1 tháng 5, 2008

Ma túy, khao khát một giải pháp xã hội..


Ma túy, khao khát một giải pháp xã hội...

TT - Hai bạn trẻ A và B ở cùng xóm, học cùng trường nhưng B lại sa vào ma túy còn A thì không. Tại sao? Tại vì B đang mang nỗi buồn nào đó, sống không có mục đích, không có những giá trị sống tích cực... Khi có một hình ảnh tiêu cực, thấp kém về bản thân, các em cũng dễ dàng sa vào các hành động tự hủy hoại như rượu chè, ma túy hay các trò chơi nguy hiểm, liều mạng.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ một đời sống và nền giáo dục gia đình có khiếm khuyết.

Về mặt phục hồi, những em lỡ hút thử cho vui rồi ghiền, bỏ ma túy dễ dàng, còn những em xuất phát từ một vấn đề tâm lý khó phục hồi và dễ tái nghiện. Vì sao?

Vì nguyên nhân vẫn còn đó

Xã hội đã bỏ rất nhiều công sức để giúp các em, nào là cắt cơn, cho học chữ học nghề, "lao động trị liệu" và lên lớp đạo đức... Dĩ nhiên, ở trường trại được cách ly với ma túy, hoạt động suốt ngày các em tạm quên nàng tiên nâu. Nhưng có một số em khi trở về là tái nghiện ngay vì va chạm với môi trường xã hội đã đẩy các em vào ma túy. Đó có thể là sự đón tiếp của người cha bằng một lời nói thô bạo gây xúc phạm nặng nề. Đó có thể tiếng đồn nhanh chóng của hàng xóm là "thằng X ma túy mới về mà nó bị sida nữa"! Rồi mọi người tránh né em... Chỉ bấy nhiêu khiến em muốn chết đi cho rồi, nhưng tự tử khó hơn đi tìm lại nhóm bạn cũ...

Đâu là biện pháp hữu hiệu?

Ta đã bỏ nhiều công sức, thời gian để làm đủ thứ chuyện ngoại trừ chuyện chữa bệnh tâm lý bằng biện pháp tâm lý xã hội. Trước khi có thuốc, các nước đi trước đã khống chế được HIV không vì họ giàu mà vì họ có sẵn bộ máy khoa học tâm lý xã hội. Ví dụ như tham vấn tâm lý để giúp người bệnh sống tích cực, tránh lây lan cho người khác. Truyền thông hiệu quả để người dân biết tự giữ gìn, nhất là thay đổi hành vi tình dục. Quan trọng nhất là tránh sự phân biệt đối xử, nguyên nhân làm lan rộng dịch bệnh vì người bệnh giấu mặt, không xuất hiện để được giúp đỡ và tránh lây lan cho người khác. Dựa trên khoa học về nhóm nhỏ để làm giáo dục đồng đẳng, một phương pháp hỗ trợ tâm lý mạnh mẽ và giúp người bệnh sống có ích..

Đối với người nghiện ma túy, các nước sử dụng methadone từ lâu nhưng họ nhấn mạnh các biện pháp đi kèm mới quan trọng: tham vấn tâm lý.

Giúp gia đình người bệnh

Bệnh nhân không thể phục hồi nếu trở về với môi trường gia đình đã xô đẩy họ vào ma túy: cha mẹ bất hòa, yếu kém trong giáo dục con cái hay chính cha mẹ là tội phạm... Ngày nay trên thế giới, gia đình là đối tượng hàng đầu của các dịch vụ tâm lý xã hội, vì quanh đi quẩn lại hầu như mọi vấn đề xã hội xuất phát từ sự rạn nứt của gia đình. Và trong phòng chống ma túy câu kết luận là: gia đình là pháo đài duy nhất có thể bảo vệ trẻ.

Từ đó nhiều khoa học xã hội khác nhau đã tạo ra các phương pháp can thiệp để hỗ trợ cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Giáo dục cộng đồng và dịch vụ cộng đồng

Ngày nay giáo dục không còn là độc quyền của trường học và giáo dục ngoài học đường đóng một vai trò quan trọng: giáo dục môi trường, giáo dục sức khỏe, giáo dục hôn nhân gia đình... Ở tất cả các nước trong vùng, các phòng tham vấn tâm lý hay dịch vụ xã hội có mặt ở khu phố, chung cư... Nhân viên chuyên môn có thể gặp một đứa bé lang thang ngoài đường trong giờ học. Anh/chị tìm hiểu và biết đứa bé đang bỏ học vì buồn gia đình, cha mẹ nó đang cãi nhau... Lập tức anh/chị tới thăm gia đình và tìm cách giúp đỡ. Có những nơi người ta tổ chức vui chơi giải trí hay các lớp làm bài cho trẻ ngoài giờ ở trường học. Một cuộc ly hôn hay bạo lực gia đình có thể được ngăn ngừa bởi sự hiện diện của những nhân viên này ở cơ sở. Họ là nhân viên công tác xã hội, một loại nhân sự mới để phòng ngừa và giải quyết các vấn đề xã hội.

Nhận ra sự cần thiết của loại cán bộ này, năm 2004 Bộ GD-ĐT đã ban hành mã số đào tạo cho "công tác xã hội". Các cuộc họp liên bộ đã quyết định trong 10-15 năm tới phải đào tạo không dưới 50.000 cán bộ công tác xã hội để làm việc từ cấp phường xã đến trung ương. Đây chính là những tác nhân chính trong công tác phòng chống ma túy. Tiếc rằng sự triển khai ý đồ tốt này quá chậm...

Song song với những biện pháp can thiệp từ bên ngoài, đối với trẻ người ta nhấn mạnh giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống để các em tự xây dựng cho mình một nội lực để nói không với cái xấu. Từ ba năm nay, UNICEF đã giúp ngành giáo dục đưa vào thí điểm ở vài trăm trường cấp II trên cả nước. Nhưng tới nay chương trình chưa được nhân rộng.

NGUYỄN THỊ OANH
Báo Tuổi Trẻ ngày 30/04/2008

Không có nhận xét nào: