13 tháng 5, 2008
TÂM LÝ NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY
TÂM LÝ NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY
Th.S. Nguyễn Ngọc Lâm biên soạn
Trước hết xin được có lời hoan nghênh tinh thần tình nguyện của các bạn đến một nơi mới rất đáng phải đến và những nơi này rất cần các bạn đến. Có thể nói đây là một môi trường hết sức phức tạp và khó khăn, theo tôi còn khó hơn nhiều đi giúp làm đường Trường Sơn vì nó không đòi hỏi sức lực mà nó lại cần trí lực, tình người, am hiểu tâm lý con người trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thái độ phù hợp, kỹ năng tiếp cận trong một mối quan hệ không cân bằng ( một bên tự đánh giá mình rất thấp và một bên tự đánh giá mình rất tích cực). Vì thế mà các bạn phải tham dự một khóa tập huấn đặc biệt trước khi lên đường. Tôi mong rằng đề tài “Tâm lý người nghiện” sẽ giúp ích cho các bạn phần nào trong hành trang của các bạn.
Bài này gồm 3 phần :
1. Tình hình chung về người nghiện ma túy
2. Tâm lý người nghiện ma túy
3. Chúng ta phải đối xử với họ như thế nào ?
Chú trọng đến giới thanh thiếu niên.
I. TÌNH HÌNH CHUNG VỀ NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY.
Theo UNDP, hiện VN có khoảng gần 200.000 người nghiện ma túy(70% là dưới 30 tuổi, hơn 30.000 là SVHS). Theo Chi cục Phòng Chống TNXH, TP.HCM. có khoảng 20.000 người nghiện. Tính đến cuối tháng 6 năm 2002, thành phố HCM đã tập trung 17.081 đối tượng nghiện tại các cơ sở chữa bệnh tập trung.
Theo thống kê riêng của Trung Tâm Nhị Xuân thuộc LLTNXP, dựa trên số người nghiện tại Trung tâm nay :
- Về mức độ nghiện : 40% nghiện nhẹ, 50% trung bình và 10% nghiện nặng.
- Về thời gian nghiện : 30% dưới 01 năm, 44% từ 1 – 3 năm và 26% trên 3 năm.
- Về số lần sử dụng ma túy trong ngày : 70% 3 lần/ngày, 26% 3 – 6 lần/ngày và 4% trên 6 lần/ngày.
- Về tình trạng nghiện : 42% nghiện lần 1, 32% tái nghiện lần một lần, 26% tái nghiện trên 2 lần.
Nguyên nhân nghiện ma túy :
Có nhiều nguyên nhân, có thể nói là chùm nguyên nhân, tương tác lẫn nhau.
Đối với TTN, đó là tuổi hướng ngoại, tâm lý chưa ổn định, thiếu tự tin, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi bạn bè cùng lứa tuổi, rất chủ quan, dễ dao động, dễ thụ động trong quan hệ bạn bè, thường nhìn cha mẹ như là biểu tượng của sự cấm đoán nên đến bạn bè để có sự đồng cảm( cho rằng bạn bè hiểu mình hơn cha mẹ).
Một số hoàn cảnh đưa TTN đến với ma túy :
- Buồn rầu, chán nản, sợ sệt vì thất bại trong học tập hay trong quan hệ bạn bè, vì cha mẹ bất hòa, gia đình xung đột, các em cảm thấy bị bỏ rơi về tinh thần ngay trong chính gia đình mình cho dù được chu cấp vật chất đầy đủ.
- Sự kích thích bên ngoài như hình ảnh, âm thanh, mùi vị liên quan đến ma túy.
- Các chuyến đi chơi xa do các em tự tổ chức.
- Ý tưởng đua đòi ngang bằng hay hơn bạn bè.
- Muốn thử sức mình, hút thử ma túy để tỏ ra từng trải. Một người nghiện trẻ tuổi cho biết :”Những lần vui chơi với bạn bè tôi thấy chúng bạn có nét gì là lạ. Khi hút xì ke làm tôi không kềm hãm được sự tò mò, tôi hút thử, lúc hút tôi nghĩ mình chơi cho biết chứ không bao giờ để đam mê. Vã lại,hút một hai lần chắc không sao. Nhưng sao một thời gian ngắn, tôi thử bỏ không hút thì thấy người khó chịu, muốn bệnh. Dần dần tôi không biết mình nghiện từ lúc nào.”
Theo Chi cục PCTNXH TP.HCM., có 7 dạng gia đình dễ bị ma túy xâm nhập :
1. Gia đình có tham vọng cá nhân cao : quyền lực, chức vụ, giàu có,.. nên không có thời gian chăm sóc con cái.
2. Gia đình bị tai họa bất ngờ : hỏa hoạn, tai nạn, thiên tai, người thân mất, bị cướp bóc..
3. Gia đình bất hòa, xung đột, cha mẹ ly thân, ly dị..
4. Gia đình không toàn vẹn : mồ côi cha mẹ
5. Gia đình quá nghèo
6. Gia đình có người nghiện, hoặc có người dính vào tệ nạn xã hội
7. Gia đình nuông chiều con quá mức.
Các giai đoạn của quá trình cai nghiện : Có 5 giai đoạn
Giai đoạn 1 : Phân loại mức độ nghiện ( trong ngày )
Giai đoạn 2 : Giai đoạn cắt cơn ( từ 10 đến 15 ngày ). Nên nhớ là việc cắt cơn không phải là chữa khỏi nghiện ma túy. Đây là giai đoạn người nghiện vượt qua cơn đau đớn vật vã do thiếu thuốc, cơ thể phản ứng đòi thuốc. Đây là sự biểu hiện của sự lệ thuộc ma túy về mặt thể chất : trong cơ thể của chúng ta đã có một chất endorphine có tác dụng giảm đau như ma túy do não tiết ra khi cần, khi người nghiện đưa ma túy vào thì chất này trong cơ thể không tiết ra nữa, và khi không có chất ma túy vào cơ thể thì cơ chế sinh lý của cơ thể bị mất cân bằng và gây phản ứng. Người nghiện được chăm sóc bằng thuốc tây y hoặc y học dân tộc, được châm cứu, xoa bóp. Đây là bước đầu của quá trình cai nghiện về mặt sinh lý. Nhưng vấn đề quan trọng là sự lệ thuộc về mặt tâm lý vì người nghiện luôn nhớ đến ma túy và thèm khát nó(nhớ cái cảm giác khoái cảm khi sử dụng ma túy và nó nằm sâu trong tiềm thức – Năm 1957 tại Sàigon, một thanh niên 20 tuổi do nghiện mà gây trọng án nên bị chính quyền Sàigon cũ đày ra Côn Đảo và tại đây do không có ma túy nên y đã quên hẳn nó. Đến năm 1975, sau 20 năm, được giải phóng về Sàigon, nơi đầu tiên mà y tìm đến là động ma túy).
Giai đoạn 3 : Sau khi cắt cơn, người nghiện rất yếu về thể xác và tinh thần nên phải được phục hồi chức năng cơ thể, được tham vấn và giáo dục về lối sống, được tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, lao động nhẹ. Giai đoạn này kéo dài 3 tháng.
Giai đoạn 4 : Học nghề, học văn hóa, tạo việc làm ( tham gia công tác tình nguyện)
Thời gian là 18 tháng đến 2 năm.
Giai đoạn 5 : Hội nhập xã hội, quản lý tại cộng đồng.
II. TÂM LÝ NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY
1. Người nghiện là người có tâm sinh lý bị rối loạn trong một thời gian dài. Họ mang tâm trạng hai chiều, mâu thuẩn, vừa thèm muốn ma túy vừa muốn chống lại hành vi ấy và sự biểu hiện của nó là hay phủ nhận, không chú ý hay tỏ ra ít hiểu biết về ma túy. Chúng ta cần lưu ý là không có người nghiện nào mà không ý thức được hành vi của mình. Họ rất biết việc làm sai trái của họ, điều khổ tâm vô cùng là họ không thể cưỡng lại được nên họ rất đau khổ và nhớ rõ trước khi họ nghiện họ là người đàng hoàng, là người tốt ( năm 1992, có một thanh niên nghiện ma tuý, có vợ đẹp và một đứa con thơ, vợ khuyên can chồng mãi không được, và báo trước cho anh là nếu lần này anh tiếp tục nghiện thì vợ và con sẽ chết. Anh không bỏ được, nên người vợ đã bóp mũi đứa con đến chết và tự sát chết theo). Vì thế mà chúng ta không nên nghĩ người nghiện là kẻ vô lương tâm, chuyên quậy phá, thật ra vấn đề quậy của họ chì là “bề ngoài” còn cái quậy bên trong của họ còn khốc liệt hơn nhiều. Họ ý thức rất rõ về sự tác hại của ma túy, họ không muốn nhớ đến nó nhưng nó cứ hiện ra, muốn chạy trốn, nhưng họ không thoát được.
2. Không có người nghiện nào không muốn bỏ nghiện : Họ đã cố gắng bỏ và cũng có lần bỏ được, nhưng rồi lại tái nghiện. Sự thất bại nhiều lần của bản thân, cũng như của bạn bè, đã làm cho họ mất niềm tin nơi bản thân, buông trôi rồi tự cho là số phận. Họ tự tìm an ủi từ cảm hứng của ma túy, đó là cái vòng luẩn quẩn nguy hiểm của ma túy. Vì thế sự hỗ trợ giúp họ đòi hỏi sự kiên trì, cần có thời gian lâu dài, cần có sự hiểu biết về họ.
3. Đa số người nghiện đều có hoàn cảnh đặc biệt do tác động của gia đình, bạn bè, kinh nghiệm bản thân và của môi trường xã hội. Họ thường trầm cảm, mang hình ảnh xấu về chính mình, buồn chán, cảm giác bị bỏ rơi, bị mọi người xa lánh, họ thiếu lòng tin nơi chính họ và nơi người khác, họ tự tạo một vỏ bọc bao quanh mình, sống co rút, cô đơn, ít giao tiếp, luôn phòng vệ nên khả năng diễn đạt vấn đề của họ kém, họ thiếu thành thật, thường nói dối quanh co và thiếu lòng tự trọng. Vì thế họ rất cần được chấp nhận ( chấp nhận họ là một con người và có quyền được giúp đỡ)
4. Trạng thái tâm lý của người nghiện rất phức tạp, thay đổi theo nhiều giai đoạn. Mỗi giai đoạn đều tưởng ứng với một cách thức tiếp cận khác nhau. Nếu tiếp cận không đúng cách thức, không phù hợp thì dễ thất bại. Chúng ta càng tìm hiểu họ đang ở giai đoạn nào và chúng ta không ngần ngại trao đổi thường xuyên với các giáo dục viên của trung tâm cai nghiện vì họ là người có nhiều kinh nghiệm về người nghiện.
5. Hiện nay, các cơ sở chữa bệnh tập trung đang bị quá tải. Với nhân sự và điều kiện phương tiện hỗ trợ còn giới hạn, dù có hết sức tận tâm cách mấy cũng không thể chu đáo được trong khi người nghiện thì rất đa dạng : hiền có, dữ có, dân giang hồ anh chị đều có, thường hăm dọa, thóa mạ cán bộ nhân viên phục vụ khi không được vui. Những người nghiện quen được nuông chiều, chơi bời lêu lổng vì gia đình bắt buộc vào đó nên tâm lý họ không nhiệt tình chữa trị. Những người bị nhiễm HIV/AIDS thì chỉ muốn “phê” thuốc trong những ngày cuối đời, sống buông thả, có lúc hù dọa buộc y tá phải chích cho họ thuốc Valium (loại thuốc gây nghiện).
6. Hầu hết những người nghiện là những người có giới hạn về kỹ năng sống : Học hỏi kỹ năng sống là học hỏi nhận biết về mặt mạnh và mặt giới hạn của mình, tức là kỹ năng suy nghĩ và kỹ năng hành động,đó là kỹ năng ngôn ngữ, khả năng phân tích hành vi của mình. Nếu chúng ta có kỹ năng sống, chúng ta sẽ sống khỏe và lành mạnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có 10 kỹ năng sống :
1. Kỹ năng tự quyết định
2. Kỹ năng tự giải quyết khó khăn
3. Kỹ năng suy nghĩ sáng tạo
4. Kỹ năng suy nghĩ có phê phán, nhận biết cái gì sai, cái gì đúng
5. Kỹ năng truyền thông có hiệu quả
6. Kỹ năng tạo mối quan hệ cá nhân
7. Kỹ năng tự ý thực về mình
8. Kỹ năng đồng cảm với người khác
9. Kỹ năng đương đầu với cảm xúc
10. Kỹ năng đương đầu với căng thẳng(stress).
Họ rất cần được giúp tăng cường các kỹ năng này trong tiến trình thay đổi hành vi, nhưng sự giúp đỡ này đòi hỏi phải có kiến thức và kỹ năng chuyên môn về tâm lý và công tác xã hội.
III. CHÚNG TA ĐỐI XỬ VỚI HỌ NHƯ THẾ NÀO ?
1. Chúng ta đến với họ bằng cả tấm lòng yêu thương, chân thật, không gò bó, không giả dối, chấp nhận họ, tin tưởng ở khả năng thay đổi lối sống của họ. Chúng ta phải là người lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống thì niềm tin này của chúng ta mới truyền được qua cho họ.
2. Chúng ta luôn luôn lắng nghe họ, quan tâm đến vui buồn của họ, quan tâm đến các điểm mạnh, sở trường của họ để có thể khen ngơi, cỗ vũ khích lệ đúng lúc, giúp họ thay đổi dần hình ảnh bản thân tích cực hơn và luôn nhắc nhở họ : “Bạn là con người, một người có đầy đủ khả năng sống và làm việc như người bình thường mà không có ma túy”.
3. Chúng ta giúp họ thử thách từ việc nhỏ đến việc lớn, từ đơn giản đến phức tạp để họ dần dần cải thiện lòng tin nơi chính bản thân họ vì tiến trình thay đổi của họ là một tiến trình đầy cam go và thử thách, đứng lên rồi vấp ngã, chúng ta phải biết dìu họ đứng lên mỗi khi họ vấp ngã.
4. Chúng ta cần đối thoại với họ bằng những câu hỏi mở, nhấn mạnh vai trò của họ, kích thích họ suy nghĩ, kích thích động cơ thay đổi hành vi, không đối thoại dài dòng khiến họ mệt mỏi và chán ngán, không tranh cãi vì tranh cãi làm tăng sự kháng cự nơi người nghiện.
5. Chúng ta không quy kết họ bằng những từ không thiện cảm mà xã hội đang lên án (như những từ yếu đuối, ăn chơi, ăn cắp, thiếu trách nhiệm, thiếu cố gắng, biếng nhát…), quan tâm nhiều những mặt mạnh, những khó khăn của họ (“Tôi biết bạn đau khổ lắm”) và gia đình họ.
6. Chúng ta cần tạo điều kiện cho họ sinh hoạt theo nhóm nhỏ và giúp từng người phát biểu trước tập thể nhóm, giúp họ phân tích những hành vi, tình huống nào là bình thường và hành vi nào là không bình thường. Họ sẽ biết hành vi của chính họ thông qua sự phản hồi của các thành viên khác trong nhóm ( họ khám phá về họ và đó là cơ sở của sự thay đổi hành vi) và qua đó họ được học để hiểu rằng họ không phải là người xấu, họ có thể có những suy nghĩ, những tình cảm đúng đắn của mình để nhận xét giúp đỡ người khác trong cùng nhóm hoặc ngoài nhóm.
7. Chúng ta phải là những tấm gương sáng, là những mồi lửa niềm tin và yêu thương và được họ nể trọng, để họ tin rằng vẫn còn có người yêu thương họ. Bất kỳ một thái độ biểu hiện không tốt nào cũng gây cản trở cho quá trình trị liệu. Cần giữ một khoảng cách nhất định trong mối quan hệ, nhất là mối quan hệ khác giới.
8. Chúng ta nên tuân thủ tốt các quy định của nơi mà chúng ta đến phục vụ để phòng ngừa sự lây lan các bệnh truyền nhiểm và cũng để có sự hợp tác tốt trong việc thực hiện các mục tiêu chung.
KẾT LUẬN :
Môi trường tập trung người nghiện là môi trường phức tạp và khó khăn, người nghiện có nhiều mặc cảm, sinh hoạt rất phức tạp và luôn biến động về mặt tâm sinh lý. Công tác hỗ trợ người nghiện đòi hỏi rất nhiều về kiến thức và kỹ năng chuyên môn để có thể chuyển đổi từng con người ra khỏi ma lực của ma túy. Nhiệm vụ của các cơ sở này là cứu giúp từng người một, từng số phận có hoàn cảnh khác nhau, giúp họ phục hồi giá trị của chính họ. Rất mong những hiểu biết ngắn gọn trên đây sẽ giúp các bạn hoàn thành nhiệm vụ trong tháng tình nguyện tới đây. Những ngày mà các bạn ở bên cạnh họ, bạn sẽ thấy họ đáng thương hơn là đáng ghét. Những ngày đó sẽ là những ngày mà các bạn sẽ trằn trọc suy nghĩ mãi về số phận con người và tôi tin rằng các bạn sẽ tự đặt câu hỏi :”Tại sao họ lại như thế?” và “tại sao tôi lại ở đây?” và sau đó các bạn sẽ tự cảm thấy mình hạnh phúc.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
em thấy rằng nghiên cứu trên rất là bổ ích và thiết thực. em mong các bạn trẻ hỹa lên những trang wed có nọi dung tiến bộ và cập nhật như thế này.hi vọng tác giả còn tiếp tục nghiên cuu để chung em tiếp cân nguồn thông tin nóng hỏi và thời sự này.
Đăng nhận xét