tác nhau, quan điểm được đưa ra và NV tự biết được những điều tích cực và tự giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định đúng).
3.Thuyết học hỏi: của ông Bandura (1977). Ông này cho rằng hành vi của các thành viên nhóm tác động lên NV.VD: một nhóm có người chửi thề, các nhóm viên khác phản ứng là lên án thì tự NV nói tục sẽ bỏ qua thói quen nói tục, nếu được chấp nhận thì cứ nói tục hòai. Theo ông, thành viên nhóm đóng vai trò kích thích thành viên khác hành động.
4. Thuyết hiện trường: Kartlewin(1947) Theo ông, nhóm có khỏang không gian sống và và có vị trí của nó so với các vật thể khác, có di chuyển theo đuổi mục tiêu xã hội để vượt qua những trở ngại. Ông cho rằng ở nhóm có 6 khái niệm về nguồn lực và chính nguồn lực này giúp nhóm họat động để đạt mục tiêu.
+ Vai trò
+ Nguyên tắc, qui tắc
+ Quyền lực
+ Sự gắn kết
+ Sự đồng thuận
+ Sự phối hơp
5.Thuyết trao đổi xã hội: chú trọng đến hành vi của thành viên nhóm. Hành vi có được do cái thưởng phạt trong nhóm.Thuyết này na ná thuyết “ học hỏi”
+ Nếu được chấp nhận thì hướng tiếp tục hành vi
+ Không chấp nhận, bị phạt thì bỏ hành vi
Nguyễn Ngọc Lâm
VN quan tâm giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS
VN quan tâm giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS
Hà Nội (TTXVN) - Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và đã luật hoá quy định về can thiệp giảm tác hại của HIV, Cục phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Thanh Long khẳng định tại Hội thảo về Hoạt động tiếp cận cộng đồng trong dự phòng lây nhiễm HIV, ngày 23/6.
Hội thảo do Cục Phòng Chống HIV phối hợp với Chương trình Cứu trợ HIV/AIDS khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 23 và 24/6.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình để can thiệp giảm tác hại của HIV như điều trị bằng metanol, phát bơm kim tiêm, bao cao su miễn phí. Số lượng các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao như người nghiện ma tuý, gái mại dâm được phát dụng cụ phòng lây nhiễm ngày càng nhiều. Chương trình điều trị bằng metanol cũng được triển khai có hiệu quả ở một số địa phương.
Ngoài ra, việc tiếp cận đối tượng để truyền thông nhằm thay đổi hành vi cũng được các cơ quan chức năng Việt Nam coi trọng trong nỗ lực giảm thiểu tác hại của HIV. Cả nước hiện có 1.500 giáo dục viên đồng đẳng và 2500 giáo dục viên sức khoẻ, góp phần quan trọng vào việc truyền thông và chăm sóc điều trị bệnh nhân HIV/AIDS.
Tham luận của các chuyên gia Hoa Kỳ tại hội thảo cũng đưa ra các khuyến nghị liên quan đến việc nâng cao hiệu quả của khâu tiếp cận cộng đồng như tăng cường đào tạo kiến thức về dự phòng và điều trị HIV, mở rộng chương trình tới các địa bàn trên cả nước để đảm bảo đến được tất cả các đối tượng có nguy cơ cao.
PEPFAR được ký kết tháng 6/2006 với mục tiêu hỗ trợ các chương trình dự phòng, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS tại Việt Nam thông qua việc cung cấp một khoản kinh phí hàng năm và hỗ trợ trực tiếp việc triển khai các chương trình này.
Tính đến hết quý 1 năm nay, Việt Nam có 124.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 26.000 người đã chuyển sang AIDS. Gần 39.000 người khác đã tử vong vì căn bệnh AIDS./.
Nguồn: TTXVN
24 tháng 6, 2008
NHÂN VIÊN XÃ HỘI
NHÂN VIÊN XÃ HỘI
Giáo dục chuyên nghiệp ở trường công tác xã hội tạo thuận lợi cho việc tiếp thu thái độ, kiến thức và kỹ thuật thích hợp. Nhưng quá trình tự đào tạo vẫn được tiếp tục cho dù sinh viên đã rời ghế nhà trường.
Giáo dục chuyên nghiệp chỉ là bước khởi đầu
Đó là một quá trình qua đó sự tăng trưởng và phát triển nghề nghiệp tiến lên một cách vững chắc. Sự tăng trưởng bao gồm các khoá tu nghiệp bổ sung định kỳ giúp có cái mới về chuyên môn, tiếp nhận những kỹ thuật mới và phục hồi lòng quyết tâm trong nghề.
Phẩm chất và sự nhạy bén được khơi dậy bằng sự nỗ lực
Một số điều căn bản cho một nhân viên xã hội lý tưởng
Nhân viên xã hội là người có thời thơ ấu không bị mang dấu ấn về sự thiếu hụt các nhu cầu. Một người mà nhu cầu vật chất và tinh thần được đáp ứng đầy đủ thì khi lớn lên không có những xung đột tâm thần chưa giải quyết được, và vì thế, người ấy không dùng thân chủ để đáp ứng nhu cầu riêng tư của mình. Tuy nhiên, điều đó không phải ai có thời thơ ấu nghèo khó, mất cha mất mẹ và các tai ương khác là không phù hợp với ngành công tác xã hội. Không phải tất cả trẻ em chịu đựng sự khó khăn và thiếu thốn đều có tính cách hư hỏng cả. Nhiều em có những yếu tố bù đắp để giảm bớt tác động của những hoàn cảnh khó khăn và giúp chúng hòa nhập. Sự hòa nhập như thế có thể đưa đến việc thực hiện tốt hơn chức năng xã hội, tốt hơn mức trung bình ở một số lĩnh vực. Thí dụ, có những người sau khi trải qua những kinh nghiệm không vui đã phát triển được tính nhạy cảm khác thường so với những người đang có vấn đề rắc rối.
Khả năng đối phó là quan trọng
Điều quan trọng không phải là từ chính hoàn cảnh mà là hành vi đối phó của cá nhân. Một tính cách hòa nhập tốt là điều mong ước đối với nhân viên xã hội, có nghĩa là hệ thống bản năng, bản ngã, siêu ngã hoạt động ở trạng thái cân bằng, phù hợp. Siêu ngã được phát triển tốt, và bản năng hoạt động trong giới hạn mà xã hội quy định. Người ta mong đợi sức mạnh bản ngã đáng kể của nhân viên xã hội. Điều đó nghĩa là, có những mức độ kiềm chế cảm hứng đột ngột và chịu đựng nỗi thất vọng vì lợi ích của những mục tiêu dài hạn.
Bản ngã hiệu quả
Nhân viên xã hội làm việc với những người có vấn đề rắc rối và thường đòi hỏi phải chế ngự sự căng thẳng. Khả năng suy nghĩ và hành động cần thiết để kiềm chế sự căng thẳng. Chức năng quan hệ với khách thể cũng phải hoạt động liên tục. Có nhiều mối quan hệ nghề nghiệp có dính dáng đến nhân viên xã hội, như quan hệ với bạn đồng nghiệp, với những người chuyên môn khác, với những nhân viên không chuyên nghiệp và với nhân viên của bộ máy quản lý. Có người có khả năng bẩm sinh hình thành và duy trì các quan hệ làm việc ở các cấp khác nhau và với nhiều mức độ gắn bó khác nhau, nhưng có người khác lại phải học tập, phải tiếp thu nó.
Tính khách quan
Suy nghĩ có phê phán và khách quan là điều quan trọng đặc biệt trong việc đánh giá con người và tình huống. Trong những tình huống con người bị tình cảm chi phối, con người có xu hướng áp đảo những sự việc khách quan trong cảm nghĩ của mình. Nhân viên xã hội phải khách quan và một khía cạnh của tính khách quan là khả năng phân biệt cảm xúc và sự kiện.
Gắn bó tình cảm với thân chủ như thế nào là thích hợp
Nhân viên xã hội gắn bó tình cảm để nâng cao sự hiểu biết về thân chủ nhưng không để cản trở suy nghĩ khách quan. Có những lúc nhân viên xã hội đối đầu với sự thù địch, sự giận dữ hoặc mỉa mai châm chọc của thân chủ; có thể tạo nên những cảm giác khó chịu nơi nhân viên xã hội. Nhân viên xã hội cần tránh cơn giận dữ hoặc thù địch. Sự đáp trả do giận dữ hay khó chịu như thế sẽ làm tổn hại mối quan hệ. Tuy vậy không có nghĩa là nhân viên xã hội không được có xúc cảm. Nhân viên xã hội phải là người nhiệt tình có khả năng chịu đựng các xúc cảm và không phải trường hợp nào thì xúc cảm cũng bị phủ nhận. Nhưng sự biểu lộ xúc cảm phải có ý thức hướng tới sự thông đạt có lời và không lời, đóng vai trò để sửa chữa chứ không phải là đổ thêm dầu vào lửa.
Tự ý thức là chủ yếu
Sự ý thức về cảm xúc là một khía cạnh của sự tự ý thức. Tự ý thức là điều có thể được bản ngã giúp làm cho tâm trí hướng nội. Một khi được triển khai và kiên trì sử dụng thì sự tự ý thức sẽ phát triển vững chắc, làm phong phú nhân cách. Sự tự ý thức là một bộ phận có chức năng trắc nghiệm thực tế của bản ngã. Trắc nghiệm thực tế đòi hỏi hiểu biết về hiện thực bên ngoài và thực tế bên trong, bên ngoài liên quan đến hoàn cảnh và bên trong liên quan đến các khía cạnh của nhân cách, gồm cả ưu điểm và hạn chế.
Phối hợp giữa sự tự chấp nhận và tự trọng
Những hoạt động tinh thần được biểu thị bằng các thuật ngữ phụ thuộc lẫn nhau như “tự nhận thức”, “tự chấp nhận” và “sự tự trọng”, vì chúng ảnh hưởng lên nhau. Việc thực thi cả ba cái nầy đều quan trọng trong việc định hướng cho nhân viên xã hội. Sự tự ý thức bao hàm sự tự chấp nhận mà tự chấp nhận thì tạo ra lòng tự trọng. Sự nhận biết về ưu điểm của mình hình thành nên lòng tự trọng và lòng tự trọng thì cần thiết cho nhân viên xã hội xây dựng lòng tin và hy vọng vào nhiệm vụ giúp đỡ. Tương tự, một cảm giác an toàn bên trong và lòng tin có được từ cảm giác thoải mái với chính họ, là điều kiện cần thiết cho hoạt động tinh thần để đối phó với những nét tiêu cực của nhân cách. Hiểu biết về sự lầm lạc của một người giúp cho nhân viên xã hội đánh giá công việc của mình một cách khách quan và để từng bước hoàn thiện chính mình và công việc.
Ghi nhận riêng về sự phát triển của một người
Thật là đáng giá khi nhân viên xã hội gìn giữ được một hồ sơ ghi chép về sự phát triển của chính mình thông qua việc tự nhận thức – đó là hồ sơ cá nhân. Một đoạn trích từ một hồ sơ cá nhân được ghi ra đây. Nhân viên xã hội vãng gia gia đình một thân chủ lần đầu ở trong một khu ổ chuột. Người cha mà trước đây anh ta đã có gặp thì nay không có mặt. Sau đây là những gì mà nhân viên xã hội viết :
(Trích đoạn từ nhật ký)
Khi tôi gặp họ tôi quên hết những gì phải nói và làm. Tôi im lặng cả phút đồng hồ rồi bắt đầu nói cà lăm và vấp váp. Tôi bị bối rối khi mọi người đứng nhìn chằm chặp vào tôi. Bây giờ suy nghĩ về chuyện đó, tôi thấy có những nguyên nhân sau : (1) tôi không đủ khả năng giao tiếp chính xác (2) bản chất của tôi quá ý thức về nhược điểm nầy (3) lo lắng về việc hoàn thành mối quan hệ (4) tôi háo hức bắt đầu làm việc càng sớm càng tốt. Trong khi bị bối rối, tôi không nhận ra rằng các khuynh hướng tôi bày tỏ ra thì chúng phủ định lẫn nhau. Chẳng hạn, bằng cách đấu tranh cật lực để có hiệu quả và tháo vát tôi đã làm chậm đi quá trình hình thành mối quan hệ.
Ở một vào một thời điểm nọ, tôi hoảng sợ thật sự khi có một người hàng xóm hỏi xin địa chỉ của tôi. Tôi đưa địa chỉ của mình cho anh ta hết sức máy móc. Sau đó tôi mới biết rằng anh ta xin tôi địa chỉ để nói cho chủ nhà biết để đến gặp tôi. Thất vọng và chán nản, tôi trở về cơ quan vào giữa trưa. Nhưng sau đó hồi tưởng lại chuyện đã qua cho thấy rằng sự việc nầy không hẳn là vô ích. Nó làm tôi ý thức về nhân cách của mình và việc thực hiện chức năng cần được cải thiện.
Nếu nói rằng một nhân cách đặc thù nào đó không có xung đột vô ý thức không có nghĩa là cá nhân đó có cuộc sống hết sức thoải mái. Nhưng nó có nghĩa là kinh nghiệm sống người ấy, cả tích cực lẫn tiêu cực, đã thấm sâu và được kết hợp lại trong tính cách con người ấy mà không để lại bất cứ hậu quả tác hại nào cả. Một tính cách không có xung đột cũng không phải là hoàn toàn không có những cơ chế phòng vệ. Những cơ chế phòng vệ có thể đang hoạt động nhưng ít mãnh liệt và kiên trì, vì vậy chúng được đưa đến vùng ý thức với những phương tiện thăm dò. Một đoạn trích từ một hồ sơ cá nhân khác được giới thiệu ở đây cho thấy một phong cách trong đó sự tự nhận biết về cơ chế phòng vệ của cô ta hiện lên trong tâm trí nhân viên xã hội :
Trích nhật ký
Hôm nay, Phong (thân chủ) đến gặp tôi. Trong cuộc vấn đàm anh ta trở nên khó chịu và bắt đầu lăng mạ tôi ám chỉ tôi không giúp đỡ anh ta. Anh ta đứng dậy, kéo mạnh ghế và đi ra với vẻ giận dữ. Trước khi tôi có thể nén đi những cảm xúc bị thương tổn và giận dữ thì Thiện bước vào. Anh ta bắt đầu kể cho tôi nghe những phiền toái anh gặp phải ở chỗ làm ngày hôm trước. Thay vì lắng nghe anh ta thì tôi lại buột miệng ra rằng có lẽ chính anh ta là nguyên nhân của các phiền toái ấy. Anh ta không nói về đề tài đó nữa. Anh ta nói về đứa con bị chậm phát triển trí tuệ. Anh ta nói rằng muốn xin tôi lá thư giới thiệu để xin cho đứa con vào học trường đặc biệt. Anh ta ra về ngay và nói rằng một tuần sau sẽ quay lại lấy lá thư. Sau khi Thiện đi rồi, tôi bắt đầu tự hỏi tại sao tôi lại quá lỗ mãng với anh ta. Tôi vô cùng hối hận. Tôi đã nhận ra rằng mình đã trút nỗi giận Phong lên Thiện. Đó thực ra là một cơ chế tự vệ. Một lần nữa tôi lại vụng về.
Nhân viên xã hội phải là người đáng tin cậy, có nhiệt tình và thiện chí với người khác và có ước muốn giúp đỡ những người có vấn đề khó khăn. Ở một số người, tình yêu thương con người nẩy sinh như một quá trình bẩm sinh; tuy nhiên, điều họ cần khai thác phẩm chất để giúp đỡ con người có hiệu quả với phương pháp khoa học. Mặt khác, có những người thừa nhận rằng họ không có lòng nhiệt tình bẩm sinh. Tuy thế họ coi việc giúp đỡ con người là việc quan trọng. Những người thuộc nhóm thứ hai không phải là không thích hợp đối với công tác xã hội với điều kiện là họ sẵn lòng vun xới tình thương yêu đối với con người và những phẩm chất khác có liên quan quan trọng đối với nghề công tác xã hội. Phẩm chất nghề nghiệp của nghề công tác xã hội cho thấy là những phẩm chất và kỹ thuật cần có để thực hành tốt có thể nắm bắt được, và những người có động cơ tốt nắm bắt chúng bằng con đường học hỏi và làm việc.
Cần sự tin cậy
Yêu cầu về tính trung thực có một đòi hỏi khác : đó là nhân viên xã hội tin vào các giả định và các nguyên tắc triết học. Hơn nữa, cần có một mức độ trung thực nhất định giữa cuộc sống riêng tư và cuộc sống nghề nghiệp của nhân viên xã hội, giữa điều mà họ nghĩ và điều họ nói ra và giữa truyền thông có lời và truyền thông không lời. Tuy nhiên không có ngụ ý là nhân viên xã hội phải biểu lộ cảm nghĩ ở mọi lúc mà ngụ ý nhân viên xã hội không biểu lộ những tình cảm trái với cảm xúc nội tâm để nhằm tâng bốc xu nịnh thân chủ hay mưu cầu lợi ích riêng tư.
Có ý thức trau dồi bản thân
Một người mới vào nghề công tác xã hội bắt đầu có ý thức áp dụng các kỹ thuật, dần dần chuyển thành các kỹ năng nhờ lặp đi lặp lại và làm tốt công việc. Vì vậy, kỹ năng nói tới quyền làm chủ một kỹ thuật, hay nói cách khác là nói tới trình độ năng lực cao hoặc sự khéo tay khi sử dụng một kỹ thuật.
Sự phù hợp của các ứng viên không thể nào phát hiện được ở khâu tuyển vào
Hy vọng rằng chỉ những người tuyệt nhiên không có xung đột cảm xúc được tuyển vào học ngành công tác xã hội là đòi hỏi một điều không thể có được. Hơn thế nữa, thật khó phát hiện những xung đột ẩn dấu bên trong con người lúc tuyển sinh vào học trường công tác xã hội. Chỉ trong khóa học người ta mới lộ rõ những dấu hiệu xung đột vốn che kín bấy lâu, điều đó làm cản trở việc học và thực hành công tác xã hội của cá nhân người ấy. Đó không phải là tình thế tuyệt vọng cho sinh viên cũng như cho nghề nghiệp. Tư vấn nghề nghiệp sẽ điều chỉnh lại tình thế cho đúng, nó sẽ giải tỏa năng lực tâm thần và xúc cảm khỏi phạm vi xung đột, làm cho chúng sẵn sàng để thực hành tốt công tác xã hội.
Sẵn sàng thay đổi đưa tới quyền thay đổi nơi thân chủ
Sự thay đổi là cần thiết cho tất cả, một số cần thay đổi nhiều, một số khác cần thay đổi ít. Nhân viên xã hội không có quyền lèo lái các hoạt động của mình nhằm tạo ra thay đổi nơi thân chủ khi mà thân chủ không chịu thay đổi những lĩnh vực cần thay đổi. Nhìn nhận sự kiện nầy là một yếu tố quan trọng trong việc hướng dẫn nghề nghiệp của nhân viên xã hội. Điều khiêm tốn và phấn khởi khi biết rằng nhân viên xã hội không cao hơn không giỏi hơn thân chủ của mình, và người đó phải hoàn thiện mình khi làm việc với người khác.
Định nghĩa công tác xã hội cá nhân
Công tác xã hội cá nhân là một phương pháp mà nhân viên xã hội làm việc ở các cơ sở xã hội sử dụng để giúp con người giải quyết các vấn đề khó khăn để thực hiện chức năng xã hội. Đó là một dịch vụ riêng tư với các cá nhân và gia đình của họ thông qua mối quan hệ một - một. Những vấn đề khó khăn trong việc thực hiện chức năng xã hội do các yếu tố xã hội, tâm lý, sinh lý gây ra; hoặc hai hoặc nhiều yếu tố nầy kết hợp lại. Tiến trình giúp đỡ bao gồm sự huy động các tài nguyên bên ngoài và bên trong thân chủ, nhờ đó họ được giúp đỡ để đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết các khó khăn của mình. Nội dung kiến thức bao gồm những giá trị triết lý, các nguyên tắc, kiến thức về hành vi con người và xã hội và rút ra từ các khoa học hành vi; nhũng công cụ kỹ thuật giúp đỡ; và các tiến trình. Vấn đàm và mối quan hệ là những công cụ quan trọng bởi vì trong phạm vi bản chất và cấu trúc của chúng các khía cạnh giúp đỡ là mấu chốt, là tự nhiên. Điều nầy góp phần cho sự giúp đỡ đạt được những mục tiêu cụ thể, mà vì chúng các công cụ được nhắm vào vấn đề. Hai mục tiêu lớn của công tác xã hội cá nhân là giúp đỡ thân chủ có vấn đề, và giúp họ bằng cách tăng cường sức mạnh cho thân chủ, làm cho họ tự lực và độc lập tùy theo năng lực của mỗi người.
Tiếp thu các nguyên tắc từ các phương pháp khác của công tác xã hội
Công tác xã hội cá nhân là một phương pháp không có những chiến lược có thể ngăn ngừa những vấn đề xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến nhiều người. Trong công tác xã hội cá nhân, nhân viên xã hội đến với các nhóm người chịu thiếu thốn tài nguyên vật chất và văn hóa, sự giải quyết trực tiếp của nhân viên xã hội cho một hoặc hai người trên cơ sở cá nhân mà không giúp đỡ đến cùng được. Thiếu thốn tài nguyên cơ bản phải được đáp ứng ở cấp nhóm, cộng đồng, quốc gia. Tuy vậy không phải là nhân viên xã hội rút lui. Các chiến lược của các phương pháp công tác xã hội khác như công tác xã hội nhóm, tổ chức cộng đồng đã được vận dụng. Nhiều nhân viên xã hội chủ yếu gắn bó với các cơ sở có định hướng công tác xã hội cá nhân được coi là có sử dụng các phương pháp khác của công tác xã hội. Thay vì thực hiện chức năng người làm công tác xã hội cá nhân, họ hoạt động như những người thực hành tổng quát áp dụng tới các phương pháp được biết đến như là các phương pháp công tác xã hội tổng hợp. Mô hình công tác xã hội mà J. Fischer (1978) đưa ra trong cuốn sách của ông ta, trình bày nhiều lĩnh vực phòng ngừa khác nhau cho công tác xã hội cá nhân, giao cho nhân viên xã hội các vai trò có liên quan đến việc đưa đến những thay đổi trong các hệ thống xã hội ăn khớp với nhau mà thân chủ thuộc về hệ thống đó.
Các hạn chế của công tác xã hội cá nhân
Công tác xã hội cá nhân có những mặt hạn chế của nó. Công tác xã hội cá nhân hay ngay cả các phương pháp công tác xã hội tổng hợp cũng không thể giúp một số thân chủ có vấn đề nan giải. Lý do không phải luôn luôn thiếu vắng các tài nguyên mà còn là sự thiếu hụt về kiến thức và kỹ thuật hoặc kỹ năng ngành công tác xã hội.
Công tác xã hội cá nhân có thể được những người chăm sóc sử dụng
Ngoài những nhân viên xã hội được huấn luyện chuyên môn có nhiều công chức không chuyên nghiệp đang làm việc với những người nhận các dạng trợ giúp khác nhau từ những cơ sở xã hội. Những viên chức nầy gồm những người làm cha mẹ ở các cơ sở tập trung, người phục vụ ở các bệnh viện đặc biệt là những người phục vụ ở các bệnh viện tâm thần, những nhân viên phúc lợi cấp cộng đồng và những nhân viên phúc lợi cấp làng xã. Để dễ gọi ta đặt cho những người nầy cái tên là “những người chăm sóc”. Những người chăm sóc tham gia tiếp xúc trực tiếp với thân chủ trong công việc phục vụ ở các cơ sở xã hội. Thật đáng quý khi những người chăm sóc sử dụng phương pháp của công tác xã hội cá nhân để làm việc với thân chủ. Cách tiếp cận của công tác xã hội cá nhân nói tới thái độ đặc thù được hình thành nên do thừa nhận các giá trị triết lý của công tác xã hội cá nhân và do nằm lòng những khái niệm sơ đẳng của công tác xã hội cá nhân liên quan đến hành vi con người và các công cụ và kỹ thuật giúp đỡ. Chấp nhận thân chủ với các điểm yếu và vấn đề của họ, có khả năng thực hiện những cuộc tiếp xúc không mang tính cứng nhắc mà với phong cách cá nhân hóa cùng với sự nhạy cảm và hiểu biết. Ngay cả với cảnh sát và những người khác khi được gọi đến hiện trường tai nạn hay những cuộc khủng hoảng khác sẽ được trang bị tốt hơn để làm việc với những người bị stress nhờ phương pháp công tác xã hội cá nhân. Để giúp cho những người chăm sóc tiếp thu phương pháp công tác xã hội cá nhân cần phải có các chương trình huấn luyện. Họ không cần kiến thức sâu về các lý thuyết công tác xã hội cá nhân, các công cụ và kỹ thuật. Chẳng hạn, họ không cần phải học các kỹ thuật tư vấn mà chỉ những kiến thức về kỹ thuật hỗ trợ sẽ có ích cho họ trong công việc hằng ngày với mọi người.
GRACE MATHEW(Trích từ quyển Nhập môn CTXH cá nhân)
Kỹ năng giúp đỡ
Kỹ năng giúp đỡ
Chụng ta cần biết là mọi người đều mong muốn được nghe, được lắng nghe và được thấu hiểu.
Thể hiện kỹ năng giúp đỡ hiệu quả:
• Thể hiện sự quan tâm và mong muốn giúp đỡ
• Hỏi về cảm nhận và suy nghĩ
• Không phê phán
• Cố gắng phát triển sự tin tưởng ( tạo môi trường ấm cúng và chấp nhận)
• Xưng tên của người đó
• Làm cho người đó biết mình đang lắng nghe (thông qua hành vi)
• Trao đổi tập trung, không để đầu óc bị phân tán
• Lập lại hoặc tóm lược ý chính của người nói
• Đồng tình khí thấy chân thật
• Chú ý lắng nghe những từ phản ánh cảm xúc
• Thấu cảm những cảm xúc và phản hồi “Tôi hiểu những gì bạn nói”, “ tôi nghĩ tôi hiểu bạn đang cảm thấy gì”, “tôi có thể hiểu bạn nóng giận, chắc bạn đang phải ức chế lắm”
• Ghi nhận những quan tâm và sợ hãi, nhưng không ủng hộ những nhận thức sai lầm
• Làm hỏng cuộc trao đổi nếu tạo ảo tưởng và nhấn mạnh vào” đây nè và bây giờ”(Here and now)
• Giải quyết vấn đề (chỉ khi nào người đó sẵn sàng)
• Chuyển những mối quan tâm thành các bước giải quyết vấn đề (không phê phán, định hướng giải quyết)
• Cùng nhau động nảo
• Đừng bao giờ:
- Lý lẽ
- Cắt ngang
- Thuyết giảng
- Đưa ra những lời hứa hẹn không tốt
- Xác định vấn đề khi chưa được rõ
- Tầm thường hoá những tình huống hoặc các cảm xúc
- Cố gắng thuiyết phục họ về cái bất hợp lý của họ.
- Thách thức và đối đầu mạnh
- Thu hẹp khoảng cách
• Ngôn ngữ cơ thể (truyền thông không lời) cung cấp những thông điệp quan trọng. Các yếu tớ sau đây có thể giúp xoa dịu bớt thân chủ:
- Nhìn thân chủ ( không nhìn trừng trừng)
- Khoảng cách giữa hai người không quá gần, tôn trọng khoảng cách cá nhân,
- Giảm tối thiểu các điệu bộ, nhất là các hành vi bất ngờ
- Duy trì một tư thế “mở”( không khoanh tay hoặc gác chân, bàn tay mở ra)
- Nói nhẹ nhàng, một cách làm yên lòng thân chủ.
Nguyễn Ngọc Lâm (dịch từ Counseling Center)
Vấn đàm gia đình
Vấn đàm gia đìnhCông cụ chính yếu của CTXHCN là vấn đàm. Nó phục vụ việc thu thập dữ kiện, chẩn đoán và trị liệu. Tiến trình CTXHCN thường bắt đầu với những cuộc vấn đàm, đầu tiên với cá nhân gặp khó khăn, kế đó là với\i các thành viên trong gia đình từng người riêng lẻ và cả gia đình một lượt để phát hiện nơi xuất phát mâu thuẫn, đồng thời những thuận lợi có thể huy động hầu giải quyết vấn đề. Các thành viên trong gia đình có những quyền lợi chung, họ trung thành với nhau nhưng đang thực hiện các vai trò khác nhau, tuổi tác khác nhau và có những nhu cầu khác nhau. Với trẻ em, nói chuyện thân mật giúp NVXH hiểu vấn đề tốt hơn là một cuộc vấn đàm bài baœn.
Cần vấn đàm cả cập vợ chồng hay cha mẹ càng sớm càng tốt. Mặc dù quan tâm đến toàn gia đình NVXH cần giúp họ cùng thấy trách nhiệm chung để cải thiện điều kiện và nếp sống gia đình.
Vấn đàm cha mẹ ngay sẽ giúp chẩn đoán tốt. Gặp họ một lượt sẽ giúp NVXH thấy được mối quan hệ giữa họ và khả năng cùng hành động của họ. Một loạt vấn đàm chung sẽ giúp hiểu sâu về tính chất của mối quan hệ giữa họ mà các cuộc vấn đàm riêng rẽ không cho thấy được. Các cuộc vấn đàm chung có hể dẫn đến một kế hoạch tốt để giải quyết vấn đề. Việc này nói thì dễ chớ làm thì khó. Các thành viên gia đình có thể có những ý kiến trái ngược nhau hay họ không chịu nói thẳng với NVXH. Nếu cuộc vấn đàm chung bế tắc, NVXH phải tháo gỡ bằng những cuộc tiếp xúc riêng để các cá nhân chịu điều chỉnh phần nào lối suy nghĩ của mình. Sau đó mới tiếp tục các cuộc vấn đàm chung.
Các cuộc vấn đàm cần được chuẩn bị trước. Trước khi bắt đầu NVXH phải xác định mục đích và các mục tiêu muốn đạt tới cho từng cuộc vấn đề để chuẩn bị các câu hỏi hướng dẫn. NVXH phải được trang bị kỹ năng để chuẩn bị và thực hiện cuộc vấn đàm. NVXH cũng phải có khả năng giao tiếp với nhóm, cho dù đó có thể là một nhóm chỉ có 2 người là cặp vợ chồng để thao luận về các vấn đề chung của họ. Nếu không dù trước mặt 2 người NVXH có thể trên thực tế chỉ thực hiện vấn đàm cá nhân, điều này làm ngưng trệ sự tương tác giữa họ và hành động chung để giải quyết vấn đề.
Đáp ứng nhu cầu bức bách trước mắt và tìm hiểu gia đình phải được thực hiện cùng một lúc.
Vấn đàm nhóm như một công cụ trị liệu:
Khi vấn đàm nhóm được sử dụng như một công cụ trị liệu, thi NVXH có thể tham khảo các hướng dẫn sau đây:
1. Ngay từ đầu tính toán để tiếp tục làm việc với cả hai người trên cơ sở bình đẳng.
2. Trường hợp có mâu thuẫn vợ chồng, giúp họ bộc lộ với nhau những xúc cảm thật của họ xung quanh những vấn đề trong hôn nhân. Đó cũng là cách giúp họ xử lý các mâu thuẫn.
3. Cùng với cả hai xem xét cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của gia đình xuất phát từ một tình huống đặc biệt ví dụ như việc người cha không đi làm được vì đau ốm.
Vấn đề nhóm giúp cải thiện mối quan hệ vợ chồng, đời sống gia đình và hành vi cá nhân. Vấn đàm nhóm giúp các thân chủ học trao đổi, lên kế hoạch, và hành động chung như một gia đình thay vì theo xu hướng cá nhân.
Hướng dẫn về cách vấn đàm:
1. Cả hai loại vấn đàm cá nhân và nhóm đều cần thiết để làm việc với các gia đình.
2. Cả hai người (cha mẹ) cần được gặp chung ngay từ đầu để họ hiểu rằng NVXH muốn làm việc với cả hai để giải thích cơ sở của mối quan tâm chung và những dịch vụ có thể cung ứng.
3. Khó có thể chẩn đoán tình trạng gia đình mà không quan sát sự tương tác của các thành viên thông qua vấn đàm nhóm.
4. Vấn đàm nhóm (với cả cặp vợ chồng) chỉ có giá trị trị liệu khi mỗi người thấy được chính mình trong mối quan hệ với vấn đề xảy ra, với cảm xúc của mình và cho rằng họ có thể hợp tác với người kia để tìm giải pháp cho vấn đề.
5. Không nên vấn đàm nhóm khi thân chủ muốn kéo NVXH về phe mình hoặc bắt làm trọng tài.
6. Phỏng vấn cá nhân có thể có ích hơn khi 2 người không chia sẻ quan điểm chung và để chuẩn bị từng người hầu ơœ những buổi làm việc chung sau đó các vấn đề tế nhị có thể được nêu lên.
7. Mọi kế hoạch vấn đàm chung hay riêng đều phải có sự thoả thuận của các đương sự.
8. Vấn đàm chung giữa cha mẹ và con cái nên được thực hiện khi vấn đề là mối quan tâm chung của đôi bên.
Dĩ nhiên nguyên tắc cuối cùng cần được áp dụng linh động tùy theo nền văn hóa của gia đình. Ơ nhiều nơi trẻ con, hay cả thanh thiếu niên không dám phát biểu trước mặt cha mẹ. Trong những trường hợp tương tự NVXH nên quan tâm đến tính chất của mối quan hệ tương tác giữa cha mẹ và con cái trong phần chẩn đoán của mình.
(Trích dịch từ L.S. De Guzman. Working with Individuals. The Case Work Process, tr. 80 - 183).
23 tháng 6, 2008
Lời khuyên phụ huynh chăm sóc con trẻ khuyết tật tại nhà
Lời khuyên phụ huynh chăm sóc con trẻ khuyết tật tại nhà
Việc sinh ra trong một gia đình một đứa trẻ khuyết tật, dù khuyết tật gì đi nữa, cũng là một bi kịch. Sự chào đời đau đớn ấy làm đảo lộn sự thăng bằng của tế bào gia đình và gia đình sẽ rất nhanh chứng kiến sự cô đơn kinh khủng của đứa trẻ trước những khó khăn của nó. Nó phải đối diện với thực tế và trải qua thời điểm không tránh khỏi của sự loại trừ và sự suy sụp, chống trả để không lôi kéo bi kịch đó như viên đạn súng đại bác.
Để bắt đầu, các phụ huynh phải lột bỏ mọi mặc cảm tội lỗi. Các phụ huynh không phải là nguồn gốc của khuyết tật của con mình và mọi sự tìm tòi trách nhiệm đều vô ích.
Phản ứng đầu tiên, ôi sao nó đúng và trong sáng quá, là nghĩ đến phải chăng việc sinh đứa con này không nên có và như vậy là loại bỏ chính đứa trẻ khi nó tượng trưng cho một gánh nặng. Và khi nghĩ đến tương lai mơ hồ của đứa trẻ, một câu hỏi ghê gớm đưa tới :” Khi chúng ta không còn nữa, nó sẽ ra sao ? “. Tất cả các phụ huynh đều nghĩ thế, và không ai mong muốn sinh con như vậy trong gia đình.
Thế thì các bạn hãy gỡ bỏ mặc cảm tội lỗi đó đi. Những suy nghỉ đó là bình thường. Bạn hãy nói ra cơn giận của bạn, sự nổi dậy của bạn, sự đau đớn của bạn đi và nên là số các phụ huynh “ bất bình thường trong gia đình có con trẻ khuyết tật không nhiều hơn ở các gia đình khác.
Tôi luôn nói với các phụ huynh: “Bạn hãy là chính bạn. Không ai hành động thay thế bạn.”
Bạn phải đối đầu nhanh.
Càng sớm càng tốt, bạn đi gặp các chuyên gia, bác sỹ, giáo dục viên để họ giúp bạn những lời khuyên.
Bác sỹ trị liệu của bạn sẽ hướng dẫn bạn những bước phải thực hiện với những tổ chức khác nhau, họ sẽ giúp bạn cách chăm sóc con bạn vì giáo dục chuyên biệt đòi hỏi nhiều chi phí và xã hội chúng ta có nhiều giải pháp thích hợp cho từng trường hợp.
Nhân viên xã hội của địa phương bạn sẽ hướng dẫn bạn đến những cơ quan có liên quan. Đó là một trung gian tuyệt vời. Bạn đừng do dự đến với họ càng sớm càng tốt.
Cũng nơi đó có nhiều thất vọng đang chờ đón bạn, bạn sẽ bị ức chế, không thỏa mãn, có khi tức giận trước những đề nghị giải pháp. Nhưng bạn chỉ chấp nhận những gì phù hợp với bạn và gia đình bạn.
Bạn cũng nên gặp các phụ huynh khác : với họ, bạn trao đổi về các phản ứng của bạn và bạn sẽ có một thời gian rất hữu ích; thông thường nhờ vào nó mà bạn biết ai phải nhờ cậy, con đường nào phải theo và thực hiện như thế nào. Tôi luôn xúc động khi thấy sự đoàn kết vô bến bờ của các phụ huynh trẻ khuyết tật, và chất lượng của các cuộc trao đổi.
Khi tự bạn sẽ quyết định loại can thiệp nào đó, bạn phải làm thế nào để sự chăm sóc con của bạn được hòa nhập vào cuộc sống gia đình bạn mà không hủy hoại nó. Đó là yếu tố đầu tiên của sự thành công và hiệu quả.
Bạn hãy sống bình thường, bạn nên ra ngoài, đừng sống ngoài lề xã hội, bạn nên giao con bạn cho cô giữ trẻ. Tôi luôn sẵn sàng giao cho các phụ huynh danh sách các cô gái hoặc chàng trai trẻ sẵn sàng đảm nhận công việc này. Như thế các bạn có thể tham dự các lời mời, đi xem hát, tóm lại thưởng thức thời điểm thoải mái.
Một đứa trẻ khuyết tật không thể là “aó trói người điên” của bạn. Nếu bạn thay đổi cách sống, những sở thích và thói quen của bạn, cả gia đình bạn sẽ gánh chịu hậu quả : vợ hay chồng bạn không thể chịu khổ về việc đó; bạn rất cần cả hai người trong cuộc chiến này, và cả các con khác của bạn không thể đánh mất niềm vui của cuộc sống.
Học sống hạnh phúc là nhiệm vụ đầu tiên của bạn. Vậy bạn hãy chọn chất lượng cuộc sống của bạn, và đồng thời cung ứng mọi cơ may có thể được cho con bạn. Bạn sẽ thấy hai yếu tố đi song song với nhau.
Để được như thế, phải tận dụng tối đa khả năng của trẻ; một mục tiêu duy nhất : đi đến sự độc lập toàn diện mà đứa trẻ hy vọng. Tùy theo bản chất của khuyết tật, sự độc lập đó sẽ tất nhiên linh hoạt, nhưng bạn hãy chắc chắn rằng trẻ càng biết tự lo liệu một mình thì trẻ sẽ có nhiều cơ hội hạnh phúc hơn và bạn cũng thế.
Những lời khuyên mà tôi đưa ra trong quyển sách này có thể được xem như là một công việc quá lớn. Đừng xem đó là công việc vất vả, nhưng hội nhập nó vào một giai đoạn của cuộc sống gia đình
và trong bầu không khí của trò chơi. Có người lên án các phương pháp rèn luyện đó, ví nó như là phương pháp huấn luyện thú vật. Họ quên mục đích là mang đến cho trẻ khuyết tật một sự độc lập tối đa.
Có cần chăng một con người hoàn toàn lệ thuộc và được giúp đỡ mà tương lai sẽ là trong một cơ sở hoặc một bệnh viện tâm thần, hay là một đứa trẻ sẽ thành công trong việc phát triển tối đa các khả năng của nó? Mọi cá nhân được sinh ra với tiềm năng phải được tận dụng và phát triển tối đa. Nếu chúng ta xem những người có khả năng kém được hưởng lòng thương hại, chúng ta kết án họ vào một cuộc sống đáng thương.
Vậy chính bạn là người chọn lựa. Nếu sự chọn lựa đó là không can thiệp và mặc kệ nó, chính con bạn sẽ lãnh những hậu quả (nhưng bạn cũng thế).
Tương lai của trẻ là trong tay bạn. Chính bạn mở cho nó vài chân trời mà không bao giờ không thực tế.
Vài người không may mắn bị khuyết tật, nhưng có nhiều khả năng làm giảm các khuyết tật đó. Bạn càng tin vào đó thì sự can thiệp của bạn sẽ hiệu quả hơn. Tiếp cận mỗi trở ngại, từng trở ngại này đến trở ngại khác; bạn sẽ thấy con bạn tiến bộ dựa trên đường đi lên của sơ đồ : “ Mỗi ngày nó tiến một ít “. Đó là viễn cảnh tích cực tương lai của trẻ.
Bạn biết rằng chỉ khi nào bạn bắt đầu sớm cuộc chiến thì bạn càng sớm đạt nhiều kết quả.
Claude Della-Courtiade( Elever un enfant handicappe)
20 tháng 6, 2008
CÁC CÔNG CỤ CỦA CÔNG TÁC XÃ HỘI CÁ NHÂN
CÁC CÔNG CỤ CỦA CÔNG TÁC XÃ HỘI CÁ NHÂN
Công cụ là vật gì đó đóng vai trò là phương tiện hoạt động trong thực tiễn của nghề buôn bán, một công việc hay một nghề nghiệp . Những công cụ của một nghề nghiệp như nghề mộc, là cụ thể có thể thấy được và xác định được, tự chúng mang đến tri giác giác quan. Trái lại, những công cụ của công tác xã hộ cá nhân là những khái niệm trừu tượng và không phải là những công cụ cụ thể hay những vật có thể cầm được trong tay. Những công cụ được sử dụng trong công tác xã hội cá nhân là : lắng nghe, quan sát, vấn đàm, mối quan hệ và vãng gia. Từ "công cụ" tạo ra ngay hình ảnh tinh thần về những vật cụ thể, không thể dễ dàng giải thích khi nó được sử dụng như một thực thể vô hình, phi vật chất .
Định nghĩa miêu tả về những công cụ công tác xã hội cá nhân
Hai ý nghĩa thông thường của từ "công cụ" có thể được phỏng theo để giải thích thuật ngữ "những công cụ công tác xã hội cá nhân" .
(1) Một phương tiện tiếp xúc với cái gì hay một phương tiện tiếp cận với cái gì đó.
Những công cụ công tác xã hội cá nhân là những phương tiện tiếp xúc với thân chủ. Chúng cũng là phương tiện tiếp cận thông tin về thân chủ, gia đình anh ta và vấn đề của anh ta. Ý nghĩa này có thể áp dụng cho toàn bộ năm công cụ của công tác xã hội cá nhân . Quan sát và lắng nghe có thể được xem như những công cụ của công cụ khi chúng là các bộ phận cấu thành của vấn đàm, mối quan hệ và vãng gia.
(2) Một phương tiện truyền tải năng lượng hay sức mạnh cho cái gì
Ở đây từ "công cụ" nói đến một kênh luồng vật trung gian hay nơi gặp gỡ cho sự truyền tải năng lực hay sức mạnh. Ý nghĩa này có thể áp dụng chỉ với 3 công cụ công tác xã hội cá nhân là vấn đàm, mối quan hệ và vãng gia, những các phục vụ như những kênh truyền thông tin, kiến thức và sự trợ giúp. Chúng là những kênh luồng qua đó những kỹ thuật công tác xã hội cá nhân là những phương pháp giúp đỡ có hệ thống . Có nhiều kỹ thuật sẽ được miêu tả trong hai chương sắp đến. Một trong các kỹ thuật , thí dụ, chấp nhận cảm nghĩ, có thể đưa ra để chỉ ra sự khác biệt giữa công cụ công tác xã hội cá nhân và kỹ thuật công tác xã hội cá nhân . Chấp nhận cảm nghĩ của thân chủ chỉ có thể thể hiện trong những cuộc tiếp xúc của nhân viên xã hội với thân chủ, nghĩa là, trong phạm vi cuộc vấn đàm, mối quan hệ hay cuộc vãng gia. Lắng nghe, quan sát, vấn đàm, mối quan hệ và vãng gia là tất cả những can dự của con người cũng diễn ra trong nhiều trường hợp ngoài những trường hợp công tác xã hội cá nhân . Nhưng có một điểm khác biệt : trong tình huống công tác xã hội cá nhân, những can dự, tham gia được định hướng tới một một mục tiêu đó là giúp đỡ thân chủ. Những công cụ công tác xã hội cá nhân vì thế trở thành bối cảnh cho việc áp dụng các kỹ thuật . Mặc dù công cụ công tác xã hội cá nhân không phải là một vật hữu hình, nhưng nghĩa đen của năm công cụ công tác xã hội cá nhân là sự can dự linh hoạt của nhân viên xã hội, một sự thực thi năng lực tinh thần và thể chất của nhân viên xã hội.
Công dụng của công tác xã hội cá nhân
Sự hữu ích của những công cụ công tác xã hội cá nhân ở 3 khía cạnh sau : (1) Thu thập thông tin trực tiếp về thân chủ (2) Thu thập thông tin gián tiếp về thân chủ (3) Đem sự giúp đỡ đến cho thân chủ .
Thông tin trực tiếp có được từ những điều thân chủ nói và thu thập thông tin trực tiếp là một đặc điểm của năm công cụ. Thông tin gián tiếp được thu thập qua truyền thông không lời của thân chủ và thỉnh thoảng từ những điều mà thân chủ bỏ sót không nói. Thu thập thông tin gián tiếp , như một khía cạnh, áp dụng phần lớn công cụ quan sát và trong vài bối cảnh là áp dụng công cụ lắng nghe. Khía cạnh thứ ba – đem sự giúp đỡ đến cho thân chủ - chỉ áp dụng công cụ vấn đàm, mối quan hệ và vãng gia. Như đã nói trước đây, ba công cụ này thực hiện chức năng như công cụ chuyển tải sự giúp đỡ .
LẮNG NGHE
Lắng nghe là một công cụ cơ bản của công tác xã hội cá nhân . Lắng nghe tích cực , chú tâm là mục đích nhắm đến. Mục đích là hiểu lời nói và cảm nghĩ của người nói càng chính xác càng tốt, việc tập trung tinh thần để lắng nghe là cần thiết . Người nghe phải chú ý đến những gì được nói ra, những gì không được nói ra và những gì được đề xuất. Lắng nghe, vì vậy, trở thành một hoạt động được thực thi một cách có ý thức đối với nhân viên xã hội . Nó còn là một khía cạnh thực hành nguyên tắc chấp nhận.
Có vài trở ngại đối với việc lắng nghe tích cực, mà am hiểu chúng là cần thiết cho những người muốn tự rèn luyện để trở thành một người lắng nghe tốt.
Những trở ngại đối với lắng nghe
(1) Sự xao nhãng làm người nghe không còn lắng nghe tích cực nữa. Có những sự xao nhãng từ bên ngoài dưới hình thức tiếng ồn ào trong môi trường xung quanh và người khác nói chuyện. Những xao nhãng nội tâm là những ý nghĩ riêng tư của người nghe, có dính dáng hay không dính dáng với người nói hoặc chủ đề của người nói. Thỉnh thoảng, những phát biểu của người nói đưa người nghe hồi tưởng lại những kinh nghiệm tương tự, và để trí óc bay tận đâu đâu không còn nghe chăm chú nữa.
Sự xao nhãng
Hầu như chắc chắn là những thành kiến về người nói hay về những chất liệu mà anh ta nói tới xâm chiếm trung tâm chú ý trong trí óc người nghe, vì thế làm hỏng việc lắng nghe. Đây là một ví dụ, C là người được bạn bè biết đến như là người hay mượn tiền. Hôm nay, C đến gặp D vì một vấn đề tình cảm chứ không phải mượn tiền. Nhưng D nghĩ sai là C đến để vay tiền. Trong khi C nói chuyện thì D không hề lắng nghe gì cả mà định sẵn trong đầu câu trả lời từ chối lịch sự đối với yêu cầu mượn tiền. Đến khi D nhận ra rằng C không phải đến để vay tiền thì D cũng ý thức được rằng mình đã không lắng nghe vấn đề của C trình bày. Vì thế anh ta yêu cầu C nói lại câu chuyện. Rõ ràng ở đây cho thấy là những thành kiến về C là người hay mượn tiền đã ngăn cản D lắng nghe C khi C nói về những vấn đề hiện tại của mình.
(2) Sự lo âu hay lo sợ của người nghe đối với người nói là trở ngại cho việc lắng nghe tốt . Cũng vậy, khi người nghe quá lo lắng làm sao cho có sự đáp ứng thích hợp với người nói thì trí óc anh ta bị bận tâm với cách đối phó. Đây là trở ngại thường xảy ra trong cuộc gặp gỡ giữa nhân viên xã hội và thân chủ, lúc mà nhân viên xã hội lo rằng anh (chị) ta phải lấy được lòng tin của thân chủ . Một nhân viên xã hội lo lắng về việc thấu cảm với thân chủ có thể cân nhắc trong đầu những lời lẽ khác nhau và những cách tỏ lòng sự thấu cảm trong khi thân chủ đang nói. Vì thế, thay vì tập trung chú ý vào lời nói của thân chủ thì người nghe lại tập trung chú ý vào cách mà mình sẽ đáp ứng . Khi việc này xảy ra, cách đáp ứng của nhân viên xã hội không nhất thiết phù hợp với hoàn cảnh. Mặc dù những câu :"Tôi hiểu được những cảm nghĩ của ông (bà)", "Những cảm nghĩ như thế là tự nhiên", "Không có gì sai trái khi suy nghĩ như vậy" là biểu hiện của sự thấu cảm, nhưng chúng không thể được lập đi lập lại như vẹt mà không có sự lắng nghe cẩn thận những gì thân chủ nói.
Nghe có chọn lọc
(3) Nghe chọn lọc nói đến khuynh hướng chỉ nghe những gì người ta thích nghe, việc này làm cản trở lắng nghe tích cực. Trong cuộc nói chuyện bình thường , một lượng đáng kể những vấn đề được nói đến bị để ngoài tai cũng vì nghe chọn lọc. Một người có thể bỏ ngoài tai câu chuyện một cách có ý thức hay không ý thức khi những chuyện nói ra là những chuyện đau buồn hay không thú vị gì.
Có một vài hướng dẫn giúp nhân viên xã hội phát triển thói quen lắng nghe có hiệu quả.
Những hướng dẫn cho việc lắng nghe có hiệu quả
(1) Điều quan trọng là nên mắt nhìn mắt với thân chủ trong khi nói chuyện . Mắt nhìn mắt giúp nhân viên xã hội hướng sự chú ý về thể chất và tinh thần của mình về phía thân chủ.
(2) Nhân viên xã hội phải đảm bảo rằng , dù không phải là luôn luôn có thể được , nơi tổ chức cuộc vấn đàm với thân chủ là nơi yên tĩnh , ít sự phân tán từ bên ngoài.
(3) Để chuẩn bị cho cuộc vấn đàm với thân chủ, nhân viên xã hội phải xóa bỏ những thiên kiến và thành kiến bên trong của mình về thân chủ. Sự e sợ, lo sợ về cuộc vấn đàm phải được nhận thức và hóa giải. Nếu chúng không được hóa giải ngay tức thời được thì chúng phải được dẹp bỏ sang một bên một cách có ý thức.
(4) Phải luyện đôi tai để lắng nghe bất cứ điều gì thân chủ nói. Thói quen lơ đễnh và lắng nghe chọn lọc phải được gạt bỏ.
(5) Những gì thân chủ nói hay những gì thân chủ tỏ ra, không chỉ gợi lên suy nghĩ trong đầu nhân viên xã hội. Nhưng suy nghĩ trong hoàn cảnh này không được làm chệch hướng hoặc tránh né thân chủ. Nói cách khác, nhân viên xã hội phải có khả năng suy nghĩ có tính kỷ luật, để giúp anh ta hiểu được những gì thân chủ nói, lưu ý về những gì thân chủ không nói và đặt những câu hỏi thích hợp. Có những mẫu thông tin mà nhân viên xã hội mong đợi thân chủ đặc biệt nào đó nói ra trong lúc nói chuyện. Nếu thân chủ không chú ý tới thông tin này hay ngay cả lẩn tránh nói về chúng dù nhân viên xã hội thắc mắc, thì có lẽ "những chi tiết bị bỏ quên" này là có ý nghĩa, hiễu được chúng là cần thiết để hiểu thân chủ và vấn đề của họ. Raju một bệnh nhân bị cụt chi , mà trường hợp của anh ta đã được đề cập trước đây, được xem là người nói nhiều về cha mẹ đang sống ở Mysore hơn là nói về bà vợ và con cái đang sống ở Bombay. Người vợ ở Bombay cũng không đến thăm viếng người bệnh. nhân viên xã hội nghi ngờ có mối quan hệ căng thẳng giữa bệnh nhân và vợ anh ta, mà xem ra là chính xác. nhân viên xã hội đến thăm người vợ và biết được nhiều chuyện về bệnh nhân . Mặc dù anh ta đã có công việc làm ăn thường xuyên trước khi bị tai nạn , nhưng anh ta vẫn không cung cấp đầy đủ cho gia đình . Kết quả là, vợ con anh ta phải chuyển về ở với gia đình bên ngoại. Kết quả nỗ lực của nhân viên xã hội là vợ bệnh nhân và cha vợ bắt đầu thăm viếng và tham gia tích cực vào kế hoạch phục hồi cho anh ta.
QUAN SÁT
Quan sát là chú ý đến những đặc điểm của người, vật hay tình huống và trong bối cảnh của công tác xã hội cá nhân, mục đích là sử dụng những dữ kiện quan sát được để hiểu thân chủ và hoàn cảnh của anh ta. Nhân viên xã hội phải có sự quan sát , nhận thức về những điều sau đây liên quan đến thân chủ :
1. Vẻ tổng quát bề ngoài
2. Vẻ mặt , cử chỉ, dáng điệu ...
3. Những đặc điểm, đặc biệt, là những tương tác mang sắc thái tình cảm xảy ra giữa thân chủ và những người khác, kể cả những thành viên trong gia đình.
Dáng vẻ bên ngoài
Nhân viên xã hội không khó khăn gì lắm trong việc chú ý đến dáng vẻ bề ngoài của con người thân chủ - áo quần anh ta mặc, mức độ sạch sẽ ... Trường hợp của Ramesh đã đề cập trước đây, tật điếc của nó không phải là vấn đề chính yếu . Nó đi học với bộ áo quần bẩn thỉu, không tắm rửa và vì lý do này mà bạn bè và thầy giáo tránh né nó. Thông thường , quần áo biểu thị cho tầng lớp kinh tế - xã hội của thân chủ, nhưng cũng có những ngoại lệ . Có những trường hợp bà con của thân chủ xuất hiện trong những bộ quần áo sờn vai với ý định che dấu tình trạng kinh tế - xã hội để phù hợp với mức viện phí được ấn định tùy theo thu nhập của thân chủ và gia đình. Cũng có những trường hợp thân chủ quá chú trọng đến quần áo của họ hơn là lo thực phẩm dinh dưỡng cho con cái . Một vài thân chủ nghèo mạt lại chưng diện bề ngoài gọn gàng và sạch sẽ mặc dù vải áo quần đã sờn do giặt lại nhiều lần .
Biểu hiện qua nét mặt
Khuôn mặt con người đôi khi phản ánh những cảm nghĩ nội tâm và đối với nhân viên xã hội thì biểu hiện qua nét mặt là cơ sở để quan sát. Những cảm nghĩ như buồn, giận và thù địch không cần sự diễn đạt thành lời để biểu thị chúng; sẽ có những dấu hiệu mách bảo hiện lên khuôn mặt cho biết những cảm nghĩ che dấu. Tương tự, những tư thế, dáng điệu, giọng nói, và cử động của cơ thể cũng đều có ý nghĩa .
Những dấu hiệu của sự lo lắng , bất an
Thân chủ chỉ ngồi mép ghế vì cảm thấy xa lạ hay căng thẳng . Nhiều thân chủ của chúng ta không cảm thấy thoải mái trong ngày đầu tiên đến cơ sở xã hội. Họ không biết gì về công việc làm của nhân viên xã hội và những gì họ trông đợi ở cơ sở xã hội. Sức ép từ các vấn đề của họ và việc họ phải nói chuyện với một người xa lạ làm tăng thêm sự bối rối, lúng túng nơi họ. Sự bối rối và căng thẳng mà thân chủ chịu đựng tất yếu làm anh ta sốt ruột, bồn chồn và bất an. Cái cách anh (chị) ta ngồi và phong cách anh (chị) ta tham gia vào câu chuyện với nhân viên xã hội cần được quan sát cẩn thận để biết được các biểu hiện về cảm xúc của anh (chị) ta ra sao, căng thẳng hay thư giãn, tin cậy hay nghi ngờ, tiếp thu hay không chú ý, thiếu chú tâm. Biết được những gì thân chủ cảm nhận hoặc có được ít nhất vài dấu hiệu về cảm nghĩ của họ là bổ ích nhờ đó nhân viên xã hội có thể tự mình biết được cách đáp ứng thích hợp. Chẳng hạn, một thân chủ cảm thấy không được thoải mái có thể được giúp đỡ để thấy thoải mái hơn.
Có nhiều thân chủ tự mình khoác một bộ mặt khác bên ngoài để thử xem thái độ của nhân viên xã hội . Đó không phải là một kinh nghiệm hiếm hoi gì đối với nhân viên xã hội làm việc với thanh niên ở các cơ sở cải huấn không nhìn thấy gì ngoài sự nhàm chán và sự lãnh đạm thờ ơ trong cách xử sự của những thân chủ trẻ tuổi với những người mà chúng cố gắng duy trì cuộc nói chuyện. Hóa ra sự thờ ơ lãnh đạm của thân chủ tạo ra là một cố gắng để thử thách sự đáng tin cậy của nhân viên xã hội, vì thế mọi người lo lắng về sự bày tỏ mối quan hệ của nhân viên xã hội với thân chủ.
Phong cách cũng cần được quan sát
Phong cách và những cử chỉ theo thói quen cũng có ý nghĩa. Thampi, một thân chủ bị tàn tật, thường che dấu bàn tay dị dạng của anh ta (những ngón tay bị cong queo) trong chiếc khăn tay. Kể từ khi nhân viên xã hội biết được khuyết tật của thân chủ thì anh ta không cần phải che dấu bàn tay trước mặt nhân viên xã hội nữa. Đó là một chỉ dấu về tự ý thức của anh ta, mà nếu nó vượt quá những giới hạn bình thường, sẽ trở nên một trở ngại nghiêm trọng cho việc phục hồi nghề nghiệp của anh ta. Khuyết tật tự nó không phải là vấn đề nhưng những gì thân chủ cảm nhận về nó mới thực sự là vấn đề . Khi có một biểu lộ xúc cảm như chảy nước mắt thì tính bi thương đằng sau hành động khóc ấy là có thể hiểu được. Tuy nhiên, khi một người khóc nhiều lần vì một biến cố hay tình huống giống vậy, có khả năng là người ấy, ngoài biểu lộ sự đau buồn, còn dùng cơ hội ấy ngoài mục đích khác nữa, dù việc ấy không ở mức độ có ý thức. Có trường hợp Bhargavi khóc vì hôn nhân bất hòa mỗi khi cô ta nói chuyện với nhân viên xã hội . Nhân viên xã hội phát hiện ra rằng Bhargavi dùng nước mắt để che đậy việc cô ta lưỡng lự đối phó trực diện với vấn đề một cách sòng phẳng và đem hết nỗ lực để giải quyết nó.
Xem ngôn ngữ cơ thể
Mối quan hệ giữa cơ thể và tâm hồn được thể hiện qua cử động của cơ thể để biểu lộ cảm nghĩ. Hiện tượng này được gọi là ngôn ngữ cơ thể và có thể kèm theo hay không kèm theo ngôn ngữ không lời. Những điều nẩy sinh trong ngôn ngữ cơ thể là truyền thông không lời, nhưng đó là truyền thông không tự ý hay sự truyền tải tín hiệu ngoài ý muốn của người truyền đạt. Tín hiệu thông tin hầu hết là cảm xúc, cảm nghĩ. Người nói muốn dấu diếm thông tin về cảm nghĩ mà anh ta trải qua, tuy thế, thông tin vẫn cứ lộ ra . Chẳng hạn, nước mắt tuôn tràn tùy theo cường độ của cảm xúc, bất kể là người ta có lo bị người khác nhìn ngó không. Tương tự vậy, cảm xúc của cơ thể lộ ra trên nét mặt con người thì người khác dễ dàng nhận ra cho dù chính người ấy lại không thấy được.
Biểu lộ cảm nghĩ không tự ý qua nét mặt
Vì những điệu bộ và những biểu lộ qua nét mặt là không tự ý trong các tình huống ngoài đời thực nên trong một vở kịch diễn viên phải giả vờ đóng vai để miêu tả sinh động các nhân vật trong câu chuyện. Diễn viên diễn vai trên sân khấu không trải qua trong cuộc đời thật những cảm nghĩ của người được miêu tả trong vai đó, nhưng anh ta có thể tưởng tượng ra những cảm nghĩ và kết quả là anh ta tự mình có những cảm nghĩ đó . Thỉnh thoảng, khi thiếu sự phù hợp giữa truyền thông có lời và truyền thông không lời, có thể ước đoán rằng con người chủ tâm che dấu cảm nghĩ của mình đằng sau lời nói. Chẳng hạn, lấy bối cảnh một người đàn ông đang nói về thất bại trong kinh doanh của một người đàn ông khác là đối thủ của mình. Người nói bầy tỏ bằng lời sự cảm thông cho người kia và nỗi buồn của ông ấy vì tai họa đã xảy đến. Tuy vậy điều biểu hiện trên khuôn mặt người nói là một nụ cười láu lỉnh và sự mãn nguyện. Sự không nhất quán giữa sự khẳng định bằng lời và truyền thông không lời là vì sự thật ông ta không muốn lộ ra cảm giác thỏa mãn mà ông ta có. Vì cảm giác mạnh mẽ, những dấu hiệu lộ ra trên khuôn mặt và ông ta không nhận ra là khuôn mặt mình đang phản ánh những cảm nghĩ trong lòng.
Tùng
Trường hợp của Tùng (15 tuổi) là một thiếu niên ở trong một cơ sở dành cho nam thiếu niên mù. Bố mẹ cậu ta thường mang các thứ mỗi khi vào thăm. Nhân viên xã hội nhận ra vẻ lúng túng trên khuôn mặt cậu ta khi gặp gỡ người thân. Mặc dù trong khi nói chuyện cậu ta tỏ ra biết ơn gia đình đã cho các thứ nhưng nó vẫn có vẻ hời hợt và không xuất phát từ đáy lòng cậu ta. Những gì mà cậu ta chịu đựng là những cảm nghĩ không mấy dễ chịu. Điều xảy ra sau đó là cậu ta nói với nhân viên xã hội về cảm nghĩ bị bỏ rơi. Cậu ta nhận thấy rằng gia đình không muốn cậu ấy ở nhà, đối với họ cuộc sống của cậu trong trại từ thiện là tốt hơn nhiều và họ không muốn hiện trạng bị xáo trộn bởi sự hiện diện của cậu ở nhà. Tùng tin rằng bố mẹ của nó đang cố che dấu sự do dự không muốn đưa nó về nhà bằng cách mang đến cho nó nhiều thứ mà theo nó đó là một sự thay thế không xứng đáng thay vì được chăm sóc ở nhà.
Quan sát những gì ngoài những cái đã rõ
Những phạm vi quan sát của nhân viên xã hội mở rộng ra ngoài những gì mình thấy ở thân chủ, nghe từ thân chủ, những gì xảy ra giữa thân chủ và những người khác kể cả những người trong gia đình. Có thể ghi nhận thái độ từ những kiểu truyền thông của con người. Megan (13 tuổi) là cậu bé chậm phát triển tâm thần cần đến sự phục hồi. Cha Megan đã qua đời và nó được mẹ và anh trai chăm sóc. Bà mẹ dù có quan tâm nhiều đến Megan cũng không thể làm gì nhiều cho cậu bởi vì người anh trai và vợ anh ta có thái độ không tích cực với em mình. Nhân viên xã hội quan sát thấy rằng những cuộc nói chuyện của người anh trai với Megan cũng như nói về Megan không gì ngoài sự khinh khi và nhạo báng, và sự thiếu hiểu biết về cậu bé cũng như nhu cầu của cậu ta là quá rõ ràng.
VẤN ĐÀM
Mục đích của vấn đàm
Vấn đàm trong công tác xã hội cá nhân nói đến cuộc gặp gỡ giữa nhân viên xã hội và thân chủ trong một cuộc nói chuyện mặt - đối mặt . Đó không phải là cuộc nói chuyện tình cờ ngẫu nhiên mà là một hoạt động nghề nghiệp của nhân viên xã hội, bởi vì cuộc nói chuyện được hướng tới những mục đích cụ thể hay mục đích tổng quát. Mục đích có thể là một hay nhiều mục đích sau đây : (1) Thu thập thông tin từ thân chủ hay chia sẻ thông tin cho thân chủ (2) Khảo cứu và đánh giá vấn đề của thân chủ và tình huống liên quan (3) Đưa ra sự giúp đỡ cho thân chủ.
Thu thập thông tin và chia sẻ thông tin
Thường thường, thân chủ là một người xa lạ hoàn toàn với cơ sở trong lần đến đầu tiên của anh ta. Có thể anh ta mang theo giấy chuyển tuyến, hoặc có thể không. Nhân viên xã hội phải thu thập dữ kiện liên quan đến vấn đề, cần biết thân chủ nhận thức về vấn đề như thế nào, anh ta đã làm gì để giải quyết, các dữ kiện về bản thân thân chủ, về gia đình và về tài nguyên của thân chủ. Khi một thân chủ không có khả năng cung cấp thông tin cần thiết thì các thành viên gia đình được phỏng vấn để cung cấp thông tin.
Vấn đàm là một tiến trình hai chiều
Vấn đàm là một tiến trình hai chiều. Ngay khi thông tin được nhân viên xã hội tiếp nhận thì thông tin cũng được chia sẻ cho thân chủ về những thủ tục giấy tờ và những vấn đề khác của ông (bà) ta, vai trò của ông (bà) ta, vai trò của nhân viên xã hội và về chức năng của cơ sở. Thông tin về cái tôi (bản ngã) là điều quan trọng đối với những thân chủ đến với nhân viên xã hội không phải do tự nguyện mà thông qua sự ép buộc của người khác. Thân chủ còn được thông báo về các dịch vụ khác của cơ sở.
Khảo cứu và đánh giá tình huống của thân chủ
Những dữ kiện thu thập được từ thân chủ và về thân chủ được phân loại và phân tích, từ đó những khía cạnh thích hợp được nối kết nhau để hình thành nên một bức tranh về tình trạng của vấn đề với những chỉ dẫn rõ ràng về các mối quan hệ nhân quả.
Đánh giá
Trong tiến trình này, nhân viên xã hội áp dụng kiến thức của các khoa học xã hội để hiểu về hành vi thân chủ và những người khác trong tình huống vấn đề. Mỗi một hồ sơ cá nhân trong cuộc nghiên cứu các hồ sơ công tác xã hội cá nhân có một sự đánh giá về mặt xã hội đơn giản và trung thực hoặc khá phức tạp. Bình thường, trước khi đánh giá tình hình cần có vài cuộc vấn đàm. Đánh giá xã hội cũng được dự liệu và hướng về sự thay đổi tùy thuộc và các dữ kiện xã hội mới mẻ nổi lên vào thời điểm tiến hành. Hơn nữa, không có quy định là đánh giá xã hội phải chấm dứt trước khi tiến trình giúp đỡ bắt đầu. Có nhiều kiểu giúp đỡ có thể và nên được đưa ra khá sớm – và nhiều, nhờ thế hành động giúp đỡ và những cố gắng hình thành một đánh giá xã hội diễn ra song song, cùng lúc.
Vấn đàm như là một công cụ trực tiếp để giúp đỡ
Với hai mục đích đã nói trên đây, vấn đàm dùng như là một công cụ gián tiếp để giúp đỡ. Thông tin mà nhân viên xã hội suy luận và đánh giá xã hội mà nhân viên xã hội dùng như một kế hoạch dựa vào những hình thức giúp đỡ thích hợp. Nhưng vấn đàm còn có thể được sử dụng như một phương tiện giúp đỡ trực tiếp nữa. Đó là vì trong khi vấn đàm nhiều kỹ thuật của công tác xã hội cá nhân được sử dụng đến (sẽ được trình bày trong hai chương tới). Tương tự, các nguyên tắc cũng được thực hiện trong khi vấn đàm.
Thực chất của giúp đỡ trong vấn đàm
Thân chủ công tác xã hội cá nhân có thể được chia ra những trường hợp dài hạn và ngắn hạn, nhóm ngắn hạn bao gồm những trường hợp chỉ cần một lần tiếp xúc và chỉ một lần vấn đàm. Vấn đàm công tác xã hội cá nhân tiến hành khi một người được xem là thân chủ của cơ sở. Hồ sơ cá nhân của trong cuộc nghiên cứu hồ sơ công tác xã hội cá nhân nằm trong khoảng thời gian từ hai tháng đến bảy tháng, với các cuộc tiếp xúc từng thân chủ một lần hay hai lần hằng tuần. Trong trường hợp khẩn cấp, thân chủ được tiếp xúc thường xuyên hơn. Vấn đàm là một môi truờng giúp đỡ trực tiếp ngay cả ở lần gặp đầu tiên giữa nhân viên xã hội và thân chủ. Thân chủ nhận được sự thân ái, chân thành từ phía cơ sở, họ cảm thấy được chấp nhận, đó chính là một hình thức giúp đỡ và nó khuyến khích thân chủ tiếp tục lui tới với cơ sở để nhận được các hình thức giúp đỡ khác. Có những thân chủ không tìm kiếm sự giúp đỡ cho riêng họ, một số người ngay cả không nhận biết vấn đề của mình là gì, tuy nhiên, họ buộc phải đến với nhân viên xã hội bởi những người dùng quyền hành buộc họ. Họ đến với nhân viên xã hội trong tâm trạng không thích thú đã có từ trước, đối với số thân chủ này thì cuộc tiếp xúc lần đầu có tính quyết định. Nhân viên xã hội có thể sử dụng buổi gặp đầu tiên ấy một cách hiệu quả để xua tan ấn tượng và thành kiến của thân chủ và làm cho họ thoải mái trước sự giúp đỡ của ngành công tác xã hội.
Vấn đàm là một công việc có tính chất nghề nghiệp đòi hỏi nhân viên xã hội tự mình chuẩn bị cho từng lần vấn đàm một. Sau khi xem lại lần vấn đàm trước hay những cuộc vấn đàm với cùng một thân chủ đó, nhân viên xã hội phải lưu ý đến các thiếu sót thông tin, những gì còn mơ hồ cần làm rõ và các lầm lẫn và các thiếu sót của mình cần được xử lý bằng các kỹ năng giải quyết vấn đề. Lưu ý đến cuộc vấn đàm tới phải được dự trù tìm ra những dữ kiện mới mẻ, xóa tan nghi ngờ, kiểm tra lại các giả thiết, đánh giá các sự kiện và để đáp áp dụng các kỹ thuật một cách thích đáng.
VÃNG GIA
Nơi vấn đàm
Tổ chức thực hiện các cuộc vấn đàm ở văn phòng của cơ sở có những thuận lợi nhất định. Nó có được sự riêng tư và ngăn ngừa được sự phân tán. Nó có được mức độ trang trọng và tính nghề nghiệp nhất định trong cuộc nói chuyện tới mức mà thân chủ nghĩ là hệ trọng. Nhưng với một số thân chủ, tính chất trang trọng ở văn phòng cơ sở có thể gây ra sự sợ hãi, đòi hỏi họ phải mang ‘ mặt nạ’ để che dấu các bản ngã và cảm nghĩ thực của họ. Đối với những người như thế, có được một hay hai cuộc vấn đàm ở nhà sẽ làm giảm nhẹ cảm giác nặng nề. Cũng có vài xem xét khác cho rằng vãng gia là một công cụ quan trọng và cần thiết của công tác xã hội cá nhân. Trước hết , chắc chắn thân chủ nhận thức rằng nhân viên xã hội đến thăm nhà họ là thể hiện sự quan tâm đến an sinh của họ. Sự thừa nhận của thân chủ về sự quan tâm của nhân viên xã hội là cần cho sự tiến bộ trong tiến trình của công tác xã hội cá nhân. Hơn nữa, có những thân chủ có thái độ phó mặc trước các vấn đề của cuộc sống và sự nhẫn nhục tất yếu trước các vấn đề ngăn cản không cho họ làm bất cứ việc gì. Nhân viên xã hội phải đến với họ hơn là ngồi chờ họ đến với mình tại cơ sở. Một hay hai cuộc vãng gia có thể không mang đến kết quả nào nhưng nhiều lần thăm viếng lại rất cần thiết. Những cuộc vãng gia nhiều lần của nhân viên xã hội được ghi lại trong hồ sơ.
Vãng gia có thể biết được nhiều điều
Vãng gia hoàn toàn có lợi vì khi vãng gia nhân viên xã hội có thể quan sát môi trường gia đình của thân chủ. Quan trọng là, nhân viên xã hội có thể thấy được những tương tác nẩy sinh giữa các thành viên trong gia đình nhờ đó nhân viên xã hội có thể suy ra thái độ và quan hệ trong gia đình ấy. Trường hợp Lakshmam (15 tuổi) được giới thiệu với nhân viên xã hội do học kém và có hành vi gây gỗ. Lakshman ở trong một căn phòng trọ với cha mẹ, họ khẳng định là họ rất thương yêu Lakshman, cho em những gì em muốn và hy vọng em học hành giỏi ở trường. Họ tuyên bố ngay cả tivi cũng mua cho em. Trong mỗi lần đến thăm, nhân viên xã hội thấy toàn bộ gia đình ngồi xem tivi, kể cả Lakshman ngồi trước cuốn sách mở ra nhưng mắt thì dán vào màn ảnh. Trong một lần đến thăm, nhân viên xã hội đang nói chuyện với Lakshman về sổ thành tích học tập ở trường, bất thình lình và không thể ngờ được người cha bắt đầu đánh Lakshman, la mắng ầm ĩ về chuyện nó thi rớt. Những mâu thuẫn nhau trong cách đối xử của cha mẹ có thể dễ dàng quan sát trong các lần vãng gia.
Hải
Hải (8 tuổi) là một cậu bé mù, không biết chữ, được nhân viên xã hội giúp đỡ để được nhận vào học ở trường dành cho trẻ em mù. Cha mẹ bé không làm được gì cả ngoài việc tuyên bố là họ ước ao con họ được học hành. Trong một lần đi vãng gia gia đình Hải, nhân viên xã hội thấy Hải đang ăn xin trên đường. Rõ ràng là Hải bị cha mẹ khuyến khích đi ăn xin. Những gì nhân viên xã hội quan sát được trong khi vãng gia là thông tin hữu ích để hình thành sự đánh giá xã hội.
Hùng
Hùng (30 tuổi) bị liệt hai chân đang điều trị nội trú trong một bệnh viện công. Khuyết tật là hậu quả của tai nạn xảy ra lúc anh làm việc. Hùng được ông chủ đền bù thiệt hại do đề xuất của nhân viên xã hội trong bệnh viện. Trong khi anh đang nằm viện, vợ anh là Mala nhăng nhít với người khác và có đứa con ngoài giá thú. Mala vẫn cứ quan tâm đến người chồng bại liệt và nói rằng cô ta hối hận về quan hệ bất chánh ấy. Cô ta hăm hở muốn đưa Hùng về nhà chăm sóc. Trong khi chuẩn bị xuất viện, nhân viên xã hội vãng gia căn nhà của Mala mà theo cô ta đã chuẩn bị để đón người chồng bại liệt. Nhưng những gì mà nhân viên xã hội thấy trái với điều mà Mala đã nói và đoan chắc. Căn nhà, một túp lầu trống rỗng, xiêu vẹo gây ấn tượng đó không phải là nơi để ăn ở. Thế rồi nhân viên xã hội bắt đầu thấy rằng sự quan tâm của Mala đối với chồng không thật tình và nhắm mắt làm ngơ để chiếm số tiền bồi thường của Hùng sau khi giả vờ chăm sóc anh ta. Cuối cùng, nhân viên xã hội thấy được những điều nghi ngờ của mình là đúng và kế hoạch sau khi xuất viện sẽ giao anh ta để người vợ chăm sóc bị bãi bỏ, tiền bồi thường anh ta nhận được gởi vào ngân hàng. Như thế, một cuộc vãng gia đúng lúc đã ngăn chặn nhân viên xã hội không tiến hành những bước đi làm tổn hại đến an sinh của thân chủ.
MỐI QUAN HỆ
Các loại quan hệ
Mối quan hệ thân chủ - nhân viên xã hội là một công cụ khác của công tác xã hội cá nhân cần được phác họa. Mối quan hệ giữa bất cứ hai người nào là điều kiện liên kết họ với nhau một cách có ý nghĩa. Chúng ta trải qua nhiều loại quan hệ khác nhau trong đời sống. Trước hết, có các mối quan hệ có được do là thành viên của một gia đình và các nhóm họ hàng. Mối quan hệ cha mẹ - con cái, anh chị em với nhau, cậu - cháu là những ví dụ. Những mối quan hệ này là thường xuyên và không thể thay thế được, kéo dài chừng nào mà người ta còn sống. Trái lại, mối quan hệ giữa hai người bạn, những người láng giềng hay bạn cùng lớp là tạm thời. Mối quan hệ giữa bác sĩ - bệnh nhân, thầy giáo - học sinh, kiểm huấn viên - thực tập viên, luật sư - thân chủ là những quan hệ nghề nghiệp. Người ta cũng có thể phân loại rộng rãi các mối quan hệ tùy thuộc vào tính chất. Mối quan hệ giữa hai người được biểu thị bằng sự căm thù là một mối quan hệ tiêu cực, tuy nhiên, đó cũng là một mối quan hệ. Tương tự như thế, một mối quan hệ đánh dấu bởi lòng thương yêu là một quan hệ tích cực.
Như đã bàn trên đây cho thấy mối quan hệ thân chủ - nhân viên xã hội là một mối quan hệ nghề nghiệp và tính chất của nó phải tích cực. Chỉ có một mối quan hệ tích cực mới đạt được kết quả có ích như mong muốn, tạo ra môi trường để thực hành các nguyên tắc công tác xã hội cá nhân.
Quan hệ nghề nghiệp là vì những mục đích cụ thể
Mối quan hệ nghề nghiệp có những tính chất chung. Chúng hướng về những mục đích riêng tùy từng lúc. Khi mục đích được đáp ứng, mối quan hệ chấm dứt. Không như mối quan hệ gia đình chan hòa và thấm dần vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống con người, mối quan hệ nghề nghiệp chỉ thuộc về những phạm vi quanh những mục đích riêng cụ thể.Thí dụ: mối quan hệ thầy-trò. Cuộc sống học tập của sinh viên là mối quan tâm chính đáng đối với thầy giáo, người lãnh trách nhiệm về việc sinh viên học hành như thế nào ở trường. Thầy giáo không bận tâm sinh viên làm gì sau giờ học ở trường. Trái lại, mối quan hệ giữa cha mẹ-con cái lại bao gồm tất cả. Không có lĩnh vực nào của cuộc sống đứa trẻ mà lại không nằm trong tầm nhìn của bố mẹ. Trong quan hệ gia đình, tính phụ thuộc cũng ngấm ngầm dưới hình thức nầy hay hình thức khác. Cha mẹ chăm sóc con cái và khi cha mẹ già cả thì con cái đã lớn, có nhiệm vụ chăm sóc tuổi già cho cha mẹ. Tuy nhiên, bộ đôi trong một quan hệ nghề nghiệp không bị trói buộc bởi tính phụ thuộc. Ở đó, khái niệm phụ thuộc bị thay thế bởi nền kinh tế thị trường, nghĩa là, dịch vụ chuyên nghiệp có thu tiền với sự thỏa thuận tiền bạc nào đó.
Uy quyền ngầm định trong quan hệ nghề nghiệp
Trong quan hệ nghề nghiệp như giữa bác sĩ và bệnh nhân hay nhân viên xã hội-thân chủ, người có trình độ chuyên môn dùng hai loại uy quyền: một, dựa vào kiến thức của mình và hai là dựa vào quyền được xã hội chuẩn thuận cho họ được hành nghề. Nhờ vào kiến thức và kỹ năng, người có trình độ chuyên môn có thể áp dụng những phương thức phù hợp để giúp bệnh nhân hay thân chủ của mình. Sự sở hữu kiến thức và kỹ năng là công cụ để đạt được một uy quyền nhất định được quy định trong việc thực thi nghề nghiệp.
Quan hệ của nhân viên xã hội là chan hòa
Xuất phát từ các tính chất đã nói ở trên đây, quan hệ nhân viên xã hội - thân chủ có vài tính chất đặc biệt. Mặc dù nó được gắn với một hay nhiều mục đích riêng nhưng nó chan hòa hơn quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân. Sự chan hòa trong quan hệ nhân viên xã hội - thân chủ xảy ra là kết quả của những quan hệ giao tiếp trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Nó đòi hỏi ứng xử với những lĩnh vực hữu hình và cụ thể của cuộc sống cũng như lĩnh vực vô hình của tình cảm.
Thiên
Thiên (32 tuổi) là một công nhân sống trong một túp lều lụp xụp. Anh ta bị mất một cánh tay trong một tai nạn. Sau khi xuất viện anh ta được giới thiệu đến nhân viên xã hội của một trung tâm cộng đồng địa phương. nhân viên xã hội thu xếp cho anh ta học nghề ở một trung tâm phục hồi chức năng. Trong khi đó, vợ anh ta qua đời, đứa con 5 tuổi được bố trí nuôi hộ với sự giúp đỡ của nhân viên xã hội. Sau khi học nghề, Thiên không kiếm được công việc làm, anh ta bèn nấu rượu lậu để sinh sống. Tuy nhiên, nhân viên xã hội khuyên ngăn anh ta bỏ nghề nấu rượu lậu và động viên tìm một cách kiếm tiền hợp pháp. Kết quả, Thiên quyết định cất một quán bán rau và cần được chính quyền cho phép. Có nhiều thủ tục giấy tờ phải được hoàn tất và cần phải tiếp xúc với nhiều nhân viên chức quyền. Trong các công việc này, nhân viên xã hội đều hướng dẫn và hỗ trợ cho anh ta.
Quan hệ chan hòa tạo ra sự ràng buộc mạnh mẽ
Rõ ràng trong trường hợp trên đây, nhân viên xã hội đi vào nhiều lĩnh vực của đời sống thân chủ : sắp xếp cho anh ta đi học nghề, bố trí cho con anh ta được có chỗ nuôi hộ, kéo anh ta ra khỏi nghề nấu rượu lậu, giúp anh quyết định dựng quán bán rau và kiếm tiền. nhân viên xã hội dấn thân vào nhiều công việc có liên hệ đến đời sống của thân chủ có thể xem như người bạn thân hay gần như là một thành viên của gia đình. Nói như thế để thấy rằng một tình thân thiện có tính nghề nghiệp không dễ dàng thấu hiểu được đối với thân chủ không được giáo dục cũng như không được chuẩn bị cho việc chấm dứt quan hệ sẽ phải xảy đến hoặc sớm hay muộn. Một sự ràng buộc tình cảm hình thành nên trong quan hệ mạnh mẽ hơn sự ràng buộc có được trong những quan hệ khác. Sự ràng buộc tình cảm thỏa mãn cho nhiều thân chủ và họ thấy khó mà chấm dứt được quan hệ. Việc chấm dứt quan hệ do nhân viên xã hội nghỉ việc, và người khác tiếp tục trường hợp một thời gian dài trước khi kết thúc. Mối quan hệ tình cảm đã có được giữa thân chủ và nhân viên xã hội đầu tiên làm thân chủ thấy khó khăn trong việc thích ứng với nhân viên xã hội thứ hai.
Do việc nhân viên xã hội đến tìm hiểu nhiều khía cạnh của đời sống thân chủ thông qua quan hệ tích cực cho nên thân chủ có khuynh hướng tạo cho quan hệ một sự đồng điệu bằng cách muốn biết nhiều về đời tư của nhân viên xã hội : anh ta có thể hỏi địa chỉ của nhân viên xã hội và muốn mối quan hệ tiếp tục ở mức độ riêng tư.
Những khó khăn được giới thiệu ở đây có liên quan đến quan hệ thân chủ - nhân viên xã hội nẩy sinh khi thân chủ không thể hiểu được đầy đủ tính chất nghề nghiệp của quan hệ. Nhưng những khó khăn này có thể được giải quyết có hiệu quả bằng cách dùng những kỹ thuật giúp đỡ. Những khó khăn đã được trích dẫn ra chỉ để làm nổi bật tính chất đặc biệt của mối quan hệ.
Quan hệ giữa nhân viên xã hội và thân chủ, ngoài là một phương tiện giúp đỡ, đôi khi tự nó là một hình thức giúp đỡ. Đối với một thân chủ bị bối rối, lo âu và vô vọng nếu được đối xử nhã nhặn và được lắng nghe kiên nhẫn, không có phê phán, đó chính là một kinh nghiệm được giúp đỡ.
Nuôi dưỡng sự phát triển của thân chủ
Quan hệ nhân viên xã hội - thân chủ có nghĩa vụ nuôi dưỡng sự phát triển của thân chủ. Không phải mọi quan hệ giữa con người với nhau đều tạo ra sự phát triển. Giả sử A và B được thừa nhận bằng một quan hệ trong đó B lệ thuộc vào A một cách quá đáng và B tuân thủ những mệnh lệnh hay những chỉ bảo của A không suy nghĩ gì cả. Sự trói buộc như thế không thể làm cho B phát triển được. Sự thực hiện những nguyên tắc có liên quan đến quyền tự quyết và sự tham gia của thân chủ nhằm truyền các yếu tố nuôi dưỡng sự phát triển trong quan hệ nhân viên xã hội - thân chủ. Giúp đỡ một người tham gia tích cực vào việc tìm hiểu vấn đề của họ và tham gia vào việc ra quyết định tìm những giải pháp không chỉ đem lại sự phát triển nơi người được giúp. Trong việc áp dụng những kỹ thuật cũng vậy phải gắn với mục đích phát triển của thân chủ .
Mối quan hệ phải tích cực
Khái niệm truyền thông là một tiến trình phát đi thông tin và thông điệp giữa hai người hay nhiều hơn. Trong công tác xã hội , nó có liên hệ đến khái niệm quan hệ nhân viên xã hội - thân chủ, mặc dù chúng là hai hiện tượng khác nhau hoàn toàn. Chúng phụ thuộc lẫn nhau có nghĩa về phía nhân viên xã hội những kỹ năng truyền thông khởi tạo ra một quan hệ tích cực và một quan hệ tích cực tạo thuận lợi cho sự truyền thông có tính xây dựng giữa nhân viên xã hội và thân chủ. Mặc dù mối quan hệ tiến triển tùy vào hai người nhưng đó là phận sự của nhân viên xã hội sử dụng tài năng của mình để bắt đầu một mối quan hệ tích cực với thân chủ .
Truyền thông bằng lời không phải luôn luôn có hiệu quả để bắt đầu một quan hệ trong vài trường hợp với trẻ em, thanh niên hay người lớn bệnh tâm thần. Khi một đứa trẻ không giao tiếp được, ta cho nó chơi đồ chơi hay cho nó dụng cụ để vẽ sẽ giúp nó vứt bỏ sự phản kháng ban đầu đối với nhân viên xã hội. Tham gia chơi trò chơi với trẻ hay hoạt động khác cũng rất hữu ích để bắt đầu một quan hệ mà theo thời gian hầu hết các trường hợp sẽ dẫn đến truyền thông bằng lời. Những cơ sở lo về sức khỏe tâm thần đưa ra trò chơi và những việc làm hữu ích để khởi xướng sự liên kết giữa nhân viên xã hội và những thân chủ bị rối loạn tâm thần vốn thường miễn cưỡng chuyện trò.
Thừa nhận rằng nhân viên xã hội thực hiện việc tiếp cận đúng đắn không phải luôn có kết quả là thân chủ đáp ứng tích cực. Có nhiều người vì lý do này nọ không thể quan hệ với mọi người. Có lẽ do kinh nghiệm sống khiến họ không thể tin vào người khác. Có người bị người thân thiết bỏ rơi nhiều lần. Những người khác mà những quan hệ đầy ý nghĩa của họ bị cắt đứt do có người chết hay vì những hoàn cảnh khác. Những thân chủ mà nhân cách của họ bị lệch lạc vì những biến cố đau buồn dính dáng đến những quan hệ riêng tư không thể đáp ứng lại với sự cởi mở thân thiện của nhân viên xã hội. Kiểu hành vi chủ bại của họ là không thể hiểu nổi với những điều đã bàn trong những chương trước đây về lý thuyết chức năng của bản ngã. Về nhân cách của những người này, những biến cố bất hạnh của cuộc sống đã làm bế tắc sự phát triển thuận lợi chức năng bản ngã của họ, đặc biệt chức năng các mối quan hệ khách thể và chức năng tổng hợp những kinh nghiệm cuộc sống .
Sự hòa hợp biểu thị mối quan hệ tích cực
Sự hòa hợp là một hiện tượng quan trọng trong công tác xã hội cá nhân. Từ ngữ "hòa hợp" được dùng để chỉ tính chất tích cực của quan hệ nhân viên xã hội - thân chủ. Nhân viên xã hội có thể đi tìm những dấu hiệu hòa hợp san đây liên quan đến quan hệ với thân chủ.
1. Thân chủ tỏ vẻ (quan tâm) thích thú khi gặp nhân viên xã hội và giữ đúng hẹn.
2. Thân chủ bày tỏ cảm nghĩ của mình trong suốt cuộc vấn đàm.
3. Thân chủ tham gia thích đáng vào cuộc vấn đàm, nói về chính mình, về những chuyện đã trải qua, về những quan hệ vv...
4. Thân chủ biểu thị quyết tâm hành động
Những mức độ hòa hợp được chứng minh trong cuộc nghiên cứu hồ sơ cá nhân
Những trường hợp cá nhân trong cuộc nghiên cứu cho thấy chiều sâu mối quan hệ nhân viên xã hội - thân chủ thay đổi theo từng trường hợp. Trong nhiều trường hợp có sự hòa hợp. Một ít trường hợp sự hòa hợp không phát triển được, chỉ ở mức độ thấp. Trường hợp Phương, thân chủ bị liệt được giới thiệu trước đây, không có được nhiều hòa hợp lắm trong quan hệ.
Phương
Nhân viên xã hội đã thực hiện nhiều công việc vì lợi ích của thân chủ, những công việc mà tự Phương không thể làm được. nhân viên xã hội đã kiếm được cho Phương một bản sao thẻ bảo hiểm thay cho thẻ gốc bị mất, và kiến nghị những thủ tục để anh ta được phê chuẩn về quyền lợi tài chính mà anh ta được hưởng. Nhân viên xã hội viết thư cho gia đình Phương ở quê nhưng không được hồi âm. Nhân viên xã hội gặp gỡ xí nghiệp và thắt chặt hợp tác trong công việc phục hồi, tới mức mà viên quản lý hứa hẹn cho thân chủ một việc làm ngồi tại chỗ sau khi anh ta xuất viện. Cán bộ tổ chức của xí nghiệp đến thăm bệnh nhân ở bệnh viện và nhiệt tình giúp đỡ anh ta. Nhiều cuộc gặp gỡ đã được tổ chức giữa bệnh nhân và những bệnh nhân bị liệt khác, đặc biệt hai bệnh nhân đã đáp ứng tốt các chương trình phục hồi và sẵn sàng giúp bệnh nhân bằng những cách thức nào đó. Mặc dù tất cả những nỗ lực nầy phía nhân viên xã hội đã làm nhưng hầu như không có dấu hiệu nào của sự hòa hợp được chứng tỏ ở phía thân chủ. Ngoài sự biểu lộ thỉnh thoảng tính mặc cảm, không có sự tham gia hoặc cam kết nào về phía bệnh nhân .
Tuấn
Trái lại, trường hợp của Tuấn (18 tuổi) là học sinh lớp 10. Tuấn được giới thiệu đến nhân viên xã hội ở trường do học kém và có thái độ xấu trong lớp học. Cậu ta từ chối không chịu gặp nhân viên xã hội viện cớ là : "Cậu ta không phải là một cậu bé có vấn đề và cậu ta không có vấn đề gì cả" . Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng nhân viên xã hội đã có một cuộc nói chuyện với Tuấn ở văn phòng. Dần dần, sự hòa hợp được tạo lập, Tuấn tự nguyện cùng với nhân viên xã hội hướng tới các vấn đề mới nổi lên. Khi Tuấn thi rớt kiểm tra học phần cậu ta bàn bạc vấn đề ấy với nhân viên xã hội để tìm cách cải thiện việc học hành. Trước khi kết thúc năm học, cậu ta bàn bạc với nhân viên xã hội về những dự định nghề nghiệp của mình.
Công tác xã hội cá nhân sánh như một giàn nhạc
Lắng nghe, quan sát, vấn đàm, vãng gia và mối quan hệ là những công cụ đã được mô tả ở chương này. Tư vấn thường được xem như là công cụ. Tư vấn là một dạng đặc biệt của vấn đàm. Khái niệm tư vấn như là một công cụ cần sự đánh giá, hiểu biết dưới ánh sáng của những kỹ thuật giúp đỡ chúng là những viên gạch hình thành nên tiến trình tư vấn. Cần lưu ý rằng thường là hai hay nhiều công cụ vận hành với nhau, hòa tấu giống như những nhạc cụ trong một cuộc trình tấu. Thí dụ : nhân viên xã hội trong khi lắng nghe thân chủ với đôi tai thì đôi mắt cũng làm việc, đầu óc thì quan sát và suy nghĩ. Trong lúc vấn đàm, nhân viên xã hội cũng lắng nghe, quan sát và truyền thông. Sự liên hệ giữa mối quan hệ và truyền thông đã được chỉ rõ rồi. Nói tóm lại, những công cụ của công tác xã hội cá nhân liên kết lẫn nhau một cách năng động để tạo ra những thành quả mong muốn.
Grace Mathew
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)