6 tháng 5, 2008
An sinh xã hội phương Tây
Thư Copenhagen
Người phương Tây tự vấn lương tâm
Bảng báo về chuyện nhà Fritzl trước Bệnh viện Mauer, nơi nạn nhân Elizabeth và các con được chữa trị tâm lý
TT - Những ngày này, châu Âu vẫn rúng động bởi vụ án "cha nhốt con gái dưới hầm làm nô lệ tình dục" suốt 24 năm tại Áo.
Sự nghiêm trọng lẫn bất thường của vụ việc khiến nhiều người dân tại đây phải đặt lại câu hỏi - mà họ vốn ghét nhất: điều gì đang xảy ra trong xã hội phương Tây?
Thiếu cô Marple (*)
Những chuyện bắt cóc, xâm hại, sát hại thanh thiếu niên... vốn chẳng hiếm hoi tại những nước Tây Âu có mức sống cao, như việc tên Marc Dutroux tại Bỉ bắt cóc và sát hại hàng chục thiếu nữ trong thập niên 1990, hay một số gia đình tại Pháp đổi con nhỏ cho nhau để xâm hại cơ thể vài năm trước đây. Tuy nhiên chuyện xảy ra tại thị trấn Amstetten, cách thủ đô Vienna 120km về phía đông bắc, như một giọt nước lớn làm tràn ly vì có quá nhiều câu hỏi khó có thể giải thích thỏa đáng.
Kỹ sư về hưu Josef Fritzl, 73 tuổi, cùng bà vợ 68 tuổi có chung bảy người con trưởng thành (người bị nhốt, Elizabeth, là con gái út), đầy đủ dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại. Căn nhà lớn của họ được ngăn làm nhiều phòng cho họ hàng thân thích lẫn người lạ thuê lại. Đã có 100 người từng thuê phòng tại đây, vì sao không ai - thân cũng như sơ - thắc mắc lý do khiến Josef thường xuyên xuống hầm trong 24 năm qua. Người trong nhà lẫn các cán bộ phòng xây dựng, lực lượng cứu hỏa... đều biết đến sự hiện hữu của căn hầm này nhưng dường như không ai quan tâm đến việc cửa xuống hầm nằm ở đâu, phòng khi có những sự cố như chập điện, xì hơi đốt...
Việc xây dựng một căn hầm kiên cố có vách cách âm và các tiện nghi như phòng tắm, nhà vệ sinh, nhà bếp chắc không thể chỉ trong vài ngày, nhất là khi Josef không tiện thuê mướn nhân công. Tại sao bà mẹ cùng các anh chị của nạn nhân dễ dàng chấp nhận sự biến mất của cô gái 18 tuổi? Cũng như việc ba đứa trẻ sơ sinh - con chung của Josef và Elizabeth, bị bỏ trước thềm nhà? Hoặc không có câu hỏi gì khi Elizabeth đột ngột xuất hiện trở lại cùng hai đứa con khác?... Không ai dám tưởng tượng điều gì đã có thể xảy ra cho những nạn nhân bị giam cầm nếu như Josef bị đột tử, hay gặp tai nạn trong những chuyến du lịch dài ngày những năm qua.
Các tình tiết ly kỳ như trong một kịch bản phim hình sự của Hollywood hay trong các truyện trinh thám của nữ văn sĩ Anh Agatha Christie. Chỉ đáng tiếc là không có ai rỗi hơi ngồi ghi nhận các chi tiết bất thường để can thiệp kịp thời mà giải cứu nạn nhân như cô Marple!
Alfred Dubanovsky, người từng trọ trong nhà của Josef Fritzl 12 năm, nói với cảnh sát trong thời gian ngụ tại đây, do phòng nằm ở tầng trệt nên anh thường nghe một số tiếng động lạ dưới sàn nhà nhưng đã dễ dàng chấp nhận lời giải thích của chủ nhà là tiếng động phát ra từ... hệ thống gas dưới hầm!
Những chuyện rất vô lý đó có thể được giải thích đơn giản là thái độ dửng dưng với những người xung quanh. Khi các quyền tự do cá nhân được tôn trọng hết mức thì sự bàng quan trước những gì xảy ra xung quanh mình là tất yếu.
An sinh nhưng ích kỷ
Những cậu bé cầm nến trong buổi diễu hành bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân của nhà Fritzl ở trung tâm Amstetten hôm 29-4
Đối với rất nhiều người, mô hình "xã hội phúc lợi" của các nước vùng Scandinavia như Na Uy, Thụy Điển, nhất là Đan Mạch, là điều đáng mơ ước. Từ năm 1978, Đan Mạch áp dụng chế độ đảm bảo phúc lợi, an sinh xã hội cho mọi công dân, từ khi sinh ra cho đến lúc mất đi. Ngoài hệ thống giáo dục, chữa bệnh miễn phí, người dân còn được trợ giá khi mua vé nghe hòa nhạc, xem kịch... Người thất nghiệp hay không đủ khả năng làm việc được nhận trợ cấp xã hội đủ để sống thoải mái; những người lớn tuổi nếu sống tại nhà riêng, có nhân viên y tế cộng đồng đến chăm sóc sức khỏe, nhân viên vệ sinh đến giúp dọn dẹp nhà cửa; những ai quá già yếu hoặc không thích sống một mình thì đến viện dưỡng lão đầy đủ tiện nghi...
Tuy nhiên theo kết quả một khảo sát của Viện đại học Aarhus công bố ngày 28-4, số người Đan Mạch cao tuổi tự tìm đến cái chết, không vì lý do bệnh tật, đang gia tăng. Đan Mạch có tỉ lệ người tự tử cao so với các nước khác, hằng năm số người chết vì tự tử tại đây cao hơn số người thiệt mạng trong tai nạn giao thông 30%.
Có một lý do mà có lẽ những chuyên gia tâm lý không nhận thấy, hoặc không đặt nặng, là tâm lý "bỏ mặc mọi việc cho nhà nước lo" của nhiều người phương Tây. Họ có quan niệm là phải chịu đóng thuế thu nhập rất cao nên nhà nước có bổn phận chăm sóc sức khỏe người dân. Do đó họ không cảm thấy áy náy khi không chăm sóc cha mẹ hoặc ông bà già yếu, không dành thì giờ thăm viếng đấng sinh thành thay vì đi du lịch mỗi năm hai lần.
Câu chuyện thương tâm của Elizabeth Fritzl vì thế đã và đang khiến nhiều người phương Tây đặt cho mình câu hỏi: liệu họ đang tôn trọng tự do cá nhân nhiều hơn hay đang sống khép kín hơn, bàng quan hơn ngay cả với những người sống cạnh mình?
QUẾ VIÊN
* Miss Marple: một nhân vật nổi tiếng trong truyện trinh thám của Agatha Christie, một phụ nữ độc thân lớn tuổi, chuyên tìm ra lời giải đáp cho những vụ án phức tạp qua khả năng nhận xét tâm lý và phân tích hành vi của những người liên can.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ ngày 06/05/2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét