8 tháng 5, 2008

CÁC KỸ NĂNG VÀ THÁI ĐỘ THAM VẤN


CÁC KỸ NĂNG VÀ THÁI ĐỘ THAM VẤN

Cần những người đặc biệt để làm tham vấn vì không phải ai cũng phù hợp với công việc này. Ở nhiều nước nghề tham vấn đã được hình thành cách đây vài thập kỷ, những người muốn trở thành nhà tham vấn được lựa chọn rất kỹ càng trước khi tham gia vào các chương trình cao học ở trường. Những ứng cử viên tương lai phải có một số đặc điểm như:

Thông minh
Chân thành
Sẵn lòng giúp đỡ
Các kỹ năng giao tiếp hoàn hảo
Sự nhạy cảm và và nhân ái với mọi người
Có ý thức tốt với bản thân
Có tinh thần cởi mở
Có tinh thần khoan dung, đối với quan điểm hay cách nhìn nhận vấn đề khác.
Tham vấn và công tác xã hội không phải là những hoạt động nghiệp dư; chúng là những hoạt động nghề nghiệp. Giống các nghề khác, những người làm trong các lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến những nghề này phải có kiến thức chuyên môn, các kỹ năng và thái độ nhất định. Bài học này trình bày các kỹ năng và thái độ cơ bản nhà tham vấn cần phải có để có thể hoạt động hiệu quả.

Lòng tin là nền tảng của bất kỳ một quan hệ tham vấn hay hỗ trợ nào; trước khi thân chủ có thể cảm thấy thoải mái để chia sẻ những thông tin cá nhân, cảm giác và ý nghĩ thì việc tạo ra một bầu không khí tin tưởng giữa thân chủ và nhà tham vấn là rất cần thiết. Do vậy, để công việc hiệu quả, nhà tham vấn phải có khả năng phát triển các mối quan hệ tích cực và đáng tin cậy với thân chủ. Đố chính là sự sẵn lòng đáp ứng các nhu cầu của thân chủ với sự chấp nhận và hỗ trợ vô điều kiện. Một số các kỹ năng và thái độ chủ yếu được trình bày trong bài học này sẽ giúp học viên có thể xây dựng và duy trì nền tảng của lòng tin với trẻ em và các thân chủ khác.

CÁC KỸ NĂNG THAM VẤN

Khả năng lắng nghe và giao tiếp một cách rõ ràng và cởi mở, với sự thông cảm và có mục đích

Mọi mối quan hệ hỗ trợ đều chứa đựng sự giao tiếp trung thực và được cả hai bên thừa nhận. Một phương pháp mà các nhà tham vấn có thể giao tiếp trung thực với thân chủ (và xây dựng các quan hệ dựa trên sự tin cậy lẫn nhau) là đảm bảo rằng trong mọi tình huống, thân chủ của họ nhận thức rõ về những gì sẽ xảy ra, cần phải xảy ra trong những tình huống đó, hoặc thân chủ có thể có những quyền và sự lựa chọn gì. Cách nàyđuợc áp dụng cả trong tham vấn với trẻ em và người lớn. Chẳng hạn, trước khi bắt đầu một mối quan hệ tham vấn liên tục, nhà tham vấn nên nói chi tiết với thân chủ về tham vấn là gì, và thông báo với thân chủ rằng họ có quyền dừng quá trình tham vấn theo ý nguyện của họ. Trong một ví dụ khác, giả sử trẻ tiết lộ với nhà tham vấn của em rằng em đang bị một bạn trai lớn hơn cùng khu tập thể lạm dụng tình dục. Nhà tham vấn cần thông báo với em rằng để bảo vệ em, nhà tham vấn phải thông báo với một người nào đó (ví dụ, cảnh sát, hoặc bố mẹ em) có thể giúp đỡ để bảo đảm sự an toàn cho em. Trẻ em cũng có quyền được thông báo về những gì đang xảy ra hoặc sắp xảy ra và tại sao. Không đặt trẻ vào những quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của các em là lạm quyền của các em. Việc đó sẽ khiến các em có cảm giác giận dữ, sợ hãi, phản bội hoặc không tin tưởng.

Chẳng hạn, một nhà tham vấn đang làm tham vấn với một cậu bé có tâm trạng chán nản, tuyệt vọng có thể thấy nên nói chuyện với thày giáo của em để hiểu thêm về hành vi của em ở trường (ví dụ, cậu bé có bỏ học không, cậu bé tiến bộ như thế nào về mặt lý thuyết). Đầu tiên nhà tham vấn cần nói với cậu bé rằng nhà tham vấn cảm thấy việc trao đổi với thày giáo của em để vạch ra cách giúp đỡ em là rất có ích. Nhà tham vấn nên hỏi ý kiến cậu bé, nếu cậu không đồng ý, hãy tôn trọng ý muốn đó của em và tìm cách khác để tiếp cận với những biểu hiện ở trường của em hoặc hỏi ý kiến em vào lần sau.

Nhà tham vấn có trách nhiệm phải chia sẻ với thân chủ những thông tin có ảnh hưởng đến họ ngay cả khi thân chủ khó có thể chấp nhận những thông tin đó. Ví dụ, một nhà tham vấn đang tham vấn với một thân chủ nhiễm HIV và gần đến giai đoạn phát triển mạnh của AIDS. Anh ta phủ nhận tình trạng hiện tại của mình và quan hệ tình dục bừa bãi. Để giúp đỡ thân chủ và bảo vệ những người khác có thể lây nhiễm virut từ hành vi tình dục không an toàn của anh ta, nhà tham vấn phải nói thật (nhưng tôn trọng và lịch sự) với thân chủ về sự phát triển bệnh của anh ta và thực tế anh ta đang đẩy một số không đếm được những người khác vào nguy cơ lây nhiễm bằng hành vi tình dục không an toàn cuả mình. Mặc dù những vấn đề này khá nhạy cảm và khó thảo luận, nhà tham vấn phải đặt sự khó chịu của mình sang một bên và hành động vì lợi ích của thân chủ và những người đang bị đặt trước nguy cơ. Một phần vai trò của nhà tham vấn là giúp thân chủ học cách đối mặt với những thông tin khó khăn theo cách có ích hơn và có hiệu quả hơn; việc giấu thân chủ những thực tế khó chấp nhận đó là hoàn toàn không phù hợp.

Khả năng khai thác thông tin và xâu chuỗi các sự kiện trong quá trình đánh giá vấn đề

Việc nhà tham vấn tập hợp được tất cả các sự kiện chủ yếu và có liên quan khi đang tìm hiểu phạm vi của vấn đề hay tình huống thân chủ đang gặp phải là rất quan trọng. Nếu nhà tham vấn không cẩn thận trong việc đặt câu hỏi thích hợp thì thân chủ có thể sẽ bỏ qua các sự kiện quan trọng mà nhà tham vấn cần biết để nắm được những vấn đề quan trọng và để đảm bảo nhận được sự hỗ trợ mà họ thực sự cần.

Chẳng hạn, giả sử một trẻ đường phố muốn ở Hà nội hơn quay trở về quê mặc dù gia đình em đang ép em quay trở về. Nhà tham vấn cho rằng cách tốt nhất cho trẻ là quay về nhà do đó
đã cố gắng hết sức để thuyết phục em quay về. Cậu bé không gặp nhà tham vấn nữa vì em cảm thấy rằng nhà tham vấn không hiểu em. Cuối cùng nhà tham vấn nghe nói cậu bé đã tham gia vào nhóm trẻ em trộm cắp xe máy để kiếm tiền. Cậu bé đã bị bắt và chuyển đến trại giam thanh thiếu niên. Nhà tham vấn sau đó có nghe chị gái của cậu bé (cũng là một trẻ đường phố) nói rằng cậu bé không muốn quay trở về nhà vì em bị cha dượng ngược đãi nghiêm trọng. Ông ta đánh em cho đến khi em bất tỉnh nhân sự; đây chính là lý do em sợ quay về nhà. Trong trường hợp này nhà tham vấn đã không hỏi cậu bé tại sao em không muốn quay trở về quê mà lại cho rằng em đã ra đi từ một mái nhà an toàn với bố mẹ thương yêu em và do đó em nên quay về với họ. Nhà tham vấn đã có ý tốt là muốn bảo vệ cậu bé khỏi những rủi ro của cuộc sống lang thang trên phố. Tuy nhiên, nếu nhà tham vấn hỏi cậu bé những câu hỏi khác hoặc lắng nghe em kỹ lưỡng hơn, nhà tham vấn đã có thể can thiệp theo cách khác cho lợi ích của cậu bé trước khi cậu bị lôi kéo bởi những ảnh hưởng xấu của bạn bè (ví dụ, tìm một mái ấm hay một nhà nuôi dưỡng an toàn cho cậu bé).

Tóm lại, việc nhà tham vấn đặt ra những câu hỏi thích hợp, sâu sắc đối với thân chủ là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp họ có thể tập hợp các thông tin quan trọng hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động can thiệp của họ. Trong khoá tập huấn này, Môđun I, Bài IV, Các kỹ năng giao tiếp trong tham vấn Phần I tập trung vào các kỹ năng đặt câu hỏi, và giúp các học viên đang tập huấn rút ra những thông tin hứu ích từ thân chủ của họ.

Khả năng tạo ra và duy trì các mối quan hệ hỗ trợ chuyên nghiệp.

Nhà tham vấn có khả năng tác động, làm thay đổi cuộc sống của mọi người và do đó phải xử sự theo cách chuyên nghiệp và có trách nhiệm ở mọi lúc. Trong suốt khoá tập huấn này, học viên sẽ học cách tiếp xúc với thân chủ một cách chuyên nghiệp và có hiệu quả; Mođun IV, Bài I tập trung đặc biệt vào các nguyên tẵc đạo đứccơ bản trong thực hành tham vấn.

Khả năng quan sát và hiểu các hành vi bằng lời và không bằng lời nói.

Đây là kỹ năng tham vấn tuyệt đối quan trọngsẽ được thảo luận kỹ ở Môđun I Bài III. Nhà tham vấn phải nhạy cảm với những “dấu hiệu” thân chủ chuyển tải không bằng lời nói. Thân chủ giao tiếp rất nhiều qua ngôn ngữ cử chỉ. Hiểu được những bức thông điệp ngầm được chuyển tải không bằng lời có thể giúp nhà tham vấn thấu hiểu được thân chủ đang suy nghĩ và cảm giác như thế nào. Chú ý một cách kỹ lưỡng đến các hành vi bằng lời và không bằng lời nói là một khía cạnh quan trọng của quá trình tham vấn.

Chẳng hạn, một thân chủ nói với nhà tham vấn rằng mọi chuyện gần đây đã có chiều hướng tốt hơn. Tuy nhiên, khi cô bé đang nói đôi tay của em run rẩy, em dịch chuyển một cách không thoải mái trên ghế. Nhà tham vấn có thể đáp lại bằng cách nói một điều gì đó như: “Cháu nói với cô rằng đã thực sự được cải thiện, nhưng dường như cháu có vẻ hơi lo lắng. Cháu có thể nói với cô về điều đó không?”. Thân chủ đột nhiên bật khóc và nói với nhà tham vấn rằng, thực tế em đang cảm thấy rất buồn và nản chí. Vì nhà tham vấn đã đoán được các dấu hiệu của thân chủ, nhà tham vấn có thể “quay trở lại” với những gì đang diễn ra trong thân chủ, và giúp đỡ em bày tỏ những gì đang làm em buồn.

Khả năng xây dựng lòng tin với thân chủ và lôi cuốn họ vào những nỗ lực để giải quyết vấn đề của chính họ.

Như đã thảo luận ở phần trên, việc nhà tham vấn xây dựng được lòng tin với thân chủ là vô cùng quan trọng, chỉ khi họ thiết lập được một mối quan hệ tin cậy họ mới có thể gây ảnh hưởng và tạo động cơ cho thân chủ tạo được những thay đổi tích cực trong cuộc sống của họ.

Mặt khác, cho dù có nhấn mạnh bao nhiêu cũng không đủ rằng tham vấn không chỉ nghĩa là giúp thân chủ tiếp cận với các nguồn lực hoặc đưa ra lời khuyên, ví dụ, nói với thân chủ cách họ có thể tự bảo vệ mình khi lang thang trên phố. Tham vấn còn hơn thế rất nhiều. Tham vấn mang lại những hỗ trợ trực tiếp và sự khuyến khích cho thân chủ, giúp đỡ họ tăng cường lòng tự trọng bằng cách đề cao những thế mạnh của họ và khuyến khích họ sử dụng những thế mạnh đó để giải quyết vấn đề của chính họ. Tham vấn liên quan đến việc chỉ ra cho thân chủ/trẻ thấy rằng nhà tham vấn tin tưởng họ và sẵn lòng lắng nghe mỗi khi họ cần một ai đó để bày tỏ.

Khả năng thảo luận những chủ đề nhạy cảm một cách tích cực mà không bối rối hay sợ hãi.

Thân chủ thường chia sẻ những câu chuyện và trải nghiệm gây sửng sốt cho nhà tham vấn. Những chuyện này có thể làm cho những nhà tham vấn không thoải mái. Nếu thân chủ phát hiện ra rằng nhà tham vấn của họ cảm thấy sợ hãi hay bối rối bởi những câu chuyện của họ. Họ sẽ miễn cưỡng không muốn chia sẻ chút nào nữa; tồi tệ hơn là họ cảm thấy có lỗi vì đã gây ra sự không thoải mái cho nhà tham vấn, hoặc họ đã là “điều gì đó sai” khi chia sẻ. Họ thậm chí cảm thấy họ cần phải “bảo vệ” nhà tham vấn bằng cách giấu đi hoặc giảm thiểu các chi tiết nhất định. Trong trường hợp đó trọng tâm được chuyển từ thân chủ sang nhà tham vấn.

Trẻ em cần sự hỗ trợ và tính khách quan. Trẻ cần cảm thấy rằng các em có thể chia sẻ mọi chuyện với nhà tham vấn mà không thể chia sẻ với ai khác mà không bị phán xét. Ví dụ, nếu một trẻ kể với bố mẹ, anh trai, chị gái, hoặc bạn bè của em rằng em vừa thử dùng ma tuý lần đầu tiên. Bố mẹ có thể (một cách dễ hiểu) đáp lại bằng cách quát vào mặt em vì họ lo lắng cho em và sợ rằng em sẽ làm hại chính bản thân mình. Một nhà tham vấn chuyên nghiệp sẽ không bỏ qua hành vi đó nhưng sẽ không phán xét em. Nhà tham vấn sẽ giúp trẻ tìm hiểu tại sao em đã hành động như vậy. Sau đó em suy nghĩ và cảm thấy gì. Giờ đây em suy nghĩ và cảm thấy gì. Có thể làm gì để thay đổi các cảm giác đó để em sẽ không cần sử dụng thuốc nữa. Có cảm giác phán xét hay sợ hãi bởi những điều trẻ kể, nhà tham vấn sẽ không giúp đỡ được trẻ; thể hiện sự sửng sốt hoặc ngay lập tức chuyển đề tài,thân chủ sẽ cho rằng vấn đề của thân chủ là quá sức đối với nhà tham vấn.

Khả năng sử dụng các nguồn lực một cách sáng tạo nhằm giúp đỡ thân chủ xây dựng các giải pháp sáng kiến để đáp ứng các nhu cầu của họ

Nhà tham vấn phải có khả năng giúp thân chủ sử dụng các nguồn lực có thể hỗ trợ thân chủ để cải thiện tình huống của họ. Nhưng luôn nhớ rằng: nhà tham vấn không phải là cán bộ xã hội!

Nhà tham vấn đặc biệt quan tâm trong việc hỗ trợ các vấn đề tâm lý của thân chủ hơn là các khía cạnh tình huống của vấn đề họ đang gặp phải. Nhiều nhà tham vấn ở Việt nam chỉ tập trung vào việc cải thiện tình hình tài chính của thân chủ – họ không xem xét đến việc thân chủ của họ suy nghĩ và cảm giác như thế nào về một số điều cụ thể. Nhưng đây lại là một vấn đề tuyệt đối quan trọng. Ngày nay nhiều kẻ tội phạm, kẻ mại dâm, và người sử dụng ma tuý đã từng có những trải nghiệm đau đớn khi còn trẻ thơ mà họ không thể chia sẻ cùng ai. Sự hiện diện của MỘT người hỗ trợ trong cuộc sống thời trẻ thơ có thể đã làm mọi chuyện khác đi.

Khả năng đánh giá sâu sắc các nhu cầu của thân chủ và đặt thứ tự ưu tiên cho các bước giải quyết vấn đề.

Nhà tham vấn phải có khả năng nhận ra những nhu cầu nào của thân chủ là rất cần thiết. Phần sau của khoá tập huấn này, chúng ta sẽ học cách đặt thứ tự ưu tiên cho các nhu cầu của thân chủ, và cho mỗi giai đoạn của quá trình giải quyết vấn đề.

Khả năng xác định thế mạnh của thân chủ

Trong bất cứ mối quan hệ tham vấn nào, việc xác định và đề cao thế mạnh của thân chủ là những việc rất quan trọng. Thân chủ có thể được khuyến khích để sử dụng những thế mạnh và khả năng của riêng họ để chịu đựng hoặc vượt qua những khó khăn, khủng hoảng, và thách thức. Khi tình huống của thân chủ quá tối tăm hoặc họ cảm thấy quá chán nản, thất vọng, thì mọi chuyện trong cuộc sống của họ cũng trở nên tiêu cực. Điều này thường khiến thân chủ bỏ qua hoặc bỏ lỡ những mặt tích cực trong cuộc sống, tính cách của họ. Trong những tình huống đó, nhà tham vấn có thể lái thân chủ tập trung vào những điều tốt hoặc những cá tính tốt để thân chủ có cái nhìn thực tế hơn về hoàn cảnh của họ.

CÁC THÁI ĐỘ THAM VẤN

Quan tâm đến người khác và sẵn lòng giúp đỡ

Điểm này khá rõ ràng, nhưng việc nhà tham vấn quan tâm đến người khác, đặc biệt là những người đang bị tổn thương hoặc yếu ớt là vô cùng quan trọng. Nếu không thực sự quan tâm đến lợi ích của thân chủ, nhà tham vấn sẽ rất khó thông cảm với họ và giúp đỡ họ đạt được những mục tiêu đặt ra và sống có ích hơn.

Tôn trọng

Tôn trọng nghĩa là"cảm thấy hoặc thể hiện sự coi trọng hoặc sự quý mến; xem xét hoặc đối xử một cách khác biệt hoặc kính trọng " (Từ điển New Collegiate của Webster, 1981). Về phương diện lịch sử, tôn trọng đã được cá nhà khoa học xã hội và khoa học tâm lý xem như là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người (Long, 1996). Chỉ khi nào thân chủ cảm thấy được tôn trọng họ sẽ cởi mở với nhà tham vấn, nói một cách tự nhiên và thoải mái về những ý nghĩ và cảm giác riêng tư của họ.

• Tôn trọng là cho mọi người quyền là chính bản thân họ và có các quan điểm, ý nghĩ và những cảm giác riêng của riêng họ. Điều này nói lên rằng nhà tham vấn nên tránh thúc ép thân chủ ra quyết định khi họ chưa sẵn sàng. Thân chủ sẽ không tin tưởng một người mà họ cảm thấy người này đang phán xét hoặc thúc ép họ.

• Tôn trọng thân chủ cũng có nghĩa là không bao giờ tạo ra một cách cố ý các tình huống làm thân chủ phải phụ thuộc vào nhà tham vấn. Tôn trọng thân chủ cũng có nghĩa là để thân chủ có trách nhiệm với thay đổi mà nhà tham vấn hướng dẫn họ trong quá trình tìm kiếm mục tiêu họ đặt ra. Tôn trọng thân chủ đồng nghĩa với việc tin tưởng vào khả năng thay đổi và cải thiện cuộc sống bằng chính những khả năng vốn có của thân chủ.

• Nhà tham vấn có thể thể hiện sự tôn trọng với thân chủ bằng cách lắng nghe và thông cảm với họ.

Cởi mở

Để tạo ra một bầu không khí tin tưởng, nhà tham vấn phải thể hiện thái độ cởi mở và thân thiện với thân chủ, không kể đến độ tuổi, giới tính và trình độ giáo dục của họ... Thái độ cởi mở có thể thể hiện bằng lời hoặc không bằng lời nói. Cởi mở có thể được thể hiên bằng việc mỉm cười và động chạm phù hợp, nói giọng bình tĩnh và thẳng thắn (nhưng không xoa dịu hay trịch thượng)

Chấp nhận

Hầu hết thân chủ của anh/ chị sẽ khác anh/ chị - cả về độ tuổi, giới tính, địa vị, tình hình kinh tế, tôn giáo hay trình độ giáo dục. Với tư cách là một nhà tham vấn, nhiệm vụ của anh/ chị là chấp nhận thân chủ như chính bản thân họ chứ không phải là anh/chị nghĩ họ nên là thế nào. Điều này có nghĩa là anh/ chị chấp nhận quyết định, niềm tin, và những lo lắng của họ cho dù anh/ chị có đồng ý với họ hay không. Hãy luôn nhớ rằng anh/ chị có thể không tán thành cách cư xử hay hành động của một người nào đó nhưng anh/ chị vẫn chấp nhận họ như một con người; "Không nên phán xét cũng như bỏ qua các hành vi của thân chủ " (Long, 1996).

Một phản ví dụ về sự chấp nhận là xu hướng tiêu cực đối với những trẻ bị gọi là "trẻ hư". Điều này không chỉ làm tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ mà còn có thể trở thành một "lời báo trước về ý nguyện". Việc anh/ chị tách bạch hành vi khỏi con người là vô cùng quan trọng, nó chuyển tải tới thân chủ một nội dung rằng: “Hành vi của cháu là không thể chấp nhận, nhưng tôi vẫn tôn trọng và chấp nhận bản thân cháu”

Chấp nhận cũng có nghĩa là sẵn sàng đánh giá cao thân chủ mà không kể đến những gì xấu xa, tồi tệ đã xảy ra với họ trong quá khứ, hoặc những cá tính làm anh/ chị cảm thấy không vừa lòng (chẳng hạn, nếu trẻ là một kẻ phạm tội, trẻ sử dụng thuốc phiện hoặc trẻ bán dâm). Nếu anh/ chị phải đối mặt với một trường hợp mà anh/ chị khó chấp nhận thân chủ hoặc cảm thấy không thể giúp gì được, thì anh/ chị nên giới thiệu thân chủ đến với nhà tham vấn khác (trên thực tế đó là một trách nhiệm mang tính nguyên lý/đạo đức nghề nghiệp của nhà tham vấn).

Quan tâm đến nhu cầu của thân chủ

Tham vấn đòi hỏi một mức độ của lòng vị tha; đặt những nhu cầu của anh/ chị sang một bên và chỉ tập trung vào nhu cầu của thân chủ. Việc này đòi hỏi anh/ chị phải thực sự chân thành với việc đeo đuổi những mối quan tâm của thân chủ và ủng hộ những cố gắng để thay đổi của họ. Điều này sẽ rất khó nếu anh/ chị không tôn trọng, tin tưởng thân chủ hoặc anh chị bất đồng với các hành vi của họ.

Ví dụ: giả sử anh/ chị đang tham vấn cho một trẻ 13 tuổi, được giới thiệu đến chỗ anh/chị vì cô bé quan hệ tình dục không đứng đắn và có những hành vi có nguy cơ. Cô bé tỏ ra rắn rỏi và không cần bất cứ một sự giúp đỡ nào. Lúc đầu cô bé không tôn trọng anh/ chị và tuyên bố một cách khiếm nhã rằng "anh/ chị sẽ không bao giờ hiểu cô bé ". Anh/ chị thường thấy không thích những trẻ như thế này. Nhưng việc "thích" hay "không thích" cô bé độc lập với việc cô bé đang cần sự giúp đỡ của anh/ chị. Với tư cách là nhà tham vấn của cô bé, anh/ chị phải đặt các cảm giác của anh/ chị sang một bên (điều này có thể là một thách thức lớn) và cố gắng xây dựng lòng tin với cô bé. Đó là bước đầu tiên để giúp đỡ cô bé thoát khỏi nguy hiểm. Khi anh/ chị đã xây dựng được lòng tin với cô bé và anh/chị thể hiện sự chấp nhận của mình không kể đến hành vi của cô bé thì cô bé sẽ có ý thức hơn trong việc xem xét hoặc chấp nhận một cách nhìn mới .

Nhà tham vấn thường không nhận được những sự ghi nhận hoặc đánh giá cao cho những nỗ lực của họ. Nhà tham vấn sẽ hài lòng khi điều đó xảy ra, nhưng nếu chúng không xảy ra, nhà tham vấn vẫn phải sẵn lòng theo đuổi các nhu cầu của thân chủ.

Sự chân thành

Một nhà tham vấn chân thành là người đáng tin cậy, chân chính và thành thật với thân chủ. Nếu nhà tham vấn đối xử giả dối hoặc không thành thật với thân chủ, họ sẽ không cởi mở và tiết lộ với nhà tham vấn những ý nghĩ, cảm giác thật và những hy vọng về tương lại của họ. Sự thành thật ở đây nghĩa là mọi hành vi của chúng ta không được che đậy bởi một thứ vỏ bọc nào; giao tiếp cởi mở với thân chủ mà không che dấu bởi một sự nguỵ biện về vai trò của mình (Long, 1996). Thân chủ hầu hết là thường rất nhạy cảm khi nhà tham vấn "chỉ đơn thuần làm công việc của họ", khi nhà tham vấn không chân thành hoặc không hứng thú và không quan tâm tới họ, hoặc khi nhà tham vấn đang “giả vờ” lắng nghe.

Thông cảm

Thông cảm là một trong những nguyên tắc giao tiếp quan trọng nhất trong tham vấn. Thông cảm được định nghĩa như là việc nhận ra và hiểu thấu quan điểm và các cảm giác của người khác. Hãy nhớ rằng anh/ chị chỉ hiểu người khác không có nghĩa là anh/ chị đồng ý với họ. Thông cảm có nghĩa là tôn trọng quan điểm của thân chủ mà không bị lôi cuốn cảm xúc vào quan điểm đó. Cần phải nhấn mạnh rằng thông cảm ở đây KHÔNG đồng nghĩa với đồng cảm! Đồng cảm được định nghĩa như là sự đồng tình với cách suy nghĩ và cách cảm nhận của người khác. Trong tham vấn, việc nhà tham vấn cảm nhận giống thân chủ là không phù hợp. Nếu nhà tham vấn bị lôi cuốn cảm xúc vào những khó khăn của thân chủ, đánh giá của nhà tham vấn sẽ bị ảnh hưởng và công việc của họ sẽ kém hiệu quả hơn.

Để bắt đầu quá trình tham vấn, trước tiên nhà tham vấn phải hiểu thấu thân chủ họ đang giúp đỡ. Hãy xem ví dụ sau:

Giả sử rằng anh/ chị đang có vấn đề về mắt và quyết định đến một bác sĩ về mắt để khám. Sau khi nghe anh/ chị kể vắn tắt về tình hình, bác sĩ liền tháo kính của ông ra và đưa cho anh/ chị. "Đeo cặp kính này vào," bác sĩ nói. "Tôi đã đeo cặp kính này mười năm rồi, nó thực sự giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi có một cặp khác ở nhà; anh/ chị có thể dùng cặp kính này." Anh/ chị đeo kính vào nhưng chỉ thấy mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. "Thật là tệ" anh/ chị kêu lên. "Tôi chẳng nhìn thấy gì cả!", "ồ, có gì không ổn vậy?" bác sĩ hỏi. "Cặp kính đó đã rất tốt đối với tôi. Cố lên nào." "Tôi đang cố," anh/ chị khẳng định. "Mọi thứ đều mờ ảo." "ồ có vấn đề gì với anh/ chị vậy?. Hãy nghĩ một cách tích cực lên xem nào." "Vâng tôi tuyệt đối không thể nhìn thấy gì ." "Anh/ chị có thấy mình vô ơn không?, "Sau tất cả những gì tôi đã làm để giúp đỡ anh/ chị !"" bác sĩ trách móc. Còn anh/ chị liệu có khi nào anh/ chị quay lại với vị bác sĩ đó nữa không?. Tôi có thể hình dung như thế là không tốt. (Trích từ Bảy thói quen của những người thành đạt của Stephen Covey, trang 236).

Thông cảm nghĩa là anh/ chị nhìn sự việc trên quan điểm của người khác; nó không có nghĩa là anh/ chị trông đợi mọi người nhìn sự việc qua con mắt của anh/ chị. Thông cảm theo nghĩa đen là hiểu trải nghiệm của người khác – bao gồm cảm giác ý nghĩ và hành vi của người đó.

Ghi nhớ:

1. Hãy cho người khác có những quyền mà anh/ chị có theo quan điểm của riêng anh/ chị. Hãy chuyển tới thân chủ bức thông điệp rằng:"Việc anh/ chị nghĩ khác tôi là không sao cả." Việc này quả là khó đặc biệt khi anh/ chị bất đồng quan điểm với người khác, nhưng anh/ chị hãy nhớ rằng trong tham vấn việc anh/ chị thể hiện có cùng quan điểm với thân chủ là không quan trọng.
2. Không nên để thân chủ bị cuốn vào thế giới quan của anh/ chị. Thay vào đó nhà tham vấn phải hoà nhập với cách nhìn nhận của thân chủ để giúp họ đi theo hướng phù hợp nhất với tính cách và tình huống của họ.

Thông cảm sẽ giúp anh/ chị thay đổi, thuyết phục và tạo động cơ cho thân chủ. Thông cảm cũng giúp anh/ chị tăng cường khả năng khoan dung, kiên nhẫn và yêu thương.

Phản hồi thể hiện sự thông cảm nghĩa là thể hiện với thân chủ rằng anh/chị đã lắng nghe những quan điểm của họ. Nó đồng nghĩa với việc phản hồi lại những từ ngữ/cảm xúc của thân chủ.

Hãy luôn nhớ rằng việc thể hiện sự thông cảm với tất cả các thân chủ không kể đến việc họ xử sự như thế nào là rất quan trọng. (Minh hoạ trường hợp của Dung). Đôi khi, trẻ xử sự một cách hiếu chiến hoặc với một sự giận dữ nhằm khoả lấp những cảm giác đau đớn sâu thẳm trong các em. Các em quen với việc được đối xử theo kiểu tương ứng . Nếu nhà tham vấn thay đổi cách phản hồi lại hành vi của các em thì các em cũng sẽ thay đổi cách xử sự của mình. “Hôm nay, cháu có vẻ giận dữ và không muốn nói chuyện. Vậy cũng được và cô sẽ ở đây nếu cháu cần ai đó để chia sẻ ”


Tổng kết:

• Lòng tin là nền tảng của mọi mối quan hệ lành mạnh, và là yếu tố đặc biệt quan trọng trong tham vấn có hiệu quả.

• Một số thái độ chủ yếu trong nghề tham vấn, bao gồm tôn trọng, cởi mở, chấp nhận, quan tâm đến nhu cầu của thân chủ, và thành thật. Đặc biệt quan trọng là thái độ thông cảm, thái độ này giúp anh/chị nhìn nhận tình huống từ góc độ của thân chủ chứ không phải của anh/chị. Thái độ này khác với thái độ đồng cảm - thái độ thể hiện sự đáng tiếc cho thân chủ. Thân chủ không cần sự thương hại của anh/chị; họ cần sự cảm thông và hỗ trợ của anh/chị.

• Các kỹ năng tham vấn quan trọng gồm khả năng giao tiếp rõ ràng và cởi mở với thân chủ, khả năng nhận ra và đề cao thế mạnh của thân chủ, đặc biệt hướng dẫn thân chủ sử dụng các thế mạnh đó để giúp họ vượt qua những khó khăn họ đang phải đối mặt.


Phỏng theo P.K. Odhner. (1998). Introduction to Social Work Practice, Volume I, Module II, and V. Long. (1998). Communication Skills in Helping Relationships, pp. 76-81.

Không có nhận xét nào: