10 tháng 5, 2008

TRẺ EM TRONG PHÁT TRIỂN


TRẺ EM TRONG PHÁT TRIỂN

Đã có nhiều hồi chuông cảnh tỉnh nhắc chúng ta nhớ đến các yếu tố khác ngoài yếu tố kinh tế trong phát triển : yếu tố môi trường môi sinh, phụ nữ, tính bền vững của sự phát triển, bảo vệ nguồn tài nguyên … Cũng đã có sự quan tâm đến quyền lợi của trẻ em trong tiến trình này, song song với quyền lợi của phụ nữ, liệu các chương trình có thật sự nâng cao mức sống và phẩm chất cuộc sống của họ không? Liệu cơ hội có công ăn việc làm là cơ hội thăng tiến cho chính họ hay lại là thêm một cái ách tròng vào cổ họ? Họ đã bị mất những gì? Họ bị những đe dọa mới nào? Làm sao để tạo cơ hội cho họ có thể tận dụng mặt tích cực của sự phát triển?

Ở đây tôi chỉ xin bàn đến một vấn đề cực nhỏ có liên hệ đến trẻ em trong sự phát triển : sự chăm sóc trẻ. Trẻ vừa được xem như là tài nguyên con người của tương lai cần được đầu tư đúng mức và cần được vun quén cẩn thận ngay từ hôm nay, vừa là thành viên hôm nay của cộng đồng, có quyền thật sự tham gia vào công cuộc phát triển đó và có quyền được thỏa mãn các nhu cầu chính đáng hôm nay của mình dù là trẻ em chưa đủ sức để đóng góp một cách tương xứng. Sự chăm sóc tốt không phải là một vài trường hợp điển hình để ghi thành tích, không phải là những con số thống kê 80%, 90% hay thậm chí 99%… mà là chất lượng của sự chăm sóc 20%, 10% hay 1% số trẻ “khó giải quyết” còn lại. Ở các nước Âu, Mỹ, những con số thống kê “còn lại” này là bài toán chưa tìm được đáp số. Những bộ máy chăm sóc và thanh tra sự chăm sóc cứ ngày một lớn, nay thế này mai biến dạng thành thế kia, nói là để tăng hiệu quả việc chăm sóc trẻ nhưng thực tế cho thấy kết quả thật tồi tệ. Trẻ bị tổn thương lớn dễ lên trong lệch lạc và dễ gây tổn thương cho thế hệ sau đó. Ung nhọt xã hội cứ thế lớn dần. Nhà tù và các nhà trừng giới đã đầy ắp nhưng xã hội vẫn chưa sạch !…

Việt Nam ta cũng không nằm ngoài tình trạng này. Nhưng điều đáng mừng là ta còn đang phát triển, còn có thể lựa chọn cho mình một hướng đi khác thích hợp với bản sắc của mình hơn, còn có thể sắp xếp thứ tự ưu tiên theo cách khác. Một điều qúy giá nữa là nếp sống quây quần, có nhiều liên kết giữa người với người vẫn còn là một thói quen được ưa chuộng trong các “cụm” dân cư có liên đới với nhau : phường, xã, thôn ấp, tổ dân phố, họ hàng bà con, nhóm người sống cùng nghề, thành phần xã hội có nếp sinh hoạt giống nhau …

“Cụm” dân cư theo nghĩa rộng này không nhất thiết là cố định trên một địa bàn nào, cũng không nhất thiết là bao gồm hết thảy mọi hộ cư trú trong địa bàn ấy. Thí dụ cộng đồng của dân Vạn Đò xứ Huế trôi nổi theo dòng Hương Giang, các ghe thương hồ tản mạn ở vùng hạ lưu sông Cửu Long, một nhóm dân di trú tại một phường nọ ở thành phố Hồ Chí Minh, tất cả đều đến từ một làng ở Nghệ An… Tiềm ẩn trong các “cụm” hay cộng đồng này là sức mạnh có thể được khai thác để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng đó và của quốc gia. Tính bền vững của sự phát triển tự trong lòng người dân hẳn không thể nào nghi ngờ được. Các chuyên gia về phát triển đã khám phá ra điều này. Đó đây, các chương trình tín dụng, phụ nữ tín dụng, chuyển giao công nghiệp ở nông thôn, khuyến nông, xóa đói giảm nghèo … đã sử dụng sức mạnh này cho công cuộc đổi mới và phát triển hôm nay.

Thế còn sự chăm sóc cho đàn con trẻ thì sao ?

Như đã nói, đây chính là nguồn tài nguyên chính của tương lai. Ta phải đầu tư phát triển theo lỗi nào đây để nguồn tài nguyên này được sung mãn, tự tin và vui sống?

Bảo rằng con ai nấy nuôi chăng? – Ấy chết ! Sao ta lại nở đánh mất cái sức mạnh vô song của sự hợp đoàn mà ta đã kinh nghiệm được trong sự phát triển! Ta đã góp gió thành bảo qua các chương trình tiết kiệm tín dụng, ta đã thấy nông dân thành công hơn trong các vụ mùa khi họ góp sức hỗ trợ cho nhau khi cần, bằng chương cách “dần công”. Vả lại có ai trong chúng ta dám khẳng định là mình chưa hề có những lúc bối rối lo âu vì không thể chăm sóc con cái được mà cũng không biết cậy nhờ ai như những lúc đau yếu, sanh đẻ, tang tế trong gia đình …

Bảo rằng hẳn cứ lo chăm sóc cho chính con em mình trước đã, con người khác có khổ mấy đi nữa thì cũng “hậu xét”, nếu tiện? – Không “tiện” đâu bạn à vì lẽ con bạn có thể sẽ thuộc 80%, 90% hay 99% công dân tốt về sau nhưng đứa trẻ bị bỏ mặc kia lại rất có thể trở thành 1% không tốt của mai sau và đe dọa sự an vui của con bạn đấy. Hoàn cảnh bất lợi làm tổn thương trẻ ngay chứ không đợi cho ta kịp trở tay huống chi nói tới việc bảo chờ đấy cho đến khi thuận tiện cho ta. Cùng sống trong một cộng đồng, ra vào thấy nhau, trẻ lại dễ lây nhiễm nhau cả điều hay lẫn tật xấu.

Đây là ta chỉ mới bàn đến những lợi hại trực tiếp đến ta và gia đình ta, chưa bàn đến bổn phận tập thể của thành viên người lớn đối với thành viên còn non yếu trong xã hội theo tinh thần của Luật Bảo Vệ và Chăm Sóc Trẻ (1991) và của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Quyền Trẻ Em.

Bảo rằng đây là chức năng của nhà nước, của các Cô Nhi Viện và của các tổ chức xin và cho con nuôi chăng? – Bạn ơi, bạn đã có dịp xa nhà và nhớ quay nhớ quắc rồi chớ? Trẻ con cũng vậy thôi, có khác chăng là chúng nhớ nhiều hơn, đau đớn nhiều hơn và không biết diễn tả tâm tình của chúng như ta mà thôi. Vả lại, nhà nước chỉ là trạm cứu nguy cuối cùng khi các giải pháp khác đã thử và thua. Bạn đã thử chưa? Chắc chắn là chưa vì bạn và cộng đồng của bạn chưa tự trang bị sẵn cho mình những kiến thức, kỹ năng và các tài nguyên cần thiết để thử.

Nếu cộng đồng bạn đang vươn mình phát triển, bạn thử nghĩ xem có phải việc đầu tư cho thế hệ tương lai là một trong những động cơ chánh hay không? Ngoài học vấn, chăm sóc y tế, vui chơi giải trí trong điều kiện bình thường, cộng đồng còn có thể đầu tư cho con em bằng cách xây dựng một cơ chế cưu mang trẻ trong lòng của cộng đồng, bởi những người mà trẻ đã từng quen mặt, đã ít nhiều có biết đến thân thế trẻ và cha mẹ trẻ. Khi có được cơ chế này, biến cố trọng đại như cha mẹ đột xuất qua đời, gia đình ly tán không còn gây quá nhiều thương tổn cho trẻ. Hướng đầu tư có thể là :

- Tạo cơ hội vui chơi giải trí với bạn bè trang lứa để giảm thiểu số trường hợp bị cô lập, để nhận ra vấn đề sớm.
- Xác định người chuyên trách và tạo điều kiện để việc làm với trẻ của người này được lồng ghép chặt chẽ với các sinh hoạt khác trong cộng đồng.
- Xây dựng một qũy địa phương dành riêng cho việc hỗ trợ việc làm với trẻ trong cộng đồng.
- Sử dụng / hợp tác với các đoàn thể, các trường đào tạo về ngành Công tác xã hội để cập nhật hóa kinh nghiệm và kiến thức trong cộng đồng về cách hỗ trợ gia đình nuôi dạy trẻ, về cách tổ chức sẵn những hộ có người thường xuyên ở nhà có thể trông nom trẻ khi cần.

Như vậy, sự chăm sóc trẻ không giới hạn trong gia đình mà trách nhiệm này còn là của cộng đồng nữa.

NGUYỄN THỊ PHƯỚC

Không có nhận xét nào: