8 tháng 5, 2008
Tham vấn là gì?
Tham vấn là gì?
Tham vấn là một mối quan hệ, một quá trình nhằm giúp giúp đỡ thân chủ cải thiện cuộc sống của họ bằng cách khai thác, nắm bắt, và thấu hiểu những ý nghĩ, cảm giác, và hành vi của họ.
Quan hệ tham vấn cá nhân (đối lập với tham vấn nhóm hoặc tham vấn gia đình) gồm hai người, nhà tham vấn và “thân chủ” . Họ gặp nhau một tuần một lần (hoặc nhiều hơn tuỳ thuộc vào mức độ của vấn đề mà thân chủ đang gặp phải) trong một khoảng thời gian cố định, thường là 50 phút đến một tiếng cho “một cuộc gặp gỡ”.
Ban đầu khi thân chủ gặp gỡ nhà tham vấn, nhà tham vấn nên chỉ dẫn cho thân chủ hiểu về mục đích và các mục tiêu của tham vấn, giải thích các cuộc tham vấn diễn ra như thế nào. Bởi vì tham vấn còn tương đối mới ở Việt nam, những người đang tìm kiếm các dịch vụ tham vấn có thể còn chưa hiểu nhà tham vấn làm gì. Họ sẽ trông đợi ở nhà tham vấn những lời khuyên hoặc “các giải pháp” cho vấn đề của họ. Họ có thể ngạc nhiên khi biết rằng công việc của nhà tham vấn là lắng nghe và hỗ trợ họ trong việc tìm ra các cách mới để nhận thức và giải quyết vấn đề của họ. Và bởi vì tham vấn là một mối quan hệ bình đẳng, nhà tham vấn nên làm tất cả những gì có thể để giúp thân chủ cảm thấy được chủ động tham dự vào quá trình giải quyết các vấn đề, cảnh huống của họ. Nếu thân chủ không nhận thức đầy đủ vai trò của nhà tham vấn trong quan hệ đó, thân chủ sẽ ở vào thế rất bất lợi.
Một nhà tham vấn gặp thân chủ lần đầu tiên có thể mở đầu cuộc gặp gỡ với câu tương tự như sau:
Trong vài tuần tới, Cô/chú sẽ là nhà tham vấn của cháu. Nghĩa là cô/chú sẽ lắng nghe khi cháukể cho cô/chú về những vấn đề và nhzững lo lắng của cháu. Chúng ta có thể cùng nhau tìm hiểu xem làm thế nào để cháu có thểtự giải quyết tốt hơn những vấn đề của mình. Cháu có thể đặt ra các mục tiêu cho bản thân nhằm cải thiện tình huống của cháu, và cô/chú cháu mình có thể làm việc để giúp cháu đạt được những mục tiêu này. Bất cứ lúc nào cháu thấy không thoải mái hoặc cảm thấy tham vấn không giúp gì được cháu, cháu có thể lựa chọn tiếp tục hay dừng quá trình tham vấn. Khi chúng ta làm việc với nhau, cháu có thể chia sẻ những thông tin cá nhân với cô/chú. Mọi điều cháu chia sẻ với cô/chú trong quá trình tham vấn sẽ được giữ kín giữa chúng ta; cô/chú sẽ không nói với bất kỳ ai những gì cháu đã chia sẻ. Có duy nhất một ngoại lệ là trong trường hợp cháu nói với cô/chú rằng cháu đang bị lạm dụng hoặc cháu sẽ huỷ hoại mình hay người khác, thì trách nhiệm nghề nghiệp của cô/chú là làm bất cứ điều gì để ngăn chặn cháu hoặc người khác khỏi ý đồ đó, cho dù điều đó nghĩa là phải thông báo với người có thể giúp đỡ (ví dụ: các nhà chức trách). Sau vài cuộc gặp gỡ tham vấn, nếu cả hai chúng ta đều cảm thấy rằng cháu đã có những tiến triển dáng kể so với các mục tiêu đặt ra, chúng ta sẽ chia tay. Hy vọng rằng qua thời gian tinh thần của cháu sẽ tốt hơn và cháu sẽ tạo nên những thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình. Cháu có thắc mắc gì không?”
Nhà tham vấn:
• Lắng nghe thân chủ, để thân chủ làm chủ quá trình nói chuyện trong các cuộc gặp gỡ tham vấn.
• Sử dụng các kỹ năng giao tiếp cụ thể để “khai thác” các cảm giác, trải nghiệm, ý nghĩ và quan điểm của thân chủ, và tập hợp các thông tin giúp thân chủ hiểu rõ về cảnh huống của họ.
• Thể hiện sự thông cảm và thấu hiểu với thân chủ, làm việc với họ để xác định các bước họ có thể thực hiện để sống một cuộc sống lành mạnh hơn, có ích hơn. (CHÚ Ý: Nhà tham vấn làm việc với mà không phải là cho thân chủ trong mối quan hệ hỗ trợ. Cả hai bên cùng chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các mục tiêu của tham vấn).
• Giúp thân chủ hiểu được các sự kiện trong quá khứ có thể đã góp phần vào các vấn đề hiện tại, giúp thân chủ suy nghĩ và xử sự theo cách khác nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của các sự kiện trong quá khứ.
• Giúp thân chủ “ phân loại” các vấn đề trong cuộc sống của họ và hiểu sâu hơn về bản thân mình.
• Giúp thân chủ bày tỏ các cảm giác của họ và nhìn thấu được các cảm giác này tác động đến cách họ suy nghĩ, xử sự, và ra các quyết định như thế nào (tham khảo Môđun III, Bài I-III về mối quan hệ giữa ý nghĩ, cảm giác và hành vi) . Chẳng hạn, nhiều trẻ có vấn đề về hành vi, thường dùng các hành vi tiêu cực như là một cách để đối mặt với các cảm giác giận dữ bị kìm nén; nhà tham vấn có thể giúp những trẻ này sử dụng các cách khác, ít tiêu cực hơn để giải toả các cảm giác đó.
Các khía cạnh khác nhau của mối quan hệ tham vấn gồm:
• Giúp thân chủ xác định vấn đề/các vấn đề của họ và đặt sự ưu tiên cho các hoạt động can thiệp. Hay nói cách khác, nhà tham vấn giúp thân chủ hiểu được “ Vấn đề là gì?” “ Vấn đề nằm ở đâu?” “Tôi có thể thực hiện những bước nào để giải quyết hoặc đấu tranh với vấn đề đó?” .
• Giúp thân chủ hiểu rõ căn nguyên của vấn đề họ đang gặp phải và giúp họ xác định các cách để cải thiện tình huống của họ. Ví dụ, nhà tham vấn đang tham vấn với một cậu bé 15 tuổi nghiện ma tuý. Thường là, người lớn có xu hướng mắng mỏ cậu bé theo cách của cha mẹ, ví như, họ nói rằng cậu bé rất “xấu xa” vì đã nghiện ngập và yêu cầu cậu “bỏ” ngay lập tức. Cách đó sẽ không giúp ích gì cho cậu bé cả. Cậu bé không muốn nghe một người lớn không hề thực sự quan tâm đến cậu và cũng không hề cố gắng để hiểu những ý nghĩ và cảm giác của cậu. Trái lại, nhà tham vấn, sẽ cố gắng hiểu cậu bé, quan tâm đến những yếu tố trong cuộc sống của cậu đã đưa cậu đến việc nghiện hút (ví dụ, có phải cậu bé sử dụng thuốc như một giải pháp tinh thần thoát khỏi cuộc sống bị lạm dụng ở nhà không?, Có phải cậu bé đang chán nản không? Cậu bé có giao du với những người đang lôi kéo cậu vào sự nghiện ngập không?). Nhà tham vấn nên gặp gỡ nói chuyện vài lần để giúp cậu hiểu được “gốc rễ” của việc cậu nghiện ngập, và thay vì phản đối cậu bé, cho cậu là “xấu xa”, nhà tham vấn nên trở thành “đồng minh” của cậu bé, làm việc với cậu bé để tìm ra cách có thể giúp cậu cai nghiện và tìm ra những cách lành mạnh hơn để giải quyết vấn đề cậu đang gặp phải trước khi chúng vượt ra ngoài sự kiểm soát.
Giúp thân chủ nhận ra các ý nghĩ và cảm giác của họ đóng góp hoặc liên quan đến vấn đề của họ như thế nào, từ đó nhận thức thế giới theo cách thực tế và tích cực hơn (tham khảo Môđun III, Bài I-III để có thêm thông tin)
Hỗ trợ thân chủ trong quá trình ra quyết định bằng cách giúp họ xác định các lựa chọn và cân nhắc “mặt trái” và ”mặt phải” của từng lựa chọn (tham khảo Môđun II, Bài III để có thêm thông tin). Thân chủ thường đến với nhà tham vấn để tìm sự giúp đỡ khi phải đưa ra các quyết định khó khăn. Chẳng hạn, người vị thành niên có thai có thể cần sự giúp đỡ để ra quyết định giữ lại hay phá thai đi, hoặc bà mẹ rất nghèo có thể cần giúp đỡ để quyết định có cho con mình ra phố lang thang kiếm thêm tiền không?. Hơn nữa, nhà tham vấn không chỉ đơn thuần đưa ra một “câu trả lời” hay “một giải pháp” cho thân chủ. Nhà tham vấn hướng dẫn thân chủ các kỹ năng giải quyết vấn đề, giúp họ có thể sử dụng các kỹ năng đó để đưa ra các quyết định cho bản thân họ. Những kỹ năng này sẽ giúp thân chủ đối mặt với mọi vấn đề họ gặp phải trong cuộc sống (xem lời trích dẫn ở phần mở đầu của phần Nội dung tham khảo).
Khuyến khích thân chủ đưa ra những lựa chọn và các thay đổi tốt nhất cho chính cuộc sống của họ. Việc nhận thức rằng nhà tham vấn không bao giờ ra quyết định thay cho thân chủ là tuyệt đối quan trọng. Nhà tham vấn giúp thân chủ làm chủ cuộc sống của chính họ, và tránh áp đặt các quan điểm cho thân chủ, trừ khi có mối đe doạ nào đó sắp xảy ra và nhà tham vấn cần phải ngăn ngừa. Những lựa chọn tốt nhất với người này có thể không hoàn toàn phù hợp với những người khác. Tham vấn là một quá trình tăng cường năng lực, giúp thân chủ học cách tin vào chính bản thân mình và đưa ra các lựa chọn lành mạnh mang lại lợi ích tốt nhất cho họ. Đó không phải là một quá trình trong đó người này nói người kia nên định hướng cho cuộc sống của mình như thế nào.
Nhấn mạnh những đặc điểm tích cực của thân chủ và giúp họ sử dụng những thế mạnh này để vượt qua những trở ngại và thách thức. Chẳng hạn, một nhà tham vấn tham vấn với một trẻ đường phố, trẻ này đang có vấn đề về việc tiết kiệm tiền vì em cảm thấy thương những trẻ đường phố nhỏ tuổi hơn, em đã cho các bạn số tiền em kiếm được. Kết quả là em thường xuyên bị đói và suy dinh dưỡng. Nhà tham vấn nên khen ngợi lòng tốt và sự hào hiệp của em (nhấn mạnh điểm tích cực của em), nhưng cũng nên chỉ ra cho em thấy rằng em cũng cần tiền để nuôi sống bản thân cho khoẻ mạnh. Sau đó, nhà tham vấn và thân chủ có thể nêu ra các cách mà em có thể thể hiện lòng tốt và thiện ý của mình với người khác mà không nguy hại đến bản thân, (ví như, nói chuyện hoặc chơi với những trẻ đó thay vì cho các em tiền).
Tham vấn không đưa ra lời khuyên, đề nghị, hoặc các quan điểm riêng
Nói với một ai đó những điều anh/chị nghĩ họ nên làm để “giải quyết” một vấn đề là đưa ra lời khuyên, không phải là tham vấn. Nhà tham vấn sẽ xây dựng một mối quan hệ (khác với quan hệ bạn bè) với thân chủ và làm việc với họ để xác định những nguyên nhân sâu xa của vấn đề/ các vấn đề thân chủ đang gặp phải. Tham vấn là lắng nghe chăm chú câu chuyện của thân chủ và cùng với thân chủ xác định các kế hoạch để giải quyết tình huống khó khăn hiện tại hay xoa dịu những nỗi đau tinh thần của thân chủ. Tham vấn tập trung vào các khía cạnh tâm lý của vấn đề và giúp thân chủ tự tìm ra các khả năng lựa chọn cho bản thân họ. Có đôi khi mọi người “bị tắc” và không thể nhận ra những khả năng tiềm ẩn, và nhà tham vấn có thể thể hiện cách nhìn nhận hoặc quan điểm riêng của mình, nhưng không được “ép buộc” hoặc cố thuyết phục thân chủ chấp nhận những quan điểm này.
Tham vấn có thể diễn ra ở mọi nơi từ vài tuần tới vài tháng
Bởi vì những vấn đề của mỗi người hình thành và phát triển trong một khoảng thời gian, do đó cũng cần có thời gian để giải quyết chúng. Những vấn đề phức tạp không thể giải quyết tận gốc qua một cuộc giao tiếp trong vòng năm phút với nhà cố vấn. Tham vấn kéo theo rất nhiều thứ mà không chỉ đơn thuần là giúp thân chủ giải quyết được từng vấn đề nhỏ một. Ví dụ, cho một trẻ đường phố một ít tiền để trẻ đó có thể sống qua bữa trưa trong ngày hôm đó là một việc làm từ thiện, không phải là tham vấn. Lắng nghe trẻ và qua quá trình tham vấn, cho trẻ thấy được rằng anh/chị quan tâm đến phúc lợi và quan tâm đến tâm tư, suy nghĩ của trẻ có thể là một món quà lớn lao hơn cả việc làm từ thiện đó.
Nếu một trẻ đường phố anh/chị đang tham vấn có sử dụng thuốc phiện, việc chỉ đơn thuần nói với em rằng em không nên sử dụng thuốc phiện nữa (giống như bất cứ người nào đó đều có thể nói) không phải là tham vấn và sẽ chẳng giúp ích được cho trẻ lâu dài. Tham vấn trong trường hợp đó cần xây dựng một mối quan hệ với cậu bé và gặp gỡ cậu thường xuyên cho đến khi thiết lập được một mối quan hệ tin cậy. Nó cũng liên quan đến việc tìm hiểu về cậu bé, đồng thời lắng nghe, cố gắng tìm hiểu các yếu tố khác nhau có thể đã góp phần dẫn đến sự nghiện ngập của cậu bé. Có phải cậu bé dùng thuốc phiện để che đậy sự đau đớn? để phản đối lại bố mẹ? bởi vì cậu đau khổ? Những hoạt động nào có thể giúp cậu bé chọn các cách khác để giải quyết các vấn đề và những cảm giác? Nếu cậu bé bị bạn bè lôi kéo thì làm thế nào để hướng em quan tâm đến những hoạt động khác tích cực hơn và tăng cường lòng tự trọng của em?
Tham vấn không giống như một cuộc trò chuyện hoặc một quan hệ bằng hữu
Nhà tham vấn phải luôn luôn tôn trọng các ranh giới chuyên môn giữa thân chủ và nhà tham vấn (CHÚ Ý: chủ đề này được trình bày kỹ hơn trong Môđun IV, Bài I Các nguyên tắc trong tham vấn). Ví dụ, giống như những người chuyên nghiệp hỗ trợ khác (bác sĩ, luật sư), nhà tham vấn không xây dựng “quan hệ bằng hữu” với thân chủ của mình. Vì sao vậy? Lý do thứ nhất là mọi người dường như khó có thể khách quan với những người bạn của mình. Nếu không có tính khách quan chuyên nghiệp, nhà tham vấn không thể trở thành những người giúp đỡ có hiệu quả. Một lý do quan trọng khác là quan hệ bằng hữu luôn mang tính tương hỗ; mọi người dựa vào những người bạn của mình khi gặp khó khăn và ngược lại. Chúng ta chọn những người bạn cho mình vì chúng ta quý mến họ và/hoặc chúng ta tìm thấy sự vui vẻ trong những quan hệ đó. Khi nói chuyện hoặc tham gia vào các cuộc đàm luận với bạn bè, một người có thể “độc chiếm”cuộc đàm thoại với những chuyện vặt vãnh về họ hoặc có thể chuyển sang một đề tài khác không mấy thú vị, và chuyển sang một người nào đó. Ngược lại, các nhà tham vấn đặt các nhu cầu của mình sang một bên và chỉ tập trung vào (các) thân chủ. Việc các nhà tham vấn giữ được sự khách quan và không “trông đợi” gì từ phía thân chủ là rất cần thiết (giống như việc chúng ta có thể trông đợi từ những bạn bè của mình). Nhà tham vấn không bao giờ áp đặt những gì họ cho là tốt nhất cho thân chủ (giống như chúng ta thườnglàm đối với bạn bè hoặc người thân trong gia đình).
Tham vấn không phải là cố vấn
Ở Việt nam vẫn có những sự nhầm lẫn về định nghĩa tham vấn và thuật ngữ thích hợp nên sử dụng để định danh nghề tham vấn. Thuật ngữ "tư vấn"hay "cố vấn" được sử dụng rộng rãi với nghĩa tham vấn, hiểu theo nghĩa đen là " consultant " người cung cấp sự hỗ trợ cho thân chủ (giống như trong hợp đồng kinh tế ). Thuật ngữ "tham vấn" được sử dụng phổ biến hơn ở miền Nam, ngụ ý rằng yếu tố tâm lý giúp ích cho việc tăng cường khả năng cho thân chủ. Do đó thuật ngữ "tham vấn" tương đối phù hợp nhằm mô tả quá trình hỗ trợ của tham vấn vì nó biểu đạt chính xác hơn các kỹ năng, kiến thức và chuyên môn mà công việc đòi hỏi.
Nhà tham vấn thường bị hiểu nhầm như một người đưa ra những lời khuyên hoặc các gợi ý cho thân chủ để giải quyết các vấn đề của họ (giống như nhà cố vấn). Nhưng những cuộc giao tiếp giống kiểu cố vấn này hàm chứa một mối quan hệ “phụ thuộc” trong đó một “chuyên gia” "đầy hiểu biết" và "năng lực" sẽ cung cấp "cách giải quyết" vấn đề cho người kia, giống như một bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân.
Việc đưa ra lời khuyên chuyển tải tới thân chủ một bức thông điệp rằng: "Tôi hiểu vấn đề của anh chị và xử lý nó tốt hơn anh/ chị. Anh/ chị không thể tự giải quyết vấn đề của mình". Nói thân chủ “nên”làm gì không chỉ làm họ chán nản mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng khả năng tự giải quyết vấn đề của thân chủ.
Nhiều vấn đề thân chủ trình bày mang tính chất tâm lý, nghĩa là cách thân chủ suy nghĩ và cảm nhận về bản thân họ và cuộc sống của họ đã tạo nên những khó khăn cho họ. Vì lý do này nên trong quá trình giúp đỡ, các hoạt động công tác xã hội như kết nối mọi người với các nguồn lực hoặc giúp đỡ họ tìm việc làm phải được thực hiện kèm theo tham vấn trực tiếp, nhằm giải quyết các vấn đề về tâm lý tình cảm của thân chủ.
Bất cứ ai cũng có thể đưa ra lời khuyên – việc đó không đòi hỏi quá trình tập huấn đặc biệt cũng như tính chất chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tham vấn là một nghề nghiệp và là một quá trình giúp đỡ mọi người xác định và giải quyết các nguyên nhân “gốc rễ” của vấn đề họ đang gặp phải. Tham vấn được xây dựng dựa trên cơ sở kiến thức và các kỹ năng cụ thể. Khoá tập huấn này được thực hiện để giới thiệu một số kỹ năng cơ bản trong tham vấn nhằm giúp đỡ thân chủ tạo nên những thay đổi tích cực và lâu dài trong cuộc sống của họ.
Tham vấn và Công tác xã hội khác nhau ở những điểm gì?
Tham vấn và công tác xã hội đều là những nghề nghiệp nhằm giúp đỡ thân chủ cải thiện cuộc sống và cảnh huống của họ; chúng khá giống nhau ở chỗ chúng đều là những công việc trợ giúp. Phạm vi của công tác xã hội rộng hơn. Công tác xã hội đưa ra sự can thiệp ở các lĩnh vực khác nhau nhằm giúp đỡ các cá nhân, gia đình, và/hoặc cộngđồng. Chẳng hạn, các cán bộ xã hội giúp thân chủ tiếp cận các nguồn lực, ủng hộ các quyền của thân chủ ở cấp chính quyền, và làm việc để cải thiện tình hình kinh tế của trẻ em, gia đình, và cộng đồng.
Phạm vi của tham vấn cụ thể hơn phạm vi của công tác xã hội, chủ yếu tập trung vào các vấn đề tâm lý và tình cảm của các cá nhân, nhóm, và gia đình. Tham vấn là một phần của công tác xã hội, và là một công cụ chủ yếu giúp đỡ mọi người cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Nhà tham vấn thường sử dụng các hoạt động công tác xã hội để giúp đỡ thân chủ, ví dụ, hoạt động như một người kết nối hoặc giúp thân chủ tìm đến các nguồn lực có thể mang lại lợi ích cho họ trong cộng đồng. Chẳng hạn công việc của nhà tham vấn có thể bao gồm, giúp trẻ đường phố trở thành thành viên của các lớp học cơ sở, tìm câc mái ấm, hoặc giúp gia đình trẻ tiếp cận với những chương trình tín dụng để cải thiện tình hình tài chính của họ. Nói cách khác, nhà tham vấn tham gia vào các hoạt động công tác xã hội và ngược lại.
Một ví dụ khác, việc khuyến khích một trẻ là nạn nhân của sự loạn luân đã bỏ học quay trở lại trường nhằm tăng cường lòng tự trọng của em là sự hỗ trợ theo một nghĩa nào đó, nhưng để thực sự thành công trong việc giúp đỡ em thì sự can thiệp không thể chỉ dừng ở đó. Cô bé cần sự giúp đỡ để hiểu và giải quyết cốt lõi của vấn đề/khó khăn em đang gặp phải. Những trải nghiệm đau đớn vì bị lạm dụng đã ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần hiện tại của em như thế nào? Em nghĩ và cảm nhận về bản thân như thế nào? Em có cảm giác gì về những chuyện đã xảy ra với em? (chẳng hạn, em có tự trách mình không? Em có bị mặc cảm tội lỗi ám ảnh không?). Tham vấn với cô bé này đòi hỏi phải hình dung được sự lạm dụng đã tác động đến ý nghĩ và cảm giác của em như thế nào qua việc lắng nghe và sử dụng các kỹ năng giao tiếp. Có thể cần thiết phải giúp cô bé tìm ra một vài cách sắp xếp lại cuộc sống nếu em vẫn đang bị ngược đãi (một ví dụ về hoạt động công tác xã hội). Nếu tình huống đã thay đổi, (chẳng hạn, thủ phạm lúc này không còn sống trong nhà nữa), nhà tham vấn sẽ làm việc với gia đình cô bé, nếu có thể, để giúp họ thay đổi cách xử sự có nguy cơ dẫn đến vấn đề của cô bé trở nên nghiêm trọng (chẳng hạn, bác bỏ sự lạm dụng đã xảy ra trong gia đình, bếu xấu cô bé, không thừa nhận những tổn thương đã gây ra cho cô bé). Tham vấn sẽ giúp cô bé thay đổi cách nghĩ và cảm nhận về bản thân em (tăng cường lòng tự trọng và cải thiện trạng thái tâm lý của em)
Tham vấn có thể hỗ trợ như thế nào?
Nhiều người trong lúc cố gắng thoát khỏi sự đau khổ của mình đã gây ra những vấn đề xã hội. Những hành vi tiêu cực và các vấn đề xã hội thường bắt nguồn từ những nỗi đau không được giải toả, nghĩa là những nỗi đau mọi ngưòi không thể hoặc không sẵn lòng đối mặt với chúng mà phải chịu đựng chúng. Những người không giải toả được các nỗi đau thường có cảm giác muốn uống rượu, đánh đập vợ, con; đánh bạc, tự huỷ hoại bản thân bằng dao lam, thậm chí tự tử để giải thoát khỏi những cảm giác không thể chịu đựng được.
Tham vấn bao gồm việc hướng dẫn mọi người cách kiềm chế và giải toả những nỗi đau của họ, lắng nghe chúng để có được những thông tin về cuộc sống, thừa nhận, và mô tả thay vì trốn chạy chúng. Ví dụ, nhà tham vấn hướng dẫn mọi người cách viết về nỗi đau của họ, thảo luận về chúng, và diễn đạt chúng qua mỹ thuật, bài tập, khiêu vũ, hoặc âm nhạc. Trẻ em cần những cách có thể dự đoán để trấn tĩnh và kiềm chế các cảm giác lấn át như cảm giác giận dữ, thịnh nộ, đau buồn, thất vọng, và tội lỗi. Thiếu những kỹ năng đương đầu tich cực, trẻ em (và người lớn) thường chọn các cách tiêu cực hoặc mang tính huỷ diệt để giải tỏa nỗi đau của họ (ví dụ, uống rượu hoặc sử dụng ma tuý). Trẻ em, nhất là những trẻ cần hỗ trợ dặc biệt, có thể có lợi rất lớn từ việc gặp gỡ các nhà tham vấn, những người có thể hỗ trợ các em, hợp lý hoá những cảm giác của các em, và giúp các em thừa nhận và giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.
Sự tự do hóa nền kinh tế của Việt nam đã mang lại rất nhiều lợi ích cho đất nước, nhưng nó cũng tạo ra không ít các vấn đề xã hội (như, lạm dụng thuốc, tình trạng vô gia cư, và bạo lực) đặc biệt là ở những khu vực thành thị. Tình trạng này còn khá mới đối với Việt nam, do đó cũng đòi hỏi những sự can thiệp mới như tham vấn và công tác xã hội. Các nhà giúp đỡ chuyên nghiệp trong lĩnh vực này có thể giúp đỡ những người bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực bởi sự hện đại hoá đang ngày càng tăng và những ảnh hưởng của Phương Tây, đặc biệt là giúp đỡ những trẻ em dễ bị tác động, những đại diện cho tương lai của Việt nam.
Tham vấn là một nghề nghiệp đầy thách thức
Những người không nắm được các kỹ năng tham vấn và những yêu cầu của tập huấn tham vấn thường cho rằng đó là một nghề “dễ dàng”; xét cho cùng thì có việc gì dễ hơn là chỉ nghe người khác nói? Nhưng đây là một sự hiểu nhầm đáng tiếc; trên thực tế tham vấn là một nghề rất khó. Hàng ngày, nhà tham vấn phải đối mặt với những vấn đề rất phức tạp và đau đầu. Chẳng hạn, khi tham vấn với trẻ em, nhà tham vấn thường phải đối mặt với những tình huống như bị bỏ rơi, và/hoặc lạm dụng tình dục hoặc thân thể. Nhiều thân chủ không muốn gặp gỡ nhà tham vấn, hoặc có thể miến cưỡng khi phải thay đổi nhận thức, tình cảm, và những cách xử sự đã hình thành từ lâu trong cuộc sống của họ. Thân chủ thường bày tỏ các vấn đề thuộc về hành vi và cảm giác (thường là kết quả của những nỗi đau hay các vấn đề tâm lý khác).
Một nhà tham vấn cần hiểu rằng những vấn đề phức tạp trong cuộc sống của thân chủ không thể giải quyết được trong một khoảng thời gian ngắn. Quá trình tham vấn đòi hỏi sự kiên nhẫn và khả năng giải quyết các vấn đề trong sự kiểm soát của thân chủ. Chẳng hạn, không thể lấy sự đau khổ ra khỏi những trải nghiệm đau đớn, hoặc xoá đi những ký ức không vui từ ý thức của họ. Tuy nhiên vẫn có thể giúp thân chủ giải toả những cảm giác liên quan đến những sự kiện đó, đặt những sự kiện này vào bối cảnh và triển khai. Mặc dù việc “khoét sâu” vào những trải nghiệm đau đớn là không dễ dàng cho thân chủ nhưng cũng không nên khuyến khích họ “quên” chúng. Nhà tham vấn cố gắng giúp đỡ thân chủ “làm rõ” những điều sai trái trong cuộc sống của họ và tiếp cận cuộc sống với thái độ mới và tích cực hơn. Cho dù tham vấn không thể làm cho những vấn đề biến mất một cách kỳ diệu nhưng sức mạnh của sự lắng nghe và được lắng nghe là một phần quan trọng của quá trình chữa lành vết thương và có thể ngăn chặn thân chủ khỏi việc sử dụng những hành vi mang tính huỷ hoại như những biện pháp để đối diện với những cảm giác áp chế.
Mọi người thường muốn trốn tránh hoặc phớt lờ những vấn đề tâm lý. Ví dụ, người lớn thường nói với trẻ em rằng: “đừng băn khoăn” “những điều phiền muộn của cháu sẽ qua đi cùng với thời gian” “Đừng nghĩ về những chuyện buồn của cháu nữa”. Trái lại, nhà tham vấn thừa nhận rằng các cảm giác là những khía cạnh tự nhiên trong hành vi của con người. Những cảm giác đó nên được biểu đạt ra ngoài và giải toả. Những cảm giác không được giải toả sẽ bị” kìm nén” và những người chôn giấu các cảm giác cuối cùng sẽ thể hiện bản thân theo những cách tiêu cực.
Nhà tham vấn không nên hy vọng có thể giải quyết các vấn đề của mọi thân chủ mà họ làm tham vấn. Họ có thể giúp đỡ thân chủ rất nhiều bằng cách lắng nghe, ủng hộ, thông cảm, và hiểu thân chủ. Nhà tham vấn hướng dẫn các kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề để thân chủ có thể sử dụng trong cuộc sống của họ. Luôn luôn ghi nhớ rằng thay đổi nhằm cải thiện trạng thái tâm lý là trách nhiệm của thân chủ; nhà tham vấn hỗ trợ và hướng dẫn thân chủ trong quá trình tạo ra những thay đổi tích cực cho cuộc sống, nhưng sự lựa chọn cuối cùng nằm ở thân chủ.
Phỏng theo J. Mielke. (1999). Counselling and Support for People Living with and affected by HIV/AIDS. Hanoi, Vietnam: UNAIDS, p. 18, and V. Long. (1996). Communication Skills in Helping Relationships, pp. 7-26.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét